Bản du ca cuối cùng - Phần I - Chương 01 - Phần 2
Chín giờ, từng người một được gọi đi. Kern bước vào mộ căn phòng có hai Cảnh sát viên, một thư ký mặc thường phục, viên sĩ quan và ông Trưởng.
Cục Cảnh sát khá lớn tuổi. Ông trưởng Cục ngồi trên chiếc ghế dựa bằng gỗ, hút thuốc. Ông bảo viên thư ký:
- Lấy lý lịch.
Người thư ký gầy đét như một con cá hộp nhưng giọng to sang sảng:
- Tên họ?
- Ludwig Kern.
- Sanh ngày?
- 30 tháng 11 năm 1914 tại Dresde.
- Quốc tịch Đức?
- Không có quốc tịch. Người ta đã lấy lại.
Người Trưởng Cục nhìn Kern:
- Mới hai mươi mốt tuổi? Phạm tội gì?
- Không có tội gì cả. Người ta rút quốc tịch lại vì cha tôi. Lúc đó, tôi còn vị thành niên nên cũng bị rút luôn.
- Nhưng tại sao bị rút?
Kern không muốn trả lời ngay. Cả một năm di trú đã dạy cho Kern phải cân nhắc từng chữ trước khi trả lời.
- Người ta vu cáo cha tôi chống chế độ.
- Do Thái?
- Cha tôi. Không phải mẹ tôi.
- A hà!
Ông Trưởng Cục bùng tàn thuốc xuống đất:
- Tại sao cậu không ở lại nước Đức?
- Họ lấy giấy thông hành của chúng tôi lại và trục xuất. Nếu còn ở lại đó, chúng tôi sẽ bị giam. Thà sống ở một nước ngoài còn tốt hơn.
Ông Trưởng Cục cười ra điều thích thú:
- Cũng phải… Nhưng cậu làm thế nào để vượt biên giới không có giấy thông hành?
- Vào lúc đó, chỉ cần có giấy cư trú là vượt được biên giới Tiệp Khắc và sống trong vùng đó. Tôi vẫn còn giữ một tấm. Chứng chỉ đó cho phép chúng tôi lưu trú tại Tiệp ba ngày.
- Và sau đó?
- Sau đó chúng tôi được cấp giấy lưu trú ba tháng. Hết hạn là phải đi ngay.
- Cậu tới Áo bao lâu?
- Khoảng ba tháng.
- Tại sao không đi khai báo?
- Vì đi khai là bị trục xuất ngay.
- Áo! – Ông Trưởng Cục vỗ nhẹ vào tay ghế – Làm sao cậu biết rõ như thế?
Kern không muốn kể lại là anh và cha mẹ, lần đầu tiên vượt biên giới Áo, đã đến khai báo với nhà chức trách. Ngay trong hôm đó, cả ba đều bị đuổi trở lại. chính vì vậy mà lần sau họ không khai báo nữa.
Kern hỏi lại:
- Nhưng không phải đúng như vậy sao?
Gã thư ký xẵng giọng:
- Không có quyền hỏi ngược lại.
Ông Trưởng Cục hỏi tiếp:
- Cha mẹ cậu đâu?
- Mẹ tôi đang ở Hunggari nhờ gốc gác Hung nên được cấp giấy lưu trú ngay. Cha tôi bị bắt và bị trục xuất lúc tôi không có ở khách sạn nên không rõ.
- Cậu làm nghề gì?
- Sinh viên.
- Sống bằng cách nào?
- Tôi còn một ít tiền.
- Bao nhiêu?
- Mười hai Đức kim. Còn một ít nhờ bạn bè giữ giùm.
Sự thật Kern không có quá mười hai Đức kim. Đó là tiền mà anh đã tìm được nhờ bán dạo xà bông và nước hoa. Tuy nhiên, nếu nói rõ ra, Kern sẽ bị phạt về tội hành nghềbất hợp pháp.
Ông Trưởng Cục Cảnh sát đứng lên ngáp dài:
- Thôi, xong chưa?
Gã thư ký đáp:
- Còn một tên nữa. Hay nói nhưng chẳng có gì.
Ông Trưởng Cục nhìn viên sĩ quan:
- Chỉ là những kẻ nhập cảnh lậu. Chắc không phải âm mưu của Cộng sản. Ai tố cáo?
- Một chủ nhà trọ khác. Cạnh tranh nghề nghiệp.
Ông Trưởng Cục cười to. Thấy Kern vẫn còn đứng đó, ông ta bảo:
- Thôi, xuống dưới đi. Chắc cậu đã biết là phải bị giam mười lăm ngày rồi trục xuất – Ông ta lại ngáp dài – Phải kiếm cái gì ăn và uống một ly bia cho tỉnh táo.
Kern bị đưa tới một phòng giam hẹp hơn lúc nãy. Ngoài anh ra, còn năm người khác trong số có anh chàng Ba Lan cùng ở chung phòng trọ. Khoảng mười lăm phút sau, Steiner được dẫn vào. Anh lại ngồi gần Kern.
- Lần đầu tiên bị nhốt hả cậu bé?
Kern gật đầu.
- Mới bị giam mà ủ rũ như một tên sát nhân à?
Kern mím môi:
- Cũng gần như thế. Nhà tù… tôi vẫn giữ những cảm nghĩ lúc trước.
Steiner lắc đầu:
- Cậu nên nhớ đây chưa phải là nhà tù. Chỉ mới bị câu lưu thôi. Nhà tù… còn phải chờ ít lâu.
- Còn anh, đã bị tù chưa?
- Rồi. Chỉ lần đầu là đã nếm đủ mùi và nhớ mãi. Nhưng về sau thì quen đi. Đặc biệt là trong mùa đông, hoàn toàn bình yên. Một người không có thông hành là một bản án tử hình treo. Nếu không chịu đựng nổi chỉ còn tự sát.
- Nhưng trường hợp có giấy thông hành? Có giấy thông hành cũng chưa phải là sẽ được phép hành nghề ở nước ngoài.
- Dĩ nhiên là không. Nhưng ít ra nhờ đó mà mình được quyền chết đói một cách bình yên. Khỏi phải lúc nào cũng nơm nớp sợ.
Kern nhìn sững một chỗ phía trước.
Steiner vỗ vai Kern:
- Ngẩng đầu lên, bé con! Cậu còn có hi vọng sống trong thế kỉ hai mươi, thế kỉ của văn minh, tiến bộ và tình người.
Một người nhỏ thó, sói đầu, ngồi trong góc phòng bỗng lên tiếng:
- Bộ họ không cho mình ăn uống gì hả? Cũng chẳng có cà phê.
Steiner quay lại:
- Cứ gọi tên hầu bàn là có ngay bốn món ăn. Cả trứng cá thu cũng có.
Anh chàng Ba Lan chắc lưỡi:
- Đồ ăn ở đây rrất rrất tệ.
Steiner nhìn anh ta:
- A, người của Jesus Christ. Quen ở tù rồi hả?
Anh chàng Ba Lan lặp lại:
- Rrất rrất tệ và rrất rrất ít…
Gã đầu sói nhăn mặt:
- Chết rồi. Tôi còn một con gà quay trong vali. Chừng nào họ thả mình ra?
Steiner thản nhiên:
- Trong vòng mười lăm hôm. Đó là giá biểu thông thường của những di dân không có giấy tờ hợp lệ. Có phải vậy không, Jesus Christ?
Anh chàng Ba Lan xác nhận:
- Mười lăm ngày hoặc nhiều hơn. Rrất rrất ít đồ ăn. Rrất tệ, súp chỉ toàn là nước.
- Vậy là chết rồi. Con gà của tôi thiu mất. Trời! Hai năm mới có được một con gà. Phải dành dụm từng xu. Định làm một phát ngon lành.
Steiner châm chọc:
- Hãy chờ tới tối rồi rên la. Cứ tưởng như ông bạn đã ăn rồi là đỡ khổ ngay.
Gã đầu sói nhìn Steiner, giận dữ:
- Sao? Bạn nói gì? Đừng lẩm cẩm chớ! Tôi còn định để dành một cái đùi cho sáng hôm sau.
- Vậy thì cứ chờ tới trưa mai.
Anh chàng Ba Lan chen vào:
- Với tôi thì không quan trọng. Không bao giờ ăn thịt gà.
- Dĩ nhiên là không quan trọng với bạn vì bạn làm gì có được con gà quay như tôi.
- Dầu cho có, cũng không quan trọng. Không bao giờ ăn thịt gà. Ăn là mửa – Anh chàng Ba Lan vuốt râu – Với tôi con gà là không quan trọng.
Gã đầu sói tru tréo:
- Ê, tôi không hỏi tới nghen!
Anh chàng Ba Lan thích thú:
- Ngay như con gà ở đây tôi cũng không ăn.
- Trời ơi, mấy người ở đây có ai nghe nói như vậy không? – Người chủ con gà quay vừa nói vừa bụm mặt.
Steiner cảm hứng:
- Ông bạn Ba Lan là một triết gia gà. Nè, có ăn gà tiềm không?
Anh chàng Ba Lan quả quyết:
- Không.
- Gà nướng?
- Nhứt định không ăn gà.
Người chủ con gà quay chịu không nổi:
- Đừng làm tôi điên lên.
Steiner vẫn ung dung hỏi anh chàng Ba Lan:
- Nhưng còn trứng gà, có ăn không?
- Trứng gà hả? Trứng gà thì… tuyệt. Rrất rrất ngon.
- Lạy Chúa! Con gà vẫn có chỗ yếu.
Anh chàng Ba Lan phản đối ngay:
- Trứng gà rrất rrất ngon. Bốn, sáu, mười hai trứng: sáu trứng trụng nước sôi, sáu trứng chiên sống. Thêm khoai tây chiên. Ừ, chiên với mỡ heo.
Gã con gà rên rỉ:
- Im đi! Đóng đinh nó! Chịu hết nổi rồi!
Một âm thanh ấm và trầm pha lẫn giọng Nga từ góc phòng vọng ra:
- Xin quý vị bớt cãi vã về một vấn đề không có thực. Tôi đã lén đem vào được một chai Vodka. Quý vị có vui lòng dùng chút ít không? Rượu sưởi ấm trái tim và lắng dịu tinh thần.
Người Nga vừa nói vừa mở nút chai rượu. Ông ta uống một ngụm rồi trao cho Steiner. Steiner cũng uống một ngụm rồi trao chai cho Kern. Kern lắc đầu. Steiner bảo:
- Uống đi cậu bé. Phải tập thích nghi hoàn cảnh.
Anh chàng Ba Lan chêm vào:
- Rượu Vodka rrất rrất ngon.
Kern ngượng ngạo uống một ngụm và trao chai cho người Ba Lan. Anh chàng tu một hơi dài khiến gã Con Gà sợ hết vội giựt chai ra.
- Bộ uống hết một mình, hả?
Anh ta vội vã nốc nhiều ngụm rồi phân trần với người Nga:
- Thấy không, gần cạn chai rồi.
Người Nga tỏ ra lịch sự:
- Không sao. Tới chiều là tôi sẽ được tự do rồi.
Steiner hỏi:
- Thật à?
Người Nga hơi nghiêng đầu tới:
- Rất tiếc là tôi không hề nói dối. Là dân Nga nên tôi có giấy thông hành Nansen.
Anh chàng Con Gà bỗng lễ độ:
- Giấy thông hành Nansen. Như vậy ông bạn thuộc giai cấp quý tộc trong xã hội của những người mất quê hương.
Người Nga nhã nhặn:
- Xin chia buồn vì anh bạn không được may mắn lắm!
Steiner phản ứng:
- Có gì đâu. Các người đi trước và tới trước. Cả thế giới thương xót các người vì các người chỉ là một con số ít so với bọn này. Thế giới cũng thương hại bọn này nhưng càng ngày bọn này càng đông hơn nên trở thành phiền toái.
Người Nga nhún vai rồi chìa chai rượu sang người cuối cùng trong phòng giam nãy giờ chưa lên tiếng.
- Xin ông vui lòng uống một ít cho ấm áp.
Anh chàng im lặng từ chối:
- Cám ơn, tôi không phải là người trong giới các bạn.
Tất cả đồng loạt quay nhìn hắn.
- Tôi có giấy thông hành còn hiệu lực, một tổ quốc, một chứng chỉ cư trú và một giấy phép hành nghề.
Tất cả đều tròn mắt. Người Nga thở ra và ngập ngừng:
- Xin lỗi… Nhưng tại sao ông bạn bị bắt?
- Vì nghề nghiệp. Tôi không phải là dân tịn nạn vô gia cư, không giấy tờ hợp pháp. Tôi là chuyên viên móc túi biết tựtrọng và cũng là một cây bạc lận.
Buổi trưa, họ được cho ăn súp đậu nhưng không có đậu. Buổi chiều cũng thế, nhưng được thêm một mẩu bánh mì và một ít cà phê. Tới bảy giờ, cửa mở ra. Người Nga được gọi trả tự do đúng như ông ta tiên đoán. Ông ta chào từ biệt từng người như đã là bạn chí thiết, rồi nói riêng với Steiner:
- Trong mười lăm hôm nữa, tôi sẽ ghé quán Sperler. Có lẽ là bạn đã được thả và tới đó. Không chừng tôi sẽ có một vài tin hay.
Tới tám giờ, gã đánh bạc lận đã có vẻ muốn giao thiệp với những người kia. Hắn lấy một bao thuốc lá ra mời. Tất cả đều vui trong khói thuốc. Bóng tối và những đốm lửa đỏ trên đầu thuốc tạo thành một không khí gia đình. Gã móc túi cho biết là đã bị bắt vì nhà chức trách muốn điều tra xem trong vòng sáu tháng qua, anh ta có làm ăn một cú nào không. Vẫn theo anh ta thì họ không tìm ra được một bằng chứng nào. kể chuyện mình xong, anh chàng móc túi kiêm đánh bạc lận đề nghị chơi bài. Vừa nói anh ta vừa nhanh như cắt cho xuất hiện một bộ bài trong tay giống như các nhà ảo thuật.
Phòng tối om. Nhưng với tài nghề ảo thuật, gã móc túi lại cho xuất hiện một cây đèn cầy và một bao diêm. Hắn gắn đèn cầy vào bờ tường. Ánh đèn nhòe nhoẹt và chập chờn.
Anh chàng Ba Lan, gã Con Gà và Steiner xáp tới. Con Gà dè dặt hỏi:
- Mình chơi không tiền, hả?
Gã đánh bạc lận cười:
- Dĩ nhiên.
Steiner hỏi Kern:
- Không chơi à?
- Tôi không biết đánh bài.
- Nên học chớ, cậu bé. Suốt buổi tối không chơi bài thì làm gì?
- Mai đã.
Steiner quay người lại. Ánh đèn mờ làm thành những vết lồi lõm trên mặt hắn.
- Có chuyện gì buồn sao?
- Chẳng có gì cả. Chỉ hơi mệt. Cần nằm một chút.
Gã đánh bạc lận bắt đầu xào bài với tất cả nghệ thuật của một tay điếm. Hắn chìa bộ bài ra. Anh chàng Ba Lan rút một con chín, gã Con Gà kéo con đầm, Steiner và gã đánh bạc lận mỗi người một con ách.
Gã đánh bạc lận ngước mắt:
- Kinh đi.
Hắn rút một lá. Lại một con ách. Hắn cười rồi đưa bài sang Steiner. Steiner kéo dưới bộ bài… một lá ách chuồn. Con Gà cười:
- Hên quá vậy!
Gã đánh bạc lận không cười. Hắn nhìn sững Steiner:
- Bạn cũng biết mấy trò này nữa à? Có phải người trong nghề không?
- Không. Chỉ chơi tài tử thôi. Biết được một tay thiện nghệ, cũng là điều hân hạnh.
Gã đánh bạc lận vẫn không rời mắt Steinter:
- Không phải vậy. Tôi muốn biết là vì chính tôi phát minh ra trò này.
Steiner dụi tàn thuốc:
- À, thật sao! Tôi học ở Budapest lúc bị giam.
Trước khi bị trục xuất. Do một người Katsher.
Gã đánh bạc lận thở ra khoan khoái:
- Katsher! Thế là đúng rồi. Katsher là học trò tôi. Bạn cũng khá lắm.
- Càng đi nhiều càng già dặn, thế thôi.
Gã đánh bạc lận trao một bộ bài cho Steiner rồi lên giọng:
- Thưa quí vị, ánh sáng rất tồi nhưng chúng ta chỉ chơi đểgiải khuây thôi. Thành thật mà nói…
Kern nằm dài, nhắm mắt. Một cơn buồn mờ mịt, dày như sương mù bao phủ Kern. Cuộc thẩm vấn ban sáng khiến anh không ngớt nhớ tới cha mẹ. Đây là lần đầu tiên sau một thời gian khá lâu, anh nhớ tới. Kern nhìn thấy lại hình ảnh người cha khi ông từ trụ sở Cảnh sát về. Một người thương gia cạnh tranh nghề nghiệp đã tố cáo cha Kern với Gestapo, cho là ông có tư tưởng chống chánh quyền, nhằm mục đích phá hại cơ sở sản xuất nước hoa và xà bông thuốc của ông để rồi sẽ mua lại cơ sở này với giá rẻ. Âm mưu đó đã thành công như hàng ngàn âm mưu khác. Sau sáu tuần bị giam, cha Kern trở về như một cái xác không hồn. Ông không nói gì cả, lẳng lặng bán lại cơ sở của mình cho gã gian thương đó với giá rẻ mạt. Tiếp theo đó là lịnh trục xuất và một cuộc đào tẩu triền miên.
Từ Dresde tới Prague, từ Prague tới Brunn, từ đó họvượt biên giới Áo ban đêm, sáng hôm sau họ bị đuổi sang Tiệp Khắc, rồi từ nơi này, vài hôm sau, họ lại vượt biên giới sang thành Vienne trong khi mẹ Kern bị gãy tay và phải cột lấy với một sợi dây lượm ở dọc đường. TừVienne họ sang Hunggari, ở lại ông bà ngoại, rồi Cảnh sát tới. Kế đến là cuộc chia ly với mẹ vì bà là người gốc Hung nên được cho ở lại. Lại tới Vienne lần nữa, bán dạo xà bông, nước hoa, dây giày… hết nhà này sang nhà kia để đỡ đói – và cái sợ dai dẵng của kẻ sống lậu, sợ bị tố cáo, sợ bị bắt… cho đến một đêm người cha không trở về chỗ trọ, Kern sống một mình cả tháng, chạy trốn từ nơi này sang nơi khác…
Kern lăn qua một bên, đụng phải một người. Nằm sát bên Kern là một khối đen nhòa, một người khoảng năm mươi tuổi từ sáng tới giờ gần như không buồn cử động.
- Xin lỗi, tôi không thấy.
Không có tiếng trả lời. Kern nhìn kĩ. Mắt ông ta vẫn mở. Kern biết rõ trạng thái tinh thần ấy. Đã nhiều lần, anh chứng kiến cảnh tượng đó trong một cuộc chạy trốn. Tốt hơn hết là nên để ông ta yên.
Thình lình Con Gà kêu lên:
- Mẹ, mình ngu quá! Ngu hết cỡ!
Steiner thản nhiên:
- Tại sao? Con đầm cơ là đúng rồi.
- Không phải vậy. Đáng lẽ phải nhờ thằng cha người Nga tới lấy con gà gởi vào. Ngu quá, ngu như con bò.
Hắn nhìn quanh với bộ điệu như trời sập đến nơi.
Kern bỗng thấy mình cười. Anh không muốn cười nhưng không dằn được. Anh cười rung cả người, cười như điên. Cái gì đó đã khiến anh cười, quét sạch tất cả, cơn buồn thảm, quá khứ và ưu tư.
Steiner rời mắt khỏi những lá bài, nhìn Kern:
- Cái gì vậy, cậu bé?
- Không biết. Tôi cảm thấy buồn cười không chịu nổi.
- Cười được là tốt.
Steiner vừa nói vừa kéo con già bích, thắng anh chàng Ba Lan ván đó.
Kern tìm một điếu thuốc. Tất cả đối với Kern bỗng thật đơn giản. Anh quyết định sẽ học chơi bài ngày mai và có cảm tưởng là quyết định đó sẽ thay đổi toàn diện cuộc sống của mình.