Bản du ca cuối cùng - Phần II - Chương 11 - Phần 1
Chương 11
Kern ký tên vào giấy trục xuất lần thứ hai ra khỏi nước Áo. Đây là lần trục xuất vĩnh viễn. Anh không thấy có gì cần nghĩ ngợi. Anh chỉ nghĩ là ngày mai mình lại sẽ có mặt tại khu hội chợ Prater.
Người công chức hỏi:
- Anh còn gì ở đây để mang theo không?
- Dạ, không.
- Anh có biết là sẽ bị ba tháng tù nếu trở lại Vienne không?
- Dạ, biết.
Người công chức nhìn Kern một lúc khá lâu. Ông cho tay vào túi và lấy ra một tờ giấy năm Đức kim.
- Đây, cầm lấy. Tôi không có quyền thay đổi luật lệ. Nếu có uống thì uống Gumpoldskirchner. Dạo này ngon lắm. Thôi, đi đi.
Kern hết sức ngạc nhiên:
- Cám ơn ông – Đây là lần đầu tiên anh được một viên chức cảnh sát cho tiền – Cám ơn ông thật nhiều.
- Được rồi, được rồi. Người dẫn đường đang chờ ở ngoài.
Kern nhận tiền. Với món tiền này chẳng những anh có thể trả hai ly rượu chát mà còn vừa đủ để mua vé xe để trở lại Vienne. Như vậy ít nguy hiểm hơn.
Họ đi cùng một con đường mà Kern đã đi với Steiner lần đầu tiên. Kern có cảm tưởng như đã cách xa tới mười năm. Ra khỏi nhà ga họ còn phải đi bộ thêm một quãng. Họ ghé vào một quán nước. Trước sân nhà có một vài bàn ghế. Kern nhớ tới lời khuyên của viên chức cảnh sát tốt bụng. Anh nói với người đưa đường:
- Mình uống Gumpoldskirchner đi. Dạo này tốt lắm.
- Cũng được. Trời chưa tối hẳn.
Cả hai ngồi trong khoảnh vườn nhỏ. Quanh họ, tất cả đều yên tĩnh. Nền trời cao và trong. Một chiếc phi cơ bay vù qua về phía nước Đức trông như một con chim ưng. Người chủ quán đặt lên bàn một chiếc đèn bão. Đây là một buổi chiều đầu tiên Kern được ngồi ngoài trời. Suốt hai tháng qua anh không hề nhìn thấy đất trời mút mắt. Anh có cảm tưởng như vừa được thở lần đầu tiên. Anh cố tận hưởng những giây phút thần tiên. Khoảng một hay hai giờ đồng hồ sau, cuộc chạy trốn, lẩn tránh lại tái diễn.
Người có số phận áp giải bỗng lên tiếng:
- Buồn nôn quá.
Kern ngước mắt:
- Đó cũng là ý của tôi.
- Không phải như cậu nghĩ đâu.
- Tôi cố tưởng tượng cho phù hợp.
Người đưa đường nhìn trời:
- Tôi muốn nói với các người. Chính những kẻ di trú như các người làm hạ giá nghề nghiệp của bọn này. Ngày tối, cứ phải lo đưa mấy người đi. Từ Vienne tới biên giới. Chán quá! Phải chi áp giải những đoàn tù chính cống có còng tay!
- Biết đâu trong vòng một hay hai năm nữa các ông sẽ có dịp áp giải chúng tôi, bị còng tay đàng hoàng.
Người đưa đường nhún vai:
- Trên phương diện Cảnh sát, các người chẳng là cái thá gì cả. Đã có lần tôi áp giải mấy tên cướp của giết người, lúc nào cũng sẵn sàng nổ súng. Một lần nữa lại phải áp giải một tên chuyên mổ bụng xác chết, thằng Teddy. Như vậy mới đáng kể. Bây giờ… với các người… chán quá!
Ông ta uống cạn ly:
- Kể ra thì anh cũng rành về rượu chát. Mình uống một tua nữa. Lần này để tôi trả.
- Tùy ông.
Cả hai uống cạn cùng một lúc và lên đường. Dơi và bướm đêm bay lượn chung quanh họ.
Ngôi nhà quan thuế sáng choang. Cũng vẫn những nhân viên cũ. Một người bảo Kern:
- Chờ một chút. Hãy còn sớm.
Kern cười:
- A, bộ rành lắm rồi, hả?
- Vâng. Biên giới là quê hương của chúng tôi.
***
Qua sáng hôm sau, Kern đã lại có mặt tại khu Prater. Anh không dám đến thẳng căn nhà di động bằng bánh xe của Steiner, sợ phá giấc ngủ. Anh đi vơ vẩn trong rừng. Cây cối ướt đẫm sương. Mùa thu đã tới trong thời gian Kern ởtù. Kern nhấc lá phủ của trại kỵ mã lên và chui vào trong. Như vậy là anh không còn phải sợ cảnh sát …
Kern giựt mình thức giấc vì có tiếng cười. Trời đã sáng tỏ. Các lá phủ đã được vén lên. Anh nhảy chồm dậy. trước mặt anh là Steiner.
- Steiner! Cám ơn Thượng đế!
- Xong rồi, cậu bé! Đứa con hoang đã trở về. Lại đây coi.Ốm và xanh xao lắm. Sao không tới đằng đó?
- Biết anh còn ở đó không.
- Cũng phải. Nhưng dẹp hết, đi ăn cái đã và thế giới đổi khác ngay – Anh hướng về phía nhà du mục – Lilo, thằng bé trở về đây. Nó đang đói – Anh lại quay về Kern – Lớn lắm rồi, có học hỏi thêm được gì không?
- Có chớ, học được là phải cứng rắn nếu không muốn chết mòn. Biết may và nói chút ít tiếng Pháp. Quan trọng hơn cả và hữu ích hơn cả là phải biết ra lịnh chớ không phải van xin.
Steiner cười khoan khoái:
- Vậy là khá lắm rồi, bé con!
- Ruth đâu anh?
- Ở Zurich. Bị trục xuất. Ngoài ra chẳng có gì đáng ngại. Lilo còn giữ cho cậu mấy cái thơ. Cô ta lãnh vai trò hộp thơ có giấy tờ hợp lệ.
- Ở Zurich…
- Chớ còn gì nữa! Bộ chưa nghe rõ sao?
Kern lơ đãng lắc đầu:
- Chưa…
- Ruth ở với mày người bạn. Cậu cũng phải đi Zurich. Ởđây coi bộ bắt đầu khó sống.
- Chắc phải vậy.
Lilo tới. Nàng chào tự nhiên như Kern vừa mới đi dạo đâu đó trở về. Đối với nàng, việc vắng mặt trong hai tháng chẳng có gì đáng kể. Nàng đã rời xa đất nước Nga gần hai mươi năm và cũng đã từng gặp lại những người tưởng đâu đã biệt tích ở Tàu hoặc Xi-bê-ri hằng mười mấy năm trời.
Vẫn bình thản, Lilo đặt mâm đựng tách và bình cà phê lên mặt bàn. Steiner bảo:
- Đưa mấy cái thơ cho Kern, Lilo. Cậu ta không ăn nổi nếu chưa được đọc thơ.
Lilo chỉ vào mâm. Mấy bức thơ tựa nghiêng vào một cái tách. Kern xé bao ra. Anh bắt đầu đọc và quên tất cả. Đây là những bức thơ đầu tiên được nhận từ Ruth. Và cũng là bức thơ tình đầu tiên của đời anh. Tất cả đột nhiên biến mất, nỗi thất vọng không được gặp lại Ruth, sự lo sợ; cuộc sống cô đơn. Anh càng đọc được những nét chữcàng như chiếu sáng ra. Thì ra, trên đời này cũng còn có người lo nghĩ tới anh. “Yêu anh. Ruth của anh”, sung sướng quá. Ruth của anh. Nhưng anh là gì của Ruth? Phải chăng anh chỉ là một vài chai nước hoa, một ít xà bông mà Ruth mang theo? Anh là một con người. Một con người nguyên vẹn. Và em cũng là một con người. Tóc em đen, mắt em ngời sáng…
Kern ngước mắt lên. Lilo đã vào trong. Steiner hút thuốc:
- Không có gì, chớ?
- Ruth bảo tôi đừng tới. Sợ nguy hiểm.
Steiner cười:
- Phụ nữ ai cũng thế. Thôi uống cà phê và ăn đi.
Anh ta dựa vào ngôi nhà lăn, nhìn Kern ăn. Ánh nắng xuyên qua màn sương bạc, vờn trên mặt Kern. Anh có cảm tưởng như đang thở trong hơi rượu. Mới sáng qua, giữa căn phòng hôi hám, anh còn quậy muỗng trong một cái ga-men nhôm móp méo đựng đầy súp loãng như nước rữa dĩa, trong khi gã du thủ du thực đánh rắm một tràng dài. Bây giờ, gió nhẹ ban mai vuốt má anh, anh được ăn bánh mì trắng, uống cà phê ngon, trong túi có mấy bức thơ của Ruth và bên cạnh có Steiner.
- Bị bắt đôi khi cũng có lợi. Nhờ có vậy, sau đó mình mới thấy đời xinh đẹp.
Steiner gật đầu:
- Có tính đi ngay tối nay không?
- Tôi vừa muốn đi mà cũng vừa muốn ở lại. Phải chi mình được đi chung…
Steiner đưa Kern một điếu thuốc:
- Vậy thì ở tạm đây một vài hôm. Coi bộ chưa khỏe lắm. Cần phải đủ sức mới có thể đi đường. Ở Thụy Sĩ không phải là chuyện đùa. Tới một xứ lạ, cần nhứt là sức khỏe được đầy đủ.
- Còn việc gì để làm không?
- Cậu có thể trông coi gian hàng bắn bia và ban đêm giúp thêm vài xuất biểu diễn mắt thần.
- Anh có lý. Tôi sẽ ở lại đây vài ngày để lấy lại sức trước khi lên đường. Không biết tại sao đói quá. Không những chỉ dạ dày trống rỗng mà đói cả mắt, cả đầu. Phải sắp xếp lại trước đã.
Steiner cười thông cảm:
- Lilo mang đồ ăn tới rồi kìa. Cứ ăn cho no. Tôi đi gọi lão Potzloch dậy.
Lilo hỏi Kern. Giọng Đức nàng còn cứng:
- Cậu ở lại, hả?
Kern gật đầu.
- Đừng lo nhiều. Ruth vẫn mạnh khỏe. Tôi có tài coi tướng mà.
Kern muốn bảo là anh không phải lo như thế mà chỉ sợ Ruth bị bắt trước khi anh tới Zurich… Nhưng khi nhìn thấy nét trầm buồn trên khuôn mặt người thiếu phụ Nga, anh không nói. Tất cả đều bé nhỏ so với nỗi đau khổ triền miên ấy.
***
Chuyện xảy ra buổi chiều hai hôm sau đó. Một vài người tới gian hàng bắn bia. Lilo bận với đám trẻ nên Kern tiếp đón các người kia.
Kern trao súng cho người đứng trước. Họ bắn trúng nhiều điểm và nhắm bắn những hòn bi đang nhảy múa trong tia nước. Sau cùng, họ đòi xem danh sách các thành phần thưởng và bắt đầu bắn thật sự.
Hai người đầu tiên bắn được bốn mươi ba và bốn mươi bốn điểm. Họ lãnh được một con gấu nhồi bông bông và một hộp đựng thuốc mạ bạc. Người thứ ba, thấp bé râu mép màu nâu, tỏ ra là một tay thiện xạ. Ông ta bắn được bốn mươi tám điểm. Hai người bạn vỗ tay khen. Lilo đưa mắt ra hiệu với Kern.
Nhà thiện xạ đầy nón ra phía sau:
- Năm phát nữa.
Kern nạp đạn. Ba phát đầu ông ta bắn trúng mười hai điểm. Kern nhìn cái rỗ đựng dĩa bạc chạm, vật gia truyền của Potzloch. Nếu tiếp tục bắn trúng như thế hai phát nữa, ông ta sẽ chiếm được lô độc đắc này.
Kern nạp đạn vào súng một viên đạn "quỷ quái” phát súng chỉ trúng sáu điểm. Nhà thiện xạ đặt súng xuống:
- Cái gì vậy? Có một cái gì không ổn. Không bao giờ tôi bắn sai cả.
Kern đỡ lời:
- Dạ chắc tay ông run một chút. Cũng cây súng đó mà.
Ông ta quắc mắt:
- Run thế nào được. Một sĩ quan cảnh sát kì cựu không bao giờ run. Bắn là nghề của tôi mà.
Kern hơi thất sắc. Một nhân viên cảnh sát mà lại mặc thường phục thì càng đáng ngại hơn. Người cảnh sát nhìn Kern đăm đăm:
- Phải có một cái gì không ổn.
Kern không đáp. Anh trao cây súng đã nạp đạn cho ông ta. Lần này, anh cho vào một viên đạn thông thường. Viên đội trưởng nhìn Kern trước khi nhắm bắn. Phát đạn trúng số mười hai. Ông ta đặt súng xuống hất đầu về phía Kern:
- Thấy chưa?
- Đó là chuyện tự nhiên.
- Chuyện tự nhiên? Không tự nhiên được, bốn lần mười hai và một lần sáu. Không thể tin được.
Kern không trả lời. Viên đội trưởng kề sát mặt tới:
- Dường như tôi có gặp anh ở đâu đó?…
Mấy người bạn ông ta chen vào. Họ la ó đòi phải đền một phát khác.
Lilo bước tới:
- Chuyện gì vậy? Có gì xin quý vị cứ nói với tôi. Cậu này mới tập sự thôi.
Hai người kia nói chuyện với Lilo. Riêng người Cảnh sát vẫn tiếp tục nhìn Kern để cố nhớ ra. Kern không nháy mắt:
- Tôi sẽ cho ông giám đốc hay để ông ấy quyết định.
Kern muốn để ông ta bắn một phát nữa nhưng nhớ tới lời dặn tha thiết của Potzloch, anh im lặng. Anh cố trấn tĩnh, từ từ đến thay chỗ cho Lilo.
Lilo đề nghị với cảnh sát một giải pháp dung hòa. Ông ta sẽ bắn lại năm phát. Dĩ nhiên là không tốn tiền. Hai người kia không đồng ý. Lilo liếc sang chỗ Kern. Thấy mặt anh tái mét, nàng quyết định tự mình xoay xở ngay. Nàng cười với tên đội trưởng:
- Người như ông thì có bắn bao nhiêu phát nhứt định cũng vậy thôi. Đấy, nhà thiện xạ hãy trổ tài một lần nữa cho mọi người thưởng thức.
Được khen, người cảnh sát cười hãnh diện. Lilo sờ vào bàn tay lông lá của ông ta:
- Một bàn tay như thế này thì chắc chắn không bao giờ run.
- Run? Không bao giờ!
Lilo trao khẩu súng. Viên đội trưởng bình tĩnh bắn. Tất cả được năm mươi tám điểm. Lilo tươi cười:
- Chúng tôi chưa bao giờ hân hạnh gặp được một người có tài thiện xạ như ông. Như thế là bà nhà khỏi phải sợ ai cả.
- Tôi chưa có vợ.
Lilo nhìn thẳng vào mắt ông ta:
- Chắc tại ông chưa thấy cần.
Viên đội trưởng cười tự mãn. Lilo lấy rổ đựng các bộ dĩa bạc trao cho ông ta. Trước khi đi, ông ta còn nhìn Kern một lần nữa:
- Tôi sẽ trở lại đây với sắc phục và chắc chắn là sẽ có chuyện vui nói với anh.
Họ vừa đi khỏi, Lilo đã hỏi Kern:
- Hắn có biết cậu không?
- Không hiểu. Dường như tôi chưa gặp ông ta lần nào. có thể là ông ta đã nhìn thấy tôi một nơi nào đó.
- Cậu nên nói lại với anh Steiner để anh ấy định liệu.
Người cảnh sát không trở lại buổi chiều nhưng Kern nhứt định phải đi ngay đêm hôm ấy. Anh nói với Steiner:
- Tôi phải đi. Ở đây coi bộ không được an toàn nữa.
Steiner nhìn ra xa:
- Ừ, đi thì đi. Vài tuần nữa là tôi cũng sẽ đi. Đất Áo càng ngày càng khó khăn. Tin tức mấy lúc sau này không còn lạc quan.
Mình tới gặp lão Potzloch một chút.
Pothzloch đang giận dữ vì bị mất cái rổ bạc gia truyền.
- Cậu biết không, vậy là mất toi ba chục Đức kim. Cậu hại tôi quá!
Steiner phân giải:
- Đó là trường hợp bất khả kháng. Vả lại, đằng nào thì cũng đã mất rồi. Kern đến chào ông để đi.
Potzloch sửng sốt:
- Ủa! Vậy hả?
Ông ta móc tiền trả cho Kern rồi kéo anh tới gian hàng bắn bia.
- Cậu bé, cậu sẽ biết nhà từ thiện Leopold Potzloch này là ai. Đây, cậu cứ tự nhiên chọn lấy một vài món kỉ niệm. À không, cậu có quyền bán lại. Cứ chọn đi, món nào cũng được.
Ông ta bỏ đi thật mau, không ngoảnh lại. Steiner cười:
- Cứ chọn đi. Mấy món lặt vặt này coi vậy mà dễ bán. Nên lựa mấy thứ nhẹ. Mau đi, kẻo ông ta hối hận quay trở lại.
Potzloch không nuốt lời. Lúc ông ta trở lại, Kern đã chọn xong, mấy cái gạt tàn thuốc và lược chải tóc. Potzloch còn lấy thêm cho Kern mấy pho tượng nhỏ bằng đồng. Ông ta cười khinh mạn:
- Dân tỉnh lẻ rất thích những thứ này. Kern, xin Thượng đế phò hộ cho cậu! Tôi phải đi bây giờ để dự một cuộc họp chống thuế hí cuộc. Thời đại chúng ta lại có thêm một thứ thuế… thuế hí cuộc. Mọi nguồn vui đều phải đóng thuế.
Kern chuẩn bị hành trang rồi dùng bữa với Steiner và Lilo. Steiner bảo:
- Tha hồ buồn, cậu bé. Những người anh hùng Hy Lạp thời cổ cũng khóc không thua các bà đa cảm thời nay. Cứ buồn, và cứ khóc, nếu cần. Sau đó, hãy mạnh dạn tiến lên.
Lilo chuyển sang Kern một dĩa kem:
- Đôi khi… buồn cũng có nghĩa là hạnh phúc.
Steiner vuốt tóc Kern:
- Hạnh phúc của một tay tứ chiến là một bữa ăn ngon. Đừng quên mình cũng là một chiến sĩ. Một chiến sĩ tiền tuyến. Một hướng đạo viên. Một kẻ khai phá tinh thần công dân thế giới. Chúng ta có thể bay qua mười biên giới trong một ngày. Quốc gia này cần tới quốc gia khác, nhưng hầu hết biên giới đều bọc sắt và nhiều nước đã chìm ngập trong thuốc súng. Phải biết hãnh diện vì mình là một trong những công dân khai phá.
Kern cười buồn:
- Hãnh diện là phải. Nhưng tôi sẽ làm gì đêm nay khi chỉ còn lại một mình?
Kern đi chuyến xe đêm. Anh mua vé hạng rẻ tiền và sau một vài lần quanh co, anh tới Inrsbruck. Từ đó, anh đi bộ với hi vọng đón xe đi nhờ. Kern không gặp xe nào cả. Đêm ấy, anh ghé vào một quán cóc, ăn đỡ đói một dĩa khoai tây chiên. Áp dụng kĩ thuật đã được tên trộm dạy lúc trong tù, anh lẻn vào một trại rơm ngủ qua đêm.
Sáng sớm, Kern lên đường. Anh đi nhờ một chiếc xe tới Landeck. Anh kiếm được năm Đức kim nhờ bán cho người lái xe một pho tượng nhỏ mà lão Potzloch đã tặng. Đến tối thì trời mưa. Kern lại tạt vào một quán cóc kiếm thức ăn và chơi bài Tarot với một vài tiều phu. Anh thua mất ba Đức kim. Kern trằn trọc mãi. Đã vậy anh còn phải trả cho chủ quán hai Đức kim về đêm ngủ trọ. Cuối cùng, anh ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, Kern tiếp tục hành trình. Anh đón một chiếc xe, nhưng người lái đòi phải trả năm Đức kim. Đó là chiếc xe hiệu Austro-Dainler trị giá đến mười lăm ngàn Đức kim. Kern từ chối. Một lúc sau, anh được người nông dân cho đi nhờ trên xe bò, lại còn cho anh một khúc bánh mì thịt. Đêm đến, anh ngủ trong ổ rơm. Trời mưa. Kern lắng tai nghe tiếng mưa buồn giữa mùi rơm sắp sửa lên men.
Buổi sáng, anh qua đèo Arlberg. Giữa lúc Kern gần mệt lả thì bị một cảnh binh bắt gặp. Thế là anh lại phải cố đi bộ ngược lại bên cạnh chiếc xe đạp của người cảnh binh, cho tới Sankt-Anton. Anh bị nhốt đêm ấy và không tài nào ngủ được vì sợ nhà chức trách biết được là anh đã từ Vienne tới. Nếu họ trả anh về đó, nhứt định là sẽ bị tù. Tuy nhiên, ở đây người ta nghĩ rằng anh chỉ muốn vượt biên giới tại chỗ thôi nên thả anh ra. Kern gởi vali đi trước bằng đường xe lửa tới Feldkirch rồi đi bộ sau với dụng ý không để cho người cảnh binh hôm qua nhận ra anh. Sáng hôm sau, Kern tới Feldkirch lấy vali. Đến tối, anh lội bộ qua sông Rhin với chiếc vali và quần áo đội trên đầu. Thế là anh đã vào lãnh địa Thụy Sĩ.
Kern tiếp tục đi luôn hai đêm nữa để qua khỏi khu vực nguy hiểm. Anh gởi vali trước và đi nhờ một chiếc xe tới Zurich.
***