Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 13 - Phần 2

Sáng hôm sau, tả đô đốc quận Sùng, cùng với đô đốc quận Lễ vào triều lạy tâu hoàng đế rồi lạy trình với Thanh vương Trịnh Tráng rành rẽ trước sau về tội Hàn Tiến bỏ chạy để mất Dinh Cầu cùng các nơi ở Hoành Sơn, Bố Chính, y lại muốn đầu hàng Nam chúa và manh tâm phản loạn. Thanh vương Trịnh Tráng bừng bừng tức giận, cho gọi các quan văn võ triều đình vào hội họp để bàn xét. Binh Bộ thiếu úy Hào quận công Lê Thì Hiến nói:

- Quân Nam xâm phạm địa giới, nhuệ khí đang hăng, nên cấp tốc sai binh hùng tướng mạnh vào giữ Nghệ An để ngăn chặn quân giặc, thăm hỏi phủ dụ dân chúng khỏi sợ hãi. Sau đó sai một viên tướng đem quân vào bắt Hàn Tiến áp điệu về triều đình luận tội. Để chậm thì hắn sẽ chạy thoát, lại mọc thêm ra một kẻ địch nữa. Ấy là kế vẹn toàn cả đôi việc. Thượng thư bộ Lại là Vân Đài bước ra tâu rằng:

- Việc sai quân đi chặn địch thì nên bàn định ngay. Còn việc bắt Hàn Tiến thì không nên vội vã. Huống chi Hàn Tiến tuy chỉ là một viên quan nhỏ, nhưng cũng có chí trung thành cần vương, thông thạo thao lược, tài trí anh hùng, đáng kẻ là tướng có tài. Có thể là do quân Nam sợ hãi tung ra kế phản gián chúng ta vua tôi giết hại lẫn nhau, bọn họ ở giữa ngồi thu lợi. Xin chúa thượng xét kĩ cho kẻo mắc phải mưu kế của người khác.

Thanh vương Trịnh Tráng không chịu nghe vẫn nghiến răng tức giận.

Tháng năm, sai thái bảo Khê quận công[334], đô đốc Lũng quận công[335] đem ba vạn quân thủy bộ vào giữ Nghệ An để ngăn chặn quânNam. Lại sai thự vệ Lễ Tường đem quân đi bắt Hàn Tiến giải về kinh hỏi tội.

[334] Tên tước của Trịnh Trượng, con thứ ba của Thanh vương Trịnh Tráng.

[335] Tên tước của Vũ Văn Thiêm.

Lại nói chuyện thự vệ Lễ Tường vâng lệnh chỉ rời khỏi triều liền sửa soạn hành trang, lên ngựa đi gấp vào Nghệ An. Đến sông Quyết thì gặp Hàn Tiến đang trên đường chạy ra, Lễ Tường dừng ngựa hỏi:

- Ông đi đâu? Tôi có lệnh chỉ của vương thượng ở đây.

Hàn Tiến hỏi lại:

- Lệnh chỉ của chúa có việc gì?

Lễ Tường vội hỏi:

- Lệnh chúa sai vào bắt tả đô đốc đưa về triều đình hỏi tội.

Hàn Tiến nghe truyền lệnh của chúa, cả kinh, hốt hoảng xuống ngựa chịu trói. Nghĩ ngợi hồi lâu Hàn Tiến mới nhận ra rằng mình làm trấn thủ Nghệ An mà vừa đây không ngăn chặn được quân Nam, để mất đất tan quan, đến nỗi bị bắt về kinh trị tội. Lúc đầu Hàn Tiến không biết chuyện các tướng bên Nam dùng mưu phản gián, đến khi hỏi kĩ những người tùy hành ra đi từ kinh đô mới biết rõ đầu đuôi sự việc. Bấy giờ Hàn Tiến mới hối rằng: “Nếu ta nghe lời Lộc Tiên thì khỏi mắc tai họa ngày hôm nay. Bây giờ việc đã như thế, đảo ngược lại làm sao được! Vả lại vết thương sưng tấy khó mà đi được nữa.”

Chập tối đến dịch trạm, Hàn Tiến nói với thự vệ Lễ Tường rằng:

- Tôi bị vết thương nặng ở chân, đâu không được, xin cho tạm nghỉ ở đây một đêm, sáng ngày sẽ đi tiếp cũng không muộn.

Thự vệ Lễ Tường bằng lòng, bèn truyền cho quân sĩ tạm vào nhà trạm nghỉ ngơi. Đêm hôm ấy Hàn Tiến một mình ngồi trên chiếc chõng tre, nghĩ ngợi càng thêm tức giận, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Hàn Tiến thân từng làm quan to ở triều đình, giữ trách nhiệm nặng. Nay làm trấn thủ ở Dinh Cầu trót để mất thành, thoát thân trở về như thế không phải anh hùng. Nếu nhẫn nhục về kinh thì còn mặt mũi nào trông thấy người trong thiên hạ? Âu cũng là do vận mệnh cả!”

Nói đoạn bèn uống thuốc độc mà chết[336]. Năm ấy Hàn Tiến năm mươi tư tuổi. Người đương thời có thơ rằng:

Trung nghĩa lòng son chí chẳng dời,

Nào hay tâm sự chẳng theo thời.

Núi vôi trúng đạn người khôn đoái,

Nhà trạm canh khuya luống ngậm cười.

Năm trước xót ông buồn chưa dứt,

Ngày rày tưởng nhớ lệ khôn rơi.

Mới hay phú quý là giấc mộng,

Chẳng quản nên chăng chuyện ở đời.

[336] Về việc Tiến quận công Lê Văn Hiểu để thất thủ Dinh Cầu. Toàn thư chỉ chép: “Tháng 5 (6/1655) cho gọi Lê Văn Hiểu, Lê Hữu Đức và các thuộc tướng về kinh, đi đến nửa đường, Văn Hiểu bị đau vì vết thương mà chết.”

Cương mục chép: “Vì việc bị thua ở Hà Trung (tức Dinh Cầu), Trịnh Tráng cho triệu Lê Văn Hiểu, Lê Hữu Đức về triều. Văn Hiểu bị đạn lạc trúng vào chân nên chết ở dọc đường.” Nhưng ĐNLTTB ở truyện Nguyễn Hữu Tiến có tham khảo CNDC chép vắn tắt các việc như Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật biên thư dụ hàng, không có kết quả, lại tung tin phản gián cho Trịnh Tráng biết. Trịnh Tráng nghi ngờ sai bắt về kinh hỏi tội, chết dọc đường. Nhưng như đã chú ở trên, thay vì Tiến quận công Lê Văn Hiểu (Hàn Tiến), ĐNLTTB lại chép là Trịnh Đào.

Sáng hôm sau, thự vệ Lễ Tường biết tin bèn sai lính đem thi thể Hàn Tiến chôn tạm, rồi sai người hỏa tốc về triều tâu báo. Thanh vương Trịnh Tráng nghe xong liền lấy làm hối, nói rằng:

- Ta mắc phải gian kế rồi! Không hối kịp nữa.

Trịnh Tráng than tiếc hồi lâu rồi đem di hài Hàn Tiến về mai táng ở quê nhà để biểu dương hồn trung nghĩa.

Gián điệp[337] Văn Phương nghe tin cả mừng, liền từ biệt cha để vào Nam, rủ luôn cả em là Văn Tường về hàng.

[337] Chữ Hán: “Tế tác”.

Anh em Văn Phương, Văn Tường ngày đên ruổi ngựa đi gấp vào Nghệ An báo cho đốc chiến Chiêu Vũ biết đầu đuôi sự việc. Chiêu Vũ nghe xong vui mừng khôn xiết, đập tay cười vang mà nói:

- Thế là ta đã lập mưu trừ khử được Hàn Tiến, đánh bại ngàn vạn quân Trịnh, đất Trung đô có thể hẹn ngày mà lấy

Nói đoạn bèn sai người đến báo cho tiết chế Thuận Nghĩa biết. Tiết chế Thuận Nghĩa Nguyễn Hữu Tiến được tin mừng gia bội phần, phất tay áo nói:

- Số phận nhà Trịnh sắp hết đến nơi rồi! Cánh đã bị chặt thì thân mình khác nào chim cụt cánh.

Rồi đó tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ sai chức sự là Quảng Trung đem Văn Phương và Văn Tường về triều tâu báo. Bọn Quảng Trung vâng lệnh ngày đêm ruổi gấp về Cựu Dinh, vào yết kiến chúa Hiền. Lạy chào xong, Quảng Trung đem việc Hàn Tiến trước sau tâu lên, Hiền vương nghe tâu cả mừng cười nói:

- Hai tướng Thuận, Chiêu đã ra tay thì không mưu kế nào không ứng nghiệm. Đúng là Phục Long, Phượng Sồ[338] ở triều ta. Thanh Đô[339] hết hơi đến nơi rồi.

Nói đoạn Hiền vương sai nội hầu[340] và Đô Lễ mang lễ vật ra Nghệ An ban thưởng cho các tướng sĩ, truyền lệnh cắm biển chiêu an, cấm quân sĩ cướp bóc để yên lòng dân chúng. Trọng thưởng cho tiết chế Thuận Nghĩa vàng ba mươi lạng, bạc một trăm nén, lụa hai mươi tấm; đốc chiến Chiêu Vũ vàng ba mươi lạng, bạc tám mươi nén, lụa hai mươi tấm. Lại thưởng riêng cho mỗi người một thanh bảo kiếm và một chiếc áo gấm. Các tướng văn võ đều được trọng thưởng có phân biệt thứ bậc khác nhau. Lại sai viên quan giữ việc vận chuyển[341]chở gạo và tiền ra ban phát để khao thưởng ba quân. Thưởng cho Văn Phượng, Văn Tường mỗi người hai mươi lạng bạc để biểu dương công trạng. Tài Điện và Đô Lễ vâng lệnh đi gấp ra Nghệ An ban phát đồ thưởng cho tướng sĩ. Quân tướng các đạo đều vái vọng lĩnh thưởng.

[338] Phục Long: biệt danh của Khổng Minh, Phượng Sồ: biệt danh của Bàng Thống.

[339] Tức Thanh Đô vương, tên tước cũ của Trịnh Tráng. Vào thời điểm nói đây đã thăng tước một chữ là Thanh vương.

[340] Nguyên văn: nội sai, viên quan hầu cận chúa ở nội điện.

[341] Nguyên văn: “vận ban quan”.

Tài Điện lại truyền lệnh cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ rằng:

- Chúa thượng truyền cho hai ông cho cắm biển chiêu an để kêu gọi tướng sĩ quân dân trăm họ ở Nghệ An về hàng, cấm quân lính đinh phu đi cướp bóc để dân chúng được yên cư lạc nghiệp. Chúa cũng truyền cho hai ông bàn định mưu kế, sớm đem quân đánh lấy Trung đô, chúa thượng sẽ phát binh đi sau tiếp ứng không được chậm trễ lỡ thời cơ. Phàm mọi việc quốc gia đại sự đều ủy thác cho hai ông cùng nhau bàn định.

Hai tướng Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ vâng mệnh, ngay ngày hôm ấy truyền lệnh yết thị chiêu an tướng sĩ quân dân Nghệ An.

Cáo thị viết:

“Tướng vâng mệnh Nam chúa là tiết chế các doanh hổ uy đại tướng Thuận quận công, tham mưu đốc chiến Chiêu Vũ hầu dựng biển chiêu an này để báo cho tướng sĩ binh dân Bố Chính và các huyện Kỳ Hoa, Thạch Hà xứ Nghệ An được biết:

Để nhổ bật kẻ cận thần họ Trịnh manh tâm tiếm đoạt ngôi vua nhiều phen sai cường binh vào xâm phạm quấy nhiễu bờ cõi, giết hại lương dân, đã có thư từ can gián mà thói cũ không chừa, các đại thần văn võ ở Nam triều xin đem quân đánh dẹp tiêu trừ đảng giặc. Giáo trời thẳng chỉ, gió lửa bùng lên, oai lừng sấm sét, khắp nơi kinh sợ, chẳng ai không rụt đầu lạnh tím, bôn đông chạy bắc, hoặc lánh trốn ở nơi lùm hoang bãi vắng, nương náu trong chốn núi thẳm hang cùng, ngày qua tháng lại chưa biết dừng đỗ nơi đâu.

Nay vâng lệnh dụ bảo cho tướng sĩ binh dân ai nấy đều hay: Bọn các ngươi nên báo tin cho ai nấy đều biết, cùng nhau về hàng. Dân chúng thì được yên nghiệp làm ăn, người đã làm quan cho giữ chức cũ để thể đức hiếu sinh, tỏ lòng rộng nạp. Từ nay về sau lệnh cho các đội binh thuyền không được quấy nhiễu cướp bóc tài sản, bức hiếp gian dâm đàn bà con gái nhà dân, đốt phá nhà cửa vườn tược, cướp đoạt gia súc, hái bẻ hoa màu các vật. Kẻ nào làm trái thì cho phép người trông thấy trói bắt can phạm cùng với tang vật dẫn đến nộp trước cửa quân để xử trị theo quân luật.

Lệnh cho ai nấy đều phải đến chỗ cắm biển chiêu an để đọc bản cáo thị này.”

- Từ khi cắm biển chiêu an, quan lại, dân chúng Nghệ An ai nấy đều oán giận Trịnh Tráng, muốn về hàng chúa Nam.

Bấy giờ bên quân Trịnh có tham đốc Minh Lãng sai người bí mật mời thự vệ Triều Tô đến bàn rằng:

- Ta nghe nói chúa Nam là bậc anh minh uy vũ, rộng ban ơn đức, các tướng hiệp sức, trăm họ đồng lòng, đúng là bậc chân chúa đời nay. Còn chúa Trịnh, trên khinh nhơn thiên tử, dưới lăng loàn giết hại công khanh, họa trời hại người chẳng phải một ngày. Thế chẳng phải số trời của họ Trịnh sắp hết rồi hay sao? Nay bọn ta nếu cứ bám theo họ Trịnh mãi không khỏi bị hậu thế chê cười. Người xưa có câu: “Không biết xét lẽ ở đi, chẳng phải là người quân tử.”

Triều Tô nói:

- Lời tham đốc nói rất phải.

Bấy giờ Triều Tô cùng tham đốc Minh Lãng quyết chí theo hàng quân Nam. Rồi đó cùng gọi các tướng hiệu người Nghệ An là bọn thự vệ Tú Long, Uy Bố, Nghiêm Tuấn, Đô Kiều, Thiêm Vinh; cai đội Toản Võ, Tiềm Vân, Hoành Vân, Lễ Toàn, Hiển Trung; thư kí Hồng Lĩnh, Thiếu Hải, Đội Thứ, Ninh Lộc, Triều Hoa, Triều Hùng, Đô Lễ đem vợ con gia quyến cùng quân lính voi ngựa khí giới tìm đến trại quân của tiết chế Thuận Nghĩa dâng thư xin hàng.[342]Tiết chế Thuận Nghĩa ra ngoài trường đón tiếp sai mở tiệc khoản đãi trọng hậu.

[342] Việc này, ĐNTLTB chép “Tham đốc của Trịnh là Đặng Minh Tắc cùng với Triều Tô, Tú Long, Toản Võ, Ninh Lộc - bốn người đều không rõ họ - đều đến cửa quân đầu hàng.”

Tiết chế Nghĩa Thuận nói:

- Các ông là người thức thời thấu lẽ, biết bỏ chỗ tối, hướng chỗ sáng, là những kẻ anh hùng hào kiệt đời này.

Tham đốc Minh Lãng đứng dậy nói:

- Bọn tiểu tướng chúng tôi từ lâu nghe tin chúa Nam là người khoan nhân hậu đức, thương yêu dân chúng, chính là bậc chân chúa ở đời này. Chúng tôi lâu nay đã có ý muốn hàng phục nhưng chưa biết nơi chốn mà đi. Lại nghe tôn danh của tiết chế lừng lẫy như sấm vang. Hôm nay được dịp bái yết tôn nhan thật là may mắn lớn trong đời.

Đêm ấy, tiệc tan, mọi người nghỉ lại trong trướng của tiết chế. Ngày hôm sau, tiết chế Thuận Nghĩa sai tuyển chọn hàng binh lập thành các cơ đội, các hàng tướng được phân chia phối thuộc vào các doanh đội.

Rồi đó tiết chế Thuận Nghĩa sai làm quyển sổ ghi tên các tướng bên Trịnh mới về hàng, sai chức sự là Văn Xá đem về vương dinh tiến nộp.

Chúa Hiền xem qua sổ sách vui mừng thấy các hàng tướng, quan lại và dân chúng mới về hàng rất đông, bèn sai Cai Điện mang bạc và lụa ra ban thưởng để an ủi tình cảm của những người mới về hàng. Lại mật truyền cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ:

- Mọi việc trong miền Nam do ta xếp đặt nhưng ở ngoài cõi thì ủy cả cho hai ông điều khiển, sớm thu phục Trung đô để hiển rạng danh tiếng, thỏa ước nguyện của ta.

Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong vái vọng vâng lệnh. Rồi đó tiết chế Thuận Nghĩa vào trong trướng triệu các tướng đến họp bàn.

Bỗng có người dân ở xã ấy tên Diễm Lộc đến cửa quân xin hàng. Diễm Lộc trình rằng:

- Khi ở kinh đô, tôi có nghe chuyện chúa Thanh Đô biết tin Hàn Tiến để thua quân mất đất bèn sai thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng làm nguyên súy, Lại bộ tả thị làn Văn Trạc bá[343] làm tham mưu đem hai vạn quân vào chiếm lại Dinh Cầu. Lại sai nội giám là đô đốc đồng tri Lũng quận công Vũ Văn Thiêm đem năm mươi chiến thuyền vào đóng giữ ở cửa biển Kỳ La để ngăn chặn quân nam. Tôi được biết có vậy xin kính trình quý tướng.

[343] Tên tước của Nguyễn Văn Trạc, trong sách này cũng gọi là quận Trạc.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong bảo các tướng rằng:

- Quân địch như thế, ta phải chia quân dàn trận đợi sẵn để khi bọn chúng kéo tới là tung quân đánh gấp, chỉ một trận có thể bắt sống được tướng giặc.

Đốc chiến Chiêu Vũ nói:

- Đó là phép đoạt chiến của quân giặc. Nhưng nay tình thế quân giặc đã khó tranh thắng với ta. Binh pháp nói: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Phép dùng binh cốt yếu ở việc trù tính nơi màn trướng. Huống hồ nay quân giặc đông gấp bội quân ta. Lấy ít đánh nhiều tất là khó thắng, chẳng bằng lập kế mà đoạt lấy thì sẽ thành công.

Tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Đốc chiến có kế sách gì hay?

- Nay quân ta hãy tạm lui về phía nam đóng quân ở mạn Thanh Hà, làm ra cách yếu kém. Rồi đó bí mật sai một viên dũng tướng dẫn quân bộ và voi mai phục ở Lũng Bông. Lại sai một tướng dẫn thủy quân đợi sẵn ở Cửa Ròn. Quận Khê nếu đem quân tiến thẳng vào Dinh Cầu sẽ thấy quân ta đã rút về phía nam, ắt sẽ kiêu căng khoe mẽ, cho là quân ta khiếp sợ. Như thế quân chúng sẽ cậy mình là hùng dũng mà không chú ý đề phòng. Ta sẽ thừa dịp quân Trịnh trễ nải bất ngờ phát binh tiến ra đánh úp bắt sống quận Khê. Ở phía ngoài, quận Lũng đóng quân ở cửa biển Kỳ La, nghe tin quận Khê bại trận ắt phải tháo chạy. Thủy quân của ta thừa thế đuổi theo mà đánh, tất sẽ giành được toàn thắng. Đó là kế một việc lợi cả đôi bề.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong rất mừng nói:

- Đó thật là diệu kế! Ta sẽ xuống mật lệnh cho các tướng thi hành.

Nói đoạn tiết chế Thuận Nghĩa sai cai cơ Hùng Uy dẫn ba nghìn quân bộ, voi đực ba mươi thớt mai phục ở một nơi sâu trong Lũng Bông để đợi địch. Sai chưởng cơ Vân Long hầu lĩnh hai mươi chiến thuyền phục sẵn một nơi kín đáo của Cửa Ròn, hễ nghe hiệu lệnh là đánh gấp, không được để lỡ thời cơ. Đại quân rút về bên bờ sông Gianh, đóng đồn ở xã Thanh Hà sẵn sàng tiến đánh. Lại sai gián điệp là bọn Diễm lộc, Văn Hiền đi các nơi nghe ngóng tình hình bên phía quân nhà Trịnh hư thực ra sao để về triều tâu trình với Nam chúa, chuyện không có gì phải nói.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3