Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 27 - Phần 1

HỒI THỨ HAI MƯƠI BẢY

Quận Lan thả diều lửa đốt thành

Bấy giờ tướng Bắc là Văn Lộc có công đánh thắng quân của Vân Trường, bèn sai người báo lên chúa Tây Định, tự khoe lập công đầu trong lần Nam chinh này. Tây Định nghe tin vui mừng khôn xiết, trước mặt triều thần bèn khen ngợi thêm lên, rồi sắc phong cho Văn Lộc chức đô đốc đồng tri và ban thưởng vàng bạc rất hậu.

Từ sau trận Mật Cất, quân đội bên Nam, Bắc đều cố thủ thành trì không ra quân giao chiến.

Đến ngày hai mươi tháng mười một, quân Bắc sai người đến ngoài thành Trấn Ninh nói to:

- Mời tướng bên Nam ra ngoài thành nghe một lời.

Bên quân Nam, chưởng cơ Tiến Đức và phò mã Đức Kiêm nghe nói như vậy bèn sai người phi báo tiết chế Chiêu Vũ, một mặt cũng sai người ruổi ngựa báo lên nguyên súy biết. Nguyên súy Hiệp Đức sai người truyền lệnh cho tiết chế Chiêu Vũ chọn một người có tài ăn nói, bác cổ thông kim ra ngoài thành đối đáp với người bên quân Bắc.

Tiết chế Chiêu Vũ cho gọi các tướng đến Lũy Cát bàn định, rồi lệnh cho cai hợp Tú Minh, đội trưởng Mỹ, xá sai Đô Quỳnh cùng ra ngoài thành Trấn Ninh đối đáp với sứ Bắc. Lại truyền cho cai độ Văn Giáp, mở cửa thành cho bọn Tú Minh đi ra, còn tự mình dẫn quân mai phục sẵn ở trong thành để nếu quân ra ngoài thành cứu viện.

Bọn Tú Minh vâng lệnh, vào giờ Thìn ngày hai mươi ba, ba người áo mũ chỉnh tề, thong thả dắt tay nhau bước ra ngoài lũy, thấy sứ giả Bắc triều gồm một viên văn thần và hai viên võ tướng đã đứng chờ sẵn. Sứ giả hai bên gặp nhau, chào hỏi xong thì ngồi thành hai phía gần nhau. Sứ Bắc hỏi:

- Sứ Nam ra đây có việc gì?

Tú Minh đáp:

- Thấy mời thì ra để khỏi thất tín. Hơn nữa các quan bên Bắc vào cõi Nam đã hơn năm, sáu tháng nay, chúng tôi vì bận việc nước chưa lần nào rỗi để đón tiếp. Nhân vì hôm trước nghe có tên quân đến mời nên chúng tôi ra đây gặp các ông. Chẳng hay chuyến này vào đây, các ông có công cán gì, xin cho chúng tôi được rõ.

Sứ Bắc đáp:

- Nguyên là năm trước hoàng đế nhà Lê sai sứ vào hỏi Nam chúa về việc nước, nhưng khi sứ giả đến xã Thạch Hà thì chúa Nam sai tiểu tốt đến lăng mạ sỉ nhục, lại đuổi sứ giả ấy về. Ấy là Nam chúa trên không tôn kính thiên tử dưới khinh mạn triều đình, khiến cho hoàng đế oai trời thịnh nộ, phải ngự giá thân chinh thống lĩnh mười tám vạn hùng binh vào cõi Nam để trách phạt vì việc ấy. Bọn chúng tôi báo cho các ông biết như vậy chứ có gì đáng phải nói đâu?

Tú Minh nghe xong cả cười đáp:

- Các ông nhầm rồi. Tôi có một lời, mong các ông cứ bình tĩnh mà nghe: năm trước sứ Bắc đến tuần Thanh Hà, lẽ ra phải truyền gọi là “có sắc mệnh của Hoàng đế truyền cho chúa Nam” cho chúa thượng của chúng tôi nghênh tiến rồi mới cho rõ lí do. Cớ sao họ lại đem chuyện trong sắc mệnh của thiên tử nói trước với bọn tiểu tốt? Từ xưa bậc trí giả đi sứ nước ngoài, lời nói, việc làm đều phải đúng mực, ứng đối phải kịp thời, không làm nhục mệnh vua. Ấy, sứ giả phải cẩn thận như thế. Năm trước vì sứ Bắc không biết cách cư xử để đến nỗi bọn lính tuần chê cười cho là ngông cuồng, cũng vì là sắc lệnh giả nên nhất thời làm bọn sất phu tức giận, rồi hai bên sinh chuyện cãi vã nhau. Lúc ấy không thấy bọn chúng phi báo, sau đó trấn tướng biết chuyện liền cho người về bẩm với vương đình. Chúa chúng tôi sai người ra tiếp thì sứ giả đã trở về Bắc rồi. Người vâng mệnh đi sứ mà làm việc sơ suất như vậy, về sau có việc gì cũng không nên sai người ấy đi nữa. Vả chăng hoàng đế thể lượng trời đất, bao dung khắp chốn, đâu có chuyện nghe lời xúc xiểm mà quên bề tôi con cháu bậc quân thần. Vậy mà nay hoàng đế ngự giá thân chinh đem đại binh của triều đình vào cõi xứ Nam, há chẳng phải là tha thứ cho kẻ tiếm loạn mà trừng phạt bậc trung thần, bỏ không nghĩ chuyện gần mà mưu tính việc ở xa đó sao? Giá như có hùng binh trăm vạn, người xứ Nam này cũng chế ngự được, huống hồ chỉ có mười tám vạn thôi? Xứ Nam ta chẳng có gì đáng lo ngại cả. Ngày xưa trong chiến thư của Hàn Tín đời Hán có câu “Giặc đến dưới thành không kể sang hèn, hiền ngu, đều chém đầu cả.” Nay đã đem quân đến đây, chúng tôi chẳng biết vua Lê chúa Trịnh đâu cả, muốn đánh thì đánh, muốn về thì về, xin cứ tùy ý, bất tất phải nói nhiều.

Sứ Bắc cả giận nói:

- Năm trước quân Nam đã sỉ nhục, lăng mạ sứ giả của thiên tử, nay các ngươi còn bảo chẳng biết thiên tử là ai, chẳng kể gì vua Lê chúa Trịnh. Ăn nói như thế là nghĩa làm sao? Thế là Nam chúa của các người cậy nước giàu quân mạnh để chống mệnh của hoàng đế, khinh thường lời nói của Trịnh vương, thật không phải đạo của bậc thần tử.

Tú Minh cả cười đáp:

- Lời nói của các ông tựa hồ như không trách mình mà lại đi trách người. Kẻ ức hiếp thiên tử, khinh mạn triều đình, chính là cha con họ Trịnh, nay các ông lại đem tội ấy mà gán cho Nam chúa của bọn ta, như thế mà không đáng xấu hổ sao? Chúa Nguyễn và Trịnh vương đều có công diệt Mạc, đuổi Hồ[544] khuông phù nhà Lê. Lúc trước chúa Chiêu Huân Tĩnh vương tôn phò Trang Tông hoàng đế nhất thống giang sơn, kính giữ thần tử. Từ đó đến nay các chúa Nam đều tuân theo chính sóc của nhà Lê, không dám xằng bậy tự tôn tự đại, người khắp bốn biển đều biết. Còn như họ Trịnh thì Khang vương (Trịnh Kiểm), Triết vương (Trịnh Tùng), có chút công nhỏ diệt Mạc, nhưng phạm đại tội giết vua: đầu độc hai vua Chính Trị (Anh Tông) và Hoằng Định (Kính Tông), tự tiện lập các vua Vĩnh Thọ, Vạn Khánh[545]. Lại nói phao lên là vua Thanh cho giữ chức thượng vị, ban án vàng, gia phong tước vương cho họ Trịnh. Cha con họ Trịnh dối trá tự tôn tự đại, ngụy xưng là Thái thượng chúa Thanh Đô vương, Kim thượng chúa Tây Định vương. Nói vua Thanh ban cho thì sắc phong ngày nào mà chúa Nam ta không được biết? Chúa Trịnh của các ông đã ức hiếp thiên tử sai khiến chư hầu, lại còn dám gán tội ấy cho chúaNam ta. Nói như thế có nghe được không? Huống chi từ thời thuộc Hán, Đường, Tống đến các đời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần chỉ nghe nói có Thái thượng hoàng, Kim thượng hoàng đế, nay lại nói Thái thượng chúa, Kim thượng chúa thì chúng tôi tai chưa từng nghe, mắt chưa từng thấy. Do chúa Nguyễn với chúa Trịnh thì ai là trung thần, ai là gian thần? Xin các ông ban cho lời nói để chính nghĩa được sáng tỏ.

[544] Hồ: ở đây chỉ quân xâm lược phương Bắc nói chung.

[545] Vĩnh Thọ, Vạn Khánh: Đều là niên hiệu của vua Lê Thần Tông, có hai giai đoạn làm vua, nói đúng hơn đáng chép là Vĩnh Tộ (niên hiệu giai đoạn trước) và Vạn Khánh (niên hiệu giai đoạn sau).

Nghe đến đây sứ Bắc chỉ cúi đầu im lặng.

Tú Minh lại nói:

- Phàm trị hay loạn là do số trời, nước trị thì dân yên, vật thịnh. Nước loạn thì trời giáng tai ương, dân chúng đau khổ. Nước loạn thì trời giáng tai ương, dân chúng đau khổ. Nay Trịnh vương thống lĩnh quân lính vào đây để quyết chiến, vây đánh thì đánh, về thì về, cớ gì phải kéo dài cho phí thời gian? Nay các ông hãy hẹn trước, ngày nào thì đem quân ra giao chiến quyết phân thắng bại, chớ nên do dự nữa.

Sứ Bắc nghe xong không biết đối đáp thế nào, bèn nói:

- Hôm nay đã muộn, định thế nào mai sẽ biết.

Rồi sứ giả hai bên đều chắp tay chào nhau, ai về bên nấy.

Bọn Tú Minh vào thành Trấn Ninh rồi về Lũy Cát trình lên nguyên súy Hiệp Đức cùng các tường biết câu chuyện đối đáp với sứ Bắc. Nguyên súy nghe xong cả cười nói:

- Khá khen ngươi là Trương Nghi, Tô Tần[546] tái sinh không làm nhục mệnh vua vậy. Thật đáng khen thưởng.

[546] Trương Nghi, Tô Tần: Hai thuyết khách nổi tiếng thời chiến quốc.

Nói đoạn bèn lấy hai mươi lạng bạc thưởng cho Tú Minh. Tú Minh vái tạ lui ra.

Bấy giờ tiết chế Chiêu Vũ nói:

- Thần tính Tây Định nghe báo lại câu chuyện đối đáp này tất sẽ đem quân đánh lớn. Xin nguyên súy truyền lệnh cho tướng cầm quân các đạo chuẩn bị sẵn sàng.

Lại nói chuyện sứ Bắc trở về liền vào trường của Tây Định vương thuật lại việc sứ Nam trả lời hỗn xược, Tây Định cả giận mắng:

- Bọn chuột nhắt dám khinh nhờn ta quá lắm. Ta phải dấy quân đánh diệt ngay, quyết không chịu cảnh hai chúa.

Nói xong lại càng tức giận hơn, bèn truyền lệnh cho các đạo quân chỉnh điểm quân mã, thẳng tiến đánh gấp vào thành Trấn Ninh, ai vào trước sẽ được ghi công đầu, kẻ hèn nhát thoái lui thì bị chém đầu thị chúng. Các tướng đều vâng lệnh chuẩn bị tiến quân.

Ngày hai mươi lăm, vào giờ Thìn, quân Bắc tiến thẳng đến dưới thành Trấn Ninh, tiếng hò reo vang dậy, tiếng chiêng trống vang trời. Quân hai bên đánh lớn, tiếng súng nổ ầm ầm. Quân Nam bám vào mặt thành mà đánh. Quân Bắc đi dưới đường đánh gấp vào thành, đôi bên giành giật nhau từ sáng tới tối không phân thắng bại. Rồi bên nào bên ấy đều khua chiêng thu quân về trại nghỉ ngơi.

Bấy giờ bên quân Nam, nguyên súy Hiệp Đức nghe tin quân Bắc đánh vào thành Trấn Ninh bèn thống lĩnh đại quân đến thôn Cừ ở bên này sông Nhật Lệ chia quân đóng giữ, rồi cùng các tướng bàn kế sách đánh giặc.

Đêm hôm ấy tiết chế Chiêu Vũ ngồi ở Luỹ Cát thấy tướng bên Bắc là quận Thắng đem hơn ba mươi chiến thuyền đến đóng ở ven biển đối diện Bàu Rò, gần thành Trấn Định khiến thuỷ quân ra vào khó khăn. Chiêu Vũ bèn sai các cai đội Kiên Lễ, Đình Nghĩa, Thiêm Vinhúc đêm tối đem quân tiến đến Đài Cát ở luỹ Mũi Dùi[547] đặt súng lớn để bắn vào sườn đoàn chiến thuyền của quân Thắng. Lại sai tham tướng Tài Lễ cho chiến thuyền ở cửa Nhật Lệ đón bắn để chia sẻ quân địch, quận Thắng tất phải thua chạy.

[547] Mũi Dùi: tên đất. Nguyên văn viết bằng chữ Hán là “Mỗi chùy” đọc then tên Nôm là Mũi Dùi.

Bấy giờ trong quân của quận Thắng không đề phòng trước đại bại, quân sĩ chết nhiều bỏ thuyền năm, sáu chiếc, số còn lại phải chạy về sông Gianh.

Đến ngày hai mươi sáu, Tây Định Vương sai chọn quân tráng kiện cho uống rượu cấp nộ[548] rồi sai đến thành Trấn Ninh chọn chỗ nào tường thấp thì nhảy vào quyết chiến với quân Nguyễn. Thế là quân Bắc mượn chất bốc của rượu bèn bám tường trèo lên mặt thành, quân nấp dưới đường hầm thì bắn súng trợ chiến.

[548] Nguyên văn là “Cấp nộ tửu”, nghĩa là rượu có khả năng kích thích mạnh.

Bấy giờ tướng Nam là hai chưởng cơ Tiến Đức và Đức Kiêm sai quân chống trả. Khi thấy quân Bắc trèo lên luỹ, quân Namcứ cầm giáo nhọn mà đâm xuống, quân trèo thành chết lăn rất nhiều, xác chất đầy hào rãnh. Quân Bắc chồng các xác chết làm thang mà trèo lên, quân giữ thành ra sức đâm chết, thây chất từng đống cao. Quân sĩ đâm ra mỏi tay thì đẩy súng lớn ra bắn. Quân Bắc dùng dây thừng buộc thòng lọng quẳng vào nòng súng mà kéo xuống rồi tống đất đá, rơm cỏ vào làm tắc nòng không bắn được. Quân Nam lại dùng thương dài mà đâm, quân Bắc cũng đâm trả. Quân đôi bên cứ thế hỗn chiến kéo dài.

Bấy giờ quân Bắc dùng sào dẫn hoả chất mồi lửa vào đốt mái dài, ngọn lửa bốc cháy rừng rực ngút trời, tướng bên Nam là cai cơ Thái Sơn và tham tướng Tài Lễ sai quân xúc cát ướt hất vào mới dập được lửa. Quân Bắc lại ném trái phá thành. Những quả trái phá một quả mẹ đẻ ra năm quả con, bén lửa nổ tung vỏ gang, tiếng vang như sấm động. Quân Nam trúng mảnh đạn chiếc rất nhiều, số bị thương không có chỗ nào ẩn nấp. Lúc ấy bên quân Bắc có người lính đứng ở ngoài thành kêu vọng vào với quân Nam:

- Chúng tôi và các anh em đều là người cả, sao nỡ tàn hại lẫn nhau. Chỉ vì nhà chúa tranh chấp, anh em ta mới phải chịu chết oan. Tôi bảo anh em, nếu thấy trái phá bay vào người ở xa thì chạy nấp cho nhanh, người ở gần thì nắm sát xuống mặt đất mà tránh thì được vô sự.

Quân Nam nghe lời cứ theo cách ấy tránh đạn. Đôi bên giao chiến cho đến tận đêm khuya, quân sĩ đều thấy mệt mỏi mới kéo đèn hiệu thu quân, ngừng trận cho quân sĩ về trại nghỉ ngời. Người thời bấy giờ có thơ vịnh trận đánh thành Trấn Ninh như sau:

Chiến khí xung thiên sáng vọng lâu.

Nước trời lấp loáng ánh đêm thâu.

Rồng cuồn đêm đấu giơ nanh vuốt,

Hổ dữ ngày tranh vểnh ngược râu.

Trước luỹ quân say liền đánh trận,

Trong thành quyết chí lập công đầu.

Địch quân lạ có ai kêu bảo,

Mới biết lòng trời muốn giúp lâu.

Đêm ấy Tân Định vương thấy quân sĩ không hạ được thành bèn triệu các tướng đến để bàn:

- Thành Trấn Ninh rất kiên cố. QuânNam tuy ít nhưng hùng mạnh, quân ta đông nhưng mệt mỏi, tiến đánh đã mấy ngày mà chưa phân thắng bại. Quân sĩ chết và bị thương rất nhiều. Các khanh có cao kiến gì mau thưa bày để tính liệu.

Đô đốc Dĩnh quận công thưa:

- Việc thành bại do ở trời, há phải do con người muốn làm ngược lại mà được đâu? Huống chi từ xưa đã có lời sấm rằng: “Bắc tráng kim thang thê, Nam kiên bích ngọc thành”[549]. Theo đó mà suy thì quả là đúng. Binh pháp nói: “Đánh thành tai hoạ của binh gia đó là điều tối kỵ của phép hành binh.” Huống hồ ngày nay đang giữa tháng trọng đông, quân sĩ không quen thuỷ thổ, voi ngựa không chịu nổi giá rét. Một là ba quân mệt mỏi không có lòng chiến đấu, hai là lương hướng vận chuyển xa xôi ngoài ngàn dặm, quân sĩ dễ lâm vào thế đói ăn. Chi bằng xin nguyên soái hãy rút quân về mưu tính kế khác.

[549] Có nghĩa là: “Bắc mạnh đánh hào sâu, Nam bền giữ thành lũy.”

Tây Định nghe xong cả giận nói:

- Ngươi là kẻ nhu nhược, bàn luận vu vơ như bọn hủ nho chỉ biết thương yêu vợ con mà làm hỏng gia thế, mưu tính cho bề trên tin dùng để bề trên nhởn nhơ vui thú, mà không chịu hết lòng rửa hận báo thù cho nước, miễn sao cho được yên thân mà thôi. Như thế thì dùng ngươi có được ích gì?

Nói đoạn bèn bãi quyền của quận Dĩnh, biếm làm thứ dân. Lúc ấy thái tể Lan quận công Nguyễn Trực nói:

- Lời quận Dĩnh kể cũng có lí, tuy biết ý trời mà không hiểu thời vận, phàm dấy quân đi đánh dẹp nhất cử nhất động làm việc gì đều rất khó khăn. Nay vương thượng thống lĩnh đại quân vào đây đã hơn năm, sáu tháng, mới bắt đầu đánh vài ba trận chưa phân thắng bại. Người xưa từng nói: “Đã đến núi báu ai chịu về không.” Thần xem như trận đánh hôm trước thì quân sĩ chưa gắng hết sức hết lòng cho nên mới không hạ được thành. Cúi xin vương thượng truyền lệnh cho các tướng phải đồng lòng đánh phá áp sát thành Trấn Ninh, đào sập tường thành, quân ta đổ dồn vào như kiến thì bọn chúng không thể chế ngự được.

Còn như muốn bắt cọp mà không vào hang hổ thì làm sao bắt được? Binh pháp nói: “Đặt vào chỗ đất chết rồi sau mới sống.” Như thế thì chỉ một trận mà thu được thành công vẹn toàn.

Tây Đinh vương nghe xong rất mừng, vỗ tay cười lớn nói:

- Lời khanh rất hợp ý ta!

Bèn truyền lệnh cho các tường theo kế ấy sửa soạn mà làm.