Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 08
HỒI THỨ TÁM
Ra Quảng Bình, Lộc Khê đắp lũy Nhật lệ
Học Tôn Ngô, Thuận Nghĩa đêm trăng tập binh.
Thơ rằng:
Ngời ngời tinh đẩu sáng bầu trời,
Chỉ thấy Đào Từ gắng giúp đời.
Tráng sĩ cần vương mong giúp rập,
Lòng son bào nước nắm cơ thời.
Quyết tìm mưu lược yên bốn cõi,
Hiển đạt thanh danh khắp mọi nơi.
Mong chúa phương Nam mau thống nhất,
Thăng Long về lại khỏi chê cười.
Lại nói chuyện Năm Tân Mùi, niên hiệu Đức Long thứ ba (1631), quan văn của Nam triều là nội tán Lộc Khê hầu Đào Duy Từ khuyên Nam chúa đắp lũy Nhật Lệ để làm kế cố thủ, giữ lấy tô thuế sung vào việc chi dùng để mưu tính việc khôi phục Trung đô[195], trả mối hận cũ đối với họ Trịnh. Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên chỉ nghĩ mình thiếu quân ít tướng, bên trong không có hỗ trợ, bên ngoài không có viện binh, bèn chỉ im lặng không nghe theo. Lộc Khê hầu mấy lần khuyên bàn thấy chúa không nghe, trong lòng không được vui, bèn nghỉ đến hơn mười ngày không vào chầu, ở nhà cùng chuyện trò bàn luận với quan văn là Chiêu Vũ. Chúa Nam mấy lần cho gọi, Lộc Khê vẫn thác cớ cáo ốm không vào chầu, ở nhà xem sách giải buồn, nhân đó làm một bài thơ Đường luật tự thuật việc hàng ngày của mình, có ý để khuyến khích quyết tâm của chúa. Bài thơ bằng quốc tự (chữ Nôm) như sau:
Tàu là lác[196] cột lá tre,
Ngày tháng nan nhàn đặng chở che.
Mạn[197] vải thưa giăng ngăn muỗi mạt,
Rào gai kín đáo kẻo ong ve.
Cơm ba bữa chuộng rau cùng muối,
Thích bốn mùa ưu rượu lại chè.
Muôn sự đã ngoài chăng ước nữa,
Ước tôi hay gián chúa hay nghe.
Lại có một thể bằng chứ Hán[198]:
Phiên âm:
Nha thị trụ cái thị quản,
Tuế nguyệt nhân cư hoạch tế yên.
Bố mạn sơ sơ giao sắt tị,
Cức ly mát mật miễn phong thiền.
Sơ diêm nhật thích tam xan lạc,
Trà tửu thì sung tứ tự hoan,
Vạn sự thắng tình vô sở vọng,
Vọng thần năng gián chúa tòng nguyên (ngôn)[199]
[195] Chỉ kinh đô Thăng Long.
[196] Tàu là lác: Mái nhà lợp bằng lác (cây cói).
[197] Mạn: Tức là mượn.
[198] Nguyên thư chép la “tráng âm”, không có nghĩa gì. Đây là chữ “Hắc âm” (đi với chữ quốc tự ở bài trên) tức là thơ chữ Hán.
[199] Đây là chữ Hán của cùng một bài thơ chữ Nôm đã phiên âm ở trên.
Lộc Khê làm xong xem đi xem lại mấy lần, rồi sai người đem vào phủ dinh dâng cho chúa. Sãi vương xem thơ đến câu kết thấy lời lẽ khích thiết có ý trách giận, bèn sai người triệu Lộc Khê vào trong trướng bảo rằng:
- Vua tôi là duyên cá nước hài hòa, hội rồng mây gắn bó, có lời nói nào mà không nghe, kế sách nào mà không dùng? Nay thấy trong bài thơ tự thuật của khanh có câu tỏ ra bất bình, không hiểu là ý gì?
Lộc Khê đáp:
- Thần chỉ mong muốn chúa công trên thì khuông phò đế thất để rạng thanh danh, dưới cứu sinh dân hầu tỏ đạo nghĩa, khiến cho ngàn thu về sau biết chúa công là bậc hiền tài sáng suốt, lừng lẫy gia thanh, khắp trong bốn biển đều biết chúa công có huân lao to lớn, đời đời ghi truyền sử sách. Cho nên bất đắc dĩ phải mượn lời muôn thưở để thư duỗi cái ý chứa chất trong lòng, há phải thần dám cố ý bất bình đâu? Thần đã hiểu ý chúa công rất lấy làm lo vì quân ít khó chống cho nên vẫn còn do dự như thế. Nay thần đã có đầy đủ kế sách hay, coi trăm vạn hùng binh của quân Bắc như đàn ông bầy kiến, chẳng có gì đáng sợ!
Sãi vương nghe nói vui mừng hiện lên nét mặt, gật đầu bảo rằng:
- Nếu quả như lời khanh nói thì cứ tương kế tựu kế mà làm đi. Ta không có gì nghi ngại.
Lộc Khê vâng mệnh cùng với Chiêu Vũ đến dinh phủ Quảng Bình hạ lệnh cho quân dân đắp lũy ở cửa biển Nhật Lệ. Địa thế lũy này dựa núi gần khe, chỉ hơn một tháng là đắp xong rất chắc chắn, ngăn cách đất Bắc, hiểm trở chẳng khác gì đường đi vào đất Thục.
Lộc Khê rất hài lòng trở về triều trình với Sãi vương. Chúa nghe xong cả mừng sai mở tiệc khanh hạn, trọng tưởng cho Lộc Khê và các tướng có thứ bậc khác nhau. Lại phát tiền lụa ban khen hậu hĩ cho quân dân. Các quan văn võ ai nấy đều vui mừng.
Từ đó thành chắc thế mạnh, các quan triều đình ngày tháng hội họp bàn định kế sách thu phục kinh đô.
Một hôm Lộc Khê thong thả ngồi chơi, vì trong triều chưa có đủ các danh tướng anh hùng tài trí, muốn nhân thời cơ mà hành động thì chưa được vạn toàn. Lộc Khê vì thế mà nghĩ ngợi, mỏi mệt nghiêng lưng nằm bên ghế. Chợp mắt say giấc một lúc, mơ thấy đông người tụ họp ở phía trước đang luận binh giảng võ, dàn đặt thế trận. Bỗng thấy một con hổ đen từ phía nam nhảy vào trước sân lắc đầu vẫy đuôi, giơ nanh múa vuốt rồi nhảy vào trong nhà ôm lấy chiếc cột trụ thứ ba, đầu rướn lên trên, đuôi thong xuống dưới. Lộc Khê hoảng hốt vội gọi quân lính vây đánh. Bỗng nhiên con hổ đen từ hai bên nách mọc ra hai cánh rồi bay vút lên trời về phía đông nam, cất tiếng gầm vang như sấm.
Lộc Khê kinh sợ tỉnh dậy mới hay đó là chiêm bao. Bấy giờ trống hầu canh phía đông đã điểm ba tiếng. Lộc Kê trong lòng nửa lo nửa mừng, lặng im suy nghĩa hồi lâu. Lộc Khê cho rằng thời xưa Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công chiêm bao thấy con hùng con bi[200] mà về sau có người hiền tài tìm đến giúp đều làm nên nghiệp bá. Nay ta chiêm bao thấy hổ mọc cánh bò trườn rồi bay lên không, ắt cũng sẽ có kẻ hiền tài đến tìm mình để phó tá chúa thượng thống ngự cơ đồ to lớn. Chắc hẳn như thế không sai!
[200] Hùng là con gấu, bi cũng thuộc loài gấu nhưng nhỏ hơn.
Nghĩ vậy Lộc Khê một mình ngồi thâu đến sáng, rồi sửa áo mũ đi ra sảnh đường ngồi đợi. Cho đến khoảng giờ Tị đều không thấy ai qua lại, Lộc Khê đã toan đứng dậy trở vào phòng riêng. Chợt thấy từ phía nam có một người than thể tráng kiện, mặc áo đen đã sờn rách, tay cầm chiếc quạt lông bước vào đứng trước sân khẽ giọng xin chẩn cấp cứu trợ.
Lộc Khê thấy người ấy anh hùng lẫm lẫm, tướng mạo đường đường, phong độ tư thế vượt khác người thường, lại có sức mạnh đời núi nâng vạc. Lộc Kê trong dạ mừng thầm, bèn hỏi:
- Ông là người đâu tá? Họ tên là gì, tuổi tác bao nhiêu, tại sao lại không kế nuôi thân đến nỗi cơ cực như thế? Ông mau nói rõ ta nghe!
Người ấy thưa rằng:
- Tiểu nhân người xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn[201], phủ Tĩnh Gia, xứ Thanh Hoa, họ Nguyễn tên Tiến, danh là Thuận Nghĩa, sinh năm Nhâm Dần[202], năm nay tuổi ba mươi. Trước đây cha mẹ tiểu nhân lưu ngụ ở phủ Hoài Nhơn[203] không may song thân đều mất sớm. Tiểu nhân vì thế cô đơn một thân một mình không nơi nương tựa, đành phải chịu cảnh đói rét quá đỗi. Dám mong minh công thương giúp.
[201] Người đồng hương với Đào Duy Từ.
[202] Tuổi Dần là tuổi hổ.
[203] Theo D9NLTTB, Nguyễn Hữu Tiến di cư vào huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (nay Bồng Sơn, tỉnh Nghĩa Bình).
Lộc Khê nghe nói nửa thương nửa mừng, bèn mời lên sảnh đường. Thuận Nghĩa bước lên sảnh đi đến bên chiếc cột thứ ba thì vòng tay ôm cột mà đứng. Một lúc sau Thuận Nghĩa nhìn về phía đông nam rồi đi ra, bước xuống dưới thềm mà lạy chào. Thấy tướng mạo cử chỉ người ấy ứng đúng như giấc mộng đêm qua, Lộc Khê cả mừng, bèn gọi vào lưu lại nuôi dưỡng trong nhà.
Thuận Nghĩa được chu cấp nơi ăn chốn nghỉ yên vui. Khoảng vài tháng sau, Lộc Khê Đào Duy Từ thấy Thuận Nghĩa quả là người thông minh nhạy bén, sức khỏe mưu lược hơn người, tài năng xuất chúng, bèn gả con gái cho và tiến cử với Sãi vương, Sãi vương cho Thuận Nghĩa giữ chức đội trưởng, chỉ huy đội thủy binh nội thủy Địch cần thuyền[204].
Thuận Nghĩa từ đó vui vẻ sảng khoái[205]. Nhưng chí hướng còn muốn ba điều nói theo Ngũ hổ, Thất Tuấn, Cửu anh để sáng với muôn đời, tỏ mặt hào kiệt với hiện tại. Vì thế, nhân buổi ban đêm trăng sáng ngời ngời, trời xanh lồng lộng, Thuận Nghĩa bèn tập họp quân lính, dạy chèo thuyền để luyện tập chiến pháp của thủy quân.
Thấy quân lính xếp hàng không ngay ngắn, Thuận Nghĩa cả giận, trách mắng người kì trưởng[206] rằng:
- Ngươi là kì trưởng tại sao không tuân theo hiệu lệnh, tập luyện quân sĩ không nghiêm, coi pháp luật như trò đùa.
[204] Nội thị Địch cần Thuyền: đội thủy binh ở các sông trong nội địa. Địch cần thuyền là tên hiệu của đội thủy binh, có nghĩa là đội thuyền giúp chính đạo.
[205] Nguyên văn: “Khoái hoạt” nguyên thư chép nhầm chữ “hoạt” thành chữ “thoại” (vì tự dạng gần giống nhau).
[206] Kì trưởng: Người chỉ huy giữ cờ lệnh của một phân đội.
Người kì trưởng vốn có ý ngạo mạn, bèn cao giọng đáp:
- Tập quân thì như thế, nhưng lòng người chẳng cùng một ý thì pháp luật có đùa gì được đâu?
Thuận Nghĩa giận quát:
- Ngươi coi khinh ta quá!
Người kì trưởng trừng mắt nhìn Thuận Nghĩa đáp:
- Muốn chém thì chém hà tất phải quát tháo!
Thuận Nghĩa nghe nói cả giận bèn tuối gươm chém liền, quăng thây bên vệ đường, rồi rủ áo vào ngồi yên trong công sảnh. Quân lính kinh sợ kêu la huyên náo.
Lộc Khê nghe tin cả kinh, vội nhân đêm trăng sáng đi ngay vào phủ chúa. Bấy giờ Sãi vương đang thong thả ngồi xem sách. Lộc Khê đứng chờ bên ngoài cửa ngăn, dặn người xin chúa cho phép vào. Quan nội thị gọi vào, Lộc Khê vào đứng hầu bên cạnh. Sãi vương hỏi:
- Đêm khuya thế này quan nội tán vào có việc gì chăng? Hay là lương tướng nhân đêm trăng sáng vào cùng ta bàn luận việc nước.
Lộc Khê chỉ vâng dạ thưa qua. Sãi vương bảo Lộc Khê ngồi, cùng nói chuyện các bậc anh tài hào kiệt xưa nay, những kẻ trí mưu giúp dấy nghiệp vương, định thành nghiệp bá. Chúa tôi đang lúc vui vẻ, Lộc Khê bèn kể với Sãi vương chuyện thời Chiến Quốc. Ngô vương muốn làm bá chủ chư hầu, đón mời Tôn Vũ vào cung giao cho việc luyện quân tập trận. Lộc Khê nói:
- Thời Xuân Thu, Ngô vương làm bá chủ chư hầu, lựa chọn cả cung nhân thể nữ làm lính, giao cho Tôn Vũ tập luyện trận pháp. Hai cung phi của vua là nàng họ Khương và nàng họ Mãi được làm đội trưởng.
Tôn Vũ đem cờ hiệu ra nói rõ trước cho biết các điềuquy định, bảo hai nàng ấy rằng: “Phép dùng binh quý hiệu lệnh. Nay hai nàng được chọn làm đội trưởng của đội quân tì thiếp tất phải biết điều khiển quân lính. Hễ nghe hiệu lệnh chiêng trống thì tiến, dừng, dậy, nấp, tản ra, tụ lại đều phải tuân hành đúng phép.” Thế là ngày hôm sau vào trường tập trận, Tôn Vũ khua chuông thúc trống mấy lần, nhưng hai người cung phi vốn được vua yêu, chỉ đứng nhìn Ngô vương mà cười ngặt nghẽo, không làm theo lời Tôn Vũ đã dạy hôm trước. Tôn Vũ cả giận tâu với Ngô vương rằng: “Vương muốn lấy thiên hạ chăng thì phải nghiêm pháp lệnh. Hay là vương muốn làm trò vui đùa?”. Ngô vương nói: “Nhà nước phải lấy pháp lệnh làm đầu, có gì mà phải hỏi?”. Tôn Vũ liền lui ra quát võ sĩ lôi hai nàng cung phi kia đem chém. Ngô vương rất tiếc, nhưng đã trót nói dương cao pháp lệnh rồi. Bèn phong Tôn Vũ làm quản sư. Từ đó Tôn Vũ dạy tập binh pháp, chấn hưng thế quân, chẳng ai không phục tùng. Sau nước Ngô đem quân đi đánh các nước chư hầu, đã đánh là thắng, đã tiến công là lấy được, bèn định nên nghiệp bá hùng mạnh.
Sãi vương thú vị vỗ tay reo to mà nói:
- Quân không chém không đều, tướng không giết không mạnh! Ngô vương có độ lượng như thế, mà Tôn Vũ biết ước thúc quân lính như thế, đó chính là phép dùng binh, có gì lạ đâu?
Lộc Khê nghe Sãi vương nói xong bèn đứng đậy vái thưa rằng:
- Đứa con rể ngông cuồng của thần là Thuận Nghĩa giữa ban đêm dạy quân lính tập chèo thuyền, trong quân có tên kì trưởng không tuân theo hiệu lệnh, bị Thuận Nghĩa trách mắng. Tên kì trưởng không chịu phục tòng lại thốt ra lời nói không khiêm tốn, thậm chí rất xấc ngạo. Thuận Nghĩa đã lỡ tay giết chết. Mong vương thượng xử tội cho!
Sãi vương nghe xong cười đáp:
- Đứa ngông cuồng lăng nhục người trên, giết đi cũng đáng. Người xưa nói: nghìn quân dễ có, một tưởng khó tìm”, Thuận Nghĩa là kẻ như thế, cũng là một viên tướng anh hùng, nào có lội lỗi gì?
Lộc Khê cúi vái tạ ơn rồi ra về. Từ đó uy danh của Thuận Nghĩa ngày càng lừng lẫy, người ta đều tuân phục. Mấy tháng sau Thuận Nghĩa được thăng chức cai đội, giao cho quản lĩnh quân lính tập luyện tinh thuộc chờ khi dùng đến.
Người đời sau có thơ bình tán Thuận nghĩa như sau:
Nghiệp dựng trời cao sáng đẩu tinh,
Vua tôi gặp gỡ đất Nam thành,
Văn thần thao lược bày rồng hổ,
Võ tướng xông pha mạnh giáp binh.
Thu hết càn khôn khoe tuấn kiệt,
Tung hoành bốn biển rạng anh linh.
Bảo đao sáng buốt oai thần vũ,
Thuận Nghĩa danh lừng thật hiển vinh.
Tháng mười hai, con trưởng của Sãi vương là Khánh Mỹ hầu làm trấn thủ ở Quảng Nam bất ngờ bị ốm chết.
Sãi vương rất đau xót, truy tặng hàm thiếu bảo, tước Khánh quận công, cho dùng nghi lễ tước công để mai táng. Người Quảng Nam đều thương khóc than tiếc.
Năm Nhâm Thân, niên hiệu Đức Long thứ tư (1632), Sãi vương, từ khi con trưởng là Khánh Mỹ hầu lâm bệnh rồi qua đời, ngày đêm thương tiếc buồn rầu. Chúa rất lấy làm lo vì Quảng Nam là nơi quan trọng mà không có người trấn nhậm, bèn sai công tử thứ ba là Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh[207] (tức ông Chưởng Bộ) làm trấn thủ phó tướng, công tử thứ tám là Đức Lễ hầu làm tham tướng cùng quản lĩnh việc trấn thủ Quảng Nam. Nhưng Dương Nghĩa hầu là kẻ bất hiếu, mặt mày dữ tợn, xấu xí, bẳn tính hung ác thô bạo, Sãi vương có ý không yêu. Nay sai đi làm trấn thủ ở nơi xa không khỏi sinh sự tranh giành. Vì thế Sãi vương muốn có một văn thần đi theo giúp việc, nhưng chưa tìm được người nào.
[207] Con thứ ba của Sãi vương là Nguyễn Phúc Anh. Do chữ anh có bộ thủy tự dạng giống với chữ hán nên ở đây bản sao chép nhầm là hán. Phúc Anh tên tước là Dương Nghĩa hầu (vì liên hệ chuyển giữa hai chữ “nghĩa” và “lễ”) chúng đã chỉnh lí lại.
Bấy giờ có viên văn chức là Vân Hiên tử (tức Cống Phạm)[208] cùng với công tử con thứ hai của Sãi vương là Nhân Công[209] rất được chúa ưu ái trọng hậu, ngày đêm dạy bảo và cho được cùng bàn luận công việc, thân như tâm phúc. Hôm ấy được tin Dương Nghĩa hầu đi trấn thủ Quảng Nam,Vân Hiên cũng xin giữ chức kí lục theo Dương Nghĩa đi cai quản việc dân sự ở trong xứ, Sãi vương cả mừng, bằng lòng cho đi. Nhân Công biết tin ấy lấy làm sợ hãi, đưa mắt nhìn Vân Hiên, tỏ ý không được yên tâm lắm. Vân Hiên cũng ngầm hiểu ý của Nhân Công bèn đảo mắt liếc lại. Nhân Công hiểu ý, đến khi bãi chầu trở về liền đến nhà Vân Hiên chúc mừng rồi hỏi:
- Tiên sinh đi chuyến này lòng tôi có ý cầu mong. Không biết bao giờ chúng ta lại được gặp nhau?
[208] Theo ĐNTLTB thì Phạm là tên thường gọi của viên văn chức này. Phạm là bạn thân của Nhân Lộc hầu Nghuyễn Phúc Lan. ĐNLTTB ghi là “Không rõ họ gì”. Có lẽ Phạm là người được lấy đỗ trong kì “quận thí”do Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên lần đầu tiên tổ chức vào đúng năm này (1632). Bản sao thép nhằm chữ “cống” thành chữ “chân”.
[209] Tức Nhân Lộc hầu Nguyễn Phúc Lan, sau sẽ nối ngôi chúa. Trong sách này Nhân Lộc hầu thường được chép là Nhân Công (ông Nhân) lúc là gọi chữ đầu của tên tước.
Vân Hiên hạ giọng nói với Nhân Công rằng:
- Tôi đi chuyến này minh công đừng lo. Có tôi ở đấy thì yên như núi thái Sơn. Minh công cứ cao gối ngủ yên, bất tất phải lo nghĩ nhiều.
Nhân công nghe nói yên lòng bèn nắm tay từ biệt Vân Hiên.
Bấy giờ hai công tử Dương Nghĩa và Đức Lễ cùng với kí lục Vân Hiên lên đường đến trấn sở nhận chức để gìn giữ dân lành, dẹp yên giặc cướp. Từ đó về sau công tử Dương Nghĩa tự ý làm việc gì riêng tư đều đã có người ruổi ngựa đem nhật thư phi báo cho Nhân Công biết để đề phòng Dương Nghĩa có khác ý.
Tháng sáu, Sãi vương xuống lệnh thúc giục thi hành lệ đổi hàng. Tất cả các địa phương trong hai xứ đều phải chở đến nộp các sản vật như hồ tiêu, kì nam, vây cá yến sào (tổ én)... Chúa cho theo thời giá trả tiền cho các chủ thuyền để đổi lấy các thứ hàng ấy.
Chẳng bao lâu các nơi đều chở sản vật đến nộp. Chúa sai người triệu Lộc Khê hầu đến để định giá. Lộc Khê hỏi người sai nhân rằng:
- Chúa gọi bàn hỏi việc gì thế?
Người sai nhân thưa rằng:
- Chúa sai gọi trưởng quan đến định giá đổi hàng để trả tiền cho các chủ thuyền trở về.
Lộc Khê nghe xong cả cười nói:
- Vâng mệnh! Vâng mệnh!
Rồi đó lấy ảo vải ra mặc, lưng buộc dây đay, đầu đội nón lá, tay cầm chiếc cân hỏa hiệu[210] đi vào phủ chúa đợi lệnh. Quân lính thấy lạ đều phì cười. Sãi vương trông thấy bèn nói:
- Quan nội tán làm sao mà ăn mặc như thế?
[210] Nguyên thư chép: “thủ hỏa hiệu cân”. Xét mạch văn liền bên trên thì có thể xác định sau chữ “thủ” (tay) chép thiếu chữ “chấp” (cầm), còn ba chữ “hỏa hiệu cn” chưa hiểu rõ là loại cân gì, xin để theo nguyên văn để tiện tra cứu thêm. Dù sao thì ý chính vẫn là xách chiếc cân tay mà thôi.
Lộc Khê thưa rằng:
- Thần chỉ mong chúa thượng khai thác cõi bờ, thu phục lãnh thổ, thực hành đạo bá vương trong thiên hạ. Ngờ đâu chúa thượng lại muốn làm nhà phú hào buôn bán để kiếm lời? Thế thì thần cũng theo ý của chúa thượng mà ăn mặc quần áo như người buôn, cầm theo đồ dùng như người buôn, đâu dám chỉnh tề áo mũ? Xin chúa thượng tha tội cho!
Sãi vương nghe có có ý lấy làm thẹn, nói chống chế rằng:
- Nay dân chở sản vật đến nộp, chưa biết thời giá cao thấp thế nào, vì thế ta cho vời quan nội tán vào định giá trả tiền để cho dân chúng vừa lòng, khỏi ta thán. Nào phải ta có ý buôn bán gì đâu!
Lệnh ấy, sau đó bèn bãi bỏ.
Lại nói bấy giờ Sãi vương thấy việc đắp lũy Nhật Lệ đã xong, thế lực đã vững chắc, vua quan cùng bàn bạc, quyết định lờ bỏ việc chở thóc tiền ra nộp thuế ở kinh đô. Sãi vương ngày đêm lo tính muốn mưu đồ đại sự. Chúa thấy ngày trước quan nội tán Lộc Khê có nói: dù quân Bắc có trăm vạn hùng binh cũng không đáng sợ. Ấy là lối nói khích lệ. Nhưng Sãi vương ngày đêm vẫn nghĩ rằng bên Bắc đông người, bên mình ít người, có thể khó địch nổi, vì vậy muốn tăng thêm quân để mưu đồ việc lớn. Về tô thuế thóc tiền thì số thu được trong hai xứ cũng sợ chưa đủ dùng. Lộc Khê bèn thưa rằng:
- Nay ta đã mưu tính việc lớn thì binh và lương là việc cấp bách. Xin chúa thượng xuống lệnh lập ra các tuyển trường, sai quan đến đó để tuyển chọn các hạng đinh dân khỏe mạnh, được đến đâu thì đem tăng thêm cho các quân doanh để phòng khi có việc sai phái đi chiến đấu. Lại tăng thêm các khoản tô thuế thóc tiền để đủ số cấp phát cho ba quân, đề phòng khi thiếu ăn.
Sãi vương nghe thưa cả mừng, bèn chuẩn theo kế ấy sai đi tuyển lựa dân đinh trong hai xứ Thuận Hóa, QuảngNam, theo từng hạng mà chia bổ vào các quân doanh. Một mặt thì tăng thu tô thuế, chứa trữ vào các kho. Từ đó binh lương thu bổ hàng năm đặt thành định lệ.
Lại nói chuyện ởNam triều có viên cai cơ là Mậu Lễ hầu Tống Phúc Thống có con gái nhan sắc xinh đẹp đã gả cho trưởng công tử là hữu phủ Khánh Mỹ hầu Nguyên Phúc Kỳ làm chính thê, sinh được ba con trai. Cai cơ Mậu Lễ hầu thầm tính ngày sau Khánh Mỹ ắt được nối ngôi chúa, hiển rạng cho họ hàng thân thích.
Không ngờ năm Tân Mùi (1631), hữu phủ Khánh Mỹ hầu qua đời, Mậu Lễ từ đó lo buồn suy nghĩ sinh ra ăn chơi phóng túng, sau đó trốn về kinh đô Thăng Long để lo giữ phần mộ tổ tiên và khỏi chịu nhục với triều đình xứ Nam. Mậu Lễ sắm một chiếc thuyền con, nhân lúc đêm tối đem hết gia thuộc vượt Cửa Noãn[211] trốn về Bắc, chỉ để con gái là Tống thị ở lại miền Nam.
Ngày hôm sau những người thuộc quyền của Mậu Lễ mới biết, đem sự việc trình lên chúa. Sãi vương cả giận khép tội quan tuần xét cửa biển, truyền bắt chém.
Tha cho vợ của hữu phủ Khánh Mỹ hầu. Tống thị nhờ đó may mà được thoát chết.
[211] Nguyên văn: “tương xuất thuộc việt gia Noãn hải môn”, không ra nghĩa gì. Câu này bản sao chép ngược vị trí của hai chữ, đúng phải là: “tương xuất gia thuộc việt Noãn hải môn”, (dịch như trên). Cửa Noãn cũng gọi là cửa Eo, tức cửa Thuận An.
Chuyện đến đây chia làm hai ngả:
Nói tiếp tháng giêng năm ấy, ở Bắc triều, Thanh Đô vương Trịnh Tráng[212] cho rước bài vị của Giản Hoàng Đế[213] vào thờ ở Thái miếu, trăm quan đến chầu mừng. Ngày ba mươi tháng hai, truy tặng tôn hiệu cho các vị Thái vương[214], Triết vương[215] và cho đúc kim sách[216].
[212] Tới tháng 10 năm Kỷ Tỵ (11-1629) Thanh Đô vương Trịnh Tráng đã được phong tước vương một chữ là Thanh vương, nhưng từ đây v sau nguyên văn có khi vẫn gọi theo tên tước đã quen gọi là Thanh Đô, hoặc Thanh Đô vương.
[213] Giản Hoàng đế: Thụy hiệu của Kính Tông Lê Duy Tân.
[214] Thái vương: tức Minh Khang thái vương, thụy hiệu của Trịnh Kiểm.
[215] Triết vương: Thụy hiệu của Trịnh Tùng.
[216] Kim sách: sách phong khắc chạm tên trên những lá vàng giát.
Ngày hai mốt, giờ Tị, giữa trời xuất hiện hai quầng tán màu đỏ và trắng che hẳn mặt trời, đến hai khắc mới tan. Ngày hai bốn lại có hai quầng đỏ hao phủ ngoài mặt trời, khoảng hai giờ mới hết, không rõ điềm lành dữ thế nào.
Ngày hai nhăm, Thanh Đô vương gia phong phẩm tước cho các quan tại triều. Đặc cách sai Lễ bộ thượng thư thiếu úy[217] Lan quận công Nguyễn Thực, Lại khoa đô cấp sự trung Nguyễn Duy Hiển, một viên nội giám thị độc hàn lâm viện Nguyễn Phương Danh đem sách vàng đến phong cho vương tử là thiếu phó Sùng quận công Trịnh Kiều làm chỉ huy tả tiệp quân doanh, hàm khâm sai đô tướng tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh kiểm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự[218] phó chưởng quốc chính, hàm thái úy, tước Sùng quốc công, được mở phủ Hùng Uy đặt hiệu thuộc để thi hành phận sự. Sai thái úy Lăng quận công Trịnh Bảng, đề hình Nguyễn Khắc Văn, một viên nội giám, một viên khai độc[219] đem sách bạc đến phong cho thái úy doanh Hiệp nghĩa là Tung quận công Trịnh Vân, tước Tung quốc công[220], được mở phủ Hiệp Nghĩa. Sai phó tướng Đức quận công Trịnh Tạc, đô hộ trung úy Binh khoa cấp sự trung Lê Kinh, một viên nội giám, một viên khai độc đem sách bạc đến phong cho thái úy doanh Phù Nghĩa là Dung quận công Trịnh Khải[221] tước Dũng Lễ Công, được mở phủ Nghĩa. Sai Công bộ thượng thư Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì, phó tướng đô úy Hương Khuê hầu Trần Vĩ, đề hình Lã Thì Trung cùng một viên nội giám đem sách bạc đến doanh Thăng Nghĩa phong cho thái phó Trịnh Lệ tước Quỳnh Nham công. Lại phong cho phó tướng thái bảo quận công Nguyễn Hắc[222] hàm thái phó, tước Phụ quận công.
[217] Nguyên thư chép là “Thiếu phủ”, đúng ra là thiếu úy như ở dưới đã chép. Toàn thư cũng ghi Lan quận công Nguyễn Thực hàm thiếu úy.
[218] Nguyên bản chép: “... bình chương quân quốc dân trọng” thừa chữ “dân”, thiếu chữ “sự” (bình chương quân quốc trọng sự).
[219] Khai độc: Viên quan có nhiêm vụ mở và tuyên đọc ssách dụ của vua.
[220] Toàn thư chép là Tung Nhạc công.
[221] Toàn thư cũng như Trịnh gia thế phả đều chép Dũng Lễ công tên là Khải. Bản sao sách này, ở đây chép là Liệu, ở dưới chép là Liệu, ở dưới chép là Phúc, có lẽ đều là chữ Khải mà ở bản chính viết thảo khó đọc nên chép nhầm. Chúng tôi đã hiệu chỉnh lại.
[222] Nguyễn Hắc (Phụ quận công) cháu của Nguyễn Hoàng (con Nguyễn Hắc), cùng với chú là Cẩm quận công Nguyễn Hải ở lại Thăng Long làm con tin.
Ngày hai mươi bảy. Thanh Đô vương cho vời hai quan quốc lão là Lễ bộ thượng thư thiếu úy Lan quận công Nguyễn Thực, Binh bộ thượng thư thái bảo Đăng quận công[223] Nguyễn Khải vào triều cùng dự bàn việc nước. Từ đó thành lệ như thế.
Tháng tư, ngày mồng ba, gia phong duệ hiệu của liệt thánh thờ ở Thái miếu, vua Lê thân đến làm lễ, trăm quan tới chầu mừng. Ngày mồng bảy các quan triều đình dâng tờ bẩm[224] hạch tội bọn Lại bộ thị lang Nguyễn Tuấn, hữu thị lang Nguyễn Lại thăng giáng các chức tham nhũng không thích đáng. Vương sai võ tướng Lăng quận công Trịnh Bằng, Diên quận công Trịnh Tài xét hỏi, quả đúng như thế, bèn bãi chức thải về làm dân. Người đương thời có câu dao ngôn “Các chức bị viên, lưỡng Bột tận điền”[225] là chỉ vào bọn hữu thị lang Nguyễn Lại.
[223] Thái bảo Nguyễn Khải tước Đăng quận công. Ở đây nguyên thư chép lầm là Hợp quận công, (ở dưới đã chép đúng là Đăng quận công).
[224] Bẩm văn: Văn thư gửi lên vua là biểu, văn gửi cho chúa gọi là bẩm văn.
[225] Có nghĩa là: các chức quan bổ cho đủ để làm vì, thì hai làng Bột (Bột Thượng, Bột Hạ, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, Thanh Hóa) hết ruộng.
Tháng năm, Thanh Đô vương phong cho vương tử là tả phủ Tây quận công[226] làm chỉ huy Tuấn Hiệp quân doanh, tước Tây quốc công, được lĩnh kiếm ấn voi ngựa phòng khi dùng vào việc binh.
[226] Tây quận công: tên tước ca thế tử Trịnh Tạc, con Trịnh Tráng.
Cho Lệ bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện Nguyễn Thì Phúc giữ chức chưởng Hàn lâm viên sự, đông các học sĩ quốc lão thiếu úy Lan quận công Nguyễn Thực thăng hàm thiếu bảo Công hộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tư nghiệp, thiếu bảo Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì thăng hàm thiếu phó chức Binh bộ thượng thư, thái bảoĐăng quận công Nguyễn Khải thăng hàm thái phó tước Đăng quốc công, cùng dự bàn triều chính.
Các quan triều đình dự lễ thụ phong, lạy tạ ơn rồi trở về phủ, thi hành các công việc cần kíp, ai nấy tuân theo chức vụ của mình.