Trăng lạnh - Phần I - Chương 07 - Phần 1
CHƯƠNG 7
Lát sau, một sĩ quan tuần tra của Sở Cảnh sát New York đưa một nhà kinh doanh với vóc dáng thấp, tóc tai râu ria gọn gàng, mặc bộ com lê đắt tiền vào. Dance không biết liệu họ có thực sự bắt giữ anh ta không nhưng cái cách anh ta sờ cổ tay mình nói với cô rằng anh ta vừa bị còng.
Dance chào người đàn ông trông bực bội và hất đầu chỉ anh ta ngồi xuống một chiếc ghế. Cô ngồi đối diện anh ta – không có gì ở giữa họ – và kéo nhanh ghế về đằng trước, cho tới lúc cô ở trong miền gần gũi trung tính, thuật ngữ chỉ khoảng không gian giữa đối tượng và nhân viên thẩm vấn. Khoảng không gian này được điều chỉnh để khiến đối tượng cảm thấy thoải mái hơn hay ít thoải mái hơn. Cô không ở quá gần để tạo cho đối tượng cảm giác bị xâm phạm nhưng không ở quá xa để tạo cho anh ta cảm giác đang an toàn.
“Cobb, tôi là Kathryn Dance, một nhân viên thực thi pháp luật. Tôi muốn trao đổi với anh về những gì anh chứng kiến đêm hôm qua.”
“Việc này thật lố bịch. Tôi đã nói với họ”, một cái hất đầu về phía Rhyme, “tất cả những gì tôi thấy.”
“Ờ, tôi vừa mới tới. Tôi không được nghe các câu trả lời lúc nãy của anh.”
Vừa ghi chép nhanh lại các câu trả lời, Dance vừa đặt một loạt các câu hỏi đơn giản – anh ta sống và làm việc ở đâu, tình trạng hôn nhân, đại loại vậy – các câu hỏi sẽ cho cô biết xuất phát điểm phản ứng của Cobb trước sự căng thẳng. Cô lắng nghe cẩn thận các câu trả lời. (“Quan sát và lắng nghe là hai phần quan trọng nhất của cuộc phỏng vấn. Cuối cùng mới tới nói.”)
Một trong những công việc đầu tiên của người phỏng vấn là xác định xem tính cách đối tượng thuộc loại nào – hướng nội hay hướng ngoại. Hai loại tính cách này không phải như hầu hết mọi người nghĩ, chúng không liên quan đến chuyện hoạt bát hay nhút nhát. Tiêu chí phân biệt là người ta đi đến các quyết định ra sao. Một người hướng nội là một người bị chi phối bởi linh tính và tình cảm hơn bởi lí trí và sự logic. Một người hướng ngoại thì trái ngược hẳn. Việc xác định được tính cách giúp người phỏng vấn định hình các câu hỏi và sử dụng đúng giọng điệu, cử chỉ. Ví dụ, sử dụng phương pháp thô lỗ, cộc cằn đối với một người hướng nội sẽ khiến anh ta chui vào cái vỏ của mình.
Tuy nhiên, Ari Cobb là một người hướng ngoại điển hình và một kẻ ngạo mạn chẳng cần đối xử bằng bàn tay nhung. Đây là loại đối tượng ưa thích của Kathryn Dance. Cô sẽ phải nỗ lực để chiến thắng trong cuộc phỏng vấn.
Cobb cắt ngang một câu hỏi. “Cô đã giữ tôi quá lâu. Tôi còn phải đi làm. Việc xảy ra đối với người đàn ông đó đâu phải lỗi của tôi chứ.”
Tôn trọng nhưng kiên quyết, Dance nói: “Ồ, nó không phải một câu hỏi về lỗi của ai… Nào, Ari, chúng ta hãy trao đổi về đêm hôm qua nhé.”
“Cô không tin tưởng tôi. Cô đang gọi tôi là kẻ dối trá. Tôi đâu có ở đấy khi vụ án mạng xảy ra.”
“Tôi không bảo anh đang nói dối. Nhưng biết đâu anh trông thấy điều gì đó hữu ích cho chúng tôi. Điều gì đó anh nghĩ không quan trọng. Anh xem, một phần công việc của tôi là giúp đỡ mọi người nhớ lại. Tôi sẽ cùng anh đi qua từng sự kiện đêm hôm trước và biết đâu anh chẳng thấy xuất hiện điều gì.”
“Ờ, tôi không chứng kiến gì cả. Tôi chỉ đánh rơi ít tiền. Thế thôi. Tôi xử lí toàn bộ sự việc không ra sao. Và bây giờ thì nó là một vụ án cấp liên bang. Thật nhảm nhí.”
“Chúng ta hãy quay lại ngày hôm qua. Từng bước một. Anh làm việc tại văn phòng. Công ti Chứng khoán Anh em Stenfeld. Trong tòa nhà Hartsfield.”
“Phải.”
“Cả ngày?”
“Phải.”
“Anh rời khỏi văn phòng lúc mấy giờ?”
“Bảy giờ ba mươi, sớm hơn một tí.”
“Và anh làm gì sau đó?”
“Tôi đến uống ở quán Hanover.”
“Cái quán trên phố Water”, Dance nói. Luôn luôn khiến đối tượng phải phỏng đoán xem chính xác anh biết nhiều chừng nào.
“Vâng. Nó là một cái quán bán rượu martini và có hát karaoke. Gọi là quán Đêm Martuney.”
“Tốt.”
“Tôi gặp một nhóm ở đấy. Chúng tôi hay đến lắm. Bạn bè. Bạn bè thân thiết.”
Dance nhận ra Cobb có cử chỉ ra ý sẽ bổ sung điều gì – có lẽ anh ta chờ đợi cô hỏi tên bọn họ. Quá sẵn sàng cung cấp chứng cứ ngoại phạm là một dấu hiệu của sự dối trá – đối tượng có xu hướng nghĩ rằng cung cấp chứng cứ là tốt rồi và cảnh sát sẽ chẳng mất công kiểm tra, hoặc sẽ chẳng đủ thông minh để tính toán được là việc tụ tập nhậu nhẹt lúc tám giờ không loại anh khỏi một tội ăn cướp lúc bảy giờ ba mươi.
“Anh rời khỏi quán lúc mấy giờ?”
“Khoảng chín giờ.”
“Và về nhà?”
“Đến khu Upper East Side.”
Một cái gật đầu.
“Anh đi limo à?”
“Phải, limo”, Cobb nói một cách châm chọc. “Không, tôi đi tàu điện ngầm.”
“Từ ga nào?”
“PhốWall.”
“Anh đã đi bộ?”
“Vâng.”
“Như thế nào?”
“Cẩn thận”, Cobb vừa nói vừa nhe răng cười. “Băng đông trơn trợt.”
Dance mỉm cười. “Con phố ấy à?”
“Tôi đã đi bộ xuôi theo phố Wall, cắt qua Cedar sang Broadway, rồi về phía nam.”
“Và đó là quãng anh mất cái kẹp tiền. Trên phố Cedar. Sự việc xảy ra như thế nào?” Giọng điệu và nội dung câu hỏi Dance đặt ra hoàn toàn không có vẻ gì đe dọa. Cobb lúc bấy giờ đã bớt căng thẳng. Thái độ của anh ta đỡ hung hăng hơn. Những nụ cười và chất giọng trầm, điềm tĩnh của Dance khiến anh ta thấy thoải mái.
“Theo tôi nghĩ, khả năng cao nhất là nó rơi khi tôi lấy thẻ tàu điện ngầm.”
“Anh thử nói lại xem bao nhiêu tiền?”
“Hơn ba trăm.”
“Ái chà…”
“Phải, nhiều đấy.”
Dance hất đầu về phía chiếc túi nhựa đựng chỗ tiền cùng với cái kẹp tiền. “Có vẻ như anh vừa rút tiền từ thẻ ATM. Thời điểm xui xẻo nhất để bị mất tiền, đúng không? Sau khi vừa rút tiền.”
“Vâng.” Cobb nở nụ cười nhăn nhó.
“Khi nào thì anh đến đường tàu điện ngầm.”
“Chín giờ ba mươi.”
“Anh chắc chắn là không muộn hơn thế chứ?”
“Tôi khẳng định. Tôi kiểm tra đồng hồ lúc đứng trên thềm ga mà. Chính xác là lúc chín giờ ba mươi lăm phút.” Cobb liếc xuống chiếc Rolex bằng vàng to tướng. Dance nghĩ, ý chừng muốn nói một chiếc đồng hồ đắt như thế này chắc chắn phải chạy cực kì chuẩn xác đây.
“Rồi sau đó?”
“Tôi về nhà và ăn tối tại quán bar gần tòa nhà tôi ở. Vợ tôi đi công tác. Cô ấy là luật sư. Làm những công việc liên quan tới tài chính doanh nghiệp. Cô ấy chung phần mở văn phòng cùng người khác.”
“Chúng ta hãy quay lại phố Cedar. Phố có ngọn đèn nào sáng không? Mọi người đều ở trong nhà à?”
“Không, chỗ đó toàn cơ quan và cửa hiệu. Không có nhà dân.”
“Không nhà hàng?”
“Có vài nhà hàng nhưng chỉ phục vụ ăn trưa thôi.”
“Có công trình nào đang xây dựng không?”
“Họ đang cải tạo một tòa nhà ở mặt phía nam của phố.”
“Có ai đi bộ trên vỉa hè không?”
“Không.”
“Có chiếc xe nào chạy chậm, vẻ khả nghi không?”
“Không”, Cobb trả lời.
Dance mơ hồ nhận ra các sĩ quan khác đang quan sát cô và Cobb. Không nghi ngờ gì là họ đang sốt ruột, chờ đợi, giống như hầu hết mọi người, cái Phút Thú Nhận trọng đại. Cô phớt lờ họ. Chẳng có ai thực sự tồn tại ngoài cô và đối tượng của cô. Kathryn Dance ở trong một thế giới riêng biệt – một “miền” riêng biệt, đó là cách Wes, con trai cô, hay nói (cậu bé là chàng vận động viên trong gia đình).
Cô nhìn lướt qua phần vừa ghi chép. Rồi cô gập cuốn vở lại và thay một cặp kính khác, như thể cô quay sang kính viễn để đọc. Nhưng thực ra chỉ là cặp mắt tròn to và chiếc gọng màu nhạt được thay bằng cặp mắt nhỏ hình chữ nhật và chiếc gọng kim loại màu đen, khiến cô trông có dáng săn mồi. Cô gọi nó là “Kính Chiếu Yêu”. Dance ngả người về phía Cobb. Anh ta bắt tréo chân.
Với giọng gay gắt hơn nhiều, Dance hỏi: “Ari, thực sự chỗ tiền ấy ở đâu ra?”
“Chỗ…”
“Tiền ấy? Anh không rút ra từ thẻ ATM.” Lúc anh ta trình bày về chỗ tiền chính là lúc Dance để ý thấy anh ta căng thẳng hơn – mắt anh ta chẳng hề rời khỏi mắt cô, nhưng mí mắt thoáng cụp xuống và hơi thở thay đổi, hai sai lệch lớn so với xuất phát điểm không gian dối của anh ta.
“Tôi đã rút từ thẻ ATM”, Cobb phản công lại.
“Ngân hàng nào?”
Một chút im lặng. “Cô không thể bắt buộc tôi nói với cô điều này.”
“Nhưng chúng tôi có thể gửi trát yêu cầu ngân hàng của anh cung cấp các số liệu. Và chúng tôi sẽ giữ anh cho tới lúc chúng tôi nhận được các số liệu ấy. Có thể mất một hoặc hai ngày.”
“Rõ ràng là tôi đã rút tiền từ thẻ ATM.”
“Đó không phải là điều tôi hỏi anh. Tôi hỏi chỗ tiền mặt trong cái kẹp tiền của anh từ đâu ra.”
Cobb nhìn xuống.
“Anh đã không thành thật với tôi, Ari. Có nghĩa anh đang gặp vấn đề rất nghiêm trọng. Nào, về chỗ tiền?”
“Tôi không biết. Có lẽ một phần từ những khoảng tiền mặt lặt vặt ở công ti tôi.”
“Mà anh thu được ngày hôm qua?”
“Tôi nghĩ thế.”
“Bao nhiêu?”
“Tôi…”
“Chúng tôi cũng sẽ gửi trát yêu cầu được xem xét sổ sách của chủ anh.”
Cobb trông có vẻ choáng váng. Anh ta nói vội vàng: “Một nghìn đô la.”
“Số còn lại đâu? Ba trăm bốn mươi đô la trong cái kẹp tiền. Số còn lại đâu?”
“Tôi tiêu một ít tại quán Hanover. Nó là một khoản tiêu làm ăn. Nó hợp pháp. Một phần công việc của tôi…”
“Tôi đang hỏi số còn lại đâu.”
Một chút im lặng. “Tôi để một ít ở nhà.”
“Ở nhà? Vợ anh đã đi công tác về chưa? Cô ấy có thể xác nhận điều này không?”
“Cô ấy vẫn đi vắng.”
“Thế thì chúng tôi sẽ cử một cảnh sát đến tìm. Chính xác nó ở chỗ nào?”
“Tôi không nhớ.”
“Hơn sáu trăm đô la? Làm sao anh có thể không nhớ đã để hơn sáu trăm đô la ở chỗ nào?”
“Tôi không biết. Cô đang làm tôi bối rối.”
Dance tiếp tục tiến thêm về phía trước, đến một khoảng cách mang tính đe dọa.
“Anh thực sự đã làm gì lúc đó trên phố Cedar?”
“Đi bộ tới cái ga tàu điện ngầm chết tiệt ấy.”
Dance chộp lấy tấm bản đồ Manhattan. “Quán Hanover ở đây. Ga tàu điện ngầm ở đây.” Mỗi lần chỉ, ngón tay cô lại dằn mạnh thành tiếng trên thứ giấy dày in bản đồ. “Không có nghĩa gì khi đi bộ xuôi theo phố Cedar để từ quán Hanover tới ga tàu điện ngầm ở phố Wall cả. Tại sao anh đi như thế?”
“Tôi muốn tập thể dục một tí. Đi bộ qua những cửa hiệu bán món cánh gà rán và mở các ca khúc của nhóm Cosmopolitans.”
“Với vỉa hè đóng băng và trời lạnh mười mấy độ[31]? Anh làm việc đó thường xuyên à?”
[31] oF, khoảng -10oC.
“Không. Chỉ là đêm hôm qua thôi.”
“Nếu anh không đi bộ qua đó thường xuyên sao anh lại biết về phố Cedar nhiều vậy? Rằng không có nhà dân, thời gian các nhà hàng đóng cửa và công trình xây dựng kia?”
“Tôi biết đấy. Tất cả những điều này là cái quái quỷ gì?” Mồ hôi lấm tấm trên trán Cobb.
“Vào lúc đánh rơi tiền, anh đã tháo găng tay để lấy thẻ tàu điện ngầm ra khỏi túi áo khoác chứ?”
“Tôi không biết.”
“Tôi cho rằng anh đã tháo găng tay. Anh không thể thò tay vào túi áo khoác khi đang đeo loại găng mùa đông được.”
“Được rồi”, Cobb nói gay gắt. “Cô thông thạo quá, vậy thì tôi đã tháo găng.”
“Với nhiệt độ thấp như thế, tại sao anh lại tháo găng mười phút trước khi đến ga tàu điện ngầm?”
“Cô không thể nói với tôi theo cái cách này được.”
Dance nói bằng giọng trầm, kiên quyết. “Và anh đã chẳng xem giờ khi đứng trên thềm ga tàu điện ngầm, đúng chứ?”
“Có, tôi đã xem. Lúc đó là chín giờ ba mươi lăm phút.”
“Không, anh đã không xem. Anh sẽ không chìa ra một chiếc đồng hồ trị giá năm nghìn đô la trên thềm ga tàu điện ngầm ban đêm.”
“Thôi được, thế đấy. Tôi sẽ không nói gì nữa.”
Khi một nhân viên thẩm vấn đương đầu với một đối tượng gian dối, kẻ đó trải qua những trạng thái cực kì căng thẳng và phản ứng theo nhiều cách khác nhau để cố gắng thoát khỏi những trạng thái căng thẳng ấy – những chướng ngại vật trước sự thật, Dance gọi như vậy. Trạng thái phản ứng mang tính phá phách nhất và khó chế ngự nhất là trạng thái giận dữ, tiếp theo là chán nản, rồi đến phủ nhận, và cuối cùng là thương lượng. Vai trò của nhân viên thẩm vấn là xác định xem đối tượng đang ở trạng thái nào và trung hòa nó – cũng như tất cả các trạng thái tiếp theo – cho tới lúc rút cục đối tượng đi đến trạng thái chấp thuận, tức là thú nhận, khi mà anh ta cuối cùng sẽ thành thật.
Dance đã đánh giá rằng, mặc dù Cobb thể hiện trạng thái giận dữ, anh ta cơ bản đang ở trong trạng thái sẵn sàng phủ nhận – những đối tượng thế này rất láu cá, hay đổ tội cho trí nhớ và trách móc nhân viên thẩm vấn hiểu nhầm. Cách tốt nhất để khuất phục một đối tượng đang ở trong trạng thái phủ nhận là làm như Dance vừa rồi – kĩ thuận được gọi là “tấn công vào các sự thật”. Đối với một kẻ thuộc loại hướng ngoại, phải đánh mạnh và đánh trúng lần lượt từng điểm yếu và mâu thuẫn trong câu chuyện của kẻ đó cho tới lúc mọi lời biện hộ vỡ tan tành.
“Ari, anh rời khỏi văn phòng lúc bảy giờ ba mươi và đến quán Hanover. Chúng tôi biết thế. Anh ở đó khoảng một tiếng rưỡi. Sau đấy, anh đi bộ qua hai khối phố đến phố Cedar. Anh rành rẽ về phố Cedar vì anh vốn vẫn đến đây kiếm gái. Buổi tối hôm qua, trong khoảng từ chín giờ đến chín giờ ba mươi, một cô gái điếm đã đỗ xe gần con hẻm. Anh ra khỏi xe lúc khoảng mười giờ mười lăm. Đó chính là lúc anh đánh rơi tiền bên lề đường, chắc khi anh kiểm tra điện thoại di động xem vợ anh trước đó có gọi không hay lấy thêm ít tiền boa chẳng hạn. Lúc này, kẻ giết người đã vào trong con hẻm, anh để ý thấy và quan sát được điều gì đó. Điều gì? Anh đã nhìn thấy gì?”
“Không…”
“Có”, Dance đáp lại chắc chắn. Cô nhìn Cobb chằm chằm và không nói thêm gì nữa.
Cuối cùng, anh ta cúi đầu và buông chân đang bắt tréo xuống. Môi anh ta run run. Anh ta chưa thú nhận nhưng Dance đã đẩy anh ta lên thêm một bước trong chuỗi các trạng thái căng thẳng – từ chỗ phủ nhận chuyển sang thương lượng. Bây giờ, Dance phải thay đổi đường lối hành động. Cô sẽ vừa phải bày tỏ sự thông cảm vừa phải mở cho anh ta lối nào đấy để giữ thể diện. Thậm chí các đối tượng có tinh thần hợp tác nhất trong trạng thái thương lượng cũng sẽ tiếp tục dối trá hoặc gây bế tắc nếu bạn không tạo điều kiện cho họ giữ lại chút nhân phẩm và thấy một lối thoát khỏi những hậu quả tồi tệ nhất của việc họ đã làm.