Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 27 - Phần 2

Đến ngày hai mươi bảy, từ sáng sớm, tướng Bắc Hào quận công Lê Thì Hiến đặt súng ở đài Gò Mắm bắn gãy cầu Mũi Nại. Tướng bên Nam là cai cơ Thuận Trung đóng quân ở đài Mũi Thóc lệnh cho quân sĩ đánh sang. Bỗng đạn đại bác của quânNam bắn trúng làm tắc nòng súng của quân Bắc, quân của quận Hào không bắn trả được. Thế là quân Nam lại đi lại dễ dàng trên cầu phao Mũi Nại. Khoảng giữa buổi sáng quân Bắc chỉnh đốn chiến cụ, rồi cho ba nghìn quân cầm cuốc quai để đào chân thành, nghe tiếng súng lệnh nổ vang thì nhằm thành Trấn Ninh mà lao vào như cơn lốc cuốn lá rụng. Các tướng bên Nam trông thấy liền chia quân chặn đánh. Quân hai bên đánh lớn. Súng đạn cung nỏ cùng bắn tới tấp như mưa. Bấy giờ quân Bắc đào thành đều đã uống rượu cấp nồ, chẳng quản sống chết xông thẳng rào gai chông nhọn; rồi sa sức đào bới chân thành. Tường thành có nguy cơ bị sập đổ. Bấy giờ tướng Nam là cai cơ Tiến Đức và Đức Kiêm, tham mưu là kí lục Xuân Đài chia quân đi cứu ứng, thấy thế giặc đông mạnh quân mình không chống cự nổi, sợ hãi nghĩ. “Quân giặc hung hãn như vậy, quân ta khó thắng nổi. Chi bằng bỏ thành cùng quân các đạo chặn địch lui về chiếm đại lũy Mũi Nại để cùng quân các đạo chặc địch thì may ra mới chế ngự được.” Các tướng bàn luận xôn xao chưa quyết, có người cho là đuợc, có người bảo là không nên. Bọn Tiến Đức bèn sai người về trình với nguyên súy Hiệp Đức tình hình như thế.

Nguyến súy Hiệp Đức nghe nói cả kinh bèn sai Văn chức ở ty tướng thần lại là Văn Cảnh đến thành Trấn Ninh truyền cho các cai cơ Tiến Đức và Đức Kiêm cùng các tướng như thế… như thế… Lại sai Vũ Lược đến Lũy Cát báo với tiết chế Chiêu Vũ:

- Ở Trấn Ninh quân Bắc áp vào chân thành, làm cho thành đổ. Chưởng cơ Tiến Đức và Đức Kiêm sai người phi báo muốn xin bỏ thành, đem quân về chiếm giữ Mũi Nại. Nguyên súy truyền cho tiết chế đem quân đi cứu ứng ngay thành Trấn Ninh để khỏi xảy ra sơ suất đáng tiếc.

Tiết chế Chiêu Vũ nghe xong nói:

- Ông Vũ Lược hãy mau về trình lên để nguyên súy biết: bổn phận của ta là đóng góp giữ Lũy Cát, nếu không làm tròn tất sẽ bị trọng tội. Còn giữ thành Trấn Ninh là bổn phận của nguời khác. Các tướng cùng hưởng lộc chúa cả thì phải gắng sức báo đáp ơn chúa, còn ta không dám bỏ lũy này đến đấy.

Vũ Lược nghe xong ra về.

Tiết chế Chiêu Vũ mật bàn:

- Vũ Lược về trình như thế thì nguyên súy tất phải đem quân đến cứu ứng cho Trấn Ninh, bây giờ ta phải đem quân đi trước để nguyên súy khỏi lo lắng.

Nói đoạn bèn lệnh, cho quận Hiệp thay giữ Lũy Cát, tự mình vội đem quân đi cứu Trấn Ninh. Lại sai lấy mảnh ván làm biển viết chữ dựng bên đường: “Chiêu Vũ đã đem quân đi cứu ứng, xin nguyên súy thay giữ Lũy Cát giùm cho.” Ý Chiêu Vũ muốn cho nguyên súy đến đấy thấy biển đề như vậy thì sẽ dẫn quân về.

Lại nói bấy giờ Văn Cảnh đến thành Trấn Ninh trình với chưởng cơ Tiến Đức, Đức Kiêm cùng

- Nguyên súy gởi lời đến nói với các ông là các tướng cùng hưởng lộc hậu của triều đình, phải ra sức báo đáp ơn lớn của thánh thượng để trọn đạo thần tử. Huống chi cả dùng binh tiến thì dễ mà lui thì khó. Nay các ông muốn lui quân về giữ lấy Mũi Nại, nếu quân Bắc thừa thế đuổi theo, bấy giờ quân ta phía trước gặp sông lớn, phía sau quân giặc đuổi theo thì kinh hồn hoảng sợ. Khổng Minh có tái sinh cũng không chế ngự được. Các ông hãy nghỉ ngơi chốc lát, đợi nguyên súy đem quân đến thay đóng giữ rồi các ông tùy ý làm gì thì làm, nguyên súy cũng không cố ép. Các ông nên hết sức cố thủ chờ đợi, chớ có nóng vội.

Cai cơ Tiến Đức, Đức Kiêm nghe lệnh truyền như thế cả sợ, vội nói với Văn Cảnh:

- Xin ông trình để nguyên súy xét cho: bọn tiểu tướng chúng tôi nhất thời bàn bạc nông cạn, mưu tính chưa ngã ngũ ra sao, mong nguyên súy lượng thứ cho. Huống hồ ngày nay quân giặc đã đến dưới thành, một bước đi đâu cũng khó, bọn chúng tôi đâu dám lui quân bỏ lũy, xin tuân lệnh tử chiến giữ thành. Nguyên súy không phải vất vả đích thân cầm quân đến đây nữa.

Văn Cảnh cáo từ, trở về thuật lại với nguyên súy. Nguyên súy Hiệp Đức cả mừng nhưng vẫn còn lo ngại. Bõng lúc ấy Vũ Lược trở về báo Chiêu Vũ không chịu đem quân đi cứu ứng. Hiệp Đức cả sợ, bèn truyền lệnh cho các tường rồi đích thân dẫn quân đi cứu thành Trấn Ninh. Đi được nửa đường, quân tiên phong đã nhìn thấy tấm biển gỗ dựng bên đường, vội quay lại báo cáo cho nguyên súy biết.

Nguyên súy Hiệp Đức bèn chọn mấy tướng tâm phúc đem quân tráng kiện đi cứu viện cho Trấn Ninh, chỉ lưu lại hộ vệ cho mình hơn một nghìn quân, một ngựa chiến và một ngọa kim thương. Văn chức ti tướng thần lại là Văn Cảnh thấy vậy thưa:

- Quân giặc kéo đến dưới thành, thắng bại chưa quyết mà nguyên súy lại cho hầu cận đi xa, nếu có việc khẩn cấp biết lấy gì mà hộ vệ?

Hiệp Đức cả cười nói:

- Ta giữ được ở đây. Thắng được ta, quân giặc phải đông hơn mười lần. Nếu như thành công thắng lớn ấy là kể bề tôi biết lòng báo đền ơn nước, nếu thất lợi thì ta một ngựa một thương cũng quyết tử chiến với giặc, ít nhất cũng phải giết mấy chục tên. Xảy ra chuyện gì chăng nữa thì ta sẽ làm thần linh của đất này để muôn đời được hưởng thờ cúng. Ta có gì phải sợ hãi đâu

Nói xong quắc mắt có ý tức giận. Quân sĩ biết chuyện đều xuýt xoa khâm phục.

Người đương thời có thơ bình tán như sau:

Rực rỡ trời thanh mống vượt ngang,

Trung thành son sắt nổi uy danh.

Thương vàng thẳng tiến trừ hung ác,

Ngựa sắt bon nhanh đạp lướt băng,

Đánh trận bằng mưu người ít kịp,

Lâm nguy ứng biến mấy ai bằng,

Anh hùng cảm khải lời tâm huyết,

Vạn thủa danh vang với thế gian

Lại nói chuyện Chiêu Vũ dẫn quân đi cứu viện, tới chập tối thì đến Đài Mây thành Trấn Ninh. Thấy tường thành bị quân Bắc đào sắp đổ, tiết chế Chiêu Vũ nghĩ ngợi hồi lâu, nảy ra một kế. Bèn sai người tìm rơm củi buộc thành những cây đình liệu[550]dựng hai bên phía trong lũy rồi châm lửa đốt. Lửa cháy sáng rực như ban ngày. Tướng sĩ trong thành thấy vậy sợ hãi hỏi Chiêu Vũ:

- Quân giặc đang áp thành, chân tướng sắp bị đổ, không hiểu tiết chế cho đốt đuốc sáng trưng như thế để làm gì?

[550] Đình liệu: nguyên nghĩa là bó đuốc làm bằng loại gỗ dễ cháy tẩm nhựa trám hoặc nhựa thông, lữa cháy to, không tắt. Ở đây có nghĩa là bó đuốc.

Chiêu Vũ cười đáp:

- Giặc không dám vào thành công của ta lại càng lớn, các ngươi chớ lo.

Mọi người nghe nói đều lo lắng sợ hãi không ai biết ý tứ của tiết chế thế nào.

Thế là quân Bắc ở ngoài thấy lửa cháy ngùn ngụt trong thành, lại nghe Chiêu Vũ đem quân đến tiếp viện, ngờ là quân Nam có quỷ kế đặt quân mai phục nên lui xa không dám tiến đến gần lũy. Quân sĩ trong thành cả mừng.

Tiết chế Chiêu Vũ sai quân đi thu hết ghe thuyền của dân ở ven sông, phá ra lấy ván ốp vào hai bên chân tường ở những chỗ sắp đổ. Rồi sai quân chuyển cát trắng đổ lèn vào giữa, lại dùng sọt đựng đầy đất bồi chồng lên nhau để giữ tường. Thành lũy lại chắc chắn như cũ.

Quân Bắc thấy vậy sợ hãi nói:

- Như thế phải chi là có trời giúp sức, sức người sao có thể làm gì? Hách Chiêu ngày xưa giữ thành cũng không hơn thế được!

Tướng bên Bắc bèn sai tên quân thiện xạ trèo lên mặt lũy hết đổ sọt cát rồi núp trong đó, thò nòng súng qua mặt lũy mà bắn. Quân trong thành không biết giặc từ hướng nào bắn tới, bị sát hi sinh rất nhiều…

Bấy giờ viên cai đội người vùng này tên là Bá Dương dẫn hơn ba trăm quân đi tuần phía trong lũy để xem nơi nào cần thiết thì hỗ trợ, khi đến chỗ tường mới đắp ở Đài Mây thì nghe một tiếng súng nổ, quân của Bá Dương trúng đạn chết mất năm sáu người. Bá Dương liền cầm mã tấu nhảy lên mặt lũy. Tên quân Bắc trông thấy vội nhảy ra bỏ chạy, liền bị Bá Dương vung mã tấu chém làm hai đoạn. Bá Dương cắt lấy thủ cấp đem bêu ngoài lũy rồi nói lớn:

- Tên giặc Trịnh đã bị ta chém đầu ở đây. Kẻ nào chịu trói tay đầu hàng sẽ được tha chết!

Quân Bắc trông thấy cả sợ bảo nhau:

- Thật chẳng khác gì Quan Vân Trường, Trương Dực Đức đời xưa.

Rồi chúi đầu nấp dưới chân tường không dám ngước nhìn lên. Bá Dương hô quân nhảy ra đánh.

Bấy giò Tây Định vương đang đóng quân ở doanh Cây Ủng xã Phúc Địa[551] liền truyền lệnh cho đại quân tiến đánh. Sai quân sĩ lựa chiều gió thả diều giấy cho bay vào trong lũy. Dưới cánh diều đeo thuốc phát hỏa, khi diều rơi chạm nóc nhà, đài súng thì thuốc lửa bốc cháy. Thế là doanh trại, kho tàng trong thành cháy thành rừng rực gần xa đều trông thấy. Cai cơ Thái Sơn vội đưa quân đến chữa cháy. Có khi diều giấy rơi vào giữa đội quận, có người lấy nước để dập lữa thì lửa lại càng cháy lan khắp người. Quân Nam không biết dập tắt bằng cách nào. Bấy giờ có người lính bên quân Bắc ở ngoài lũy gọi bảo quân Nam rằng:

- Diều giấy có mang vật dẫn hỏa bằng dầu rái, nếu rơi trúng người thì xúc cát hất vào mà dập, lữa sẽ không cháy lan nữa. Còn đổ nước lửa cháy loang ra sẽ chết.

[551] Trong nguyên văn có chỗ chép là Phúc Tự.

Quân Nam nghe lời làm đúng như thế, quả nhiên được vô sự.

Bấy giờ tiết chế Chiêu Vũ thấy quân giặc chiếm sát dưới chân thành. Quân hai bên hỗn chiến xông vào tranh kích đoạt giáo với nhau. Chiêu Vũ thấy như vậy chẳng đúng phép đánh thành, bèn nảy ra một kế sai quân cưa hơn ba trăm tấm gỗ, mỗi tấm dài sáu thước, rộng ba thước, lấy đinh sắt đóng thò đầu qua ván rồi trồng cọc buộc cây gỗ dài chừng ba chục thước, đầu chúc ra ngoài, dùng dây thừng buộc bàn đinh phía đầu cây gỗ. Khi quân Bắc xông vào chiếm thành thì sai quân bỏ thừng thả bàn đinh xuống, rồi kéo lên ngay, mỗi lần như thế có đến năm sáu tên quân Bắc bị dập vào bàn đinh. Quân Bắc bị câu bắt lên thành đều run rẩy kêu khóc, chẳng bao lâu thì chết. Bọn ở dưới thành nhìn lên thấy vậy đều sợ hãi bảo nhau:

- Quân Nam dùng độc kế, thà chịu chết còn hơn bị trúng bàn đinh đau đớn như thế!

Rồi chúi đầu ẩn dưới đường hầm không dám trèo lên chiếm mặt lũy nữa. Quân hai bên cầm cự cho đến canh ba thì thu quân về trại nghỉ ngơi. Người thời bấy giờ có thơ bình tán rằng:

Lòng tàng thao lược suốt bình sinh

Mưu kế ngăn lui trăm vạn binh

Chỉ thả bàn chông quân địch khiếp

Chẳng cần kiếm lớn chém nghê kình

Chớ rằng Gia Cát nay tìm khó

Lại thấy Lưu Cơ mới tái sinh

Thỏa chí anh hùng mưu giúp chúa

Trần ai quét sạch, nước phồn vinh.

Lại nói ngày hai mươi tám tháng ấy, vào giờ Dậu, Tây Định vương thấy đánh liền mấy ngày không hạn nổi thành Trấn Ninh, lấy làm tức giận, lại ra lệnh cho quân sĩ áp vào đánh lớn, ném trái phá tới tấp vào trong thành. Chiến thuyền của quân Namtrông thấy liền báo cho quân trong thành biết. Thế là đạn lửa cũng không còn hiệu quả. Quân hai bên xông vào hỗn chiến, đèn đuốc sáng như ban ngày, đánh đến gần sáng vẫn chưa phân thắng bại, rồi bên nào tự lui về trại bên ấy nghỉ ngơi.

Bấy giờ quân Bắc vào chinh chiến, quân sĩ đều đã mệt mỏi, bàn thầm với nhau:

- Các đời chúa trước khuông phò nhà Lê thì Nguyễn chúa Chiêu Huân có công hàng đầu, vậy mà con cháu họ Nguyễn chỉ được cai quản một góc đất, chưa xứng với công lao tổ tiên. Nay chúa Trịnh ngoài ta một mình cai quản bốn trấn, nắm thiên hạn trong lòng bàn tay mà còn tham lam đem quân vào tranh quyền ở xứ Nam này khiến cho anh em bọn ta phải chịu chết oan uổng, bỏ cả cha mẹ vợ con, thế là nghĩa lý gì?

Nói xong mọi người bều bừng bừng tức giận. Từ đó trong quân Bắc lan truyền tâm trạng oán giận vô cùng.

Lại nói ngày hôm ấy Hiền vương đóng ngự doanh ở phủ Toàn Thắng nghe tiếng súng nổ vang như sát ngay bên tai, bèn sai quân thám mã đến các cửa biển nhưng không thấy gì lạ, mới biết quân hai bên đánh lớn ở thành Trấn Ninh, trong lòng có phần băn khoăn lo nghĩ. Vương bèn sai văn chức ở ty tường thần lại là Tái Trí ruổi ngựa ra quân doanh của nguyên súy Hiệp Đức và tiết chế Chiêu Vũ hỏi tin chiến sự. Tái Trí vâng mệnh đến quân doanh ở thôn Cừ trình với nguyên súy Hiệp Đức về việc vương sai đi hỏi tin chiến trận như thế nào. Tài Trí lại đến thành Trấn Ninh, vào trướng quân yết kiến tiết chế Chiêu Vũ, Tài Trí thưa:

- Vương thượng gửi lời đến bảo tiết chế tướng quân rằng hiện nay thế lực quân Bắc mạnh lớn, tiết chế cho Vương thượng biết sức ta đánh giữ thắng bại thế nào? Vậy xin tiết chế cho lời lượng định để tiểu nhân về bẩm lên vương thượng.

Chiêu Vũ nghe xong liền rũ tay áo nghiêm giọng nói:

- Quân Bắc tuy đông nhưng như bầy quạ đàn sẻ, như ong kiến sâu bọ theo gió mà họp bầy, chỉ bị một trận mưa là tan tác cả thôi, không có gì đáng sợ. Hơn bảy tám năm trước cầm quân ra đánh ở Nghệ An, ta đã biết tim gan quân tướng nhà Trịnh. Lúc ấy quân ta chiếm giữ những chổ hiểm yếu như vào chỗ không người. Ngày nay ở đất ta lũy chắc hào sâu, binh cường tướng dũng, vui lòng chiến đấy, thế tất không có chuyện gì đáng lo. Ngươi về triều bẩm lên thánh thượng, xin thánh thượng cứ yên giấc không phải lo nghĩ.

Tài Trí nghe Chiêu Vũ nói trong lòng còn do dự chưa dám trở về. Chiêu Vũ biết ý lấy giấy cầm bút viết như sau: “Thần xin ra sức cố thủ, quyết giành thắng lợi, dẹp tan giặc để báo ân nước. Đấy là trách nhiệm lớn của kẻ bề tôi, nếu xảy ra sơ suất, thần xin chịu tội tru di tam tộc để nghiêm quân lệnh.” Chiêu Vũ viết xong đưa cho Tài Trí đem về triều đình Hiền Vương.

Tài Trí cầm thư của Chiêu Vũ rồi cáo từ, luôn đêm trở về phủ Toàn Thắng.

Bấy giờ có anh em Hào Lương là con trai Chiêu Vũ cùng đi theo trong quân, thấy Chiêu Vũ viết như vậy thì đưa mắt nhìn nhau, chỉ có cậu thứ ba là Nguyễn Thành ngồi mỉm cười. Anh em Hào Lương, Trung Thắng bước lên thưa với cha:

- Cứ như ngụ ý của anh em chúng con, thế địch đang mạnh mà quân ta thì đã mỏi mệt. Hơn nữa thành trì đang bị vây hãm, phụ thân viết cam đoan trong tờ quân lệnh như thế, nếu quân ta không ngăn được giặc thì cả ba họ đều bị nguy khốn hay sao? Bấy giờ trông đâu?

Chiêu Vũ nghe xong đập tay cười lớn nói:

- Con trai ta chưa am hiểu việc quân cơ. Người xưa từng nói: “Binh gia là kẻ giỏi mưu quỷ kế.” Nay đang lúc ta và địch giằng co nhau, nếu ta nói không địch nổi thì ba quân sẽ lo sợ, thế không cứu vãn được. Nếu sự thể quả là không địch nổi thì bốn phương mênh mông, ai tru di nổi ba họ nhà ta? Các con phải bình tĩnh mà xem xét, không nên nói năng lộn xộn.

Bọn Hào Lương bấy giờ mới hiểu hết ý cha, bèn sụp lạy rồi cùng Chiêu Vũ ngồi bàn mưu kế đánh giặc.

Lại nói Tài Trí về đến phủ Toàn Thắng liền vào triều trình thư của tiết chế Chiêu Vũ lên Hiền Vương. Hiền Vương cả mừng, vuốt râu nói với các tướng:

- Chiêu Vũ từ khi làm tướng đem quân đi đánh giặc tới nay, lập mưu đều đúng, định kế không sai, đã đánh là thắng, đã giữ là chắc, không thua kém các danh tướng đời xưa. Nay Chiêu Vũ đã hứa, ta không còn phải lo ngại gì nữa.

Rồi Hiền Vương và các tướng cùng vui vẻ bàn luận tình hình chiến trận. Người đương thời có câu bình tán Chiêu Vũ như sau:

Sừng sững trời Nam bậc tướng tài

Thần cơ phép diệu ngút trời mây

Tình thần tướng sĩ vui hoan lạc

Nghĩa nặng quân thần chẳng đơn sai

Cõi thế kỉ lân rầy đã có

Trận tiền sâu kiến phải chạy dài

Vì không lệnh trạng làm hồi ấy

Sao được ba quân trổ hết tài?