Hàn Mặc Tử anh tôi - Chương 5 - Phần 2

Một trong những dây thần kinh (nói là bệnh hoạn đó) rất bén nhạy về âm nhạc.

Thơ Anh viết ra, lời thơ ngâm lên như điệu nhạc.

Ông Trần Thanh Mại cùng nhóm bạn thân gần Anh, đều công nhận như thế. Có nhiều người bạn ngâm thơ hay như một bài ca nhạc, chú Hiếu, em tôi cũng nổi tiếng ngâm thơ Hàn Mặc Tử rất hay.

Ông Mại còn nói: “Nhạc trong cả lối dàn chữ, trên mặt giấy cũng giống y như những dấu hiệu trên bản đàn.

Trong các bài thơ khác của Hàn Mặc Tử, không có bài nào không giống theo âm nhạc. Mặt khác, thơ tám chữ của Anh được lựa chọn theo kĩ thuật ngắt quãng ở chữ thứ ba, đều thuộc trường bình thanh hoặc đoản bình thanh. Vì vậy, thơ Anh nghe như nhạc.

Riêng về phương diện nhạc trong thơ, Anh đã ảnh hưởng to lớn đến làng thơ Việt Nam.”

Thường có những bài ưa thích, Anh Trí hay ngâm lên giọng trầm buồn, khi thì xuýt xoa tha thiết, khi thì đều đều như tụng kinh.

Có lẽ Anh ngâm theo mường tượng một bản nhạc Huế cổ điển quen thuộc mà Anh rất ưa thích, thường bảo tôi đàn cho Anh nghe với cây đàn nguyệt trong nhà.

Tuy Anh không biết đàn, nhưng rất thính tai, nghe được cả âm ba của tiếng đàn nguyệt khi giao thanh nối điệu. Nhất là trong hai bản Nam ai và Nam bằng, đặc biệt là bản Nam bằng mà Anh say mê kì lạ.

Nam bằng là bản cổ nhạc Huế, được tương truyền do một cung nữ theo hầu Công chúa Huyền Trân đời Trần vào làm dâu Chiêm quốc, sáng tác phỏng theo âm điệu Khơme của các sư sãi đã tấu lên trong lễ nghi phụng vụ ở đền Vua.

Âm điệu nhịp nhàng, lơ lớ như giọng “Khèn”, khi thì trầm vọng như Hồ Huyền, rời rạc và đều đều như tụng niệm gần xa.

Thời bấy giờ, hai bản Nam ai và Nam bằng được ưa chuộng nhất ở miền Trung do hai cô Nhơn và cô Dung (quen gọi là “Mệ Dung” đơn ca).

Một người Đức, chủ hãng đĩa hát Béka thường hay ra Huế thu âm các bản ca Huế gởi về nước.

“Mệ Dung” (không biết có phải thuộc hoàng tộc hay không) nổi tiếng với bản Nam bằng, người Quảng Trị, trong bài ca “Nước non ngàn dặm ra đi” giọng hơi đực đực rất trầm, khiên nhiều người nghe say đắm, trong số đó có anh Trí.

Nam bằng khác với Nam ai ở chỗ không lả lướt trữ tình mà lại nghe như niềm tiết hận xa xưa, vì vậy khó đàn cho hay.

Thời ấy, ít người đàn được xem là tuyệt kĩ, ngoại trừ Cả Soạn có thể xem là mẫu mực, còn lại Đội Trác và Tôn Út là hai cây đàn nguyệt theo được giọng ca cô Dung.

Bản đàn theo nhịp ba, ngón tay trên phím chỉ nhấn nửa vời để lướt vội âm hưởng qua phím khác, mà vẫn giữ nguyên âm bình thường.

Tiếng đàn vì vậy nghe hơi “dựng” như nhạc Khơme, không gấp nhưng không lơi.

Nhiều đêm đang ngủ, anh Trí gọi dậy: “Bây giờ yên lặng, đàn vài bản chơi Tín nghe”. Anh thường nói: “Tao thích bản Nam bằng. Nghe nó như sống lại với dân Hời trong nghẹn ngào tiếc hận” rồi anh ngồi thừ ra, im lặng để tận hưởng hết âm thanh.

Về sau, Anh có ghi nhận những cảm xúc đó trong bài “Đàn Ngọc” bài thơ tám chữ, ngắt quãng ở nhịp chữ thứ ba.

...

Rồi muôn xuân, đã nư chiều thổn thức

Đều run lên, như thể tấm hồn mơ

Ai reo chi, thương tiếc giữa đường tơ

Cho lỡ dở vang lên từng tiếng nấc.

Nguồn ánh sáng lờ đi trong sự thực

Trong ảo huyền và trong cả mê li

Ai nỡ nào cắt nghĩa tới hàng mi

Là ứ lại là trào ra nước mắt

Bằng trăm tiếng vẽ ra trăm màu sắc...

Có lẽ anh đã thực sự bị ảnh hưởng trầm buồn của bản nhạc Nam bằng, mà Anh nghe hơi hám nhạc Hời.

Đã vậy mà hai tiếng Chăm hay Hời cũng dễ đụng chạm đến cảm xúc đó. Anh nói: “Hoan có cái tên cũng hay, nghe hơi Chăm, chắc vì vậy mà anh ưa Chế Lan Viên và hay gọi anh là Chế Bồng Hoan.”

Do đó, lối thơ tám chữ, có chỗ bắt nguồn từ điệu Nam bình mà “hời” bình thanh nghe cũng “dựng” như nhạc Hời.

Đây, vườn trăng, tình căng lên muốn đứt

Thương toàn thương, đương vây muôn giây hường.

...

Nhạc điệu trong thơ tám chữ của bài “Trường tương tư” mà chú Hiếu hay ngâm lên như bài ca nhạc, Anh rất thích.

Hiểu gì không ý nghĩa của trời thơ

Của hương hoa, trong trăng lờn lọt bảy

Của lời câm muôn vì sao áy náy

Hiểu gì không, em hỡi, hiểu gì không?

...

Cho rằng hường vấn vương muôn ngàn sợi

Cho em buồn trời đất úa sương khuya

Lệ Kiều ơi, em còn giữ ý thơ

Trong đôi mắt mùa thu, trong leo lẻo.

Ở xa xôi, lặng nhìn anh khô héo

Bên kia trời, hãy chụp cả hồn anh.

...

Một khối tình, nức nở giữa âm u

Một hồn đau rã rời theo mây khói

Một bài thơ, cháy tan trong nắng dội

Một lời run hoi hóp giữa không trung.

*

2. BỆNH NAN Y

Khoảng đầu năm 1935, khi anh Trí từ Saigon trở về Quy Nhơn, trông Anh có vẻ trắng trẻo đẹp ra, nhưng nhìn kĩ thì bên má trái, có nhiều đám đỏ hồng hồng bằng đồng xu.

Ban đầu không ai để ý, nhưng một hôm Anh thay áo, Mẹ tôi trông thấy phía sau lưng có nhiều chỗ nổi dát đỏ như vậy, trông như dị ứng khi ăn phải các thứ tôm cá có độc mà vốn Anh không hề ăn được.

Bà cụ hỏi những vết đỏ có từ bao giờ, Anh bảo không hề lưu ý, nên không biết đích xác. Thật ra, những vết đó khi ẩn khi hiện.

Hỏi anh Bửu Đông, anh cho là dị ứng, một thứ phong máu (allergie) gì đó, thế rồi cũng bỏ qua.

Tuy nhiên, mẹ tôi linh cảm có chuyện chẳng lành. Bà vặn hỏi mãi Anh kể chuyện một hôm cùng người bạn đi chơi Phan Thiết, gần tối băng qua một cánh đồng, thì gặp phải cơn mưa dông dữ dội. Sợ hãi quá, cùng vào ẩn trong một chòi tranh đổ nát. Hồi lâu, mưa tạnh toan ra đi, thì thấy nhiều quả cầu lửa màu xanh từ dưới đất phọt lên, bay lơ lửng. Bấy giờ mới nhận ra đang ở trong nghĩa địa, cái chòi gần bên nấm mả mới.

Bà cụ hỏi anh về nhà có xông tắm gì không. Anh nói quên khuấy đi vì vội lên xe về Saigon.

Mọi người nghĩ là Anh bị mắc hơi dưới mộ.

Tuy lo thì cứ lo vậy thôi, không biết phải làm gì được vì đã lâu rồi.

Mấy tháng sau, những dát đỏ hơi sưng lên, như những đám ngứa sương sương mà người ta gọi là mề đay (Urticaires).

Mẹ tôi đâm lo, mời ông đông y sĩ có danh là Thầy phụ tử (nổi tiếng nhờ dám bốc một thang thuốc có một lượng phụ tử là đều cấm kỵ trong nghề thuốc).

Mẹ tôi tin ông giỏi vì đã cứu sống chị Như Lễ khỏi bệnh thương hàn đã “nhập lí” nhà thương Pháp chạy.

Ông đến bắt mạch cho anh Trí nói anh bị chứng phong. Chữ phong trong Đông y nhẹ thì gọi là phong sang (ghẻ ngứa v.v..) nặng là phong hủi, cũng đều là máu có chất độc. Đông y thường gọi Phong, lao, cổ, lại tứ chứng nan y.

Uống mười thang bổ huyết khu phong, vẫn không thuyên giảm.

Cuối năm, lại thấy hai tai Anh, thùy châu bắt đầu ửng đỏ. Triệu chứng phong đủ nặng, nhưng Anh vẫn cảm thấy bình thường. Cả nhà bắt đầu lo sợ, nhưng không ai nói gì cho Anh biết.

Cũng thời gian đó, con trai nhà triệu phú họ Tạ, cùng lứa tuổi với Anh đang có nhiều triệu chứng phong rõ ràng như hai tai dày, mũi lớn phồng và hai môi sưng vếu.

Cả nhà đều giấu nhẹm không cho anh Trí hay.

Anh Bửu Đông lấy máu ở tai, ở mũi đem về bệnh viện phân tích vì anh Đổng phụ trách phòng thử sâu (Bactériologie) cũng không có Hansen, một thứ trực khuẩn có tên gọi là Mycobacté rium Léprac, gây ra bệnh cùi, nhưng lại khó lây, thầy dạy của BS Hansen đã thí nghiệm chích Hansen vào máu mà không việc gì.

Phần anh Trí vẫn vui vẻ, bạn bè thường quay quần lui tới ngâm vịnh thi ca, lúc bấy giờ tại số 20 đường Khải Định. Đông đảo nhất là từ giữa năm 1936 có vẻ như các bạn anh cũng không quan tâm gì.

Cuối năm ấy Anh hồ hởi xuất bản tập thơ “Gái quê”, và đi lại nhiều lần giữa Saigon, Quảng Ngãi, Huế.

Ở Saigon về, Anh cho biết bà Bút Trà mời Anh vào chủ biên tờ Phụ nữ Tân văn sắp xuất bản. Anh có vẻ vội vã nôn nóng lành bệnh.

Mẹ tôi phải mời một thầy ngoại khoa tiếng tăm ở Gò Bồi xuống chữa cho Anh.

Ông xem mạch cho và bán một tể thuốc, dặn dò cẩn thận phải uống đúng liều lượng, vì thuốc mạnh lắm.

Được nữa tháng, các vết đỏ biến mất gần hết, chỉ còn hai thùy châu ửng đỏ thôi.

Anh Trí rất tin tưởng, bắt đầu nói chuyện làm báo. Anh gởi thơ cho bà Bút Trà, hẹn ngày vào nhận việc.

Vì vậy, anh càng nôn nóng muốn rút ngắn thời gian uống thuốc để kịp vào Saigon.

Bỗng một hôm, đang ngủ, Anh cong người lên ngã xuống đất. Cả nhà hoảng sợ, nhưng Anh vẫn bình tĩnh, xem như không việc gì xảy ra. Hỏi kĩ, Anh thú nhận đã uống gấp đôi liều lượng quy định để cho mau hết tể thuốc.

Vội mời ông thầy Gò Bồi xuống, ông bảo phải đưa anh lên Gò Bồi để ông chăm nom, nhất là Anh bị thuốc công phạt nên trông tiều tụy rõ hơn.

Từ đó bệnh anh như cầm chừng lại. Anh ăn rất ít và gầy sút đi trông thấy.

Năm sau, tôi phải đổi lên Đà Lạt và ở luôn trên đó chỉ thỉnh thoảng năm, ba tháng mới về thăm, nên không theo dõi được diễn biến bệnh trạng.

Bấy giờ Anh lại trở về Quy Nhơn để uống thuốc một ông Đông y sĩ chính cống khác. Ông này bảo nội tạng anh hư hỏng nặng cần phải nghỉ ngơi để bồi dưỡng.

Thuốc ông cũng công hiệu. Trong sáu tháng, Anh có da thịt lại. Thấy Anh đi hơi khập khiễng, tôi hỏi thì Anh bảo đau nhức nơi đầu gối. Có lẽ suốt thời kì anh đau, đây là lần thứ nhất tôi nghe anh kêu đau vì nhức nhối.

Hậu quả, thuốc Gò Bồi đã làm anh đau nhiều chỗ nữa mà ông Đông y cho là độc dược luyện bằng nọc độc mai gầm, rắn hổ.

Kinh tế gia đình, bắt đầu bấn loạn. Mỗi tháng tôi phụ thêm ba mươi đồng mà vẫn không đủ.

Thuốc đắt mà giao tế cũng tốn kém rất nhiều. Khi thì xem mạch uống đôi ba thang, lại đổi thầy khác. Đó là chưa nói “chuyện phải chăng” với ông Lí Trưởng với Cò bót, vì lâu tiếng Anh Trí có bệnh truyền nhiễm.

Vậy mà hễ nghe nói có thầy hay ở đâu là mẹ tôi cho mời có khi chữa vài tuần, có khi vài tháng lại bỏ dở.

Gia đình tôi lại phải dọn về đường Oden d’hall để tránh dòm ngó của nhà chức trách.

Tuy anh không đau đớn lở lói, nhưng thân thể gầy sọp đi, nước da thâm nâu như tô lên thứ thuốc vẽ nước màu Sépia, chỗ đậm chỗ lợt. Người ta nhìn vào, không thể không nghi là bệnh lạ. Nhất là bạn bè hay lui tới bàn tán về Anh có thể lên tiếng gây dư luận bất lợi.

Thế rồi, một võ sư kiêm thầy lang, được ông Quách Tấn giới thiệu đến cho thuốc.

Uống thuốc của ông võ sư mấy tháng anh Trí nói không thấy đau nhức gì (như thường lệ, Anh trả lời ai hỏi Anh về bệnh trạng). Nhưng anh lại không ăn uống gì khác, ngoại trừ món canh bầu anh ưa thích vì nhẹ ruột.

Một hôm ở Đà Lạt về, tôi thấy mẹ băn khoăn với mấy vị thuốc mã tiền, phượng vĩ là hai vị có khả năng trục huyết bầm. Cuối cùng thì cứ sắc cho anh uống.

Tôi mang mỗi thứ của thang thuốc vào Nha Trang, nhân dịp đi thăm bà con, để nhờ ông Bá Thảo Đường, thầy thuốc tàu quen biết xem lại.

Ông này bảo ngưng ngay, khi tôi tả bệnh trạng của Anh Trí. Ông nói: “Thuốc này chỉ chữa bệnh cấp thời các chứng bệnh bị đả thương, người yếu không thể dùng được, sợ khô hết huyết.”

Những năm 1938, 1939 nhất là năm 1939 Anh đau dữ dội hơn hết. Tâm trạng Anh biến đổi nhiều mà tôi đọc được qua thơ anh. Giai đoạn này. Anh sống nửa mơ nửa thực, thường hay xuất thần không biết gì. Có lẽ nhờ vậy mà Anh không cảm thấy đau đớn chăng?

Theo lời em Hành kể lại, thì có nhiều giờ Anh ngôi yên lặng trên ghế không cử động, nhưng khi bị gọi, thì Anh lại tỉnh táo như thường.

Anh đau ai cũng biết, nhưng không nghe Anh rên xiết vậy mà thơ anh lại có nhiều lúc hoảng hốt lạ lùng, như bị một ám ảnh nào đó phá phách xô đẩy Anh khủng khiếp, Anh viết trong bài:

HỒN LÀ AI

Hồn là ai, là ai tôi chẳng biết

Hồn theo tôi như muốn cột tôi chơi.

...

Hồn đã cắn đã cào nhai ngấu nghiến

Thịt da tôi sượng sần và tê điếng.

Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên

Và Anh chống cự:

Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm

...

Rồi bay lên cho tới một hành tinh

Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình

Để gào thét một hơi cho rởn óc.

Cả thiên đàng trần gian và địa ngục...

Những khi di chuyển đó đây, trên bờ biển hiu quạnh, trong thôn xóm chơ vơ, Anh không khỏi có lần phải hoảng sợ vì nhiều hình ảnh ma quái bám sát bên Anh, những đêm dài vô tận mà Anh ghi lại trong bài:

CÔ LIÊU

Tôi ngồi dưới bãi đợi nường mơ

Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ

Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng

Rung từng không khí bạt vì lo

Ai đi lẳng lặng trên làn nước.

Với lại ai ngồi khít cạnh tôi

Mơ sao, ngậm cứng thơ đầy miệng

Không nói không rằng nín cả hơi

Chao ôi, ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời.

Hoặc một nỗi cô đơn dằn dặt mà Anh than thở trong bài:

NHỮNG GIỌT LỆ

Trời hỡi! Bao giờ tôi chết đi

Bao giờ tôi hết được yêu vì

Bao giờ mặt nhật tan thành máu

Và khối lòng tôi cứng tơ si

Tôi vẫn còn đây, hay ở đâu

Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu

Sao bông phượng nở trong màu huyết

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu...

Có những lúc dồn ép cơn đau đến tột độ:

... Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lần thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man chết điếng cả làn da

Cứ để ta ngất ngư trong vùng huyết...

Và có những lúc Anh ngất đi, mơ hồn lìa khỏi xác, mà trong bài thơ “Hồn lìa khỏi xác” Anh kể lại:

... Há miệng cho hồn vảng lên muôn trượng

Chơi vơi trong khí hậu chín tầng mây

Ánh sáng lạ sẽ tan vào hư lãng

Trời liêng thiêng cao cả gợn nồng say.

Vì không giới nơi trần gian vắng lặng

Nên hồn bay vùn vụt tới trăng sao

Sóng gió nổi rùng rùng như địa chấn

Và muôn vàn thần phách ngả lao đao

Cả hơi hám muôn xưa theo ám ảnh

Hồn chơ vơ không biết lạc về đâu

Và vướng phải muôn vàn tinh khí lạnh

Hồn mê man bất tỉnh một hồi lâu

Rồi sảng sốt bay tìm muôn tử khí

Và muôn sao xa cách cõi hoang sơ

Hồn cảm thấy bùi ngùi như rướm lệ

Thôi, hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ...

Tuy nhiên, trong những cơn mê loạn đó, Anh còn tìm được một lối thoát ra ngoài thực tại, để quên đi bệnh hoạn đang dày vò và để tìm lại cái tiên phong đạo cốt của Anh, của một trích tiên bị đày đọa.

Anh chưa từng viết trong “Mộng và thực”: Tôi đang đi trên con đường sáng lạng, tìm lấy chân lí ngàn năm, mà hào quang của tinh tú, của ngọc ngà châu báu, trời tuôn xuống không biết hằng hà sa số nào... Như có một ma lực vô song, xô đẩy tôi đến bờ huyền diệu để vào một cõi vô hình...

Trong bài:

SIÊU THOÁT

Mới thay cõi siêu hành cao tột bậc

Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao

Xa lắm rồi, xa lắm, hải đường bao

Ai tới đó mà chẳng nao thần chí

Tòa châu báu kết bằng hương kì dị

Của tình yêu rung động lớp hào quang

Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang

Sẽ quy tụ thâu về trong một mối

Và tư tưởng không bao giờ chắp nối...

Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng

Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên

Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí

Trời bát ngát không cần phô triết lí

Thơ láng lai, chấp chóa những hàng châu

Ta hiểu chi, trong ánh gió nhiệm màu

Những hạt lệ của trích tiên đày đọa.

Ở nơi Hàn Mặc Tử, tâm trạng biến đổi dễ dàng từ thực qua mộng, và phong thái thần tiên trong mối tình huyền hoặc với Thương Thương đã giúp sáng tác “Duyên kì ngộ” và “Quần Tiên Hội”. Lời thơ vẫn còn được xem rất thoát tục tinh khôi cho đến ngày nay.

Như một đoạn dưới đây, trích dẫn từ “Quần Tiên Hội”:

Hoa khôi:

Liên hồ tây, bốn mùa xuân cả bốn

Ngát hương đưa trong gió sớm chơi vơi

Làn nước mát và chưa bao giờ bợn

Vết phong trần đưa lại ở xa khơi...

Cát tiên:

Đây mùi đạo vẫn còn thơm ngan ngát

Mà ai cho các chị nói tình yêu

Ai cho thỏa bao niềm mong rào rạt

Mà ai cho lòng ngọc tỏa phiêu phiêu

Huyền tiên:

Nương nương ơi, biết nhau từ độ ấy

Tóc xanh thêm và tình đậm đà thêm

Tao phùng duyên đến bao giờ lại thấy

Lòng nghiêng qua sóng mắt muốn xiêu xiêu

...

Và những khi từ mộng quay về thực anh Trí cũng vẫn thong dong nhàn hạ mà bất cứ một nhà thơ lãng mạn nào cũng không thể nào tình tứ say sưa hơn.

Khi mà hiện tượng đau đớn hốt hoảng trong các bài rùng rợn như “Cô liêu”, “Những giọt lệ”, “Hồn là ai”, đã đi qua rồi, thì nhớ hương xa xôi lại trở về với Anh trong những vần thơ nhẹ nhàng tình tứ, mà chỉ cần nhìn vào một phiến ảnh thôi:

Bài thơ: Đây Thôn Vỹ Dạ là một chứng minh hùng hồn cho trường hợp đó.

Ý thơ dồi dào tế nhị như không hề bị ảnh hưởng của bệnh hoạn. Bức ảnh Hoàng Hoa gợi ý nhắc mời Anh về thăm mảnh vườn ai xanh mướt, có hàng cau tắm nắng sớm, có khóm trúc quý phái thanh cao nhất là khuôn mặt chữ Điền đoan hậu mà các cụ ngày xưa khen “diện phương tâm chính” và xứ Huế lâu đời vẫn đánh giá cao: “Mặt chữ điền tiền rửa cũng mua.”

Anh lại còn hóm hỉnh hỏi: Có chở kịp trăng về tối nay để bầu bạn cho Anh bớt cô đơn?

Thời gian Anh sáng tác hai lọai thơ nói trên, không xa cách bao nhiêu, trong một hoàn cảnh không thay đổi.

Cũng trong túp lều tranh xơ xác, dưới cây phượng vĩ tàn tạ, trên bờ biển hoang vắng xa xôi, mà cảm ứng của hai trạng thái tâm hồn hoàn toàn khác biệt nhau.

Đó là điều lạ lùng, chỉ có Anh mới sống được như vậy.

Tâm trí Anh từ ngày đau nặng, vẫn mơ ước thoát khỏi cái “ta” ghê tởm.

Anh luôn bị cám dỗ bởi một giấc mơ huyền diệu hướng về trời, vượt ra khỏi không gian. Ước mơ ngày càng mãnh liệt, và mỗi ngày lại gần hơn đến đỗi cảm thụ được trong bài:

NGOÀI VŨ TRỤ

... Ra không gian là vượt hẳn thượng tầng

Tấp tới đến ở ngoài kia vũ trụ

Nơi khí tượng bốc ngàn muôn tinh tú

Nơi không cho hồn lai vảng quang chiêm

Sáng vô cùng, sáng lạng cả mọi miền

Không u ám như cõi lòng ma quỷ

Vì có Đấng hằng sống, hằng ngự trị

Nhạc liêng thiêng dồn trỗi khắp hư linh

...

Tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thật

Mộng là mộng tràn trề muôn vạn ức

Tình thơm thơ như ngấn lệ còn nguyên

Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên

Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng

Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng

Lời văng xa truyền nhiễm đến vô song

Bầu hạo nhiên lồng lộng một màu trong

Không rung động bởi tơ huyền nao nức...

*

Cuối năm 1939, Anh gầy hẳn, nhưng đôi mắt còn linh hoạt như không đau yếu gì. Có nghĩa là Anh còn minh mẫn, cho nên Anh vẫn còn sáng tác mạnh.

Xem bài tặng chị Mai Đình, ý thơ sâu sắc, những từ ngữ Anh sử dụng diễn tả rõ ràng tâm trạng Anh.

Rồi đến thời kì Anh sáng tác “Duyên kì ngộ”, “Quần Tiên Hội”, thì lúc ấy Anh hoàn toàn thoát khỏi ràng buộc của bệnh hoạn.

Nhiều lúc Anh tỏ ra bình tĩnh, chờ đợi những gì sẽ xảy đến cho Anh, không còn buồn lo ray rứt gì nữa.

Khoảng tháng bảy năm bốn mươi tôi nghe có lệnh động viên những công chức còn trẻ. Có thể sẽ bị đưa qua Lào làm con đường chiến lược (Routes Stratégiques).

Tôi về Quy Nhơn đến thăm Anh một nơi hẻo lánh trên bờ biển. Anh ngồi trầm ngâm bất động nhìn ra khơi. Cây phượng vĩ đã gần hết hoa. Trên cát trắng một ít cánh hoa đỏ đang tàn héo.

Bỗng Anh quay lại trông thấy tôi, mỉm cười hỏi: “Về bao giờ đó?”. Giọng Anh vẫn đều đều, nghe như xa vắng từ đâu. Tôi nhớ lại câu hỏi của Anh. Khi tôi vào Saigon ghé lại con đường Espagne, chờ Anh về khuya. Anh cũng hỏi: Vào bao giờ đó. Cũng vẫn giọng nói đó, thanh âm đó. Không khác đi, không vui mừng hay buồn bã mà hai hoàn cảnh rất xa vời khác biệt.

Ở Saigon là lúc Anh đang nở hoa trong lòng với Mộng Cầm.

Ở đây, Anh đang viết bài thơ:

TRÚT LINH HỒN

Máu đã khô rồi thơ cũng khô

Tình ta chết yểu tự bao giờ

Từ nay trong gió, trong mây gió

Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ

Ta còn trìu mến biết bao người

Vẻ đẹp xa hoa của một trời

Đầy lệ, đầy hương, đầy tuyệt vọng.

Ôi giờ hấp hối sắp chia phôi.

Ta trút linh hồn giữa lúc đây

Gió sầu vô hạn nuốt trong cây

Còn em sao chẳng hay gì cả,

Xin để tang Anh đến vạn ngày

Gió biển thổi vào nhè nhẹ, nhưng cũng lấy hết cánh hoa khô héo còn đeo đẳng trên cây. Nhớ lại câu thơ Anh:

Sao bông phượng nở trong màu huyết

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu

Thôi nhé! Hoa phượng không còn rơi nữa đâu! Và tôi cũng không cầm được nước mắt, vội lấy kính râm đeo vào.

Anh trông thấy nói lảng ra: “Lúc này Anh không lần hạt được nữa, viết đã khó khăn lắm rồi”. Trong Anh bình thản như kể chuyện kẻ khác. Không phải nói về Anh.

Da Anh đã khô cứng, nhưng hơi nhăn ở bàn tay, vì phải vận dụng sức để kéo các ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Bởi vậy, trông như mang chiếc “găng” tay bằng da thô sảm.

Toàn hình thể như một xác ướp Ai Cập trong Kim Tự Tháp. Đó là hình ảnh cuối cùng tôi trông thấy Anh.

Trước đó, tôi có đến thăm bác sĩ G. Quản đốc bệnh viện, mang biếu ông một ít hoa Đà lạt. Ông giữ tôi lại nói chuyện.

Ông nói: Bệnh cùi rất khó phân biệt. Giới y học (thời đó) chưa biết rõ lắm. Tuy triệu chứng giống nhau, nhưng lại có nhiều thứ. Ông quả quyết bệnh cùi không thể lây lan được, đã có chứng minh của B.S Daniel Sen, thầy dạy của nhà bác học Arnauer Hansen.

Ông ấy buồn rầu nói tiếp: “Anh ấy (anh Trí) không thể sống lâu hơn được nữa, mặc dầu kinh nghiệm ở các trại cùi, không có ai chỉ đau có mấy năm mà chết được. Anh ấy bị nội tạng hư hỏng.” Rồi giận dữ: “ces Charlatans I’ont tué (Bọn lang băm đó, đã giết chết Anh ấy).”

Tôi ngỏ lời cám ơn và cáo từ. Ông nói: “Tôi rất tiếc”. Có vẻ như ông trách gia đình tôi không đưa Anh đi bệnh viện sớm hơn để chạy chữa.

(Tôi nghĩ ông nói đúng, vì tôi biết có nhiều người chạy chữa công khai, không có mặc cảm thể thống tiếng tăm nên đã lành bệnh. Có lẽ mẹ tôi quá tế nhị về điểm này. Cũng có thể mẹ tôi không nỡ để Anh có cảm nghĩ về bệnh nan y của Anh bị ruồng rẫy).

Khi tôi nói với Anh Trí, tôi có thể bị đổi qua Lào, chắc còn lâu mới trở về được. Và hỏi Anh về số bút tích của Anh mà tôi dồn lại ở nhà, sẽ giao cho ai lo xuất bản. Anh mỉm cười phó thác: “Thôi em đừng lo, em lo nhiều rồi. Anh không muốn làm phiền em... À, mà còn chút này, là cho Anh một pho tượng Đức Mẹ ban ơn bằng thạch cao. Anh ước ao lâu lắm rồi” (Đức Mẹ ban ơn có hình dáng cúi xuống đưa hai tay như nâng đỡ). Có lẽ Anh nhớ về câu thơ của Anh.

... Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc

Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng...

Tôi nói: “Ở Việt Nam không có mẫu tượng đó, phải gởi mua ở Pháp. Để có dịp đi Saigon tìm thử.”

Thấy tôi buồn bã, Anh cười triết lí: “Đằng nào thì cũng phải đến đó. Cầu nguyện cho Anh với... Nghĩ lại mình cuồng dại quá, đã bỏ phí nhiều thì giờ vô ích, chạy theo những cái mà mình phải bỏ lại.” Rồi Anh cười vui vẻ.

Anh càng bình tĩnh, lòng tôi càng chua xót, không cầm được nước mắt, vội vã ra về như chạy trốn, mà lòng tan nát. Nhớ lại mấy câu thơ Anh viết:

Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại!

Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta

Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại

Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta.

*

Tháng chín năm ấy, tôi nhận được thư chú Hiếu báo tin: Anh Bửu Dõng đã đưa anh Trí vào nhà thương Quy Hòa, có mẹ tôi và em Hành đi theo.

Anh Dõng và thầy Hứa Chánh văn phòng bệnh viện ra tiễn và trao hồ sơ bệnh lí cho tài xế. Anh Trí còn đùa: “Tập hồ sơ mỏng quá”. Anh Dõng cười: “Cậu có đau gì đâu mà ghi cho nhiều.”

Thế là hết!

Về sau tôi còn hỏi anh Dõng: “Có thật đã tìm thấy vi trùng Hansen không?” Anh nói: “Cậu Trí vô phương rồi, không còn hi vọng gì nữa,... mà... không có vi trùng ai cho vào nhà thương Quy Hòa.”

Sau lễ đình chiến, tôi xong công tác sở, trở về Đà Lạt, nhận được điện tín nhà báo tin Hàn Mặc Tử qua đời hôm lễ.

Đánh điện về sở, tùy phái mang về nhà cho tôi đã chiều tối. Tôi không thấy xúc động bằng khi tôi đến thăm Anh ở Gành Ráng.

Hình ảnh tàn tạ của Anh, từ đó tôi mang theo mãi, nên không thể hình dung những gì khác hơn được nữa.

Ngôi trên chiếc ghế đá bên bờ hồ, tôi cố nhớ lại một bài thơ nào của Anh, một cử chỉ, một lời nói của Anh cho thấy mối quan hệ giữa Anh và gia đình, nồng nàn nhạt tẻ ra sao, thật khó mà tìm thấy rõ rệt.

Có điều không quên được một lần, Anh biểu lộ hớn hở vui mừng một cách bộc trực, khi mẹ và tôi đồng ý giao tiền cho Anh in tập “Gái quê” thì Anh ôm tôi hôn thắm thiết rồi đi tìm hôn mẹ tôi náo động cả lên.

Làm sao mà giận Anh được. Đối với Anh thơ là trên hết. Đêm nay Đà Lạt tháng chạp, trời quang sáng, nhưng sương xuống nhiều trăng mờ đi, tôi nhớ đến bài thơ Đà Lạt trăng mờ:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu...

Quả thật, Anh đã đi vào cõi thiêng liêng, không còn bận bịu gì ở trần thế.

Theo tôi, thì Anh đã chết lâu từ ngày ngoài bờ biển và đã vào cõi thiêng liêng của riêng Anh rồi.

Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi,

Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng.

*

Anh Trí mất đi, để lại cho tôi một bổn phận thiêng liêng quá lớn đối với bạn bè thân hữu, mà ân tình, ân nghĩa còn ràng buộc lâu dài.

Nhân viết lại hồi kí này, tôi ước ao gởi đến những thân hữu của Anh còn sống hay đã quá vãng, đã từng giúp đỡ viếng thăm Anh tôi, trong nhiều năm bệnh hoạn nghèo nàn, đặc biệt là những người bạn cũ con đường Khải Định Quy Nhơn một tấm lòng tri ân trong tập sách này cho đến đời sau mãi mãi.

Nhớ đến em Phạm Hành, tôi chân thành kính cẩn tạ ơn chú Phạm Thân tôi đã để em ở lại bên cạnh Anh Trí, thay thế tôi mấy năm làm việc xa nhà.

Tôi xin dành trọn một chương sau đây để ghi nhớ công ơn và tình nghĩa của em Hành tôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3