Hàn Mặc Tử anh tôi - Chương 6

CHƯƠNG VI

PHẠM HÀNH

Chú tiểu đồng mà các bạn hữu Hàn Mặc Tử thường hay nhắc đến tên trong các tập Hồi kí về nhà thơ bất hạnh là Phạm Hành.

Em Hành sinh năm 1924, con thứ ba chú ruột tôi là Phạm Thân, vào Quy Nhơn ở với chúng tôi để đi học từ năm 1934. Mẹ tôi rất thương, thường đem em đi chơi, câu cua ở cầu Đá giải khuây sau khi anh Mộng Châu qua đời.

Cuối năm 1937, khi tôi đổi lên Đà Lạt làm việc, chú Thân vào thăm anh Trí, lúc bấy giờ đã đau nhiều rồi, trong nhà lại vắng người, không ai săn sóc Anh. Chú bảo em Hành nghỉ học ở nhà giúp đỡ Anh Trí. Chú rất thương Anh Trí, vì Anh giống ông nội hơn hết mọi người trong gia đình.

Từ đó Hành ở luôn luôn bên cạnh Anh, đi với Anh khắp nơi từ Gò Bồi xóm Tấn cho đến Gành Ráng xóm Động, chỗ nào cũng có Hành: khi thì giúp Anh tắm giặt, mang cơm nước, mua báo, đem thơ, chú không nề hà khó nhọc, mà lại vui vẻ vô tư.

Cái thích thú nhất của Hành là được đi xe đạp. Cho nên bất cứ đi đâu xa gần, cũng đều là dịp để đi xe thoải mái mà không sợ bị la rầy.

Cho đến nay, chú vẫn còn nhớ rành mạch những kỉ niệm đi câu cua với bác, những lúc trốn học đi tập xe đạp mà chú hay khoe khoang cái chuyện chú bay xe xuống suối Tiên mà không việc gì.

Hôm ấy (Anh Trí đã vào Quy Hòa) mang cơm cho Anh. Khi đổ xuống dốc đến một đoạn khá nguy hiểm, xe không thắng, chạy như bay, chú đang thích thú bỗng bánh xe trượt phải hòn đá, cả xe và chú đều bay xuống suối Tiên, nằm ngay khúc quanh dưới dốc. Chú kể lại: “May quá xe không bị gãy, chỉ móp méo cái gà mèn, đồ ăn văng mất hết. vậy mà về nhà chị ba (chị Nghĩa) chỉ cốc có mấy cái thôi”, chú cười vui vẻ (cũng đau mà cũng thích). Rồi chẳng có vẻ gì giận lẫy.

Hôm sau vào Quy Hòa kể lại, Anh Trí lo sợ hỏi: “Em có bị thương không?” Hành cười ha hả. Thế là anh em cùng cười vui vẻ, không màng chi chuyện ăn uống.

Hành thường cho tôi biết, Anh Trí không lo chi ăn uống. Một soong canh bầu, hay cá liệt kho nước là đủ rồi. Chị Lễ thỉnh thoảng cũng gởi thịt cá cho anh. Nhưng Anh bảo Hành ăn hết đừng nói lại với ai.

Theo Hành kể: Anh Trí cả ngày chỉ viết luôn tay nếu không thì đọc sách, rồi ngâm thơ, hết ngâm thơ lại ngồi yên lặng cả giờ như ngủ, mà không phải ngủ, vì hễ gọi thì Anh mở mắt ra tỉnh táo ngay.

Có lần, Hành thấy Anh lần hạt, nhưng không nghe thấy Anh cử động hay đọc kinh. Cứ thế mà ngồi giờ này sang giờ khác.

Anh Trí thường hay gởi thơ. Gởi thơ và nhận được thơ là hai niềm vui lớn của Anh. Không có tuần nào Anh không gởi thơ, cho nên tem và phong bì là nhu cầu tối thượng của Anh.

Hành kể lại: Một lần Anh để mất đâu mấy con tem, tìm suốt ngày không thấy. Anh thừ người ra, buồn bực đến không ăn cơm. Bác gái thấy vậy hỏi, Anh lặng thinh không nói gì. Nhưng Hành biết Anh sợ chị ba (Nghĩa) sẽ không cho tiền mua tem, vì chị ấy rất khó tánh. Vả lại chị cũng không quan tâm đến chuyện viết lách của Anh. Cho nên Anh Trí quý tem như vàng, mà ở trong nhà không ai nghĩ đến.

Chú Hiếu cũng gần như thế. Không hề biết Anh nhận được thơ ai gởi thơ cho ai “đó là việc của Hành” chú nói vậy vì tự cho là được “miễn dịch” vì chú đau tim từ ngày Hoa Kì ném bom đánh quân đội Nhật Bản ở Quy Nhơn.

Thỉnh thoảng có bạn bè Anh Trí đến chơi thì chú chỉ có một việc là ngâm thơ thôi. Ngoài ra đi đánh cờ tướng và không lo gì đến việc nhà nữa. Cho nên, Anh Trí chỉ nhờ có Hành. Tâm sự của Anh chỉ có Hành là thông cảm. Và chia sẻ nỗi khó khăn của Anh.

Hành thường kể lại: Mỗi lần được tiền Đà Lạt gởi về là Anh Trí mừng lắm. Thế nhưng Anh chẳng dám hỏi chị Ba. Chỉ thấp thỏm chờ chị đưa cho mà thôi. Mà mỗi tháng Anh mới được một lần vui như vậy, để tha hồ mua giấy mực tem thơ.

Bây giờ, tôi mới biết tại sao mỗi lần về thăm nhà, Anh Trí thường nhỏ nhẹ xin vài đồng. Quả thật tôi không hề nghĩ đến tình trạng đó.

Ngay cả khi đã vào Quy Hòa rồi, Anh cũng còn viết thơ cho tôi mà chỉ xin có hai đồng bạc. Một đoạn thơ Anh viết rụt rè... Em gởi ngay cho Anh... nhưng đắn đo thế nào đó (tội nghiệp quá!) Anh lại xóa chữ ngay đi. Đã vậy mà bức thơ đó đưa về gia đình để nhờ chuyển lên Đà Lạt, lại vẫn còn nằm tại nhà cho đến khi Anh qua đời rồi, tôi trở về Quy Nhơn mới được đọc. Thảm chưa!

Năm mươi năm rồi, mỗi lần giở lại bức thơ, mà mối đã đục mất quá nửa, lòng tôi xốn xang khó tả đến không cầm được nước mắt. Cứ nghĩ đến ngày dài mòn mỏi mà Anh chỉ chờ đợi có hai đồng bạc. Ôi! Anh tôi.

Bởi vậy, Hành rất thương yêu Anh Trí, vì biết rõ Anh khổ sở mà không thổ lộ được với ai. Những năm Anh đau nặng, bạn bè năng đến an ủi Anh, chuyện trò cho Anh vui, khi thì ngâm thơ nói chuyện làm báo khiến Anh nói chuyện say sưa quên cả bệnh hoạn.

Hành vẫn còn nhớ tất cả bạn hữu của Anh, nhất là những người thường gặp ở số 20 Khải Định, nhưng nhớ tên có một người đó là anh “Anh” người Huế, thường đến hơn hết và cũng ngồi lâu hơn hết với Anh Trí.

Hành tả lại từng người: Có anh cao to lớn như tây, có anh nhỏ thó hiền lành như học trò, thường mặc áo dài đen. Có anh còn trẻ mà bên má có mấy sợi râu dài v.v... Cũng có một vài người lâu lâu lại đến, nghe nói ở Huế vào hay ở Sài Gòn ra. Hành cũng không quên một anh có cái đầu to, nói oang oang mà thích ngâm thơ Anh Trí.

Bạn gái cũng có đến thăm, Hành nhớ một cô còn trẻ lắm, nghe nói ở Hà Nội, đến xin gặp mà Anh Trí đóng cửa phòng lại không ra, cô này năn nỉ mãi, xin nhắm mắt lại để được nói chuyện với Anh thôi. Thế rồi, cô đó cũng lại đến ngâm thơ với Anh. Hình như cô viết báo, mà lâu quá chú không nhớ tên.

Những khi đi ở riêng trong thôn xóm, có người hiếu kì hay hỏi Hành: “Thầy đó đau chi mà ốm vậy có lở lói chi hông?.”

Hành kể lại: Em cũng không biết Anh Trí đau chi. Người Anh khô đi. Em trả lời không đau chi hết. Cũng không thấy lở lói chi. Mỗi lần thay áo, chỉ thấy da thịt Anh bầm đen hơi hơi.

Theo Hành nhận xét thì các ngón tay hơi cứng đơ một chút vì Anh viết nhiều quá tay cứng đi, khó khăn co lại mỗi khi Anh cầm muỗng ăn cơm. Hành nhận xét quá đơn sơ về bệnh trạng Anh, nên không hề nghĩ Anh đã mang ác bệnh.

Chú nói: Anh Trí rất chịu khó uống thuốc. Có lần chú nếm thử một chút, thấy vừa đắng vừa hôi muốn mửa vậy mà Anh uống tự nhiên. Nhất là mấy tháng ở Gò Bồi. Thầy thuốc bảo ăn chi uống chi, Anh vâng lời hết. Cho đến gần sáu tháng thì Anh đòi trở về Quy Nhơn. Anh nói với Hành: “Ông thầy này nói láo, hứa ba tháng lành mà gần sáu tháng rồi. Thôi về!”. Và từ đó uống thuốc không biết mấy ông thầy mà kể. Hành nhớ rõ là ông thầy hốt thuốc sau cùng là một võ sĩ răng đen.

Từ đó (giữa năm 1939) Anh Trí không uống thuốc nữa. Người của Anh càng ngày càng khô khan. Anh ăn rất ít, nhiều đêm không ngủ, ngày thì ngồi trông thơ bạn bè, hoặc ngâm thơ không nói chuyện chi với ai nữa.

Đến khi Anh Bửu Dõng cho biết, Anh Trí phải vào bệnh viện để khám lại. Hành kể: “Hôm đó, bác thuê xe kéo đi với Anh vào trong nhà thương Quy Nhơn. Bác gái có vẻ lo lắng khi anh Dõng nói phải làm giấy tờ để Anh Trí đi nằm tại bệnh viện Quy Hòa, thì Bác khóc quá chừng, còn Anh Trí chỉ cười thôi.

Anh Dõng bảo để Anh Trí nằm đỡ một ngày tại đây hôm sau mới có xe Hồng Thập Tự đưa đi. Và Anh Dõng cũng xin cho Hành ở lại với Anh Trí trong khu biệt lập.

Chú Hành nhớ một cách tỉ mỉ, hôm đi Quy Hòa, mẹ tôi mặc áo dài nâu, Hành mang bọc hành lí bằng vải trắng đựng áo quần sách vở của Anh.

Anh Bửu Dõng và thấy Hứa chánh văn phòng có ra đưa. Chỉ có mẹ tôi và Hành lên xe Hồng Thập Tự đưa Anh Trí đi. Vào nhà thương Quy Hòa, Anh Trí phải ở lại phòng tập thể. Mỗi buổi sáng có các sơ đến chích thuốc cho. (Tôi có nghe Anh Dõng nói Anh Trí tình nguyện xin chích thử một thứ thuốc mới rất mạnh mà các sơ không cho vì Anh yếu lắm).

Nằm tại phòng tập thể hai tháng, Anh được đưa vào phòng riêng (hai người). Lúc này, Hành thấy trên má Anh có một vài vết nứt như vỏ cây khô mà không chảy nước.

Anh ở phòng riêng một tuần thì mất. Anh chết một cách nhẹ nhàng mà không ai biết lúc nào, cứ tưởng là Anh ngủ. Có người nói Anh mất buổi chiều hôm trước, có người nói là buổi sáng.

Chú Hành vào sáng đó, thì Anh đã mất, vội vàng đạp xe về nhà báo tin cho mẹ tôi vào. Chú kể lại rằng: “Mọi việc tẩm liệm chôn cất, các bà sơ lo cả, vì bệnh buộc phải chôn nội trong ngày. Chỉ có mẹ tôi và Hành đi theo vị linh mục đưa xác Anh Trí an táng tại bờ biển gần mấy cây thông (phi lao).

*

Đó là hình ảnh của chú Phạm Hành “chú tiểu đồng” đã hóa mình vào cuộc sống đầy bệnh hoạn hiểm nghèo của Hàn Mặc Tử suốt bốn năm trường, và cũng giúp Anh quên bớt nỗi ghẻ lạnh của người đời.

Phạm Hành, con người đã sống bình thường với nhà thơ trẻ tuổi, được cho là mắc bệnh phong cùi, một chứng bệnh mà kinh thánh xưa nói dân Do Thái sợ hãi như một lời nguyền rủa án phạt của Đức Gia Vê, đến đỗi mẹ tôi, người mẹ khốn khổ vì mặc cảm trong tâm hồn, đã cấm trong gia đình, không cho ai nhắc đến tên Anh Trí như một điều bất hạnh lớn cho giòng họ.

Nói chung thì mọi người đều rụt rè tránh khi phaỉ đụng chạm, tiếp xúc với Anh. Phạm Hành đó, ngày nay đã sáu lăm tuổi, sống mạnh khỏe vô bệnh tật tại Huế, thỉnh thoảng lại vào thăm chúng tôi. Các con chú đều trưởng thành khỏe mạnh, can đảm và thích mạo hiểm như chú. Có người cũng thành đạt sớm về võ nghiệp. Vẫn tới lui thăm viếng “Bác Tín” tình nghĩa như bố vậy, khiến tôi rất yêu mến và cảm động.

Chú em tôi thường hãnh diện về các con, có đứa đã nối được võ nghiệp của ông, cha mà huyết thống truyền đến trưởng nam Phạm Vỹ, từng nổi tiếng trong nhiều môn phái võ thuật.

Trong tập Hồi kí này, tôi muốn dành riêng mấy trang vắn tắt để ghi nhớ tình nghĩa của chú em tôi đối với Anh Trí, tình nghĩa bất diệt của họ Phạm trung kiên từ bao thế hệ.

Xin ơn trên phù hộ chú em tôi và các cháu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3