Từ Hy Thái Hậu - Chương 4 phần 04
Hắn nhỏ nhẹ thưa:
- Một người như Thái hậu thật có một không hai ở thế gian này. Thái hậu chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ, nhưng đứng lên trên cả hai, tâm hồn phóng khoáng, siêu việt trên tất thảy mọi người.
Hai người nhìn nhau như hiểu ngầm ý nhau. Bà gập chiếc quạt, đập khẽ vào mặt hắn, đuổi ra. Bà nói:
- Ngậm miệng lại nhé, mở mồm thối hoắc, mọi người xung quanh bị chết ngạt.
Bà Thái hậu rất điềm tĩnh, không làm gì hấp tấp, vội vàng. Bà ngồi suy nghĩ rất lâu về những khám phá của tên trinh sát. Bà bình tĩnh, thản nhiên như không có chuyện gì. Bà có một con chó trắng. Loại chó ở miền bắc, lông trắng như tuyết, đi đâu bà cũng cho đi theo, con chó này chỉ biết có bà là chủ nó. Những con chó nhỏ, loại chó Mãn Châu, lông như màu quế, thấy thế ghen tị. Đàn chó con nhảy lên đầu con chó lớn làm bà buồn cười. Bây giờ, bất cứ ở đâu, bà đi thưởng hoa trong vườn, dã yến trên bờ hồ hay ở trong nhà hát, bà luôn luôn nghĩ đến việc nước, bà cần phải hi sinh những gì để bảo toàn thanh bình và sự điều hòa.
Đã mấy phen, triều đình nhà Thanh tránh được chiến họa với dân tộc Nhật Bản, hoặc phải lấy vàng đút lót họ, hoặc phải bỏ Cao Ly để cho họ chiếm đóng. Bà nhận thấy trong những cảnh huống đó, tên trung thành Lý Hồng Chương đã tỏ ra yếu kém, bất lực. Nếu bà nghe hắn (lập hải quân) có lẽ quân Nhật không dám cuồng vọng định nuốt chửng hết Trung Hoa lục địa. Phải có chiến tranh, trực diện với quân thù, những cuộc tấn công vũ bão gan dạ hoặc trên mặt biển hay trên đất liền, mới bảo toàn bờ cõi. Đáng lẽ tên Viên Thế Khải mở chiến trận không phải trên đất Trung Hoa mà ở Cao Ly; ở đó, hắn đẩy hết quân Phù tang ra biển, đuổi chúng về mấy cái cù lao núi đá lỏm chỏm cho chúng chết đói.
Một ngày mùa hạ đẹp trời, vào lúc quá trưa, bà có một quyết nghị, trong lúc ngồi coi hát, một khúc tình ca của một tên thái giám, hóa trang làm đàn bà. Vở tuồng diễn hôm đó là một vỡ cũ nhan đề “Tây cung diễn sử”. Bà Thái hậu mồm chúm chím cười, lẩm bẩm hát nhỏ bài tình ca bà thuộc. Tuy vậy, tâm trí bà không sao nhãng mà luôn nghĩ đến quốc sự.
Đêm hôm đó, bà cho gọi Lý Hồng Chương đến, giao phó mệnh lệnh. Bà không để tai nghe khi viên tướng này trình bày, quân đội yếu kém, thuyền bè còn vài chiếc cũ kĩ, hư nát, làm sao có thể đương đầu được với địch.
- Vấn đề phải có đại đội hùng binh, hạm đội chiến thuyền hùng mạnh, cái đó ông không cần quan tâm đến. Nếu chẳng may, quân địch đổ bộ lên đất Hán dân chúng sẽ nổi lên, quăng chúng ra biển để chúng làm mồi cho cá.
Viên tướng nói như mếu:
- Tâu Thái hậu, Thái hậu không am tường thời buổi nhiễu nhương, dân tình xao xuyến, đói khổ, lầm than vì Thái hậu ở nơi cung ngọc điện vàng, lầu son gác tía với mộng ảo trong một thế giới thần tiên riêng biệt.
Viên tướng đi ra, thở dài thườn thượt, vừa đi vừa lắc đầu lia lịa.
Chao ôi, chưa đuợc đầy năm, sau mấy trận giao phong với quân đội Phù Tang, quân đội của hoàng gia nhà Mãn Thanh thu liểng xiểng, quân đội “Lùn” tiến như vũ bão. Tướng Viên Thế Khải bị tống xuất khỏi Cao Ly, quân đội Nhật hoàng đặt chân lên đất tàu. Lại một lần nữa, bà Thái hậu tính nhầm nước cờ. Dân chúng Trung Hoa lãnh đạm, thờ ơ, người dân Trung Hoa thản nhiên đứng nhìn quân đội Nhật diễu trước mặt họ, qua làng mạc, xã ấp họ để kéo lên kinh thành. Quân đội ngoại quốc có súng, người dân Trung Hoa chất phát chỉ có giáo, mác, lưỡi liềm, những thứ đồ chơi như con nít, những người thận trọng không ai mó tới. Khi quân thù đòi uống, đòi ăn, dân làng những nơi họ đi qua, phải cung cấp đầy đủ.
Tin thất trận, tình thế nguy kịch, cấp báo lên Thái hậu, bà xoay chiều, ứng phó với thời cuộc. Bà thích đánh cờ, thích thắng lợi, nhưng xem chiều thế thất bại, bà ngừng lại ngay không theo đuổi nữa. Bà ra lệnh cho Lý Hồng Chương đầu hàng, chấp nhận những điều kiện, yêu sách của địch để tránh họa diệt vong. Lý Hồng Chương được lệnh phải kí một hiệp ước nhục nhã, làm bà Thái hậu một người kêu ngạo, tự cao tự đại phải tủi nhục, đau lòng. Bà lui vào phòng riêng trong ba ngày mất ăn, mất ngủ. Lý Hồng Chương phải thân chinh lên Di Hòa cung để tìm lời an ủi, khích lệ bà. Ông nói cũng thấy bản hiệp ước vô cùng khắt khe, nghiệt ngã, song ngai rồng có thể vững tâm chờ thời. Nước mình tìm bạn đồng minh, kết liên với Hoàng đế Nga La Tư, vì quyền lợi của nước Nga sẽ kiềm hãm lòng dục vọng của Nhật Bản.
Bà Thái hậu nghe nói cũng xuôi tai, có chút hi vọng, bà nói:
- Dù sao, chúng ta cũng phải cố gắng đuổi hết quân ngoại quốc da vàng ra khỏi lãnh thổ, suốt miền duyên hải. Bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải tống xuất hết bọn ngoại xâm, bất luận da vàng hay da trắng. Tôi không thể để một tên nào đặt chân lên bờ cõi nước ta. Còn dân Hán, còn triều đại Mãn Châu ta cầm quyền, tôi cố thu phục bọn người Hán trừ bọn trẻ mới lớn lên, chúng đã hít không khí ngoại lai, uống nước ngoại lai.
Bà vỗ hai bàn tay, chân phải đạp mạnh:
- Tôi thề độc dù có chết, dù có già, tôi phải đả phá bằng ảnh hưởng ngoại lai trên đất nước chúng ta. Khôi phục lại nếp sống cổ truyền của tiền nhân để lại.
Ông tướng đứng nghe bà nói, chiêm ngưỡng dung nhang của vị nữ thần. Bà vẫn đẹp, cường tráng, nước da hồng hào, mái tốc vẫn đen lánh, hai mắt sáng quắc như hồi còn trẻ, ý chí kiên cường, không giảm sút.
- Người làm được việc đó, tiện tướng tin chắc chỉ có lệnh bà mới làm nổi.
Ông nhắc lại lời thề tuyệt đối trung thành.
Thời giờ êm đềm trôi qua. Bà Thái hậu dùng thời giờ nhàm rỗi để vẽ, làm thơ, đem những hộp nữ trang ra coi lại vẽ kiểu những ổ nhẫn để gắn ngọc trai, cho đi mua kim cương của người Ả Rập. Tuy bề ngoài, bà có vẻ vô tư lự, thật ra trong óc bà luôn luôn suy nghĩ, xếp đặt mưu đồ. Bà làm như không để ý đến ông vua và các phụ đạo. Ban đêm khi mọi người ngủ yên, bà để tai trong phòng trống để nghe những mật trình của bọn thám tử. Ngày này qua ngày khác, một lời nói, một cử động của vua, quan, bà biết hết. Như thế, bà có đủ dữ kiện sẵn sàng hành động. Phương sách thứ nhất của bà là bổ nhiệm Nhung Lữ vào chức vụ tổng thấn kinh thành, chức vụ này vẫn để khuyết tịch từ ngày Cung thân vương tạ thế. Ông thân vương này đã lâu không còn là người thân tín của bà.
Công việc bổ nhiệm xong, bà ngừng lại, nghe ngóng dư luận. Hoàng thượng vừa phong Viên Thế Khải làm tư lệnh. Việc này đến tay bà, bà do dự nghĩ có nên đoạt ngôi ngay lúc này hay nên chờ trong ít lâu nữa. Bà nghĩ nên chờ, vì bà muốn bước lên sân khấu chính trường vào chung kết.
Ít lâu sau bà nhận được mật báo Viên Thế Khải đã bí mật rời khỏi kinh thành, không biết đi đâu. Bà nghĩ: “Ta nên chờ, không nên hấp tấp. Chờ cho đúng thời cơ là một lợi khí. Ta tự biết bản năng ta, ta như có linh cảm cho ta biết chưa đến lúc.”
Bà lại để thời gian trôi qua. Hết hạ đã sang thu, tiết trời vẫn còn nóng nhưng đêm mát. Hoa về thu đã nở. Những bông hoa cuối mùa nở trên mặt hồ, chim đã xào xạc bay về phương Nam, loài dế đã kêu ra rả suốt ngày.
Một hôm, sau lễ cất đám rất trọng thể Cung thân vương, bà Thái hậu ngồi trong thư viện, làm thơ. Hôm đó rất mát trời. Bà vừa nhúng ngọn bút lông vào nghiên mực, nhìn ra ngoài vườn trời nắng, tình cờ thấy một con chuồn chuồn xanh biếc, hai cánh nó giương ra đậu yên trên cành hoa. Chắc chắn là một điềm, không biết là điềm gì, ứng vào việc gì?
Bà rùng mình vì thấy màu xanh biếc là màu của tử thần. Bà vội vàng đứng dậy đến đuổi con chuồn chuồn. Bà đuổi không được. Bà dang tay bắt, nhưng lần nào cũng trượt, gần đến, nó lại bay vụt đi. Các thể nữ nom thấy muốn giúp bà, cũng giơ tay bắt, lấy quạt xua đi, con chuồn chuồn vẫn cứ là là bay lượn trên đầu. Bà Thái hậu sai một tên thái giám đem một chiếc sào tre dài đến. Lệnh đó chưa được thi hành thì nghe ngoài cổng tiếng người lao xao, người ta xô đẩy, tên tổng quản thái giám không được gọi, đột nhiên thấy xuất hiện, hắn đến trình bà có sứ giả của tổng trấn Nhung Lữ, đến báo tổng trấn xin vào bệ kiến.
Ngày trước, theo lệnh bà, Nhung Lữ lấy người thể nữ Mai, ít khi Nhung Lữ lui tới hầu. Bà có khiển trách, hắn trả lời bao giờ cũng trung thành phục vụ bà, có lệnh bà sai khiến, hắn tận tâm phục vụ bất luận ngày đêm, gian khổ.
Bà ra lệnh cho bọn thái giám sửa soạn để đón tiếp, bà trở về cung, bà không sao làm xong bài thơ đang làm dở. Con chuồn chuồn chắc ứng vào một điều gì nguy biến, bà nghĩ không nên hỏi ngay bốc sư vội, trước khi biết mục đích Nhung Lữ xin yết kiến, chắc hẳn một vấn đề tối mật và vô cùng quan trọng. Bà rất nóng ruột nhưng bề ngoài vẫn giữ vẻ bình tĩnh, bà thu dọn bút nghiên, ra vườn dao chơi cho đến trưa.
Bà nóng lòng muốn biết ngay mục đích Nhung Lữ xin yết kiến, bà không thiết ăn uống.
Đến chiều, Nhung Lữ đến, ngồi trên một chiếc võng, khênh đến, đặt ở sân lớn bên ngoài. Bà thái hậu chờ hắn ở sân trong. Về mùa hạ, nóng bức, chiếc sân lớn dùng làm nơi nghỉ mát, người ta che rạp, trên lợp chiếu rơm, cột rạp làm bằng mấy cây tre. Bàn ghế được bày dưới bóng mát, xung quanh trên các lan can có bày những chậu cảnh rất đẹp.
Một ngọn gió phương Nam thổi tới, có mùi thơm hoa sen đưa lại, bà Thái hậu hít hương thơm, bất giác nghĩ cảnh vật bao giờ cũng vậy, bình thản, sinh trưởng theo thời tiết, tranh đấu. Lúc này trong thâm tâm, bà mong chờ Nhung Lữ đến, lòng bồn chồn khắc khoải, coi như một người chồng rất quý trong tuổi già. Cả hai không còn trẻ trung, ái tình không còn bồng bột như xưa, song vẫn ấp ủ trong lòng như bất diệt. Bà nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa đượm nồng thắm thiết, trong lòng không còn một chút gì là thù hận.
Chiều đến, dưới ánh sáng chập chờn của những ngọn nến cắm trên giá đồng, bà thấy hắn đi một mình tiến lại bà. Bà ngồi yên chờ hắn đến. Khi hắn sắp quỳ, bà đặt nhẹ bàn tay trên cánh tay hắn, ngăn lại. Bà chỉ chiếc ghế nói:
- Ghế đây, ngồi xuống.
Hắn vâng lời ngồi xuống ghế. Cả hai ngồi yên ngắm hồ nước phía trước, có nhiều cây đuốc thắp sáng.
- Tôi vẫn cầu mong bà được sống yên vui, an nhàn trong khung cảnh hợp với bà. Nhưng tôi phải nói lên tất cả sự thật. Cuộc âm mưu khuynh đảo bà đã đến thời kì quyết liệt.
Hai bàn tay hắn đặt lên ngực, nắm vạt áo. Bà Thái hậu lấy làm lạ thấy hai bàn tay hắn vẫn còn trẻ, lớn, gân guốc rất mạnh. Bà nghĩ sao hắn không có vẻ gì là già. Bà khẽ nói:
- Thực ra tôi khó tin lắm, song vì chính anh nói nên tôi tin.
- Chính viên Thế Khải đã bí mật đến nói chuyện với tôi bốn đêm liền, tôi đã báo cáo bà rõ. Hoàng thượng cho gọi hắn đến, cách đây mười hai hôm, vào lúc nửa đêm. Hai người gặp nhau ở hữu vu Long điện.
- Có ai dự thính cuộc mật đàm đó không?
- Có viên phụ đạo Vương Tùng Hổ.
- Người đó thù nghịch với anh. Làm sao bây giờ anh mới nói đến, thế còn trước kia. Tôi quên bẵng đi mất.
- Bà cũng tự biết tính bà rất nóng nảy. Tôi tha thứ cho hắn, nhưng bà không thể nào bỏ qua. Mối tình xuất phát ở trái tim một người đàn bà sống cô đơn, đối với tôi không can dự gì hết. Tuy vậy tôi cũng rút ra được một bài học.
- Bài học gì?
- Như tôi với bà sống riêng biệt như tất cả mọi người, chúng ta sống riêng rẽ như hai ngôi sao trên nền trời. Chúng ta phải chịu sống cô đơn như vậy, vì cái đó không sao tránh được. Nhiều lúc tôi tự nhủ, sống cô đơn như thế, làm cho mối tình giữa hai ta càng thắt chặt.
Bà Thái hậu nghe hắn nói làm nhàm, thấy bực mình khó chịu.
- Tại sao anh nói chuyện gì đâu đâu? Mục đích chính của anh là đến báo cáo với tôi hiện có một âm mưu khuynh phúc.
- Tôi cần nói câu chuyện đó, nhân tiện trong lúc này tôi nhắc lại lời thề trung thành bất di bất dịch đối với bà.
Bà cầm chiếc quạt xòe ra để ở bên má, như một tấm bình phong ngăn cách hai người. Bà hỏi:
- Có người nào ở trong phong lúc đó không?
- Thứ phi Ngọc được vua sủng ái. Như bà đã rõ, không một việc gì không qua khỏi mắt bà, vua không muốn tiếp xúc với Hoàng hậu. Hoàng hậu vẫn còn trinh tiết. Hoàng hậu vì thế căm thù với lắm, đứng về phía Thái hậu.
- Tôi biết.
- Chúng ta phải kiểm kế tất cả những người đồng tình với mình, triều đình bây giờ bị phân tán. Những người dân ngoài phố cũng biết. Họ chia làm hai phe, phe của Thái hậu và phe của “Cậu thiếu niên”.
- Thật nguy hại. Chúng ta phải giữ bí mật về liên hệ họ hàng.
- Không thể được. Người Hán như con mèo, len lỏi, lách vào các khe hở, đi đâu đánh hơi đến đó. Trong nước bây giờ dân chúng đang kích khởi, quân giặc người Hán chờ cơ hội để đả phá triều đại Mãn Thanh, họ lên nắm chính quyền. Bà phải lên ngôi “Cửu ngũ” một lần nữa.
Bà Thái hậu, giọng nói rất buồn bã:
- Tôi biết thằng cháu tôi ngu lắm.
- Nhưng bọn tả, hữu không ngu.
- Những chiếu chỉ, hàng ngày tung ra như bươm bướm bà có đọc không?
- Tôi làm sao đọc hết được.
- Hàng tuần, Hoàng thượng đến vấn an bà, có hỏi gì không?
- Không cần hỏi, tôi đã có trinh sát.
Nhung Lữ nói thẳng, không cần úp mở, quanh co:
- Một lẽ Hoàng thượng căm thái hậu là tên thái giám để Hoàng thượng quỳ chờ trước cửa. Có phải Thái hậu ra lệnh cho Hoàng thượng phải quỳ không?
Bà thản nhiên trả lời:
- Đó là bổn phận hắn làm đối với bậc trưởng thượng.
Bà biết tên Lý Liên Anh có tính xược, để nguyên Hoàng thượng quỳ chầu ở ngoài cửa. Tính tinh quái, nghịch ác, mưu mẹo, thủ đoạn, mấy tính đó như cố tật, không bao giờ bà chịu hoán cải.
Nhung Lữ nói tiếp:
- Tôi còn biết những thái giám của bà bắt “Thiên tử” phải có “chè lá” cho chúng mới được vào bệ kiến bà, làm như Thiên tử là một ông quan nhỏ trong triều. Việc này rất không nên, mà bà cũng thừa biết.
Bà nhận thấy hắn nói đúng, cái lối đó tai ác thật, bà mỉm cười, nói:
- Hắn hiền quá, nhút nhát quá, sợ tôi như cọp nên tôi trêu chơi.
- Bà đừng tưởng hắn sợ đâu. Hàng trăm sắc chỉ một ngày, một người yếu hèn không làm được. Bà đừng quên hắn là cháu bà, trong huyết quản có dòng máu của tộc đẳng Yehonala.
Hai con mắt nghiêm nghị của Nhung Lữ, giọng nói trịnh trọng trang nghiêm làm Thái hậu quên những sự vụn vặt, nhỏ nhen. Bà ngoảnh mặt đi không muốn nhìn người đối thoại. Nhung Lữ là người đàn ông độc nhất được bà nể sợ. Bà tiếp hắn trong lòng thấy run, những cuồng vọng hồi còn trẻ nay lại bừng bừng bốc cháy. Đột nhiên bà thấy mồm khô, hai mắt nóng ran. Bà không biết hưởng lạc thú để cho cuộc đời trôi qua. Bây giờ bà đã già quá, nghĩ lại những kỉ niệm về tình ái khi còn trẻ. Cái gì bà đã mất, mất hẳn, không bao giờ còn trở lại, Bà khẽ nói:
- Âm mưu, anh nói hồi nãy có âm mưu?
- Bọn người âm mưu phản loạn, muốn tước đoạt quyền của bà dùng thám tử và tịch thu chiếc ngọc ấn. Bà phải hứa với họ từ nay chỉ có quyền dùng thời giờ chăn nuôi đàn chim, chăn dắt đàn chó.