Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 06 - Phần 2

Năm Giáp Tý, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ sáu (1624), Thanh Đô vương Trịnh Tráng từ sau khi giết quận Thạch, tước binh quyền của Trịnh Đỗ, xét đô khoa Lưu Đình Chất là người có công xếp đặt mưu kế, bèn phong cho Đình Chất chức Hộ bộ thượng thư kiêm đô đài ngự sử, hàm thiếu phó, tước Lộc quận công, lại gả công chúa cho con trai của Đình Chất. Thăng chức cho quan đô đài Nguyễn Thế Danh là Hình bộ thượng thư, hàm thiếu phó, tước Quỳnh quận công. Các quan văn võ được thăng chức tước có thứ bậc khác nhau, ai nấy đều được tăng cấp bổng lộc. Thanh Đô vương mở yến tiệc khao đãi các quan văn võ.Tan tiệc ai nấy trở về bản doanh, giảng binh pháp, luyện võ nghệ, rèn tập quân cơ lo tính việc dẹp trừ nhà Mạc.

Năm ấy, các quan triều đình bẩm với Thanh Đô vương rằng: Thuỵ quận công ở Nam trấn giữ hai xứ Thuận Hoá, Quảng Nam đã nhiều năm không nộp tô thuế. Trịnh Tráng cả giận bèn sai thượng thư bộ Công kiêm tư nghiệp Quốc tử giám[143] là Phương Tuyền hầu Nguyễn Duy Thì làm trung sứ[144]cùng với bọn Bá Khê hầu Phan Văn Trị vào sứ Nam trách hỏi.

[143] Chức quan đứng đầu Quốc tử giám.

[144] Trung sứ: tức sứ giả đi truyền lệnh của vua chúa.

Duy Thì, Văn Trị vâng mệnh rong ruổi đến Thuận Hoá, vào công phủ của Thuỵ quận công truyền dụ rằng:

- Hoàng thượng đặc cách sai chúng tôi vào đây để hỏi ông về các khoản thóc tiền của hai xứ. Vả lại việc tô thuế có quan hệ lớn nước nhà, minh công đã mấy năm không đem ra nộp là lí do vì sao?

Sãi vương đáp:

- Nhà nước chứa trữ lương tiền là để sung dụng vào việc binh. Nhưng mấy năm nay mùa màng thất bát, trăm họ thiếu ăn, gần đây đã có người chết đói. Tôi thường nghe người xưa nói rằng: Dân là gốc lớn của nước. Muốn nuôi giữ lòng dân, không nỡ thu tô đòi thuế trong những năm mất mùa. Các năm về sau mùa màng lúa tốt sẽ xin thu đem ra giao nộp, há phải là kẻ quay lưng làm phản đế chiếm đoạt tô thuế của hòang thượng đâu.

Sứ giả của Bắc triều nghe chúa Nam nói có lí, không dám gạn hỏi bèn cáo từ về Bắc trình lên để Thanh Đô vương biết. Trịnh Tráng cũng làm ngơ đi không hỏi đến việc ấy nữa.

Năm Ất Sửu, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ bảy (1625) tháng giêng, nhà Mạc ở Cao Bằng đem quân xuống đánh, lấn cướp ở vùng giáp ranh. Thanh Đô vương sai thái bảo Nhạc quận công đem quân đi đánh dẹp, quân Mạc thua to phải rút về[145]. Tháng sáu, Mạc Kính Khoan lại đem quân đánh xuống, đóng đồn ở núi Hương Lĩnh, giết người cướp của, quấy nhiễu dân chúng vùng ven ranh. Thanh Đô vương Trịnh Tráng sai thái bảo Hùng quận công đem quân đi đánh. Hai bên đánh lớn hơn một tháng không phân thắng bại. Thanh Đô vương cả giận, lại sai thái uý Vũ quận công thống lãnh đại quân tiếp chiến. Vũ quận công lệnh cho quân sĩ đánh gấp. Mạc Kính Khoan phải chia quân chống giữ, nhưng quân của quận Vũ cũng khó giành phần thắng. Vũ quận công sai người về báo tin cho Thanh Đô vương biết. Thanh Đô vương bèn sai người sang cầu cứu mưu kế của nhà Minh. Người nhà Minh viết hai chữ giao cho người của nhà Vương mang về. Thanh Đô vương mở giấy ra đọc thấy người Minh viết hai chữ “thanh thuý”, chưa hiểu nghĩa lí ra sao, bèn triệu các quan vào phủ cùng bàn xét. Ai nấy đều hăng hái bàn tán nhưng vẫn chưa ngã ngũ ý nghĩa nằm trong hai chữ ấy. Thanh Đô vương lấy làm lo buồn. Bấy giờ văn quan là đô đài Nguyễn Thế Danh thưa rằng:

- Chữ nghĩa rắc rối khó phân giải lắm. Nước ta thời Triết vương[146] có trạng nguyên Phùng Khắc Khoan là người thông đạt sáng suốt, đọc rộng biết nhiều. Nhưng vì có kẻ gièm pha vu cáo với Tríêt vương, nên bị thích chữ vào mặt biếm đày ở núi Phượng Nhãn. Từ đó đến nay kể đã lâu rồi. Xin Chúa thượng cho triệu về, bảo ông ta giải thích xem sao, kẻo ta lại bị người Minh cười thầm.

[145] Về cuộc hành quân của quân Trịnh đánh quân Mạc nói đây Đại Việt thông sử (của Lê Quý Đôn) chép vào tháng 5 năm trước (1624), chép họ tên của Nhạc quận công là Bùi Sĩ Lâm và vùng chiến sự là ở Chí Linh, Đông Triều (giáp giới giữa Hải Hưng và Hải Phòng nay).

[146] Tức Bình An vương Trịnh Tùng.

Thanh Đô vương nghe lời Thế Danh, cả mừng nói:

- Ta quên khuấy người này đã lâu rồi, không phải ông thì còn ai biết mà nhắc đến nữa!

Nói đoạn liền sai người đem một mâm vàng đến núi Phượng Nhãn tìm đón Phùng Khắc Khoan. Sứ giả phải hai ba lượt nài mời, Phùng Khắc Khoan mới chịu vâng chỉ trở về kinh đô. Khắc Khoan vào triều vái chào.Thanh Đô vương an ủi rất hậu, các quan đều đến chúc mừng. Thanh Đô vương bèn đưa hai chữ “thanh thuý” của người Minh trao cho Khắc Khoan xem. Phùng Khắc Khoan chỉ liếc qua một lượt đã hiểu ngay ý từ, cười mà thưa rằng:

- Người nước ấy nhắn ta đến tháng chạp xuất quân thì ắt giành đại thắng! Có gì khó đâu[147].

[147] Theo cách chiết tự, chữ “thanh” đọc từ trên xuống thấy ba chữ “thập nhị nguyệt”, còn chữ “thuý” thì nửa dưới có chữ “tốt” (quân lính). Đây chỉ là một giai thoại, không khớp với năm tháng vì lúc này Phùng Khắc Khoan đã mất.

Thanh Đô vương nghe Phùng Khắc Khoan giải thích nhận là rất có lí, vui mừng trọng thưởng cho Phùng Khắc Khoan, nhưng Khắc Khoan một mực chối từ.

Ngày tháng thoi đưa, chẳng mấy chốc đã đến tháng chạp. Thanh Đô vương bèn sai con trưởng là thái bảo Sùng quận công Trịnh Kiều làm nguyên suý, vương đệ là thiếu phó Tung quận công Trịnh Đống làm phó nguyên suý, thống lĩnh các tướng bộ thuộc là thái bảo Nhạc quận công, Thắng quận công, Tào quận công[148], Doanh quận công, Cảnh quận công, Cẩm quận công đem đại binh đi đánh quân nhà Mạc.

Bọn Sùng quận công vânh lệnh đem quân lên đường, nhắm theo hướng Cao Bằng tiến phát. Chẳng mấy chốc quân đã đến núi Ly Đà, cách Cao Bằng hai mươi dặm. Đại binh dừng lại đóng trại rồi chia quân tiến đánh. Mạc Kính Khoan sai quân đi chặn địch. Quân hai bên đánh lớn ở bãi Lãng Sơn, Sùng quận công phất cờ lệnh, phục binh nổi dậy đánh thốc tới. Quân Mạc thua lớn, chết trận rất nhiều, khí giới voi ngựa vất bỏ ngổn ngang, quân Trịnh của Sùng quận công thu đoạt được nhiều không xiết kể. Con trưởng của Mạc Kính Khoan là Sùng vương Mạc Kính Loan cùng với cựu vương Mạc Kiền Thống[149] và tộc thuộc đàn ông đàn bà bị bắt giam đem về kinh xử tội. Tàn quân của họ Mạc sống sót tìm đường chạy trốn về Cao Bằng.Quân Trịnh sai người báo tin thắng trận, khải hoàn đem quân về kinh.

[148] Tên tước của thái bảo Ngô Phúc Vạn.

[149] Tức Mạc Kính Cung lấy niên hiệu Kiền Thống.

Các tướng vào triều vái chào, bẩm trình với Thanh Đô vương đầu đuôi việc đánh dẹp họ Mạc, Trịnh Tráng cả mừng khoản đãi các tướng rất hậu. Bấy giờ mới hay cao kiến của Phùng Khắc Khoan.

Bấy giờ đầu đảng họ Mạc ở Cao Bằng là Mạc Kính Khoan nghe tin thua trận, binh lính trốn về, liệu thế không chống giữ được, bèn bàn với các tướng rằng:

- Chúa Trịnh Thanh Đô vương ở Kinh quân sắc tướng mạnh, đánh đâu thắng đấy, lấy đâu được đấy, uy danh lừng lẫy. Nay quân ta ô hợp, lương thực thiếu thốn khó chống cự nổi. Thắng hoặc lại có đại quân ở kinh đô đánh lên thì biết đối địch ra sao? Chi bằng dâng thư xin hàng để làm kế sách giữ thân, rồi sau hãy liệu tính mưu kế khác. Chẳng hay ý nghĩ của các tướng thế nào?

Mọi người đều đáp lời cho là phải. Thế là Mạc Kính Khoan dâng biểu về triều đình Lê - Trịnh xin hàng, sai con là Mạc Kính Dung về kinh làm con tin. Thanh Đô vương Trịnh Tráng cả mừng cho thu nạp, ưu đãi rất trọng hậu, cho Mạc Kính Dung làm thiếu phó tước Tham quận công, gả cho Kính Dung con gái của chúa. Giáng phong cựu vương nhà Mạc là Mạc Kính Khoan hàm thái uý tước Thông quận công, giao cho làm trấn thủ xứ Cao Bằng, phong cho Cẩn quốc công Vũ Công Ý hàm thái phó tước Mưu quận công, giao cho làm trấn thủ xứ Đại Đồng, cai quản binh dân thu nộp tô thuế của bản xứ. Từ đó các đoàn cống sứ[150] đi lại không ngớt. Thanh Đô vương thờng dùng ơn đức để vỗ về, ưu đãi trọng hậu. Binh lính và dân chúng các nơi đều vui lòng tuân phục.

[150] Đây chỉ các đoàn công cán từ các vùng trước do nhà Mạc và Vũ Công Ý kiểm soát về kinh đô Thăng Long.

Thanh Đô vương xét công của Sùng quận công Trịnh Kiều trong việc dẹp Mạc, phong làm tả hiệp quân doanh phó đô tướng, hàm thái phó, tước Sùng quận công[151] để đền đép chút ít công lao. Các tướng có dự việc đánh dẹp đều được gia phong phẩm tước có thứ bậc khác nhau. Lại phong cho Phùng Khắc Khoan làm Hộ bộ thượng thư, hàm thiếu uý, tước Thông quận công. Bọn Sùng quốc công vái tạ ra về. Từ đó trong nước yên việc đạo binh. Người làm quan yên giữ chức vụ, người làm dân vui nghệ nghịêp làm ăn.

[151] Nguyên thư chép là Sùng quận công (vẫn như tước cũ) đúng ra là Sùng quốc công như ở dưới đã nói.

Lại nói năm ấy, tháng tám, Thanh Đô vương Trịnh Tráng xuống lệnh mở khoa thi chọn học trò. Bấy giờ có người học trò quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia[152] là Đào Duy Từ, tên hiệu là Lộc Khê, vốn là con nhà ca xướng, tuổi mới hai mươi mốt, cha mẹ mất sớm, bẩm tính thông minh sáng trí, thông hiểu sự tích cổ kim, các sách ngũ kinh, chư sử, kinh thư không sách nào không đọc. Hiểu rộng tam giáo cửu lưu, mà về thơ văn từ phú lại càng tinh xảo. Nếu không phải là những người có tài xuất quỷ nhập thần, những bậc trí giả giúp nước phò vua, thì học giả trong thiên hạ không ai có thể sá. Vì thế người ta suy tôn khen ngợi cho là Gia Cát tái sinh ngày nay vậy. Bấy giờ Đào Duy Từ nghe tin triều đình mở khoa thi kén kẻ sĩ, bèn thu xếp hành trang, định ngày về kinh đô dự thi. Nhưng khảo quan ở trường thi theo điều quy định nói rằng hễ là con nhà ca xướng thì dẫu thông hiểu kinh sách cũng không được dự thi cống cử[153]. Vì thế Lộc Khê phải nuốt giận trở về. Từ đó Lộc Khê ngày đêm suy nghĩ để tìm phương kế lập thân, anh em họ hàng đều không hay biết. Nhân vì Lộc Khê từng nghe người ta đồn rằng chúa xứ Nam là Thuỵ quận công trấn thủ ở Thụân Hoá rộng ban ơn đức, phong độ gần được như là Nghiêu Thuấn, mà chính sách cầu hiền chọn giỏi thì phỏng theo đời thịnh Đường, Ngu, danh tiếng vang khắp xa gần, hào kiệt khắp nơi tìm đến. Lại thêm xứ giàu dân thịnh, gió thuận mưa hoà, có cảnh tượng của thời đế vương mới đấy, lâu dài về sau ắt thành nghịêp lớn. Lộc Khê lại nghĩ rằng nếu theo vào trong đó thì công danh của mình sẽ được hiển đạt như Trương Tử Phòng về Hán, Ngũ Tử Tư về Ngô, ngõ hầu khỏi bị nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời.

Nghĩ vậy là xong, khoảng trung tuần tháng mười, Lộc Khê một mình đốt hương vái biệt phần mộ cha mẹ, ông bà tổ tiên, rồi lên đường vào Thuận Hoá, thuộc Nam triều. Anh em bà con họ hàng đều không ai hay biết việc ấy.

[152] Nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

[153] Thi cống cử: tức thi hương (trong khu vực mấy tỉnh làm một trường) người trúng tuyển được gửi về kinh đô thi hội, gọi là cõng cử.

Duy Từ đi đường chẳng mất bao ngày đã đến địa giới huyện Vũ Xương[154], giả làm như một người câm, ngu khờ mất trí, hàng ngày quanh quẩn ăn xin ở các xóm làng, kì thực là để bí mật quan sát địa thế núi sông, cũng là dò kiếm xem nơi nào có thể đặt chân nhờ cậy được. Duy Từ để ý nhiều, nhưng chưa gặp chỗ vừa ý. Rồi đó Duy Từ lén đến gần phủ chúa Nam triều, ngắm nhìn các khu dinh thự lâu đài, quả thấy có khí lành hội tụ bốc lên trời cao, Duy Từ thấy thế cả mừng. Chỉ hiềm một nỗi nơi đây là chốn thị tứ đô hội không lấy gì phân biệt kẻ hèn ngu, khó bề làm cho người ta biết đến tên tuổi của mình. Nghĩ vậy Duy Từ bèn rời chân đi khắp đây đó các nơi để ý xem xét tình hình trong xứ. Cứ thế Duy Từ ngày đi đêm nghỉ, không ngại vượt núi qua sông. Thấy cảnh vật tươi đẹp không thua kém đất kinh kì, tình cảm của Duy Từ lại càng thêm yêu mến.

[154] Vũ Xương: tên huyện đời Lê (thời Trần thuộc Châu Thuận) nay là huyện Triệu Phong, Bình Trị Thiên.

Một hôm, Duy Từ đi qua phủ Hoài Nhân[155]. Nơi đây địa hình phong phú tươi đẹp, phong tục hào hiệp, Duy Từ quyết chí ở lại đây tìm chỗ nương thân, trong thôn ấp, chịu làm đầy tớ nhà người để tìm kế lập thân. Nhưng Duy Từ vẫn chưa tìm được nơi vừa ý, đành phải dừng chân ở quán nước nghỉ ngơi.

[155] Hoài Nhân: tên phủ đời Lê, thuộc trấn Quảng Nam, gồm tất cả đất tỉnh Bình Định cũ (nay thuộc Nghĩa Bình), Nhân đọc là Nhơn vì kiêng huý tên thường gọi của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (Nhân quận công).

Ngọn sóng có lớp lang, câu chuyện có khúc đoạn: Duy Từ nghe những người ngồi uống nước trong quán trò chuyện với nhau đều nhắc đến tên của quan khám lí Cống quận công[156] ở xã Bồ Đề[157] là em kết nghĩa với Nam chúa. Mỗi khi quan khám lí về phủ dinh bàn nói điều gì đều được Nam chúa nghe theo, có quyền ra vào tự do trong dinh cấm.

[156] Tên tước của Trần Đức Hoà giữ chức khám lý phủ Hoài Nhơn ĐNTLTB chép: “Đức Hoà thường dự bàn việc quân việc nước, rất được chúa (Nguyễn Hoàng) thân yêu tin dùng, thường gọi là em kết nghĩa.”

[157] Bồ Đề: tên xã thuộc huyện Bồng Sơn (tỉnh Bình Định cũ, nay là Nghĩa Bình).

Quan khám lí gia tư hào phú, bản tính mưu trí đảm lược, đủ tin cậy để cùng chung sự nghiệp. Duy Từ nghe nói mừng thầm, nghĩ bụng: được đúng như lời thì ta tìm đến đó tất sẽ được lập thân nên danh. Rồi đó Duy Từ trước hết tìm đến một thôn gọi là thôn Tùng Châu, cách xã Bồ Đề có nhà quan khám lí một con sông nhỏ. Trong thôn có một phú ông, cũng là kẻ hào hữu một thời, tính thích văn chương, quý trọng nho sĩ như châu báu, thường bày mâm cỗ rượu thịt cùng những người nho học sum họp giảng bàn kinh sử, trò chuyện sự tích cổ kim, mong làm sáng tỏ đạo nghĩa thánh hiền. Về gia sản, thôn ông ruộng nương vô số, nghìn con trâu bò, của cải rất giàu có. Nhưng người chăn trâu thì rất khó thuê. Duy Từ hỏi thăm biết vậy, trong bụng rất mừng, bèn tìm đến ngoài ngõ, giả làm kẻ ăn xin. Lúc ấy thôn ông đang dạo bước trước sân nhà, đưa mắt nhìn ra, thấy Duy Từ đang rảo chân đi vào, mặt mũi khôi ngô, dáng người tuấn tú, có cốt cách nhà nho.

Duy Từ đi tới trước chủ nhân cúi chào rồi hỏi xin ăn. Chủ nhân nghe xong bèn hỏi:

- Nhà ngươi quê quán làng nào? Đi làm việc gì, ở đâu? Cha mẹ có còn hay không mà áo quần ăn mặc lam lũ thiếu thốn như vậy? Vả lại trong bốn hạng dân[158] há lại không tìm được một chỗ nương thân mà phải lủi thủi một mình gõ cửa ăn xin cho khốn khổ tấm thân? Hoặc giả là lười biếng bát tài cho nên không có nơi nương dựa? Bấy nhiêu tình trạng, ngươi nên từ đầu chí cuối nói thật ta nghe cho rõ.

[158] Sĩ, nông, công, thương.

Duy Từ nói dối rằng:

- Tiểu nhân là dân ngụ cư[159] ở Thuận Hoá, cha mẹ mất sớm, bà con chẳng còn ai, lênh đênh cơ khổ. Cũng muốn theo đòi học nghiệp nhưng chẳng có cách gì mà học được. Huống chi tuổi cũng đã gần đến nửa đời, ai người ta chịu nuôi cho, vì thế nên đành phải cúi thân ăn xin cho qua ngày đoạn tháng. Nay nghe nói quý ông có trâu bò hàng đàn mà còn thiếu người chăn dắt rơm cỏ, tiểu nhân xin gửi thân làm kẻ chăn trâu mong nhờ vả bát cơm lứt[160] để khỏi đói rét. Chủ nhân nghe nói động lòng thương xét chặc lưỡi than tiếc mãi không thôi, bèn thu nhận cho ở. Từ đó Duy Từ hàng ngày lùa trâu bò đi chăn dắt. Nhưng chỉ lùa trâu vào hẳn trong động núi hoặc thả cho ăn ngoài bãi và thường chỉ chọn hai hướng đông tây mà thôi. Những nơi thường ngồi nghỉ, Duy Từ đều có cất giấu sách vở để đọc. Ban đêm về nhà thì giả cách làm người ngu khờ ú ớ, nói phô cẩn thận giữ gìn, tuyệt không hề tranh cãi đúng sai với người khác. Đến như ban đêm cũng lánh ra nơi riêng nằm ngủ một mình, chưa từng khinh suất trong việc giao tiếp. Vì thế chẳng ai dò biết ý tứ của Duy Từ ra sao, đều cho là đứa chăn trâu ngu ngốc, không thèm hỏi han đến. Nguyên vì Duy Từ là người có tài năng ngang đất dọc trời mà chịu lam lũ làm kẻ tầm thường như thế cho nên người ta không hiểu lí do tại sao. Quả như cổ nhân thường bảo: chim én chim sẽ làm sao mà hiểu được chí khí của chim hộc chim hồng!

[159] Nguyên văn: trúc ốc (làm nhà, dựng nhà) chỉ trường hợp vì lí do làm ăn sinh sống đến làm nhà ở một địa phương khác. Văn bản chép nhầm chữ “trúc” là dựng (nhà) thành chữ “trúc” (cây tre) đặt ở đây không có nghĩa.

[160] Nguyên văn: thô phạn ( cơm thổi bằng gạo chưa giã).

Người đời sau có thơ khen Đào Duy Từ như sau:

Chí ngút trời cao khó nổi danh,

Sớm rời cửa Bắc đến Nam danh.

Mây hồng muôn dặm xem rồng đấu,

Tuyết động từng không ngắm hổ tranh.

Nấn ở đất Tần theo Nịnh Thích[161]

Nhàn chơi Sằn dã học Y Khanh[162]

Phải chăng chẳng gặp vua hiền sáng,

Trọn kiếp cùng người vẫn ở canh!

[161] Nịnh Thích: người thời Xuân Thu (TQ), khi đi chăn trâu treo sách ở sừng trâu mà học, sau giúp Hoàn Công nước Tề dựng nên nghiệp.

[162] Y Khanh: tức Y Doãn, người hiền đời Thương (TQ), có công giúp Thành Thang đánh Kiệt, diệt nhà Hạ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3