Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 02 - Phần 1
HỒI THỨ HAI
Diệt Hồng Ninh, Bình An vương rước vua về đô cũ
Rời Thuận Hóa, Nguyễn thái úy lại ra Bắc chầu mừng.
Lại nói năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Hưng thứ sáu (1583), tháng ba, vua Mạc Hồng Ninh lại đem quân tiến đánh. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng sai quân đánh lại, phá tan được. Tháng chín, tướng Mạc là Chấn quận công lại đem quân đánh xuống để báo thù lần thua trước. Tướng Mạc chia quân đóng trại, quân thủy bộ tiếp liền nhau. Đô tướng Trường quốc công sai quân đón đánh quân Mạc ở nơi Đường Nang[41]. Quân của Chấn quận công bên Mạc thua lớn phải chạy lui về phía sau trận. Quận Chấn chưa chạy được mấy dặm thì bị tướng Trịnh là quận Miễn đuổi kịp, bắt sống đem về nộp. Trường quốc công ra lệnh chém đầu.
[41] Đường Nang: Theo Cương mục núi Đường Nang ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa)
Quân Mạc chết trận đến quá nửa, số bị bắt làm tù binh nhiều không đếm xuể. Đô tướng Trường quốc công vốn có đức hiếu sinh, cấp cho cơm ăn áo mặc, cho về quê hương bản quán. Quân lính nhà Mạc vái vọng tạ ơn, rồi ai về làng nấy. Dân Hoan, Ái[42] hai xứ lại được yên ổn như xưa. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng lại cất quân đi đánh lấy hai huyện Yên Khang và Yên Mô[43], đặt quân đóng đồn ở núi Kiềm Tu. Nhà Mạc lại sai quân đến đánh. Trường quốc công Trịnh Tùng cho quân mai phục hai bên bờ sông ở khoảng chùa Điền. Quân hai bên đánh giữ giằng co đến hơn mười ngày, Đô tướng Trường quốc công thấy vậy hạ lệnh thu quân về.
Tướng Mạc tưởng quân Trịnh khiếp sợ liền thừa thế đuổi theo, đến chỗ có rừng rậm che khuất, đang lúc không đề phòng, bỗng nghe tiếng súng nổ vang, quân của Trường quốc công mai phục hai bên sườn núi liền nổi dậy xông vào giáp chiến. Quân Mạc thua to, tán loạn tìm đường chạy trốn, số chết tại trận rất nhiều. Những tên sống thoát tìm đường trốn về. Từ đó trong cõi được yên.
[42] Hoan, Ái: tức Nghệ Tĩnh (châu Hoan) và Thanh Hóa (châu Ái)
[43] Huyện Yên Khang và Yên Mô: hai huyện của phủ Trường Yên đời Lê ở xứ Sơn Nam (nay thuộc Ninh Bình).
Năm Bính Tuất, niên hiệu Quang Hưng thứ chín (1586), đô tướng Bắc triều là Trường quốc công Trịnh Tùng sai quan là hiến sát sứ Nguyễn Tạo vào hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam đo khám ruộng đất để thu thóc thuế. Hiến sát sứ Nguyễn Tạo vâng mệnh vào Thuận Hóa, đến công dinh yết kiến Đoan quốc công. Chúa xuống dưới thềm đón tiếp, mời vào trong trướng, chia ngôi chủ khách cùng ngồi nói chuyện. Rồi chúa sai mở tiệc khoản đãi, thăm hỏi chăm sóc Tạo rất ân cần, ngày đêm không rời nửa bước.
Hiến sát sứ Nguyễn Tạo thấy chúa Nam tiếp đón mình trọng hậu, trong lòng rất cảm phục. Những khi trò chuyện với chúa, Tạo thường tỏ ý khuyên chúa biệt lập cơ đồ. Tạo lưu lại ở Thuận Hóa khoảng năm, sáu tháng không vội về Bắc, cũng chẳng buồn bước chân ra đến đồng ruộng. Chỉ truyền cho các quan phủ huyện sửa sang biên chép điền bạ (sổ ruộng) nộp lên, Tạo chỉ xem lướt qua cho biết ruộng đất tốt xấu, lại tự mình cắt giảm đi phân nửa rồi mới đệ trình cho chúa Nam để theo đó thu thuế mà cấp phát cho ba quân.
Nguyễn Tạo nấn ná ở lâu tại Thuận Hóa sợ đắc tội với triều đình, bèn cáo từ để về Bắc. Chúa lưu luyến, tỏ cách rơi lệ cầm tay Hiến sát xứ Nguyễn Tạo mà nói rằng:
- Ta nay được gặp ông ở đây thật duyên may như rồng mây cá nước, khôn xiết vui mừng. Muốn lưu ông lại đây để cùng đàm đạo cho thỏ tâm tình. Nhưng ông từ biệt ra về khiến cho ta lòng rối như tơ vò, đau tựa dao cắt. Ông nỡ rời bỏ ta mà về chăng?
Hiến sát sứ Nguyễn Tạo nghe xong sụp quỳ khóc lớn, thưa rằng:
- Thần vâng mệnh lớn của triều đình, đi về minh bạch, không thể ở lâu. Thần xin trở vè Bắc trả lại ấn thao[44] rồi sẽ trở vào xin giúp rập minh công, không dám quên ơn minh công lượng cả.
[44] Ấn thao: chữ Hán là ấn thụ, là quả ấn, con dấu, do triều đình cấp cho các viên trưởng quan.
Thao là giải la màu đính ở cán con dấu để đeo bên lưng.
Chúa nghe đoạn bèn sai mở tiệc khoản đãi Nguyễn Tạo, khi lên đường, chúa theo tiễn chân hai dặm mới chia tay. Hiến sát sứ vái vọng cáo từ trở về Bắc, bấy giờ chúa mới trở về công phủ để xử lí công việc.
Từ đó, trong cõi thường gặp mưa hòa gió thuận, lúa thóc được mùa, dân chúng mừng vui. Ngoài đường không ai nhặt của rơi, phần nào có dáng dấp cảnh tượng thái bình.
Lại nói năm Tân Mão, niên hiệu Quang Hưng thứ mười bốn (1591), tháng giêng, đô tướng của Bắc triều là Trường quốc công Trịnh Tùng cất quân đi đánh dẹp miền Sơn Tây, đến chùa Ngô Sơn dừng lại đóng quân, chia doanh đặt trại, thủy bộ tiếp ứng cho nhau, đội ngũ chỉnh tề. Vua Mạc Hồng Ninh nghe tin liền chia quân đi chặn địch. Hơn hai tháng đôi bên đánh nhau mấy trận không phân thắng bại. Tháng hai, ngày hai mươi bảy, đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng suy nghĩ mưu kế dụ địch, bèn hạ lệnh nói phao lên rằng: “Vì hết lương ăn nên phải rút quân.” Trước hết sai người đưa xe lương về theo đường tắt, phao tin cho bên Mạc biết để dụ chúng đưa quân đuổi theo đánh úp. Lại mật truyền cho thái phó Dương quốc công Nguyễn Hữu Liêu đem một nghìn quân bí mật tiến vào chân núi xem xét địa hình, tìm nơi hiểm yếu để đặt phục binh. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng tự dẫn đại quân tiến đến đóng quân ở xã Phấn Thượng[45].
[45] Xã Phấn Thượng: nay là xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Ngày hai mươi tám, giờ Dần, Mạc Hồng Ninh cả phát quân lính người ngựa tiến thẳng đến dàn trận trước doanh trại quân Trịnh và chia quân tỏa đi vây bọc bốn phía. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng nghe tin báo cả cười rằng:
- Bọn giặc kia chẳng hiểu việc binh, ếch ngồi đáy giếng lại muốn khoe khoang sức mạnh? Thế là lọt vào bẫy của ta rồi.
Nói đoạn vào trong trướng gọi họp các tướng để sai phát. Lệnh cho hai doanh Thận Nghĩa và Khuông Nghĩa tiến quân hai cánh tả hữu; doanh Tuấn Nghĩa làm quân tiên phong; hai doanh Tráng Nghĩa, Sùng Nghĩa tiến sau làm hậu ứng.
Bấy giờ bên Mạc sai hai tướng An Nghĩa và Khuông Định xuất quân đánh ập vào. Giờ Ngọ, hai tướng đem quân ra đánh. Các tướng bên Trịnh cười nói: “Phép đánh trận phải đợi thiên thời. Chưa đến thời thì chớ có vội”. Các tướng đều lặng yên. Đến giờ Thân, đô tướng Trường quốc công hạ lệnh xuất quân đánh gấp. Các tướng được lệnh nhất tề dẫn quân xốc tới. Tướng Mạc là An Nghĩa, Khuông Định trễ nải không phòng bị, trở tay không kịp, đều bị chém đầu trước trận. Quân Mạc bị giết rất nhiều. Các đạo quân Trịnh thừa thắng đuổi dài đến tận sông Hát[46], vua Mạc Hồng Ninh sự hãi mất mật, quay đầu chạy bừa về phía Bắc, khi đến gần chân núi bị phục binh của Dương quốc công xúm vào vây đánh. Mạc Hồng Ninh cả kinh liều thân chạy thoát. Đô tướng Trường quốc công xua quân đuổi theo. Bỗng có một tên quân chạy ngựa đến bảo rằng tướng Mạc là thường quốc công đã cho đặt phục binh ở xã Phấn Hạ để chẹn phía sau.
[46] Sông Hát Giang: chi lưu của sông Hồng chảy qua các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng (ngoại thành Hà Nội nay).
Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng hay tin bèn hạ lệnh phát quân tiến đánh. Tướng Mạc là Thường quốc công biết mưu bị lộ, đang đêm bỏ quân trốn về Đông kinh. Trường quốc công đánh thắng, thu quân về đóng trại ở huyện Yên Sơn[47]. Đô tướng Trịnh Tùng sai quân đi thám thính tình hình quân Mạc. Quân do thám trở về báo Mạc Hồng Ninh chiếm đóng quân ở xã Yên Thạch[48]. Trịnh Tùng bèn sai chọn một trăm con voi đực, sai thái phó Dương quốc công lĩnh ba nghìn quân, cùng voi và ống lửa, súng lửa, nhân ban đêm tiến đánh, bắn vào doanh trại để phá tan quân Mạc.
[47] Yên Sơn: Thời Lê sơ gọi là huyện Ninh Sơn, thời Lê trung hưng kiêng húy của Trang Tông (Lê Ninh) đổi gọi là Yên Sơn. Nay là huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Sơn Bình.
[48] Yên Thạch: Tên xã thuộc huyện Yên Sơn.
Dương quốc công vâng lệnh, đang đêm dẫn quân tiến thẳng đến doanh trại quân Mạc, xua đàn voi chiến và bắn ống lửa, súng lửa vào đốt trại. Quân Mạc không chống cự nổi, khắp nơi tìm đường tẩu thoát. Mạc Hồng Ninh cả sợ, một mình chạy trốn về Đông kinh.
Đến đồn Nhị Hà, Mạc Hồng Ninh lại chiêu tập tàn binh để mưu đồ khôi phục, nhưng gặp khi năm hết tết đến đành phải đóng binh bất động. Người đời sau có thơ vịnh rằng:
Ào ào đảng Mạc dấy đao binh.
Khắp núi đầy đồng trống thúc nhanh.
Trường quốc vung đao xua nghịch tặc.
Hồng Ninh vứt giáp chạy Đông kinh.
Nhị Hà đêm trốn nghe vượn khóc,
Yên Thạch canh khuya tiếng nhạn vang.
Khen khéo chồn ranh khoe võ mép,
Nghe xa cọp rống ắt hồn kinh!
Năm Nhâm Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ mười lăm (1592), mùa xuân, ngày tiết Nguyên Dương[49], đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng cùng các quan văn võ và các tường hướng về phía hành tại của vua Lê kinh vái chúc mừng. Trường quốc công Trịnh Tùng mở tiệc lớn khoản đãi các tường, hi cuộc rượu ngà ngà say, Tùng báo các tướng rằng:
- Bọn ta vâng chiếu lệnh của thiên tử dẹp trừ giặc dữ, quét sạch gian tà. Nay giặc Mạc chưa yên, ta muốn cất quân đi đánh, tiễu trừ cho biết loài sói lang. Chưa hay ý các tướng thế nào?
[49] Tiết Nguyên Dương: tức ngày rằm tháng giêng.
Các tướng đều đứng dậy chắp tay bẩm rằng:
- Bọn thấp hèn chúng tôi được hưởng tước lộc nhà vua, ai nấy đều nhờ ơn nặng của nước nhà. Nay ngụy Mạc đánh giữ đều không xong, chính là lúc bọn chúng đang tan rã. Chúng ta không nhân lúc này mà đánh phá thì còn đợi đến bao giờ? Xin minh công xuống lệnh chia quân, bọn chúng tôi xin tùy cơ đánh dẹp, diệt trừ hết đàng nghịch, lấy lại Đông kinh. Ý nguyện của chúng tôi là như thế!
Đô tường Trường quốc công cả mừng. Thế là qua ngày mùng hai tết, dời quân đến đóng ở Ninh Giang[50]. Ngày mồng năm, từ sáng sớm các đội quân thủy bộ voi ngựa và đội Hùng tượng tiến thẳng đến Nhân Mục[51]. Đến giờ Ngọ lại tiến quân đến trận địa để xem xét tình thế quân giặc nhiều ít hư thực ra sao, Giờ Thân lại rút quân về Ninh Giang.
[50] Ninh Giang: nay là huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Hưng.
[51] Nhân Mục: tên xã ( tức làng Mọc), thuộc huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội).
Đô tường Trường quốc công đứng trước trướng gọi các tướng đến họp bàn, Trường quốc công nói:
- Giặc Mạc chiếm đóng thành Đại La, cậy nơi hiểm yếu. Nhưng nơi đây đường đi thông suốt bốn phương tám hướng. Bọn kia không hiểu binh pháp, việc phá thành chẳng có gì khó khăn. Ta có một kế lấy thành Đại La dễ như trở bàn tay…
Nói đoạn bèn lệnh cho thái phó Dương quốc công dẫn ba nghìn quân làm tiên phong. Hai doanh Tráng Nghĩa và Sùng Nghĩa làm tả xung vệ trận tiến quân theo đường Cầu Dừa. Hai doanh Trấn Nghĩa, Khuông Nghĩa làm hữu xung vệ trận, tiến theo đường Ống Mác, Nguyệt Áng.
Trường quốc công nói:
- Ta đích thân dẫn đội chính binh tiến theo đường Cầu Giền. Doanh Trấn Nghĩa[52] đi sau để tiếp ứng. Hẹn đêm nay từ lúc canh ba dậy sớm dẫn quân thẳng tiến, nhất loạt cùng vào đánh phá. Ai vào thành trước được xếp công đầu, kẻ nào trái lệnh xử theo quân pháp!
[52] Doanh Trấn Nghĩa: So phiên hiệu của các doanh thì thấy doanh Trấn Nghĩa nhắc đến hai lần, có thể đây là doanh Tuấn Nghĩa.
Các tướng nghe lệnh ai nấy đều lui về doanh trại chuẩn bị trận đánh. Đến ngày mồng sáu, tướng cầm quân các đạo theo đúng thứ tự đã ghi trong bản đồ, lần lượt đem quân đến thành Đại La. Chỉ thấy:
Cờ xí rợp đất, gươm giáo buốt sương
Voi ngựa đầy non xanh, thuyền mành che nước biếc.
Sừng trống dồn rúc[53] rung đất, chiêng khua sấm động trời
Dương oai tựa sấm rền chớp giật, diễu võ như gió táp mây cuốn.
Người người béo khỏe, ai nấy oai hùng.
Giặc Mạc làm sao chống nổi!
Thế là các đạo quân nhất tề xốc tiến đến thành Đại La, chia binh đánh vào rất gấp. Tướng Mạc là thái phó Thường quốc công[54] đem quân ra chống cự. Hai bên giao chiến một hồi lâu, sắp phá được thành. Quân Mạc thua to, chết tại trận nhiều không đếm xuể, số còn lại tán loạn chạy trốn. Thường quốc công cả kinh, vội giả làm một tên lính trà trộn trong đám loạn quân tìm đường thoát. Đang nghĩ cách ẩn náu, bỗng gặp quân tiên phong bên Trịnh, Thường quốc công liền bị bắt giữ. Quân Trịnh không biết mặt Thường quốc công bèn bảo nhau cắt mũi đem nộp để tính công. Thường quốc công cắn răng chịu đau, rồi cứ thế nhằm vào phía núi sâu mà chạy trốn. Chẳng may lại bị gặp phải thái phó Vinh quốc công[55], Thường quốc công bèn bị bắt sống đem về.
[53] Sừng trống dồn rúc: Tiếng tù và kêu.
[54] Thường quốc công: tên tước của Nguyễn Quyện, tướng nhà Mạc trước là Văn Phái hầu, sau thăng Thạch quận công (1584) bị bắt năm 1592, chết trong ngục (1593).
[55] Vinh quốc công: Tên tước của Hoàng Đình Ái.
Mạc Hồng Ninh thấy tình thế nguy cấp vội bỏ thành chạy gấp sang huyện Phượng Nhãn[56]. Các đạo quân của Trường quốc công bèn hạ thành Đại La, phóng hỏa thiêu hủy cung điện phố phường, phe đảng nhà Mạc bị giết hết. Quân Mạc chết trận máu nhuộm đỏ sông Nhị Hà, thây trôi đầy bãi cát. Đô tướng Trường quốc công Trinh Tùng hạ lệnh treo bảng chiêu an, cấm quân lính không được phá phách cướp bóc của cải, giết hại nhân dân, trong thành lại được giữ yên như cũ.
[56] Phượng Nhãn: tên huyện đời Lê, nay thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc.
Trường quốc công thăng trướng, tướng cầm quân các đạo đều tới dâng công. Thái úy Vinh quốc công Hoàng Đình Ái dẫn tướng Mạc Thường quốc công vào dâng nộp. Trường quốc công Trịnh Tùng thấy Thường quốc công bị cắt mũi rất lấy làm thương xót, bèn cời trói đưa vào trong trướng an ủi vỗvề, chẩn cấp cho rất hậu. Quân lình bên Mạc bị bắt đều được cấp cơm áp rồi tha cho về. Đô tướng Trường quốc công đi tiêu trừ các nơi ở La thành đề phòng đồ đảng họ Mạc tái tụ. Người đương thời có thơ vịnh rằng:
Sâu ong tụ tập đã bao sinh,
Một trận uy phong quét sạch sanh.
Mậu Hợp thân cô chuồn Phượng Nhãn.
Quận Thường mất mũi chốn La Thành.
Gươm đao vùng vẫy khói lang[57] tắt.
Ngựa chiến nhanh bon cõi thái bình
Khen khá Trường công ơn trạch xuống,
Ngời ngời đức sáng đến thương sinh.
[57] Khói lang: Nguyên văn “lang yên” (khói lang):thời cổ khi có quân địch xâm phạm bờ cõi, đồn binh ở biên thùy đốt lửa để báo hiệu bằng khói. Vùng sa mạc phía bắc thường dùng phân chó ói để đốt khói, cho nên gọi là lang yên. Tắt khói lang nghĩa là được yên bình.
Khi trước tướng Mạc là Văn Phái hầu Nguyễn Quyện nghe được bài thơ sấm bốn câu chưa hiểu ý nghĩa ra sao. Thơ nói:
Tam ngũ chi thời,
Hắc long ngộ hổ,
Quân tiễu Long thành,
Sinh cầm đại vũ.
Nay phá được thành Đại La, các nhà nho cùng với Nguyễn Quyện mới giải thích được ý nghĩa của bài thơ sấm ấy: “Tam ngũ chi thời” tức là năm Quang Hưng thứ mười lăm. “Hắc long” (rồng đen) tức là năm Nhâm Thìn[58], “Ngộ hổ” (gặp hổ) là nói về tháng giêng[59]. “Quân tiễu Long thành” là nói quân nhà Lê phá thành Đại La tức thành Thăng Long. “Sinh cầm đại vũ” là chỉ vào Trường quốc công vậy.
[58] Thìn: là năm Rồng
[59] Tháng Giêng: là tháng Dần, ứng với hổ.
Lại nói tháng ấy, đô tướng Trường quốc công Trinh Tùng san phá thành Đại La, quét trừ nghịch Mạc, quân dân mới hơi được tạm yên. Bấy giờ đô tướng lại đem quân về đóng ở Ninh Giang, sai quân đi thám thính tin tức Mạc Hồng Ninh, Thường quốc ở lại trong quân nửa tháng rồi ốm chết. Trường quốc công rất thương xót, cấp tiền bạc, gấm vóc điều phúng, sai người đem về quê nhà làm lễ an táng.
Bấy giờ Trường quốc công đã lấy được hai xứ Sơn Tây và Sơn Nam, lập được công lớn, bèn đem quân về đóng doanh ở phủ Yên Trường, trấn Thanh Hoa[60], sai quan đem lễ vật đến bái yết lăng điện các vua triều trước. Trường quốc công cùng các quan văn võ vào triều bái yết kiến thiên tử ở thềm son. Vua xuống dưới thềm vỗ về úy lạo, nói rằng:
- Khanh năm nay dẹp yên hung đồ, quét trừ ngụy đảng, chinh chiến vất vả, công lao thật to lớn, trẫm không biết lấy gì báo đáp. Công của khanh dẫu là kẻ anh hùng thời xưa cũng khó sánh tà.
Trường quốc công vái tạ tâu rằng:
- Thần đội nhờ uy đức bệ hạ, dựa vào các tướng hùng cường, ba quân sắc mạnh, thành công ngày nay không phải do tài năng của thần, thần đâu dám được nhận lời ban khen của thánh thượng!
Vua nghe tâu, cười bảo rằng:
- Từ xưa đã có câu “Hữu đức bất cư, hữu công bất phạt”[61] ấy là nói về khanh đấy.
Trường quốc công vái tạ, vua bèn sai mở yến tiệc thưởng công, úy lạo các tướng, khao đãi ba quân. Yến tiệc xong, các tướng ai nấy đều trờ về bản doanh.
[60] Phủ Yên Trường: Nơi đóng hành doanh của triều Lê trung hưng (nay là huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
[61] “Hữu đức bất cư, hữu công bất phạt”: có nghĩa là có đức không tranh, có công không khoe.
Từ đó đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng truyền lệnh cho các tướng luyện tập quân sĩ, chuẩn bị chiến cụ và binh lương đủ dùng trong khoảng hơn sáu bảy tháng. Thượng tuần tháng tám có tướng Mạc là Bùi Văn Kháng tìm đến quân doanh của đô tướng thưa rằng:
- Cha thần là Sơn quận công Bùi Văn Khuê người huyện Gia Viễn[62] làm tướng nhà Mạc. Vì thấy vua Mạc Hồng Ninh bản tính say đắm tửu sắc, giết hại trung thần lương tướng, tin dùng bọn xiểm nịnh gian tà, liệu thế nhà Mạc tất không được lâu. Nay nghe tin thánh chúa ở Biện hương[63] là người nhân từ độ lượng, nạp sĩ chiêu hiền, thiên hạ kéo nhau theo về. Cha thần đã quyết chí đến hàng. Không ngờ cơ mưu không kín, bị đồ đàng họ Mạc dò biết, sai người hãm hại vây bức ở Điềm Giang[64]. Cúi xin chúa công sai quân đến cứu cho cha thần thoát về, thần nguyện hết lòng dương khuyển, trổ lực ngựa hèn, bết đất gan óc để đền đáp ơn đức chúa thượng, thề giữ vẹn đạo vua tôi.
[62] Gia Viễn: Tên huyện thuộc Ninh Bình cũ, nay là Hà Nam Ninh.
[63] Biện hương: tức xã Biện Thượng thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
[64] Điềm Giang: Có lẽ là con sông chảy qua làng Điềm Xá, huyện Gia Viễn (Hà Nam Ninh).
Nghe Bùi Văn Kháng nói, Trường quốc công cả mừng bèn sai thái phó Vinh quốc công đem quân đến đóng ở bãi Lĩnh. Quân Mạc dò biết phải trốn về. Quận Sơn Bùi Văn Khuê thấy quân Mạc chạy tan, vội dẫn quân tùy tùng xông ra, tìm đến trại quân của Vinh quốc công. Hai người gặp gỡ chào hỏi nhau xong, bèn cùng về yết kiến Trường quốc công.
Sơn quận công Bùi Văn Khuê đến trước trướng vái chào, trần tình đầu đuôi việc mình bị vây khốn. Trịnh Tùng vui mừng sai mở tiệc khoản đãi, ban cấp cho Văn Khuê rất trọng hậu. Quận Sơn đứng dậy vái tạ, thưa:
- Cúi xin minh công lại một phen xuất phát thiên binh, thần xin dẫn đường đi bắt Mạc Hồng Ninh dâng nộp để lập công khởi tiến.