Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 15 - Phần 2

Thanh vương Trịnh Tráng biết tin, cả giận, bảo triều thần rằng:

-Quận Đương là kẻ sất phu khoe môi múa mép. Nay bị quân Nam đánh bại, chết quân mất tướng, tội khó dung tha. Triều đình nghĩ nên xử thế nào?

Văn quan là đô đốc đồng tri thượng khanh Dự quận công bước ra nói rằng:

- Tội của quận Đương đã quá rõ. Nhưng xét lẽ thì được thua vốn sự thường. Ngày xưa Hán Cao Tổ bảy mươi hai lần bại, chỉ một lần thắng mà nên nghiệp vương. Hạng Vũ thắng luôn, nhưng chỉ một lần bại mà nước mất, thân chết. Xin chúa thượng gấp sai binh hùng tướng mạnh vào chống giữ quânNam để yên lòng dân, vẫn nên cho quận Đương có dịp để lập công chuộc tội. Như thế thì quận Đương được hàm ơn, dẫu gan óc bết đất cũng không dám quên ơn chúa.

Trịnh Tráng nghe lời quận Dự, cơn giận có nguôi phần nào, bèn hỏi các tướng:

- Trong các tướng ai dám đem quân vào chặn địch, bẻ bớt nhuệ khí của bọn chúng, để quân Nam khỏi lấn lướt coi thường quân ta?

Các tướng đều nói:

- Bọn thần thấy thái bảo Ninh quận công[373] là tướng tài dũng song toàn, nên được giao trọng quyền. Còn như người khác nếu không phải là chỗ thân thuộc của chúa thì không thể giao phó được.

[373] Ninh quận công: tên tước của Trịnh Tuyền (con thứ mười lăm của Thanh vương trịnh Tráng). ĐNTLTB chép là Trịnh Ninh, không chính xác, vì Ninh là tên tước chứ không phải tên thật.

Thanh vương Trịnh Tráng bèn phong cho thái bảo Ninh quận công Trịnh Tuyền[374] làm đại nguyên súy, đô đốc đồng tri thượng khanh Dự quận công[375] làm tham mưu, thống lĩnh bốn vạn quân thủy bộ tiến vào huyện Thạch Hà. Quân của chính doanh đóng trại ở xã Đan Chế[376],quân bộ đóng ở hai xã Thanh Bộc[377], Đại Nài[378], quân thủy đóng ở cửa Nam Giai và Đan Nhai[379] Thái bảo Ninh Quận công Trịnh Tuyền vâng lệnh đem quân tiến vào Thạch Hà. Đến Vĩnh Dinh, Trịnh Tuyền dừng quân đóng trại, sửa soạn để tiến đánh. Bọn quận Đương Đào Quang Nhiêu và quận Lũng Vũ Văn Thiêm đều đến trước trướng chịu tội. Thái bảo Ninh quận công nói:

- Lệnh của chúa tha tội cho hai ông để hai ông có dịp lập công. Hai ông phải gắng sức đồng lòng để báo thù trước, chuộc lỗi cũ.

[374] Chữ Tuyền đến đời Nguyễn vì kiêng húy đọc tránh là Toàn (đến nay vẫn quen đọc là Toàn). Toàn thư phiên là Trịnh Toàn cũng tức là người này.

[375] Viên quan văn làm đốc thị tương đương như tham mưu) cùng đi với Trịnh Tuyền trong cuộc hành quân cứu viện này, theo Toàn thư là Lê Đình Dự.

[376] Tên xã thuộc huyện Nghi Xuân, giáp giới với huyện La Sơn (Đức Thọ) và Thiên Lộc (Can Lộc).

[377] Thanh Bộc: tên xã thuộc huyện Thạch Hà, (sau gọi là Hương Bộc) gần thị xã Hà Tĩnh cũ.

[378] Đại Nài: tên xã phía bắc huyện Thạch Hà, gần Can Lộc.

[379] Nam Giai tức là Cửa Sót (nay thuộc huyện Thạch Hà); Cửa Đan Nhai tức Cửa Hội (nay thuộc huyện Nghi Lộc).

Hai tướng vui mừng lạy tạ trở về bản doanh luyện tập quân lính, sẵn sàng tiến đánh. Người đương thời có bài thơ Đường luật bình luận rằng:

Muôn thủa đua tranh đám bụi trần,

Đo lường danh lợi lnhọc vào thân.

Hoài nghi hiếu sự đều chuyện nhảm,

Lại ngỡ không tài được hưởng nhàn.

Trẻ đến già đi xưa nay vẫn,

Nhục vinh theo gót thật ngang phần.

Khuyên người hãy chớ khoe sắc nhọn,

Giấc mộng đầy vơi chẳng thật chân!

Lại nói tướng Nam triều là tiết chế Thuận Nghĩa thấy quân Bắc lặng lẽ tiến nhưng chưa thấy giao chiến, chỉ chia quân đóng giữ làm kế lâu dài.Tháng ba, ngày hai mươi ba, tiết chế Thuận Nghĩa cho người mời đốc chiến Chiêu Vũ đến bàn bạc. Chiêu Vũ nói:

- Quân Bắc liên tiếp bị thua, không dám chiến đấu, Trịnh Tráng tất thêm quân cố, chờ bên ta lâu ngày mỏi mệt, hết lương ăn mới tung quân ra đánh. Ấy là kế “dĩ dật đãi lao” (lấy nhàn đánh mệt). Tôi đã nghĩ một kế an toàn không phải lo ngại, có thể bắt sống Trịnh Tráng như lấy vật trong túi.

Trong khi hai tướng đang bàn bạc bỗng có quân hầu vào báo tin: kí lục Hồ ở Sơn Tây sai Cống Ban theo đường bí mật tìm vào, hiện đang đợi trước quân doanh xin được yết kiến chủ tướng. Hai tướng vội xuống dưới thềm tiếp đón Cống Ban, mời vào trong trướng.

Chủ khách yên tọa đã xong, tiết chế Thuận Ngllĩa nói:

- Tiên sinh đường xa vào đây chắc có tin vui mừng?

Cống Ban đáp:

- Trước đây quy quan có mật truyền cho kí lục Hồ đi chiêu dụ các nơi, giao kết với anh hùng hùng kiệt bốn trấn ở Đàng Ngoài, hẹn cùng dấy binh đánh họ Trịnh, hướng về với Nam chúa. Kí lục Hồ vâng lệnh đi khắp trong bốn trấn để làm công việc đó. Ai nấy đều vui lòng nghe theo, hiện đã sẵn sàng, đợi quân Nam tiến ra thì đồng loạt hưởng ứng, trước sau cùng đánh họ Trịnh, giành phần thắng vẹn toàn. Ý nguyện của mọi người là như thế. Nhưng mới đây Thịnh Đức vương nhà Mạc ở Cao Bằng đã sai tám viên đại tướng đem quân tiến đánh Trung đô. Khi quân Mạc đến Đoàn thành (Lạng Sơn) thì Thanh vương Trịnh Tráng sai thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng, Hộ khoa đô cấp sự trung Hưng Tạo tử[380] cầm đầu mười hai viên quận công đem một vạn hùng binh tiến đánh Cao Bằng. Quân của quận Khê bị quân Cao Bằng đánh gấp. Quận Khê thua to phải chạy về sông Thương. Quân Cao Bằng đóng giữ ở Đoàn thành, đợi quânNam tiến ra thì kéo thẳng xuống đánh phá kinh đô để bắt sống cha con Thanh vương, Tây Định[381] hiến nạp cho Nam chúa để làm lễ vật tiến kiến.

[380] Tên tước của Phan Hưng Tạo, sau được thăng tước là Thọ Lĩnh Bá.

[381] Tây Định: tức Tây Định vương Trịnh Tạc, con thứ tư của Trịnh Tráng, được phong tước năm 1652 và nối ngôi chúa năm 1657.

Cống Ban nói đoạn lấy bức thư của kí lục Hồ trình lên. Hai tướng tiếp thư, cùng mở ra xem:

“Ngu sĩ xứ Sơn Tây là kí lục Hồ kính vái trình bức thư đến dưới cờ của quý tướng:

Trộm nghe người xưa có câu: Trời sinh hào kiệt tất sẽ giúp cho thành nghiệp lớn. Nay quý tướng mượn được tài hùng của trời, gồm được vũ lược của đời, tướng văn, tướng võ hòa diệu với nhau, quân lính một lòng, li gián không nghe, gièm pha không động, quả là bậc anh hùng cái thế đời nay. Ngu tôi nghe thanh danh quý tướng mà khôn xiết vui mừng, xin cùng quý tướng kết làm chỗ chi thân khác họ. Cùng góp sức vì đại nghĩa, tình thân ái đã thành, công lao ắt có, không dám nói nhiều. Mong sao quý tướng theo gương Hán Cao Tổ mở đại lượng nghe theo sáu kế của Trần Bình: một là thi hành kế li gián để làm nghi lâm quân địch; hai là giao kết rộng để hoàn thành mưu kế; ba là thu gồm hào kiệt để cùng hưởng thành công. Làm như thế nghiệp lớn ắt thành, dễ như trở bàn tay. Thời đã đến, thế đã kề, vận hội vừa ứng hợp.

Mong quý tướng chớ nên nghi ngại. Kính thư.”

Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ xem xong cả mừng, hỏi Cống Ban rằng:

- Bắc trấn đã dấy binh như thế[382] còn ba trấn khác ra sao?

[382] Bắc trấn: chỉ trấn Đông Bắc do nhà Mạc chiếm giữ.

Cống Ban đáp:

- Ba trấn khác cũng đồng lòng hướng phục.

Trong khi đang bàn luận, bỗng có viên do thám tên là Văn Dụ ra ba trấn ngoài Bắc trở về xin vào yết kiến.

Hai tướng hỏi:

- Ba trấn ngoài ấy động tĩnh ra sao?

Văn Dụ đáp:

- Ở Đông trấn[383] có quận Phấn đã mật truyền cho các nơi trong bản xứ đoạt giữ các thứthuế không giao nộp. Hai trấn Tây và Nam[384] đều đã sửa soạn dấy binh, đợi quân ta vượt sông Lam tiến ra sẽ đưa binh mạnh tiến theo sau tiếp ứng bảo vệ quân ta[385].

[383] Đông trấn: tức trấn Hải Đông (nay là Hải Dương và một phần Hải Phòng).

[384] Tức hai trấn Sơn Tây và Sơn Nam.

[385] ĐNTLTB cũng có chép việc Văn Dụ vào gặp Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật: Bấy giờ lại có người ở Hải Dương là Văn Dụ, (không rõ họ) đến nói rằng: “Hào kiệt ở Hải Dương cũng cùng nổi dậy với hào kiệt ởSơn Tây, Sơn Nam, đợi quân chúa (Nguyễn) sang sông Lam sẽ tiếp ứng.”

Hai tướng nghe báo tin cả mừng, bèn trọng thưởng cho Văn Dụ và mời các tướng cùng vào gặp gỡ, sai dọn tiệc khoản đãi Cống Ban. Yến tiệc xong, Cống Ban từ biệt ra về. Hai tướng muốn lưu lại khoản đãi vài ngày nữa, nhưng Cống Ban nói:

- Sau này công thành, ngàn năm chung hưởng, hà tất phải ở thêm mấy ngày!

Hai tướng nghe nói thế cũng không nài ép, bèn tiễn chân Cống Ban lên đường, bảo rằng:

- Tiên sinh về chuyến này, bọn chúng tôi gửi lời chào kí lục Hồ, mong tiên sinh nói lại rằng, tuy xa cách ngàn dặm nhưng cũng như đã gặp mặt đàm luận với nhau. Xin cứ nhớ lời nói trước là may mắn lắm. Đó là tình bạn của người quân tử.

Cống Ban vái tạ lên đường trở về trấn Sơn Tây.

Hai tướng nhận được tin tớc các nơi, vui mừng khôn xiết bèn truyền lệnh cho các đạo luyện tập quân sĩ, sửa soạn ghe thuyền chuẩn bị tiến quân.

Thượng tuần tháng năm, có người quê ở Thanh Hóa là Triều Nham từ kinh đô Thăng Long vào hàng. Triều Nham trình với tiết chế Thuận Nghĩa rằng:

- Dạo trước Thanh vương Trịnh Tráng nghe tin báo bọn quận Đương, quận Lũng thua trận ở núi Hằng Lãng, bèn triệu các tướng vào bàn xét. Rồi đó sai thái bảo Ninh quận công thống lĩnh bốn vạn quân thủy bộ vào đồn trú ở huyện Thạch Hà. Quân bộ thì đóng ở các xã Thanh Bộc, Đại Nài, qnân thủy đóng ở Cửa Sót, Cửa Hội; chia quân đóng giữ làm thế ỷ dốc để ngăn chặn quân Nam.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong, sai người đi mời đốc chiến Chiêu Vũ. Chiêu Vũ đến doanh tiết chế, vào trong trướng cùng ngồi bàn việc. Chiêu Vũ nói:

- Trước hết, nên sai người đem khải văn về bẩm với vương đình, sau sẽ họp các tướng để chia quân phá địch.

Hai tướng bèn soạn thảo khải văn, rồi sai tùy tùng là Văn Trí ngày đêm đi gấp đem về tâu trình. Rồi đó tiết chế Thuận Nghĩa triệu các tướng đến hội ở xã Na Khố[386], chia đặt các cánh quân theo thứ tự trước sau.

[386] Na Khố: tên xã thuộc huyện Cẩm Xuyên.

Về quân bộ thì chính đạo do trấn thủ Phù Dương làm khám chiến[387], Phú Nhan làm tiên phong; tiết chế Thuận Nghĩa cầm quân ởchính đội; trấn thủ Đại Thắng đem quân đi tiếp ứng, hẹn giờ Dần[388] ngày mồng mười tiến quân đến đầu xã Đại Nài đánh phá lũy thượng đạo của quận Đương. Quân hạ đạo do hai hàng tướng Đăng Doanh và Thọ Lộc làm tiên phong, hai tướng Phù Tài[389], Lưu Diên làm tả hữu vệ trận, Mậu Long chỉ huy đội trung quân, chưởng cơ Triêu Khang và thị chiến[390] Xuân Đài dàn quân chính doanh đi sau tiếp ứng, hẹn hội quân ở xã Thanh Bộc đánh phá lũy hạ đạo của quận Đương. Về quân thủy: cai cơ Hoằng Vinh dẫn mười lăm chiến thuyền làm tiên phong, trấn thủ Dương Trí và văn chức tên là Thuần[391]làm thị chiến dẫn hai mươi lăm chiến thuyền làm chính đội, sáng sớm ngày mười một tiến đến Cửa Sót tiến đánh thủy quân bên Trịnh do quận Xuân chỉ huy.

Đốc chiến Chiêu Vũ và thị chiến Cống Giác dẫn hai nghìn quân bộ và ba mươi thớt voi vào khoảng giờ Sửu[392] tiến đến núi Nam Giới đặt phục binh bắn vào thủy quân của quận Xuân, hộ vệ chiến thuyền của quân nhà tiến vào Cửa Sót. Tham tướng Vân Long dẫn ba mươi chiến thuyền đi tiên phong, trấn thủ Nghĩa Lâm làm thị chiến. Quảng Xuyên dẫn ba mươi chiến thuyền đi sau tiếp ứng, cùng tiến đánh vào Đan Nhai ở xã Hội Thống[393].

[387] Khám chiến: chưa rõ, có 1ẽ cũng làm chức tham mưu như đốc chiến song ở cấp bậc phối thuộc thấp hơn.

[388] Tức là khoảng từ 3 đến 5 giờ sáng.

[389] Bản sao chép là “Tiếp Tài”, có lẽ nhầm ở chữ “Tiếp”. Viên tướng Nguyễn có mặt cho đến trận này là Phù Tài. Chúng tôi đính chính lại.

[390] Thị chiến: có 1ẽ cũng 1à quan chức thuộc ngạch tham mưu như đốc chiến (xem chú thích ở trên).

[391] ĐNTLTB chép 1à Văn Thuần (không rõ họ) cũng tức là nói về người này.

[392] Khoảng 1 đến 3 giờ sáng.

[393] Bản sao chép là “Đan Nhai, Hội Thống nhị hải môn”, chắc chép nhầm. Đúng ra cửa Đan Nhai ở xã Hội Thống.

Chia quân đặt tướng đâu đó đã xong, tiết chế Thuận Nghĩa truyền cho các tướng tuân lệnh theo thứ tự tiến phát, ai trái lệnh sẽ xử lrị theo quân pháp. Các tướng đều tuân lệnh. Đến giờ Dần ngày mười một tháng năm các đạo quân chỉnh điểm binh mã tiến phát.

Chỉ thấy:

Binh uy lẫm liệt, gươm giáo sáng ngời.

Chiêng trống động trời xanh, cờ quạt che đất biếc.

Người người dũng tướng, ai nấy anh hùng.

Đồng lòng diệt địch, cùng một chí khí cướp cờ chém tướng[394].

Nói tiếp về quân thủy do trấn thủ Dương Trí chỉ huy, chập tối ngày mồng mười cho chiến thuyền tiến phát. Giờ Tuất[395] đốc chiến Chiêu Vũ đem quân bộ, voi ngựa đến xã Lạc Đạo ở núi Nam Giới đặt quân mai phục. Dân xã Lạc Đạo thấy vậy phi báo cho tướng Trịnh là quận Xuân[396] biết tin, Quận Xuân vội sai người đến trình với nguyên súy thái bảo Ninh quận công. Quận Ninh liền sai quận Lý[397] đem hai mươi chiến thuyền đến tiếp ứng cho quận Xuân để cắt đường không cho thủy quân bên Nguyễn tiến đến núi Nam Giới dựa vào mạn thuyền mà bắn vào cửa biển, và không để cho chiến thuyền của quân Nam cập bờ.

[394] Bản sao ở trước chữ “kì” (cờ) chép một chữ không thành chữ gì có dáng như chữ “củ”, đúng ra đây là chữ “đoạt” (đoạt kì là cướp cờ). Cướp cờ chém tướng là nhóm từ thường dùng trong việc mô tả chiến trận.

[395] Giờ Tuất: khoảag từ 7 đến 9 giờ tối.

[396] Quận Xuân chỉ huy thủy binh của quân Trịnh đóng ở Cửa Sót, trong trận này, ĐNTLTB chép tên là Xuân và chú là không rõ họ. Đoạn sau lại ghi một tướng khác: Lê Sĩ Hậu, Cương Mục chép đúng là Xuân quận công Lê Sĩ Hậu.

[397] ĐNTLTB chép “thuộc tướng của Trịnh ninh tên là Xuân (không rõ họ).”

Quận Lý được lệnh vội đem chiến thuyền đến tiếp ứng cho quận Xuân. Tướng bên Nam là đốc chiến Chiêu Vũ đứng ở núi Nam Giới trông thấy chiến thuyền của quận Lý đậu ở phía bờ đối diện, bèn hạ lệnh cho quân bắn mạnh. Quân hai bên đánh lớn mấy đợt chưa phân thắng bại. Bỗng thấy chuyến thuyền của trấn thủ Dương Trí dàn hàng ở phía ngoài cửa biển. Quận Xuân sai quân bắn tới ráo riết, chiến thuyền quân Nam không tiến vào bờ được. Đốc chiến Chiêu Vũ bèn chia quân đóng giữ các nơi bên bờ cửa biển, giương cờ làm hiệu, nhắm vào hội hình thuyền ngang[398] mà bắn liên tục trong suốt gần buổi sáng.

[398] Nguyên văn: “hoành thuyền”, chỉ chiến thuyền của quận Xuân Lê Sĩ Hậu bấy giờ dàn hàng ngang trên biển chặn đánh thuỷ quân của bên Nguyễn.

Trấn thủ Dương Trí ở ngoài biển nhìn vào bờ thấy cờ hiệu ngoài trắng giữa đỏ, biết là quân của đốc chiến Chiêu Vũ. Dương Trí quát vang một tiếng như sấm động rồi đốc thúc chiến thuyền tiến thốc lên. Quân thủy của Dương Trí bắn tới tấp vào thuyề địch. Quân Trịnh chết rất nhiều, thây rơi đầy sông Cửa Sót. Quân Trịnh thất thế, quận Lý, quận Xuân vội bỏ thuyền lên bờ chạy trốn.

Chiến thuyền của quân Nam tiến vào sông Cửa Sót, thế như rồng bay chớp giật. Quận Xuân trở tay không kịp, liền bị bắt sổng trước trận. Quân Nam thu được ba mươi sáu chiến thuyền cùng khí giới, quân lương nhiều không kể xiết.

Quận Lý một mình chạy trốn về Vĩnh Dinh cấp báo cho quận Ninh. Quận Ninh vội sai phò mã Trình đem bốn mươi chiến thuyền đến tiếp chiến. Thủy quân hai bắt gặp nhau đánh lớn, tiếng súng nổ vang như sấm dậy.

Bỗng có cơn gió nam bốc ngọn lửa lên cao, khói đen mù mịt trùm tỏa. Đoàn thuyền chiến của quân Trịnh như lạc vào giữa đêm đen, quân lính kinh sợ hoảng hốt bỏ thuyền chạy lên bộ. Quân không theo tướng, tướng chẳng đoái đến quân, mạnh ai nấy chạy, tìm đường lánh trốn.

Quân Nam thu được bảy mươi sáu chiến thuyền ở Cửa Sót. Phò mã Trình chạy về báo cho quận Ninh biết quânNam khí thế sắc mạnh, khó bề chống giữ. Quận Ninh nghe nói cả sợ, bên lui quân về chiếm giữ lũy Đò Điềm[399]. Đốc chiến Chiêu Vũ thúc quân tiến đến chia các mặt vây lũy, đánh vào rất gấp. Quận Ninh thất thế, trông ngóng không thấy có quân cứu ứng, lặng người suy nghĩ hồi lâu. Bấy giờ quận Ninh phải nhận rằng các tướng bên Nam lắm trí nhiều mưu, quân Nam tinh nhuệ cường tráng, còn bên quân nhà thì thế cô lực yếu, như một muôi nước khó dập tắt đám cháy nghìn xe. Chi bằng hãy sớm đầu hàng để mưu hậu kế. Nghĩ vậy, Ninh quận công Trịnh Tuyền muốn đem quân ra hàng. Gặp lúc nước thủy triều rút xuống, tướng chỉ huy quân bên Nam là trấn thủ Dương Trí phải đem chiến thuyền lui về đóng giữ ở Cửa Sót. Đốc chiến Chiêu Vũ thấy vậy cũng muốn rút quân về để hỗ trợ quân thủy. Bên quân Trịch có tên lính dò biết tình hình như vậy liền phi báo với thái bảo quận Ninh: “Bên Nam, quân thủy quân bộ đều đã lui về đóng trại ở Cửa Sót, không rõ họ dùng kế sách gì?”

[399] Nguyên văn chép là “Độ Điềm”, đọc theo âm Nôm là “Đò Điềm”. Cương mục (Q.32, 16a) chép là “Hoạt độ”, tức là chép nhầm chữ “Điềm” ra chữ “Hoạt” (hai chữ có nửa bên phải giống nhau) và chú: “Hoạt độ, tên bến đò, nay không rõ ở đâu.” CNDC chép “Đò Điềm” là chính xác, địa danh ấy đến nay vẫn còn, gọi là Đò Điềm hay Đò Điệm ở phía bắc huyện Thạch Hà, tỉnh Nghệ Tĩnh.

Quận Ninh nghe nói vậy cả mừng, không kịp gọi bảo quân sĩ vội bỏ cả đạn dược khí giới chạy về luỹ Đại Nài, cùng với quận Đương đóng quân chống giữ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3