Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 09 - Phần 1
HỒI THỨ CHÍN
Nhật Lệ quân thua, Thanh Đô rước xa giá bon nhanh
Quảng Nam dinh vỡ, Dương Nghĩa xuống suối vàng ôm hận.
Lại nói năm Quý Dậu, niên hiệu Đức Long thứ năm (1633), tháng ba, bấy giờ thiên hạ vô sự, Thanh Đô vương sai trấn thủ Nghệ An là thiếu phó Tây quốc công Trịnh Tạc thống lĩnh thuỷ sư đến đồn trấn ở cửa biển Kỳ La[227]. Sai thái phó Thắng Nghĩa phủ Quỳnh Nham kiêm Nghĩa doanh Hồng quận công thống lĩnh các tướng cùng sáu nghìn quân bộ vào đóng đồn ở châu Bố Chính, phía Bắc sông Giang để chuẩn bị thế tiến đánh tiếp ứng cho nhau, có ý dòm ngó việc chính sự của Nam triều.
Lại nói chuyện Sãi vương ở Nam triều năm ấy[228] sai cháu là Tuấn Lương hầu[229] làm trấn thủ doanh Quảng Bình, Tuấn Lương hầu rộng rãi thi hành nhân chính, hiệu lệnh nghiêm minh, ngoài đường không ai nhặt của rơi, dân đều được yên vui nghề nghiệp.
[227] Kỳ La: tên cửa biển ở huyện Kỳ Hoa (đời Lê), tức cửa Nhượng ở huyện Cầm Xuyên, Nghệ Tĩnh.
[228] Nguyên thư chép “thị triều” (triều ấy), có phần chắc là chép nhầm, đúng là “thị niên” (năm ấy) do ảnh hưởng chữ “triều” ở trên mà nhầm xuống chữ dưới.
[229] Tên tước của Nguyễn Phúc Tuấn, con của Phúc Điền (Điền là em Sãi vương).
Bấy giờ công tử con thứ của chúa là Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh giữ chức trấn thủ ở Nam có bụng muốn đạt ngôi của anh cả. Nhưng nghĩ rằng xứ này ở xa địa giới của Bắc triều, khó bề cử động. Dương Nghĩa hầu muốn ra làm trấn thủ Quảng Bình để dễ mưu đồ tranh đoạt. Dương Nghĩa bèn ngầm sai người đi móc nối với một quan chức ở doanh Quảng Bình là Lý Minh[230], lôi kéo vài ba tướng khác cùng mấy tên xã dân gian ác ở các huyện kéo nhau về phủ chúa vu cáo trấn thủ Tuấn Lương hầu[231], nói hầu ở trấn không biết thương yêu dân chúng, chỉ mưu đồ buôn bán kiếm lời, ích kỉ hại nhân, khiến dân chúng lầm than khốn khổ, xin chúa cho đổi đi nơi khác để cho sinh dân khỏi bị điêu linh tàn hại, xin đổi cho công tử Dương Nghĩa hầu về thay để yên vỗ dân đen.
Sãi vương nghe theo[232] bèn gọi Tuấn Lương hầu về ở phủ chúa, sai người vào Quảng Nam triệu Dương Nghĩa về để sai đi trấn thủ Quảng Bình, đáp lòng mong mỏi của dân. Sứ giả của chúa vâng mệnh ngày đêm đi gấp vào Quảng Nam truyền lệnh. Gặp lúc Dương Nghĩa hầu đang đi du chơi săn bắn ở xa, đến hơn một tuần[233] vẫn chưa về, sai nhân thấy vậy bèn trở về vương phủ trình với chúa. Sãi vương nghe bẩm tức giận Dương Nghĩa vì tội du đãng, không cho ra ngoài làm trấn thủ nữa, bèn sai em là phó tướng Quảng Lâm hầu Nguyễn Kiều[234] đi trấn thủ Quảng Bình.
[230] Nguyên văn chép chữ “Lý” bằng chữ “Lý” (lê). Có thể Lý Minh là tên thường gọi, không phải họ Lý.
[231] Bản sao chép nhầm là Tuấn Vương hầu, đúng là Tuấn Lương hầu như đã chép ở trên.
[232] ĐNTLTB cũng nói vắn tắt sự việc này: “Bấy giờ Anh ở Quảng Bình để tiện được thông với họ Trịnh, bèn sai người ra bàn mưu với văn chức Quảng Bình là Lý Minh là (không rõ họ). Lý Minh tập hợp những bọn bất mãn ở địa phương, kiện vu cho Tuấn là hà khắc trăm họ, xin dời Tuấn đi nơi khác (ĐNTLTB, 61).”
[233] Theo cách tính thời gian ngày trước một tháng có ba tuần, mỗi tuần mười ngày.
[234] ĐNTLTB chép viên tướng này là Nguyễn Phúc Kiều. Nguyên thư ở đây chép chữ “bạt”. Hai chữ “kiều” và “bạt” viết thảo có thể đọc và chép nhầm.
Quảng Lâm hầu vái tạ lĩnh chức phó trấn, chăm vỗ binh dân, thương yêu sĩ tốt, mọi người đều vui vẻ tuân phục. Thế là công tử Dương Nghĩa mất hi vọng, trong lòng uất ức nhưng không biết làm gì. Dương Nghĩa lại sai người đi gặp Lý Minh tử để hỏi kế. Lý Minh viết mật thư báo Quảng Bình, Quảng Lâm hầu là người có ân đức, được dân chúng yêu mến cho nên khá có uy thế, khó mà lay chuyển được. Nhưng Quảng Lâm hầu bản tánh mềm yếu, minh công nên dùng mưu kín chiêu dụ quân Bắc để họ quấy rối ở châu Bố Chính thì Quảng Lâm ắt phải trốn chạy trước, khi ấy chức trấn thủ Quảng Bình không phải là minh công thì còn vào tay ai? Minh công được đến trấn thủ ở đây thì việc lớn ắt thành, không cần phải lo nghĩ nhiều.
Dương Nghĩa khấp khởi mừng thầm. Rồi đó ngầm đặt kế trá hàng, nói với người lái buôn tên là Điện, sai Điện chuyển ra trình với Thanh Đô vương Trịnh Tráng mưu kế như thế, xong việc xin báo đáp trọng hậu. Lái Điện lĩnh tờ khải[235] lên đường đi lén ra kinh đô Thăng Long dâng vào phủ chúa.
[235] Khải: Theo quy chế thời Lê-Trịnh, các văn thư gởi lên chúa Trịnh thì gọi là “khải” (khải văn).
Thanh Đô vương Trịnh Tráng tiếp tờ khải mở ra xem. Khải văn viết:
“Thần là công tử ở xứ Nam Dương Nghĩa hầu Nguyễn phúc Anh cùng với bọn các tướng kính cẩn trăm lạy bẩm lên chúa thượng xét cho:
Trước là vì phụ thân của thần đã già yếu khó cậy dựa giáo hóa, sau là vì trong chỗ anh em không hòa mục, không biết suy nghĩ đạo cương thường, sợ rằng ngày khác biến sinh ở bên tay nách, không khỏi bị coi là tặc đồ. Sâu nghĩ về sau họa đấy, trong nhà anh em tranh đánh lẫn nhau, khó trốn bị chép ghi là ngỗ ngược. Cúi mong thánh vương cả phát đại quân sớm đến cửa biển Nhật Lệ bắn súng[236] làm hiệu, bọn thần ở bên trong sẽ cùng cử sự đem binh chúng quy hàng, ngõ hầu xa thư[237] thống nhất một mối, Nam Bắc một nhà, bọn thần được ngước thấm ơn giáo hóa. Muôn trông thánh thượng cứu vớt cho. Kính bẩm.”
[236] Bản sao chép nhầm chữ “súng” thành chữ “kính”.
[237] Xa thư: Cỗ xe và chữ viết. Thời Chiến Quốc các nước có riêng các quy cách thể lệ về kiểu xe cộ, chữ viết. Sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng định lệ “thư đống văn xa đồng quy” (viết một thứ chữ, đóng xe cùng một kích thước trục).
Thanh Đô vương xem tờ khải cả mừng, bèn lệnh cho tiết chế thái úy Sủng quốc công Trịnh Kiều thống lĩnh đại quân vào đóng ở chợ Vân Trang, châu Bố Chính để ứng phó khi lâm sự.
Mùa đông, tháng mười, Thanh Đô vương đem đại binh thủy bộ rước xa giá vua Lê đánh Nam hà. Tháng chạp, quân đến cửa Nhật Lệ. Thanh Đô chia quân đi đóng trại, đầu dưới tiếp ứng với nhau, thế trận rất nghiêm chỉnh. Dân chúng châu Bố Chính hoảng sợ dắt già, bế trẻ chạy trốn khỏi nơi có đồn lũy lớn để tìm đường sống thoát.
Chúa Nam nghe tin bèn triệu các quan văn võ vào phủ đường bàn định. Sãi vương giận nói:
- Họ Trịnh không hiểu cơ biết thời, vô cớ cất quân xâm nhiễu biên cảnh, giết hại dân chúng trong cõi của ta, trời đâu có dung tha!
Nói đoạn sai đại tướng Mỹ Thắng hầu[238] cùng với đốc thị Chiêu Vũ tử Nguyễn Hữu Dật thống lĩnh các quân thủy bộ đi chặn địch.
Hai tướng vâng mệnh đem quân lên đường thẳng đến cửa Nhật Lệ để ứng phó với tình thế. Bấy giờ trấn thủ Quảng Bình Quảng Lâm hầu ruổi ngựa đến trình ở cửa Nhật Lệ để đề phòng thủy quân bên Trịnh lọt vào[239]. Đốc thị Chiêu Vũ lại hiến kế đắp lũy ở bãi cát Trường Sa[240] để hoàn bị kế sách đánh giữ. Sãi vương đều nghe theo và cho thi hành.
Hai tướng được lệnh sai quân đắp lũy cát, ngăn bờ sông để bảo vệ cho Chinh lũy[241] và đóng cọc gỗ ngăn ở cửa biển để chặn không cho quân Trịnh vượt sang.
[238] ĐNTLTB ghi viên tướng này là Nguyễn Mỹ Thăng.
[239] Nguyên văn chép là “bầm tư (có chữ sửa bằng tu) dị hãn chi pháp”: chưa rõ “dị hãn chi pháp” là gì. Theo nghĩa chữ “hãn” là chống cự tạm dịch như trên.
[240] Tức lũy Trường Sa từ cửa sông Nhật Lệ đến khoảng xã Võ Xá, huyện Lệ Thủy, đắp dựa theo những cồn cát chạy dài ở sát biển.
[241] Chính lũy: tức lũy Nhật Lệ.
Bấy giờ Thanh Đô vương Trịnh Tráng rước xe giá vua Lê đến phía ngoài cửa biển Nhật Lệ bắn ba phát súng làm hiệu, không thấy Dương Nghĩa ra hàng. Thanh Đô vương lấy làm ngờ bèn cho lui quân ra xa mặt lũy đóng trại để chờ tin tức của Dương Nghĩa hầu, đợi đến hơn mười ngày. Các đạo quân Nam thấy quân Bắc trễ nải không có ý phòng bị, bèn đồng loạt xông ra đánh lớn. Súng nổ vang dền như sấm, đạn bay khói tỏa dày khít như mưa đá. Đại quân của chúa Nguyễn ào ạt tiến đến như cuốn chiếu. Quân Trịnh thua rạp, vất bỏ xe pháo mà chạy không dám ngoái đầu, thây chất cao thành đống. Thanh Đô vương thấy vậy hoảng sợ, rước xe giá vua Lê chạy về bắc Bố Chính đóng quân bên bờ sông Gianh. Điểm lại binh mã thấy thương vong đến quá nửa, Trịnh Tráng hối xót, bèn xuống lệnh thu quân về kinh giao cho con của Hoa quận công Nguyễn Khắc Kham là Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn[242] ở lại giữ bắc Bố Chính. Phần châu Bố Chính ở phía nam sông Gianh thuộc về chúa Nam cai quản. Người đời sau có thơ chê cười rằng:
Trong nhà lục đục gió Bắc sinh,
Ầm ĩ Thanh Đô gây chiến tranh.
Hổ chiếm đầu non xua hoẵng thỏ,
Rồng nằm mặt nước át còn kình.
Binh đao vừa lặng khói lang tắt,
Thông rợp tàn che, cõi biển xanh.
Vì biết Nam hà vương khí mạnh,
Thong manh nào dám dắt thong manh!
[242] Trước tên Nguyễn Khắc Tôn, nguyên thư có hai chữ “hiền hậu” (với chữ “hậu” sau). Đúng ra đó là chữ “tuấn” viết nhầm thành. (Đoạn sau đã nói rõ trấn thủ Quảng Bình là Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn). Cương mục chép tên người này là Nguyễn Khắc Loát. ĐNTLTB lại chép là Nguyễn Khắc Liệt.
Bấy giờ thấy bọn Mỹ Thắng, Chiêu Vũ đánh thắng, khải hoàn đưa quân về triều bái yết, Sãi vương vui mừng khôn xiết, sai mở tiệc ban thưởng trọng hậu cho Mỹ Thắng, Chiêu Vũ và úy lạo ba quân.
Lại nói chuyện bọn Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh nghe tin quân Bắc thua trận phải lui về, biết cơ mưu không thành bèn rắp tâm làm sự phản nghịch bạc ác, ngầm bỏ tiền của ra chiêu dụ môn khách để mưu đồ tranh đoạt, hoặc khéo léo tặng biếu các tướng, hoặc đem cho kẻ dân phu, ai quý trọng vật gì thì cho vật ấy, rồi ghi tên vào quyển sổ gọi là sổ “Đồng tâm hướng thuận”. Trong khoảng vài năm những kẻ hướng theo được khoảng vài trăm người, nhưng không ai hay biết ý tứ gì của Dương Nghĩa. Dương Nghĩa lại thường bảo kẻ tâm phúc đi lại thăm hỏi các nhà tướng tại triều, nhỏ to dụ dỗ kết nghĩa tương thân. Từ đó về sau Dương Nghĩa ngày đêm thường cùng bọn tay chân tụ hội để bàn tính việc cắt đặt quan chức, phải đi đóng giữ các nơi biên ải nhằm ý tranh đoạt ngôi chúa.
Nói tiếp chuyện năm Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long thứ sáu (1634), mùa xuân, tháng giêng, Thanh Đô vương rước xe giá vua Lê về đến Cầu Doanh[243] đóng quân nghỉ lại cho tu sửa thành quách hào lũy, tuyển chọn và luyện tập lính cưỡi ngựa để mưu đồ báo phục. Bèn cho thiếu bảo Định quận công thăng hàm thiếu phó, chức đô đốc, bọn quận Tần, quận Vĩnh, quận Tào, quận Cẩm đều được thăng hàm thiếu bảo chức tham đốc, cho quận Mỹ, quận Hà thăng chức quận đô đốc, cho thêm số dân các xã được thu tô để tăng bổn lộc và ban cho bạc tiền nhiều ít khác nhau. Lại sai quan thăm xét người trong xứ, ai có công thì thưởng, kẻ có tội thì phạt. Vì thế các quan được yên chức, dân được yên nghiệp, Thanh Đô vương bèn hạ lệnh đưa quân về kinh. Chẳng mấy ngày quân về đến kinh sư, Thanh Đô vương xuống lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi.
Tháng tư, Thanh Đô vương sai em là thái bảo Diên quận công[244] làm đề điệu khoa thi hội các cống sĩ trong nước. Bọn Vũ Bạt Tụy năm người được lấy đỗ tiến sĩ, đều được Thanh Đô vương bổ dụng.
[243] Cầu Doanh, tức Dinh Cầu, cũng gọi là Dinh Hà Trung, ở xã Hà Trung, huyện Kỳ Hoa, nơi đặt lị sở của trấn Nghệ An thời Lê Trịnh.
[244] Diên quận công: Tên tước của Trịnh Nha.
Lại nói tháng mười năm ấy, ở Nam triều, văn thần là tham tán Lộc Khê hầu Đào Duy Từ tuổi cao bệnh nặng, việc sống chết chỉ tính trong chốc lát, bèn sai người tâm phúc vào bẩm với chúa. Sãi vương nghe tin bèn thân đến tận nhà thăm hỏi. Lộc Khê hầu gắng gượng quỳ dưới chân giường rập đầu thưa rằng:
- Thần là kẻ hủ nho nơi thôn dã, may gặp được chúa thượng quá yêu, hưởng ơn tri ngộ đã nhiều. Thần không lấy biết gì đền đáp, chỉ một niềm căng cắng đem hết tâm sức giúp rập chúa thượng thu phục Trung nguyên, diệt trừ nghịch tặc họ Trịnh, khỏi cho vua Lê nhức nhối, lo âu, trăm họ khỏi cảnh nước lửa khốn cực. Đó là ý nguyện của thần. Không ngờ tính mệnh của thần hiện đã như ngọc lá sương móc, chưa đến mùa thu mà trước đã héo tàn, thần xin cam chịu muôn tội, mong thánh thượng miễn thứ cho.
Nói xong nước mắt rơi đầm ướt áo. Sãi vương nắm tay Lộc Khê khóc mà đáp:
- Ta từ ngày gặp khanh như chim hồng thuận gió, chưa thỏa tâm tình. Ai ngờ giữa đường khanh đành lòng bỏ ta. Há chẳng phải trời không muốn giúp ta bình trị thiên hạ mới khiến cho khanh đau ốm đến thế này chăng? Khanh khá sâu nghĩ giữ gìn thân thể, chớ nên nói điều gì khiến cho ta kinh sợ. Huống chi khanh có tấm lòng tốt như thế thì trời đâu nỡ phụ?