Từ Hy Thái Hậu - Chương 3 phần 04
Cậu nhỏ rất đẹp, vóc người vạm vỡ hồng hào, thật đúng là con nhà nòi. Bà Thái hậu đứng lại ngắm con trước khi cậu nhỏ nom thấy bà. Cậu ngồi ngay ngắn, chiễm chệ trên chiếc yên mới bằng da màu hung hung. Chiếc yên đặt trên tấm nệm bằng da đen, có thêu nhiều màu sắc. Con ô mã cao lớn, hai cẳng chân ngắn của cậu nhỏ xoạc ra, đầu đội mũ, hia nhung, mũi hia đính ở gót bằng vàng, mới chấm chiếc bàn đạp. Một chiếc đai nạm ngọc thắt ngang chiếc áo ngoài màu đỏ, chiếc áo xẻ ra hai bên để lộ chiếc quần màu vàng tươi. Cậu nhỏ chuyện trò rất vui vẻ với Nhung Lữ, tiếng nói trong trẻo, hai người quay mặt vào nhau, có vẻ rất âu yếm thân mật. Thốt nhiên, nhác nom thấy mẹ, ấu đế reo lên:
- Má! Má coi chiếc yên Nhung Lữ cho con này.
Bà để ý nhìn chiếc yên, nhận thấy đẹp quá, tình cờ mắt bà gặp mắt Nhung Lữ, bốn mắt nhìn nhau, cảm thông, cùng một ý nghĩ cùng hãnh diện. Cậu nhỏ giơ cao chiếc roi ngựa. Bà hạ thấp giọng, bảo Nhung Lữ:
- Anh có biết hiện có hai vị tướng ở miền Nam lên đây không?
- Tôi có nghe nói.
- Bọn họ định cho các nhà buôn ở Thượng Hải tự lập một đạo quân, đặt điều khiển dưới quyền của ngoại nhân. Anh cho biết ý kiến.
- Công việc cấp thời là diệt trừ phản loạn. Hiện nay chúng ta phải đương đầu với hai mặt trận: Diệt nổi loạn, chống ngoại xâm. Nếu chúng ta đồng thời đánh cả hai, chúng ta bị đè bẹp. Theo tôi diệt phiến loạn trước ngoại xâm sau, như vậy mọi kế hoạch đi đến mục tiêu đều tốt. Khi nổi loạn dẹp xong, chúng ta tập trung hết lực lượng chống ngoại xâm.
Bà gật đầu tán đồng ý kiến đó, mồm vẫn mỉm cười, người ngoài mới nom tưởng bà đang để ý cậu nhỏ cưỡi ngựa, phóng nước đại, chạy trên bãi cỏ.
Nhung Lữ quất ngựa, phi nước đại đuổi theo cậu nhỏ. Bà Thái hậu với các thể nữ đứng ngắm nhìn hai người kị mã, một lớn, một nhỏ. Hai người là niềm thương yêu nhất đời của bà, mối tình đằm thắm, khăng khít, ngự trị trong tâm hồn bà. Người con trai tuy còn nhỏ, song đã tỏ ra mạnh bạo can trường, người kia to lớn, hùng tráng, cả hai ngồi thẳng trên yên ngựa, phóng chạy nước đại. Người lớn quay mặt về người nhỏ, dặn dò, chỉ bảo, nâng đỡ nếu chẳng may cậu nhỏ bị té. Cậu nhỏ, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng, tay cầm cương có vẻ thành thạo. Bà nghĩ: “Con ta thật hùng tráng, uy nghi, đúng tinh tướng một vị Hoàng đế.”
Hai người kị mã dừng ngựa ở bên kia trường đua bà Thái hậu lấy khăn tay vẫy chào, quay gót trở về cung, hàng thể nữ đi sau tháp tùng.
Ngày hôm sau, vừa mới hửng sáng, trời âm u gió lạnh, hai bà Thái hậu đã đến chủ tọa buổi họp cơ mật viện. Qua tấm rèm bằng lụa vàng, ở ngoài không nhìn thấy, hai bà thấy các quan cơ mật, bước vào phòng họp. Cung thân vương lớn nhất đi đầu. Viên tổng thái giám hô to danh tánh mỗi vị trước khi bước vào phòng họp, riêng có Cung thân vương không đợi thái giám kêu to, tự tiện bước vào. Lý Liên Anh cúi xuống sát tai bà Thái hậu mật tâu:
- Tâu Thái hậu, vì tôn uy Thái hậu, hạ thần xin mạn phép tâu trình: Cung thân vương bất chấp lễ nghi triều đường đã tự tiện bước vào không đợi gọi đến danh tánh.
Tên thái giám này đã nhận thấy có những vẻ khác trên nét mặt bà Thái hậu, hắn đã đánh hơi biết có sự thất sủng của thân vương.
Tuy bà Thái hậu làm ra như không để ý lời hắn tâu, song hắn biết bà đã nghe hết. Bà đã ghi nhận điều thất lễ thứ hai của ông hoàng này. Bà không hấp tấp, vội vàng hành động phản ứng ngay, bà muốn chờ xem còn những gì hơn nữa không. Có thể nào thân vương lại là cừu địch của bà. Bà chỉ tin cậy có Nhung Lữ, người này hiện nay đã có vợ.
Bà xua đuổi trong óc những ý nghĩ chia rẽ. Có điều bà lo ngại những âm mưu phản lại triều đình, phản lại bà. Cung thân vương sống ngoài cấm thành, đi lại dễ dàng, muốn đi đâu tùy ý, không như bà bị nhốt trong bốn bức tường thành, giam cầm trong cung điện, lầu son gác tía. Có thể nào thân vương âm mưu sau lưng bà? Hắn nói trung thành, nhưng có gì bảo đảm. Bà nghĩ thế thở dài, cảm thấy cô đơn, vì số phận đã an bài. Bà Đông cung ngồi bên cạnh, lúc nào vẻ mặt cũng như mơ mộng, không để ý theo dõi buổi họp. Bà này ghét nhất phải dậy sớm, mong cho cuộc họp chóng xong để về ngủ lại. Trước đại hội đồng, Cung thân vương quỳ trước ngai rồng trán chạm đất, đọc bản tường trình ông cầm ở tay. Ông đọc to rõ ràng, trịnh trọng, nhấn mạnh từng chữ, từng câu, như ông lần một chuỗi hạt ngọc quý.
Ngồi sau bức rèm, bà Từ Hy nghe đọc, bà cắn chặt môi. Ý bà không muốn nghe Cung thân vương đọc bản phúc trình. Sau bức màn lụa, tiếng nói của bà rõ ràng, lanh lảnh như tiếng chuông đồng:
- Nhị vị, chúng ta muốn được nghe hai vị tướng lãnh trình bày trước ngai rồng.
Cung thân vương đứng dậy nhường chỗ cho tướng Trương Quế Phân ra lạy trước ngai rồng.
Theo niên tuế, tướng Trương được ra trình bày trước, song từ khước:
- Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần xin cho bạn đồng đội tướng Lý Hồng Chương, nhân danh cho chúng hạ thần được tâu trước bệ rồng, vì tướng Lý là tổng trấn ở Giang Tô, đặt đại bản doanh trong tỉnh Thượng Hải. Tuy tướng Lý niên tuế mới có ba mươi chín song là một vị tướng có uy tín, xuất sắc nhất, hạ thần xin mạn phép tâu trình và tiến cử.
Lại một lần nữa, Cung thân vương theo sáng kiến riêng, không đợi lệnh bà Hoàng Thái hậu, ông nói:
- Tướng Lý Hồng Chương tiến lên.
Sau bức màn the, bà Hoàng Thái hậu lòng phẫn nộ lên đến cực độ. Tuy vậy bà cố nén sự uất hận, để chờ cho xong công việc trong nước được giải quyết. Tướng Lý Hồng Chương tiến lên, ra quỳ trước ngai rồng bỏ trống, ông trình bày hiện tình đất nước.
Bà Thái hậu để tâm trí nghe tờ phúc trình của ông. Qua tấm màn the, bà không nom rõ Lý Hồng Chương, nhưng nghe tiếng nói sang sảng, rõ ràng, trang trọng, bà nhận thấy văn từ rất giản dị, chữ dùng rất chính xác. Bà nghĩ người này có thể hữu ích, dùng được, bà cố ghi nhớ trong óc nội dung bản phúc trình. Tuy vậy bà không nói gì, trong lòng còn đang căm thái độ của Cung thân vương.
Sau một phút im lặng, bà đặt một câu hỏi. Tiếng bà đột nhiên phát ra sau bức màn the làm hai ông tướng giật nảy người:
- Hai người quyết định ra sao về bọn đánh thuê, người ngoại quốc tập trung để bảo vệ Thượng Hải?
- Tâu Thái hậu, bọn lính đánh thuê đó được tập luyện thuần thục, mặc dù bọn người đó rất ngạo mạn, kiêu căng, hạ thần không dám từ khước sự trợ giúp của họ. Hạ thần định nhường quyền chỉ huy đạo quân đó cho một người Hồng Mao tên là Gordon.
Tiếng bà Thái hậu sau bức rèm nói ra:
- Ở đây có ai biết tên Gordon không?
Cung thân vương ra nghiêng đầu trước bệ rồng, tâu:
- Tâu Thái hậu, do một sự ngẫu nhiên, hạ thần được biết tên đó.
- Ngẫu nhiên thế nào?
Tất cả mọi người hiện diện lúc đó, đều nhận thấy sự bất mãn của bà Thái hậu qua giọng nói tẻ nhạt, duy có thân vương vô tình không để ý.
- Tâu Thái hậu, khi nghe tin bọn ngoại xâm phá hủy cung điện ở Nguyên Minh Nguyên, hạ thần vội vàng chạy đến để xem có cứu vãn được phần nào chăng. Khi hạ thần tới nơi, ngọn lửa bốc cao lên tận trời, không cách gì đàn áp được ngọn lửa. Hạ thần thất vọng đành đứng nhìn ngọn lửa hoành hành. Tình cờ lúc đó có một người Hồng Mao, cao lớn, nước da xanh, tóc hung hung đỏ, chống chiếc gậy tre, đứng cạnh hạ thần. Hạ thần để ý nhìn, thấy lạ quá, người này vẻ mặt cũng rất đau buồn, trước sự tàn phá khủng khiếp. Người đó đến gần hạ thần, nói tiếng Hán rất thông thạo, tỏ ý rất xấu hổ về người đồng chủng của hắn đã làm những việc quá tàn bạo, đốt phá, cướp bóc. Những tấm gương lớn, đồng hồ, những tấm bình phong bằng ngà voi khảm xà cừ chạm trổ, những súc vóc lụa, xếp thành một đống lớn làm mồi cho ngọn lửa.
- Thôi, im.
Sau bức màn the, tiếng nói nghẹn ngào của bà Thái hậu.
Cung thân vương cố nói:
- Tâu Thái hậu, hạ thần nom thấy một người lính Phú Lăng Sa mua của một tên cướp, với vài đồng tiền, một chuỗi hạt trai của hoàng gia. Ngày hôm sau hắn bán chuỗi hạt đó được mấy ngàn Mỹ kim.
- Im.
Cung thân vương đã nói không chịu thôi, cố nói cho hết:
- Tâu Thái hậu, hạ thần xin được phép nói tiếp:
Hạ thần có hỏi Gordon: “Sao ông không ngăn cản lính tráng của ông để họ làm càn như vậy? “. Hắn có hỏi vặn lại: “Thế tại sao ông vua của anh lại sai một viên tướng đem quân ra đây mai phục, giết mười bốn sĩ quan và binh lính của chúng tôi. Quân đội của chúng tôi không đề phòng, tin tưởng vào lá cờ trắng, biểu hiện cho cuộc đình chiến được cả hai bên thỏa thuận kí kết? “. Tâu Thái hậu hắn hỏi vặn lại như vậy, hạ thần biết trả lời làm sao?
- Im đi.
Bà Thái hậu hét lên, bà đã nhận thấy ý nghĩa bóng bẩy, trách khéo bà. Thân vương cả gan, công khai trách khéo bà đã sai thân vương Sinh, một tướng Mông Cổ đem binh mai phục, đánh úp bọn đại diện ngoại quốc. Bà Thái hậu giận tím gan, cắn môi, ngồi im. Cung thân vương khấu đầu trở về chỗ. Mọi người nín thở, chờ lệnh phát ra sau bức màn the vàng.
- Ta chấp thuận cho tên hồng mao đó phục vụ triều đình.
Tiếng nói của bà trầm tĩnh và cương quyết. Bà nghĩ một lúc nói tiếp:
- Nếu xét ra cần, ta có thể chấp nhận sự trợ giúp của bọn ngoại nhân.
Bà cho bãi triều.
Trở về cung, bà Thái hậu ngồi yên, suy nghĩ, suốt hàng mấy tiếng đồng hồ, không ai dám đến gần hỏi han gì. Bà thấy đáng lo ngại về Cung thân vương, người được bà tin cẩn, bây giờ xem ý có vẻ tự phụ, tự đắc với chức vị. Như thế này có phải một điềm báo vương quyền đến hồi suy tàn mạt vận không?
Bà cố lục lại trong kí ức, những gì đã xảy ra trong năm qua. Bà nhớ ngày 26 tháng tư dương lịch, có trận bão cát lạ lùng, tàn phá cả một vùng rộng lớn. Giữa trưa trời tối đen, rồi nổi lên một trận cuồng phong vô cùng dữ dội, những cột cát cuồn cuộn bốc lên. Con sông chảy dài từ Bắc Kinh đến Thiên Tân dài sáu mươi lăm cây số, ngang sáu thước, sâu ba thước, bị ngập cát, các tàu bè, thuyền ghe như đậu trên đống cát. Trận bão cát kéo dài suốt ba mươi sáu giờ, nhiều người chết, có những người bị gió thổi bay xuống hố chết ngộp, người bị cát làm mù cả hai mắt, người sợ quá hóa điên. Ở trong hoàng cung mới có 3 giờ chiều, đã phải thắp đèn, đốt nến. Có điều kì lạ, giữa hai cột cát, tối đen mù mịt,mặt trời le lói sáng, nền trời vẫn trong trẻo.
Sau cơn bão cát, phải mất hết bao nhiêu ngày để xúc hết những đống cát lớn, quét dọn lại cho sạch sẽ. Hội đồng khâm thiên giám đệ lên ngai rồng bản nhận định, xác định ý nghĩa trận bão cát vừa qua, một điềm tối quan trọng vì sự kiện vừa xảy ra có liên quan đến các vì tinh tú, sẽ xảy ra một cuộc nội loạn lớn trong nước, giết hại nhiều sinh linh. Nhưng sẽ có một vĩ nhân ở phương Tây đến, một vị cứu tinh, ra giúp nước, đem lại thanh bình cho trăm họ.
Nhớ lại điềm trời đã báo trước, bà Thái hậu thấy phấn khởi, vững lòng tin tưởng cuộc toàn thắng đã được tiên tri.
Thắng lợi gì nếu không phải diệt trừ mầm mống cuộc phản loạn ở Miền Nam? Còn tên Gordon ứng vào có người khách lạ ở phương Tây đến? Như thế bà có gì phải lo ngại. Bà tự ý ra quyết nghị cho Cung thân vương hiểu bà có toàn quyền hành động, đứng trên cương vị một nhiếp chính vương.
Bà muốn cho thực hiện ngay đường lối, kế hoạch đã tự vạch ra. Tên thái giám lén vào mật báo: “... Đã hai lần thân vương cung đến yết kiến bà Từ An, có ý chê trách bà quá nhu nhược, khuyên bà không phải phục tòng, khuất phục bà Từ Hy, em họ của bà.”
Tên thái giám có tật xấu, thích xúc xiểm, xúi bẩy, gây oán thù giữa người này người khác. Tuy trên mặt làm ra vẻ bực tức, nhưng trong thâm tâm thích thú bởi chuyện người, châm ngòi chọc tức, có khi gắp lửa bỏ bàn tay. Hắn bảo, thân vương Cung nói với bà Từ An: Nhung Lữ bàn gì, nói gì, bà Từ Hy vẫn để tai nghe, đối với ấu đế, hắn làm như một người cha đối với con. Thiên hạ đồn đại đã lâu, ông không tin, bây giờ ông lấy làm tiếc, thấy nhiều triệu chứng, bắt buộc phải tin.
- Câm ngay mồm.
Bà Thái hậu đang ngồi, nghe tên thái giám mật tấu. Bà hết sức kinh hoàng, việc tối mật của bà bị bại lộ, bà đứng phắt dậy, vạt áo bay tung, hai mắt long lên. Tên thái giám thấy thái độ bà, hắn sợ quá, vội lẩn ngay ra ngoài. Hắn lui ra, trong lòng mừng thầm, hạt giống gây công phẫn, căm thù hắn mới gieo đã phát triển một cách mạnh mẽ.
Bà Thái hậu đến ngay cung bà Từ An, miệng lưỡi ngọt ngào, hàn huyên hết chuyện này, đến chuyện khác, kèm lời phỉnh nịnh. Đang chuyện trò vui vẻ, mặn mà, bà đột nhiên thay đổi nét mặt, giọng nói. Bà bảo bà Từ An:
- Thưa chị, mục đích em đến thăm chị là nhờ chị giúp em một tay để hạ thân vương Cung. Hắn có vẻ kiêu ngạo, lộng quyền, vượt ra ngoài cương vị của hắn. Hắn không còn kiêng dè, ý muốn hạ uy quyền của chị em ta. Em nói thật tình vì chị chứ không phải vì em.
Bà Từ Hy nhận thấy mấy lời đường mật bà vừa thuyết đã cảm hóa được bà Từ An. Vẫn còn cái gì phảng phất từ hồi thơ ấu trong cái thể chất gầy còm, ốm yếu, nét mặt bệnh hoạn đột nhiên ửng hồng.
Bà Từ Hy tiếp tục thuyết phục:
- Em biết trước chị đồng ý với em. Chắc chị cũng nhận thấy bữa hôm thiết triều Cung thân vương đã xấc xược nói trước em, trước mặt đình thần. Càng nghĩ, em càng thấy còn nhiều điều có thể nói là phạm thượng nữa. Hắn tự tiện vào điện thiết triều không cần chờ thái giám xướng danh. Dù hắn có nghĩ đã có công cứu tử tôi, hắn cũng không có thể vượt quá giới hạn, lộng quyền được.
Bà Đông cung cố bào chữa, bênh vực thân vương, nhưng lí lẽ yếu ớt, không đánh đổ được ý kiến của bà Từ Hy. Bà chỉ nhấn mạnh một điểm: Dù sao thân vương tỏ ra rất trung thành.
Bà Thái hậu hỏi vặn lại:
- Hắn chẳng có công cứu tử em là gì?
- Vẫn hay vậy, song không vì thế hắn lộng hành được.
Hai môi đỏ chót của bà Thái hậu bĩu dài, tỏ vẻ khinh bỉ.
- Một người có chí khí rộng rãi có khi nào khoe khoang, kể công lên, công việc, bổn phận mình phải làm. Mà, hắn đã cứu tôi thế nào? Chính tôi hạ lệnh cho hắn đến Nhiệt Hà. Theo chỗ em xét, hắn chẳng có công lênh gì hết.
Bà ngồi im một lúc rồi táo bạo nói thêm:
- Người có công cứu sống em là Nhung Lữ. Chính Nhung Lữ đã nắm bàn thay kịp thời của người cầm con dao đang định sát hại em.
Bà Thái hậu làm như không để ý đối tượng mình ngồi im, bà nói tiếp, hai mắt long lên như nảy lửa, hai tay khua lên một cách hùng hồn:
- Chị có nhận thấy giọng nói của hắn khi nói với chị em mình không? Hắn nói lớn tiếng, cho bọn mình là bọn đàn bà ngu xuẩn không biết gì?
Bà Từ Anh nhếch mép cười, bà nói chua chát:
- Phải, chị đây mới thật là ngu muội. Chị tự biết không cần ai phải vạch mặt.
- Không phải em ngu hay chị ngu, em xin chị đừng nói thế. Mà tỉ dụ, chúng mình có ngu thật hay sáng suốt bọn đàn ông bao giờ cũng có vẻ khinh thị phụ nữ, cho là trí lự thấp kém không bằng họ. Dù có thế ra nữa, thân vương Cung đối với chị em mình cũng phải có lễ độ, chúng mình là nhiếp chính. Thái độ hắn phải khác không thể thế được. Tất cả đình thần đều là đàn ông, có hai chị em mình là đàn bà, chúng mình sẽ chết. Chị giúp em một tay để hành động cho nhất trí, cho kịp thời, để lâu không được.
Trong việc thuyết phục, bà Từ Hy dùng song song hai đòn tâm lí, thỉnh thoảng nhắc đến nhũ danh bà Từ An khi còn nhỏ để gây thiện cảm, mặt khác bà trợn mắt, nheo mày làm ra vẻ dữ tợn, nên chi bà Từ An phải vội vàng chấp thuận.
- Thôi để tùy em, thế nào em cho là phải thì em làm.
Được câu chấp thuận đó, dù có miễn cưỡng, bà Thái hậu đứng dậy, khẽ nghiêng đầu chào, cáo lui đi ra. Các thể nữ bà Từ An đứng xa chỉ lấy mắt quang sát bà Từ Hy từ lúc đến lúc về, không nghe được một lời nào.
Người đàn bà đẹp, gian hùng, gian ác đó làm việc gì không hấp tấp, vội vàng, biết chờ cơ hội cho chín mùi nghiên cứu kĩ càng kế hoạch.
Bà đã chờ ròng rã suốt cả một năm trời tin thắng trận, diệt trừ quân phiến loạn ở miền Nam. Người Hồng Mao Gordon không hấp tấp lâm chiến ngay, ông rất chu đáo, không muốn bị tổn thất dù nhỏ, nên ông yên cứu rất kĩ lưỡng địa hình, địa vật, những vùng phụ cận Thượng Hải để nắm chắc phần thắng lợi. Tuy bà Thái hậu rất nóng lòng, bà cũng cố chờ, không thúc giục để ông Gordon được hoàn toàn tự do hành động.
Thật chẳng may, trong khi Gordon sửa soạn, xếp đặt mọi việc cho hoàn hảo, chu đáo thì có một người da trắng khác, tính kiêu căng, tham lam, lập một đạo quân gồm 2500 người, tuyển mộ thêm vào đó 5000 quân hoàn gia. Hắn muốn lập căn cứ, đặt đại bản doanh ở Đại Tân, một thị tứ nhỏ gần Thượng Hải với mục đích tấn công thẳng Nam Kinh. Mấy ông quan sở tại người Hán, xác nhận với hắn, con hào quanh thành không sâu, nước cạn khô. Người này, ngu quá, nghe nói thế tin liền, không chịu thân chinh đến tận nơi quan sát địa hình, địa thế. Sáng hôm khởi chiến, cuộc tiến quân vấp phải một con hào, bề ngang mười thước, rộng mênh mông, nước ngập lên đến tận bờ và lẽ tất nhiên không có thuyền, phà. Viên tướng chỉ huy bắt quân lính phải qua hào, họ bắc ngang qua hào những chiếc thang tre đem theo để leo lên mặt thành, những chiếc thang được buộc nối tiếp bắc sang hai bên bờ làm như chiếc cầu. Quân lính leo lên đến giữa dòng thang gẫy, chết đuối rất nhiều. Những người không bị chết đuối, bị quân giặc núp trên mặt thành bắn chết.
Tin thất trận đó đến kinh, bà Thái hậu vô cùng phẫn nộ, lập tức hạ lệnh cho tên Gordon đem đạo quân tuyển mộ phản công, chiếm lại Đại Tân bị thất thủ. Gordon muốn công việc ông làm có tính cách đại quy mô, không muốn hạn chế trong một tiểu tiết, phục thù. Vả lại ông là người tính cương cường, không chịu khuất phục ai, ông chưa ra tay cần phải sửa soạn cho thật chu đáo. Mục tiêu của ông là đánh tan sào huyệt bọn phiến loạn, khi đã đánh thì phải toàn thắng bảo đảm chắc chắn. Ông luyện tập binh sĩ dưới trướng lối đánh thần tốc, trực diện, bắt buộc quân thù phải lộ diện chống đỡ và phải bị tiêu diệt. Liên lạc với Lý Hồng Chương, ông tập trung hết lực lượng đánh vào những tỉnh then chốt Trường Sa và Quế Sơn, những thị trấn gần Thượng Hải, rồi lần lần tiến thẳng vào sào huyệt quân giặc.
Cung thân vương vững lòng tin tưởng trước thái độ vui vẻ, niềm nở của bà Thái hậu. Ông tự biết rõ tính nết bà này những chuyện cũ ông quên hết, phần thì công việc đa đoan, ông tỏ ra đối với bà Thái hậu có vẻ hơi suồng sã, những cử chỉ nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể, bà Thái hậu xét nét từng li từng tí nhưng không nói ra. Một hôm thân vương vào bệ kiến, quỳ trước mặt bà, ông đang suy nghĩ một việc quan trọng, ông đang quỳ, tự ý đứng dậy, không cần đợi lệnh. Nhanh như một con cọp cái vồ mồi, bà đứng dậy nhảy chồm lên. Hai lông mày xếch ngược, bà hét ầm lên:
- Thân vương quên rồi hả? Luật lệ và nghi lễ triều đường bắt buộc mọi người phải quỳ trước ngai rồng. Luật lệ và nghi thức đó bảo vệ ngôi chí tôn vì sợ bất thần có sự phản trắc. Sao thân vương tự ý dám đứng dậy trong khi mọi người đang quỳ. Có phải thân vương âm mưu phản nghịch với nhiếp chính vương không?
Bà quay về bọn thái giám.
- Gọi võ sĩ cho ta, bắt Cung thân vương.
Cung thân vương choáng váng, hết sức ngạc nhiên, tưởng bà Thái hậu đùa cợt nên ông chỉ mỉm cười. Các võ sĩ đã đứng vây quanh ông. Ông phản đối:
- Sao lại có thể thế này?... Suốt trong bao nhiêu năm trờị…
Bà Thái hậu không để cho ông bào chữa, bà nói át:
- Không một ai, một người nào, mặc dù đã có bao nhiêu năm phục vụ hay người trong hoàng tộc, không ai có quyền vi phạm luật lệ triều đường, đe dọa an ninh ngôi chí tôn.
Ông nguýt dài bà và để cho bọn võ sĩ dắt đi.
Cùng ngày hôm đó, bà xuống một chiếu chỉ có đóng ngọc tỉ và có câu phê của nhị vị lưỡng cung.
Chiếu chỉ:
... Xét rằng Cung thân vương tỏ ra bất xứng với sự tin cậy của lưỡng cung và lộng quyền tự ý bổ nhiệm các cháu y lên những chức vụ quan trọng.
Thân vương bị huyền chức quân cơ mật vụ và những chức vụ khác trước kia được kiệm nhiệm.
Với tờ chiếu này, lưỡng cung khiển trách nặng nề thân vương có khuynh hướng phản loạn và mưu đồ soán nghịch.
Ngọc tỉ.
Kí tên:
Đông cung Thái hậu Từ An
Tây cung Thái hậu Từ Hy.
Không một người nào dám trực tiếp bênh vực thân vương rất đông người gián tiếp đến nhờ Nhung Lữ can thiệp. Nhung Lữ chưa muốn biện hộ ngay.
Nhung Lữ bảo người đến nhờ ông can thiệp rằng: “Cứ để quốc dân phê phán. Khi nguồn dư luận trong nước xem ra bất lợi, bà ta sẽ rút lại nghị quyết đó. Bà này rất khôn ngoan không bao giờ làm gì trái với lòng dân.”
Mọi người nghe theo, chờ xem phản ứng của quốc dân. Những tiếng bàn tán, xì xào nổi lên trong dân chúng về sự độc tài, bất công của bà Thái hậu đối với em ruột của cố Hoàng thượng, thân vương là lương đống của triều đình, một người hết dạ trung thành. Người ta có nói đến Cung thân vương đã liều mình ở lại kinh thành khi giặc đến, trong khi vua, triều thần, hoàng gia bôn tẩu. Thân vương đã khôn khéo điều đình với ngoại nhân kí thỏa ước hòa hoãn.
Những lời dị nghị trong dân chúng đến tai bà Thái hậu, nhưng bà là như không quan tâm để ý đến. Nét mặt bà rất bình tĩnh, thản nhiên, mơn mởn như một bông hoa sen, nhưng trong thâm tâm bà, bà suy nghĩ, đo lường mức độ uy quyền của bà, bà thấy thân vương chịu khuất phục, không phản khán, than phiền, oán trách nghị quyết của bà. Bà xuống hai chiếu chỉ có mang hai chữ kí của hai bà nhiếp chính. Chiếu chỉ thứ nhất nhằm giải thích cho dân chúng biết luật pháp quốc gia phải áp dụng đồng đều, xử phạt rất nặng cho mọi người coi thường phép nước, khinh mạn triều đình.
Trong tờ chiếu chỉ thứ hai, bà viết:
... Xét ra Cung thân vương đã biết hối cải những lỗi lầm. Lưỡng cung, nhiếp chính vương, hành động với một tinh thần công lí tuyệt đối, định công xét tội, thưởng phạt phân minh. Lưỡng cung không có dụng tâm bạc đãi một hiền thân như Cung thân vương, một lương đống của triều đình.
Nay, Cung thân vương được phục hồi nguyên chức trong viện quân cơ, nhưng bãi chức bí thư của ngai rồng.
Để cảm tạ hoàng ân, lưỡng cung mong thân vương đoái tội lập công, hết lòng phục vụ triều đình và từ nay không còn tà kiến, tà tâm, bỏ lòng ghen tị.
Cung thân vương được phục hồi nguyên chức, trở lại làm việc. Từ ngày đó, phong cách ông thay đổi khác hẳn, ý tứ, dè dặt, không khinh suất như hồi trước.
Như đã được quyết định, bà Thái hậu đưa con bà lên ngôi cửu ngũ để chủ tọa các cuộc thiết triều. Bà đã dạy con tác phong của một vị Hoàng đế. Ngồi trên ngai, đầu phải ngẩng cao, hai bàn tay đặt yên trên hai đầu gối, ngồi im nghe triều thần đọc những sớ tấu, biểu chương. Cậu nhỏ phải ngồi ngay ngắn trên ngai, mặc áo long cổn vóc vàng, thêu rồng ngũ trảo (năm móng), có đính một viện hồng ngọc ở vai áo, đầu đội mũ bình thiên. Về mùa đông dậy thật sớm, về mùa hạ, trời mới tảng sáng, còn tối đất, bà Thái hậu đã đánh thức ông vua tí hon dậy dắt đi, nếu hôm nào đẹp trời, không có mưa gió, đến long điện, nơi thiết triều. Cậu nhỏ, cương vị Hoàng đế, ngồi chễm chệ trên ngai rồng, còn bà Thái hậu ngồi sau bức rèm the vàng, bà ngồi sát gần con để có thể ghé mồm nói sát vào tai con.