Trăng lạnh - Phần II - Chương 30 - 31
CHƯƠNG 30
Ngồi trong cái ngăn nhỏ của mình, Sarah Stanton nghe thấy một tiếng uồm oàm nữa từ hệ thống truyền thanh gắn phía trên đầu cô.
Trong văn phòng, mọi người không ngớt đùa cợt là công ti lắp bộ lọc vào các loa để âm thanh truyền đi trở nên hoàn toàn chẳng thể hiểu được. Cô quay lại với máy vi tính, hỏi to: “Họ đang nói cái gì vậy? Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào.”
“Thông báo cái gì đấy”, một trong số các đồng nghiệp của Sarah trả lời.
“Suốt ngày thông báo. Bực cả mình. Thực tập cứu hỏa à?”
“Không biết nữa.”
Một lát sau, Sarah nghe thấy tiếng chuông báo cháy réo.
Biết ngay mà.
Sau vụ ngày mười một tháng Chín, cứ khoảng một tháng một lần chuông báo cháy lại réo. Mấy lần đầu tiên, Sarah cũng thực hiện đúng các thao tác và cùng với tất cả mọi người lũ lượt xuống gác. Nhưng hôm nay, trời lạnh đến hai mươi độ[69] và cô có quá nhiều việc phải làm. Hơn nữa nếu cháy thật và các cửa bị chặn, cô có thể nhảy ngay qua cửa sổ. Văn phòng của cô chỉ ở tầng hai.
[69]°F, khoảng –7°c.
Sarah quay lại màn hình máy vi tính.
Nhưng rồi Sarah nghe thấy những giọng nói từ đầu đằng kia dãy hành lang dẫn đến văn phòng của cô. Trong những giọng nói ấy có sự cấp bách. Và một cái gì đó nữa – tiếng kim loại va vào nhau kêu chói tai. Thiết bị cứu hỏa chăng? Cô tự hỏi.
Có lẽ chuyện gì đó đang xảy ra thật.
Những tiếng bước chân nặng nề vang lên sau lưng Sarah, tiến đến gần. Cô quay lại và nhìn thấy cảnh sát mặc đồng phục sẫm màu, mang súng, Cảnh sát à? Ôi, lạy Chúa, đã có một vụ tấn công khủng bố à? Toàn bộ ý nghĩ của cô là tới trường của đứa con trai để đón nó.
“Chúng tôi đang sơ tán tòa nhà này”, người cảnh sát thông báo.
“Khủng bố à?”, ai đó kêu to. “Một vụ tấn công nữa à?”
“Không.” Anh ta không giải thích thêm. “Tất cả mọi người trật tự đi ra ngoài. Mang theo áo khoác, các thứ khác để lại.”
Sarah cảm thấy nhẹ nhõm. Cô không phải lo lắng cho con trai.
Một người cảnh sát khác nói to: “Chúng tôi đang tìm kiếm các bình xịt chữa cháy. Có cái nào ở khu vực này không? Đừng động đến chúng. Chỉ thông báo cho chúng tôi biết thôi. Tôi nhắc lại, đừng động đến chúng!”
Vậy là đã xảy ra một vụ hỏa hoạn, Sarah vừa nghĩ vừa mặc áo khoác.
Rồi cô tự nhủ, thật kì lạ khi cơ quan cứu hỏa lại sử dụng bình chữa cháy của công ti. Họ không có ư? Và tại sao họ phải quan tâm quá thế, rằng chúng ta có sử dụng bình chữa cháy hay không?
Tôi nhắc lại, đừng động đến chúng!...
Người cảnh sát nhìn vào một văn phòng gần văn phòng của Sarah.
“Ồ, anh sĩ quan. Anh muốn tìm một bình chữa cháy?”, Sarah hỏi. “Tôi có một chiếc ở ngay đây.”
Và cô nhấc chiếc bình nặng hình trụ màu đỏ lên khỏi sàn.
“Đừng!”, người đàn ông kêu to và anh ta nhảy về phía cô.
Sach nhăn mặt khi bộ tai nghe phát ra tiếng lạo xạo.
“Gọi nhóm cứu hỏa, đội tháo bom, tầng hai, văn phòng góc phía đông nam. Công ti thiết kế sàn và nội thất Lanam. Nào! Mau, mau, mau!”
Khoảng chục lính cứu hỏa và cảnh sát thuộc đội tháo bom vác các thiết bị trên vai, guồng chân chạy về phía cửa hậu.
“Tình trạng?”, Haumann hét vào mic.
Họ chỉ có thể nghe thấy những giọng nói vội vã giữa tiếng rú của chuông báo cháy.
“Có thấy nổ không?”, vị chỉ huy Đơn vị Phản ứng nhanh nhắc lại gấp gáp.
“Tôi không trông thấy khói”, Pulaski trả lời.
Dennis Baker nhìn chằm chằm lên tầng hai. Gã lắc đầu.
Một trong số những người chỉ huy lính cứu hỏa nói: “Nếu là cồn thì sẽ không có khói cho tới lúc nào các chất liệu khác ở xung quanh bắt lửa.” Ông ta bổ sung bằng giọng đều đều: “Hoặc da và tóc cô ta.”
Sachs tiếp tục quét ánh mắt qua các cửa sổ, hai bàn tay nắm chặt lại. Người phụ nữ ấy lúc này đang chết trong đau đớn chăng? Có cảnh sát và lính cứu hỏa bên cạnh cô ta không?
“Cố gắng lên”, Baker thì thầm.
Rồi một giọng oang oang phát ra từ bộ đàm: “Chúng tôi đã tìm thấy quả bom... Chúng tôi đã... Vâng, chúng tôi đã tìm thấy. Nó chưa nổ.”
Sachs nhắm mắt lại.
“Ơn Chúa”, Baker nói.
Lúc này, mọi người đang nhanh chóng ra khỏi tòa văn phòng, dưới con mắt kiểm soát của các cảnh sát Đơn vị Phản ứng nhanh và lực lượng tuần tra, họ tìm kiếm Duncan, so sánh gương mặt trên ảnh chắp ghép với những gương mặt nhân viên trong tòa văn phòng.
Một cảnh sát dẫn người phụ nữ đến chỗ Sachs, Baker và Pulaski, đúng lúc Sellitto cũng đến chỗ họ.
Người suýt nữa trở thành nạn nhân, Sarah Stanton, trình bày rằng cô phát hiện ra chiếc bình chữa cháy dưới gầm bàn của mình, lúc trước nó không có ở đây và cô cũng không nhìn thấy ai đã đặt nó vào. Một người trong văn phòng nhớ là có nhìn thấy một công nhân mặc đồng phục lảng vảng gần đó, nhưng không nhớ được chi tiết và không nhận ra gương mặt trên ảnh chắp ghép, cũng không nhớ được anh ta đi theo hướng nào.
“Tình trạng quả bom?”, Haumann hỏi to.
Một cảnh sát trả lời qua bộ đàm: “Không nhìn thấy thiết bị hẹn giờ, nhưng đồng hồ đo áp suất không chỉ gì. Có thể đó là ngòi nổ. Và tôi ngửi được mùi cồn. Đội tháo bom đã cho nó vào hộp thép. Họ đang đưa nó về Rodman’s Neck. Chúng tôi vẫn tiếp tục truy quét đối tượng.”
“Có dấu hiệu nào của hắn không?”, Baker hỏi.
“Không. Có hai cầu thang thoát hiểm và các cầu thang máy. Hắn chắc đã tẩu thoát qua những lối ấy. Và có bốn hay năm công ti trên tầng hai. Hắn có thể lẻn vào một trong các công ti này. Vài phút nữa chúng tôi sẽ khám xét tác công ti này ngay sau khi chúng tôi kiểm tra và chắc chắn rằng không còn quả bom nào.”
Mười phút sau, cảnh sát báo cáo là không còn quả bom nào trong tòa nhà.
Sachs phỏng vấn Sarah, rồi gọi cho Rhyme và trình bày với anh tình trạng của vụ án cho tới lúc bấy giờ. Người phụ nữ không biết về những nạn nhân khác, cũng chưa từng nghe nói về Gerald Duncan. Cô rất bối rối trước việc vợ gã có lẽ đã bị xe cán chết bên ngoài căn hộ cô ở, tuy nhiên cô chẳng nhớ ra đã xảy ra tai nạn chết người nào.
Cuối cùng, Haumann thông báo rằng tất cả cảnh sát của ông ta đã kết thúc việc rà soát, Thợ Đồng Hồ đã trốn thoát.
“Rõ khỉ”, Dennis Baker lẩm bẩm. “Chúng ta suýt tóm được hắn.”
Chán nản, Rhyme nói: “Thôi, khám nghiệm hiện trường đi và cho anh biết em tìm thấy gì.”
Họ kết thúc trao đổi. Haumann cử hai nhóm đến mai phục tại kho chứa hàng mà Duncan đã sử dụng làm nơi xây dựng các kế hoạch phòng trường hợp kẻ sát nhân quay lại đó, còn Sachs thì mặc bộ áo liền quần Tivek màu trắng, xách chiếc va li kim loại đựng những thiết bị thu thập và bảo quản chứng cứ.
“Để tôi phụ chị”, Pulaski nói, cũng mặc bộ áo liền quần màu trắng.
Sachs đưa chiếc va li cho anh và xách một chiếc khác.
Đến tầng hai, cô dừng lại xem xét dãy hành lang. Sau khi chụp ảnh dãy hành lang, cô bước vào công ti thiết kế sàn Lanam và tiến đến nơi làm việc của Sarah Stanton.
Sachs và Pulaski mở va li, lấy ra những thiết bị thu thập chứng cứ cơ bản: túi, ống nghiệm, gạc, con lăn bôi chất dính, các tờ lấy dấu chân bằng tĩnh điện và hóa chất lấy dấu vân tay dạng ẩn.
“Tôi có thể làm gì?”, Pulaski hỏi. “Chị muốn tôi xem xét các ô cầu thang không?”
Sachs cân nhắc. Rốt cuộc thì họ sẽ phải xem xét các ô cầu thang, nhưng cô quyết định tốt hơn hết chính cô sẽ tự xem xét. Đó là những lối đột nhập và tẩu thoát hợp lí nhất đối với Thợ Đồng Hồ và cô muốn chắc chắn không bỏ qua bất kì chứng cứ nào. Sachs nhìn bao quát cách bố trí văn phòng của Sarah, rồi để ý thấy một ngăn trống bên cạnh cái ngăn Sarah ngồi. Có thể Thợ Đồng Hồ đã ở trong ấy đợi tới lúc gặp cơ hội đặt quả bom. Sachs bảo chàng cảnh sát trẻ: “Hãy xử lí cái ngăn đó.”
“Rõ.” Anh bước vào cái ngăn trống, rút đèn pin ra và bắt đầu thực hiện công việc rất đúng cách. Sachs thấy anh ngửi cả không khí, một yêu cầu nữa của Lincoln Rhyme đối với các cảnh sát khám nghiệm hiện trường. Chàng trai này sẽ thành công trong nghề nghiệp, cô tự nhủ thầm.
Sachs bước vào cái ngăn nơi quả bom đã được phát hiện. Cô nghe thấy một tiếng động và ngoái nhìn đằng sau. Chỉ là Dennis Baker. Gã bước dọc theo hàng lang và dừng lại cách khoảng bảy mét, đủ xa để không làm nhiễm bẩn hiện trường.
Sachs không biết chính xác tại sao gã lên đây nhưng, vì họ vẫn chưa chắc chắn Thợ Đồng Hồ đang ở chỗ nào, cô biết ơn sự hiện diện của gã.
Tập trung xem xét nhưng vẫn quan sát phía sau...
* * *
Đây là sự khác biệt.
Thám tử Dennis Baker – cùng với một cảnh sát đồn 118 – đã sát hại Benjamin Creeley và Frank Sarkowki. Đó là việc khó khăn nhưng bọn gã đã tiến hành không do dự. Và gã xác định tinh thần sẽ giết bất cứ người dân thường nào đe dọa đường dây tống tiền. Chẳng vấn đề gì sất. Năm triệu đô la tiền mặt – một món tiền bọn gã kiếm được cho tới nay – che lấp hết cảm giác tội lỗi.
Dù sao, Baker cũng chưa bao giờ giết một đồng đội.
Cau mày, bồn chồn, gã quan sát Amelia Sachs và chàng thanh niên, Pulaski, người cũng có thể trở thành một mục tiêu dễ dàng.
Một sự khác biệt lớn.
Đây là giết những thành viên trong gia đình, là giết đồng đội.
Nhưng sự thật đáng buồn là Sachs và cộng sự của Sachs, Pulaski, có thể hủy hoại cuộc đời gã.
Và bởi vậy không cân nhắc nữa.
Lúc này, Baker nghiên cứu hiện trường. Phải, Duncan đã lập kế hoạch một cách hoàn hảo. Đây là ô cửa sổ đó. Gã liếc nhìn ra ngoài. Con hẻm, cách chừng bốn mét rưỡi phía dưới, vắng tanh vắng ngắt. Và bên cạnh gã là chiếc ghế dựa bằng kim loại màu xám, gã sẽ sử dụng để ném vào ô kính cửa sổ sau khi giết chết đồng đội.
Có cái hốc lớn đặt ống hút khí vào máy điều hòa nhiệt độ mà sau khi bắn gã sẽ tháo khung sắt ra, làm như thể Thợ Đồng Hồ đã trốn ở trong đó.
Một hơi thở sâu.
Được, tới lúc rồi. Baker phải nhanh chóng hành động, trước khi có bất kì ai khác lên hiện trường. Amelia Sachs phân công cho các cảnh sát còn lại khu vực hành lang chính nhưng một người nào đấy có thể quay lại đây bất cứ lúc nào.
Gã lấy khẩu súng cỡ ba mươi hai và lặng lẽ kéo chốt để chắc chắn rằng viên đạn đang nằm trong ổ. Giấu khẩu súng sau lưng, gã rón rén tiến đến gần hơn. Gã nhìn chằm chằm vào Sachs, cô di chuyển xung quanh hiện trường gần như một diễn viên múa. Chính xác, uyển chuyển, tập trung tới mức không chú ý gì xung quanh. Hình ảnh ấy thật đẹp.
Baker dứt mình khỏi sự mơ màng này.
Người nào trước? Gã cân nhắc.
Theo logic thì nên bắn Pulaski đầu tiên, vì ở gần hơn. Nhưng Baker đã được Lincoln Rhyme cho biết Sachs là tay thiện xạ. Cô có thể rút súng bắn trong tích tắc. Chàng trai trẻ thì chắc thậm chí chưa từng bắn khi giao tranh. Anh có lẽ sẽ đặt tay lên khẩu súng sau khi Baker hạ Sachs, tuy nhiên anh sẽ chết trước khi kịp rút súng ra.
Hít lấy vài hơi.
Amelia Sachs vô tình hợp tác với sát thủ. Cô đang cúi lom khom liền đứng thẳng dậy. Lưng cô làm thành một mục tiêu hoàn hảo. Baker chĩa súng vào gáy cô và siết cò.
CHƯƠNG 31
Đối với hầu hết mọi người, âm thanh đó là tiếng cách rất khẽ khàng của kim khí, chìm lẫn giữa bao nhiêu tiếng ồn ào khác trong cái tòa văn phòng ở thành phố lớn này.
Tuy nhiên, đối với Amelia Sachs, đó rõ ràng là tiếng lẫy đập vào ngòi nổ một viên đạn bị xịt, hoặc ai đấy đang bắn súng không có đạn. Cô nghe thấy cái âm thanh riêng biệt này đã hàng trăm lần – từ khẩu súng của bản thân cô và của đồng đội.
Tiếp theo sau tiếng cách này thông thường sẽ là – xạ thủ kéo chốt để tháo viên đạn bị xịt ra và lắp viên đạn mới vào ổ. Trong nhiều trường hợp – cũng giống như lúc này – các thao tác phải đặc biệt gấp gáp, xạ thủ phải ngay lập tức tháo viên đạn bị xịt ra và lắp viên đạn mới mau lẹ. Nó có thể là vấn đề sinh tử.
Toàn bộ điều này được nhận ra trong vòng một tích tắc. Sachs buông con lăn cô đang sử dụng để thu thập dấu vết. Bàn tay phải của cô đưa phắt sang hông – cô luôn luôn biết chính xác vị trí cái bao súng – và ngay giây tiếp theo cô xoay người, khom lưng ở tư thế sẵn sàng bắn, khẩu Glock trong tay, đối mặt với nơi âm thanh kia phát ra.
Bằng khóe mắt, cô nhìn thấy phía tay phải mình, Ron Pulaski, đứng bật dậy trong ngăn bên cạnh, nhìn thứ vũ khí của cô, lo lắng, không biết cô đang làm gì.
Cách đó chừng bảy mét là Dennis Baker, cặp mắt gã mở to. Trong bàn tay đeo găng, khẩu súng cỡ ba mươi hai, Sachs nghĩ thế, chĩa vào cô và gã đang kéo chốt. Cô nhận ra nó là một khẩu Autauga Mk II, là loại súng Rhyme phỏng đoán Thợ Đồng Hồ sử dụng.
Baker chớp mắt. Trong khoảnh khắc, gã không thể mở miệng. “Tôi nghe thấy tiếng gì đó”, gã nói vội vã. “Tôi nghĩ hắn quay lại, Thợ Đồng Hồ ấy mà.”
“Anh đã siết cò.”
“Không, tôi chỉ đang lắp đạn.”
Sachs liếc nhìn xuống sàn, viên đạn bị xịt nằm đó. Lí do duy nhất để nó nằm đó là Baker đã bắn nhưng không được, rồi tháo nó ra. Chuyển khẩu súng cỡ ba mươi hai bé tí sang tay trái, Baker hạ tay phải. Nó lần đến hông gã. “Chúng ta phải cẩn thận. Tôi nghĩ rằng hắn quay lại.”
Sachs chĩa súng thẳng vào ngực Baker.
“Đừng làm thế, Dennis”, cô nói, hất đầu về phía hông gã, nơi đeo khẩu súng ngắn công vụ. “Tôi sẽ bắn đấy. Tôi đồ rằng bên dưới áo com lê anh mặc áo chống đạn. Phát thứ nhất tôi sẽ nhằm ngực anh, nhưng phát thứ hai và thứ ba sẽ nhằm vị trí cao hơn. Sẽ không dễ chịu đâu.”
“Tôi... Cô không hiểu rồi.”Cặp mắt Baker mở to, hốt hoảng. “Cô phải tin tôi.”
Phải chăng đó là một trong những câu then chốt bộc lộ sự gian dối, theo lí thuyết của Kathryn Dance?
“Chuyện gì đang diễn ra vậy?”, Pulaski hỏi.
“Ở nguyên đó, Ron”, Sachs ra lệnh. “Đừng chú ý đến một lời nào anh ta nói. Hãy rút súng ra.”
“Pulaski”, Baker nói. “Cô ấy đang trở nên điên rồ. Có chuyện gì đó không ổn.”
Nhưng bằng khóe mắt, Sachs nhìn thấy chàng cảnh sát trẻ rút súng và chĩa vào Baker.
“Dennis, đặt khẩu ba mươi hai lên bàn. Rồi dùng tay trái lấy súng công vụ của anh ra, chỉ dùng ngón cái và ngón trỏ. Cũng đặt nó lên bàn. Sau đó lùi lại năm bước. Nằm úp mặt xuống sàn. Nào. Anh nghe rõ ràng chứ?”
“Cô không hiểu rồi.”
Sachs nói bình thản: “Tôi chẳng cần hiểu. Tôi cần anh làm những gì tôi đang yêu cầu.”
“Nhưng…”
“Và tôi cần anh làm ngay bây giờ.”
“Cô thật điên rồ”, Baker quát. “Cô đã có tâm trạng ấy với tôi kể từ khi cô phát hiện ra tôi điều tra về cô và bạn trai cũ của cô. Cô đang cố gắng làm tôi mất danh dự... Pulaski, cô ta định giết tôi. Cô ta đã trở nên gian xảo. Đừng để cô ta kéo cả cậu xuống vũng bùn.”
Pulaski nói: “Anh đã nghe yêu cầu của thám tử Sachs. Tôi sẽ tước vũ khí của anh nếu cần thiết. Nào, thưa ngài, ngài muốn sao đây?”
Mấy giây trôi qua. Tưởng chừng như hàng tiếng đồng hồ. Không một ai cử động.
“Mẹ kiếp.” Baker đặt hai khẩu súng ngắn vào vị trí được yêu cầu, rồi nằm xuống sàn. “Cả hai đứa chúng mày đều sẽ gặp rắc rối to.”
“Còng hắn lại”, Sachs bảo Pulaski.
Cô chĩa súng vào Baker trong khi chàng cảnh sát trẻ hoang mang kéo tay gã đàn ông quặt ra sau lưng, ấn còng vào.
“Lục soát hắn.”
Sachs chộp lấy chiếc Motorola, gọi: “Thám tử 5885 gọi Haumann. Xin trả lời.”
“Báo cáo đi.”
“Ở đây chúng tôi có diễn biến mới. Một kẻ đã bị tôi còng tay, tôi cần người áp giải hắn xuống gác.”
“Chuyện gì vậy?”, vị chỉ huy Đơn vị Phản ứng nhanh hỏi. “Đối tượng à?”
“Câu hỏi hay đấy”, Sachs vừa trả lời vừa nhét khẩu súng ngắn vào bao.
Với diễn biến mới này của vụ án, một người nữa có mặt trước tòa văn phòng khu Midtown, nơi thám tử Dennis Baker có vẻ đã toan sát hại Amelia Sachs và Ron Pulaski.
Sử dụng bộ điều khiển bằng bấm phím, Lincoln Rhyme di chuyển chiếc xe lăn Storm Arrow dọc theo vỉa hè đến cửa tòa văn phòng. Baker ngồi ở ghế sau một xe cảnh sát đỗ gần đó, bị còng tay và xích chân. Mặt gã trắng bệch. Gã trừng trừng nhìn về phía trước.
Đầu tiên, Baker khẳng định rằng Sachs nhằm vào gã vì chuyện Nick Carelli. Rồi Rhyme quyết định kiểm tra. Anh hỏi nhân vật cao cấp của Sở Cảnh sát New York, người đã gửi email kia. Hóa ra chínhBakerlà kẻ nêu lên mối lo ngại về khả năng Sachs có liên hệ với tay cảnh sát biến chất và nhân vật này không hề gửi email, Baker tự soạn nó. Gã đã dựng lên toàn bộ sự việc để tạo vỏ bọc trong trường hợp Sachs phát hiện ra gã theo dõi, điều tra cô.
Sử dụng bộ điều khiển, Rhyme từ từ tiến đến gần tòa nhà nơi Sellitto và Haumann lập trạm chỉ huy. Anh dừng xe và Sellitto trình bày về những gì vừa xảy ra trên gác. Nhưng nói thêm: “Tôi không hiểu nổi. Hoàn toàn không hiểu nổi.” Viên thám tử to béo xoa xoa hai bàn tay trần vào nhau. Ông ta liếc nhìn lên bầu trời trong trẻo đầy gió, như thể ông ta vừa nhận ra rằng đang là một trong những tháng rét mướt nhất từ trước tới nay. Khi ông ta giải quyết các vụ án, nóng hay lạnh thực sự chẳng đáng chú ý gì.
“Tìm thấy gì trên người hắn không?”, Rhyme hỏi.
“Chỉ có khẩu súng cỡ ba mươi hai và những đôi găng tay cao su”, Pulaski nói. “Kèm theo một số tài sản cá nhân.”
Lát sau, Amelia Sachs đến chỗ họ, cầm một chiếc hộp bên trong là khoảng chục túi nhựa đựng chứng cứ. Cô vừa khám xét xe của Baker. “Tình hình khá lên nhanh chóng, Rhyme ạ. Hãy kiểm tra những thứ này.” Cô cho Rhyme và Sellitto xem từng túi nhựa một. Chúng đựng cocaine, năm mươi nghìn tiền mặt một vài món quần áo cũ, hóa đơn từ các câu lạc bộ và quán bar ở Manhattan, bao gồm cả quán Thánh James. Cô nhấc một cái túi dường như không đựng gì. Tuy nhiên, xem xét gần hơn, anh có thể nhìn thấy những sợi mảnh màu nâu.
“Thảm à?”, Rhyme hỏi.
“Vâng. Màu nâu.”
“Chắc chắn chúng phù hợp với thảm của chiếc Explorer.”
“Đó chính là điều em đang nghĩ.”
Một sự liên hệ nữa tới Thợ Đồng Hồ.
Rhyme gật đầu, đăm đăm nhìn chiếc túi nhựa lay động trong gió lạnh. Anh cảm thấy bùng lên nỗi mãn nguyện vốn vẫn xuất hiện khi những mảnh rời rạc của câu đố bắt đầu được ghép lại. Anh quay sang chiếc xe cảnh sát mà Baker đang ngồi, hỏi to qua cửa sổ xe mở nửa chừng: “Người ta phân công anh về 118 khi nào?”
Gã đàn ông trừng trừng nhìn lại nhà hình sự học. “Đ. mẹ mày. Mày tưởng ông sẽ nói bất cứ điều gì với lũ ngu ngốc chúng mày à? Chuyện này thật nhảm nhí. Đứa nào đó đã vu vạ tất cả cho ông.”
Rhyme bảo Sollitto: “Gọi bộ phận Nhân sự. Tôi muốn biết những nhiệm vụ trước đây của hắn.”
Sellitto thực hiện điều Rhyme yêu cầu và, sau cuộc trao đổi ngắn gọn, ngẩng nhìn lên, nói: “Ăn điểm rồi. Hắn từng ở 118 hai năm. Phòng Ma túy và Án mạng. Thăng tiến về Tòa nhà Lớn cách đây ba năm.”
“Anh đã gặp Duncan như thế nào?”
Baker xoay mông trên chiếc ghế sau và lại trừng trừng nhìn ra phía trước.
“Chà, đây là cái ngã ba nhỏ quang quẻ nơi các vụ án của chúng ta nhập vào với nhau”, Rhyme hài hước nói.
“Cái gì cơ?”, Sellitto hỏi giật giọng.
“Ngã ba. Nơi hội tụ, Lon ạ. Sự hợp nhất. Anh có bao giờ chơi giải ô chữ không?”
Sellitto càu nhàu: “Các vụ án nào?”
“Hiển nhiên là vụ của Sachs ở 118 và vụ Thợ Đồng Hồ. Chúng hoàn toàn không riêng rẽ. Hai mặt của cùng một lưỡi dao, anh có thể bảo vậy.” Rhyme thích thú với phép ẩn dụ ấy.
Vụ Của Anh và Vụ Kia…
“Anh có muốn trình bày gì không?”
Liệu gã có thực sự cần phải trình bày không?
Amelia Sachs nói: “Baker là một kẻ dính líu vào hoạt động tham nhũng ở 118. Hắn thuê Thợ Đồng Hồ, chà, Duncan, loại bỏ em, vì em đang tiến gần đến hắn.”
“Điều gì chứng minh rằng có chuyện thực sự thối nát ở Đan Mạch?”
Bây giờ tới lượt Pulaski không hiểu được. “Đan Mạch? Cái nước ở châu Âu ấy à?”
“Trong kịch của Shakespeare, Ron”, nhà hình sự học sốt ruột nói. Và khi chàng cảnh sát trẻ nhe răng cười ngu ngơ thì Rhyme chịu thua.
Sachs tiếp quản câu hỏi. “Anh ấy muốn nói tới bằng chứng về tình hình tham nhũng nghiêm trọng ở 118. Hiển nhiên là bọn chúng không chỉ bỏ quên những cuộc điều tra về băng nhóm nào đó ở Baltimore hay Bay Ridge.”
Lơ đãng ngẩng nhìn tòa văn phòng, Rhyme gật đầu, quên bẵng gió và cái giá lạnh. Tất nhiên, vẫn còn một số câu hỏi chưa được trả lời. Ví dụ, Rhyme không chắc chắn liệu Vincent Reynolds có thực sự là kẻ đồng lõa không hay đã bị lợi dụng.
Rồi vấn đề tiền bọn chúng chiếm đoạt đang ở đâu. Và Rhyme hỏi: “Kẻ ở Maryland là ai? Anh làm việc với ai? Giới tội phạm có tổ chức hay đối tượng nào khác?”
“Mày điếc hả?”, Baker quát. “Tao đếch thèm khai một lời.”
“Đưa hắn đến trung tâm tạm giam”, Sellitto nói với những cảnh sát tuần tra đang đứng bên cạnh xe. “Hiện tại cứ ghi vào biên bản là có ý đồ tấn công. Chúng ta sẽ tô điểm thêm sau.” Trong lúc họ dõi theo chiếc xe cảnh sát được lái đi, Sellitto lắc đầu. “Lạy Chúa”, viên thám tử lẩm bẩm. “Chúng ta đã thật may mắn.”
“May mắn à?”, Rhyme cáu kỉnh, nhớ lại rằng lúc trước anh cũng nói câu tương tự.
“Phải, Duncan chưa giết thêm ai. Và ở đây nữa, Amelia đã là một mục tiêu dễ dàng. Nếu viên đạn đó không bị xịt...” Giọng Rhyme nhỏ dần đi trước khi anh mô tả cái bi kịch suýt xảy ra.
Lincoln Rhyme vốn vẫn tin vào sự may rủi cũng chẳng hơn gì tin vào ma quỷ hay đĩa bay.
May mắn...
Bỗng nhiên, hàng chục ý nghĩ, tựa như những con ong thoát khỏi cái tổ đông nghịt, bay vù vù xung quanh anh. Anh cau mày. “Thật kì quặc...” Giọng anh nhỏ dần đi. Cuối cùng, anh thì thầm: “Duncan.”
“Có chuyện gì à, Linc? Anh ổn chứ?”
“Rhyme?”, Sachs hỏi.
“Suỵt.”
Sử dụng bộ điều khiển bằng bấm phím, anh cho chiếc xe lăn xoay từ từ, liếc nhìn vào một con hẻm gần đó, rồi những chiếc túi và hộp đựng chứng cứ Sachs đã thu thập được. Anh cười thành tiếng khe khẽ, ra lệnh: “Tôi muốn khẩu súng của Baker.”
“Khẩu súng công vụ của hắn ấy à?”, Pulaski hỏi.
“Tất nhiên là không. Khẩu kia cơ. Khẩu cỡ ba mươi hai. Nó đâu rồi? Nào, mau lên!”
Pulaski tìm thấy khẩu cỡ ba mươi hai trong một cái túi nhựa. Anh mang theo nó quay lại.
“Tháo súng tại chỗ.”
“Tôi ấy à?”, chàng cảnh sát trẻ hỏi.
“Cô ấy”, Rhyme hất đầu chỉ Sachs.
Sachs trải một mảnh nhựa trên vỉa hè, thay đôi găng tay da bằng đôi găng cao su, trong vòng vài giây đã dỡ tung và bày ra các bộ phận của khẩu súng.
“Cầm từng bộ phận giơ lên.”
Sachs làm theo yêu cầu. Ánh mắt họ gặp nhau. Cô nói: “Thú vị đấy.”
“Này. Cậu tân binh.”
“Vâng, thưa sếp.”
“Tôi phải trao đổi với nhân viên y tế. Tìm anh ta cho tôi.”
“Rõ. Tôi phải gọi điện à?”
Tiếng thở dài cùng một luồng hơi tỏa ra từ miệng Rhyme. “Cậu có thể đánh điện, cậu có thể chạy đến gõ, gõ, gõ cửa nhà anh ta. Nhưng tôi cuộc rằng cách tốt nhất là sử dụng... điện thoại... của cậu. Và đừng chấp nhận câu trả lời phủ định. Tôi cần anh ta.”
Chàng thanh niên rút điện thoại di động và bắt đầu bấm các con số.
“Linc”, Sellitto nói. “Chuyện này là...”
“Và tôi cũng cần anh làm một việc, Lon ạ.”
“Ờ, việc gì?”
“Có gã đàn ông đang đứng bên kia phố quan sát chúng ta. Ở đầu con hẻm.”
Sellitto ngoảnh nhìn. “Thấy rồi.” Gã đàn ông vóc dáng rắn chắc, đeo kính râm mặc dù trời tối, đội mũ, mặc quần bò và áo khoác ngắn bằng da. “Trông quen quen.”
“Hãy mời hắn sang đây. Tôi muốn hỏi hắn vài câu.”
Sellitto bật cười. “Kathryn Dance thực sự đã có ảnh hưởng tới anh, Linc ạ. Trước tôi cứ nghĩ anh không tin tưởng các nhân chứng.”
“Ồ, theo tôi, một ngoại lệ trong trường hợp này sẽ hay đây.”
Nhún vai, viên thám tử to béo hỏi: “Hắn là ai vậy?”
“Tôi có thể nhầm”, Rhyme nói với giọng của một người tin tưởng rằng mình hiếm khi nhầm. “Nhưng tôi có cảm giác hắn là Thợ Đồng Hồ.”