Từ Hy Thái Hậu - Chương 3 phần 05
Khi một vị lão tướng hay một vị quan to khả kính, đọc giọng đều đều một tờ sớ dài, ông vua tí hon ngoảnh cổ vào chiếc rèm, khẽ hỏi: ‘Con phải nói thế nào, hở má?”. Ông vua tí hon nhắc lại từng lời một, lời mẹ thổi vào tai.
Cuộc thiết triều có khi lâu hàng mấy giờ liền, cậu nhỏ ngồi mãi, mỏi thấy chán, quên địa vị của mình, quên lời mẹ dặn phải ngồi ngay ngắn, bệ vệ, cậu ngồi mân mê viên hồng ngọc đính trên vai áo hay đưa ngón tay quanh mình rồng uốn khúc thêu trên áo. Tiếng bà mẹ ngồi sau lưng bắt phải ngồi yên.
- Ngồi ngay ngắn. Mi quên mi là Hoàng đế rồi à? Đừng có thái độ như một đứa trẻ tầm thường trong dân dã.
Quen được mẹ nuông chiều, không bao giờ mẹ nói xẵng, bây giờ thấy mẹ có vẻ gắt gỏng, cậu sợ quá, quay lại hỏi:
- Bây giờ con nói thế nào, hở má?
Suốt cả buổi thiết triều, ông vua tí hon chỉ có một câu đó và như một cái máy phát thanh, nhắc lại những câu gì được mẹ thổi vào tai.
Bà Thái hậu, hàng ngày, đọc những tờ trình của viên mảnh tướng Trương Quế Phân, bà thích thú như đọc những lá thư tình. Bà biết kết nạp vây cánh, trọng dụng những người có tài trí, có danh tiếng. Ngoài Nhung Lữ, bà mến chuộng nhất viên tướng này. Không như những người võ biền, ba hoa, khoe khoang, viên tướng này là một nhà nho học, nói ít làm nhiều, mưu lược, văn võ toàn tài. Bà không có cảm tình riêng tư với viên tướng đó, chỉ để ý vào kết quả công việc ông làm, theo dõi trong trí tưởng tượng những nỗi cực nhọc, gian truân, tập luyện, khích lệ ba quân, những sự vui mừng khi thắng thế.
Thấm thoắt, thời gian tang chế cố Hoàng thượng do hội đồng khâm thiên giám ấn định sắp mãn, đã gần đến ngày cử hành lễ an táng. Bà Thái hậu tập trung tất cả thể lực diệt trừ bọn phản loạn miền Nam. Bà muốn công việc đó phải hoàn tất trước ngày cử hành lễ mai táng.
Việc tống đạt thư văn, trên một lộ trình dài sáu trăm cây số, hàng ngày có một chuyến đi, một chuyến về do các bưu trạm phụ trách, chạy bộ hay bằng ngựa, rất hoàn hảo chu đáo.
Hằng ngày, lúc bình minh, một giờ trước khi thiết triều, bà Thái hậu đến lễ ở ngôi chùa trong hoàng thành, bà qùy trước bức tượng đức thiên thủ thiên nhỡn, hóa thân đức Đức Phật Quan Thế Âm, khấn vái kêu cầu, phù hộ cho tướng Trương Quế Phân được toàn thắng, đem vinh quang về cho triều đình, quốc gia. Các sư quỳ lễ trong khi bà đốt nhang, lầm rầm khấn vái, cắm nhang vào lư hương bằng vàng. Lòng thành của bà như được cảm ứng, mùa hè năm sau, tháng sáu âm lịch (tháng bảy dương lịch) đúng ngày 16 dương lịch, tướng Trương Quế Phân đã chiếm được vòng đai phòng thủ Nam Kinh. Khi đã phá vỡ được vòng đai phòng thủ ông cho nổ những địa lôi đặt ở tường thành. Sức công phá rất mãnh liệt, những bức tường thành nổ tung từng khúc, quân lính tràn vào như nước vỡ bờ. Họ thấy cung điện của “Thiên vương"”, có vài chục người cận vệ, cảm tử canh gác. Một trái bom thuốc nổ bắn vào, cung điện bốc lửa thiêu rụi, bọn lính gác ở trong lúc nhúc chạy ra như đàn chuột bị khói. Bọn người này chạy ra bị giết hết trừ có đội trưởng. Theo cung từ của người này, cho biết vua “Thiên vương” đã uống thuốc độc tự tử chết đã hơn một tháng nay, người ta giấu kín, đặt người con lên kế vị, nhưng người con lên kế vị cha cũng đã bị giết.
Bà Thái hậu nhận tờ phúc trình báo tin thắng trận của Trương Quế Phân, bà thảo mấy tờ chiếu bá cáo cùng quốc dân, quân của triều đình đã dẹp tan quân phản loạn miền Nam, thiên hạ được an hưởng thái bình. Bà ra thông tri cho phép mở hội trong toàn quốc ăn mừng thắng trận trong một tháng. Bà cho khai quật mộ của Thiên vương, chặt lấy thủ cấp, cho đem đi bêu khắp các tỉnh trong nước, để làm gương cho kẻ nào có mưu đồ phản nghịch. Bà ra lệnh cho đem nhốt trong ngục thất ở hoàng thành những tên giặc cò sống sót, bọn này bị đem ra xử giảo. Bà tuyên bố sẽ đi cùng với ấu đế đến lễ tạ Trời Phật ở các đền, chùa hoàng gia và các lăng tẩm Tiên đế đã phù hộ cho quốc thái dân an.
Khi Trương Quế Phân về triều, tâu trình lên ngai rồng thái độ lạ lùng và đáng thương của “Thiên vương” do những cung từ của tù binh bị đem ra hành quyết. Thiên vương là một người rất tầm thường, trí óc thấp kém, tính tự hào hay khoe khoang. Đến khi đại sự đã hỏng, tả, hữu, mỗi ngày một thưa thớt dần, hắn tuyên bố: “Đức tối cao có cho ta biết quyết định của ngài. Đức thiên phụ và người thiên huynh Jésus Christ ra lệnh cho ta mang xác phản để trị vì các quốc gia và các giống người trên trần thế này. Ta không sợ một người nào. Các người theo ta nên lập nghiệp lớn hay tùy ý bỏ đi, ta không bắt buộc. Có hàng triệu thiên thần, một đạo quân thiên giới hùng mạnh đến phò tá ta, chiếm được thành tri của ta?”
Tuyên bố huênh hoang trước mặt ba quân, thế mà vào giữa tháng năm âm lịch, thấy tình thế thập phần nguy kịch, vua “Thiên vương” uống thuốc phiện, giấm thanh tự tử. Trước khi chết, ông nói: “Không phải thiên phụ ta đánh lừa ta mà vì ta không vâng lời thiên phụ.” Khi ông chết, xác ông được liệm bằng vóc vàng, thêu rồng, không có quan tài, đem mai táng trong một góc vườn bí mật trong hoàng cung. Bọn đồ đệ của ông định đặt con ông mới mười sáu lên ngôi. Bọn quân lính nghe tin chủ tướng giết chết, họ ra đầu hàng hết.
Trương Quế Phân quỳ trước ngai rồng, cố ấu đế ngự, kể tỉ mỉ từng chi tiết câu chuyện Thiên vương. Sau bức rèm the, bà Thái hậu để tai nghe không sót một câu bài tường thuật. Bà hỏi:
- Xác tên giặc xưng vương đó chưa bị nát à?
- Tâu Thái hậu, thật lạ lùng, họ tẩm bằng chất gì vẫn còn y nguyên. Xác được gói kín suốt từ đầu đến chân bằng một tấm vóc dày đã giữ thịt không bị tan rã.
- Tên đó hình thù thế nào?
- Tâu Thái hậu, hắn cao lớn, đầu tròn và nặng, trán hói, bộ râu bạc. Theo chỉ thị, đã cắt thủ cấp hắn cho đem đi bêu khắp các tỉnh trong nước, còn xác đem hỏa táng trước mặt hạ thần. Hai người em của tên giặc bị bắt sống, suốt ngày kêu Thượng Đế - Cha ơi - Thượng Đế - Cha ơi. Hạ thần nghe thấy nhàm tai, cho đem chém cả hai.
Trước khi chiếc thủ cấp của tên giặc đem đi bêu khắp các tỉnh, thái hậu ngỏ ý muốn được nhìn tận mắt. Bà bảo:
- Đã bao nhiêu năm nay, bọn giặc gây cuộc binh đao triều đình tốn bao nhiêu công của mới tiêu trừ được. Ta muốn được thực mục sở thị, thấy cuộc thắng đó.
Một tên kị mã đem chiếc thủ cấp đó về kinh, đặt trong một chiếc giỏ mây, buộc ở cổ ngựa. Tên kỵ mã giao chiếc giỏ mây gói trong vóc vàng máu me, lấm láp cho thái giám Lý Liên Anh để đem vào trình Thái hậu.
Bà Thái hậu ngự trên ngai cao, truyền cho thái giám đặt chiếc thủ cấp xuống đất và mở ra để bà coi. Bà không rời mắt nhìn chiếc gói bọc thủ cấp, vuông vóc vàng từ từ mở để lộ ra một cảnh tượng hết sức hãi hùng kinh khủng.
Bà ngồi yên, tại vị trên ngai, nhìn khuôn mặt tên giặc hai mắt mở trừng trừng, lúc chết không được vuốt mắt. Khuôn mặt máu me, lấm láp cho thái giám Lý Liên Anh phải đứng gần chiếc thủ cấp cũng thấy kinh rợn. Hắn lẩm bẩm:
- Mặt mày đúng một thằng tướng giặc. Dù có chết rồi nôm vẫn ra thằng giặc.
- Một khuôn mặt khá ngộ nghĩnh, không phải khuôn mặt một tên phản loạn. Thái giám, mi nhận xét không đúng, không phải mặt một tên sát nhân mà một thi nhân đã mất hết lòng tưởng vọng. Người này tự biết cuộc đời sẽ thất bại từ khi mới lọt lòng.
Bà nói xong thở dài, lấy bàn tay che mắt một lúc. Bà ra lệnh:
- Thôi, đem chiếc thủ cấp đưa cho tên kị mã để bỏ trong sọt. Một cuộc lữ hành dài bắt đầu. Trong mỗi đô thị, mỗi tỉnh, mỗi quận huyện, chiếc thủ cấp được cắm trên ngọn một chiếc sào dài, giơ cao cho mọi người được trông thấy. Lâu dần da chiếc thủ cấp khô cong rơi từng mảng thịt, còn lại chiếc sọ trắng hếu. Nơi nào chiếc đầu được bêu, nơi đó thái bình được vãn hồi.
Giặc “Thái Bình Thiên Quốc” đã được diệt trừ, chấm dứt vào năm 1865. Trong mười lăm năm, quân giặc đã tàn phá chín đô thị, giết hại hai mươi triệu sinh linh. Vua “Thiên vương” không lập cơ sở, kinh đô một nơi nào. Với một bọn đồng đẳng đi theo, đi đến đâu gieo sự kinh hoàng đến đó, tàn phá, đốt hết nhà cửa, mùa màng, giết hại dân chúng. Có một số đông người bạch chủng, những ngày mất gốc, như những chiếc bọt bơ vơ giữa biển, cũng a tòng theo bọn giặc. Một số ít theo đạo Gia Tô, tin tưởng vào “Thiên vương” là người đồng đạo với họ, vì “Thiên vương” tuyên bố ông làm theo lệnh của Christ. Bọn người này cũng bị giết chết.
Dẹp xong bọn “Thái Bình Thiên Quốc” quân đội của triều đình, nhờ có sự huấn luyện, tập dượt của Gordon, đã đánh bại hai đám loạn nữa, nhỏ hơn, một đám ở Vân Nam, một ở Thiểm Tây. Bà Thái hậu cả mừng, bao nhiêu giặc đã được quét sạch, dân chúng nơi nơi được hưởng âu ca thái bình. Thế lực, uy quyền của bà như sóng cồn, mỗi ngày một dâng cao… Bà lo củng cố địa vị của bà ở triều đường, bảo toàn an ninh, cường thịnh của triều đại.
Bà Thái hậu không quên công lớn của tên tướng người Hồng Mao Gordon. Trong khi Trương Quế Phân cầm quân đánh chiếm Nam Kinh, tướng Gordon có sự trợ giúp của Lý Hồng Chương và quân đội hoàng gia, tiến quân đội tình nguyện về hạ sông Dương Tử. Nhờ có sự phối hợp của Gordon tấn công hạ du sông Dương Tử nên Trương Quế Phân mới thu được thắng lợi, chiếm được Nam Kinh. Trương Quế Phân đã tâu trình lên ngai rồng sự tán trợ đắc lực đó của ngoại nhân.
Bà Thái hậu muốn được nom thấy người Hồng Mao đó nhưng theo luật lệ triều đường không một ngoại nhân nào được chấp thuận vào bệ kiến. Bà chú ý đọc rất kĩ các tờ phúc trình và lắng tai nghe những lời tâu trình về nguời đó.
Đây, một đoạn văn trích trong bảo phúc trình của Lý Hồng Chương.
“... Sự cương trực, chí cương quyết của Gordon đã tạo nên sức mạnh. Y tuyên bố, có bổn phận diệt tan quân giặc để đem lại thanh bình cho dân chúng. Hạ thần chưa thấy một người nào được như y. Y đã dùng tư sản của y để cải thiện quân đội và giúp đỡ những nạn nhân bị quân giặc cưỡng đoạt tài sản, nhà cửa bị đốt phá.
Quân giặc cũng phải thán phục người đó có một tinh thần chí khí cao siêu và dẫu có thua cũng rất hân hạnh bị thua bởi người đó.
...”
Bà Thái hậu nhận được tờ phúc trình, ân thưởng cho Gordon đệ nhất đẳng huân công và mười ngàn lạng vàng, vì có đại công hợp tác với triều đình dẹp loạn. Nhưng khi những phu khênh lặc lè mười ngàn lạng vàng đến, Gordon lấy gậy đuổi đi, bọn phu ngơ ngác không hiểu thế nào.
Gordon từ khước không nhận vàng, tin đó nhanh như điện bay khắp trong nước. Không ai có thể tin nổi một người có thể khẳng khái từ chối không nhận một số vàng lớn như vậy. Gordon giải thích vì lẽ y từ khước không nhận một ân phẩm lớn lao như vậy. Khi đã chiếm lại được tỉnh Từ Châu, viên tướng Lý Hồng Chương đang say máu về đắc thắng, bao nhiêu quân giặc xin ra đầu thú, ông hạ lệnh giết hết. Gordon đã hứa với họ tha cho mạng sống nếu xin đầu hàng. Khi Gordon biết Lý Hồng Chương đã làm y bội hứa, y như phát điên, Lý Hồng Chương sợ quá phải lẩn trốn về nhà riêng ở Thượng Hải.
Gordon mặt tái đi, hai mắt trợn lên rất dữ, hét lên:
“Không thể nào tao có thể tha thứ cho mày cái tội đó.”
Với một ý chí sắt đá, không thể tha thứ, khoan dung được. Gordon đã viết một lá thư về ngai rồng, lời lẽ rất hiên ngang, mạnh dạn:
... Tổng tư lệnh Gordon rất cảm ơn những ân phẩm của Hoàng thượng gởi cho. Song rất tiếc không thể chấp thuận được vì những trạng huống trong khi chiếm lại đô thị Từ Châu.
Kính cẩn xin Hoàng thượng nhận nơi đây lòng biết ơn và cho phép khước từ tất cả: Huy chương và phẩm vật của Hoàng thượng ban cho.
Gordon
...
Bà Thái hậu đọc lá thư đó trong vườn ngự uyển, bà đọc đi đọc lại hai lần. Bà suy nghĩ lời lẽ viết trong thư. Gordon là hạng người thế nào mà có thể từ chối những ấn phẩm, vàng bạc châu báu, danh vọng, phẩm trật, vì lẽ gì? Lần thứ nhất bà có ý nghĩ, trong đám người man rợ Tây phương, có những người không man rợ, không hung tàn, không vụ lợi. Trong sự yên tĩnh của hoa viên, ý nghĩ đó làm bà hoảng sợ, tâm hồn rung động. Nếu trong hàng ngũ quân thù có hạng người chí khí như vậy, mới thật đáng sợ, bà giấu kín trong đáy lòng sự e dè, sợ hãi đó, như ám ảnh tâm hồn bà.
Bà Thái hậu lưu tướng Trương Quế Phân mấy hôm ở kinh thành, bà phân vân chưa biết quyết định ân thưởng như thế nào cho đích đáng công lớn của hắn. Bà có tính tự cao tự đại, không cần bàn bạc, hỏi han ý kiến một nguời trong triều, từ các thân vương cho đến bá quan. Bà quyết định phong và bổ nhiệm cho hắn chức tổng đốc tỉnh Trực Lệ, dinh tổng đốc đóng ở Thiên Tân. Ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch, bà chủ tọa một đại dạ yến, cực kì long trọng để mừng Trương Quế Phân.
Trương Quế Phân ra trọng nhậm ở Thiên Tân cũng không được yên ổn nhàn hạ. Ông đến tỉnh đó được mấy ngày thì đột khởi một cuộc bạo động, dân chúng nổi lên chống đối các nữ tu sĩ người Pháp. Những nữ tu sĩ người Pháp ở Thiên Tân có mở một cô nhi viện, nhận các con nít bơ vơ, không cha không mẹ, ai đem đến cho viện được thưởng tiền. Những người nghèo khổ, những quân bất lương đi ăn cắp con nít để đem bán cho viện mồ côi. Mấy người tu sĩ thấy có người bán con nít thì mua không hỏi han nguồn gốc. Khi cha mẹ con nít đến đòi con, các nữ tu sĩ không trả.
Chuyện đó đến tai Thái hậu, bà cho triệu thỉnh Trương Quế Phân về triều để chất vấn. Bà hỏi:
- Vì lẽ gì những người ngoại quốc mua con nít người Hán?
- Tâu Thái hậu, theo thiển ý hạ thần, họ mua trẻ nít để cải giáo, theo đạo của họ. Dân chúng ngu muội, mê tín lại hiểu lầm một cách tai hại, họ cho là ma dược của người Tây phương làm bằng mắt, gan, tim người. Để có vật liệu chế biến dược liệu họ mua con nít.
Bà Thái hậu nghe lời tâu, thất kinh, bà hét lớn, hỏi:
- Thật thế à?
Trương Quế Phân vội trấn an:
- Tâu Thái hậu, hạ thần không tin lại có thể thế. Các nữ tu sĩ thường nhặt những đứa trẻ của bọn hành khất, đã gần chết, ở ngoài đường phố hay những trẻ gái sơ sinh con những người nghèo vứt ở ngoài đường. Người ta cứu sống những trẻ nít đó rồi họ cho theo đạo giáo của họ. Những đứa trẻ bất hạnh chết được chôn trong nghĩa trang Gia Tô giáo, đối với họ như thế là một vinh dự.
Bà Thái hậu không biết có nên tin vào lời tâu của Trương Quế Phân không, vì ông này tính dễ dãi, không bao giờ thấy cái gì nguy hại ngay cả với quân thù.
Thật chẳng may cho mấy dì phước, tháng năm năm đó ở viện mồ côi, có nhiều con nít chết. Một bọn người vô lại, những quân bất lương, đục nước thả câu, đi phao ầm lên những nữ tu sĩ đã sát hại vô số con nít của thiên hạ đem đến gửi. Sự căm phẫn nổi lên trong dân chúng các dì phước sợ quá, chấp nhận để các đại diện người Hán đến khám xét các cơ sở của các dì. Viên lãnh sự người Pháp cho việc khám xét là nhục mạ, ông thân chinh đến cô nhi viện, đuổi mấy người Hán đại diện, mặc dù tên cai đoan ở Thiên Tân đã can ngăn ông, sợ sinh ra tai biến hậu quả không lường được. Viên lãnh sự kiêu ngạo không thèm nghe, bắt chính phủ hoàng gia phải gởi một viên quan cao cấp đến tòa lãnh sự. Viên chánh án ở tỉnh cố khuyên dụ dân chúng phải bình tĩnh; nhưng dân chúng trong cơn phẫn nộ kéo ùa ra nhà thờ và cô nhi viện, dọa nạt các nữ tu sĩ.
Viên lãnh sự thấy thế, dại dột chạy vọt ra đường, định đến cứu các dì phước, tay ôm cầm khẩu súng sáu. Dân chúng nhào vô cướp lấy súng, ông bị giết chết, không ai biết ông chết vì sao, vì không nom thấy xác.
Cung thân vương đi cùng với Trương Quế Phân đến Thiên Tân để điều đình việc đó với người Pháp. Một dịp rất may cho triều đình nhà Mãn Thanh, ngay năm đó nước Pháp lâm chiến với Phổ Lỗ Sĩ, không muốn bận rộn về chuyện nhỏ nhen ở hải ngoại. Tuy nhiên bà Thái hậu phải bồi thường thiệt hại cho nước Pháp bốn nghìn lạng bạc là tiền bồi thường dân chúng Trung Hoa đã giết chết một người Pháp và gây sự náo loạn cho nhiều nữ tu sĩ. Trường Hồ, tên cai đoan ở Thiên Tân được lệnh đích thân phải sang Pháp để thay mặt triều đình tạ lỗi với vua nước đó.
Vừa dàn xếp xong vụ lộn xộn ở Thiên Tân, Trương Quế Phân mới nhận được lệnh về kinh vì có công văn ở miền Nam gởi lên báo tin nơi đó lại lộn xộn. Tuy tên tướng giặc vua “Thiên vương” đã bị giết, ở Nam Kinh và bốn tỉnh, tình thế vẫn chưa được ổn định. Dân ở vùng đó cứng cổ, không quy thuận triều đình hay nổi loạn, chúng đã giết viên tổng đốc ở đó. Bà Thái hậu ra lệnh cho Trương Quế Phân phải cấp tốc đến Nam Kinh để thay thế viên tổng đốc đã bị giết chết. Viên lão tướng xin bà Thái hậu xét cho tuổi đã cao, sức yếu, mắt mỗi ngày một kém, xin cho miễn đảm nhiệm một trọng trách. Bà Thái hậu nhất định không nghe, bắt phải tuân lệnh, bà nói: “Dù khanh mục lực, nom không được tường, khanh vẫn có thể chỉ huy được thuộc hạ.”
Ông tâu chưa xử xong vụ viên lãnh sự người Pháp do dân chúng người Hán sát hại.
- Khanh chưa xử bọn sát nhân đó à?
- Tâu Thái hậu, viên quan người Pháp và người bạn của y là viên sĩ quan Nga La Tư muốn cho đại diện họ đến Pháp trường chứng kiến hành quyết. Lúc hạ thần lai kinh, chưa có đại diện của hai người đó. Hạ thần giao cho tướng Lý Hồng Chương đảm trách việc đó. Cuộc hành quyết đã được thi hành ngày hôm qua.
Bà Thái hậu nói:
- Những thầy tu và người truyền giáo ngoài quốc, ý ta muốn cấm chỉ những hạng người này nhập cảnh. Họ là mầm mống sinh nội loạn, làm khó việc trị an. Khi khanh đến trọng nhậm Nam Kinh, khanh phải duy trì một đạo quân hùng mạnh, có kỉ luật nghiêm minh, đề phòng mọi biến cố, vì dân chúng có óc bài ngoại.
- Tâu Thái hậu, hạ thần dự định cho xây đắp chiến lũy khắp dọc sông Dương Tử.
- Những bản hiệp ước Cung thân vương kí với ngoại nhân không có gì quá đáng. Song bọn thầy tu Gia Tô giáo đã quá lợi dụng, họ tự do đi lại khắp nước, họ làm như họ sống trên đất nước họ.
- Tâu Thái hậu, thần cũng nhận xét đúng như vậy.
Viên lão tướng vẫn quỳ trên mấy chiếc gối đệm trên sân rồng. Theo lễ nghi triều đường phải bỏ mũ, để đầu trần, buổi ban mai, giá lạnh đến thấu xương tủy. Ông nói tiếp:
- Tâu Thái hậu, mầm mống những vụ hỗn loạn do bọn thầy tu ngoại nhân gây ra, bọn đồ đệ của chúng hành hạ bạo ngược những người không theo đạo của chúng. Bọn thầy tu bênh vực bọn đồ đệ mà bọn lãnh sự bênh vực bọn thầy tu.
Tâu Thái hậu, năm tới, hạ thần thiễn nghĩ nếu kí hòa ước với nước pháp phải duyệt lại toàn bộ vấn đề truyền giáo.
Bà Thái hậu phẫn nộ, bà nói lớn:
- Ta không hiểu tại sao, một đạo giáo ngoại lai du nhập vào xứ ta, hiện đã có ba đạo rồi?
- Tâu Thái hậu, hạ thần cũng không hiểu tại sao bọn ngoại nhân cố tình truyền bá đạo của họ vào nước mình.
Nhân năm đó Trương Quế Phân làm lễ trương thọ lục tuần, bà Thái hậu mở đại yến khoản đãi ông và tặng ông nhiều phẩm vật quý giá.
Nhờ có uy thế đối với dân chúng, nên khi tướng Trương Quế Phân trở lại nhiệm sở, tổng đốc Nam Kinh, trật tự trong tỉnh được vãn hồi. Việc làm trước nhất của ông là truy tầm thủ phạm đã sát hại vị quan tiền nhiệm, kẻ phạm pháp bị xử tùng xẻo. Phạm nhân bị hành quyết công khai trước công chúng để làm gương cho kẻ nào manh nha phạm pháp. Dân chúng bu lại coi rất đông, đao phủ lấy chiếc dao sắc bén cắt một người sống ra từng mảnh nhỏ, lóc từng cái xương.
Dân chúng đứng xem cuộc hành quyết xong, lặng lẽ trở về, làm công việc hàng ngày như thường lệ. Trên mặt hồ sen có những chiếc thuyền kết hoa, trên thuyền những cô đào non trẻ đẹp, gẩy đàn tì bà, ca hát với khách làng chơi, thưởng ngoạn tìm thú hoan lạc trên mặt nước. Trương Quế Phân sung sướng nhận thấy nếp sống cổ xưa vẫn được duy trì. Ông làm sớ tấu lên triều đình, sau khi dẹp xong loạn Thái Bình Thiên Quốc, trăm họ được an hưởng thanh bình, thạnh trị.
Ông tướng Trương Quế Phân đã leo lên tột đỉnh phú quý, danh vọng, song ông không thụ hưởng được lâu. Sang đầu xuân năm sau, ông được Trời Phật đón đi. Lúc ông đi song loan nghênh đón một vị thượng quan ở Bắc Kinh đến, đem theo tờ mật chỉ của bà Thái hậu, ông có tính khi ngồi một mình thường ngâm đọc những đoạn trong Tứ thư, đột nhiên lưỡi ông cứng đờ. Ông ra hiệu cho quân hầu, quay xe lại, trở về dinh. Ông thấy xay xẩm mặt mày, hai mắt lừ đừ, trí nghĩ lộn xộn, ông nằm liệt trên giường ba ngày liền.
Sau khi bị lên cơn hai lần, ông cho gọi người con trai đến, để ông trối trăng:
- Ta xét mình sắp về suối vàng. Ta chỉ tiếc còn nhiều công việc dở dang, nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Con hãy thay ta tiến cử Lý Hồng Chương lên Hoàng Thái hậu. Ta như bông hồng mai chưa biết tàn úa lúc nào. Khi ta đã về với tổ tiên, nằm trong linh cữu con liệu lo ma chay theo cổ lễ và rước các vị sư về tụng niệm cho ta được siêu sinh tịnh độ.
Người con nghe cha nói, òa lên khóc, bảo cha:
- Con xin cha đừng nói đến chết, con sợ lắm.
Hình như tinh thần ông sáng suốt, sạch sẽ trở lại, ông muốn được khênh ra vườn thưởng ngoạn những cây đào đang trổ hoa. Lúc ở vườn, ông lên cơn một lần nữa, nhưng ông không muốn về nằm trên giường. Ông sai khênh ông ra công đường đặt ông lên ngai rồi ông từ trần.
Khi ông viên tịch, trong thành phố xôn xao, bàn tán về hiện tượng có một ngôi sao đổi ngôi, dân chúng sợ điềm bất tường, sẽ có tai biến gì chăng. Ông mất đi, dân chúng vô cùng thương xót, mến tiếc ông như người bà con, họ hàng thân thích.
Hai hôm sau, Thái hậu mới nhận được hung tin, bà âm thầm khóc một vị công thần, một lão trượng có công lớn với triều đình. Bà xuống chiếu, toàn quốc thọ tang ba ngày và mỗi tỉnh cho xây một ngôi đền thờ ông như một vị khai quốc công thần, toàn quốc ghi ơn ông đã đem lại cho toàn dân an lạc thái bình.
Chiều ngày hôm sau, bà cho mời Nhung Lữ vào bệ kiến.
- Khanh nghĩ sao về lời di tấu của Trương Quế Phân xin tiến cử Lý Hồng Chương, để thay thế chức tổng đốc ở Thiên Tân?
- Tâu Thái hậu, hạ thần nghĩ Thái hậu có thể dùng Lý Hồng Chương tuy hắn là người Hán. Viên tướng đó rất trung thành, mưu lược, học thức. Thái hậu có thể tin cậy được, hắn là một trung thần đối với ngai rồng.
Bà Thái hậu nghe lời tâu của Nhung Lữ, bà suy nghĩ, hai mắt nhìn thẳng vào người anh họ, bà nói:
- Chỉ có anh, tôi không thấy xin ân thưởng, anh đã giúp tôi rất đắc lực.
Nhung Lữ vẫn quỳ trước mặt bà, bà lấy chiếc quạt gấp lại, khẽ vớt trên vai hắn, bà nói tiếp:
- Anh phải thận trọng, chăm nom sức khỏe. Nội bá quan, văn võ, tôi tin cẩn, mến nhất có Trương Quế Phân và anh. Trương Quế Phân nay đã ra người thiên cổ. Tôi nghĩ mà lo sợ thiên uy phẫn nộ, lấy hết những người trung tín rường cột của triều đình.
- Tâu Thái hậu, đối với hạ thần, Thái hậu bao giờ cũng thế, từ ngày còn thơ ấu.
- Anh đứng lên... đứng lên, ngẩng mặt ta coi.
Nhung Lữ đứng dậy, người rất mạnh mẽ, cường tráng, rồi bốn mắt nhìn nhau một lúc.
Mùa thu năm sau, tòa khâm thiên giám chọn và ấn định ngày lễ quy lăng cố Hoàng thượng. Từ ngày vua băng hà. Linh cữu có khảm các ngọc quý, quản ở một ngôi chùa trong cấm thành. Để tỏ lòng tin cẩn, bà Thái hậu giao cho Cung thân vương thu thập những tài nguyên trong nước để xây cất lăng tẩm, công việc xây cất hết năm năm mới xong. Cung thân vương phụng chỉ không phản đối, than phiền đảm nhận một công việc rất nặng nhọc và rất tế nhị, vì những tỉnh miền Nam, xưa nay có tiếng là trù phú nhất trong nước, đáng lí phải gánh vác một phần lớn nhưng suốt trong mấy năm qua, bị chiến tranh, loạn lạc bây giờ xác xơ, không thể cung cấp được phần do triều đình ấn định. Để có một ngân khoản mười triệu nén bạc, Cung thân vương phải cưỡng chế đặt ra một thứ thuế đánh trên khắp các tỉnh trong nước, các đoàn thể, hiệp hội, thuế đánh vào tất cả các công dân, các quan lại ở tất cả các phẩm trật, từ những thượng thư, thân vương, tổng đốc, tuần vũ, thái giám và cả những người đi thu thuế.