Trăng lạnh - Phần II - Chương 29
CHƯƠNG 29
Ngồi trên một chiếc ghế dựa trong văn phòng của kho chứa hàng, Dennis Baker chải cái quần lúc bấy giờ lấm lem vì cú ngã.
Hàng hiệu Ý, đắt tiền. Cứt thật. Baker bảo Duncan: “Bọn tao đã bắt tạm giam Vincent Reynolds và đã khám xét nhà thờ.”
Tất nhiên, Duncan biết việc này rồi, bởi chính gã gọi điện báo động cho cảnh sát rằng kẻ đồng lõa của Thợ Đồng Hồ đang đẩy một chiếc xe chở thực phẩm đi loanh quanh khu vực phía tây Greenwich Village (Baker đã ngạc nhiên, và bị gây ấn tượng, thấy Kathryn Dance phát hiện ra chân tướng Vincent thậm chí trước khi Duncan tố giác kẻ trợ thủ).
Và Duncan cũng đã biết rằng kẻ hiếp dâm sẽ khai báo về ngôi nhà thờ dưới sức ép của cảnh sát.
“Lâu hơn tao tưởng một chút”, Baker nói. “Nhưng nó gục rồi.”
“Tất nhiên nó sẽ như thế, ” Duncan nói. “Nó là một con bọ.”
Duncan đã thu xếp để kẻ khốn kiếp bệnh hoạn bị bắt. Việc đó cần thiết, nhằm cung cấp thông tin cho cảnh sát khiến họ tin tưởng rằng Thợ Đồng Hồ là một kẻ báo thù tâm thần, chứ không phải một kẻ giết người thuê, như trên thực tế. Và Vincent là điểm mấu chốt chỉ cho cảnh sát đi vào hướng thích hợp, tạo điều kiện cho Duncan hoàn tất kế hoạch của mình
Và kế hoạch ấy tinh vi, tỉ mỉ tựa chiếc đồng hồ được chế tạo cẩn thận nhất. Nó nhằm mục đích ngăn chặn cuộc điều tra do Amelia Sachs tiến hành, cuộc điều tra đe dọa sẽ phát hiện ra đường dây tống tiền mà Baker cầm đầu bắt nguồn từ đồn cảnh sát khu vực 118.
Dennis Baker xuất thân trong một gia đình cảnh sát. Cha gã là một cảnh sát giao thông đã về hưu chẳng bao lâu sau khi bị rơi khỏi cầu thang ga tàu điện ngầm. Một người anh trai gã làm việc tại Cục Trại giam. Chú Baker là cảnh sát ở một thị trấn nhỏ thuộc hạt Suffolk, quê gốc của cả gia đình. Đầu tiên, gã không thích thú gì nghề nghiệp này – gã thanh niên đẹp trai, cao lớn muốn kiếm nhiều tiền. Nhưng tới lúc không còn đồng xu dính túi trong việc kinh doanh tái chế, Baker đành quyết định gia nhập lực lượng cảnh sát. Gã chuyển từ Long Island sang thành phố New York và cố gắng tái đầu tư bản thân mình trong vai trò một nhân viên thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, bước vào nghề nghiệp này muộn – và nhiễm cung cách kiêu căng – gã gặp nhiều khó khăn, bị cấp trên và đồng đội xa lánh. Thậm chí lịch sử gia đình cũng chẳng giúp đỡ được gã (họ hàng gã đã mất thứ bậc cao trong lực lượng). Baker có thể kiếm sống bằng đồng lương cảnh sát, nhưng số phận gã đâu phải là làm một sĩ quan vô danh tiểu tốt tại Tòa nhà Lớn.
Bởi vậy gã quyết định lựa chọn những đồng đô la. Nhưng không bằng cách buôn bán. Gã sẽ sử dụng tấm phù hiệu cảnh sát.
Khi lần đầu tiên tống tiền các nhà doanh nghiệp, gã tự hỏi mình có cảm thấy tội lỗi hay không.
Ờ. Không tí nào cả.
Vấn đề duy nhất là để đáp ứng phong cách sống của gã – bao gồm sở thích về rượu vang, thức ăn, và gái đẹp – gã cần nhiều hơn món tiền chừng một nghìn mỗi tháng lấy được từ những người Triều Tiên bán sỉ các thứ hàng hóa và những ông chủ béo ú của các cửa hiệu pizza ở Queens. Thế là Baker, một đối tác làm ăn cũ và một số cảnh sát đồn 118 đã đi đến kế hoạch xây dựng đường dây tống tiền lớn. Bọn gã tăm tia con cái những doanh nhân giàu có đến chơi bời tại những câu lạc bộ khu Manhattan và bí mật giấu ma túy vào người chúng. Baker sẽ trao đổi với cha mẹ chúng, nói rằng, với một khoản sáu con số, báo cáo về việc bắt giữ sẽ biến mất. Nếu họ không trả tiền, những đứa trẻ sẽ ngồi tù. Gã thỉnh thoảng cũng bí mật giấu ma túy vào người chính các doanh nhân.
Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là lấy tiền, bọn gã còn thu xếp để các nạn nhân mất những khoản tiền này vào những vụ làm ăn vờ vịt, như trường hợp Frank Sarkowski, hoặc vào những ván bài xì bịp bợm ở Vegas hay Atlantic City – phương pháp bọn gã tiến hành với Ben Creeley, nhằm cung cấp cho họ lời giải thích hợp lí đối với việc bỗng dưng bị mất hai, ba trăm nghìn đô la.
Nhưng rồi Dennis Baker phạm sai lầm. Gã trở nên lười biếng. Không dễ dàng tìm kiếm được những đối tượng thích hợp cho cái mưu đồ bất lương kia và gã quyết định quay lại tống tiền lượt hai với các mục tiêu trước đây.
Một số chịu trả lượt hai. Tuy nhiên, hai trong số họ – Sarkowski và Creeley – là những doanh nhân khá cứng cỏi, và mặc dù họ sẵn sàng trả một lần cho yên chuyện, họ từ chối lần thứ hai. Một người đe dọa sẽ tố cáo với cảnh sát, còn một người đe dọa sẽ tố cáo với báo chí. Đầu tháng Mười một, Baker và một cảnh sát đồn 118 đã bắt cóc Sarkowski, lái xe đưa anh ta đến một khu công nghiệp ở Queens, gần nhà máy một khách hàng của anh ta. Anh ta bị bắn chết, tội ác được dàn dựng cho giống một vụ cướp. Vài tuần sau, Baker lại cùng gã cảnh sát kia đột nhập căn hộ trong tòa chung cư cao tầng của Creeley, tròng một sợi dây xung quanh cổ nhà doanh nghiệp và quăng ông ta ra ngoài ban công.
Bọn gã đã đánh cắp và hủy các hồ sơ cá nhân, sổ sách và nhật kí của hai người đàn ông – bất cứ thứ gì có thể dẫn dắt tới Baker và mưu đồ do gã thực hiện. Về các báo cáo ở cơ quan cảnh sát, đối với trường hợp Creeley, hầu như không có gì buộc tội được gã, nhưng hồ sơ vụ Sarkowski chứa đựng những chứng cứ mà một nhân viên điều tra sắc sảo có thể đi đến những kết luận phiền phức. Bởi vậy, một trong những kẻ liên quan đã sắp đặt để nó bị thất lạc.
Baker nghĩ những cái chết ấy sẽ chẳng bị chú ý và bọn gã tiếp tục với mưu đồ của mình – cho tới lúc nữ cảnh sát trẻ xuất hiện. Thám tử Cấp Ba Amelia Sachs không cho là Benjamin Creeley tự tử và bắt đầu điều tra.
Không có gì chặn cô gái ấy lại được. Bọn gã không có sự lựa chọn nào ngoài việc giết cô. Nếu Sachs chết hoặc bị tàn phế, Baker không tin sẽ có ai khác theo đuổi các vụ này quyết liệt như cô. Tất nhiên, vấn đề là nếu cô chết, Lincoln Rhyme sẽ ngay lập tức suy luận ra rằng cái chết của cô liên quan đến vụ quán Thánh James và rồi sẽ không có gì ngăn cản nổi anh cùng Sellitto truy tìm những tên sát nhân.
Bởi vậy, Baker cần để Sachs chết với một lí do không liên quan đến đồn cảnh sát khu vực 118.
Baker thăm dò vài kẻ khôn khéo thuộc giới tội phạm có tố chức mà gã biết và nhanh chóng nhận được tin tức từ Gerald Duncan, một sát thủ chuyên nghiệp có khả năng bố trí hiện trường vụ án và dàn dựng động cơ giả nhằm lái hoàn toàn sự nghi ngờ khỏi các đối tượng đã thuê gã.
“Động cơ là cách chắc chắn khiến mày bị tóm”, Duncan từng giải thích. “Loại bỏ được vấn đề động cơ, tức mày loại bỏ được sự nghi ngờ.”
Bọn gã đã nhất trí về giá cả – người anh em, nhân mạng không rẻ – và Duncan lên kế hoạch.
Duncan tìm kiếm một kẻ thất bại trong cuộc sống mà gã có thể sử dụng để cung cấp cho cảnh sát thông tin về Thợ Đồng Hồ. Vincent Reynolds hóa ra là một thằng khờ hoàn hảo, tiếp thu câu chuyện bịa đặt của Duncan – rằng gã trở thành kẻ tâm thần vì người vợ bị chết và đi giết những công dân vô cảm để trả thù.
Rồi ngày hôm trước, Duncan bắt đầu thực hiện kế hoạch Thợ Đồng Hồ sát hại hai nạn nhân đầu tiên, hai nạn nhân đã lựa chọn ngẫu nhiên – một người gã bắt cóc từ phố West ở khu Greenwich Village rồi đem giết trên cầu tàu, và một người giết trong con hẻm vài tiếng sau đó. Baker đã đảm bảo chắc chắn rằng Sachs được giao giải quyết vụ này. Còn hai âm mưu giết người nữa – cái thực tế chúng không thành công chẳng liên quan gì cả Thợ Đồng Hồ vẫn là một kẻ sát nhân đáng sợ cần phải bị nhanh chóng ngăn chặn.
Tiếp theo, Duncan đưa Vincent ra tấn công Kathryn Dance để cảnh sát tin tưởng là Thợ Đồng Hồ thậm chí sẵn sàng giết cảnh sát, và dàn dựng cho gã bị bắt, khai ra Thợ Đồng Hồ.
Bây giờ là lúc thực hiện bước cuối cùng: Thợ Đồng Hồ sẽ giết một cảnh sát khác, Amelia Sachs, toàn bộ cái chết của cô là công việc của một kẻ giết người báo thù, không liên quan đến cuộc điều tra về đồn cảnh sát khu vực 118.
Duncan hỏi: “Con bé phát hiện ra mày bí mật theo dõi nó?”
Baker gật đầu. “Mày gọi đúng đấy. Nó là một con cáo cái. Nhưng tao đã làm những gì mày gợi ý.”
Duncan dự đoán trước rằng Sachs sẽ nghi ngờ tất cả mọi người trừ những người cô quen biết một cách riêng tư. Gã giải thích rằng khi người ta nghi ngờ anh, anh phải cung cấp cho người ta một lí do khác – vô hại – bào chữa hành vi của anh. Đơn giản là anh thú nhận một tội ít nghiêm trọng hơn, tỏ ra ăn năn hối hận và người ta sẽ hài lòng, anh được loại khỏi danh sách nghi vấn.
Như Duncan gợi ý, Baker hỏi một số sĩ quan về Sachs. Và gã nghe đồn đại rằng cô từng yêu một cảnh sát biến chất. Gã đã lấy email của ai đó ở Tòa nhà Lớn, sử dụng nó làm cái cớ để bí mật theo dõi cô. Cô không vui vẻ gì, nhưng không nghi ngờ gã đang tiến hành những chuyện còn xấu xa hơn.
“Đây là kế hoạch.” Duncan lúc nãy vừa trình bày vừa cho Baker xem sơ đồ một tòa văn phòng ở khu Midtown. “Đây là nơi nạn nhân cuối cùng làm việc. Tên con bé là Sarah Stanton. Con bé có một căn phòng nhỏ trên tầng hai. Tao lựa chọn chỗ này vì kiểu bố trí của nó. Sẽ rất hoàn hảo. Tao không thể đặt một trong những chiếc đồng hồ ở đó do cảnh sát đã thông báo là sát thủ sử dụng chúng, nhưng tao mở cửa sổ hiển thị giờ và ngày tháng trên màn hình máy vi tính của con bé.”
“Chi tiết hay đấy.”
Duncan mỉm cười. “Tao cũng nghĩ thế.” Giọng kẻ sát nhân dịu dàng, lời lẽ chính xác, nhưng kiểu nói tràn ngập niềm thích thú khiêm nhường của một thợ thủ công đang khoe một món đồ gỗ hay một nhạc cụ... hay một chiếc đồng hồ, Baker tự nhủ.
Duncan trình bày rằng gã sẽ mặc quần áo công nhân, đợi tới lúc Sarah đi ra ngoài sẽ giấu vào căn phòng một chiếc bình xịt chữa cháy đựng đầy cồn đốt cháy được. Mấy phút nữa, Baker sẽ gọi cho Rhyme và Sellitto để thông báo việc gã đã tìm thấy bằng chứng nơi bố trí quả bom cháy. Đơn vị Phản ứng nhanh và đội tháo bom lúc ấy sẽ lao đến tòa văn phòng, cả Amelia Sachs nữa.
“Tao đặt cái bình xịt sao cho nếu con bé di chuyển bình theo một cách nhất định, cồn sẽ phun vào con bé và bốc cháy, cồn cháy rất nhanh. Lửa sẽ thiêu chết hoặc làm bị thương con bé, tuy nhiên sẽ không làm cháy cả văn phòng.” Cảnh sát, Duncan tiếp tục, thậm chí có thể dập lửa và cứu người phụ nữ. Điều ấy chẳng thành vấn đề, tất cả những gì Duncan quan tâm là Amelia Sachs phải đến khám nghiệm hiện trường.
Cái ngăn nhỏ của Sarah ở cuối một hành lang hẹp. Sachs sẽ xem xét nó một mình, như cô vẫn luôn luôn làm thế. Khi cô quay lưng lại, Baker, chờ ở gần đấy, sẽ bắn cô và bất cứ ai khác có mặt. Vũ khí gã sẽ sử dụng là khẩu súng ngắn tự động cỡ ba mươi hai của Duncan, được nạp những viên đạn vốn được đựng trong chiếc hộp mà gã cố ý bỏ quên trên chiếc SUV để cảnh sát tìm thấy. Sau khi bắn Sachs, Baker sẽ phá vỡ ô cửa sổ gần đấy, ô cửa sổ này cách mặt một con hẻm chừng bốn mét rưỡi. Gã sẽ vứt khẩu súng ra xa, để làm như thể Thợ Đồng Hồ đã nhảy qua cửa sổ tẩu thoát và đánh rơi khẩu súng. Thứ vũ khí giết người đặc biệt, được liên hệ với những viên đạn tìm thấy trong chiếc Explorer, sẽ chẳng gây nghi ngờ gì về việc Thợ Đồng Hồ là thủ phạm.
Sachs sẽ chết và cuộc điều tra về tình trạng tống tiền ăn hối lộ ở đồn 118 sẽ kết thúc.
Duncan nói: “Hãy để một số đứa khác chạm đến thân thể con bé trước, nhưng sẽ rất hay nếu mày đẩy chúng sang bên và cố gắng làm nó hồi tỉnh.”
Baker đáp lời: “Mày nghĩ chu đáo mọi điều, nhỉ?”
Duncan nói, nhìn chằm chằm chiếc đồng hồ mặt có hình trăng: “Điều kì diệu về những chiếc đồng hồ là không chiếc nào có nhiều hơn hay ít hơn các bộ phận cần thiết để làm cái công việc mà các thợ đồng hồ muốn chúng làm. Không có gì thiếu, cũng không có gì thừa.” Gã nói thêm bằng giọng nhẹ nhàng: “Nó đơn giản là sự hoàn hảo.”
Amelia Sachs và Ron Pulaski cần mẫn đi khắp các con phố lạnh lẽo của khu Hạ Manhattan, và cô nghĩ đôi khi trở ngại nhất trong một vụ án chẳng phải từ đối tượng mà là từ những người ở xung quanh, những nhân chứng, cũng như nạn nhân.
Họ đang lần theo một trong những manh mối tìm thấy tại ngôi nhà thờ, các hóa đơn từ một ga ra đỗ xe gần cái cầu tàu, nơi nạn nhân đầu tiên đã thiệt mạng. Nhưng viên bảo vệ không giúp đỡ được gì. Thưa cô, không, hắn trông không quen. Tôi nhớ là không ai trông giống hắn cả. Ahmed, có thể anh ta đã nhìn thấy hắn... ồ, nhưng anh ta không ở đây hôm nay. Không, tôi không biết số điện thoại của anh ta...
Thất vọng, Sachs hất đầu về phía một quán ăn ngay bên cạnh ga ra. Cô nói: “Có thể hắn đã tạt vào đây. Hãy thử xem sao.”
Đúng lúc ấy, bộ đàm của Sachs kêu lách tách. Cô nhận ra giọng Sellitto. “Amelia?”
Cô túm lấy cánh tay Pulaski và tăng âm lượng để cả hai đều nghe được. “Anh nói đi.”
“Cô đang ở đâu?”
“Khu trung tâm Manhattan. Cái ga ra đỗ xe không cung cấp được thông tin gì. Chúng tôi đang định vào mấy quán ăn hỏi thăm.”
“Bỏ qua đi. Hãy đến góc phố Ba mươi hai và đại lộ Bảy. Nhanh lên. Dennis Baker phát hiện ra một manh mối. Xem ra thì nạn nhân tiếp theo đang làm việc trong tòa văn phòng ở vị trí ấy.”
“Cô ta là ai?”
“Chúng tôi chưa biết chính xác. Chúng ta có lẽ sẽ phải tìm kiếm trong toàn bộ tòa nhà. Arson và đội tháo bom đã xuất phát, cô ta là người hắn dự định thiêu chết. Chao ôi, tôi hi vọng chúng ta đến kịp. Dù sao, cũng hãy đến đây ngay bây giờ.”
“Chúng tôi sẽ đến nơi sau mười lăm phút nữa.”
* * *
Cơ quan cứu hỏa cử hơn hai mươi người đến tòa nhà hai mươi bảy tầng ở khu Midtown, cả nam lần nữ. Và Bo Haumann tập hợp năm nhóm Phản ứng nhanh – mỗi nhóm sáu người, chứ không phải như bình thường là bốn người – để tiến hành khám xét từng tầng một.
Sachs lái xe đến đây mất gần nửa tiếng đồng hồ, do vào dịp lễ phố xá đông đúc. Không muộn lắm, nhưng mười lăm phút dôi ra kia làm thành sự khác biệt. Cô mất một chỗ trong một nhóm tập kích vào tòa nhà. Chính thức thì Amelia Sachs là thám tử khám nghiệm hiện trường, tuy nhiên cô cũng rất nhiệt tình với các hoạt động chiến thuật.
Nếu họ tìm thấy Thợ Đồng Hồ ở đây, nó sẽ là cơ hội cuối cùng cho cô tóm cổ một đối tượng trước khi rời khỏi lực lượng. Cô nghĩ rằng cô sẽ được thấy những hấp dẫn trong công việc mới với vai trò là chuyên gia an ninh tại Argyle, nhưng cảnh sát chắc chắn được hưởng nhiều nhất cái cảm giác thú vị của các hoạt động mang tính chiến thuật.
Sachs và Pulaski chạy từ xe tới trạm chỉ huy đặt tại cửa hậu tòa văn phòng.
“Có dấu hiệu gì của hắn không?”, cô hỏi Haumann.
Người đàn ông lúc nào cũng nhăn nhó này lắc đầu. “Chưa thấy. Chúng tôi có một đoạn phim trong camera đặt ở tiền sảnh xuất hiện một ai đó trông giông giống gã đàn ông trong bức ảnh chắp ghép, xách một cái túi. Nhưng chúng tôi không biết anh ta đã rời khỏi đây hay chưa. Có hai cửa ngách và hai cửa hậu không có chuông báo động và camera an ninh.”
“Anh đang cho mọi người sơ tán à?”, một giọng đàn ông hỏi.
Sachs quay lại. Đó là thám tử Dennis Baker.
“Vừa bắt đầu”, Haumann đáp.
“Làm thế nào anh phát hiện ra hắn?”, Sachs hỏi.
Baker trả lời: “Cái kho chứa hàng sơn màu xanh lá cây đó, hắn sử dụng nó làm nơi xây dựng các kế hoạch. Tôi tìm thấy một số ghi chép và một sơ đồ tòa nhà này.”
Người nữ cảnh sát vẫn tức giận vì Baker đã bí mật theo dõi cô, nhưng hoàn thành xuất sắc công việc thì xứng đáng được khen ngợi nên cô gật đầu với gã, nói: “Tốt lắm.”
“Chẳng có gì đặc biệt”, Baker mỉm cười đáp. “Chỉ là nện chân trên các vỉa hè. Và một chút may mắn.” Cặp mắt Baker ngước lên nhìn tòa nhà trong lúc gã xỏ găng tay.