Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 03 - Phần 2
Người của Phan Ngạn nghe xong trở về nói lại với Phan Ngạn. Ngạn cả mừng, chọn ngày ước định để cùng Triệu Thị vui vầy. Không ngờ Triệu Thị sắm sửa lễ vật, rồi cho người mời họ hàng cùng các quân sĩ của chồng lúc trước đến nhà mình bàn việc. Triệu thị trước hết khóc vái Bùi Văn Khuê, sau chắp tay vái chung mọi người mà thưa rằng:
- Phu quân của thiếp bị Phan Ngạn bức tử mà chết không phải mệnh. Nay hắn lại muốn tỏ tư tình với thiếp. Thiếp đã lừa dối được hắn định ngày để cùng nhau tương ngộ. Xin các vị đoái tưởng vong linh chồng thiếp, cùng là thương xót cho tình cảnh của thiếp đây mà giúp sức phục binh, giết cho được tên Phan Ngạn kia để báo thù cho chồng thiếp. Các vị nếu đồng tâm hiệp lực, ấy là ơn đức như núi cao biển sâu!
Quân sĩ nghe nói đều hăng hái xin theo. Cách mấy ngày, Triệu thị sai người đến mời Phan Ngạn. Phan Ngạn cả mừng vội đem theo vài tên quân hầu đi đến nhà Triệu thị, Phan Ngạn sắp bước chân vào cửa, Triệu thị bèn cất tiếng gọi to:
- Người nhà đâu sao không mau ra nghênh tiếp quý nhân!
Thế là quân sĩ nấp sau bức tường đổ đều nhảy ào ra, ai nấy đều vung đao múa kiếm. Phan Ngạn cả kinh tìm đường chạy trốn, nhưng bị quân sĩ xông tới chém chết.
Triệu thị bèn chặt lấy đầu Phan Ngạn dâng tế Văn Khuê để thỏa thù chồng. Mới hay kẻ loạn thần tặc tử tự chuốc lấy tai ương, đạo trời lồng lộng, báo ứng rất mau!
Triệu thị [89] làm lễ tế xong muốn gieo sông trầm mình để vẹn tiết phu nhân. Họ hàng phải hết sức khuyên giải mới ngăn được.
[89] Về người vợ của Bùi Văn Khuê nói ở đoạn này. Toàn thư chép rõ họ tên là Nguyễn Thị Niên. Cương mục ghi thêm Nguyễn Thị Niên là con gái thứ của tướng nhà Mạc là Nguyện Quyện (sau quy thuận nhà Lê, rồi lại làm phản, chết trong ngục).
Lại nói về Bình An vương Trịnh Tùng phò giá vua Lê trở về Thanh Hóa, đi mất hơn 22 ngày[90] thì đến phủ Trường Yên[91], gặp con của Đoan quốc công là ba anh em Cẩm quận công. Anh em quận Cẩm dắt voi đến trước mặt chúa quỳ khóc thưa rằng:
- Cha thần là Đoan quốc công hứa hẹn đem quân đi bắt bọn Ngạn, Khuê. Chẳng may cơ mưu không kín nên việc không thành, làm trái lời đã hứa. Cha thần vì thế lấy làm hổ thẹn đã trở về trấn cũ không dám trở lại gặp mặt chúa thượng. Bọn thần mất hiếu được trung, cúi xin được làm bề tôi cầm roi cầm khải, gắng sức ngựa hèn xông pha thân nát xương tan để đền ơn chúa thượng.[92]
[90] Nguyên bản chép: “Nhị thập nhị nhật dư” - đi mất hơn hai mươi hai ngày. Vì không tròn số nên có thể nghĩ rằng Bản sao chép thừa chữ “dư” (nếu như vậy thì hai mươi ngày là ngày Trịnh Tùng đem vua Lê đến Trường Yên chứ không phải đi mất hai mươi hai ngày).
[91] Phủ Trường Yên: đời Lê gồm đại thể đất các huyện phía Nam tỉnh Ninh Bình cũ. ĐNTLTB chép tự điển nói đây ở huyện Yên Sơn (?) có lẽ chỉ huyện Yên Mô mà chép lầm chăng?
[92] DNTLTB có chép người con của Nguyễn Hoàng đón gặp Trịnh Tùng tên là Hải (là con thứ năm) và cháu tên là Hắc nhưng không ghi tên tước Cẩm quận công. Nơi gặp thì chỉ nghĩ việc bảo vệ đất đai, thực không có ý gì khác (DNTLTB, 41).
Bình An vương Trịnh Tùng nghe bọn Cẩm quận công khóc thưa như thế, nghĩ bụng lấy làm thương. Lại hơi nghĩ đến tình thân thích máu mủ, cũng muốn mở lượng bao dung, bèn vẫn cho giữ chức tước, được cai quản binh dân như cũ. Chúa bèn thu nhận voi ban phát cho các tướng. Cách mấy ngày bỗng nghe tin ở kinh đô bọn Ngạn, Khuê xẩy chuyện tranh chấp, chúa cả mừng, vỗ tay cười nói:
- Trời giúp ta đó!
Cách mấy ngày sau lại nghe tin ở kinh đô, vợ Bùi Văn Khuê là Triệu thị lập mưu giết chết Phan Ngạn, kinh đô Thăng Long đã được bình yên, Bình An vương vui mừng khôn xiết. Mùa hạ, tháng sáu, ngày mười ba, Bình An vương lại phò giá vua Lê trở về Thăng Long.
Quân của Bình An vương đi đến Gián Khẩu thì gặp tướng nhà Mạc là bọn quận Vân đem thủy quan đến chặn đường. Trịnh Tùng bèn phát lệnh cho các quân xông lên đánh mạnh, bắn gấp. Binh thuyền của quận Vân thua lớn. Bọn quận Vân cả bại, bỏ thuyền lên bộ chạy trốn về phía Đông kinh. Bình An vương hạ lệnh thu quân không đuổi theo.
Sau khi đưa quân trở lại kinh đô, Bình An vương Trịnh Tùng sai người tu sửa cung điện, lầu gác, phố phường cho được như cũ, xuống lệnh tha tội cho Triệu thị vợ Bùi Văn Khuê, cho người triệu vào phủ, khen ngợi là người đàn bà trinh tiết, ban thưởng cho rất trọng hậu. Có thơ rằng:
Bốn giới[93] sao không biết xét tình,
Tham tài háo sắc dấy đao binh
Ký, Thôi[94] thân chết chưa hết nhục,
Khuê, Ngạn xong đời, tiếng xấu inh.
Ca tụng Từ nương[95] người tiết phụ,
Nêu gương Triệu thị sáng lòng trinh
Cổ kim bao kẻ anh hùng đấy,
Đến chỗ nên dừng mộng chửa tinh!
[93] Bốn giới: nguyên văn: “Tứ giới”: bốn điều răn.
[94] Ký, Thôi: người có họ (hoặc tên) là Ký và Thôi, chưa rõ theo tích, chuyện nào.
[95] Từ nương: chỉ Từ Thục, người phụ nữ tiết hạnh đời Hán.
Bấy giờ có dư đảng nhà Mạc là Tráng quận công Ngô Đình Nga vẫn đóng quân các nơi ở miền Đông Bắc. Quân của quận Tráng kéo đi cướp bóc của cải dân lành, hiếp bức trăm họ. Bình An vương sai con là thiếu phó Thanh quận công Trịnh Tráng đem quân đi đánh dẹp.
Quân của Thanh quận công đến nơi giao chiến với quân Mạc, bắt được Ngô Đình Nga đem chém đầu. Quân của quận Thanh xông vào phá doanh trại giặc, bắt được Phạm thị là vợ Đình Nga. Thấy Phạm thị xinh đẹp, Thanh quận công thu nạp làm cung phi. Đến tháng mười một, Thanh quận công lại cưới con gái trưởng Nam là Đoan quốc công Nguyễn Hoàng làm chính phu nhân[96] sau sinh con trưởng là Trịnh Kiều.
[96] Người con gái trưởng của Nguyễn Hoàng tên là Ngọc Tú. Sau khi Trịnh Tráng nối ngôi chúa, lập chánh phu nhân Ngọc Tú làm Tây cung chánh phi.
Lại nói tháng năm năm ấy, chúa Nam là Đoan quốc công Nguyễn Hoàng từ khi rời kinh đô Thăng Long đưa thủy quân trở về trấn cũ, các tướng dưới quyền Nam chúa đều vào phủ dinh chúc mừng. Chúa tôi cùng nhau trò chuyện, kể lại đầu đuôi mọi việc, ai nấy khôn xiết vui mừng. Từ đó Nguyễn Hoàng rộng ban ơn đức, thu phục cố kết lòng người, anh hùng hào kiệt các nơi theo về giúp rập. Trong cõi mưa thuận gió hòa, mùa màng lúa tốt, trăm họ vui ca, cho là đời thái bình.
Một hôm chúa Nam nhân khi nhàn hạ đi du ngoạn các nơi núi non sông biển, chẳng đâu không khắp. Khi đến xã Hà Khê, huyện Hương Trà thấy giữa chốn đồng bằng nổi lên một gò cao dáng tựa như chiếc đầu rồng đang ngoái nhìn về phía núi mẹ, Đoan vương Nguyễn Hoàng trong bụng lấy làm ưa thích, bèn trèo lên đồi cao ngắm nhìn khắp xung quanh. Chợt thấy một đoạn hào cắt ngang dưới chân núi. Nguyễn Hoàng thầm nghĩ lấy làm tiếc, chưa biết nguyên do ra sao. Sau đó Đoan vương tìm người địa phương hỏi ngọn đồi kia tên gọi là gì. Người địa phương thưa:
- Chúng tôi là dân mọn, chỉ nghe lời truyền của các cụ ngày xưa bảo rằng: núi này rất linh thiêng, khoảng đời nhà Đường có viên đại tướng tên là Cao Biền từng đi khắp các nơi núi non sông biển nước ta xem những nơi nào có vượng khí linh thiêng thì tìm cách cắt yểm đi, ý là muốn cướp đoạt nước Nam ta. Cao Biền thấy trên núi có khí thiêng bèn đào hào phía sau chân núi để cắt mạch, khiến cho linh thiêng về sau không cư tụ được. Đêm hôm ấy bỗng có một người đàn bà thể sắc trông còn trẻ nhưng mày tóc bạc phơ, mình vận áo đỏ quần xanh ngồi dưới chân núi kêu gào than vãn, rồi cất tiếng nói to: “Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều thì nên lập chùa thờ Phật, cầu thỉnh linh khí trở về núi này để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo.” Người đàn bà ấy nói xong liền biến mất. Dân trong vùng ghi nhớ hình dáng người đàn bà ấy, đặt tên núi là Thiên Mụ. Ấy là sự tích người xưa truyền lại như thế, đúng sai ra sao bọn dân chúng tôi không biết rõ, mong tôn ông minh xét.
Nguyễn Hoàng nghe nói cả mừng, bảo rằng:
- Ấy là bà lão bảo ta mở nền định đất, biến nhà thành nước để nên nghiệp lớn.
Nói đoạn sai người cất dựng chùa Phật, viết biển đề chữ “Thiên Mụ Tự” (chùa Thiên Mụ)[97]. Từ đó dân chúng tới cầu khấn đều thấy linh thiêng ứng nghiệm.
[97] Việc này cũng được ghi trong ĐNTLTB
Chúa Nam Nguyễn Hoàng lại đi thăm cảnh đến xứ Quảng Nam, thây núi Ải Vân hiểm trở sừng sững vươn cao, dáng ví tựa núi Ma Thiên Lĩnh ở đất Ba Trạc, Đoan vương Nguyễn Hoàng khen mãi, cho là nơi cảnh đẹp núi kì. Rồi đó Nguyễn Hoàng vượt đèo đi vào địa phận phủ Thăng Hoa[98] Quảng Nam xem xét bình thế núi non các nơi trong xứ. Thấy xứ này đầu nguồn hiểm yếu, cửa biển vững chắc, bèn sai dựng hành điện[99], kho tàng để chúa trữ thóc tiền, mưu toan công việc lâu dài. Lại để công tử Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên ở lại làm trấn thủ để bảo vệ cho kẻ dân lành.
Bấy giờ có viên khám lí ở phủ Hoài Nhơn là Cống quận công[100] tìm đến hành dinh của chúa bày tỏ lòng khâm phục, xin được góp sức giúp rập. Đoan vương cả mừng, khoản đãi rất hậu. Rồi đó, Đoan vương Nguyễn Hoàng đem quân trở về. Từ bấy binh thế ngày tăng, tiếng tăm càng nổi. Dân mạn ngược ngóng phục, nước Chiêm đến hàng. Đoan Vương thi hành nhân chính cai trị muôn dân. Vương chịu nghe điều nói phải, nhận lời can gián, thán gần người hiền, lánh xa kẻ nịnh, bỏ xa hoa, theo cần kiệm, nhẹ thuế khóa, nới hình phạt, dân chúng trong hai xứ đều cảm mộ ơn đức.
[98] Thăng Hoa: Tên phủ đời Lê, gồm đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quê Sơn thuộc Quảng Nam cũ.
[99] Hành điện: nhà làm dành riêng cho vua chúa ở khi đi kinh lí các địa phương.
[100] Tên tước của Trần Đức Hòa, quê huyện Bồng Sơn (Nghĩa Bình)
Lại nói chuyện năm Tân Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ hai (1601), dư đảng nhà Mạc ở Hải Dương là Nam Dương hầu[101] họp quân đóng đồn ở Nam Đạo[102]. Đội quân thủy rất đông. Tháng giêng, Bình An vương ở Bắc triều nghe tin, tự thống lĩnh đại quân thủy bộ tiến đánh. Trịnh Tùng sợ thủy binh của Nam Dương hầu là quân tinh nhuệ, khó giành được phần thắng, bèn suy tính để bày đặt quỷ kế. Rồi đó Trịnh Tùng phong cho đô đốc Chấn quận công giữ chức tiết độ thủy quân, cho ngồi thuyền che lọng của chúa theo đường sông tiến đánh thủy quân của Nam Dương hầu. Trịnh Tùng tự mình dẫn quân bộ theo đường chân núi đánh ráp lại.
[101] Tên tước của tướng nhà Mạc là Nguyễn Nhâm (Người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Sơn Bình), Toàn thư không ghi rõ tên. Cương mục kiêng húy Tự Đức đổi chép là Nguyễn Dụng.
[102] Nguyên văn chép là Nam Đạo, ngờ là Nam Sách mà chép nhầm.
Bấy giờ quận Chấn đóng giải làm chúa Trịnh dẫn thủy quân thẳng tiếng, đánh lớn với quân nhà Mạc. Nam Dương hầu từ xa trông thấy chiến thuyền che lọng chúa Trịnh tưởng đó là thủy quân của Bình An vương đang tiến đến, bèn đốc thúc quân lính ra sức đánh gấp, Chấn quận công trở tay không kịp, bị Nam Dương hầu chém đầu trước trận. Quân Trịnh thua to. Nam Dương hầu đắc thắng định thu quân về, bỗng gặp quân thủy bộ của Bình An vương thình lình ập đến, quân Trịnh hăng sức đánh thốc vào. Quân của Nam Dương hầu đại bại. Anh em Nam Dương hầu bị bắt sống tiến nạp cho Trịnh Tùng, cả hai đều bị chém đầu. Quân Trịnh thu được khí giới, chiến thuyền nhiều vô kể. Vua Kiền Thống[103] nhà Mạc cả sợ, ngay đêm ấy bỏ quân chạy về huyện Kim Thành.
[103] Chỉ Mạc Kính Cung lấy niên hiệu là Kiền Thống.
Tháng ba, đúng vào ngày tiết thanh minh (mồng ba tháng ba) Bình An vương Trịnh Tùng sai em là thái tể Phụng quốc công[104] đem quân đi đánh dẹp huyện Kim Thành, phóng hỏa đốt doanh trại giặc, đánh tan quân Mạc. Mạc Kiền Thống cùng tướng bộ thuộc là bọn Triều Lộc, Phúc Thọ bỏ doanh trại chạy trốn về đất Cao Bằng. Quân của Phụng quốc công thu được cờ, chiến thuyền, khí giới, voi ngựa nhiều không đếm xuể, đều đem về dâng nộp cho chúa Trịnh Tùng. Từ đó dẹp yên được bảy huyện miền Hải Dương, Bình An vương thi hành nhân chính để vỗ về dân chúng, trăm họ đều vui lòng tuân phục. Vương đem quân về kinh sư xét công ban thưởng, gia phong phẩm tước cho các tướng có phân biệt thứ bậc khác nhau. Bình An vương lại sai người lo việc trùng tu các nơi danh lam, kính thờ đạo Phật, cùng là sửa sang văn miếu ở kinh đô[105] và đền thờ các bậc tiên đế để bốn mùa thờ cúng. Lại sửa sang điện, sập ngự, ngai vua, thảy đều tuân theo thể lệ như cũ. Tháng tám vàng mệnh rước xa giá vua Lê trở lại Long thành. Các quan văn võ vào triều chúc mừng. Từ đó về sau thiên hạ được thái bình.
[104] Tên tước của Trịnh Đồn.
[105] Nguyên văn: “Cập tu Nam quận Văn miếu” ở đây chỉ việc sửa chữa văn miếu ở Thăng Long, ngờ chép sai chữ “quận” (đúng phải là chữ “quốc”).
Lại nói chuyện năm ấy con của chúa Tiên ở Nam triều là Thụy quận công làm trấn thủ Quảng Nam sinh con là Nhân Tức (tức Thương Ương)[106]. Vương sinh ra tướng mạo đoan trang, tư thế hùng vĩ có tài kinh bang tế thế.
Năm Nhâm Dần, niêu hiệu Hoằng Định thứ ba (1602), thượng tuần tháng bảy. Bấy giờ Đoan vương Nguyễn Hoàng ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện, trồng duyên lành, nhân gặp tiết Trung nguyên, ngày rằm tháng bảy[107], bèn ra chùa Thiên Mụ cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc, tế độ chúng sinh, giúp người cứu khổ, công đức vẹn thành. Khi trở về đến địa giới xã Triêm Ẩn[108], vương ngồi ở đầu mũi thuyền nhìn lên bờ, thấy giữa nơi đất bằng nổi lên một vùng xanh rậm rạp, cây cối um tùm, hoa kì cỏ lạ. Trong vùng có cây đa, gốc to đến mấy người ôm, cao hơn trăm thước, cành lá tốt tươi, thân cây rắn rỏi, uy nghiêm tựa như có quỷ thần bảo hộ. Trên cây chim lành lượn đậu, từng đàn kêu hót dậy vang. Vương thấy thế lấy làm ưa thích, liền sai đậu thuyền, lên bờ ngắm cảnh. Vương đi tới thấy nơi đó có di tích xưa. Một ngôi thảo am trong lùm cây rậm, tường vách sụp náp, rường mái đổ nghiêng. Vương sai gọi người già ở địa phương đến hỏi am do ai lập ra? Cố lão địa phương thưa rằng:
- Chùa am đã có lâu năm, bọn chúng tôi là kẻ hậu sinh, không biết đầu đuôi thế nào.
Vương nghe nói thế có ý muốn cho tu sửa lại, bèn sai thợ mộc làm lại điện thờ, gác chuông, lầu trống, phụng thờ chư vị Bồ Tát để cầu phúc phù hộ cho dân, sau vài tháng chùa làm xong, quy mô rất tráng lệ, lòng vương cả mừng. Vương bèn sai cai bạ Lâm đề biển hiệu là “Sùng Hóa tự” (chùa Sùng Hóa). Chỉ thấy:
Vời vời điện báu, bốn bên bày múa phượng cuộn rồng.
Lớp lớp cửa thiền, tượng Phật chư tôn vàng lấp lánh.
Đèn trí tuệ huy hoàng xán lạn, hương định thiền phảng phất thơm bay.
Trống phép dồn khua, âm vang mà địa ngục giải oan.
Chuông đồng động tiếng rền mà thiên giới khai chầu.
Cao bay cực lạc, ấy lòng ta Bồ đề cây mọc.
Rạng ngời kính sáng, đài Phật vốn phép lớn hư vô.
Người hay giác ngộ chẳng sai, làm thiện thiện báo, cầu phúc phúc tìm.
Từ bi huyền diệu há bao giờ sai!
[106] Nguyên văn: “… sinh trưởng tử Nhân công”. Nhân công là tiếng tôn xưng đối với Nhân Lộc hầu Nguyễn Phúc Lan (sau nối ngôi thường gọi là chúa Thượng). Nhân Lộc hầu là con thứ hai của Phúc Nguyên, được nối ngôi vì người con trưởng là Khánh Mỹ hầu Nguyễn Phúc Kỳ mất sớm (ở đoạn sau của sách này đã nói rõ điều đó). Ở đây chép “trưởng tử” là nhầm, chúng tôi sửa lại.
[107] Nguyên thư chép nhầm là Tiết Trung Thu.
[108] Thuộc huyện Phú Vang
Năm Quý Mão, niên hiệu Hoằng Định thứ tư (1603), mùa hạ, tháng tư, Đoan vương Nguyễn Hoàng lại sai thỉnh nhà sư trụ trì đứng ra mở hội Đại Pháp[109], đọc kinh Đại Thăng[110], giảng phép Thượng thặng cứu độ cho chúng sinh ba đường sáu lối, cầu siêu cho bảy tổ chín huyền được vẹn thành chính giác. Trong ngày hội ấy thần dân thiên hạ kéo đến xem hột rất đông, ai nấy đều tấm tắc ngợi khen cho là khá sánh với hội lớn Vô Già. Mọi bề công đức hoàn thành, lòng chúa Đoan vương hết mực thư thái. Từ đó vương rộng mở thi hành nhiều việc chính sự giáo hóa, ơn chăm trăm họ, bề tôi tuân phục vui lòng, các nước láng giềng đều đến viếng thăm, thiên hạ đều xưng tụng cho là bậc vua sáng ở đời thái bình.
[109] Đại pháp: (Mahadharma) giáo lí lớn của đạo Phật.
[110] Đại Thăng: Tên kinh Phật (cũng đọc là Đại Thừa). Sau khi Phật Thích Ca tịch diệt, các đệ tử họp lại cùng ghi lời dạy của Phật, chia làm hai bộ kinh. Tiểu Thặng (cỗ xe nhỏ) nói về các giáo pháp cỡ nhỏ, và Đại Thặng (cỗ xe lớn) nói về các giáo pháp cỡ lớn (đại giáo). Kinh Đại Thặng về sau chia thành hai bộ.
Năm Bính Ngọ, niên hiệu Hoằng Định thứ bảy (1606), mùa xuân, ngày mồng năm tháng ba, thứ phi họ Phạm của thiếu phó Bắc triều là Thanh quận công Trịnh Tráng có mang, sinh con thứ là Trịnh Tạc, sau là Tây Định vương (thứ phi nguyên là vợ của tướng nhà Mạc là Ngô Đình Nga, Thanh quận công thu nạp làm cung phi).
Năm Mậu Thân, niên hiệu Hoằng Định thứ chín (1608), các nơi ở Đàng Ngoài thời tiết khô hạn, lúa mạ cháy khô, một thưng gạo giá một mạch (tiền), có nhiều người chết đói, thậm chí có nơi người ta ăn thịt lẫn nhau. Đói khổ hơn một năm. Duy chỉ có hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa mưa thuận gió hòa, một đấu gạo gié chỉ ba tiền, ngoài đường không ai nhặt của rơi, bổn dân: sĩ, nông, công, thương, đều được an cư lạc nghiệp.
Năm Tân Hợi, niên hiệu Hoằng Định thứ mười hai (1611), ngày mười sáu tháng sáu, núi Tản Viên ở Đàng Ngoài lở dài hai mươi trượng, sâu ba, bốn thước. Ngày mười tám, xứ Kinh Bắc trời mưa nước màu đỏ suốt một ngày đêm mới tạnh, sông ngòi khe suối khắp nơi đều một màu nước đỏ, phải đến mười ngày mới rút hết. Mùa đông, ngày mười một tháng mười, ban đêm ở kinh đô Thăng Long có hỏa hoạn cháy trụi đến hơn vạn nóc nhà, hao tổn của cải, khốn khổ muôn dân, ấy đều là triệu chứng chẳng lành. Bình An vương Trịnh Tùng hết sức lo buồn, sai quan lập đàn cầu tạ, xin Trời Phật phù hộ đế thất. Người đời sau có thơ rằng:
Kính Tông hèn yếu kém anh tài,
Tể tướng[111] chuyên quyền chính lệnh sai.
Biển réo đồi tan dân hoảng hốt.
Sao rơi đất nẻ vật mất bầy.
Thiên thời đổi khác bao miền khổ.
Mưa gió không thường những hoạn tai!
Sau trước thử xem hanh truân vận,
Mới hay trời đất đạo chẳng sai.
[111] Chỉ Trịnh Tùng.