Từ Hy Thái Hậu - Chương 3 phần 03

Bà nghĩ mối tình ta đối với chàng in sâu trong tâm khảm, âm thầm mà bền vững và chàng sẽ tuyệt đối trung thành với ta. Nghĩ như thế bà thấy tâm hồn thư thái, trở lại bình tĩnh.

Tiếng chuông lại đổ, người lính cầm canh hô to:

- Trời đã sáng, tứ phương vô sự.

Bà ấn định một ngày rất gần để làm lễ thành hôn cho người thiếu nữ Mai.Việc cưới gả này bà muốn càng sớm càng hay. Có một vấn đề cần phải giải quyết, người thiếu nữ này không có nhà riêng, phải cần một nơi trú định ngoài cung điện trong hoàng thành. Bà cho gọi viên tổng quản thái giám đến. Người thái giám này, lâu nay phè phỡn rượu thịt, ăn uống suốt ngày.

Khi người thái giám đến trình diện, bà đang đọc sách, ngước mắt nhìn hắn, bà nói có vẻ khinh bỉ:

- An Đắc Hải, ta xem ý nhà ngươi độ này bê tha quá, ăn lắm uống nhiều, mỗi ngày mỗi mập.

Tên thái giám làm ra nét mặt rầu rầu, thưa:

- Tâu Thái hậu người ta bảo con là cái bong bóng trâu, nếu người ta chọc thủng, nước ở trong chảy ra, chứ không phải mỡ. Tâu mẫu hậu, con bị phù thũng.

Nét mặt bà nghiêm nghị, nghe tên thái giám biện bạch, bào chữa. Việc lớn, việc nhỏ, không có một việc gì qua mắt được bà. Tuy có biết bao nhiêu việc đế lo nghĩ nhưng bà vẫn để ý mọi việc trong nội đình từng chi tiết nhỏ. Bà nói:

- Ta biết mi ăn uống vô độ, độ này lo làm giàu. Mi coi chừng đừng có tham lam, nhớ rằng ta để ý đến hành vi của mi.

Tên thái giám khúm núm thưa:

- Tâu Thái hậu, chúng hạ thần biết không việc gì qua mắt được đức bà.

Hai mắt bà rất nghiêm khắc như nảy lửa, nhìn An Đắc Hải. Tên thái giám cúi đầu không dám ngẩng mặt lên nhìn bà, nhưng hắn biết hiện đang có luồng nhãn quang chiếu vào hắn. Hắn sợ lắm, toát mồ hôi. Thấy tên thái giám đứng khúm núm trước mặt, sợ sệt, mồ hôi nhễ nhại, bà mỉm cười, nói:

- Mi trước kia còn dễ nom, làm kép hát đóng trò, bây giờ người mỗi ngày một béo sưng, bụng phệ, làm sao còn hát lỏng, đóng trò được nữa?

Thấy bà Thái hậu dịu giọng, hắn đã bớt sợ, cười, hắn cũng thích làm kép hát, hắn thưa:

- Xin tuân theo lệnh Thái hậu, con sẽ tự hạn chế việc ăn uống.

Bà Thái hậu đã có vẻ vui vui, nói tiếp:

- Ta cho gọi mi đến đây không phải để nói chuyện về mi. Ta ra lệnh cho mi, lo liệu, xếp đặt lễ cưới cho người thiếu nữ Mai kết hôn với Nhung Lữ viên quản gia ngự lâm quân. Mi cũng biết hắn phải lấy thiếu nữ Mai rheo lệnh của ta.

- Tâu Thái hậu, hạ thần xin phụng chỉ.

Hắn biết hết những gì trong cấm thành. Từ Lý Liên Anh cho đến tên thái giám trẻ nhất, các a hoàn, thị tì, việc lớn việc nhỏ, ai biết tí gì cũng đều đến nói cho hắn biết. Bà Thái hậu nói tiếp:

- Người thiếu nữ đó không có cha mẹ, họ hàng. Ta phải nhận làm họ nhà gái. Với tư cách nhiếp chính. Ta cũng làm đại diện cho ấu đế, nhưng không thể cho đặc quyền như một vị Công chúa, nên ta không thể thân chinh dự lễ. Vậy nhà ngươi đưa thiếu nữ Mai về nhà người cháu ta là quận công Hậu. Nàng được rước đi với tất cả các nghi lễ. Người anh họ ta sẽ đến đó đón dâu.

- Tâu Thái hậu. Thái hậu đã ấn định ngày nào chưa?

- Ngày mai, nhà ngươi đưa thiếu nữ Mai về dinh quận công. Ngay hôm nay hãy đến báo cho cháu ta biết để sửa soạn nhà cửa. Có hai bà cô già tượng trưng cho họ nhà gái. Mi cũng đến báo cho viên quản ngự lâm quân nói ta đã ấn định ngày một là ngày cưới, làm lễ đón dâu. Khi mọi việc xong xuôi hoàn hảo, mi đến nói cho ta biết.

- Tâu Thái hậu, hạ thần xin tuân chỉ thi hành.

Người thái giám khấu đầu lui ra ngoài. Bà lại cúi xuống đọc sách, có vẻ như mải miết đọc dở một đoạn sách, không ngẩng đầu lên.

Hai hôm liền sau ngày hôm đó, bà mải mê đọc sách suốt ngày cho đến đêm khuya. Bọn thái giám phải túc trực hầu hạ, buồn ngủ quá, lấy ống tay áo che mồm, vừa đi vừa ngáp. Bà đọc rất chậm như để hết tâm trí vào trang sách. Bà muốn có kiến văn rộng, nên chọn đọc những sách có đề tài mới lạ, chưa từng biết, bao quát tất cả mọi lãnh vực. Vì vậy suốt hai hôm, trong khi cử hành hôn lễ của thiếu nữ Mai, do lệnh của bà, để không muốn nghĩ đến việc cưới xin đó, bà nghiên cứu đọc một cuốn sách về y học chính pháp.

Nhờ đọc sách, bà biết con người ta có tất cả ba trăm sáu mươi lăm xương, bằng số ngày trong một năm dương lịch, người đàn ông có mười hai chiếc xương sườn mỗi bên, tám dài, bốn ngắn, người đàn bà có mười bốn chiếc xương sườn. Bà biết máu của người chồng, người vợ và con đổ chung sẽ hòa tan, máu của hai người lạ không thể hòa tan được. Bà cũng biết được những cơ cấu bí mật của loài cá.

Suốt hai hôm bà không thể rời khỏi thư viện hoàng gia, ngoài trừ hai bữa cơm và đêm về cung.

Sang sáng ngày thứ ba, Lý Liên Anh đến bá cáo. Ở xa đã nghe thấy tiếng ho của hắn. Bà ngẩng đầu hỏi:

- Có việc gì?

- Muôn tâu Thái hậu, viên tổng quản thái giám đã trở về. Bà gấp sách lại. Lấy chiếc khăn tay lụa gài ở trên vai áo bằng một chiếc khuy ngọc thạch.

- Truyền cho hắn vào hầu.

Viên tổng quản thái giám bước vào là lễ khấu đầu.

- Mi muốn trình gì, nói gì, ra đứng sau lưng ta.

Bà Thái hậu nghe phúc trình của tên thái giám, bà nhìn ra ngoài sân, cửa mở rộng, những bông hoa cúc vàng óng ánh dưới ánh nắng.

An Đắc Hải ra đứng sau lưng bà, tâu:

- Muôn tâu Thái hậu, hạ thần xin tâu trình: Mọi việc được tốt đẹp, hoàn hảo, cuộc nghênh hôn đã được cử hành đúng theo nghi lễ, viên quản ngự lâm quân có cho xe song loan đến đón dâu ở dinh quận công Hậu. Hai bà cô già của quận chúa, theo lệnh Thái hậu có đi phù dâu. Cô dâu lên xe, khóa cửa, kéo rèm che kín. Bọn phu khênh kiệu về nhà viên quản ngự lâm quân. Hai bà già ngồi chung một song loan. Khi đến nhà viên quản ngự lâm quân có hai người đàn bà già họ hàng với chú rể ra đón dâu vào nhà. Viên quản đứng ở ngưỡng cửa với bà con, họ hàng để tiếp dâu vào nhà.

Bà Thái hậu hỏi:

- Người ta có đánh phấn cho cô dâu không?

Tên thái giám vội vàng trả lời:

- Tâu Thái hậu, có. Người ta có đeo trên trên mặt cô dâu tấm mạng trinh nữ bằng lụa hồng, theo tục lệ. Người ta có gài trên mạng che mặt một chiếc yên ngựa bằng bạc, nhỏ xíu. Chiếc yên ngựa kiểu Mông Cổ, chú rể được thừa hưởng của ông cha để lại. Cô dâu vào nhà chồng, bước qua một lò than hồng. Hai vợ chồng quỳ trước bàn thờ, làm lễ cảm tạ trời đất quỷ thần, ông tơ bà nguyệt đã se duyên hai người. Mấy bà già đưa cô dâu vào phòng, đặt cô dâu ngồi trên giường.

- Ai cởi áo ngoài cho cô dâu?

Tên thái giám cười, nói:

- Tâu mẫu hậu, viên quản thái giám, hắn làm chủ nhà.

- Ta biết, tính hắn bướng bỉnh, kì cục lắm.

Tên thái giám nói tiếp:

- Người ta có bưng cho hai vợ chồng mới hai bát rượu nóng có phủ vóc đỏ. Hai người uống rượu, trao đổi chén cho nhau. Xong lễ hợp cẩn, mọi người ra ngồi bàn dự tiệc.

- Tiệc có lớn không?

- Tâu Thái hậu, cũng vừa phải, không sang quá mà cũng không sơ sài quá.

- Rồi lẽ tất nhiên, họ ăn bánh tráng, cháo gà, biểu dương sự trường thọ.

Viên thái giám chờ một câu hỏi thế nào cũng có, việc này quan trọng nhất, ở đâu cũng vậy, dù sang, hèn, ngày hôm nhị hỉ.

Một lúc sau, bà hỏi:

- Thế nào, cô dâu chú rể đã giao hoan chưa?

Bà hỏi câu đó, hạ thấp giọng, tiếng nói thay đổi khác hẳn trước.

- Dạ, tâu Thái hậu, đã. Con thức suốt đêm đến tảng sáng con ở đến nói cho con biết: Theo tục lệ, đến nửa đêm chú rể đã lấy con dao ở cán cân cắt chiếc mạng trinh nữ. Đến gần sáng, mấy bà già đưa cho chú rể coi chiếc vải đệm ở giường có dây vết máu. Cô dâu còn trinh tiết.

Bà Thái hậu ngồi im. Tên thái giám đằng hắng ho tỏ vẻ đứng chờ lệnh. Bà làm như quên hẳn hắn đứng đó.

- Được rồi mi đã làm đúng lời ta ra lệnh. Mai ta có thưởng.

- Thái hậu nhân đức quá.

Bà ngồi im, mắt nhìn những bông hoa cúc vàng ở ngoài sân. Một con bướm đến đậu trên một cành hoa đỏ, xòe hai cánh vàng. Là điềm tốt hay xấu. Bà sẽ hỏi hội đồng khâm thiên giám, bà nghĩ có lẽ không thể là một điềm cát tường, vì xuất hiện trong lúc bà tan nát cõi lòng. Bà thấy vô cùng đau đớn, việc này chính bà tự xếp đặt, tự tạo ra.

Bà đứng dậy, bọn thái giám theo sau, trở về tư dinh.

Từ hôm đó, tất cả mọi việc ý nghĩ của bà đều hướng về con. Người con là niềm an ủi duy nhất để hàn gắn vết thương lòng. Những đêm vắng vẻ, âm thầm, bà trằn trọc trên giường không sao ngủ được, trí tưởng tượng giày vò, bà đến giường con nằm. Bà ôm con sát vào lòng ru con ngủ.

Cậu nhỏ tuấn tú mạnh khỏe, nước da trắng hồng như trứng gà bóc, các thể nữ thường ca tụng: “Cậu này có nước da tuyệt đẹp, trắng nõn, mịn màng như da con gái.” Cậu nhỏ thể chất rất đẹp, trời lại phú cho tính thông minh, đĩnh ngộ. Năm cậu lên bốn tuổi, bà mẹ đã lựa một thầy dạy học. Khi cậu lên năm đã đọc thông, không những chữ Mãn Châu mà còn cả chữ Hán. Cậu cầm cán bút như người lớn, chữ cậu viết đã bay bướm, nét chữ rắn rỏi, mạnh bạo, chắc lúc lớn lên nét chữ tuyệt xảo. Cậu có trí nhớ khác thường chỉ nghe đọc qua một trang sách, cậu nhập tâm, nhớ liền. Bà Thái hậu đã cấm thầy dạy không được khen cậu quá, sợ làm hư nết con trẻ. Bà bảo thầy dạy cậu nhỏ:

- Tôi cấm không được so sánh cậu nhỏ với các trẻ khác cùng lứa tuổi. Chỉ được tùy theo sự chăm chỉ, cố gắng của cậu mà nói cho cậu biết khi xưa, vào trạc tuổi cậu, đức Tiên đế Càn Long học giỏi hơn nhiều.

Tuy bà Thái hậu dặn dò viên giảng huấn dạy dỗ con bà phải khiêm nhường, lễ độ, nhưng chính bà đã tập nhiễm cho con tính nết vô cùng kiêu ngạo, tự cao tự đại. Bà không cho phép viên giảng huấn ngồi trước mặt con bà. Nếu cậu nhỏ tỏ ý ghét vị nào, không thích, bà đuổi vị đó ngay, không cần nghe phân trần, phải trái. Bà đuổi viên giảng sư chỉ nói một câu:

- Đó là theo ý của Hoàng đế.

Tuy được hết sức nuông chiều, sống trong cảnh vương giả, cậu nhỏ vẫn giữ được bản tính rất tốt, nếu không đã bị tập nhiễm thói hư tật xấu. Cậu cho địa vị của cậu là một sự rất tự nhiên, cậu lại có lòng trắc ẩn, từ tâm. Nếu thấy người thái giám bị roi vọt hay con nữ tì bị bà Thái hậu véo tai vì trái ý bà, vương nhi nom thấy động lòng trắc ẩn, òa lên khóc, van lơn mẹ tha tội cho họ.

Thấy con có tính đa cảm, đa sầu, bà Thái hậu nghĩ liệu sau này con có đủ nghị lực, can trường để cai trị một dân tộc vô cùng lớn lao không? Bà yên chí, vì nhiều lúc bà thấy con cũng lên cơn thịnh nộ, phong độ một quân vương. Một hôm bà phải can thiệp xin cho tên thái giám Lý Liên Anh đã làm vương nhi vô cùng tức giận. Ông vua tí hon truyền lệnh cho tên thái giám Lý Liên Anh ra mua một hộp đàn của một hiệu bán đồ chơi ngoại quốc. Tên thái giám được lệnh của bà là nếu vương nhi sai bảo làm bất cứ việc gì, phải đến trình bà, bà có chấp thuận mới được làm. Tên thái giám đến tâu với bà về việc vương nhi sai đi mua một món đồ chơi ngoại quốc, bà gạt đi không cho. Bà nói:

- Ta không muốn cho con ta chơi một thứ gì của ngoại quốc. Nhưng để khỏi làm trái ý vương nhi, mi ra chợ mua mấy con múa rối như con cọp con giống gì khác làm bằng tre phất giấy để vương nhi chơi.

Tên thái giám tuân lệnh ra chợ mua đem về một gói những con vật nhỏ bằng nan giấy xanh, đỏ, nói dối không tìm thấy cửa hàng người ngoại quốc. Cậu nhỏ biết tên này man trá, cậu nổi cơn phong ba, bão táp. Cậu đang ngồi trên chiếc ngai tí hon, đứng dậy hai tay khoanh trước ngực, đi quanh phòng, hai mắt trợn trừng.

- Quẳng đi, mi cho ta là một đứa con nít hả? Lý Liên Anh, sao mi dám trái lệnh Thiên tử? Vì tội khi quân, mi bị tùng xẻo. Quân lính đâu?

Cậu nhỏ nghiệm nghị ra lệnh võ sĩ đem tên thái giám ra pháp trường về tội nghịch mạng Hoàng đế. Các võ sĩ ngập ngừng không dám thi hành ngay mệnh lệnh, phải chờ bà Thái hậu can thiệp để cứu tên thái giám. Bà chạy đến bảo cậu nhỏ:

- Con ơi, con không thể giết một người như thế được. Con hãy còn nhỏ, chưa thể thế được.

Cậu nhỏ trả lời mẹ một cách rất chững chạc, uy nghi:

- Tên thái giám đã nghịch mạng đối với Hoàng đế Trung Quốc.

Bà Thái hậu hết sức kinh ngạc, cậu nhỏ đã biết phân biệt cá nhân của cậu và ngôi vị của cậu. Bà không biết trả lời làm sao. Bà phải tìm lời dịu dàng để cậu nguôi cơn giận.

- Con phải nghĩ đến hậu quả của công việc con làm. Lý Liên Anh phục vụ con rất đắc lực, tên đó rất trung thành, con quên rồi sao?

Ông vui tí hon nhất định không chịu, nằng nặc đòi phải giết tên thái giám, bà Thái hậu không biết làm sao phải ra lệnh cấm đao phủ không được thi hành.

Nhân xảy ra câu chuyện đó, bà Thái hậu nghĩ, con cần phải có sự dạy bảo, phải có một người đàn ông, trong chức vụ người cha để giáo huấn.

Bà không do dự cho gọi Nhung Lữ đến. Theo lệnh bổ nhiệm, bây giờ Nhung Lữ làm quân cơ mật vụ đại thần. Từ ngày hắn làm lễ thành hôn, bà chưa gặp hắn lần nào. Để tránh những con mắt tò mò, bà mặc chiếc áo đại trào, tiếp Nhung Lữ trong điện thiết triều, xung quanh bà có các thể nữ đứng dàn hầu.

Nhung Lữ bước vào, hắn không mặc nhung phục nhưng với phẩm phục một vị đại thần, áo vóc thêu kim tuyến, đi hia nhung, cổ đeo một sợi dây lớn có gắn châu báu, đầu đội chiếc mũ có gắn viên ngọc đỏ. Bà nhận thấy Nhung Lữ lúc nào cũng có một dáng điệu rất phong độ, đường hoàng, dáng dấp uy nghi, chững chạc. Trái tim bà rung rung như con chim bị nắm chặt trong lòng bàn tay. Bà phải cố nén nỗi lòng, những ý nghĩ thầm kín chỉ riêng một mình mình biết, một mình mình hay.

Bà để cho người anh họ quỳ trước mặt, không cho người đến nâng dậy. Bà nói giọng rất thản nhiên, hai mắt có vẻ mệt mỏi, nhưng rất nghiêm nghị. Sau mấy câu khách sáo chào hỏi, bà nói:

- Con ta đã đến tuổi đi ngựa, bắn cung. Ta còn nhớ khanh có tài kị mã và sạ liệp. Ta muốn khanh đảm nhiệm một chức vụ mới: Dạy ấu đế cưỡi ngựa và bắn cung.

Nhung Lữ vẫn quỳ, không ngước mắt lên nói:

- Tâu Thái hậu, thần xin phụng chỉ.

Bà nghĩ thầm nom hắn có vẻ hiên ngang, nét mặt lúc nào cũng rất thản nhiên, không thấy hắn nói ra hay lộ vẻ gì về người vợ mới cưới, hắn yêu đương hay ghét bỏ. Ta càng nghĩ càng thấy đau buồn.

Với vẻ mặt rất thản nhiên bà ra lệnh:

- Bắt đầu từ ngày hôm nay, buổi sáng ấu để học chữ do giảng sư đảm trách. Buổi trưa và chiều khanh luyện cho con ta học cưỡi ngựa và bắn cung. Hàng tháng, ta tự kiểm điểm lấy sự tấn bộ về hai môn học đó và xem xét cách thức khanh dạy bảo.

- Hạ thần xin tuân lệnh.

Từ ngày đó buổi sáng cậu nhỏ học các giảng sư, đến quá trưa cậu nhỏ đến với Nhung Lữ.

Một người như Nhung Lữ hình vóc dũng sĩ, phải tốn bao nhiêu tâm trí, công trình khó nhọc để huấn luyện một thằng nhỏ. Thấy thằng nhỏ cưỡi ngựa, phóng chạy như bay, chưa biết sợ là gì, người dũng sĩ lo ngại sợ xảy ra chuyện chẳng lành. Cậu học trò vương giả này có con mắt nhìn rất chính xác, cánh tay cứng rắn, có thể trở thành một người thiện xạ. Khi bà Thái hậu có các thể nữ đi tháp tùng đến xem xét việc tập luyện của con, bà sung sướng khi thấy con tập luyện rất tiến bộ.

Mối tình liên lạc giữa bà Hoàng Thái hậu, ông thầy dạy võ và cậu học trò võ mỗi ngày một thêm khăng khít. Bà tỏ lời khen ngợi rất khiêm nhường:

- Con tôi tập luyện tấn tới, cái đó là lẽ tự nhiên không có gì lạ.

Trong lòng bà vừa đau buồn vừa sung sướng, song bà không phát lộ trên nét mặt. Bà thấy hai người được gần gũi, khăng khít như hai cha con.

Một hôm, Cung thân vương vào bệ kiến, tâu:

- Tâu Thái hậu, hạ thần cho triệu thỉnh về kinh hai vị tướng: Trương Quế Phân và Lý Hồng Chương.

Theo lệ thường như mọi ngày, lúc đó bà Thái hậu sắp ra xạ trường cùng với đoàn thể nữ. Bà nghe Cung thân vương đến tâu, bà đứng dừng lại ở ngưỡng cửa phòng tiếp tân. Thân vương là người duy nhất được bà nói chuyện trực tiếp, đối diện, vì thân vương là bào đệ của cố Hoàng thượng. Tuy vậy bà giận lắm vì thân vương đã tự ý đến, không có lời bà triệu thỉnh. Không có một người nào dám tự tiện làm như vậy.

Bà cố nén sự bực tức, dáng điệu uy nghi, bà quay trở lại, lên ngồi trên ngai. Với tư cách Hoàng Thái hậu, kiêm nhiện quyền nhiếp chính vương, bà muốn thân vương phải đứng dưới. Khi thấy thân vương, không có lệnh của bà, tự tiện đến ngồi ở cạnh ngai phía tay mặt sau khi đã làm lễ khấu đầu, bà tỏ vẻ lạnh lùng, ngồi im không nói, vì không tiện nhìn vào thẳng mặt thân vương, bà nhìn chiếc khuy áo bằng ngọc xanh ở cổ áo thân vương.

Thân vương không chờ Thái hậu nói, ông đã lên tiếng trình bày mục đích cuộc hội kiến.

- Tâu Thái hậu, nếu là việc thường có thể giải quyết được một mình, hạ thần không dám đến làm phiền Thái hậu. Hàng ngày hạ thần nhận được công văn ở miền Nam gởi tới báo cáo về chiến tận chống quân phản loạn.

Bà Thái hậu nói với vẻ lạnh lùng:

- Ta cũng đã rõ về chiền trận đó, nên cách đây một tháng ta đã hạ lệnh cho tướng Trương Quế Phân đổ quân vây hãm Nam Kinh.

Thân vương vô tình không biết bà Thái hậu trong lòng bực tức, ông nói tiếp:

- Tâu Thái hậu, quân ta có bao vây Nam Kinh song bị đẩy lui. Cách đây mười lăm hôm, quân giặc tuyên bố ý định tấn công Thượng Hải. Những nhà buôn lớn ở tỉnh đó, người Hán và người da trắng, lo sợ không tin cậy vào quân đội hoàng triều, đã tự lập quân đội riêng để bảo vệ tỉnh đó.Vì vậy, hạ thần cho triệu thỉnh về kinh hai tướng để trình bày đường lối, kế hoạch đối phó.

Để tỏ vẻ bất mãn, bà nói:

- Thân vương có nhiều sáng kiến.

Câu nói đó làm Cung thân vương hết sức ngạc nhiên. Thường nhật, bà Thái hậu tỏ ra có nhiều thiện cảm với thân vương và thường tán thưởng những quyết nghị của ông. Ông rất trung thành một lòng phục vụ triều đình, tình thế trong nước rối ren, ông đảm nhận rất nhiều trọng trách... Ông nghĩ dù có tài ba thế mấy, bà Thái hậu chỉ là một người đàn bà, mà là một người đàn bà thì không thể điều binh khiển tướng để đương đầu với mặt trận khốc liệt ngày nay đã làm rung chuyển đến nền móng của cả một quốc gia, triều đại nhà Mãn Thanh đang bị đe dọa nghiêm trọng... Quân giặc như vết dầu loang lan tràn khắp các tỉnh miền Nam, bao nhiêu đô thị, quận, huyện bị tàn phá, làng mạc, mùa màng bị đốt cháy, dân cư lầm than, lòng người phân hóa. Nạn nhân của chiến cuộc có đến hàng triệu, suốt mấy năm khói lửa, quân đội hoàng triều xem ra bất lực. Cuộc nổi loạn như một trận cháy rừng không sao dập tắt được. Thấy tình thế, mỗi ngày một trầm trọng, Cung thân vương cho triệu hồi hai tướng Trương Quế Phân và Lý Hồng Chương về kinh để thảo luận đường lối chống giặc. Khi hai tướng tới kinh, thân vương nghĩ sáng kiến này liệu bà Thái hậu có đồng ý không? Trong thâm tâm ông rất ghen tức, bà Thái hậu để ý và tán thưởng những lời bàn bạc của Nhung Lữ, cho là xác đáng, quan hệ. Tuy nghĩ vậy nhưng ông không để lộ ra ngoài. Ông có nghe nói bà rất để ý những sáng kiến của Nhung Lữ. Ông chưa kiểm chứng những lời đồn đó có đúng hay không, chỉ có thể hỏi viên tổng quản thái giám mới biết rõ hư thực.

Ông cố nhịn nhục trước thái độ kiêu hãnh của bà, ông nói:

- Tâu Thái hậu, hạ thần tự biết có lỗi đã đi vượt quá nhiệm vụ. Tuy vậy công việc của hạ thần cũng nhằm để phục vụ hữu ích cho quốc gia và vương triều.

Cái lối tự phụ, tự giải thích ấy, bà Thái hậu ghét lắm. Với một giọng rất lạnh nhạt, bà nói:

- Tôi không nhận lời xin lỗi của ông. Cái đó không cần thiết, lỗi hay không ông tự hiểu.

Thân vương nghe càng thêm kinh ngạc, ông đứng dậy, nghiêng đầu chào, ra đi. Tính ông cương trực, không chịu khuất phục trước người đàn bà tự phụ, tự cao tự đại:

- Thưa Thái hậu, thần xin cáo lui. Xin Thái hậu tha thứ thần đã tự ý đến.

Ông đi ra, dáng điệu hiên ngang, đầu ngửng cao. Bà Thái hậu nét mặt suy tư, nhìn theo. Bà cho hắn đi, lúc nào cần bà cho gọi hắn đến. Bây giờ bà cho hỏi về tình thế miền Nam ra sao, khi đã biết rõ tự sự bà có thể hoặc chấp nhận hay gạt bỏ những lời đề nghị của hắn. Bà sai Lý Liên Anh đi gọi viên tổng quản thái giám An Đắc Hải đến, mắt còn ngái ngủ, lấy ống tay áo che mồm ngáp ngắn ngáp dài. Bà truyền:

- Truyền cho hai viên tướng Trương Quế Phân và Lý Hồng Chương, ngày mai vào chầu ở Long điện. Có thiết triều. Truyền cho Cung thân vương và đại thần Nhung Lữ vào chầu, truyền cho hai người này biết được sự hiện diện của họ vào ngày mai ở Long điện, rất cần thiết.

Cung thỉnh Đông cung Thái hậu đến sớm một giờ hơn mọi khi. Có nhiều việc tối quan trọng cần phải giải quyết.

Bà quay lại bảo Lý Liên Anh:

- Mi ra nói với đại thần Nhung Lữ, hôm nay ta bận không đến xạ trường. Mi thưa với ông để ý cho con ô mã ăn uống đầy đủ. Ta sợ con ngựa đó kén ăn, bất kham.

- Phụng chỉ.

Tên thái giám đi, mấy phút sau trở lại. Bà ngồi suy nghĩ mấy lời nói của Cung thân vương hồi nãy. Bà quay lại thấy Lý Liên Anh đứng khúm núm bên cạnh. Bà quát hỏi:

- Mi muốn gì? Sao cứ đến quấy rầy ta.

- Tâu Thái hậu, ấu đế khóc vì Thái hậu không đến coi chiếc yên mới. Cố vấn đại thần cung thỉnh Thái hậu quang lâm.

Nghe tên thái giám tâu, bà đứng dậy liền, bà không muốn cậu con “cưng” của bà khóc. Đoàn thể nữ tháp tùng bà đi thẳng ra xạ trường.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3