Bản du ca cuối cùng - Phần II - Chương 11 - Phần 2

Kern tới nhà ga trung ương buổi chiều. Anh gởi vali lại. Tuy đã có địa chỉ trong tay nhưng Kern không dám tìm tới Ruth ban ngày. Anh đi vơ vẩn ở nhà ga và tìm đến một tiệm tạp hóa Do Thái hỏi thăm xem ủy ban cứu trợ dân tị nạn ở đâu. Kern được chỉ tới một nơi chuyên lo cứu trợ người Do Thái.

Kern trình bày hoàn cảnh với người thơ ký và cho biết mới vượt biên giới hôm qua.

- Hợp pháp, hả?

Kern lắc đậu.

- Có giấy tờ gì không?

- Nếu có, tôi đã không tới đây.

- Dân Do Thái?

- Không. Lai Do Thái.

- Theo đạo gì?

- Tin lành.

- Tin lành hả? Vậy thì chúng tôi không thể giúp được nhiều. Phương tiện chúng tôi rất eo hẹp. Vả lại, đây là một cơ sở tôn giáo nên chúng tôi chỉ chú trọng đến những người cùng đạo thôi.

Kern chua chát:

- Vâng, tôi hiểu. Người ta tống cổ tôi ra khỏi nước Đức chỉ vì cha tôi là Do Thái. Và ông không thể cứu giúp tôi vì mẹtôi là người theo đạo Tin Lành.

Người thơ ký nhún vai:

- Rất tiếc là ở đây chúng tôi đã nhận được phẩm vật của những người đồng đạo.

Kern hỏi:

- Như vậy ít ra ông cũng có thể chỉ giúp tôi một nơi nào để tạm trú vài hôm mà không cần phải khai báo?

- Rất tiếc, tôi không thể thẩm quyền. Quy lệ ở đây rất chặt chẽ, chúng tôi bắt buộc phải tuân theo. Chỉ còn cách là đến trình cảnh sát và xin giấy lưu trú.

Kern cười chán nản:

- Tôi đã có một ít kinh nghiệm về vấn đề này.

Người thơ ký nhìn kĩ Kern rồi bảo:

- Cậu đợi một chút.

Ông ta vào một lúc rồi quay ra với tờ giấy bạc hai chục quan:

- Cậu cầm đỡ một ít, chúng tôi không còn cách nào hơn.

- Cám ơn. Tôi cũng không dám mong nhiều hơn thế.

Kern cẩn thận xếp tờ giấy bạc cho vào bóp. Đây là khoản tiền Thụy Sĩ duy nhứt mà anh có.

Ra tới đường, anh đứng lại và không biết phải đi đâu.

- A, ông Kern.

Một giọng nói pha lẫn đôi chút chế nhạo vang lên phía sau Kern. Anh giựt mình, quay phắt lại. Một thanh niên ăn mặc khá chỉnh tề mỉm cười Kern:

- Đừng sợ. Tôi cũng từ trong đó ra – hắn chỉ tay về phíaủyban cứu trợ – chắc đây là lần đầu tiên anh tới Zurich?

Kern đo lường thái độ của hắn trước khi đáp:

- Vâng tôi tới đây lần đầu.

- Tôi đoán thế mà đúng. Anh trình bày có phần, xin lỗi, hơi vụng về. Cần gì phải khai đạo tin lành. Tuy nhiên, dầu sao họ cũng giúp anh chút đỉnh. Nếu anh không cho là vô phép, tôi xin được phép giúp anh một vài chỉ dẫn. Tên tôi là Binder. Chúng mình đi kiếm cà-phê, anh vui lòng chớ.

- Rất sẵn sàng. Ở đây có quán nào dành riêng cho những người di trú hay cùng loại như vậy không?

- Có quá nhiều. Tốt hơn là tới quán Greif, cách đây không xa. Cảnh sát cũng khônh hề tới đó.

Họ tới quán Greif. Quán này giống với quán Speeler ở Vienne như hai giọt nước. Binder hỏi:

- Anh từ đâu tới?

- Từ Vienne.

- Vậy thì nên kiểm soát lại các thói quen. Phải cẩn thận lắm mới được. Anh có thể xin lưu trú vài ngày không mấy khó nhưng sau đó là phải đi ngay. Hiện thời anh chỉ có hai phần trăm xin được giấy nhưng lai còn tới chín mươi tám phần trăm bị trục xuất.

- Đó không phải là vấn đề.

- Đúng vậy. Và anh có thể bị cấm trở lại trong thời hạn từ một đến năm năm tùy theo trường hợp. Bị bắt được sẽ ở tù.

- Thì ở đâu cũng vậy.

- Tốt lắm. Bây giờ vấn đề là phải khéo léo trốn tránh như thế nào cho tới khi bị lộ tung tích.

Kern gật đầu:

- Nhưng còn việc làm?

Binder cười:

- Hoàn toàn không. Thụy Sĩ là một nước quá nhỏ lại có sẵn không biết bao nhiêu người thất nghiệp.

- Lại vẫn một tiểu luận: Hoặc là chết đói hợp pháp hay bất hợp pháp hoặc là bất cần luật lệ.

- Chí lý – Binder thẳng thắn nhìn nhận – mòn thêm một vấn đề là đặc tính của mỗi địa phương. Zirich thì quá tệ. Cảnh sát ở đây có quá nhiều nhiệt tâm. Vùng nào chịuảnh hưởng Pháp có vẻ dẽ thở hơn như Genève chẳng hạn. Vùng Tessin cũng khá nhưng chỉ có những thị trấn quá nhỏ. Anh định sanh sống ra sao? Công khai hay bí mật?

- Tôi chưa hiểu…

- Nghĩa là anh định chỉ hoàn toàn sống nhờ vào đồng tiền cứu trợ hay buôn bán lặt vặt?

- Tôi thích buôn bán hơn.

- Nguy hiểm lắm. Họ coi đó là một nghề. Bị xử phạt gấp đôi. Lưu trú bất hợp pháp và hành nghề lậu, nhứt là khi bị tố cáo.

- Bị tố cáo?

Binder cười chua chát:

- Chính tôi đã bị tố cáo bởi một người Do Thái triệu phú. Ông ta nổi sùng vì bị tôi xin tiền để mua vé xe đi Ba Lê. Nếu có bán, chỉ nên bán những món nhỏ như viết chì, dây giày, nút áo, bàn chải đánh răng v.v… Đừng bao giờ mang vali, hộp hay xách cặp. Tốt hơn hết là cho cả vào túi. Mùa này lại càng thuận tiện vì đã vào thu, nhiều người mặc áo choàng. Anh thường bán những gì?

- Xà bông, nước hoa, lược, kẹp tóc và mấy món nho nhỏ khác.

- Vậy là tốt. Món đồ càng ít giá trị lại càng dễ kiếm lời. Phần tôi thì chẳng bán buôn gì cả. Tôi sống hoàn toàn như một kí sinh trùng của các cơ sở từ thiện. Thế là tôi khỏi bị bắt về tội hành nghề lậu nhưng vẫn bị tội du thủ du thực và hành khuất. Bạn có địa chỉ nào đó không?

- Địa chỉ gì?

Binder ngả người ra lưng nghế, trố mắt nhìn Kern:

- Chúa ơi! Đây chuyện quan trọng hơn tất cả. Phải có địa chỉ của những người mà định tới gặp chớ. Không lẽ cứ trốn chui trốn nhũi hết nhà này sang nhà kia. Được ba hôm là cùng.

Hắn mời Kern một điếu thuốc và nói tiếp:

- Tôi sẽ cho anh một lô địa chỉ của những người tin cậy được. Có ba hạng: những người Do Thái mộ đạo, ít mộ đạo và những người công giáo. Tôi cho không anh. Trước đây, tôi đã phải trả hai chục quan mới mua được một ít địa chỉ đầu tiên.

Hắn quan sát Kern:

- Quần áo anh còn tốt. Đó là điều kiện thích hợp ở Thụy Sĩ. Cảnh sát họ tinh mắt lắm. Áo choàng cũng phải tươm tất để nếu cần thì che giấu bộ đồ rách ở trong. Tuy nhiên, vẫn có chỗ trở ngại là nhiều người nhứt định không chụi bố thí khi quần áo của mình còn tốt. Anh có chuyện gì hay hay không?

Hắn ngước mắt và bắt gặp cái nhìn thẫn thờ của Kern:

- Tôi biết anh đang nghĩ chuyện gì. Trước đây, tôi cũng vậy. Nhưng, tin tôi đi, chỉ một việc làm thế nào để sống được trong cảnh khổ cũng đã làm một nhệ thuật rồi. Lòng từ thiện là một con bò sữa khó vắt mà lại quá ít sữa. Tôi đã gặp một số người dự bị sẵn ba mẩu chuyện khác nhau thuộc loại tình cảm, tàn bạo hay hiện thực. Tùy trường hợp, họ kể lể ra để kiếm vài quan. Nhưng nền tảng của tất cả các chuyện đó vẫn cứ là: nhu cầu, chạy trốn và dạ dày trống rỗng.

- Vâng, tôi biết nhưng có điều là chưa nghĩ tới. Tôi rất ngạc nhiên về những hiểu biết chính xác và thiết thực của anh.

- Có gì đâu. Đó chỉ là những kinh nghiệm gạn lọc sau ba năm chiến đấu để sống còn. Tôi thì quỷ quyệt, thật vậy, nhưng thằng em tôi thì lại quá chất phát. Nó đã tự vẫn cách nay một năm.

Nét mặt Binder biến đổi trong giây lát rồi trở lại bình thường. Hắn đứng lên:

- Đêm nay nếu không biết ngủ ở đâu thì đến với tôi. Tình cờ tôi tìm ra một chỗ trú ẩn được tới tám ngày. Phòng của một người quen đang nghỉ phép. Tôi sẽ trở lại đây khoảng mười một giờ. Đến nửa đêm là cảnh sát đi tuần. Nên cẩn thận, nhứt là với những nhân viên mặc thường phục.

- Thụy Sĩ coi vậy mà nguy hiểm. Nhờ trời được gặp anh, nếu không, có lẽ tôi bị bắt ngay đêm nay. Xin cám ơn anh.

Bider khoác tay:

- Những người đã ở tận dưới bùn đen đều phải biết yêu thương nhau. Tình bằng hữu của bọn mình cũng giống như của giới bất lương. Mỗi người chúng ta có thể lâm nguy một ngày nào đó, phải giúp đỡ lẫn nhau. Nhớ trở lại lúc mười một giờ.

Hắn trả lại tiền và ung dung ra khỏi quán.

Kern ngồi lại cho tới lúc trời tối. Anh đã mua được một bản đồ thành phố và ghi nhớ con đường tới chỗ ở của Ruth. Anh đi dọc theo các lề đường, chân bước gấp, đầu óc nóng ran. Khoảng nửa giờ sau, anh nhìn thấy ngôi nhà tại một khu phố hoàn toàn yên tịnh. Ngôi nhà trắng xóa dưới ánh trăng. Tới trước cửa, Kern bỗng dừng lại. nhìn nắm cửa to lớn bằng đồng, anh do dự. Anh không itn rằng sau khi mở cửa và đi thẳng lên lầu là sẽ gặp lại Ruth ngay. Từlâu rồi, anh có thói quen hay sợ những gì quá giản dị. Anh ngước mắt nhìn lên các cửa sổ. Rất có thể là Ruth vắng nhà. Hoặc nàng không còn ở Zurich nữa.

Kern đi qua trước nhà và ghé vào một tiệm bán thuốc hút. Anh hỏi mua một gói. Người đàn bà vẻ mặt cau có đứng sau quầy đẩy gói thuốc và một bao diêm tới:

- Năm mươi xu.

Kern vừa trả tiền vừa hỏi:

- Bà có điện thoại không?

- Có. Ở trong góc, bên trái.

Kern lật niêm giám tìm tên Neumann. Hàng trăm tên Neumann hiện ra. Cuối cùng anh tìm ra số nhà và tên đường. Người đàn bà đứng ở quầy theo dõi Kern. Khó chịu, anh quay lưng lại phía bà ta. Một lúc lâu mới có tiếng người ở đầu dây kia.

Kern cố giữ giọng khỏi run:

- Tôi xin được gặp cô Holland.

- Xin cho biết ai ở đầu dây.

- Ludwig Kern.

Tiếng nói ở đầu kia im bặt một lúc lâu rồi tiếng thở hổn hển vang rõ trong ống nghe của Kern.

- Ludwig… Anh đó sao, Ludwig?

Tim Kern đập thật mau:

- Anh đây. Ruth đó hả? Anh không nhận ra giọng nói.

- Anh đang ở đâu? Ở chỗ nào?

- Ở tại đây, Zurich. Trong tiệm bán thuốc lá. Ở đây. Cùng một đường với em.

- Ủa, sao anh không tới? Có chuyện gì không?

- Không. Anh muốn biết chắc là em còn ở đó không. Mình gặp nhau ở đâu cho tiện?

- Tới đây. Lại đây với em, mau đi. Lầu hai.

- Anh biết, nhưng có tiện không? Sợ người nhà…

- Không có ai cả. Em ở có một mình. Họ đi nghỉ cuối tuần hết rồi. Lại đây với em.

- Anh tới ngay.

Kern đặt máy xuống. Anh nhìn quanh. Cảnh vật trong tiệm dường như đã thay đổi. Anh trở ra quầy.

- Điện thoại bao nhiêu?

- Mười xu.

- Có bao nhiêu đó thôi, hả?

- Đủ rồi – người đàn bà lấy tiền – còn gói thuốc đằng kia.

- Vâng, vâng.

Kern ra tới đường. Anh tự bảo “Đừng chạy. Đừng làm cho người khác nghi ngờ. Phải làm chủ thần kinh. Nên đi chậm chậm. Mà không, vẫn có thể đi mau hơn…”

Ruth đứng sẵn ở đầu thang lầu. Trời tối nên Kern không thể thấy rõ người yêu. Anh vội vàng bảo:

- Coi chừng, anh chưa tắm rửa gì cả. Vali còn để ngoài ga.

Ruth không trả lời. Nàng hơi nghiêng người tới, dáng đợi chờ. Kern bước lên từng ba nấc một và… Ruth đã ở trong vòng tay anh, nóng ấm và hiện thực còn rõ ràng hơn sựsống.

Ruth đứng yên. Kern nghe rõ hơi thở của nàng. Anh cũng đứng yên. Bóng tối vây quanh họ dường như lay động. Kern bỗng nhận ra người yêu đang khóc. Anh sửa bộnhưng Ruth lắc đầu, vẫn dựa sát vào anh.

Có mở cửa tầng dưới. Kern nhính người qua một bên để nhìn xuống thang lầu. Anh nghe tiếng bước chân. Đèn bật sáng, Ruth chợt tỉnh:

- Vào đi anh.

Họ ngồi trong phòng khách của gia đình Neumann. Đây là lần đầu tiên từ khá lâu rồi, Kern được ngồi trong một căn nhà thật sự. Đồ đạc trong nhà hầu hết được làm bằng gỗ đào hoa tâm. Ngoài ra còn có một tấm thảm Ba Tư, mấy chiếc ghế bành, vài ngọn đèn có chụp ánh sáng may bằng lụa màu. Đối với Kern, khung cảnh chẳng có gì sang quý này lại là hình ảnh của thái hòa, một hòn đảo bình yên.

Kern hỏi:

- Giấy thông hành của em hết hạn hồi nào?

- Gần bảy tuần rồi.

Ruth lấy từ trong tủ ra hai cái ly và một chai rượu.

- Em có xin gia hạn không?

- Có. Em tới Tòa lãnh sự ở Zurich. Họ từ chối.

- Anh cũng vậy. Chỉ còn chờ phép lạ. Họ coi mình như là kẻ thù của quốc gia. Những kẻ thù nguy hiểm. Đúng ra, mình phải cảm thấy mình là những nhân vật quan trọng, đúng không?

- Em không cần gì cả. Bây giờ thì em cũng như anh.

Kern cười. Anh ôm vai Ruth và chỉ vào chai rượu:

- Chai gì vậy? Cognac hả?

- Dạ. Cognac loại quý của nhà này. Em cũng uống vì có anh. Nghe tin anh ở tù, em muốn điên lên. Bọn nó đánh anh, quân ăn cướp. Tất cả chỉ tại em.

Nàng nhìn Kern, mỉm cười. Kern nhận thấy tay nàng run run khi rót rượu.

- Em sợ quá. Nhưng bây giờ có anh là đủ cả.

Hai người cùng uống. Ruth đặt ly xuống. Nàng đã uống cạn một hơi. Quàng cổ Kern với cả hai tay, Ruth nũng nịu:

- Bây giờ em sẽ không để cho anh đi đâu nữa, không bao giờ.

Kern nhìn Ruth. Anh chưa thấy nàng như thế lần nào. Một cái bóng mờ đã đi qua, Ruth không còn tự khép kín nữa và anh chợt hiểu ra, lần đầu tiên, nàng đã hoàn toàn thuộc về mình.

- Ruth, anh muốn mái nhà bị hất tung lên rồi một chiếc phi cơ tới đưa chúng mình ra một hòn đảo xa xôi ở đó có san hô và những hàng dừa, ở đó không một ai nghe nói tới thẻ thông hành và chứng chỉ lưu trú.

Ruth hôn Kern:

- Em sợ không được vậy đâu. Ngay bên cạnh san hô và những hàng dừa chắc họ đã bố trí những dàn đại bác và tàu chiến. Ở đó, họ còn kiểm soát gắt gao hơn ở Zurich.

- Có lẽ đúng. Mình uống một ly nữa… Nhưng Zurich cũng nguy hiểm. Mình không thể lẩn trốn lâu.

- Vậy thì mình đi.

Kern nhìn quanh phòng. Anh khoát tay chỉ bao gồm tất cảbàn ghế, đèn, màn:

- Ruth, ở với em tại một nơi như thế này là chẳng gì bằng. Tuy nhiên, em cần phải nhớ rằng tất cả những đồ vật mà chúng ta đang nhìn thấy sẽ không còn nữa. Lúc đó chỉ có những con đường dài hun hút, những cuộc lẩn tránh, những ổ rơm, hoặc một gác trọ tồi tàn… và cũng có thể là tù ngục.

- Em biết nhưng em không sợ. Đừng lo. Bằng mọi cách em phải rời khỏi nơi này. Người trong nhà đang lo ngại vì em ở không khai báo. Họ sẽ hài lòng khi em đi. Em còn chút ít tiền để dành. Em sẽ giúp anh mua bán. Vả lại, em cũng không tốn kém gì nhiều cho anh đâu.

- Vậy à? Em còn tiền và sẽ tiếp anh mua bán? Thôi, đừng nói nữa, anh khóc bây giờ. Đồ đạc có gì nhiều không?

- Em gởi lại đây những gì không cần thiết.

- Tốt. Còn sách vở. Mấy cuốn hóa học to tổ bổ ấy?

- Bàn hết rồi. Em nghe theo lời anh lúc ở Prague. Đừng nên mang theo những gì dính dáng tới cuộc sống trước kia.

Kern cười:

- Vậy là đúng. Em có óc thực tế rồi. George Binder, một thổ công của Thụy Sĩ, đã khuyên anh như thế. Chừng nào mình đi?

- Sáng mốt. Từ bây giờ tới đó mình ở lại đây.

- Tốt quá. Lại có chỗ ngủ rồi. À, anh phải tới quán Grief trước mười hai giờ đêm để gặp Binder.

- Đừng đi đâu cả. Anh phải ở đây với em cho tới lúc hai đứa lên đường. Nếu không, em lo lắm.

- Nhưng có tiện không? Còn người giúp việc hay một ai đó có thể… tố cáo mình không?

- Người làm nghỉ cho tới trưa thứ hai. Cô ta sẽ trở về bằng chuyến xe lửa mười một giờ bốn mươi. Gia đình Neumann thì về khoảng ba giờ chiều. Mình còn đủ thì giờ.

- Chúa ơi! Chúng mình làm chủ cả một căn nhà như thế này à?

- Chớ sao.

- Mình làm chủ căn nhà. Mình tự do ngồi ở phòng khách, vào nằm trong buồng ngủ, ăn uống có khăn trải bàn trắng muốt, tô dĩa bằng sứ tráng men, muỗng nĩa bằng bạc, lại còn cà phê và nghe máy thu thanh…

- Và em sẽ nấu nướng theo sở thích của anh, rồi em sẽ mặc áo đẹp của Sylvia Neumann.

- Và anh sẽ mặc áo đuôi tôm của Neumann dầu có rộng thùng thình đi nữa.

- Chắc vừa mà.

- Vậy là tuyệt diệu.

Kern nhảy cẫng lên, nói tiếp:

- Anh sẽ tắm nước nóng và gội rửa thật nhiều xà bông. Lâu quá, chưa hề tắm với xà bông.

- Phải rồi, mình sẽ cho vào bồn nước vài giọt nước hoa hiệu Farr của nhà sản xuất Kern, nổi danh thế giới.

Kern buồn thiu:

- Anh bán hết rồi.

- Em còn một chai của anh cho trong rạp hát ở Prague. Đó là đêm đầu tiên. Em giữ là kỉ niệm.

Kern ngửa mặt lên:

- Xin Thượng đế ban phước lành cho Zurich. Ruth, em đem lại cho anh quá nhiều hạnh phúc. Hay quá, mình bắt đầu với toàn những điềm lành.