Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 30 - Phần 2 (Hết)
Tháng tám năm ấy có một ngôi sao đôi phạm vào hai bên mặt trăng, thường cứ lánh theo góc xoay của mặt trăng mà di chuyển, đến hơn một tháng ngôi sao ấy mới mờ hẳn.
Năm Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ tư (1683), trong nước được mùa. Đến tháng ba, Hiền vương cho mở khoa thi chọn kẻ sĩ để tìm người hiền tài. Vương truyền cho các quan tứ trụ và các quan văn làm đề điệu, giám thi. Khoa ấy, hạng chính đồ lấy trúng cách bốn người, hạng hoa văn trúng cách ba mươi hai người, đều được cất nhắc bổ dụng.
Tháng bảy có ngôi sao trắng phạm vào cung mặt trăng, dân chúng phần nhiều đều nói là hoa kết ở mặt trăng, đến tháng chín mới mờ hẳn, người ta không biết ngôi sao ấy chủ về việc lành hay việc dữ? Tháng mười lại có sao Cờ xuất hiện ở phương đông nam, chiếu sáng vào cung Canh, đuôi quay về cung Tân, sắc sao nửa trắng nửa đỏ, dài hơn ba mươi thước, đến tháng chạp mới mất. Năm ấy trong nước bị bệnh dịch, người chết rất nhiều. Hiền vương cho lập đàn cầu đảo với trời đất thần linh, dân chúng mới được bình yên như trước.
Năm Giáp Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ năm (1684), tháng hai, Hiền vương xuống lệnh cho các quan văn võ làm khâm sai đi tuyển duyệt binh dân các nơi ở hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, theo đúng như điển lệ cũ của vương triều. Những người trai tráng khỏe mạnh ở xứ Quảng Nam được tuyển để bổ sung quân số. Lại truyền lệnh cho học trò thuộc hạng chính đồ không phải dự thi ở trường nhiêu học, ai thông hiểu văn chương đều cho dự đại khoa thi hội, người có tài được cất nhắc trọng dụng. Học trò thuộc hạng nhiêu học nghe tin đều kêu ca phàn nàn. Các quan văn võ vào triều xin chúa cứ nên mở kì tiểu thí để vun trồng nhân tài như lệ cũ của tiên vương, nhưng chúa không nghe theo.
Tháng ba, người do thám ở Đàng Ngoài về báo Tây Định vương đã mất, Phú quận công Trịnh Căn kế vị lúc đang đau ốm phải nằm ngự triều mà chấp chính, thiên hạ bàn tán xôn xao. Hiền vương nghe tin muốn cất quân đánh ra thu phục Trung đô nhưng trong xứ năm ấy mất mùa, kho tàng thiếu hụt, bèn bỏ ý định ấy.
Ngày hai mươi bảy tháng năm, sao Thái Bạch di chuyển ngang qua bầu trời. Sao chuyển theo độ số của mặt trời, to bằng cái chén, ánh sáng trắng, đến hạ tuần tháng sáu mới khuất hẳn. Năm ấy sâu chuột phá lúa, mùa màng thất bát, lại thêm dịch tả làm cho dân chúng điêu hao. Trộm cướp sinh nhiều, hổ báo đi từng bầy, dân không dám lên rừng đốn gỗ, phải chịu đói khát nằm chết bên đường.
Lại nói chuyện đông cung thế tử Phúc Mỹ hầu Nguyễn Phúc Diễn thường ngày thương yêu dân chúng, đãi sĩ chiêu hiền, xuất tiền của dựng chùa thờ Phật, cứu giúp kẻ cô quả bần hàn, chăm lo tu nhân tích đức để mưu tính việc lớn. Thế tử biết mẹ đẻ, nguyên phi Chu thị, là người thông minh, có tài ăn nói bàn luận nhưng ít chịu sửa mình giữ đức, thường hay làm những việc độc ác khiến không ít người trong bọn thị tì bị chết oan. Thế tử thường khuyên can nhưng mẹ không nghe, và vì thế lấy làm buồn phiền, ngày quên ăn, đêm nằm lệ trào đẫm gối. Đến hạ tuần tháng chín, thế tử lâm bệnh nặng, chân tay đau buốt, ho mãi không thôi, lương y chạy chữa thuốc men đều không thuyên giảm. Một hôm hầu nằm trên giường vỗ trán than rằng:
- Tiếc cho ta làm thân vương tử mà không lập được công lớn để lại ở đời, thế là uổng mất một kiếp sống. Huống chi tôn mẫu lại tu đức không dày, ta còn biết trông dựa vào đâu?
Nói xong bật khóc nức nở. Hiền vương biết tâm sự con như vậy, ngày đêm thường đến bên giường thăm hỏi bệnh tình, ôm con khóc mà nói:
- Thương cho con ta, nay con ta đã trưởng thành, ta sắp nhường ngôi cho con cầm nắm chính sự, để ta nhàn du sơn thủy vui hưởng tuổi già. Ngờ đâu bệnh tình của con như thế, ta còn biết làm sao! Con nên cẩn thận giữ gìn, chớ nên buồn phiền lo nghĩ để bệnh khỏi nặng thêm.
Phúc Mỹ hầu gắng gượng ngồi dậy lạy tạ vương phụ:
- Thần là phận tôi con, chưa báo đáp ơn của phụ vương mấy. Nay con mắc bệnh nặng, nếu không qua được, tất sẽ không tránh khỏi tội bất hiếu. Xin phụ vương tha thứ cho.
Nói xong khóc nức. Hiền vương đau lòng, nước mắt ràn rụa, đỡ thế tử nằm xuống giường. Thế tử cúi đầu lạy tạ nói:
- Thủ hạ của thần có mấy người đáng kể là có đảm lược, mong phụ vương thu dùng.
Nói đến đây thế tử nghẹn lời, thở dài một tiếng rồi mất, thọ bốn mươi lăm tuổi.
Vương gào khóc đau xót, than rằng:
- Tiếc cho con trưởng của ta là người nhân từ đại độ, biết thương yêu dân chúng, sắp ủy thác cho con nối nghiệp lớn của tổ tiên, nắm giữ việc nước. Con nỡ nào phụ lòng ta mà đi!
Nói xong lại đau khóc thương xót. Các tướng có mặt ai nấy đều bùi ngùi thương tiếc. Vương bèn phong tặng cho thế tử là Tá lí dương vũ công thần khai phụ thượng trụ quốc, chưởng phủ sự, thiếu sư Phúc quận công. Cho theo nghi thức tước công, an táng thế tử ở nguồn núi Trúc Lâm huyện Hương Trà, lại dựng đền thờ ở xã Thế Lại để bốn mùa cúng tế.
Lại nói chuyện Chu thị phu nhân là chánh phi của vương, từ khi vào cung sinh hạ được hai trai một gái. Con gái là Nguyễn Thị Ngọc chết sớm; công tử Hiệp Đức mắc bệnh đậu mùa, mất năm Ất Mão (1675). Nay thế tử Phúc quận công lại qua đời nốt.Chu thị phu nhân vì thế buồn phiền, ngày đêm thương khóc, biếng ăn kém ngủ, hình dung tiều tụy. Phu nhân lại giở chứng hay quên, thường tức giận đòi đánh bọn tì thiếp. Thị nữ không dám đến gần. Hiền vương triệu lương y đến điều trị. Hàng ngày sau khi bãi chầu, vương đều đến ngồi bên giường hỏi han bệnh tình, ôn tồn an ủi. Nhưng bệnh phu nhân ngày càng trầm trọng, thuốc men chạy chữa không khỏi. Đến ngày hai mươi hai tháng mười một, vương vào thăm bệnh, Chu phu nhân tự biết số trời sắp hết, sai người đỡ dậy, cúi đầu ứa lệ thưa với vương:
- Thiếp đội ơn vương thượng yêu mến nhưng chưa từng báo đáp muôn một. Thiếp sinh hạ một gái hai trai, đều đã mất trước cả, thiếp còn biết cậy dựa vào ai? Nay tính mệnh của thiếp cũng như chiếc lá mùa thu, chưa biết rơi rụng lúc nào, vương thượng nghĩ tình tao khang, sau khi thiếp chết, xin thắp cho nén hương đặt ở một góc bàn thờ để lại hậu thế cho thiếp khỏi tủi hổ.
Nói xong, phu nhân lại đinh ninh căn dặn hai ba lần, rồi chắp tay khóc thương đau đớn. Vương bật khóc to, nói:
- Hiền khanh nên giữ gìn thân thể, đừng nói gở làm đau héo lòng ta. Dù mệnh trời khó sức giữ, ta cũng không bao giờ quên lời hiền khanh.
Chu thị phu nhân nghe vương nói xong chắp tay lạy tạ, nước mắt ràn rụa, một lúc sau thì mất, hưởng thọ sáu mươi tuổi. Vương ôm quàng lấy phu nhân, khóc lớn:
- Đau xót hiền khanh của ta, sau này có việc nhà ta biết nhờ cậy vào ai?
Nói xong lại thương khóc thảm thiết. Các tướng đều cúi đầu thương tiếc. Vương sắc phong cho phu nhân là Tân quốc quốc thái phu nhân, cho dùng nghi thức của vương hầu an táng ở đầu nguồn núi xã Kim Vương[559], huyện Hương Trà, cho dựng đền bốn mùa thờ cúng.
Từ khi thái phu nhân Chu thị qua đời, Hiền vương buồn rầu thương tiếc mắt lệ ít khi nào khô, bữa ăn thường bỏ bữa, đêm nằm vẫn đặt chung gối như khi thái phu nhân còn sống, các mĩ nhân trong cung không mấy khi được gần.
[559] ĐNTLTB chép là xã An Ninh.
Người đời sau có thơ bình tán rằng:
Sông nước dài trôi bóng nguyệt tà,
Nhân sinh nào khác giấc Nam kha.
Dặn dò nghẹn giọng cung khuê vắng,
Thương xót ghi lòng năm tháng xa.
Chớ bảo cầu Ô Chức Nữ quanh,
Hãy xem Gác phượng rọi Hằng Nga.
Đã hay thiên mệnh là như thế,
Giá có thuốc tiên liệu có qua.
Các quan văn võ biết tình trạng của vương như thế đều vào triều khuyên giải. Các quan nói:
- Bậc đế vương trị vì thiên hạ thì một lòng lo nghĩ vì thiên hạ, giữ mình lặng rỗng để ngày đêm cùng quần thần bàn luận đạo trí trị, không nên vì tình cảm chốn khuê phòng mà tổn thương đến thánh thể. Huống chi thánh thượng là bậc quân trưởng của một nước mà âu sầu như thế thì trăm họ biết nhờ cậy vào ai?
Vương nghe lời khuyên giải của các quan, từ đó mới chịu ngồi thuyền ngự ra biển câu cá bắt rùa, hoặc du ngoạn các nơi danh sơn săn báo bắt hổ, vừa là để trừ hại, vừa để tập luyện binh phu phòng khi có chiến trận.
Năm Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ sáu (1685), ngày sáu tháng sáu, vào giờ Tuất có ngôi sao băng từ phía đông lướt sang phía tây rồi rơi xuống, sáng rực trời, dân chúng đều trông thấy. Đến hạ tuần tháng bảy, công tử thứ tư là Cương lĩnh hầu hộ giá vương phụ đi xem đua ngựa, khi về doanh trại bỗng nhiên nhức đầu hoa mắt, chân tay đau mỏi không cử động được, thuốc men chạy chữa đều vô hiệu. Vương đến bên giường bệnh thăm hỏi nhưng bấy giờ công tử đã yếu lắm, không gượng dậy được nữa, đến ngày tám tháng tám thì mất. Vương đau đớn thương kh lại càng thêm buồn phiền. Sau khi mất, công tử được phong tôn hiệu là Thuần tín công thần hữu quân phủ chưởng phủ sự, hàm thiếu bảo, tước Cương quận công. Vương cho dùng nghi lễ tước công, an táng công tử ở vườn xã Thế Lại, lại sai lập dựng đền thờ cho vợ con thờ phụng.
Ngày mười ba tháng mười mưa to gió lớn, nước lũ dâng tràn ở đồng bằng ngập đến bốn trăm thước, sau một ngày mới rút hết.
Năm Bính Dần, niên hiệu Chính Hòa thứ bảy (1686) ngày mười tám tháng bảy, giờ Mùi, có luồng ánh sáng trắng khởi từ phương Thìn đến phương Thân, trông tựa như giải lụa, hai bên có viền sáng đỏ, đến giờ Thân mới mất. Đến tháng tám sụt đất ở xã Thượng Độ, huyện Vũ Xương. Đất nứt thành một hố dài rộng chừng bốn mươi trượng, sâu ước hơn một trượng. Tháng mười một, vương xuống lệnh cho quân sĩ đào kênh Hà Kỳ. Vương ngự xa giá đến phủ cũ ở xã An Tân[560] thấy phủ ấy chật hẹp, lại ở gần bờ sông, định chọn chỗ rộng rãi dựng phủ mới để dừng chân khi tuần du, hẹn năm sau sẽ khởi công xây đắp. Rồi vương cho loan giá trở về chính điện.
[560] ĐNTLTB chép tên là xã Tân An.
Lại nói chuyện năm Đinh Mão, niên hiệu Chính Hòa thứ tám (1687), ngày mồng một tháng hai, vào giờ Thân có nhật thực toàn phần, mặt trời tối đen không nhìn thấy, đến giờ Dậu mới sáng lại như cũ. Thượng tuần tháng ba, vương ở trong cung, đêm nằm chiêm bao thấy mình lên chơi trên thiên đình, gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc áo dài đỏ, tay cầm thanh giản báu. Cụ già nói với vương:
- Tướng quân xuống trần thế đã nhiều năm, hưởng phú quý tột bậc, không nghĩ đến chuyện trở về hay sao?
Vương hỏi lại:
- Lão trượng là ai, xin cho biết.
Cụ già đáp:
- Sớm muộn rồi tướng quân sẽ biết, không cần phải hỏi trước.
Nói xong phất tay áo mà đi.
Vương muốn đuổi theo nhưng không kịp. Bỗng tỉnh dậy mới biết là chiêm bao, trong lòng vấn vương suy nghĩ mãi không hiểu ra sao. Sáng hôm sau, vương bèn triệu vệ úy Xuân Đài và thủ bạ Đông Triều vào cung kể lại giấc mộng và hỏi điềm lành dữ thế nào. Thủ bạ Dông Triều đáp:
- Thánh thượng chiêm bao thấy cụ già mặc áo bào đỏ, thần nghĩ đó là Hỏa Đức tinh quân. Còn như câu cụ già nói với vương thượng thì thần trộm nghĩ đó là vị tinh quân truyền mệnh trời cho vương thượng vậy. Vương thượng nên trai giới, lập đàn tạ trời đất xin tăng tuổi thọ để thánh thể được mạnh khỏe lâu dài.
Văn chức Xuân Đài cũng nói:
- Thần nghĩ lời thủ bạ Đông Triều nói là đúng.
Hiền vương nghe xong lặng yên không đáp. Khoảng mười ngày sau, vương cảm thấy tâm thần mệt mỏi, ăn uống không ngon, bèn vời quan thái y vào, thuốc men điều trị. Lại truyền cho các đạo sĩ dựng đàn cầu đảo. Nhưng bệnh tình ngày càng thêm nặng. Vương bèn gọi công tử thứ ba là Hoằng công[561] đến bên giường ngự bảo rằng:
- Từ khi tiên vương qua đời, ta kính vâng ngôi lớn, chỉ một niềm lo lắng không giữ được cơ nghiệp của tổ tông, đêm quên ăn ngày quên ngủ, đau đáu bàn mưu tính việc với các bậc cựu thần để làm sáng tỏ chính giáo, giảm nhẹ thuế khóa cùng hưởng vui với muôn dân trăm họ. Chỉ vì họ Trịnh không cam chịu ai yên ngôi nấy, thường vẫn cho quân xâm phạm xứ Nam ta, khiến ta cùng ba quân tướng sĩ luôn năm phải chịu binh cách mệt mỏi, ra hiểm vào nguy, trải bao gian khổ. May nhờ hoàng thiên phù hộ mới tạm được yên bình như ngày nay. Ta những muốn kén bậc hiền sĩ, dùng kẻ tài năng, ra sức mưu cầu trị bình, ngõ hầu được dân giàu vật thịnh, mưu đồ sự nghiệp dài lâu để ta được thỏa chí! Nhưng mệnh người tại trời, khó mong lâu dài mãi. Sau khi kế vị ta, con nên cùng các bậc huân thần văn võ trù tính việc lợi hại, đồng tâm hiệp sức vượt gian nan, diệt trừ bọn hung đồ gian tặc, thu phục Trung đô, làm vẻ vang sự nghiệp tiên vương. Con không nên tin dùng bọn bất tín bất nghĩa, rào đường rấp lối làm mất chí khí của kẻ hiền. Nếu để mất chí khí của kẻ sĩ thì hỏng việc lớn của quốc gia, biết đến bao giờ mới lập được nền trí trị. Con phải ghi nhớ kĩ lời ta.
[561] Tức Hoằng quận công, sau là quốc công Nguyễn Phúc
Thế tử Hoằng quận công khóc vái nhận vương mệnh.
Ngày mười chín tháng ấy, vương lại triệu các bậc huân thần phụ chính đến giường bệnh căn dặn:
- Ta cùng các khanh như tay chân tâm phúc, cá nước duyên ưa, chí muốn phù Lê diệt Trịnh, dẹp yên loạn nước. Không ngờ giữa đường đứt gánh. Con ta nối ngôi còn nhỏ tuổi chưa am hiểu chính sự, mong các khanh đồng lòng phò tá để lo toan việc nước, mọi người yên lòng khiến quốc gia vững chắc như bức tường thành. Các khanh chớ quên những lời tim phổi của ta.
Các quan văn võ nghe Hiền vương nói xong đều cúi đầu khóc lớn rồi sụp lạy thưa:
- Xin chúa thượng gìn giữ mình rồng, còn nếu số trời đã hết thì bọn thần sẽ xin với thiên đình bớt của bọn thần mỗi người vài năm để tăng thêm tuổi thọ cho thánh thượng.
Hiền vương mỉm cười nói:
- Thọ yểu là do tiền định, chẳng riêng tư một mình ai, có lí nào bớt của người này sang cho người khác. Các khanh có lòng như thế, nhưng số trời không thay đổi được. Các khanh chớ nên đau buồn ủ rũ khiến ta thêm đau lòng.
Hiền vương nói xong im lặng chốc lát rồi mất, thọ sáu mươi tám tuổi, ở ngôi bốn mươi năm.
Thế tử Hoằng quận công đau xót ngã vật xuống đất gào khóc thảm thiết. Các tướng đều ôm lấy nhau mà khóc rồi đem quan tài vàng đến khâm liệm, đưa thi hài vương lên chính điện.
Hoằng quận công và các tướng đến trước linh cữu làm lễ phát tang, truy tặng tôn hiệu là Đại nguyên súy thống đốc chính công cao đức hậu dũng triết vương. Rồi dùng nghi lễ bậc vương an táng Hiền vương ở đầu nguồn núi xã Hải Cát, huyện Hương Trà, dựng miếu bốn mùa thờ phụng. Lại truyền cho các quan văn võ và quân dân trong xứ để tang.
Bấy giờ tướng sĩ ba quân và dân trăm họ khắp hang cùng ngõ hẻm, từ cụ già đầu bạc đến hạng trẻ thơ nghe tin vương mất ai nấy đều khóc thương đau xót, bảo nhau rằng: “Tiếc thay bậc nhân quân sớm trở về trời.”
Bấy giờ các triều thần văn võ cùng họp trước điện. Vương tộc là Đạt Nghĩa hầu đứng dậy nói:
- Phàm nước không thể một ngày không vua. Tiên vương nay đã băng hà, các ông sao không sớm định việc tôn phò thế tử lên kế vị trông coi việc nước để yên lòng dân chúng, còn chờ gì nữa?
Các quan bèn chọn ngày hai mươi bốn tháng ấy triều thần văn võ sẽ đến doanh Tả Thủy tôn lập thế tử Hoằng An hầu Nguyễn Phúc Trăn làm tiết chế thủy bộ chư doanh kiêm thống nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, thái phó Hoằng quốc công lên nối ngôi, tức là Hoằng Nghĩa vương[562].
[562] Hoằng Nghĩa vương: thường gọi là chúa Ngãi (người miền trong kiêng húy chữ Nghĩa nên đọc là Ngãi.
Đình thần văn võ tung hô chúc mừng xong, Nghĩa vương lên ngôi báu.
Vương sai dựng đàn tế tạ ơn trời đất, tôn phong cho các vị linh thần, đại xá thiên hạ, giảm lao dịch, nhẹ tô thuế, mở tiệc mừng lên ngôi. Thăng Quảng Nam doanh trấn thủ Tiến Đức hầu và vương tôn Đạt Nghĩa hầu làm trấn phủ; chưởng cơ đạo Lưu Đồn Đức Thắng hầu làm chưởng doanh; trấn thủ cựu doanh Tráng Lương hầu, trấn thủ doanh Quảng Bình Thân Đức hầu, vương tộc Dương Xuyên hầu, chưởng cơ Bình Lộc hầu, Minh Nghĩa hầu làm chưởng doanh; trấn thủ doanh Bố Chính là Trấn Ninh hầu, vương tộc Cương Lĩnh hầu, cai cơ Tín Nghĩa hầu, Thắng Lâm hầu, Lưu Đình hầu đều được thăng làm chưởng cơ; văn quan là cai bạ, Chiêu Lễ hầu ở doanh Quảng Nam được thăng làm tham khán; đô tri Thế Lộc hầu làm chánh thiêm sự; vệ úy Xuân Đài hầu, làm tham nghị; cai bạ phó đoán sự Cẩm Lĩnh hầu làm tham chính chánh đoán sự; thủ bạ Đông Triều bá làm câu kê kiêm tri. Các quan chức văn võ khác đều được gia phong quan tước theo thứ bậc khác nhau. Các quan đều vái tạ thụ phong. Ngãi vương bèn truyền lệnh cho tham chính Cẩm Lĩnh hầu, tri bạ Đông Triều bá chuẩn cho các phủ thuộc hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa từ năm Kỷ Dậu giảm một nửa thóc thuế cho các ruộng mới khai hoang để dân vui vẻ làm ăn. Muôn dân đều xưng tụng là bậc chúa nhân hậu.
Tháng bảy, vương truyền lệnh lấy phủ cũ làm nơi thờ phụng tiên vương, chọn đất làm phủ mới ở đầu nguồn sông cách phủ cũ hơn năm trăm trượng, lấy núi Ban Sơn[563] làm án, lại đắp đê cơ ở cánh phải để ngăn nước lũ xói bờ.
[563] Ban Sơn: tức núi Ngự Bình ở Huế.
Thế là quân lính, dân phu, thợ giỏi vâng lệnh hưng công xây dựng cung phủ mới quy mô tráng lệ.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Năm Mậu Thìn, niên hiệu Chính Hòa thứ chín (1688), tháng ba, viên đội trưởng Tín Nghị, con của vương tộc Dương Xuyên hầu là người bản tính hung bạo, thô lỗ nhưng lại hiếu sắc, thường chơi bời du đãng, uống rượu, đánh bạc, ham thích đi săn đánh cá, trễ nãi việc hầu triều. Một hôm Tín Nghị[564], cao hứng chèo chiếc thuyền con lên đầu nguồn Hương Trà câu cá. Khi qua lăng Hiền vương, Tín Nghị vẫn mặc áo trắng nghênh ngang ngồi trên đầu mũi thuyền thả neo giữa dòng buông lưới, uống rượu cười nói vui vẻ. Bỗng nghe trong lăng có tiếng quát vang như sấm, Tín Nghị không hiểu duyên cớ ra sao. Tín Nghị sợ hãi bèn cho người lên bờ xem có chuyện gì nhưng chẳng thấy bóng dáng người nào. Tín Nghị càng thêm sợ hãi, vội cho cuốn neo quay thuyền trở về. Được nửa chừng, Tín Nghị thấy tâm thần hốt hoảng, tay chân rã rời, mắt nảy đom đóm, nhìn thấy một tên quân đến trói bắt và nói lắp bắp điều gì đó với mấy người cùng đi trong thuyền. Một lúc sau thuyền về đến nhà. Tín Nghị kêu rống lên một tiếng rồi ngã vật ra chết. Từ đó tin đồn Hiền vương linh ứng truyền lan khắp nơi, ai đi qua lăng đều kính cẩn khom lưng ôm nón.
[564] Tín Nghị: theo ĐNTLTB Tín Nghị là hiệu của Tôn Thất Tín.
Lại nói Ngãi vương từ khi lên ngôi, ý muốn sùng chuộng Phật pháp, bèn lệnh cho đội trưởng Nghị Tín hầu làm hội chủ đốc suất binh dân trùng tu chùa Khoảnh An cho thật tráng lệ.
Năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Khánh Hòa thứ mười (1689), tháng ba, Ngãi vương sai các quan văn võ làm khâm sai đi tuyển duyệt binh dân các huyện trong hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam theo như điều lệ cũ. Nguyên là về thời Hiền vương có lệnh không cho hạng chính đồ, hoa văn được dự thi nhiêu học, việc đó khiến nhiều người trong đám sĩ tử thất vọng, từ đó nho phong có phần suy biếng. Nay Ngãi vương ban lệnh mới cho tất cả sĩ tử, chính đồ, hoa văn đều được dự trường thi nhiêu học để đào tạo nhân tài giúp nước. Nho sĩ khắp nơi trong xứ nghe tin đều rất vui mừng, bảo nhau: “Ngày nay lại được thấy bậc nhân quân sùng nho trọng đạo, phục hưng văn giáo.” Từ đó nho phong lại chấn phát.
HẾT
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Sienna – Lam Sa – trangchic
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)