Từ Hy Thái Hậu - Chương 4 phần 02
- Tâu Thái hậu, hạ thần hôm nay đến để khấn cầu uy quyền của Thái hậu giúp đỡ cho Đông cung Thái hậu Từ An vì buồn phiền quá mà sinh bệnh.
- Buồn phiền chuyện gì?
- Tâu Thái hậu, hạ thần không biết. Thái hậu có rõ thái giám Lý Liên Anh càng ngày càng lộng hành, ngạo mạn. Hắn tự phong cho hắn là “Cửu thiên tướng công”. Ngày xưa, dưới triều nhà Minh đã có một tên thái giám cũng tự xưng như vậy. Lý Liên Anh tuyên bố chỉ kém hoàng đế có một bậc, hoàng đế vạn niên, còn hắn cửu thiên.
Bà Thái hậu cười nhạt, nói:
- Ta có trách nhiệm về những tiếng xưng hô của bọn thuộc hạ đối với người cai quản chúng sao? Công việc nội đình, thái giám thay ta trông nom coi sóc. Đó là bổn phận của hắn, ta không thể nào kiểm soát, kiểm điểm những chuyện nhỏ nhen, ta phải gánh vác, lo toan bao nhiêu công việc trọng đại trong cũng như ngoài nước. Phàm giả người nào cai trị giỏi cũng bị người ta ghen ghét.
Cung thân vương khoanh tay, mắt nhìn xuống, mím môi.
- Tâu Thái hậu, nếu bọn thuộc hạ than phiền, hạ thần không dám đến tâu ở ngai rồng. Nhưng người bị tên thái giám tỏ vẻ xấc láo, vô lễ, hống hách, lộng quyền là bà đồng nhiếp chính, bà Đông cung Thái hậu.
- Thật thế à? Sao bà đồng nhiếp chính không thấy than thở gì với tôi? Tôi thiếu bổn phận thế nào đối với bà ta? Nếu tôi đảm nhiệm tất cả trọng trách về công việc quốc gia là tôi nghĩ không muốn để bà ta lo lắng quá vì sức khỏe yếu kém. Tôi đã tự bắt buộc lo toan hết mọi việc cho bà ta. Nếu bà ta than phiền tôi, dù gián tiếp hay trực tiếp là tùy ý.
Bà giơ cao tay bàn tay mặt lên, đuổi thân vương ra. Thân vương lủi thủi đi ra, nghĩ nói không những chẳng ăn thua gì, bà ta còn oán thù.
Ngày hôm đó, đối với bà Thái hậu là hỏng cả một ngày. Bà không thấy hứng thú đi dạo chơi trong vườn, tuy rất mát trời, nhờ có cơn dông mới đây, nền trời trong trẻo, ánh nắng chan hòa. Bà đến một cung thật xa, ngồi một mình trong đó. Về tình ái bà không mơ mộng đến nữa, bà chỉ thấy lòng mang mác, lo sợ. Bà không muốn từ nay có người nào than phiền đến bà, hay những người hầu hạ gần bà. Bà sẽ khóa mồm những người nào hay ca tụng bà. Tuy nghĩ vậy, nhưng bà có lòng thương người nên cũng không hà khắc, nghiệt ngã quá. Bà ở trong cung đi ra có các thể nữ tháp tùng, đến một ngôi chùa, đốt hương ở bàn thờ đức Quan Âm. Bà thâm niệm, khấn vái kêu cầu đức Phật khai thông cho bà hiểu thế nào là hai chữ từ bi, khai thông cho bà Từ An cũng hiểu hai tiếng đó, để bà khỏi phải ra tay sát hại.
Nhờ sự kêu cầu, trong lòng phấn khởi, bà sai người đến Đông cung báo tin cho bà Từ An biết, bà sẽ đến thăm. Bà đến vào buổi chiều, thấy bà Từ An đã đi nằm.
Bà Từ An nom thấy bà, bèn than thở:
- Em ơi! Hôm nào chân không đau mới ngồi được, hôm nay hai chân đau nhức, ngồi không được. Chị đau ở các khớp xương, không sao nhúc nhích được.
Bà Thái hậu ngồi ở chiếc ghế bành lớn đã để sẵn ở cạnh giường. Bà đuổi tả, hữu đi ra ngoài hết để được trò chuyện một mình với bà Từ An. Bà nói chuyện tự nhiên, không khách sáo, như hồi hai người còn nhỏ.
- Chị, em không thể chấp nhận những lời than phiền của chị qua mồm người trung gian. Nếu chị không bằng lòng việc gì, chị đến bảo em, em sẽ tùy theo nếu có thể giúp chị. Em không muốn chị gieo mối bất hòa, lủng củng trong nội đình.
Hoặc giả Cung thân vương mớm lời cho, hay vì sự thất vọng, bất mãn triền miên, không ai có thể đoán được vì lẽ nào. Bà Từ An chống một khuỷu tay nhìn bà Thái hậu vẻ mặt cau có, khó chịu.
- Lan, có lẽ quên rồi chăng? Thực ra ta ở ngôi thứ địa vị cao hơn em. Em chỉ là soán nghịch, không riêng gì mình ta nói. Ta có bạn hữu, người đồng tuế. Em muốn nghĩ gì, tùy em.
Bà Thái hậu vô cùng kinh ngạc, thấy một con mèo ốm nhom đột nhiên biến thành con cọp cái. Bà đứng phắt dậy, chạy đến kéo tai bà Từ An. Bà nghiến răng rít lên:
- Đồ hèn, đồ giun đất, quân vô ơn, ngu xuẩn, tao đối xử với mày thế nào?
Bà Từ An bất chợt bị nắm tai, vươn cổ cắn bà Thái hậu ở ngón tay cái. Bà nghiến răng cắn chặt, không chịu buông ra, bà Thái hậu phải hết sức vạch hàm bà Từ An ra, máu chảy ròng ròng xuống cổ tay dính cả vào chiếc áo cẩm bào.
Bà Từ An nói thêm:
- Ta không hối hận gì. Ta đã mãn nguyện. Bây giờ mày biết tao không phải là không có tự vệ đâu nhé.
Bà Thái hậu lấy chiếc khăn tay lụa gài ở vai quấn ngón tay cái bị thương. Bà đi ra ngoài liền. Ở ngoài, các thể nữ, thái giám kéo đến đầy cửa. Thấy bà đi ra, bọn này dẹp sang một bên, nét mặt người nào cũng có vẻ lo âu. Lúc đó, có ai can đảm cản đường một con cọp cái đang say máu.
Bà Thái hậu trở về tư dinh. Bà ngồi một mình, suy nghĩ, từ chập tối đến đêm, ngón tay đau nhức, bà ôm lên ngực. Bà gõ chiếc chiêng bạc gọi Lý Liên Anh. Tên này nghe thấy tiếng chiêng, vội chạy vào. Hắn đã biết câu chuyện buổi chiều, thế nào cũng có phản ứng khốc liệt.
- Tâu Thái hậu, ngón tay Thái hậu chắc đau lắm?
- Răng con mụ đó có nọc độc như rắn hổ mang.
- Xin lệnh bà cho phép hạ thần trị liệu ngón tay đau. Hạ thần có món thuốc gia truyền, học được của ông chú hạ thần.
Bà giơ bàn tay. Tên thái giám tháo chiếc khăn tay lụa quấn ở ngoài tay, đổ nước nóng vào chậu pha thêm nước lạnh. Hắn rửa ngón tay, lấy khăn lau khô.
- Tâu lệnh bà cố chịu đau thêm một chút.
- Không cần phải hỏi.
Mấy ngón tay chuối mắn của hắn, nhặt một hòn than đỏ trong lò bếp đặt lên vết thương để khử trùng? Bà ngồi yên, không rên la không nhúc nhích. Hắn lại lấy chiếc khăn tay sạch ở trong một chiếc hộp bà chỉ, quấn thật chặt ngón tay bị thương.
- Tâu lệnh bà, lệnh bà dùng chút nha phiến chiều nay cho đỡ mệt. Ngày mai, ngón sẽ khỏi như thường.
- Tốt.
Tên thái giám đứng yên như để chờ lệnh. Một lúc sau, bà nói:
- Khi thấy ở vườn có một ngọn cỏ dại, không thể để được phải nhổ đi.
- Tâu lệnh bà, đúng thế.
- Việc này ta chỉ có thể trông cậy vào một người nô bộc hết sức trung thành, thân tín.
- Tâu lệnh bà, tên nô bộc đó là hạ thần.
Hai người nhìn nhau một lúc lâu như ngầm hiểu ý nhau. Hắn khấu đầu chào, rồi đi ra.
Bà Thái hậu cho gọi bọn thể nữ vào tiêm thuốc phiện. Hút vài điếu, bà lơ mơ ngủ, tâm hồn phảng phất bay bổng.
Ngày mùng mười tháng đó, bà Từ An bị một bệnh lạ phát một cách rất đột ngột, không một ngự y nào có thể cứu chữa. Bà bị đau nội thương, vật vã rồi chết. Một giờ trước khi lâm chung, bà biết thế nào cũng chết, bà còn đủ sáng suốt đọc cho viết mấy lời trối trăng lại.
Di ngôn:
“Tôi tự biết, tuy tôi gầy còm, ốm yếu song cơ thể tôi vẫn điều hòa, tôi ước vọng được sống cho đến già; đột nhiên hôm qua tôi bị một bệnh kì lạ, làm tôi vô cùng đau đớn và tôi biết phải lìa bó cõi trần thế này.
Đêm đã đến, việc cứu chữa cho tôi đã tuyệt vọng. Tôi mới có bốn mươi lăm tuổi. Tôi đảm nhiệm chức vụ nhiếp chính suốt trong hai mươi năm. Tôi được ân thưởng nhiều tước phẩm về tác phong đạo đức của tôi. Làm sao tôi lại sợ chết. Tôi chỉ nguyện một điều trước khi nhắm mắt, hai mươi bảy tháng tang xin rút xuống hai mươi bảy ngày tang để tôi chết được thảnh thơi. Bình sinh, tôi không thích rườm rà, hoa mĩ, tôi cũng xin đám tang tôi được giản dị đến mức tối thiểu.”
Nhân danh bà Thái hậu Từ An (Đông cung Thái hậu) đã quá vãng, Cung thân vương cho phổ biến tờ di ngôn đó. Bà Từ Hy không bình phẩm một lời vì trong tờ di ngôn thấy có chỗ gián tiếp chỉ trích bà về sự xa hoa quá mức. Tính bà thâm trầm, những ai trong lòng hiềm khích, bà biết hết, bà không nói nhưng chôn sâu trong tâm khảm. Một năm sau, trong nước đột khởi tai họa, nhân đó bà quy trách nhiệm hoàn toàn vào Cung thân vương. Quân Pháp chiếm sáu tỉnh ở Bắc Kỳ cho như một chiến lợi phẩm và phá tan những chiếc thuyền buồm của bà sai đi để đánh đuổi quân Pháp. Bà nhận được hung tin, lên cơn lôi đình, thịnh nộ. Tự tay bà thảo một sắc lệnh buộc cho Cung thân vương không đủ khả năng lực nếu không là bội phản. Bà dùng lời lẽ ôn hòa có vẻ khoan hồng, độ lượng song vô cùng nghiêm khắc:
- Sắc lệnh.
Trẫm thừa nhận những công huân Cung thân vương.
Để tỏ lượng khoan hồng, trẫm đã phục hồi tất cả phẩm tước thế tộc và bổng lộc tương xứng.
Chiếu theo sắc lệnh này, Cung thân vương bị truất hết quyền tước và lương bổng.
Khâm thử.
Cùng với Cung thân vương, bà Thái hậu sa thải một số bạn đồng liêu với thân vương. Bà bổ nhiệm Chuân thân vương thay thế Cung thân vương. Bà lựa trong hàng thân vương lấy một số để thay thế số bị sa thải. Những người trong tộc đảng thân vương Chuân rất bất mãn, họ sợ Chuân thân vương được bà Thái hậu phong cho một chức vị cao, sẽ thừa cơ soán nghịch dòng dõi vua Đồng Trị, lập một triều đại mới. Bà Thái hậu không sợ một ai hết. Bà đã trừ khử những người có óc đối nghịch. Bà trở nên kiêu hãnh, vô hiệu hóa tất cả những mầm móng chống đối, mưu đồ khuynh đảo. Tuy vậy bà không muốn người ta cho bà có óc độc tài. Khi viên ngự sử Hàn Sâm gởi tờ trần thuật, nói những quyền hành giao phó cho Chuân thân vương làm lu mờ hội đồng ngự sử, hội đồng này trở nên vô ích, không còn lí do tồn tại. Bà đề cao những khả năng của thân vương, nguyên là phó khâm sai đại thần ở Mãn Châu, hiện giờ tổng đốc Tứ Xuyên. Trong một sắc chỉ, bà cho phổ biến đi khắp nước, bà nói một thân vương cùng huyết thống không nên nắm một quyền lực như Chuân thân vương. Bà biết như vậy nhưng vẫn phải làm. Bà kêu gọi thần dân trong nước phải nỗ lực giúp đỡ triều đình để nước được phú cường. Bà còn nói nhiệm vụ, chức vị của Chuân thân vương chỉ có tính cách tạm thời. Trong tờ sắc chỉ, bà kết luận.
... Hỡi các thân vương và văn võ bá quan phải hiểu nhiều vấn đề trọng đại, trẫm phải liệu lí, giải quyết một mình. Những người trong hội đồng ngự sử đừng có lấy cớ địa vị của Chuân thân vương để trốn nhiệm vụ. Trẫm muốn từ nay, các quan phải tuân theo triệt để những mệnh lệnh của trẫm và không được kêu ca. Với sắc chỉ này, những đơn kêu ca không được cứu xét.
...
Như thường lệ, các sắc chỉ, sắc luật, lời lẽ gọn gàng, giản dị, minh bạch, không có lời văn phù phiếm, rườm rà. Các quan trong triều và các hàng thân vương đọc xong, không ai dám hé răng bình phẩm, người nào cũng có vẻ lo sợ. Suốt trong bảy năm được sự phục tòng tuyệt đối, bà trở thành một nhà cai trị độc tài chuyên chế và cũng là một nữ chúa hào hoa, diễm lệ.
Trong nước thái bình, thịnh trị. Đình thần cũng như hoàng thân cúi đầu tuân theo mệnh lệnh, nên bà ít khi cho thiết triều. Tuy vậy những lễ nghi về tôn giáo bà rất cẩn thận, không bỏ qua một lễ nào và bà biết chiều theo ý dân, nguyện vọng của dân.
Trời cũng chiều lòng, những năm bà cầm quyền, trong nước không có nạn hồng thủy, tiêu khô hạn hán, gió thuận mưa hòa, phòng đăng hoa cốc. Dân được yên ổn làm ăn, không có chiến tranh, giặc giã, những người ngoại quốc sống yên trong các tô giới. Bà dùng chính sách cứng rắn, dân chúng khiếp sợ, không ai dám ho he, xì xào, các quan ngự sử cũng giấu bà những mối lo ngại, không dám tâu lên.
Trong bầu không khí phẳng lặng, yên vui, tứ phương vô sự, bà để thời giờ nhàn hạ để thực hiện mộng tưởng hoàn thành Di Hòa cung. Bà đã bày tỏ cùng quốc dân ý định của bà, nên dân chúng đem cống hiến vàng, bạc; các tỉnh gởi đồ cống hiến gấp bội. Bà xuống chiếu cám ơn thần dân đã gởi phẩm vật cung tiến và giải thích ấu đế vừa là hoàng điệt và nghĩa tử của bà sẽ làm lễ đăng quang khi mười bảy tuổi. Bà sẽ cáo lui, đi dưỡng tuổi già ở Di Hòa cung.
Bà đã khéo che mắt tất cả thần dân trong nước, mộng tưởng xa hoa, lãng phí bao nhiêu tài nguyên, vật lực trong nước. Bà chuyên chú, để tâm thực hiện mộng tưởng, xây cất những cung điện cực kì tráng lệ trong một khung cảnh thần tiên.
Bà đã chọn được địa điểm xây dựng cung điện, bà cho thế là nối chí được các tiên vương. Trong bản họa đồ, có ngôi cổ tự Vạn Phật xây từ đời vua Càn Long. Trong trận tàn phá, quân thù đã để lại không thiêu rụi và những chiếc cao đỉnh bằng đồng không bị làm mồi cho ngọn lửa và còn sót lại chiếc hồ lớn, nước chảy trong xanh. Các cung điện, đền, đài bị tàn phá, bà cho để nguyên đống tro tàn làm kỉ niệm. Những vật kỉ niệm đó nhắc nhở cho người đời biết vạn vật trên thế gian này đều vô thường. Bà cho xây cung của bà và cung của hoàng đế ở phía đông nam chiếc hồ lớn. Hai cung đó ở cách khá xa để cho hai người sống riêng biệt. Bà cũng cho xây một đại hí trường để tiêu khiển lúc tuổi già. Gần cổng vào hí trường bằng đá hoa, có một phòng rộng tiếp tân, vì theo quan niệm của bà, dù vào những ngày nghỉ, có lẽ tiết vị quốc trưởng phải tiếp các quan và hoàng thân. Gian phòng này rất rộng, tráng lệ, uy nghi, được trang trí bằng những bức chạm trổ, những đồ cổ, sơn son thiếp vàng. Các khuôn cửa kính treo những bức họa màu sắc tươi tượng trưng cho chữ “THỌ”, trước mặt một chiếc sân rộng lát đá hoa, có mấy bực thềm trông ra hồ nước. Những bức tượng lớn bằng đồng bày ở sân. Về mùa hạ, những bức rèm lụa buông xuống ngoài hành lang, gian phòng về mùa nào cũng mát lạnh.
Cung bà Thái hậu có những gian phòng rất rộng, tráng lệ, uy nghi, xung quanh có hành lang. Bà thích đi bách bộ ở các hành lang để suy tưởng. Khi bào trời mưa, bà ngắm nhìn mặt hồ có sương mù bao phủ, những cành cây, giọt sương long lánh. Mùa hạ, bà cho trồng cỏ thơm ở vỉa đường đi trong vườn. Vườn có nhiều giả sơn, kì hoa dị thảo. Thứ hoa bà thích nhất là hoa lan (lan là nhũ danh của bà). Xung quanh hồ, bà cho xây một hành lang dài một cây số rưỡi, có những cột đá hoa. Đứng ở trong hành lang đó có thể ngắm nhìn đồi trồng hoa mẫu đơn, tao dại, trúc đào, lựụ.. Càng về già, bà càng thiên về thẩm mĩ, dưới mắt bà chỉ có thẩm mĩ là đáng kể.
Trong nước không ai ta thán, bà Thái hậu mỗi ngày mỗi xa hoa. Những tấm rèm ở giường bà bằng vóc vàng thêu rất cầu kì một đàn chim phượng bay. Bà mua ở nước Tây phương rất nhiều đồng hồ đủ các kiểu.
Những đồ vật đó dùng làm đồ tiêu khiển, tuy vậy bà vẫn không quên thú chơi sách. Bà cho lập một thư viện, có đủ các loại sách, một thư viện của những nhà đại văn hào uyên thâm.
Ở trong cung, bà ngồi ở góc nào, ở phòng nào cũng nhìn thấy mặt hồ nước xanh ngắt. Giữa hồ có một cù lao, ở đó có xây một ngôi chùa nhỏ; cù lao nối liền với bờ bằng một chiếc cầu cẩm thạch, có mười bảy nhịp. Trên cù lao có một bãi cát nhỏ, vua Càn Long khi xưa trí một con bò bằng đồng, cát phủ lấp một nửa, để tránh cho cung, điện đời đời không bị nạn hồng thủy. Tất cả những chiếc cầu bà cho xây, có một chiếc bà ưng ý nhất, chiếc cầu này uốn cong rất đẹp, cao trên mặt nước mười thước. Bà thường ra ngự trên cầu đó, ngắm nhìn bao quát nước non miếu mạo, đình chùa và những khoảng đất rộng.
Sống trong cảnh huy hoàng diễm lệ, ngày tháng thấm thoắt trôi qua. Một hôm viên thái giám vào tâu ấu đế đã được mười bảy tuổi tròn, bây giờ xin bà cho lập Hoàng hậu. Bà nhận thấy lời tâu của tên thái giám là đúng, bà để tâm vào việc lập Hoàng hậu cho nghĩa tử. Ngày trước, bà rất thận trọng chọn vợ cho con trai bà, bây giờ bà đã có kinh nghiệm, bà cần chọn người con gái nào biết phục tòng bà, không yêu say mê chồng như con Ái Lan. Bà bảo Lý Liên Anh:
- Ta muốn được an nhàn, chỉ cho ta mấy người con gái tính nết dễ thương không như hạng con Ái Lan, lấy chồng chỉ biết có chồng. Ta không chịu được cảnh đối địch. Ta không muốn bị về vấn đề ái tình hay thù oán.
Lý Liên Anh, độ này quá mập, quỳ xuống rất khó khăn, bà cho phép ngồi hầu chuyện. Người thái giám mập mạp, đứng dậy, ngồi trên ghế, lấy ống tay áo phe phẩy quạt. Mới sang đầu xuân, trời đã nóng bức. Hắn ngồi suy nghĩ một lúc lâu, tâu:
- Muôn tâu Thái hậu, lệnh bà không chọn người con gái của tôn huynh, quận công vệ hoàng, người con gái đó tuy tính nết rất ngoan song xấu không được đẹp.
Bà Thái hậu chấp thuận liền, liếc mắt nhìn có vẻ âu yếm chiếc mặt phị của tên thái giám mập.
- Ồ! Sao ta không nghĩ ra nhỉ? Tất cả các thể nữ, người đó ít nói lắm, nhũn nhặn và tận tâm với ta lắm... Ta có thể yên chí hắn không quấy nhiễu ta.
Tâu lệnh bà, thế còn các thứ phi?
- Mi biết những ai, nói ta nghe, nhưng phải đần độn mới được.
Tên thái giám vội vàng thưa:
- Tâu lệnh bà tên tổng đốc Quảng Đông đáng được ân thưởng, ông đã đánh bại toán giặc ở miền Nam. Ông có hai người con gái, một người đẹp, một người mập lắm, cà hai rất đần độn.
- Được rồi, ta chọn hai người đó. Thảo tờ sắc chỉ.
Lý Liên Anh, người nặng nề, thở dai và như rên rỉ. Thấy dáng điệu hắn phục phịch, thở hổn hển, đi đứng có vẻ khó nhọc, bà Thái hậu có vẻ như chế nhạo hắn, hắn có ý không bằng lòng. Hắn lẩm bẩm trong mồm: “Lão Phật không phải lo lắng gì hết, con xin đảm nhệm hết thảy mọi việc, hôm nào làm lễ cưới, lão Phật đến chứng kiến.”
Bà Thái hậu làm ra vẻ không bằng lòng, lấy ngón tay đeo nhẫn chỉ vào mặt hắn, nói:
- Mi dám kêu ta là Lão Phật hả?
Muôn tâu Thái hậu. Mùa hè năm ngoái có hạn hán, thái hậu cầu khẩn xin được đảo vu, dân gian bấy giờ kêu thái hậu là Lão Phật.
Suốt mùa đông năm ngoái, không có mưa tuyết, da trời lúc nào cũng trong xanh, suốt cả xuân sang hạ không có một trận mưa nào. Bà Thái hậu xuống chỉ bắt dân chúng ăn chay, tụng kinh, lễ bái Trời Phật, bà và toàn thể triều đình tuân theo chỉ thị đó để làm gương cho mọi người tụng kinh được ba hôm có cảm ứng nên trên trời trút xuống một trận mưa lớn. Dân ở thành phố chạy ra đường để uống hụm nước mưa, tắm táp cám ơn bà Thái hậu đã sai khiến được cả quỷ thần, họ reo hò. Đó là Lão Phật của dân ta.
Từ ngày đó, viên tổng quản thái giám luôn gọi bà Thái hậu là Lão Phật. Đó là một cách xu nịnh, bà cũng biết thế, trong lòng thích thú. Lão Phật là một danh xưng lớn nhất, ca tụng công đức, ví bà như Trời, Phật. Chính bà Thái hậu nhiều lúc cũng quên mình là một phụ nữ, năm bà năm mươi lăm tuổi, bà cho bà khác hẳn người phàm, người ta có thể cho bà là một thiên thần, ở trên cõi trời xuống trần gian để cai trị muôn dân.
Bà vừa cười, vừa nói:
- Thôi cút đi, ta còn định hỏi han mi nữa. Thôi cút đi, đồ quỷ.
Người thái giám lui ra, bà lại tiếp tục đi chơi trong vườn hoa, ánh nắng soi chiếu khuôn mặt bà đã trở về già và chiếc áo màu sắc lộng lẫy. Theo lệnh bà, các thể nữ tháp tùng phải đi ở xa, quần áo sặc sỡ như một đàn bướm.
Đã đến ngày làm lễ thành hôn cho ấu đế, một ngày xấu vì trời ảm đạm, có những triệu chứng không được tốt, hôm lễ cưới một cơn cuồng phong ở mạn bắc thổi làm bay những chiếc trải làm làm mái rạp ở sân ngoài. Buổi sáng nền trời tối om theo sau một trận mưa lớn. Những ngọn nến thắp lên, gió thổi bạt, thắp không cháy. Tiệc cưới, bánh làm mềm xìu vì trời ẩm ướt. Cô dâu vào trong sân rộng đứng cạnh chú rể, chú rể ngoảnh đầu đi để tỏ vẻ ác cảm với người chính tay bà lựa chọn. Bà đã cố hết sức nhịn, nếu không đã nổi lên một trận lôi đình. Bà cố nuốt giận, lòng căm thù đối với đứa cháu, dám coi thường bà. Bà đã chọn hắn lên kế vị, một thằng nhỏ gầy còm, ốm yếu, xanh xao, hai bàn tay nhỏ bé, run lẩy bẩy, tính lại ương ngạnh. Thấy hình thù hắn ốm yếu, bà tự trách đã chọn hắn, còn cái tính ương ngạnh của hắn, bà lo cho mối hậu họa sau này. Trong khi bà nuốt giận, cô dâu khóc, hai hàng lệ chảy hai bên má, nước da tái mét.
Suốt cả buổi lễ, bà Thái hậu ngồi đó làm vờ không để ý vào một việc gì. Đến chiều, bà về Di Hòa cung, từ nay bà ở luôn đó.
Ở Di Hòa cung, vào đầu tuần trăng, năm bà năm mươi sáu tuổi, bà xuống một chiếu chỉ tuyên cáo cùng toàn thể quốc dân, ý bà rút lui vào hậu trường để an dưỡng tuổi già. Hoàng đế đã làm lễ đăng quang lên ngôi, trị vì. Bà có ý nói bà không trở về hoàng thành, bà cho di chuyển các kho liễm về Di Hòa cung. Các thân vương và đình thần khẩn cầu bà ở lại cương vị tối cao để chế ngự một ông vua vừa nhu nhược vừa ương ngạnh.
Trong bản thỉnh nguyện, có viết:
“Hoàng thượng bị ảnh hưởng của hai phụ đạo là Khang Hữu Vệ và Lương Chí Thiện.
Hoàng thượng thích những đồ chơi ngoại lai. Ấu đế đã thành nhân, đã có vợ con còn thích chơi những đồ chơi của trẻ nít: Những chiếc xe cho chạy, vặn bằng dây cót hay đốt lửa. Chúng hạ thần nghĩ không phải Hoàng thượng chỉ thích thú đồ chơi đó, ngài còn ý đặt trên lãnh thổ nước ta những đường độ thiết ngoại lai.”
Bà Thái hậu đọc tờ thỉnh nguyện, nghĩ mặc kệ chúng bay, ta không phải lo lắng trách nhiệm gì hết.
- Chư khanh, việc này trong phạm vi trách nhiệm của chư khanh. Chư khanh khuyên can ấu đế để cho ta được an dưỡng.
Mấy lời bà Thái hậu phán ra làm các quan hết sức bối rối, nhất là Cung thân vương và Nhung Lữ, hai người này đã bị truất phế, họ cố năn nỉ:
- Tâu Thái hậu, nếu Hoàng thượng không nghe lời khuyên can của chúng hạ thần, xin Thái hậu, vì vận mệnh quốc gia can thiệp với Hoàng thượng. Hoàng thượng chỉ sợ uy của Thái hậu.
- Ta không ở xứ nào xa xôi, ta ở cách kinh thành có mười hai cây số. Ta vẫn giữ bọn thái giám làm thám tử. Nếu các khanh trung thành với ta, ta không để Hoàng thượng chặt đầu mà sợ.
Hai mắt bà sáng lên, hai môi đỏ chót như hồi còn trẻ. Bà cười có vẻ châm biếm. Thấy bà vui vẻ, cả bọn vững tâm.
Bà lại sống êm đềm, tháng ngày trôi qua, tuy vậy bà vẫn để mắt vào mọi việc, trong thành nội vẫn có thám tử của bà hoạt động. Nhờ có mật tin báo cáo, bà biết những chuyện xích mích giữa hai vợ chồng ông vua. Ông vua say mê hai thứ phi không hỏi han đến Hoàng hậu.
Trong tờ báo cáo hàng ngày, Lý Liên Anh có nói:
- Cả hai thứ phi này đần độn lắm, không có gì đáng quan tâm.
Bà thản nhiên nói:
- Con thứ phi làm cho nó sa ngã. Ta không có chút hi vọng nào vào hắn hay bất cứ người nào.
Hai mắt bà buồn buồn, bà thở dài ngoảnh đầu đi chỗ khác.
Tuy bà không thật sự cầm quyền, song mọi công việc, mọi nghị quyết trong triều, lời bà phê phán là một quyết nghị.
Khi các thân vương trong tộc đẳng Yehonala đến xin bà thăng chức cho thân vương Chuân để vua biểu dương được lòng hiếu đối với cha, tước vị cha phải ở trên con và cũng theo tục lệ của các thế hệ. Bà từ chối không chịu chấp thuận. Dòng dõi hậu duệ hoàng triều phải do bà xếp đặt, chỉ có bà mới đủ thẩm quyền. Quang Tự là nghĩa cử của bà, bà là tổ mẫu hoàng gia. Tuy vậy bà cũng lựa lời không làm mất lòng thân vương Chuân. Cách đấy mấy năm, bà đã tự chọn người chồng cho em gái bà. Nhân dịp đó, bà ban nhiều ân điển cho Chuân thân vương, đề cao lòng trung kiên của thân vương và nói ông đã nhiều lần từ khước những ân điển bà tặng. Bà nói: Mỗi lần tôi xuống một sắc chỉ ân thưởng công huân cho thân vương, ông đều từ chối, nước mắt chảy ròng ròng. Ông được đặc ân treo trên xe song loan những rèm vóc vàng, phù hiệu của hoàng gia, song ông cũng từ khước, không làm. Ông đã nêu lên tính khiêm nhường và tinh thần trung kiên tuyệt đối với hoàng gia và dân tộc.
Thời giờ thấm thoắt trôi qua, đã đến một ngày trọng đại, ngày khánh hỉ tượng thọ lục tuần đại khánh của bà Hoàng Thái hậu.
Di Hòa cung, một cung điện nguy nga, cực kì tráng lệ, nơi bà Thái hậu đi dưỡng tuổi già nay đã hoàn thành. Việc xây cất, bà lấy tiền ở công khố quốc gia, Hoàng đế cũng không dám can ngăn, từ chối. Cung điện đã hoàn thành, bà còn muốn làm một chiếc tàu lớn bằng đá cẩm thạch đặt ở giữa hồ. Chiếc tàu được nối liền vào bờ bằng một chiếc cầu đá cẩm thạch. Ông vua chỉ âm thầm thở ngắn, thở dài, không biết lấy tiền đâu ra để cung phụng.
Lần này, ông định nói ra mối lo ngại của ông về nền tài chính trong nước, dùng lời lẽ hết sức kính cẩn và hiếu thảo.
Đọc tờ trình của ông, bà Thái hậu lên cơn lôi đình. Bà xé nhỏ tờ trình ném xuống đất, tên thái giám lượm cho vào bếp. Bà thét lên:
- Cái thằng cháu lười, nó phải biết tìm đâu ra có tiền chứ.
Bà không muốn ai làm trái ý bà, bà phải phật lòng, lên cơn bực tức như hồi còn nhỏ. Chỉ có Lý Liên Anh có thể làm bà nguôi cơn giận.
- Tâu Thái hậu, xin Thái hậu chỉ giáo nơi nào có tiền, Thái hậu sẽ được như ý.
- Đồ ngu, mi không biết, hiện nay ngân khố đang thu thập tài nguyên trong nước để lập hải quân à?
Đúng vậy, hiện trong các kho các hàng triệu nén bạc dự trữ sắp được đem sử dụng về lập hạm đội, hải quân. Bọn giặc lùn (người Trung Hoa nhạo báng gọi người Nhật Bản) đang đe dọa duyên hải Trung Hoa.