Bản du ca cuối cùng - Phần I - Chương 01 - Phần 1

Phần 1

Chương 1

Đang ngủ say, Kern giựt mình nhổm phắt lên, nghe ngóng. Như tất cả những kẻ bị tróc nã, Kern tỉnh hẳn ra, sẵn sàng chạy trốn. Ngồi bất động trên giường, hơi nghiêng người một bên, anh nghĩ tới cách đào thoát một khi thang lầu bị chận.

Căn phòng ở tận lầu tư. Cửa sổ mở ra sân chẳng có bao lơn nên không thể từ đó đu mình tới ống máng. Thế là không thể trốn thoát qua ngả đó. Chỉ còn một cách duy nhứt là băng qua hành lang để chạy tới vựa lúa, và từ đó, vượt mái ngói sang nhà bên cạnh.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Kern nhìn xuống mặt đồng hồ dạ quang. Năm giờ hơn. Trời vẫn còn tối trong phòng, hai tấm vải trải giường gần đó làm thành hai đốm mờ. Anh chàng Ba Lan nằm sát tường đang ngáy.

Nhẹ nhàng và cẩn thận, Kern bước xuống giường, rón rén tới cửa. Ngay lúc đó, người nằm trên chiếc giường giữa phòng động đậy, hỏi nhỏ:

- Chuyện gì vậy?

Kern không đáp, áp sát tai vào cửa. Người vừa hỏi đứng lên. Anh ta mò tìm trong đống đồ treo ở thanh giường sắt. Ánh đèn bấm bật lên, một vũng sáng tròn mờ nhạt rọi vào cánh cửa màu nâu và một phần người của Kern với chiếc quần đùi nhầu nát và mái tóc rối bù. Người cầm đèn bấm bực mình, hỏi:

- Ê, chuyện gì vậy?

Kern đứng thẳng lên:

- Không hiểu. Tôi giựt mình vì nghe có tiếng động.

- Tiếng động? Nhưng tiếng động gì, đồ ngu?

- Có tiếng động ở tầng dưới. Tiếng người nói, hay tiếng bước chân gì đó, không rõ lắm.

Người cầm đèn bấm bước xuống giường, đi tới cửa. Anh ta mặc áo sơmi vàng nhạt, dài gần tới gối còn ló ra đôi chân rắn chắc đầy lông lá. Hắn hỏi Kern:

- Ở đây bao lâu rồi?

- Hai tháng.

- Có lần nào bị bố ráp chưa?

Kern lắc đầu.

- Hừ, vậy là nghe lầm rồi. Người ta đánh rắm ban đêm chắc cũng tưởng là tiếng sấm.

Anh ta chiếu đèn vào mặt Kern:

- Mấy tuổi rồi? Chắc hai mươi? Dân tị nạn hả?

- Đúng.

Anh chàng Ba Lan ngồi ở góc phòng lè nhè:

- Jesus Christus tso siem Stalo.

Người mặc áo sơmi đưa ánh đèn về phía đó, một bộ râu rễ tre, một cái miệng há hốc và hai con mắt mở to dưới đôi chân mày rậm hiện ra. Người cầm đèn bấm gừ gừ:

- Câm miệng lại, Ba Lan! Chúa đã chết từ lâu!

- Tso?

Kern vụt chạy lại giường:

- Rồi, họ đang tới. Mình phải vượt mái nhà.

Người cầm đèn bấm xoay tròng người thật nhanh. Tầng dưới có tiếng cửa mở tung và tiếng người xôn xao.

- Ê, chạy đi Ba Lan! Cảnh sát tới!

Anh ta quơ lấy đồng hồ trên giường, hỏi Kern:

- Biết đường hả?

- Biết. Bên phải, dọc theo hành lang. Lên thang lầu phía sau bồn nước.

- Được rồi, dông! - Anh ta vừa nói vừa nhè nhẹ mở cửa ra. Gã Ba Lan lẩm bẩm:

- Matka boska.

- Câm miệng! Nhớ là không được khai gì cả, nghe chưa?

Kern và người mặc sơmi băng qua hành lang bẩn thỉu. Họ bước nhẹ đến nỗi còn nghe được tiếng nhỏ giọt tí tách của vòi nước khóa không được chặt.

- Qua bên này.

Kern vừa bảo nhỏ vừa lách vào góc quanh và chạm phải vật gì đó khiến người lảo đảo. Vừa kịp nhận ra viên cảnh sát trước mặt, Kern toan quay người lại thì bị đánh mạnh vào tay.

- Đứng yên! Đưa tay lên!

Kern buông đống đồ xuống, khuỷu tay trái đau buốt, cả cánh tay tê dại. Người mặc sơmi vừa định chồm tới thì một họng súng chĩa vào ngực. Anh ta từ từ đưa hai tay lên.

- Quay lưng lại. Tới đứng trước cửa sổ.

Người cảnh sát cầm súng bảo đồng nghiệp:

- Xét xem chúng có gì không?

Viên cảnh sát thứ hai lục soát trong đống đồ một lúc lâu:

- Ba mươi lăm Đức kim, một đèn bấm, một ống điếu, một con dao, một cái lược bẩn, hết.

- Có giấy tờ gì không?

- Hai ba lá thơ hay cái gì giống như vậy.

- Giấy thông hành?

- Không.

Người cảnh sát cầm súng lườm lườm:

- Giấy thông hành đâu?

Kern đáp gọn:

- Không có.

- Biết quá mà.

Rồi chĩa súng vào lưng người mặc áo sơmi, viên cảnh sát đổi giọng:

- Còn mày, thông hành đâu? Bộ chờ tao dạy cho cách mở miệng hả?

Hai người lính nhìn nhau. Người không có súng phá lên cười. Người kia liếm môi rồi gằn từng tiếng một:

- Được lắm, coi đây, thằng du đãng, đồ ma cô…

Viên cảnh sát bỗng ngưng ngang, tung một quả đấm như búa bổ vào cằm người mặc sơmi. Suýt ngã té nhưng người mặc sơmi gượng lại rồi lặng nhìn viên cảnh sát. Kern chưa hề thấy một cái nhìn như thế.

Viên cảnh sát gầm gừ:

- Không nói hả? Mày còn đợi…

- Không có.

- Không có – người cảnh sát nhại lại – Thấy không, nó bảo không có giấy thông hành. Đồ vô lại! Mặc đồ vào, mau lên!

Một toán cảnh sát chạy rầm rập dài theo hành lang. Các cửa phòng bị đẩy bật tung ra. Một sĩ quan cảnh sát tới:

- Chuyện gì đây?

- Hai tên này định bay qua mái nhà.

Viên sĩ quan nhìn hai kẻ bị bắt. Anh ta còn trẻ, mặt gầy và xanh mét, râu mép được cắt tỉa cẩn thận và bốc mùi nước hoa. Kern nhận ra ngay đó là loại nước hoa 4711. Gia đình Kern chế tạo nước hoa nên anh ta phân biệt dễ dàng.

Viên sĩ quan ra lệnh:

- Phải đặc biệt để ý hai tên này. Còng chúng lại.

Người mặc áo sơmi đột nhiên hỏi:

- Cảnh sát thành Vienne có được quyền đánh đập những người bị bắt giữ không?

Viên sĩ quan đáp gọn:

- Còn nhiều quyền hơn.

- Thôi, đi!

Kern và người kia mặc quần áo vào. Người cảnh sát không có súng móc còng ra:

- Lại đây, các con. Mang còng cũng như mang bao tay vậy thôi.

Thép chạm vào tay nghe lành lạnh. Lần đầu tiên Kern bị còng. Những vòng thép không hề gây trở ngại lúc đi. Nhưng Kern có cảm tưởng như không phải chỉ có hai cổ tay bị xích.

Bên ngoài, trời đã sáng mờ. Hai chiếc xe cảnh sát dừng lại trước ngôi nhà. Steiner, người bị bắt chung với Kern – nheo mắt:

- Một đám tang thượng hạng, phải vậy không cậu bé?

Kern không trả lời, cố che đôi tay bị còng vào vạt áo. Một vài gã bán sữa tươi tò mò đứng lại xem. Trong khuôn cửa tối mờ, một vài bóng người xuất hiện. Có tiếng cười chế nhạo giọng đàn bà.

Khoảng ba mươi người bị bắt lên xe, những chiếc xe cảnh sát không mui. Hầu hết đều ngoan ngoãn trèo lên, trừ bà lão chủ nhà trọ, mập béo, trạc năm mươi tuổi. Vài tháng trước, bà ta đã cho sửa sang đôi chút hai tầng lầu trên của ngôi nhà tồi tàn thành một nơi ở trọ. Rồi tiếng đồn lan mau là người ta có thể đến trọ nơi đó mà không cần có giấy tờ hợp lệ mà cũng chẳng phải khai báo gì cả. Trong tất cả những người ở trọ chỉ có bốn người khai báo: một gã bán hàng rong, một chuyên viên trừ chuột và hai ả điếm. Những kẻ ở lậu chỉ trở về lúc ban đêm. Hầu hết đều là dân tị nạn hay di dân từ Đức, Ba Lan, Ý và Nga tới.

Viên sĩ quan bảo bà chủ nhà trọ:

- Thôi lên mau đi. Chút nữa tới bót rồi giải thích.

Bà chủ nhà trọ rít lớn:

- Tôi phản đối.

- Được rồi, muốn phản đối bao nhiêu cũng được. Nhưng bây giờ thì phải lên xe.

Hai Cảnh sát viên kéo tay bà ta đẩy lên. Viên sĩ quan nhìn về phía Kern và Steiner:

- Coi chừng hai tên đó.

Steiner lên xe:

- Cám ơn.

Kern bước lên theo. Xe nổ máy. Một giọng đàn bà từ phía một cửa sổ kêu lớn:

- Vĩnh biệt, nghe!

Rồi một giọng đàn ông vang tới:

- Giết hết bọn di dân khốn nạn đó đi. Như vậy đỡ khỏi phải nuôi.

Xe chạy khá nhanh vì đường phố vẫn còn thưa vắng. Khoảng trời phía sau các dãy nhà như lùi lại, đang bắt đầu sáng tỏ với màu xanh trong, nhưng những người bịgiam bó trên xe chỉ là một khối mờ ảm đạm như cành liễu mùa thu. Một vài cảnh sát viên gặm bánh mì thịt và uống cà phê trong bình đựng nước.

Gần tới cầu Aspern, một chiếc xe rau cải băng qua đường. Các xe cảnh sát thắng gấp rồi gia tăng tốc độ. Ngay lúc đó, một người bị bắt trên chiếc xe thứ hai nhảy xuống. Cả một thân người rơi phịch trên mặt đường.

Người tài xế hô to:

- Dừng lại. Bắn ngay, nếu nó chạy.

Chiếc xe thắng lết. Một số cảnh sát viên trên xe nhảy phóc xuống, chạy tới nơi. Gã tài xế quay nhìn ra sau. Thấy người kia vẫn còn nằm bất động, hắn lui xe lại.

Người toan đào tẩu nằm ngửa giữa đường, gáy chạm vào một hòn đá. Ông ta nằm đó, chiếc áo ngoài mở rộng, tay chân dang thẳng ra trông như một con dơi khổng lồ vừa bị hạ. Viên sĩ quan hét lớn:

- Lôi nó dậy.

Hai người Cảnh sát khom xuống. Rồi một người đứng lên:

- Chắc gãy xương, hết đứng nổi nữa.

- Đứng không nổi hả? Lôi nó dậy.

Người Cảnh sát đánh Steiner lúc nãy thản nhiên bảo:

- Cho nó một đá là nó đứng dậy ngay.

Người nằn dưới đường rên nhỏ. Một Cảnh sát viên lắc đầu:

- Không dậy được đâu. Đầu ông ta chảy máu.

Gã tài xế xuống xe, càu nhàu:

- Quân ăn hại!

Rồi hắn ngước lên những người còn trên xe, trợn mắt:

- Ngồi yên nghe không! Đồ khốn kiếp! Rắc rối mãi!

Chiếc xe lúc đó đã đậu sát người bị thương. Từ trên nhìn xuống, Kern nhận ra kẻ toan chạy trốn đó là một người Do Thái – Ba Lan ốm yếu, râu xám bạc. Kern đã từng nhiều lần ở cùng phòng với con người già nua đó. Anh còn nhớ hồi khuya, ông lão đứng bên cửa sổ lâm râm cầu nguyện với một xâu bùa trên tay. Ông ta sống với nghề bán dạo các ống chỉ may, dây nhợ, và đã từng bị trục xuất ba lần khỏi nước Áo.

Viên sĩ quan hất hàm:

- Đứng lên! Tại sao nhảy xuống xe? Bộ sợ lắm rồi hả? Ăn trộm hay giựt dọc?

Ông lão máy môi, mắt mở to nhìn viên sĩ quan.

- Sao, ông ta nói gì?

Người Cảnh sát đang quỳ một chân bên cạnh ông ta, đáp:

- Ông ta bảo là quá sợ.

- Sợ. Dĩ nhiên. Sao không bảo là đã giết cha, giết mẹ? Ông ta nói gì?

- Ông ta nói là chẳng làm gì đáng trách cả.

- Tất cả đều nói vậy. Bây giờ làm sao đây?

Từ trên xe, Steiner bảo:

- Phải gọi bác sĩ.

Viên sĩ quan lườm:

- Câm! Tìm đâu ra bác sĩ giờ này? Cũng không thể đểnằm giữa đường. Rồi thế nào cũng có người đổ lỗi cho cảnh sát.

Steiner lại nói:

- Nên đưa vào nhà thương. Cần đưa gấp.

Viên sĩ quan do dự vì biết rằng ông lão đang bị thương rất nặng nên quên nạt Steiner.

- Nhà thương! Họ không nhận đâu. Phải có giấy nhập viện. Trước hết còn phải làm phúc trình.

Steiner nói:

- Đưa vào bệnh viện Do Thái. Họ không cần giấy nhập viện, không cần phúc trình. Cũng không cần phải có tiền.

Viên sĩ quan nhìn anh ta không chớp mắt:

- Sao biết rõ vậy, hả?

Một Cảnh sát viên đề nghị:

- Nên đưa tới một trạm cứu cấp. Ở đó luôn luôn có y tá trực hoặc một bác sĩ. Họ sẽ lo những gì cần thiết, mình kểnhư phủi tay.

- Tốt, khiêng ông ta lên. Tới đó để một người ở lại canh. Đủ chuyện rắc rối.

Những người cảnh sát đỡ ông lão dậy. Ông ta rên rỉ, mặt xám xịt. Họ đặt ông lên sàn xe. Ông lão giựt mình, mắt mở to. Một cái gì khác thường hiện ra trong ánh mắt, trên khuôn mặt thống khổ thù hận. Viên sĩ quan cắn môi:

- Ngu quá! Từng tuổi đó mà còn dám nhảy trong lúc xe đang chạy. Thôi, nổ máy đi. Chạy từ từ.

Phía dưới đầu ông lão, máu từ từ đọng vũng. Những ngón tay trơ xương cào nhẹ sườn xe. Môi lần lần co lại, lộ rõ mấy chiếc răng, trông giống như phía sau khuôn mặt đang nhăn nhó vì đau đớn đó, một kẻ nào khác đang mỉm cười câm lặng và khinh bạc.

Người cảnh sát lúc nãy quỳ bên cạnh ông lão bây giờ lại quỳ xuống nâng đầu ông lên cố giữ cho khỏi chạm vào sàn và xe nhồi lắc. Một lúc khá lâu, người cảnh sát nói:

- Ông ta bảo muốn đi tìm mấy con vì chúng nó sắp chết đói.

- Khùng, làm sao chết đói được. Chúng nó ở đâu?

Người cảnh sát khom mình sát xuống rồi ngẩng lên:

- Ông ta không chịu nói, sợ chúng bị trục xuất vì không có giấy tờ cư trú.

- Lại kiếm chuyện. Ông ta nói gì nữa?

- Ông ta xin thiếu úy thứ lỗi.

Viên sĩ quan ngạc nhiên:

- Sao?

- Ông ta xin thứ lỗi vì đã gây phiền phức.

- Thứ lỗi, lại chuyện lạ gì nữa đây?

Viên sĩ quan lắc đầu, nhìn sững ông lão.

Xe dừng lại trước trạm cứu thương. Viên sĩ quan ra lệnh:

- Đưa ông ta vào. Nhưng phải coi chừng. Rohde, ở lại đây cho đến khi tôi điện thoại tới.

Một số cảnh sát viên đỡ ông lão dậy. Steiner nghiêng mình tới:

- Ông già, chúng tôi sẽ tìm thấy mấy đứa nhỏ. Bọn này sẽ giúp chúng, nghe rõ không?

Ông lão nhắm mắt lại, rồi mở ra. Ba người cảnh sát khiêng ông ta vào trạm. Cánh tay người bị thương đong đưa, kéo lê trên thềm đường. Một lúc sau, mấy người cảnh sát trở ra và lên xe. Viên sĩ quan hỏi:

- Có nói thêm gì nữa không?

- Không. Hoàn toàn hôn mê. Nếu gãy xương sống, chắc không lâu.

- Kệ. Vậy là bớt đi một tên Do Thái.

Người cảnh sát đánh Steiner lúc nãy vẫn nói giọng thản nhiên trong khi viên sĩ quan lẩm bẩm:

- Xin mình tha lỗi. Kể cũng lạ…

Steiner chen vào:

- Nhất là giữa thời buổi này.

Viên sĩ quan như chợt tỉnh:

- Có câm miệng lại không? Đợi khóa lại hả?

Những người bị bắt được giải tới Cục Cảnh sát Elisabeth. Kern và Steiner được tháo còng ra, đi theo những người kia vào một gian phòng rộng lớn, chìm trong bóng tối. Hầu hết đều ngồi im lặng. Họ đã quá quen với cảnh đợi chờ. Chỉ có bà chủ trọ mập mạp là không ngừng kể lể.