Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 14
HỒI THỨ MƯỜI BỐN
Mất Lạc Xuyên, Trịnh Trượng tháo chạy về Vinh
Từ Dinh Cầu, Chiêu Vũ tung người ra Bắc.
Lại nói chuyện tướng Trịnh là thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng đem quân tiến thẳng đến Dinh Cầu, thấy quân Nguyễn đã rút về địa giới phía Nam. Quận Khê nửa nghi nửa mừng, bèn cho triệu quận Lũng Vũ Văn Thiêm, tham mưu Văn Trạc cùng các tướng văn võ đến bàn định.
Khê quận công Trịnh Trượng hỏi các tướng:
- Chúa Nam sai các tướng Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ đem quân ra đánh tả phủ Hàn Tiến, đã lấy được Dinh Cầu và các nơi khác trong xứ. Không hiểu vì sao bọn họ lại bỏ đất mà trở về địa giới mi Nam, không để quân canh giữ, chưa rõ ý tứ ra sao? Hoặc bọn họ nghe tin ta đem đại quân vào đây đã bí mật đặt sẵn phục binh? Cũng có thể là bọn họ sợ quân ít không địch nổi, nên đã tính kế trốn trước? Binh pháp có các phép thực, hư, cũng khó định liệu. Các ông nên xét kĩ, đem hết tài lược thao, bàn tính xem nên định liệu việc binh như thế nào?
Tham mưu Lại bộ tả thị lang Văn Trạc nói:
- Trước đây tả phủ Hàn Tiến ngồi giữ Dinh Cầu nhiều phen khinh địch nên đã gây mối chiến tranh, trăm họ kinh hoàng, dân chúng sầu khổ để đến nỗi quân thua, thần chết. Nay chúa thượng sai nguyên súy đem quân vào thu phục Dinh Cầu, đại quân chưa đến mà quân Nam đã phải rút trước, chẳng phải bọn họ khiếp nhược đến thế đâu. Hơn nữa quân Nguyễn, về tướng võ có Thuận Nghĩa Nguyễn Hữu Tiến, tướng văn có Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật, đều là những viên tướng có trí dũng. Ba quân của bọn họ thừa thắng, nhuệ khí đang hăng. Nay đột nhiên bỏ Dinh Cầu, tôi e rằng bên trong tất có kế dụ địch. Huống hồ, nếu sai nguyên súy đóng giữ ở Dinh Cầu, tôi xét thấy có ba điều bất lợi. Về sau sợ khó tránh khỏi sự không hay như việc của tả phủ Hàn Tiến vừa rồi.
Quận Khê Trịnh Trượng cả kinh mà hỏi lại rằng:
- Thế nào gọi là ba điều bất lợi? Mong tham mưu nói rõ cho biết.
Văn Trạc đáp:
- Nay quân dân châu Bố Chính, và huyện Kỳ Hoa đã đầu hàng chúa Nam. Nếu quân ta tiến đánh thì dân Kỳ Hoa tất làm nội ứng. Quân ta trước mặt sau lưng đều gặp địch, nguyên súy làm sao chống cự được? Đó là một điều bất lợi. Huống chi ở Dinh Cầu hai đường thủy bộ cách xa nhau, không tiện tiếp ứng, khó dựa cậy vào nhau, giao chiến đã khó, tiến lui cũng không dễ. Đó là hai điều bất lợi. Địa thế Dinh Cầu chật hẹp, tiến lui không thuận tiện, nếu quân lính, voi ngựa của bên Nam thừa thế đánh thốc qua Đèo Ngang ruổi dài tiến thẳng đến đây thì quân ta lấy gì mà chế ngự? Đó là ba điều bất lợi vậy. Chi bằng ta nên lui về đóng quân ở xã Lạc Xuyên Hạ để đề phòng bất trắc. Đó là thượng sách. Hơn nữa, nơi đó phía trước có dòng sông rộng lớn, dễ việc chiến đấu, thủy bộ tiếp ứng cho nhau, dễ tùy cơ ứng biến. Đó là phép lớn của binh gia. Lời bàn nông cạn của tôi là thế. Mong nguyên súy xét định để khỏi trúng kế của quân Nam triều.
Thái bảo Khê quận công nghe Văn Trác nói xong suy nghĩ gật đầu:
- Tham mưu nói rất có lí.
Nói đoạn bèn hạ lệnh cho các tướng đem quân lui ra đóng trại ở xã Lạc Xuyên. Quận Khê lại cùng các tướng hội họp bàn mưu tính kế chặn giữ quân Nam.
Gián điệp Văn Hiền được tin tức như trên liền trở về báo cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ biết. Hai tướng nghe Văn Hiền báo tin, tức giận nói rằng:
- Tên nhãi nhép Văn Trạc làm sao mà biết được mưu kín của ta để khiến cho quận Khê lánh trốn?
Chiêu Vũ trong lòng vẫn còn nửa tin nửa ngờ, lại sai gián điệp đi dò xét lại, qua một tháng chưa thấy có tin tức gì. Đến tháng bảy, bỗng có người dân tên là Hòa Vũ, người ở xã Ủy Lan từ Thăng Long vào hàng kể lại đầu đuôi sự việc, khớp đúng như lời bọn Diễm Lộc, Văn Hiền đã nói. Hòa Vũ lại cho biết thêm rằng quận Khê đóng quân ở xã Lạc Xuyên Hạ hàng ngày sai khoảng năm, sáu trăm quân đi tuần tiễu từ Lạc Xuyên đến Dinh Cầu, sáng đi tối về để gây thanh thế. Bọn chúng đi sâu vào tận xã Sâm Đồn (?), đóng quân ở nhà dân, cướp đoạt thóc lúa hoa màu, trâu bò gà lợn đem về xã Lạc Xuyên Hạ phân phát cho quân sĩ còn ở Dinh Cầu thì không đóng quân.
Đốc chiến Chiêu Vũ bấy giờ mới tin thực, liền đến doanh của tiết chế Thuận Nghĩa, vào trong trướng để bàn xét việc ấy. Hai tướng bàn rằng: quận Khê vâng mệnh đóng giữ Dinh Cầu mà lại bỏ Bố Chính, Kỳ Hoa, lui về đóng đồn ở xã Lạc Xuyên Hạ, cướp bóc của cải của dân. Như thế thì một là quân hết lương thực ăn, hai là quân tướng không có ý chí chiến đấu. Trong khi bàn luận giữa hai ý kiến nêu đánh hay giữ, hai tướng mỗi người đền có ý riêng của mình.
Nhưng ở Nam triều chúa Hiền chưa biết nguyên do sự việc. Vì thế hai tướng lại viết chung một tờ khải sai người đem về Nam tâu trình. Người đưa thư chẳng mất bao ngày đã về đến nơi, vào triều tâu việc lên chúa Hiền. Khải văn viết:
“Vâng mệnh cầm quân đi đánh dẹp, bọn thần là Thuận Nghĩa và Chiêu Vũ kính cẩn dân tờ khải trình lên vương thượng ngự lãm:
Hiện nay quân Khê đem đại quân vào đóng giữ Dinh Cầu, ý muốn diễu võ dương oai, đã hơn một tháng chưa đánh chác trận nào, chỉ đóng đồn ở xã Lạc Xuyên Hạ, chia quân đi đóng giữ vài nơi, chứ không dám nhìn thẳng vào quân ta. Hằng ngày quân lính của chúng hiếp bóc cướp đoạt tài sản của dân. Như thế thì một là quân Trịnh mỏi mệt đói khát, hai là tướng ta khiếp nhược lạnh lòng. Nay thấy lòng người thì biết ý trời, sớm muộn quân Trịnh cũng phải rút về để giữ kế bảo toàn. Khi quân Trịnh rút về bọn thần sẽ phát binh đuổi theo đánh tập hậu, cuốn chiếu đuổi dài đến tận Trung đô để bắt họ Trịnh.
Xin chúa thượng gấp sai binh hùng tướng mạnh đem quân đi sau tiếp ứng, sai thủy quân đồn trú ở sông Gianh, thời thường cho bắn súng lớn, một là để tỏ thanh thế của quân ta, hai là để cho binh tướng họ Trịnh khiếp sợ. Hơn nữa bọn thần thấy rằng quân địch tuy đông nhưng không có chí khí chiến đấu, trí địch tuy rộng nhưng ít mưu kế dũng cảm. Ngày xưa Tào Tháo quân đông trăm vạn mà bị quân Đông Ngô đánh thua ở Xích Bích, Hách Chiêu quân chỉ ba nghìn mà chống được với Gia Cát[344]. Như thế quân nhiều hay ít không có gì đáng kể mà lo về đảng giặc đâu?
Bọn thần thấp mưu cạn trí, mong chúa thượng thần minh xét định. Bọn thần cúi đầu trăm lạy kính cẩn dâng tờ khải.”
[344] Nguyên văn viết: “… bại Đông Ngô dữ Xích Bích tam thiên do cự Gia Cát.” Chép như vậy là nhằm ở chữ “dữ”, đúng phải là chữ “ư” (… đánh bại quân Đông Ngô ở Xích Bích). Trước chữ “tam thiên” còn phải có hai chữ “Hách Chiêu” thì mới rõ nghĩa.
Hiền vương Nguyễn Phúc Tần xem xong khải văn cả mừng, bèn sai chức sự là Khiêm Lược đến xã Thanh Hà truyền mật lệnh cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ rằng:
- Mưu kế của các ông rất hay, chính hợp ý ta. Ông tiết chế nên cùng với các tướng bàn bạc để điều khiển quân số. Hễ quân Trịnh rút lui thì thừa cơ đánh gấp, không được chậm trễ, thẳng tiến đuổi dài, không cho quân địch kịp ngoái đầu lại. Ta sẽ đích thân đem đại quân đi sau tiếp ứng để thu phục Trung đô, bắt diệt họ Trịnh. Bọn quận Khê như nhọt mọc dưới mông, chớ để cho chúng ở lâu nơi đó. Phen này bên quân Trịnh tướng sĩ lìa lòng khó quay lại nữa.
Hai tướng Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ vái lạy lĩnh mệnh. Ngay ngày hôm ấy vào trong trướng triệu họp để cắt cử quân tướng: Chính đạo do trấn phủ Phù Dương làm chánh tiên phong, cai cơ Khuê Thắng làm hữu tiên phong, cai cơ Diên Lộc, Thịnh Hội làm tả hữu vệ trận. Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ chỉ huy quân trung đạo, chưởng cơ Triều Khang Lĩnh ba trăm thớt voi cùng với quân ở chính doanh đi sau tiếp ứng. Quân các đạo hễ nghe hiệu lệnh là xuất phát thẳng tiến đến đánh phá quân Trịnh của thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng ở Lạc Xuyên Hạ. Ở thượng đạo, hàng tướng Mậu Long[345] chỉ huy bốn đội quân của châu bắc Bố Chính tiến ở cánh bên tả, năm đội quân ở châu Quảng Bình do chưởng cơ Xuân Sơn, cai cơ Phù Tài và văn quan Cống Giác[346] chỉ huy tiến ở cánh bên hữu. Trấn thủ Đại Thắng đưa quân đi sau tiếp ứng, nghe lệnh là tiến phát đánh quân Trịnh ở xã Lạc Xuyên Thượng.
[345] Nguyên văn: “Trung nghĩa tướng”: tướng của bên địch sau về hàng đối phương thì được người của phe đối phương gọi là “Trung nghĩa tướng” (cốt để tránh gọi là “hàng tướng” là từ không hay).
[346] Xuân Sơn, Phù Tài và Cống Giác, DDNTLTB chú là: “Ba người đều không rõ họ.”
Cắt đặt quân tướng đã xong, tiết chế Thuận Nghĩa bảo các tướng rằng:
- Chúng ta ăn lộc hậu của vua thì phải báo ơn nặng của nước, các ông cần phải tuân theo vị thứ đã cắt đặt mà đánh phá quân địch, việc binh quý ở chỗ thần tốc, đuổi dài quận Khê, quận Địch, cuốn chiếu đánh thẳng đến Trung đô. Sử sách lưu danh chỉ ở ngày hôm nay, kẻ nào trái lệnh thì quân pháp khó dung tha, người lập được chiến công ắt được trọng thưởng.
Các tướng chắp tay vâng theo tướng lệnh của tiết chế, rồi ai nấy đều trở về bản trại, kiểm điểm khí giới, sẵn sàng nghe hiệu lệnh tiến phát. Tướng sĩ đều vui lòng hả dạ, xoa tay, bóp quyền, nghĩ đến việc đánh lấy Trung đô, bắt diệt họ Trịnh tựa như việc bắt cá trong chậu, bắt hổ dưới hầm, chẳng có sự gì khó khăn! Chợt có người dân ở xã Vĩnh Hinh đến trước quân doanh khóc lóc kể khổ với đốc chiến Chiêu Vũ rằng:
- Thái bảo Khê quận công là kẻ bạo ngược hung tàn, thả quân đi giết hại dân chúng, cướp bóc tài sản của lương dân đem về làm của riêng, vì thế dân chúng phải lánh vào rừng núi hoặc trốn tránh ngoài sông biển, cha ở Bắc, con ở Nam, vợ chồng lìa nhau, sầu khổ quá chừng. Hiện nay quân Trịnh vẫn còn đóng trong nhà dân, cúi mong chư vị tôn công sớm phát binh trời cứu vớt tính mệnh cho trăm họ. Được như thế là đức lớn của trời đất vậy.
Đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong xúc cảm thương tâm, cấp cho tiền lụa. Rồi đó Chiêu Vũ sai người đến trình để tiết chế Thuận Nghĩa biết việc người dân xã Vĩnh Hinh đến tố cáo quận Khê tàn bạo hại dân như thế. Đúng hắn là hạng sất phu lỗ mãng, xin tiết chế ngay ngày hôm nay truyền mật lệnh cho ba quân, người nhậm tăm, ngựa rọ mõm, đúng giờ Dậu thì lên đường, đến tảng sáng thẳng tiến tới Dinh Cầu đánh gấp vào trại giặc để cứu dân chúng khỏi cảnh lầm than, khiến cho quận Khê nghe tin mà bỏ chạy. Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong cả mừng, sai người đến phúc đáp với đốc chiến Chiêu Vũ, cứ theo đúng mưu kế đã định mà làm!
Rồi đó tiết chế Thuận Nghĩa truyền mật lệnh cho tướng chỉ huy các đạo biết đúng giờ Dậu ngày hôm theo thứ tự đã sắp xếp cho quân lên đường, thẳng tiến đến đánh phá trại quân của quận Khê, quận địch, bắt sống tướng giặc, giải nạp trước vương đình.
Các tướng tuân lệnh cho quân tiến phát.
Trước hết nói chuyện tướng tiên phong là bọn Phù Dương, Hùng Uy[347] đến Cửa Ròn thúc quân tiến đánh rất gấp. Quân Trịnh nghe tin hốt hoảng kinh sợ chạy ra xã Lạc Xuyên Hạ kêu cứu với quận Khê.
Khê quận công Trịnh Trượng nghe tin, chưa kịp điểm quân đã thấy quân Nguyễn ập đến bên ngoài doanh Lạc Xuyên. Quận Khê kinh hoàng bạt vía, xua quân tháo chạy không kịp ngoái đầu. Quân lính rối loạn tìm đường trốn tránh. Quân Nam đuổi theo đánh một trận lớn, thây chất ngổn ngang đầy đồng, máu trôi lênh láng ngòi rãnh. Quận Khê cưỡi voi dẫn quân bộ chạy vào núi sâu, tìm đường ra Cầu Hộ để trở về Vĩnh Dinh[348]. Quân Nguyễn phá tan doanh trại của quận Khê ở Lạc Xuyên.
[347] Hùng Uy hầu: tên tước của Trương Phúc Hùng (con của cai cơ Trương Phúc Phấn).
[348] Tức thị xã Vinh ngày nay.
Lại nói quân Nguyễn ở đường thượng đạo do trấn thủ Đại Thắng, chưởng cơ Xuân Sơn, cai cơ Phù Tài và hàng tướng Mậu Long nghe tin quân ở hạ đạo đã đánh tan quân quận Khê, liền ruổi quân thẳng tiến đánh phá các trại quân Trịnh của quận Tài, quận Địch, Nghĩa Lâm, Hào Sách. Bấy giờ bọn quận Tài nghe tin quận Khê Trịnh Trượng bỏ trại chạy trốn không dám ngoái đầu nhìn lại. Cùng lúc ấy ở thượng đạo, quân của Mậu Long Phậm Tất Toàn đang ruổi gấp tiến đến. Bọn quận Tài, quận Địch, Nghĩa Lâm, Hào Sách vội đem quân chạy gấp về Vĩnh Dinh, voi ngựa, đạn dược, khí giới vứt bỏ đầy đường. Quân dân các nơi cả ở thượng đạo và hạ đạo thu nhặt được nhiều không kể xiết.
Quân Nguyễn tiến đến hội binh ở xã Lạc Xuyên Hạ. Đến giờ Thân, tiết chế Thuận Nghĩa sai cai cơ Phù Tài, Phù Lâm, Triều Nghĩa cùng với đốc chiến Chiêu Vũ dẫn quân thẳng đến cửa Kỳ La[349] tiến đánh quân thủy của quận Lũng Vũ Văn Thiêm. Quân hai bên giao chiến, đánh lớn một hồi lâu. Quận Lũng cả bại, vội cho chiến thuyền chạy
[349] Tức cửa Nhượng Ban ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Nghệ Tĩnh.
Tiết chế Thuận Nghĩa sai đánh chiêng thu quân về doanh trại, gọi các tướng đến hội họp để xét định chiến công. Một mặt sai người về triều báo tin thắng trận, một mặt chia quân đóng trại ở xã Lạc Xuyên để đề phòng quân Trịnh đánh trở lại.
Người đương thời có thơ bình tán rằng:
Cờ xí tung bay sát khí tỏa,
Oai phong gắt gắt bước nhanh qua.
Hùng như sấm sét kinh cáo thỏ,
Dũng tựa cuồng phong khiếp quạ già.
Nức tiếng anh hùng bao tướng giỏi,
Tướng hùm rắp rắp giáng binh gia.
Càn khôn nắm vững như tay ngửa,
Vần chuyển cơ màu thật khó ra!
Lại nói Khê quận công Trịnh Trượng chạy về Vĩnh Dinh, điểm soát quân số thấy mất đến quá nửa, lòng dạ hết sức buồn rầu. Chợt nghe tin thủy quân của quận Lũng Văn Thiêm thua to phải chạy về. Hai tướng gặp mặt ôm nhau khóc, nói rằng: “Bọn ta vâng mệnh triều đình đi chặn quân Nam, không ngờ bị quân Nam đánh cho tan tác, tổn tướng hao binh, nhục hết chỗ nói, liệu còn mặt mũi nào trông thấy triều đình?” Nói xong lại khóc. Tham mưu Văn Trạc nói:
- Hai vị tướng quân khóc lóc như thế để đánh thắng quân Nam chăng? Thắng bại là sự thường của binh gia, cớ sao lại dở thói đàn bà như thế? Chi bằng hai ông hãy lo thu tập binh mã để chống cự, sai người về tâu với triều đình xin sai quân vào cứu viện để rửa nhục phục thù. Khóc với nhau nào có ích gì đâu?
Quận Khê nghe đoạn thở dài than vãn, bảo Văn Trạc rằng:
- Bọn ta làm quan to ở triều, nay thống lĩnh hùng binh đi diệt trừ nghịch tặc để cứu sinh dân. Chẳng may bị quân Nam đánh bại, nhục nhã quá lắm, còn mong sống làm chi? Chi bằng chỉ một cái chết là xong!
Văn Trạc nói:
- Nguyên súy nói như thế là phụ tấm lòng ủy nhiệm của triều đình, không phải chí khí bậc anh hùng.
Quận Khê nghe lời Văn Trạc, bèn viết biểu văn đưa về triều xin Thanh vương Trịnh Tráng cho quân vào cứu viện. Trịnh Tráng xem biểu văn mới hay quân Khê thua trận, bèn triệu các quan văn võ vào triều bàn định. Đương quận công[350]
- Quận Khê là hạng vũ dũng vô mưu nên mới bị thất bại. Thần xin được lĩnh quân ruổi dài thẳng tiến, bắt sống bọn Thuận, Chiêu hiến nạp dưới cờ để thỏa chí khí anh hùng!
Thanh vương Trịnh Tráng cả mừng, bèn sai tả đô đốc Đương quận công Đào Quang Nhiêu làm nguyên súy, cùng với Lại quận công và đô thự vệ Tường Trung lĩnh một vạn năm nghìn quân vào đóng đồn ở xã Minh Lương, huyện Thiên Lộc[351]; nội giám quận Hằng, quận Hán và thự vệ Ninh Lộc dẫn một vạn quân vào đóng đồn ở núi Bình Lãng. Lại sai đô đốc đồng tri Lũng quận, công Vũ Văn Thiêm đem đội quân thủy gồm ba mươi chiến thuyền tiến vào sông Khu Độc[352] để làm thế ỷ dốc. Sức cho các huyện gọi hương binh đến trú đóng để tự giữ bản huyện.
[350] Tên tước của đô đốc Đào Quang Nhiêu.
[351] Nay là huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh.
[352] Tên con sông ở hữu ngạn sông Lam, dưới chân núi Hồng Lĩnh.
Các tướng lĩnh mệnh đem quân lên đường, chẳng mất mấy ngày các đội quân đã đến huyện Thiên Lộc. Các tướng hội họp định mưu kế đánh phá quân Nam, chuyện không phải nói đến.
Lại nói gián điệp của Nam triều là Văn Tường thăm dò được tin tức ở kinh đô Thăng Long, đến tháng chạp trở về dinh Lạc Xuyên trình với tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ về việc Thanh vương Trịnh Tráng sai quận Đương, quận Lũng đem quân vào đánh báo thù. Hai tướng nghe xong bèn triệu tập các tướng để vạch định mưu kế. Chợt có quân do thám về báo tin bọn quận Đương, quận Lũng tc giận dân chúng huyện Kỳ Hoa quy hàng chúa Nam, đã sai hai tướng là thự vệ Ninh Lộc và Tường Trung đem hương binh hai huyện Thanh Hà, Thiên Lộc vào bắt dân huyện Kỳ Hoa cả già trẻ, đàn ông, đàn bà đem về kinh đô xử tội. Tiết chế Thuận Nghĩa được tin báo cả giận nói rằng:
- Bọn quận Đương giết hại lương dân, phải quét diệt cho hết!
Bèn xuống lệnh cho các tướng cùng hội ở chợ Vân Cát[353] chia binh đặt quân mai phục để bắt bọn Tường Trung, Ninh Lộc. Sai cai cơ Lưu Diên làm chánh tiên phong, cai cơ Thiêm Vinh[354] làm tiên phong, cai cơ Hùng Uy làm tả hữu vệ trận trước sau tiếp ứng với nhau. Các tướng tuân lệnh đem quân tiến ra huyện Thạch Hà.
[353] Vân Cát: tên xã thuộc huyện Thạch Hà (Nghệ Tĩnh).
[354] Lưu Diên và Thiên Vinh, có lẽ chỉ là tên thường gọi. ĐNTLTB chú giải là Lưu Diên và Thiêm Vinh hai người không rõ họ.”
Lại nói chuyện tướng tiên phong Lưu Diên đang đưa quân đi đường thì gặp ngay quân Trịnh do thự vệ Ninh Lộc chỉ huy. Lưu Diên liền tung quân đánh gấp. Ninh Lộc cả bại, dẫn quân chạy ra xã Quảng Khuyến. Lưu Diên xua quân đuổi theo rất gấp, bắt được một con voi đực cùng nhiều khí giới súng đạn. Thự vệ Ninh Lộc bỏ chạy vào núi Hương Tích[355]. Thấy Lưu Diên ít quân, lại không có tiếp ứng, thự vệ Ninh Lộc tức giận đem quân cung nỏ quay lại đánh. Lưu Diên ít quân không địch nổi phải chạy về Cầu Nghèn[356]. Ninh Lộc đoạt lại được con voi và những thứ khí giới đã mất, lấy làm đắc chí, đem quân về, không để ý phòng bị. Đi đến xã Quảng Khuyến, bất ngờ gặp phục binh của quân Nam do Chưởng cơ Thiêm Vinh chỉ huy. Đợi cho quân của Ninh Lộc đi qua được quá nửa, Thiêm Vinh hô quân xông ra, thế như sấm sét, bịt tai không kịp. Quân Ninh Lộc kinh hoàng bạt vía tìm đường tháo chạy. Thự vệ Ninh Lộc vứt giáp, giả làm tên lính thường chạy trốn về Vĩnh Dinh.
[355] Tên một ngọn núi chính trong dãy Hồng Lĩnh, ngăn cách hai huyên Nghi Xuân và Thiên Lộc (nay là Can Lộc). Trận chiến nói ở đây ở vị trí bãi núi dưới chân ngọn Hương Tích, thuộc xã Minh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh.
[356] Cầu bắc qua sông Nghèn ở xã Trảo Nha, huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, Nghệ Tĩnh).
Ninh Lộc thở dốc chưa kịp lại hơi thì thự vệ Tường Trung nghe tin đã vội bỏ chạy trước. Quân Thiêm Vinh đuổi theo lại bắt được voi và khí giới của quân Trịnh, đem về trước trướng nộp cho tiết chế Thuận Nghĩa để bảo công đầu. Tiết chế Thuận Nghĩa để báo công đầu. Tiết chế Thuận Nghĩa trọng thưởng cho Thiêm Vinh, sai mở tiệc chúc mừng thắng trận. Rồi đó Thuận Nghĩa truyền lệnh các tướng đem quân lui về đóng trại ở Dinh Cầu, cho quân ăn nghỉ để lấy sức tăng thêm nhuệ khí, bàn mưu định kế đánh lấy Trung đô.
Các tướng vâng lệnh rút quân về Dinh Cầu, chia doanh đóng trại nghỉ ngơi. Bấy giờ bên quân Trịnh, quận Đương, quận Lũng nghe tin thự vệ Ninh Lộc, Tường Trung thua trân, ai nấy cả kinh. Quận Đương nói:
- Người ta bảo tướng Nam nhiều mưu lắm kế, dũng lược anh hùng, ba quân nhuệ khí hùng tráng, tướng sĩ đồng lòng, quả nhiên không phải là nói ngoa. Ta nếu muốn tranh hơn thua với họ thì tất bị đánh bại, chẳng bẳng chia quân giữ để xem thời cơ chuyển biến thế nào. Rồi nhân lúc quân Nam trễ nải mà phát binh tiến đánh thì sẽ được vẹn toàn. Đó là thượng sách.
Quận Lũng Vũ Văn Thiêm nói:
- Lời nguyên súy nói rất phải.
Bèn truyền lệnh cho các đạo chia quân đi đắp lũy làm kế tự giữ. Đôi bên cầm cự trong mấy tháng, cho quân nghỉ ngơi, không bên nào đánh trước.
Nói tiếp chuyện tướng Nam triều là đốc chiến Chiêu Vũ, một hôm nghĩ được một kế, bèn sai gián điệp là bọn Văn Tường, Nho Hoàng và Khoái Đức mang theo vàng bạc và các tờ hiểu dụ theo đường bí mật ra bốn trấn ở Đàng Ngoài làm thuyết khách chiêu dụ hào kiệt cùng hợp sức đánh họ Trịnh.
Bọn Văn Tường ba người vâng lệnh lên đường, lén đến miền Khoái Châu, xứ Sơn Nam[357]. Các tướng bên Trịnh nghe lời khuyên dụ của Văn Tường đều hết lòng hướng phục, hẹn sẽ dấy quân ứng nghĩa. Ba người cả mừng nói:
- Bọn chúng tôi phải chia đường đi ngay, không thể chậm trễ.
[357] Khoái Châu là tên phủ thuộc xứ Sơn Nam đời Lê, gồm các huyện Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Ân Thi, tỉnh Hưng Yên cũ (nay thuộc Hải Hưng).
Rồi đó Khoái Đức đi Cao Bằng, vào yết kiến Thịnh vương và các danh tướng của nhà Mạc. Khoái Đức thưa rằng:
- Chúa xứ Nam là bậc nhân từ lượng cả tiếng đức lan xa bốn phương. Họ Trịnh gian xảo hung tàn, hại dân mọt nước. Chúa Nam triều chúng tôi có ý muốn kết giao với quý vương để phù giúp cho vua Lê, vì thế đặc cách sai tôi đến đây báo tin, xin tôn vương sớm sai binh hùng tớng mạnh tiến đánh để chia bớt thế lực họ Trịnh. Ấy là cách hai trấn chúng ta[358] cùng nhau hòa hiếu vậy. Kính mong vương thương lưu ý định đoạt.
[358] Chỉ chính quyền họ Mạc ở trấn Cao Bằng và chính quyền họ Nguyễn ở trấn Thuận Hóa.
Vua Thịnh Đức nhà Mạc[359] cả mừng nói:
- Ta vẫn muốn cất quân diệt họ Trịnh để báo thù trước, nhưng vì thế cô, lực mọn chưa hành động được. Nay được tin của Nam chúa lẽ nào lại không theo! Chỉ mong quân Nam đánh sang phía bắc sông Lam[360], ta sẽ đem quân đánh xuống. Trong đánh ra, ngoài đánh vào, họ Trịnh tất bị diệt. Ông trở về nói với Nam chúa cứ thế làm gấp đi, không nên để lỡ dịp.
[359] Nhà Mạc vào khoảng thời gian này, ngoài Mạc Kính Vũ lấy niên hiệu Thuận Đức (1638-1677) còn có một số người khác cũng xưng vương. Theo ĐNTLTB thì năm này (1655) người của Nguyễn đến Cao Bằng liên lạc với Mạc Kính Hoàn. Như vậy có lẽ Thịnh Đức là niên hiệu của Mạc Kính Hoàn.
[360] Nguyên văn chữ Hán là “Đàm giang”.
Khoái Đức vái chào ra về.
Lại nói chuyện Văn Tường sang Hải Dương tìm đến phủ dinh yết kiến Phấn quận công. Văn Tường nói:
- Hai quan tiết chế và đốc chiến của Nam triều nghe đại danh tướng quân lừng lẫy, nghĩ rằng họ Trịnh phải trọng dụng tướng quân như cánh tay phải, hàng ngày cùng ở chốn miếu đường trù hoạch việc đại sự quốc gia. Vì vậy các quan chúng tôi ngày đêm thiết tha mong được gặp mặt tướng quân để cùng nhau đàm đạo. Không ngờ họ Trịnh lại đặt tướng quân ở một góc cõi đông. Thế là châu ngọc mà lấy gạch đá, thật chẳng hiểu thế nào?
Quận Phấn tức giận nói:
- Họ Trịnh ỷ thế quyền binh, lăng nhục miệt thị vua Lê, tàn hại dân chúng, trăm họ phần nhiều oán phản. Ta nghe nói Nam chúa là bậc anh hùng cái thế, kiến thức độ lượng hơn người, kẻ hiền tài trong thiên hạ đều có lòng quy thuận, dân chúng ngưỡng mộ ơn đức. Lại nghe nói hai quan tiết chế và đốc chiến đều là những viên tướng trí dũng kiêm toàn, ơn uy đều sáng. Ta vẫn muốn quy thuận từ lâu. Nhưng giận vì đường sá không thông, đành phải ngồi đợi thời cơ để mưu đồ đại sự. Nay mừng gặp ông đến đây, cũng là dịp để chim hồng cất cánh.
Văn Tường nói:
- Tướng quân thật có lòng như thế thì xin báo tin cho các bậc danh tướng hào kiệt trong bản xứ, rồi lên đường vào quân doanh của tiết chế để hiệu dụng. Hoặc cứ ở tại chỗ chiêu tập nghĩa sĩ, đợi đại quân tiến đến thì nhân thời cơ mà hành động để diệt trừ họ Trịnh, khuông phù nhà Lê, công lao cũng không phải nhỏ.
Quận Phấn nghe nói mừng thầm. Văn Tường lại nói:
- Các khoản thuế má trong bản xứ thì nên khất lần để cho dân chở nạp về kinh đô. Đó cũng là một kế để tuyệt lương của họ Trịnh, không đánh mà phá được.
Quận Phấn mừng nói:
Bản tâm tôi cũng nghĩ như thế. Ông mau trở về trình với hai vị trưởng quan tiết chế và đốc chiến sớm cất quân vượt sông Lam ruổi dài thẳng tiến. Tôi sẽ dấy binh tiến đánh, khiến cho họ Trịnh trước mặt sau lưng đều gặp địch thì có thể bắt sống được.
Văn Tường vái tạ ra khỏi quân doanh lên đường về Nghệ An.
Lại nói chuyện Nho Hoàng đi lên Sơn Tây, giữa đường gặp kí lục Hồ, cùng vào nghỉ ngơi ở nhà trạm. Hai người chào hỏi nhau xong, Nho Hoàng nói với kí lục Hồ:
- Quan đốc chiến Chiêu Vũ hầu gửi lời chào quý quan, không rõ quý quan còn nhớ lời trò chuyện năm ngoái hay không? Nay quân Nam đã chiếm giữ các huyện phía nam sông Lam, chia quân đóng đồn các nơi, rất mong được cùng quý quan gặp mặt, cùng nhau chuyện trò, ngõ hầu cạn lời tim phổi.
Kí lục Hồ nghe nói cả mừng, bảo Nho Hoàng:
- Chủ ý của tôi từ lâu đã mong muốn như thế. Chẳng hay hiện nay ý định của quý quan đốc chiến ra sao?
Nho Hoàng đáp:
- Đốc chiến chúng tôi muốn quý quan đi thuyết phục những người thức thời trong địa hạt Sơn Tây để họ sớm dấy nghĩa binh trong vùng, cùng đồng tâm hiệp lực để dẹp trừ bè đảng họ Trịnh, cùng chung hưởng thái bình.
Kí lục Hồ nói:
- Xin tuân mệnh lệnh.
Nói đoạn bèn viết mật thư giao cho Nho Hoàng đem về trình với tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ. Kí lục Hồ lại bảo Nho Hoàng rằng:
- Ông về trình lại để hai vị tướng quân biết rõ: hiện nay chúa Trịnh trên đè lấn vua Lê, dưới lăng nhục uy hiếp sĩ phu, người người đều căm giận. Mong quan tiết chế và đốc chiến sớm đem hùng binh vượt tiến ra Bắc. Tôi sẽ chiêu dụ hào kiệt bốn phương, quân dân cùng nổi dậy bắt nghịch đảng, trước là để sáng tỏ ngôi vị của nhà Lê, sau là để kẻ anh hùng rạng mặt. Đó là ý nguyện bình sinh của tôi.
Nho Hoàng vái tạ nhận thư, lên đường trở về Nam.
Đúng là:
Một sứ dụ hàng khua tấc lưỡi,
Bốn phương nổi dậy múa binh đao.