Chuyến bay Frankfurt - Chương 18 - 19
CHƯƠNG MƯỜI TÁM
KẾT LUẬN CỦA ĐẠI TÁ PIKEAWAY
Cuộc họp kết thúc. Thủ tướng Đức Spiess và Thủ tướng Anh Lazenby về Phủ thủ tướng ở phố Downing ăn trưa, cùng đi có các ông Packham, Chetwynd và bác sĩ Reichardt.
Đô đốc Blunt, Đại tá Munro, Đại tá Pikeaway và ông Horsham ngồi lại trong phòng tiếp tục bàn tán. Không khí bây giờ thoải mái hơn.
Người lên tiếng đầu tiên là lão đại tá Pikeaway ông kêu lên:
- May mà lão Bộ trưởng An ninh Packham cùng đi rồi!
Đại tá Munro nói:
- Kể ra ông nên đi cùng với họ thì hơn, vì tôi cảm thấy hai ông Chetwynd và Packham không đủ sức ngăn Thủ tướng Lazenby của chúng ta lấy cớ này để làm một chuyến ngao du sang Nga và nhiều nước khác nữa.
Đô đốc Blunt lầu bầu nói:
- Tôi đang có một việc khác cần làm. Tôi sẽ rời khỏi London ra vùng quê, để gặp một bà cụ, bạn lâu năm của tôi.
Rồi ông ngước mắt tò mò nhìn đại tá Pikeaway, nói tiếp:
- Ông có tin câu chuyện về Hitler lúc nãy không, ông đại tá?
Đại tá Pikeaway lắc đầu:
- Không. Chúng ta đã nghe bao nhiêu chuyện li kì về việc Hitler không chết năm 1945 mà chạy trốn được sang Nam Mỹ. Theo tôi đó chỉ là những kẻ tự nhận láo là Hitler để mưu đồ chuyện gì đó, nhưng rồi chúng ta đã thấy, chúng chẳng làm nên trò trống gì được!
Đô đốc Blunt hỏi:
- Thế cái xác tìm thấy dưới hầm ngầm của Phủ Quốc trưởng tại Berlin ngày đó? Đấy vẫn là điểm còn chưa được làm sáng tỏ. Người Nga đã áp dụng những biện pháp để các xác ấy không thể nhận diện được nữa.
Nói xong, ông đô đốc đứng lên, chào mọi người rồi đi ra phía cửa.
Đại tá Munro đáp:
- Tôi cho rằng bác sĩ Reichardt biết sự thật, mặc dù ông ta làm ra vẻ như chỉ kể lại một cách không lấy gì làm tự tin cho lắm.
- Còn ông Thủ tướng Đức Spiess thì sao, ông ta có tin không?
Đô đốc Blunt đã ra đến gần cửa, lúc này quay đầu lại, nói:
- Ông ta là người rất tỉnh táo. Lãnh đạo nước Đức rất yên ổn, trước khi xảy ra những lộn xộn gần đây.
Rồi ông nhìn thẳng vào mắt đại tá Munro, nói tiếp:
- Còn ông đại tá, ông nghĩ sao về gã trai trẻ tóc vàng mà người ta đồn là con trai Hitler ấy? Ông cũng đã từng nghe thấy chuyện ấy rồi chứ?
Đại tá Pikeaway trả lời thay bạn:
- Ông đừng quan tam đến chuyện vớ vẩn ấy!
Đô đốc Blunt bèn quay vào, ngồi lại chỗ cũ.
Đại tá Pikeaway nói:
- Chuyện đồn láo ấy mà! Hitler làm gì có con trai!
- Sao ông dám quả quyết thế?
- Chứ còn gì nữa. Gã Franz Joseph chỉ là một tên bịp, hắn bịa ra thế để lòe mọi người, trước hết là đám trẻ cuồng tín. Tôi đã cho điều tra, Franz Joseph là con một người thợ mộc Argentina tên là Aguileros. Ông này lấy một người vợ Đức rồi sinh ra gã. Franz được thừa hưởng nước da trắng, khuôn mặt kiểu Aryen và giọng nói trầm bổng của mẹ. Bà ta vốn là diễn viên nhạc kịch, chuyên đóng những vai phụ và có giọng hát khá hay. Bản thân Franz cũng được mẹ cho học nghề diễn viên và đã đóng một số vai, cho đến khi gã được người ta chọn để đóng cái vai con trai của Hitler này. Đến khi đó, gã mới làm phẫu thuật chỉnh hình, tạo vết chữ thập ngoặc dưới gan bàn chân.
- Ông có chứng cứ đích xác đấy chứ?
- Tôi đã bảo rằng tôi cử một điệp viên rất giỏi đi điều tra mà lại. Hồ sơ Franz Joseph hiện tôi giữ, có cả những bản sao chụp, tờ giấy xác nhận có chữ ký của mẹ gã, tờ phiếu bệnh viện xác nhận ngày gã làm vết chữ thập ngoặc nổi tiếng kia, bản sao giấy khai sinh của Karl Aguileros, tên thật của gã. Cô điệp viên của chúng tôi đã kịp thời thu thập tất cả những thứ đó vì liền sau đấy cô ta bị theo dõi và nếu không gặp một sự may mắn bất ngờ tại sân bay Frankfurt thì cô ta đã bị chúng tóm rồi.
- Các tài liệu ấy hiện giờ nằm ở đâu?
- Tại một chỗ tuyệt đối an toàn để chờ dịp chúng ta dùng chúng lật tẩy thằng cha đại bịp kia.
- Chính phủ và ông Thủ tướng của chúng ta đã biết chuyện này chưa?
- Không phải mọi thứ tôi đều báo cáo với các vị ấy, trừ phi họ ra lệnh cho tôi và tôi biết chắc họ sẽ sử dụng các tư liệu đó một cách đúng đắn.
Đại tá Munro nói:
- Ông quả là một lão già khôn ngoan!
Đại tá Pikeaway thở dài nói, giọng buồn rầu:
- Thì cũng phải có một ai đó làm cái công việc ấy chứ!
CHƯƠNG MƯỜI CHÍN
STAFFORD TIẾP KHÁCH
Hôm nay Stafford tiếp một số khách. Đó là những người chàng đã gặp, trừ một người chàng mới chỉ biết mặt. Họ trông có vẻ là những thanh niên khôi ngô, thông minh, nghiêm túc. Tóc cắt cẩn thận, áo quần nghiêm chỉnh nhưng không cổ lỗ. Tất cả đều gây ấn tượng rất tốt cho chủ nhân.
Tuy nhiên Stafford vẫn chưa biết họ đến gặp chàng để làm gì. Chàng biết rằng một người trong số khách trẻ đó là con một ông Vua dầu mỏ. Một người khác, sau khi tốt nghiệp đại học đã đi vào lĩnh vực chính trị. Người thứ ba, có hàng lông mày rậm, hình như đến đây, không được thoải mái cho lắm.
Người có vẻ đại diện cho cả ba, lên tiếng:
- Thưa ông Stafford, rất cảm ơn ông đã nhận lời tiếp chúng tôi.
Tên anh ta là Clifford Bent, có giọng nói rất dễ mến. Anh ta nói tiếp:
- Xin giới thiệu với ông hai bạn tôi, Roderick Ketelli và Jim Brewster. Ba chúng tôi rất lo lắng cho tương lai của đất nước chúng ta và của nhân loại nói chung.
Stafford đáp:
- Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều lo lắng.
- Chúng tôi rất không vui khi thấy những sự kiện xảy ra gần đây. Bất mãn, nổi loạn, vô chính phủ là những từ rất đẹp nếu chỉ trong phạm vi triết học, nhưng nếu thành sự kiện chính trị thì rất trở ngại cho chúng tôi, những người muốn yên ổn để học cho xong Đại học hoặc một trường cao học nào đó. Chúng tôi chấp nhận một số cuộc mít tinh, tuần hành, nhưng chúng tôi rất phản đối việc những kẻ côn đồ gây chuyện xô xát, sử dụng bạo lực.
Brewster tiếp lời:
- Họ có thể tổ chức thành những chính đảng và tiến hành đấu tranh, điều đó tôi tán thành, nhưng vừa qua, không phải những con người như thế, mà là một lũ côn đồ, đúng như anh bạn tôi vừa gọi.
- Côn đồ và ngu xuẩn! Chúng tôi muốn có những quy định mới về giáo dục, nhưng chúng tôi không tán thành gây rối để phá phách các cơ sở giáo dục hiện nay...
Brewster ngắt lời bạn:
- Đúng thế. Chúng tôi không tán thành những biện pháp cực đoan. Chúng tôi chủ trương ôn hòa. Chúng tôi mong muốn có một chính quyền có hiệu lực, một quốc hội không cần đông đến thế, chúng tôi chấp nhận những quan chức hiện nay với điều kiện họ hiểu những nguyện vọng chính đáng của lớp trẻ và biết cách làm việc. Chính vì vậy chúng tôi xin đến gặp ông, thưa ông Stafford, để xem ông có tán thành quan điểm của chúng tôi không?
Stafford chăm chú quan sát vẻ mặt ba vị khách trẻ tuổi. Chàng nói:
- Thú thật là cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm quan điểm của các ông.
- Trong một thời gian không xa, chúng tôi cần đến một người am hiểu về đối ngoại. Vì tại các quốc gia khác tình hình còn tồi tệ hơn ở nước Anh chúng ta. Thủ đô Washington của Hoa Kì đã bị đảm trẻ nổi loạn phá hủy hoàn toàn. Tại các quốc gỉa châu Âu, liên tục xảy ra những cuộc biểu tình, những cuộc nổi loạn phá phách các thiết chế nhà nước. Nhưng tôi không thấy cần phải phác lên cảnh tượng của thế giớỉ trong sáu tháng vừa qua. Tôi xin nói rõ, chúng tôi quan tâm chủ yếu đến nước Anh chúng ta. Đã đạt được mục tiêu nói trên, chúng tôi cần đến những thanh niên hăng hái, năng động. Phải có rất nhiều những thanh niên như thế. Nhưng chúng tôi không muốn họ là những nhà cách mạng, hoặc những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ. Chúng tôỉ cần những thanh niên ôn hoà, tha thiết xây dựng, một xã hội công bằng, hợp lý. Tuy nhiên chúng tôi cần cả những người đứng tuổi, khoảng bốn năm mươi, và hôm nay chúng tôi đến đây vì chúng tôi được nghe nói rất nhiều về ông. Chúng tôi tin rằng ông thuộc loại người chúng tôi đang cần đến.
- Nhưng các ông tin rằng đã biết rõ về tôi chứ?
- Chúng tôi tin. Và chúng tôi tin rằng ông tán thành những suy nghĩ và mong muốn của chúng tôi.
Stafford lịch sự cười:
- Nhưng bản thân tôi thì không tin đến mức như thế. Tôi cảm thấy các ông ăn nói hơi thoải mái quá.
- Nhưng chúng tôi đang ngồi trong nhà ông.
- Đúng thế. Tuy nhiên tôi vẫn thấy những điều các ông vừa nói cũng như sắp nói có thể nguy hiểm. Nguy hiểm cho tôi cũng như cho các ông.
- Tôi hiểu ý ông định nói gì rồi.
- Các ông đến đây đề xuất với tôi một cuộc sống khác cuộc sống tôi vẫn sống, một chức vị khác với chức vị hiện nay của tôi, một thái độ cắt đứt với những người tôi vẫn giữ quan hệ. Nói cách khác, các ông đề xuất với tôi những thứ đúng ra tôi không được phép làm.
- Chúng tôi đâu có đề nghị ông công cán cho một quốc gia nào bên ngoài đâu?
- Đúng là các ông không đề nghị tôi sang Nga, sang Trung Quốc hoặc sang bất cứ một quốc gia nào khác, nhưng tôi cảm thấy đề nghị của các ông ít nhiều liên quan đến lợi ích của nước ngoài. Mới đây tôi có vài chuyến công cán rất lí thú ra nước ngoài. Nhất là chuyến đi ba tuần lễ sang Nam Mỹ gần đây. Và có một điều tôi thấy cần nói ra với các ông là từ hôm về Anh, tôi luôn có cảm giác đang bị theo dõi.
- Theo dõi? Tôi cho rằng đấy chỉ là ông tưởng tượng thôi.
- Không phải tôi tưởng tượng. Trong hoạt động nghề nghiệp, tôi đã tập được thói quen nhận biết khi có người theo dõi tôi. Các ông đến gặp tôi là để đề nghị những điều nào đó. Nhưng lẽ ra, chúng ta nên cẩn thận, gặp nhau tại một nơi khác thì hơn.
Stafford đứng lên, ra mở cửa phòng tắm rồi mở vòi cho nước chảy mạnh.
- Tôi xem phim thấy khi muốn không bị nghe trộm, người ta thường mở vòi nước cho nước chảy rất to. Tất nhiên ngày nay người ta có những biện pháp khác tối tân hơn, nhưng tôi thì vẫn dùng kiểu cổ lỗ như thế này... Bây giờ ta có thể nói chuyện thoải mái. Nam Mỹ là một châu lục rất lí thú, đặc biệt từ khi thành lập Liên hiệp các quốc gỉa châu Mỹ Latinh, gồm Braxin, Argentina, Peru và hai hoặc ba quốc gia khác nữa.
Jim Brewster hỏi kiểu thăm dò:
- Về chuyện dó, ý kiến ông thế nào?
- Tôi xin phát biểu thận trọng, vì chính như thế, các ông càng tin tôi hơn. Tôi nghĩ rằng để các ông nghe rõ, lúc tôi nói không cần mở vòi nước.
Cliff Bent ra lệnh:
- Jim! Cậu ra đóng vòi nước ở buồng tắm lại. - Jim cười rồi ra đóng vòi nước. Trong lúc đó Stafford mở ngăn kéo lấy ra chiếc kèn harmonica. Chàng nói:
- Xin lỗi trước, vì tôi không thổi giỏi lắm đâu. - Đưa chiếc kèn lên môi, chàng thổi một giai điệu âm nhạc.
Brewster nhăn mặt:
- Ông ta định biểu diễn cho chúng ta xem hay thế nào đây?
Bent đáp:
- Im đi, đồ dốt nát. Cậu không biết gì về âm nhạc cả!
Stafford cười:
- Tôi thấy có vẻ các ông giống tôi, cùng thích nhạc Wagner. Tôi có may mắn dược dự Liên hoan ca sĩ Trẻ năm nay và tôi rất thích các tiết mục trình diễn tại đó.
Stafford chơi ngay vài giai điệu chàng được nghe hôm đó.
Jim Brewster nói:
- Tôi không biết giai điệu lúc nãy. Phải chăng dó là Quốc tế Ga, Ngọn cờ Hồng, Quốc ca Vương quốc Anh, Lá cờ sao vạch, hay thứ khác?
Ketelli nói:
- Đó là giai điệu trong vở nhạc kịch. Thôi, bây giờ cậu im đi. Chúng ta đã biết được tất cả những gì cần biết.
Stafford nói:
- Đó là nét nhạc chủ đạo của nhân vật chính.
Và chàng đứng phắt dậy, giơ tay chào theo kiểu phát xít, miệng nói khẽ: "Chàng Ziegfried!"
Cả ba vị khách cũng đứng dậy.
Clifford Bent nói:
- Ông nói đúng. Chúng ta cần tỏ ra cảnh giác. Chúng tôi rất mừng thấy ông đứng về phía chúng tôi. Một trong những người tổ quốc chúng ta cần đến, trong tương lai không xa, là Bộ trưởng Ngoại giao đủ trình độ thực hiện nhiệm vụ đó.
Sau khi các vị khách đã ra về, Stafford nhìn lên đồng hồ treo tường, rồi gieo mình xuống ghế bành để chờ...
Stafford mường tượng lại cảnh diễn ra tuần trước trên sân bay Kennuy, lúc chàng chia tay với Mary Ann. Họ đứng im lặng một lúc lâu, không ai nói gì với ai.
Cuối cùng Stafford hỏi:
- Liệu chúng ta còn gặp lại nhau không?
- Có gì cản trở hay sao?
- Tôi e là sẽ có nhiều thứ cản trở.
Mary Ann chăm chú nhìn Stafford một lúc lâu rồi đưa cặp mắt nhìn đi phía khác. Cô nói rất khẽ:
- Những cuộc chia tay này đều nằm trong nhiệm vụ công tác của chúng ta.
- Công tác! Cô chỉ quan tâm đến mỗi công tác thôi ư?
- Tôi không thể làm khác được.
- Tôi chỉ là một người hoạt động nghiệp dư. Cô mới là...
Stafford ngừng lại vài giây rồi mới nói tiếp:
- Thật ra tôi vẫn chưa biết cô là ai? Có phải thế không?
- Đúng thế.
Stafford cảm thấy dường như nhìn thấy vẻ buồn rầu và đau đớn trên khuôn mặt cô bạn gái.
- Nếu vậy tôi sẽ vẫn phải tiếp tục tìm hiểu. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi phải làm cho cô tin tôi chứ?
- Vấn đề không phải ở chỗ đó. Đấy là một trong những điều cuộc sống đã dạy tôi. Trên đời không có ai ta có thể tuyệt đối tin cậy được. Ông cũng nên ghi nhớ điều đó.
- Đó là cuộc đời của các vị. Một thế giới mà mọi người nghi ngờ lẫn nhau, sợ hãi nhau. Một thế giới đầy rẫy hiểm nguy.
- Tôi muốn được sống.
- Tôi biết.
- Và tôi cũng muốn ông được sống.
- Hôm ở sân bay Frankfurt tôi đã tin cô.
- Hôm ấy ông đã dám nhận một rủi ro.
- Một rủi ro đáng nhận lấy, cô biết rõ điều đó cũng như tôi.
- Ông muốn nói rằng, vì...
- Vì tôi nghĩ chấp nhận đề nghị của cô, hai chúng ta sẽ được gần gũi nhau hơn. Vậy mà bây giờ... Loa sắp thông báo chuyến máy bay của tôi chuẩn bị cất cánh. Chẳng lẽ chúng ta gặp nhau trong một nhà ga sân bay để rồi lại chia tay như thế này sao? Cô đi đâu bây giờ? Và cô sẽ làm gì?
- Tôi sang Hoa Kỳ, đến các thành phố Baltimore, Washington, và bang Texas, để thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Còn tôi? Tôi sẽ ra sao? Không ai yêu cầu tôi làm gì. Tôi quay về London, nhưng sau đó tôi sẽ làm gì?
- Ông đành phải đợi thôi.
- Đợi cái gì?
- Sẽ có những người đến gặp ông đề nghị ông điều này điều nọ.
- Khi đó, thái độ tôi phải thế nào?
Mary Ann nhìn Stafford cười, nụ cười vừa thích thú vừa tinh nghịch, nụ cười mà bây giờ chàng đã rất thuộc.
- Tôi phải chia tay với cô thôi. Tạm biệt, Mary Ann.
- Auf Wiederrschen.
Trong căn hộ của Stafford, chuông điện thoại reo, kéo chàng ra khỏi cơn mơ màng về những kỉ niệm trong quá khứ, đưa chàng trở về thực tại.
Stafford thì thào:
- Auf Wiederrschen.
Rồi chàng đứng lên, ra nhấc máy.
- Stafford đấy phải không?
Giọng nói hổn hển và chàng nhận ra ngay người nói.
Stafford trả lời bằng cái câu đã giao ước từ trước:
- Không có lửa sao có khói.
Đại tá Pikeaway nói tiếp trong máy:
- Bác sĩ của tôi yêu cầu tôi bỏ thuốc lá.
- Đến khổ với cái anh chàng ấy. Thế nào, có tin tức gì mới không?
- Có đấy, thưa đại tá. Ba mươi đồng tiền... dưới hình thức lời hứa hẹn.
- Quân khốn kiếp!
- Ông đừng nổi nóng!
- Cậu trả lời chúng thế nào?
- Tôi thổi kèn cho chúng nghe câu nhạc chủ đạo của nhân vật Ziegfried. Đó là cách bà tôi đã gợi ý cho tôi. Và đạt kết quả rất tốt.
- Tôi thấy cái cách đó hơi kì quái đấy. Nhưng rút cuộc thì sao?
- Đại tá có biết một bài hát nhan đề Juanita không? Tôi phải học hát bài ấy mới được. Rất cần cho tôi đấy.
- Cậu biết Juanita là ai không?
- Có lẽ biết.
- Hừm! Tôi được tin ả đã xuất hiện ở thành phố Baltimore (Thành phố cảng thuộc bang Maryland của Hoa Kỳ - N.D) cách đây không lâu.
- Thế còn cô gái Hi Lạp Daphhé Theodofanous của chúng ta thì sao? Tôi đang muốn biết hiện giờ cô ta ở đâu?
- Có lẽ tại một nhà ga sân bay nào đó ở châu Âu, và đang đợi cậu.
- Hầu hết các sân bay đều không hoạt động. Bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần. Người ta mở đầu bằng cách nói đến lí tưởng, và kết thúc bằng cách giết người. Bao giờ cũng là cái chết...