Những kẻ điên rồ phải chết - Chương 33 phần 2

Và rồi Janelle đổ ập xuống giường với tôi. Nàng nói:

- Em chạy ra khỏi phòng, chạy xuống cầu thang, vụt ra khỏi nhà và em phải mất hai năm sau để kiếm được việc làm khác.

- Một thành phố khắc nghiệt thật, - Tôi nói.

- Ồ cũng không ghê gớm lắm đâu. Chỉ là vấn đề giữ thần kinh của ta cho vững vàng. - Janelle nói, nhìn vào mắt tôi, vẻ thách thức

Tôi cười với nàng:

- Đúng vậy, - Tôi nói. - Có gì khác biệt đâu nào?

***

Trong lúc chiếc Mercedes lướt qua các xa lộ cao cấp, tôi cố nghe Doran nói:

- Lão Moses là tay nguy hiểm đấy, - Doran nói, - Hãy coi chừng lão.

Tôi cũng nghĩ về Moses như vậy. Moses Wartberg là một trong những người có thế lực nhất ở Hollywood.

Phim trường Tri-Culture của lão ta vững mạnh nhất về mặt tài chánh nhưng toàn làm ra những phim tồi.

Moses Wartberg đã tạo ra một máy làm tiền trong lãnh vực đòi hỏi nỗ lực sáng tạo không ngừng. Mà lão ta thì có đem nghiền đến bảy ngày cũng đếch ra một tí ti nào chất sáng tạo. Phải công nhận rằng về chuyện làm ra tiền, quả là lão ta có tài năng độc đáo.

Wartberg là một người mập mạp nhưng ăn mặc khá thuộm luộm, nhếch nhác. Lão ít nói, không bao giờ biểu lộ cảm xúc. Lão lừa các nhà sản xuất, diễn viên ngôi sao, nhà văn, đạo diễn về tỉ lệ phần trăm trong các bộ phim thành công về tài chánh. Không bao giờ lão tỏ ra biết ơn một đạo diễn tài ba, diễn viên xuất sắc hay kịch bản hấp dẫn. Biết bao nhiêu lần lão đã phải trả nhiều tiền cho những thứ chẳng ra gì? Vậy thì tại sao lão phải trả cho ai đó đúng giá công sức hay tác phẩm của họ nếu như lão có thể trả ít hơn?

Wartberg nói về phim ảnh giống như các ông tướng nói về chuyện tiến hành một cuộc chiến. Lão ta nói những câu đại khái như: “Người ta không thể làm món om-mơ-lét mà lại không đập vỡ trứng,” hay là: “Khi tôi nghe tiếng yêu, tôi liền nghĩ phải rút ví tiền ra.”

Lão có thái độ khinh bạc đối với phẩm giá con người và tỏ ra vênh váo tự đắc khi bị lên án là không có chút ý thức nào về phẩm hạnh đoan trang. Lão không có tham vọng được biết đến như là một con người “nhứt ngôn kí xuất tứ mã nan truy” mà trái lại lão vẫn nghĩ rằng “quân tử nhất ngôn là quân tử dại, mà quân tử nói đi nói lại mới là quân tử khôn!” Lão chỉ tin vào những hợp đồng đâu đó rõ ràng, có công chứng hẳn hoi, chứ đếch tin vào những cái bắt tay.

Chuyện này thì lão hoàn toàn có lí: thiên hạ bắt tay nhau cười nói trước mặt nhưng đâm sau lưng nhau mấy hồi! Cho nên lão “thủ kĩ đường binh” là phải. Lão chưa bao giờ quá tự hào khi lừa đảo một cộng sự về một ý tưởng, một kịch bản, một tỉ lệ phần trăm đúng mức trong lợi nhuận từ một cuốn phim. Khi bị trách móc, thường là bởi một nghệ sĩ quá kích động (các nhà sản xuất thì biết ngậm bồ hòn làm ngọt hơn), Wartberg sẽ trả lời, rất đơn giản, “Tôi là một người làm phim,” có lẽ giống như giọng nhà thơ Baudelaire trả lời mọi công kích của những nhà phê bình mình: “Tôi là một nhà thơ.”

Lão sử dụng các luật sư như một tên côn đồ sử dụng súng; sử dụng tình cảm như một gái điếm bán dâm. Lão sử dụng những tác phẩm hay như người Hi Lạp dùng con ngựa thành Tơ-roa. Lão hỗ trợ những quỹ phúc lợi giúp các diễn viên đã nghỉ hưu, những người đói khát ở Somali, những người tị nạn ở Palestine. Thế nhưng lòng bác ái với những con người cụ thể lại không hợp “gu” của lão.

Tri-Culture Studios từ trước đã thua lỗ nặng cho đến lúc Wartberg nhận trách nhiệm. Lão ta lập tức đưa nó vào sự tính toán chặt chẽ với cơ sở từ đường đáy. Những cuộc thương lượng của lão rất là khắc nghiệt. Lão không bao giờ phiêu lưu với những ý tưởng sáng tạo cho đến khi chúng đã được chứng minh sẽ đem lại hiệu quả. Và con át chủ bài là dùng những ngân sách nhỏ.

Khi những phim trường khác đang lao đao sau khi làm những bộ phim với kinh phí hàng chục triệu đô-la cho mỗi phim, thì Tri-Culture vẫn kiên quyết không bao giờ làm phim nào tốn quá ba triệu đô. Một nhà sản xuất làm ra một phim vừa vặn với ngân sách hay dưới ngân sách là một anh hùng trong mắt Moses Wartberg. Nhưng nếu chi phí cho cuốn phim vượt quá ngân sách, thì ngay dù nó có đem lời cho phim trường cả vài chục triệu đô. Wartberg cũng nại ra điều khoản phạt đền trong hợp đồng sản xuất và tước đoạt tỉ lệ phần trăm lợi nhuận của nhà sản xuất. Hẳn là sẽ có chuyện kiện cáo đấy, ai lại chịu bị xử ức như vậy? Nhưng phim trường của lão ta luôn có sẵn hai mươi luật sư được trả lương, ngồi chầu chực quanh đó, chờ dịp để khua môi múa mỏ khoe tài biện thuyết trước tòa. Thế là một cuộc điều đình thường được dàn xếp mà lão vẫn ở thế thượng phong. Nhất là nếu như nhà sản xuất, diễn viên hoặc nhà văn còn muốn làm phim khác với Tri-Culture.

***

Điều duy nhất mà mọi người nhát trí đó là Wartberg là một thiên tài về tổ chức. Lão ta có ba phó tổng, mỗi người đặc trách những lãnh địa riêng biệt và cạnh tranh với nhau để dành đặc ân của lão nhắm cái ngày mà một người trong bọn họ sẽ kế thừa ngôi báu. Cả ba đều có nhà cửa lộng lẫy nguy nga, những khoản bổng lộc hậu hĩ và toàn quyền trong lãnh vực riêng của họ, chỉ lệ thuộc vào quyền phủ quyết của Wartberg. Cả ba đều lo đi săn tìm những tài năng, những kịch bản hay với giá rẻ, nghĩ ra những dự án mới mẻ độc đáo. Luôn luôn biết rằng họ phải khống chế ngân sách ở mức thấp các tài năng dễ sai khiến và phát kiến bất kì tia sáng độc đáo nào trước khi mang chúng đến dãy văn phòng của Wartberg, trên tầng sân thượng của building phim trường.

Còn về chuyện tình dục thì lão không bị tai tiếng gì. Lão không hề lăng nhăng hay quấy nhiễu tình dục các em ngôi sao triển vọng. Không hề gây sức ép đối với đạo diễn hay nhà sản xuất để dành vai cho một đào cưng nào của lão. Một phần chuyện này là do bản chất khổ hạnh và cả do khả năng sinh lí yếu kém của lão. Phần khác là do ý thức của lão ta về nhân phẩm. Nhưng lí do chính là lão đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc trong ba mươi năm với người yêu thời niên thiếu.

Họ đã gặp nhau ở trường trung học BronX kết hôn với nhau từ thuở thanh niên và từ đó luôn sống bên nhau.

Bella Wartberg lúc đầu là một người vợ hiền mẹ đảm rất tòng phục chồng. Nhưng theo dòng đời, quyền lực chảy từ nguồn này sang nguồn khác mà không ai biết tại sao. Khi Moses trở thành ông chủ lớn của Tri-Culture Studios hình như Bella Wartberg được cây gậy thần kì chạm vào và biến đổi từ một cô gái Do Thái xinh xắn, ngoan hiền thành một mệnh phụ thời thượng, linh hoạt đầy năng lực và rất tự tin là mình đẹp và hấp dân. Và thế là nàng rất sẵn lòng đón nhận khi một chàng diễn viên trẻ làm bộ si tình nàng.

Nàng đáp trả lại tình chàng một cách chân thành, sôi nổi. Nàng đến căn hộ nhếch nhác, bê bối của chàng ở Santa Monica và lần đầu tiên trong đời nàng, được “phết” một trận cẩn thận, đến nơi đến chốn! Chàng diễn viên trẻ rất khỏe mạnh, say mê nghiệp điện ảnh và toàn tâm toàn ý tự đồng hóa với vai trò đến độ hầu như chàng ngỡ rằng mình yêu nàng thực. Chàng mua tặng nàng một vòng đeo tay thật đẹp từ cửa hàng Gucci's mà nàng sẽ nâng niu trân trọng suốt phần đời còn lại như là chứng tích cho mối tình đam mê đầu tiên của nàng. Và do đó, khi chàng yêu cầu nàng giúp đỡ để được nhận một vai trong một phim chính của Tri-Culture, chàng hoàn toàn sửng sốt khi nàng bảo không bao giờ xen vào việc làm ăn của chồng. Họ cãi nhau đầy cay đắng và chàng diễn viên biến khỏi đời nàng. Nàng nhớ chàng, nhớ căn hộ tồi tàn của chàng, những đĩa nhạc rock của chàng. Nhưng nàng là một cô gái có đầu óc. Không thể phạm cùng sai lầm như thế nữa. Nàng sẽ chọn lựa người tình thận trọng hơn.

Trong những năm tiếp theo nàng trở nên một chuyên gia thương thuyết với các diễn viên, khá tinh tường để phân biệt người tài năng với kẻ bất tài. Và nàng giúp cho những ai có tài phát huy được sự nghiệp của họ. Nàng không bao giờ phạm sai lầm là đặt vấn đề thẳng với chồng. Thay vì thế, nàng đến với một trong ba ông phó tổng. Nàng sẽ ca ngợi nhiệt liệt tài năng của một diễn viên mà nàng đã xem trong một nhóm kịch nhỏ diễn các vở của Ibsen và nhấn mạnh rằng bản thân nàng không biết gì nhiều về diễn viên đó nhưng chắc rằng anh ta sẽ là một tài sản cho phim trường. Tay phó tổng sẽ ghi tên và anh chàng diễn viên sẽ có một vai nhỏ. Chẳng bao lâu sau lời đồn lan truyền là Bella Wartberg chuyên môn ngủ bậy với bất kẻ ai, bất cứ nơi đâu, khiến bất cứ khi nào nàng ghé lại một trong các văn phòng của các ông phó tổng, các vị này đều phải cho thư kí hiện diện để khỏi mang tiếng.

Ba vị phó tổng cạnh tranh nhau để nắm quyền lực tối thượng đều nghĩ phải tìm cách thích nghi với phu nhân Wartberg. Jeff Wagon trở nên cánh hẩu với Bella và còn giới thiệu nàng cho một vài chàng trẻ đặc biệt ngon lành. Có khi nàng lảng vảng nơi các shops đắt tiền của Rodeo dành cho các bà, hoặc dùng những bữa trưa kéo dài với các nàng tiểu minh tinh xinh đẹp nơi các nhà hàng sang trọng và nàng mang cặp kính râm khổng lồ kiểu đàn ông.

Vì mối quan hệ thân thiết với Bella, Jeff Wagon là kẻ được ưu đãi để kế vị Moses Wartberg khi lão này hưu. Nhưng có một cái bẫy. Moses Wartberg sẽ làm gì khi biết vợ lão, Bella là nữ hoàng Messalina dâm loạn của Beverli Hills? Thiên hạ kháo nhau xầm xì báo chí châm chích lộ liễu chẳng lẽ lão Wartberg lại không biết?

Như thường lệ, lão thâm hiểm này lại làm mọi người ngạc nhiên. Bằng cách tuyệt đối không làm gì cả. Lão chỉ kín đáo phục hận - mà cũng hiếm khi - tên gian phu, chứ không bao giờ trả thù con dâm phụ.

Lần đầu tiên lão ra đòn thù là khi một ngôi sao nhạc trẻ rock-and-roll bô bô về cuộc chinh phục của hắn, gọi Bella Wartberg là một cái lỗ cuồng dâm.

Tay này khi phát biểu như vậy lại thành thật nghĩ rằng đó là một lời khen đúng mức! Thế nhưng đối với Moses Wartberg thì đó lại là một lời khen thiếu tế nhị! Thằng oắt tì, mày đã chơi hoa tàn lại còn đem bẻ cành bán rao hở? Hẵng đợi đấy? Ta sẽ cho mày một trận bẽ mặt để mày bớt đi cái ngạo kia của tuổi trẻ!

Ngôi sao nhạc rock-and-roll này, với một đĩa đơn, đã làm ra tiền gấp mười lần so với thù lao khi diễn một vai trong phim. Thế nhưng chàng ta vẫn bị truyền nhiễm bởi giấc mộng Mỹ: người ta thỏa mãn tính luyến ngã khi thấy mình xuất hiện trên phim.

Trong đêm chiếu thử, chàng ta đã tập trung cả đoàn tùy tùng gồm các nghệ sĩ thân hữu và các bạn gái và đưa tất cả đến phòng chiếu phim riêng của Wartberg, chật ních những ngôi sao hàng đầu của phim trưởng Tri-Culture. Đây là một trong những party lớn trong năm.

Ngôi sao nhạc rock ngồi và ngồi và ngồi.

Chàng ta chờ và chờ và chờ. Phim vẫn được chiếu tới, tới. Thế nhưng trên màn hình, nào đâu thấy khuôn mặt chàng xuất hiện cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Vì đoạn phim nào có chàng đều đã được cắt, vất trên sàn phòng biên tập! Chàng thẹn và tức đến hóa đá, ngã lăn ra bất tỉnh và được các bạn bè khênh ra xe đưa về nhà. Moses Wartberg đã ăn mừng sự biến đổi của lão ta từ một nhà sản xuất thành công của phim trưỡng bằng một cú ngoạn mục. Qua bao năm trong nghề; lão đã nhận thấy rằng các nhà tài phiệt điện ảnh thường tức giận với việc mọi chú tâm của công chúng đều đổ dồn cho các diễn viên, các nhà văn, các nhà sản xuất trong những cuộc phát giải của Hàn lâm viện Điện ảnh. Họ nổi sùng vì chỉ những nhân viên của họ nhận tất cả vinh quang từ những cuốn phim do họ tạo ra. Chính Moses Wartberg, từ mấy năm trước, là người khởi xướng ý tưởng về một giải Irving Thalberg trao cùng lúc với giải của Hàn lâm viện Điện ảnh. Giải này sẽ được trao cho nhà sản xuất đạt chất lượng cao ốn định qua nhiều năm. Trong thực tế, nhiều nhà sản xuất mà phim của họ chưa bao giờ được giải của Hàn lâm viện nhưng họ lại rất có ảnh hưởng trong công nghiệp điện ảnh, cũng được chia phần danh giá khi thắng giải Thalberg. Thế nhưng vẫn còn những ông chủ hãng phim và những ngôi sao làm ra tiền thực sự nhưng tác phẩm của họ lại không bao giờ xuất sắc.

Thế là Wartberg lại đề xướng thêm giải thưởng Nhân đạo cho nhân vật nào trong ngành công nghiệp điện ảnh thể hiện những lí tưởng cao cả, cống hiến đời mình cho sự cải thiện ngành nghề và cho nhân loại. Cuối cùng, hai năm trước đây, Moses Wartberg đã được trao giải này và nhận giải trên truyền hình trước sự theo dõi của hơn một trăm triệu khán giả Mỹ đầy lòng ngưỡng mộ. Giải thưởng này đã trở thành một vật sở hữu đáng giá nhất của Moses Wartberg dầu không thiếu lời mỉa mai biếm nhẽ của người trong ngành cũng như bên ngoài.

Chính Wartberg đã triển khai kĩ thuật chất lên một ngôi sao đang nổi gánh nặng mua sắm trả chậm: nhà cửa, xe cộ sang trọng, vật dụng đắt tiền để bắt buộc người đó phải chịu diễn trong những phim không có giá trị nghệ thuật tư tưởng gì nhưng lại hái ra tiền. Chính Wartberg đã tạo được những mối quan hệ thân thiết với giới quyền lực ở Washington. Các vị chính khách khoái được du hí với các em xì-tác-lét xinh thật là xinh, bằng những quỹ mật, những cuộc nghỉ ngơi thư giãn đắt tiền, từ quỹ của phim trường trên khắp thế giới. Lão là kẻ biết cách sử dụng các luật sư để vo tròn bóp méo pháp luật theo ý mình, để ăn cắp và lừa đảo mà vẫn chui lọt qua những lỗ hổng của pháp luật, trơn như con chạch. Doran vẫn phê phán Moses nặng nề như thế, nhưng tôi thì thấy lão ta cũng giống như hầu hết mọi doanh gia, phải tuân theo quy luật “vi nhân bất phú, vi phú bất nhân” thế thôi. Thương nhân đa trá, âu cũng là cái lẽ tự nhiên, bình thường vậy. Ngoài tính sắc sảo quỷ quyệt của lão mối quan hệ với giới quyền lực ở Washington là tài sản quan trọng nhất mà Tri-Culture Studios sở hữu được. Các kẻ thù của lão loan truyền nhiều chuyện xì-căng-đan về lão, phần lớn là bịa vì thực ra lão sống khá khổ hạnh. Họ tung ra tin đồn là lão ta vẫn bí mật bay qua Paris hàng tháng để hú hí với các em choai choai còn vị thành niên. Họ còn độc miệng loan truyền lão ta là kẻ mắc bệnh ưa dòm qua lỗ khóa mà lại là lỗ khóa buồng ngủ của chính vợ mình khi y thị hú hí với tình nhân. Toàn những chuyện hết nói nổi.

Về trí thông minh và sức mạnh nhân cách của lão, không còn gì phải nghi ngờ. Không giống như các nhà tài phiệt điện ảnh khác, lão ta lại lẫn tránh ánh sáng quảng cáo; ngoại lệ duy nhất là việc lão vận động để được giải thưởng Nhân đạo.

***

Doran lái xe đưa tôi vào Tri-Culture Studios. Khi đến tòa nhà chính, chúng tôi đã đưa thẻ chứng minh cho một nhân viên an ninh kiểm tra, sau đó anh ta gọi điện thoại để biết chắc rằng chúng tôi đã được hẹn. Một cô thư kí bước xuống và dẫn chúng tôi vào thang máy để lên tầng trên cùng. Sang trọng nhưng giống như có ma, làm người ta hơi khớp.

Dù vậy, tôi phải công nhận mình bị ấn tượng bởi vẻ bặt thiệp của Jeff Wagon. Tôi biết lão ta đạo đức giả, dối trá nhưng điều đó dường như cũng tự nhiên thôi. Chúng tôi ngồi xuống trước bàn giấy của lão ta và Wagon bảo cô thư kí ngưng mọi cuộc gọi. Làm như lão tôn trọng chúng tôi lắm lắm. Nhưng rõ ràng lão đã không cho mật mã để thực sự ngưng mọi cuộc gọi bởi vì trong lúc bàn việc với chúng tôi, lão cũng nhận đến ba cuộc gọi.

Chúng tôi còn phải chờ Wartberg nửa tiếng trước khi cuộc thảo luận bắt đầu. Jeff Wagon kể vải chuyện tiếu lâm, cả câu chuyện nàng sơn nữ xứ Oregon đã thiến dế lão ta như thế nào.

- Phải chi cô ta làm tốt hơn, - Wagon nói, - Cô ta đã tiết kiệm cho tôi nhiều tiền bạc và tránh được bao điều rắc rối trong những năm vừa qua.

Điện thoại của Wagon lại reo lên và ông ta dẫn Doran và tôi đến một phòng hội thảo sang trọng có thể dùng làm phòng chiếu phim.

Tại bàn hội thảo có Ugo Kellino, Houlinan và Moses Wartberg đang tán gẫu với nhau. Phía xa là một anh chàng trung niên nhưng đầu tóc bạc trắng mờ ảo. Wagon giới thiệu anh ta là đạo diễn mới của cuốn phim. Tên anh ta là Simon Bellfort, một cái tên nghe quen quen. Hai mươi năm trước anh ta đã làm một cuốn phim chiến tranh rất hay. Ngay sau đó anh ta đã kí một hợp đồng dài hạn với Tri-Culture và trở thành con át chủ bài làm ra tiền cho Jeff Wagon.

Anh chàng trẻ đi với anh ta được giới thiệu là Frank Richetti, có khuôn mặt sắc sảo, ranh mãnh, ăn mặc kiểu hippie California với chiếc áo Combo Polo, ra dáng một chàng Don Juan tân thời chuyên đi dụ dỗ gái tơ. Đây là tay phụ tá sản xuất của Bellfort.

Moses Wartberg không để phí thời gian. Giọng trầm trọng uy quyền, ông ta đi thẳng vào vấn đề:

- Tôi không hài lòng với kịch bản do Malomar để lại. Cách tiếp cận đó sai lầm. Đó không phải là phim của Tri-Culture. Malomar là một thiên tài, chỉ anh ấy mới có thể đạo diễn phim theo kịch bản đó. Chúng ta không có ai ngang tầm cỡ anh la.

Frank Richetti xen vào giọng ngọt ngào, duyên dáng:

- Thưa ông Wartberg, tôi nghĩ rằng tại đây ông cũng có vài đạo diễn tài ba đấy chứ. - Chàng ta cười và nhìn Simon Bellfort đầy tình tứ.

Wartberg nhìn chàng ta thật lạnh. Thế là anh chàng co vòi ngay. Còn Bellfort hơi đỏ mặt nhìn lảng chỗ khác.

- Chúng ta phải đổ nhiều tiền cho phim này, - Wartberg tiếp tục. - Phải bảo đảm việc đầu tư đó. Chúng ta không muốn bọn phê bình nhảy chồm chồm lên chúng ta cho rằng chúng ta làm hỏng tác phẩm của Malomar. Chúng ta muốn dùng danh tiếng của anh ấy cho cuốn phim này. Houlinan sẽ phát một thông cáo báo chí với chữ kí của tất cả chúng ta ở đây xác nhận rằng cuốn phim sẽ được làm theo ý đồ của Malomar. Đó sẽ là một cuốn phim của Malomar dù không có Malomar, một cống phẩm cuối cùng cho sự vĩ đại của anh ấy và là một đóng góp sau cùng của anh cho nền điện ảnh Hoa Kỳ.

Wartberg dừng lời khi Houlinan phân phát các bản sao tờ thông cáo báo chí cho mọi người. Trên giấy đẹp có tiêu đề và logo của Tri-Culture Studios, in hai màu đỏ và đen.

Kellino nói kiểu thân mật, tự nhiên:

- Này Moses, tôi nghĩ ông nên nêu rõ rằng Merlin và Simon sẽ cùng làm việc với tôi về kịch bản mới.

- Ok, điều đó đã được nêu ra, - Wartberg nói.

- Và Ugo này, cho phép tôi nhắc nhở anh rằng anh không được xen vào việc sản xuất hay đạo diễn. Đó là một phần trong hợp đồng của chúng ta.

- Chắc chắn thế rồi, - Kellino nói.

Jeff Wagon mỉm cười và dựa ngửa vào lưng ghế:

- Thông cáo báo chí là vị thế chính thức của chúng ta. - Lão nói. - Nhưng Merlin này, tôi phải nói với anh rằng Malomar đã rất sai lầm khi viết kịch bản này. Thật kinh khủng. Chúng ta phải viết lại tôi có vài ý tưởng. Có rất nhiều việc phải làm. Ngay bây giờ chúng ta phải phủ đầy các phương tiện truyền thông về Malomar. Anh thấy ổn không, Jack? - Ông hỏi Houlinan. Và Houlinan gật đầu.

Kellino nói với tôi, rất thành thật:

- Tôi hi vọng bạn sẽ làm việc với tôi về phim này để làm cho nó trở thành một tuyệt phẩm như Malomar từng mong muốn.

- Không, - Tôi nói. - Tôi không thể làm điều đó. Tôi đã cùng làm việc với Malomar về kịch bản, tôi nghĩ kịch bản đó hoàn hảo. Vì thế tôi không chấp thuận bất kì sự sửa đổi nào hay viết lại. Tôi sẽ không kí bất kì thông cáo báo chí nào về vụ đó.

Houlinan từ tốn chen vào:

- Chúng tôi đều biết anh cảm thấy như thế nào. Anh đã rất gần gũi với Malomar trong phim này. Tôi tán thành những gì anh vừa nói, nghĩ rằng thật kì diệu và hiếm hoi khi thấy sự trung thành như thế ở Hollywood, nhưng hãy nhớ rằng, anh cũng có tỉ lệ ăn chia trong phim. Quyền lợi của anh gắn liền với việc cuốn phim thành công. Nếu anh không phải là người bạn của phim, nếu anh là kẻ thù của phim, thì anh đang lấy tiền ra khỏi túi anh đấy.

Tôi thật sự bật cười khi nghe anh ta nói “Tôi là người bạn của phim mà.” Đó là lí do tại sao tôi không muốn viết lại kịch bản. Mấy người mới chính là kẻ thù của phim này.

Kellino nói đột ngột, cộc lốc:

- Mẹ, bọn mình cần đếch gì hắn. Để hắn đi đi.

Lần đầu tiên, tôi nhìn chằm chằm vào Kellino và tôi nhớ sự mô tả của Osano về nhân vật này. Như thường lệ. Kellino ăn mặc rất đẹp, bộ comple cắt rất vừa khéo, áo sơ mi hàng cao cấp nhất, giày nâu bóng. Trông anh ta thật bảnh bao và tôi nhớ Osano đã dùng nhóm từ “anh nhà quê hãnh tiến” để chỉ Kellino và tôi thấy quả thật rất hợp với anh ta.

Wartberg nói với Wagon:

- Hãy dàn xếp vụ này, - Và ông ta rời phòng.

Ông ta không thể phải chịu bực mình đi tranh cãi với một anh nhà văn ấm ở, dở hơi. Ông ta đến dự buổi họp chỉ vì lịch sự với Kellino mà thôi.

Wagon nói từ tốn:

- Merlin có vai trò quan trọng trong dự án này, Ugo à. Tôi chắc rằng khi anh ấy nghĩ kĩ lại, anh ấy sẽ gặp chúng ta. Doran này, tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau vài ngày nữa?

- Tất nhiên rồi! - Doran nói. - Tôi sẽ gọi cho ông.

Chúng tôi đứng lên để rời đi. Tôi trao bản copy thông cáo báo chí cho Kellino.

- Có gì dính ở giày anh kìa, - Tôi nói. - Hãy lấy cái này để chùi đi!

Khi chúng tôi rời Tri-Culture Studios, Doran bảo tôi đừng lo ngại gì. Anh nói rằng anh có thể dàn xếp ổn thỏa mọi chuyện trong vòng một tuần, rằng Wartberg và Wagon không thể để cho tôi trở thành kẻ thù của bộ phim. Họ sẽ tìm cách thỏa hiệp. Và tôi cũng đừng quên tỉ lệ ăn chia của tôi.

Tôi nói với anh ta rằng tôi đếch cần và tôi bảo anh ta lái nhanh hơn lên. Tôi biết rằng Janelle sẽ chờ tôi ở khách sạn và dường như điều tôi mong muốn nhất trên đời hiện nay là gặp lại nàng. Để sà vào người nàng và hôn nàng và nằm bên nàng, nghe nàng kể chuyện.

Tôi thấy vui vì có được lí do để ở lại Los Angeles với nàng trong cả tuần. Thực sự tôi chẳng tha thiết lắm với việc làm phim. Với Malomar chết đi, tôi biết rằng cuốn phim sẽ chỉ là một thứ phó phẩm khác của Tri-Culture mà thôi.

***

Khi Doran bỏ tôi xuống ở khách sạn Beverli Hills. anh ta đặt bàn tay lên cánh tay tôi và nói:

- Chờ một tí. Tôi có chuyện này muốn nói với anh.

- Được thôi, - Tôi hơi sốt ruột nói.

Doran nói:

- Tôi đã tính nói chuyện này cho anh biết từ lâu rồi, nhưng tôi cảm thấy có lẽ không phải là việc của mình.

- Ôi Trời! - Tôi nói. - Anh sắp nói chuyện quái gì vậy? Tôi đang vội lắm đây.

Doran cười buồn:

- Vâng, tôi biết. Janelle đang chờ anh đúng không? Tôi muốn nói với anh về nàng ta đấy.

- Này, - Tôi nói với Doran, - Tôi biết tất cả về nàng và tôi chẳng cần quan tâm nàng làm gì, nàng như thế nào. Chuyện ấy đối với tôi chẳng có gì khác biệt.

Doran ngưng một lát:

- Anh có biết nàng Alice mà Janelle từng sống chung?

- Có, - Tôi nói. - Một cô gái dịu dàng.

- Một cô nàng đồng dục nữ đấy. - Doran nói.

- Ờ, rồi sao? - Tôi hỏi.

- Janelle cũng thế. - Doran nói.

- Nghĩa là đồng dục nữ?

- Lưỡng giới thì đúng hơn. Nàng ta thích cả đàn ông lẫn đàn bà.

Tôi nghĩ về chuyện ấy một lát, rồi mỉm cười và nói:

- Nhân vô thập toàn mà.

Và tôi ra khỏi xe, đi lên phòng tôi, nơi Janelle đang đợi và chúng tôi làm tình với nhau trước khi dẫn nhau đi ăn. Nhưng lần này tôi không yêu cầu nàng kể chuyện nào. Tôi cũng không nêu ra điều Doran vừa nói. Chẳng cần thiết, tôi đã mường tượng điều ấy từ lâu và đã làm hòa với nó. Thế cũng tốt hơn là nàng ngủ với những thằng đàn ông khác.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3