Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 30 - Phần 1
HỒI THỨ BA MƯƠI
Chiêu Vũ qua đời, Hiền vương tạ thế
Ngãi vương nối trị, đại xá ban ơn.
Năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ nhất (1676), ngày mồng một tháng ba có nhật thực, mặt trời bị che khuất đến chín phần mười, sau hai giờ mới lại tròn như trước. Đến ngày mười sáu có nguyệt thực, sắc mặt trăng nửa đỏ nửa đen. Tháng tám có sao chổi hiện ở bầu trời phía đông bắc, sau ba tháng mới mờ hẳn. Năm ấy xảy ra dịch bệnh, hạn hán, dân chúng đói khổ.
Năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ hai (1677), thiên hạ thái bình, trăm họ yên ổn làm ăn, lúa má được mùa, hoa màu cây cỏ tươi tốt, một đấu gạo giá chỉ ba đồng tiền, dân chúng đều được an cư lạc nghiệp.
Năm Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Trị thứ tư (1679), tháng hai, Hiền vương lệnh cho các quan khâm sai văn võ đi tuyển duyệt quan lại các nơi trong hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa theo điển lệ đã có từ trước. Như trường thi nhiêu học thì cho các sĩ tử thuộc hạng chính đồ được thi, còn các sĩ tử hạng hoa văn thì không được dự thi.
Bấy giờ có cai bạ Cẩm Lĩnh hầu và thủ hạ Đông Triều hầu thưa rằng:
- Phàm những kẻ nho lại đều có thể bổ dụng làm việc nước, đâu phải chỉ hạng nho sinh chính đồ. Nay không cho hạng hoa văn dự thi nhiêu học thì sợ là không đúng với điển lệ đã có từ trước. Mong thánh thượng khoan dung để thể hiện chính giáo của các bậc tiên vương, an ủi lòng dân thiên hạ.
Hiền vương không nghe lời khuyên ấy. Những người thuộc hạng hoa văn biết tin đều phàn nàn, ta thán, bỏ cả học nghiệp đến nỗi ngạch hoa văn ngày một suy biếng. Kẻ sĩ thuộc hạng hoa văn tìm đường bỏ trốn để mưu sinh, chuyện không phải nói đến.
Lại nói năm ấy, người nước Đại Minh nguyên là đãng khấu tướng quân Dương Ngạn Địch cầm quân trấn thủ thành Long Môn đến nước ta. Mùa đông năm trước Ngạn Địch thống lĩnh quân thủy bộ của thành Long Môn đánh lại quân Thanh của vua Khang Hi, vì quân ít không chống lại cự nổi nên đại bại, phải bỏ thành chạy trốn. Ngạn Địch chạy về Nam Kinh, nhưng đường bộ thì đã bị quân giặc bao vây mà đường thủy thì không thông được. Thế chạy không thoát, bèn đưa hơn hai trăm chiến thuyền chạy ra biển Đông trốn tránh ở gần vùng biển nước ta, rồi viết biểu văn sai người về kinh tâu về triều đình nhà Minh xin sai quân đến cứu viện. Đoàn thuyền của Ngạn Địch cứ bồng bềnh trên mặt biển đến hơn một tháng, không thấy viện binh đến cứu, Ngạn Địch trong lòng rất lo buồn. Bỗng hạ tuần tháng giêng, gặp hôm mây mù dầy đặc bốn phía, trời gió to bão lớn nổi lên, sóng biển trắng xóa dâng cao ngút trời, đoàn chiến thuyền của Dương Ngạn Địch khó dừng cụm được một nơi, không bao lâu bị sóng đánh trôi dạt khắp bốn phía, nhiều thuyền bị đắm, quân lính chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. Đến khi gió yên sóng lặng, Dương Ngạn Địch thu thập số còn lại, điểm thấy mất đến quá nửa, tất cả chỉ còn hơn năm chục chiến thuyền với hơn ba ngàn quân sĩ, Ngạn Địch gào khóc:
- Trời không phù hộ triều Minh để đến nỗi quân lính của Ngạn Địch tôi gặp nguy khốn thế này!
Ngạn Địch khóc xong, đưa mắt nhìn bốn phía, thấy mặt biển mênh mông, triều dâng sóng cuộn trắng xóa, không biết thuyền mình đang ở chốn nào, sống chết ra sao cũng không nắm chắc. Bấy giờ lương ăn đã hết, quân sĩ phải xé da giầy mà ăn, hứng nước sương mà uống, chỉ mong giữ cho được mạng sống. Còn hạng binh phu, vợ con người nhà quân sĩ nếu bị ốm chết thì bị cầm chân ném xuống biển, tình cảnh thật là thảm khốc.
Đoàn thuyền của Dương Ngạn Địch lênh đênh trên biển chừng hơn một tuần thì người trên thuyền trông thấy bãi cát ở chân núi đằng xa, cũng không biết rõ đoàn thuyền đã trôi dạt đến địa giới nước nào. Dương Ngạn Địch hỏi quân sĩ:
- Các ngươi có ai biết chỗ này thuộc nước nào mà núi non hiểm trở như thế?
Trong thuyền có tên quân sĩ họ tên là Quách Tam Kỳ trước kia từng đến buôn bán ở nước ta. Tam Kỳ nhận ra được địa thế vùng biển liền thưa:
- Núi non phía kia thuộc về nước An Nam.
Dương Ngạn Địch hỏi:
- Quân tướng thành quách của nước ấy yếu mạnh thế nào? Chúng ta hãy tạm vào đó ở nhờ, rồi đoạt lấy quân lính của họ để mưu đồ đạt kế lớn, không biết có nên không?
Quách Tam Kỳ đáp:
- Đất An Nam nước giàu dân thịnh, tướng hùng cường, thành quách vững chắc. Các môn thủy chiến, bộ chiến họ đều luyện tập thành thạo, các nước lân bang đều không dám xâm phạm. Trước đây có bọn giặc Ô Lan cậy giỏi thủy chiến, đem hơn chục chiến thuyền đến đậu ở ngoài khơi hải phận nước Nam, mưu tính đổ quân vào cướp bóc, không ngờ bị quân nước Nam đánh cho tan tành, quân giặc Ô Lan bị giết nổi đầy mặt biển. Từ đó về sau quân Ô Lan không dám xâm phạm nữa. Bọn chúng còn như thế, huống hồ là quân ta?
Dương Ngạn Địch nghe nói cả kinh, mồ hôi ướt vã lưng áo. Rồi Dương Ngạn Địch hạ lệnh cho các chiến thuyền đi chậm, cách xa ngoài bãi cát. Ban ngày thì đánh thanh la, ban đêm thì treo đèn làm hiệu. Nếu nước Nam sai người ra hỏi thì đầu hàng để xin được chốn nương thân. Sở dĩ phải làm như vậy là để khỏi gây sự cấp bức đường đột là kinh động đến người nước Nam, tránh xảy chuyện phải đánh nhau tổn hại quân sĩ.
Đoàn chiến thuyền của quân Long Môn bỏ neo đậu ngoài bờ biển từ cửa Nại Hải đến cửa Đà Nẵng.
Ngày mười tám tháng ấy, quân tuần tiễu ở các cửa biển của ta thấy có thuyền lạ, không rõ bao nhiêu chiếc, dàn hàng đỗ ngoài khơi. Bọn họ lấy làm sợ hãi, báo tin về vương đình. Hiền vương nghe báo bèn truyền lệnh cho các đội thủy quân đem chiến thuyền đến phục sẵn ở các cửa biển để sẵn sàng đánh giặc. Quân tuần tiễu ở cửa Tư Dung là Trí Thắng hầu đi chiếc thuyền nhỏ, sai lính chèo thẳng đến gần đoàn thuyền lạ, cất tiếng gọi to:
- Những thuyền kia của nước nào? Sao dám đến đậu ở địa giới nước ta? Các ngươi có ý định gì hãy mau trả lời.
Dương Ngạn Địch thấy thuyền của nước ta xộc đến, vội sai treo cờ trắng tỏ ý xin hàng. Bên đoàn thuyền Long Môn, Quách Tam Kỳ lên tiếng trả lời:
- Chúng tôi là quân sĩ của đãng khấu tướng quân Dương Ngạn Địch nguyên là tướng trấn thủ ở thành Long Môn, vì chống cự với quân nhà Thanh mà bị thất lợi nên phải bỏ thành lên thuyền lánh nạn để đợi thiên triều đem quân đến cứu viện. Không may gặp gió bão, thuyền trôi vào vùng biển của quý quốc. Chúng tôi xin đầu hàng giữ phận bề tôi để có chốn nương thân, an toàn tính mạng cho quân sĩ. Thật lòng chúng tôi như thế, ngoài ra không có ý gì khác. Cúi mong đại nhân thương xót kẻ bị nạn, giúp tâu lên để quốc vương xem xét cho tấm lòng thành thật của chúng tôi. Được như thế thật là may mắn lắm.
Trí Thắng hầu nghe xong đáp:
- Nếu thật tình như vậy, các ông phải sớm tự mình đến tâu bày với triều đình để tùy ý quốc vương nước tôi định đoạt.
Dương Ngạn Địch cả mừng bèn viết biểu văn xin đầu hàng rồi sai Hoàng Tiến và Quách Tam Kỳ theo Trí Thắng hầu vào vương đình dâng lễ, tâu bày đầu đuôi việc thua trận và tình cảnh khốn bức muốn xin đầu hàng để có chốn nương thân.
Hiền vương xem xong biểu văn, lại nghe bọn Hoàng Tiến tâu bày, lấy làm thương xót, bèn truyền chỉ cho phép được đầu hàng. Lại ban cho tiền gạo, vải vóc, rượu thịt để an ủi cho binh chúng khỏi sợ hãi.
Năm Canh Thân[558], niên hiệu Chính Hòa thứ nhất (1680), ngày hai mươi tháng ba, ở phường Mỏ Sắt huyện Cam Lộ đang lúc trời đất thanh bình, không mưa gió bão táp một đôi voi đực đang ăn chồi bên bụi cây bỗng nhiên sụt xuống đất. Chỗ đất sụp ấy như một cái hố, sâu quá lưng voi ba bốn thước, rộng đến hơn hai chục thước. Dân chúng chạy ra bới đất cứu được, lại chặt gỗ lớn lót đất cho voi đi, mất một ngày một đêm mới đem được đôi voi lên khỏi hố. Nhưng cả hai con voi ấy đều kinh sợ bỏ ăn uống, chỉ gào rống, mười ngày sau thì chết.
[558] Năm Canh Thân (1680) nguyên thư chép là niên hiệu Vĩnh Trị thứ năm. Sửa lại là Chính Hòa năm đầu.
Đến tháng bảy, trời mưa xuống nước mặn và mưa tro ở hai huyện Vũ Xương, Hải Lăng, lúa má hao tổn cháy khô cả. Năm ấy dân chúng mất mùa đói kém.
Ngày hai mươi hai tháng tám, vào giờ Thân, thình lình một cơn lốc nổi lên phía đông bắc, khắp nơi ào ào rung chuyển ngói bay nhà đổ, núi lở đá sập. Rồi mưa to, sấm chớp đầy trời, không bao lâu nước lũ dâng lên. Một dải đồng ruộng làng mạc từ biển cho đến tận chân núi ngập sâu đến hơn một trượng, đồ đạc của cải bị nước cuốn phăng ra biển. Người vật chạy lên núi tránh lũ nhưng vẫn không khỏi hao tổn nặng nề. Ấy là trời giáng tai ương, vật đã đến lúc tột cùng vậy. Hiền vương bèn sai dựng đàn cầu đảo, sau đó mới được yên tĩnh.
Năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Hòa thứ hai (1681), ngày mười tám tháng hai, trấn thủ đạo Lưu Đồn là tiết chế Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật đột ngột lâm bệnh, thuốc thang chạy chữa không thuyên giảm, bèn sai người về bẩm với vương đình. Hiền vương liền sai người hầu đem lương y ra điều trị. Vương đích thân làm lễ cầu mát xin trời đất thần linh phù hộcho tiết chế tai qua nạn khỏi. Nhưng bệnh tình của Chiêu Vũ vẫn không đỡ. Đến hạ tuần tháng ấy, biết số trời sắp hết, Chiêu Vũ đang nằm trên giường bỗng xoa tay vỗ chiếu than rằng:
- Chiêu Vũ này bình sinh chỉ mong giúp chúa Nguyễn diệt trừ nghịch đảng họ Trịnh tiếm đoạt ở Bắc Hà, khuông phò cơ nghiệp nhà Lê để xã tắc được yên bình, rạng công danh với đời trước, tỏ sự nghiệp với đời sau. Nhưng số trời đã hết, biết làm sao được!
Nói đoạn tự cầm bút viết khải văn, sai người về triều dâng lên Hiền vương. Vương nhận tờ khải mở ra xem. Khải văn viết:
“Thần Chiêu Vũ đắc tội, trăm lạy dâng khải lên thánh thượng vạn vạn tuế. Thần cảm ngộ ơn đức thánh thượng, được tin yêu trọng dụng hơn người. Chức tột cao lạm giữ, danh cha mẹ hiển vinh. Thần một chí báo đền ơn nước, những mong giúp cơ đồ Nguyễn chúa, trừ đảng Trịnh phù tá Lê triều, kéo sinh linh ra khỏi cảnh lầm than, cứu trăm họ thoát hàm sói hổ. Nào ngờ thiên vận tuần hoàn, âm dương khó liệu. Bệnh thần khó chữa, Biển Thước bó tay. Ấy là số trời an bài sẵn vậy. Há thần chẳng muốn cùng Thái Sơn, Ngũ Nhạc trường tồn, sánh Hoàng Hà sông kia trôi mãi? Để đạo quân thần toàn vẹn, để lòng trung hiếu chẳng mờ. Ấy ước nguyện của thần, bình sinh mong có thế. Nếu chẳng may cành thu lá rụng, giữa đồng băng tuyết chảy tan, ấy là mệnh vậy, vận vậy. Muôn trông thánh đức minh xét mà tha thứ cho. Nay dâng khải.”
Hiền vương xem xong khải văn, lệ đầm ướt áo, than rằng:
- Tấm lòng của Chiêu Vũ cứng rắn như sắt đá, bệnh tình đã nguy cấp mà vẫn khảng khái như thế. Nếu được trời phù hộ thì không có gì đáng lo.
Nói đoạn vương bèn sai người đem tiền bạc ra đạo Lưu Đồn chăm sóc Chiêu Vũ, lại sai thái y viện phái lương y đem thuốc thang đi điều trị, chữa khỏi tất được trọng thưởng. Chiêu Vũ biết vậy bèn khóc lớn rồi gọi người đỡ dậy, vái vọng tạ ơn Hiền vương. Đến ngày mồng ba tháng ba, giữa tiết thanh minh trời xuân tươi đẹp, các tướng bộ thuộc trong bản doanh đều đến chực hầu trong trướng của tiết chế Chiêu Vũ. Chiêu Vũ biết số trời đã hết, khó gắng gượng được, bèn gọi các con đến bên giường bảo rằng:
- Ta thờ vương thượng tình thân như cha mẹ, ơn sánh non cao, lời nói được nghe, mưu kế được dùng, sự tiếp đãi chưa từng trễ biếng. Ta những muốn khuông phù nhà chúa để thành toàn sự nghiệp trung hưng. Nào ngờ số trời đã định, trăm tuổi khó bền. Các con phải ghi nhớ tuân lời cha dạy, lấy đạo hạnh lập thân, nêu danh với hậu thế. Ấy là con có hiếu vậy. Vả chăng đạo thần tử tất phải lấy trung hiếu làm đầu. Các con phải nên nghĩ kĩ để dạy bảo lẫn nhau. Nếu quên lời cha mà sinh lòng kia khác tất sẽ bị trời, người, quỷ thần tiêu diệt, ta ở dưới suối vàng cũng nhắm mắt không yên.
Các con vái lạy vâng lời. Chiêu Vũ lại bảo đỡ ngồi dậy rồi mời các bộ tướng vào phòng trong. Chiêu Vũ ứa nước mắt nói với các tướng:
- Lão phu này cùng với các ông đều là tâm phúc của triều đình, trong lòng những muốn ra sức báo đáp. Nay lão phu số trời đã hết, không thể nào khác được. Vả chăng ta năm nay tuổi đã gần tám mươi, có gì phải tiếc đời đâu? Chỉ tiếc là không được bái yết tôn nhan của thánh thượng để tỏ bày lời tim phổi cho vẹn đạo quân thần. Mong các ông hết lòng dốc sức phò tá vương thất làm cho ta ở dưới suối vàng ngõ hầu được yên lòng.
Nói xong lại ứa nước mắt, thở dài mấy tiếng rồi mất, thọ bảy mươi tám tuổi. Các tướng trong bản doanh đều đấm ngực gào khóc thương tiếc rồi cùng nhau lo liệu việc tang. Một mặt lập bàn thờ kính tế, một mặt sai người ngày đêm về triều báo tang. Hiền vương nghe tin buồn, bật khóc nức nở, nói với tả hữu:
- Tiếc thay bậc danh tướng của ta, bao năm lao tâm khổ tứ, ra hiểm vào nguy những mong thành toàn sự nghiệp gian nan. Ngờ đâu nửa đường đứt gánh, đau tiếc biết dường nào! Chiêu Vũ dưới suối vàng có thấu hiểu cho lòng ta?
Nói xong lại gào khóc, rồi sai người mang vàng bạc vóc lụa ra phúng điếu, sắc phong làm Tán trị tĩnh nạn công thần, tả quân đô đốc, Chiêu quận công để đền đáp công lao bậc huân thần, cho dùng nghi lễ tước công an táng ở núi Yên Đại thuộc phủ Quảng Bình.
Bấy giờ dân chúng Quảng Bình già trẻ trai gái nghe tin tiết chế Chiêu Vũ qua đời đều khóc thương đau đớn như mất cha mẹ, gọi Chiêu Vũ là “ông Bồ Tát”, trách trời xanh sao không để ông sống lâu thêm nữa. Các tướng ở đạo Lưu Đồn cùng nhau dựng miếu thờ ông ở xã Thạch Xá, gần dinh, bốn mùa thờ cúng.
Nhân sĩ đương thời có thơ than tiết chế Chiêu Vũ như sau:
Uẩn súc trong lòng mấy vạn binh,
Sớm rời hoài bão giữa thanh minh.
Kinh đô chưa thỏa lòng rong ruổi,
Quê cũ còn lưu mãi nghĩa tình.
Chẳng bởi Thuận công vùi tiết lớn,
Tên ghi sử sách sáng cao danh.
Đông Hồi qua đó vạn người hỏi,
Phụ lão đều phô Đốc chiến thành.
Tháng năm năm ấy, Hiền vương ngự giá đến chỗ đào kênh ở xã Trung Đan. Kênh đào xong, vương đi thuyền ngự về đến phủ Lương Phúc thì dừng lại nghỉ rồi dẫn quân theo đường bộ về phủ chính. Đến quán Thanh Kê, vương cho xa giá đi chậm để xem phong cảnh dân cư. Viên đội trưởng thị nội cưỡi ngựa đi hầu ở sau, thấy đường đi rộng rãi bằng phẳng chợt nảy ý hiếu thắng, bèn bảo quân sĩ hộ giá dừng ngựa, chờ cho xe đi trước khá xa rồi mới thi nhau cưỡi ngựa đuổi theo. Mọi người đều reo cười huyên náo. Bọn họ cưỡi ngựa đua nhau như vậy đã hai ba quãng đường. Hiền vương nghe tiếng ồn ào ở phía sau bèn hỏi người hầu:
- Đội hậu quân có việc gì ồn ào thế?
Người hầu đáp:
- Thưa nguyên súy, đó là do ông đội trưởng thị nội cùng các viên trong đội hộ giá đua ngựa với nhau nên mới reo cười ồn ào như thế.
Hiền vương bèn cho dừng xa giá ở bờ ruộng ven đường, rồi truyền cho đội thị nội đua ngựa cho chúa xem. Viên đội trưởng được lệnh liền hẹn các đội viên dừng ngựa trước quán Triều Tây, chờ hiệu lệnh thì ai nấy ra sức ruổi ngựa về đích ở trường bắn Vạn Xuân. Vương ngự xem rất vui thích, bảo tả hữu:
- Đó cũng là một phép diễn võ. Huống chi ngựa lại là vật cần thiết trong lúc hành binh, người xưa vẫn quen dùng. Cần phải cho luyện tập để tăng thêm binh uy.
Rồi vương truyền cho đắp mở đường rộng từ trường bắn Vạn Xuân đến quán Thanh Kê và đắp hai đài ngự mã để hàng năm đua ngựa. Từ đó các quan văn võ chăm lo lựa chọn thiết kị tuấn mã, tập luyện được nhiều tuấn mã như giống ngựa Ký, ngựa Kỳ, cũng có nhân tài giỏi chọn ngựa như Bá Nhạc, Đổng Quán. Các nước láng giềng biết tiếng chúa Nam đều sai sứ đến tiến cống.
Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Chính Hòa thứ ba (1682), ngày mồng tám tháng sáu, ở xã Yên Ngạn, nguồn Cam Lộ, giữa lúc thanh bình không có mưa gió bão lụt, dân chúng đang vui vẻ làm việc nông, người đi cày ca hát, trẻ chăn trâu thổi sáo trên cánh đồng, bỗng ban đêm nghe một tiếng động lớn nổ vang như sấm nổ rung chuyển cả trời đất, dân chúng lấy làm lo sợ. Sáng ra thăm ruộng mới biết đất sụt thành cái hố rộng hơn sáu bảy trượng, còn sâu thì không biết bao nhiêu; luồng khí đen dưới hố vẫn còn bốc lên trời. Dân chúng thấy sự lạ, chỉ dám đứng từ xa mà nhìn. Trong làng có một gã táo tợn thường chẳng biết sợ hãi, bèn bò đến bên miệng hố thò đầu trương mắt nhìn xuống, thấy trong đám hơi khói lờ mờ vật gì. Bỗng thấy mắt hoa tim lạnh, toàn thân tê dại, mồ hôi ướt đầm lưng áo, gã ta khiếp sợ quay lại bỏ chạy. Từ đó về sau không ai dám đến gần mà nhìn, cũng chẳng biết dưới hố có vật gì kì lạ. Sau ba bốn năm đất vùi xuống lấp tắc nhưng cũng chưa đầy miệng hố.