Nhất Linh, cha tôi - Phần I - Chương 03

Thế rồi ông quyết định giã từ tất cả. Đà Lạt, Fim-Nôm, dòng Đa-Mê và cả trăm giỏ lan mà ông đã chăm sóc từ hai năm qua, để về ở luôn Sài Gòn, chấm dứt cái thời kì mà ông Lê Hữu Mục đã viết trong đoạn kết cuốn sách của ông là “một Nhất Linh nằm trùm chăn ở trên Đà Lạt.” Đối với tôi, thật bụng tôi chỉ mong ông được nằm trùm chăn lâu hơn vì đây chính là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông mà tôi được biết. Nhất Linh “xuống núi” lăn vào cuộc đời làm báo, tham gia đảo chính, thất bại, đi trốn, bị đưa ra tòa, đưa đến cái tự vẫn của ông mấy năm sau, mở đầu một thời kì cuối cùng của đời ông với nhiều não nề, nhiều chán chường hơn.

Như đoạn văn kết trong cuốn truyện Đôi bạn của ông, hai câu thơ sau đây của Nhất Linh, đâu đó, vẫn còn vẳng về Đà Lạt như “một nỗi nhớ xa xôi đương mờ dần”:

Người đi lâu chửa thấy về, Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn...

Tacoma, tháng 6 năm 1985.

Niềm vui chết yểu

Tôi nhìn đồng hồ: 5 giờ kém mười lăm. Chiếc xe sao chạy chậm quá vậy? Người tôi nửa như xôn xao bồn chồn nửa như bị du sâu vào trong một giấc mơ. Tiếng động, tiếng sinh hoạt của thành phố nghe xa vút hẳn đi. Những âm thanh lao xao mơ hồ như thuộc về một thế giới khác. Đường phố quen thuộc của Sài Gòn, bỗng nhiên mặc một vẻ xa lạ, thỉnh thoảng một tiếng còi xe giật lại, tôi nghe ngắn và sắc hơn. Chiếc xe chạy qua rạp Olympic, tôi quay người ngó lơ đãng vào mấy tấm quảng cáo ở cửa rạp: “Cậu coi Jugement à Nuremberg chưa?”

“Rồi.”

“Đấy, cậu chẳng cần nói gì cả, cứ im lặng như ông Bộ trưởng Đức mà hay. Cũng chẳng cần viện cớ bệnh không nói được ở tòa. Để tối con lại luật sư Đinh Trịnh Chính lấy lại mấy giấy bác sĩ. Con nghĩ mình chẳng cần phải dùng cách ấy. Mình vẫn khỏe mạnh như thường mà chả thèm nói gì cả, cũng chẳng cần trả lời những câu hỏi của tòa, cứ im lặng như hến thế mà hay.”

Chiếc taxi đến một khúc đường sửa bị xóc tôi thấy nặng ở đùi: đầu cha tôi còn gối trên đùi tôi, miệng ông hé mở, đầu ngã về sau, một ít nước bọt ở mép, cánh tay phải mềm xuội buông lỏng xuống sàn xe. Cách đây một giờ cha tôi đã uống thuốc độc tự tử. Cha tôi đã đồng ý với tôi ở một điểm: “Im như hến thế mà hay!” Nhưng quả thật tôi không ngờ ông đã đi sâu đến như thế, không chỉ im lặng ở tòa mà chọn sự im lặng trong cung cách ra đi vĩnh viễn.

Tôi thò tay vào túi áo ngủ của cha tôi lấy ra một tờ giấy mà lúc ở nhà tôi không kịp xem. Trên một vuông giấy, cha tôi để lại bảy mươi hai chữ cuối cùng của đời ông. Đọc xong, gần như vô ý thức, miệng tôi cứ lặp đi lặp lại mãi câu: “Đời tôi để lịch sử xử...”

Anh Triệu ngồi ở băng trước, giục tài xế chạy hết tốc lực để chóng đến bệnh viện, nhưng chiều chủ nhật đông xe, chiếc taxi bị nghẽn đường mấy lần và cuối cùng chỉ tới bệnh viện Grall lúc 5 giờ 10 phút. Chúng tôi xuống xe, trình giấy giới thiệu khẩn cấp của bác sĩ Phiếm cho viên quản lí thường trực của bệnh viện và khiêng cha tôi, lúc ấy đang thiêm thiếp trong chiếc chăn len dầy, xuống băng ca. Một lát sau, bác sĩ Gourillon tới, ông bảo mọi người lui ra ngoài rồi tiến vào phòng. Mười phút sau, trước sự chờ đợi nóng lòng của mẹ tôi, anh Triệu và tôi, viên bác sĩ Pháp đẩy cửa bước ra, ông nhìn mẹ tôi trước nhất, khẽ nhún vai, buông xuôi hai cánh tay xuống với một dáng điệu thất vọng rồi nói với bác sĩ Phiếm lúc ấy cũng vừa tới nơi: “C’est foutu!”

Tôi nhìn lên mấy hàng cây của khu công viên bệnh viện. Bầu trời vẫn chưa lên cao sau một buổi chiều mưa rơi tầm tã. Những vũng nước nhỏ yên lặng như những mặt gương, soi ngược mấy dẫy nhà thương yên lặng, gác nhà thờ nhỏ im lìm ở phía bên phải, những lá cây ướt nước trở nên sẫm màu hơn và ở dưới những chiếc lá giọt nước mưa vẫn thi nhau nhỏ xuống, không gây một tiếng động nhỏ.

***

Buổi sáng ngày hôm đó, cha tôi đi thật sớm. Ông mở ngăn kéo, lấy mấy tập sách, tập bản thảo những tác phẩm cuối cùng, gói vào một tờ nhật báo. Tôi đoán có lẽ cha tôi đi họp ở đâu vì cũng đúng vào chủ nhật tuần trước ông đã tới dự phiên họp đặc biệt của nhóm Bút Việt. Cha tôi có một thói quen dậy rất sớm, khoảng 5 giờ, rồi cùng mẹ tôi ngồi uống trà tàu. Ngay cả trong những buổi sáng giá buốt của Đà Lạt, thói quen đó cũng không bị bỏ. Nhiều lúc hứng chí cha tôi còn đánh thức chúng tôi dậy để cùng hưởng cái thú uống trà buổi sớm ấy. Nhưng thường thì chúng tôi phản đối để ngủ lại. Cũng chính vì thức dậy rất sớm nên đến chơi nhà ai cha tôi cũng đến vào lúc chủ nhân chưa ngủ dậy.

Khoảng gần 10 giờ, cha tôi về. Tôi đang ngồi ở đi-văng mở máy phát thanh nghe mấy bản tân nhạc trình diễn, cha tôi bước lên lầu, dáng hơi mệt mỏi. Ông không thay quần áo ngay như mọi lần về nhà, cứ để nguyên quần áo tây ngồi xuống ghế xích đu, bên cạnh tôi. Trong suốt buổi sáng hôm ấy chỉ có cha tôi và tôi ở trên gác. Ông ngó quanh quất không thấy ai nữa, hỏi tôi: “Anh Triệu mấy giờ về?” Tôi trả lời: “Mọi tuần đêm thứ bảy đã ở Sài Gòn, không hiểu sao bây giờ vẫn chưa thấy về nhà?” Cha tôi lộ vẻ băn khoăn, chờ đợi, bứt rứt. Điếu thuốc lá rung rung ở trên đầu hai ngón tay. Ông mở bia, rót vào một cái cốc nhỏ. Ánh nắng lọt qua khe cửa chiếu vào thành cốc dầy lóe lên những ngôi sao sáng. Tự nhiên tôi nhớ đến một kỉ niệm cách đây bảy năm, ở Đà Lạt. Năm 1956, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, cha tôi, chị Thoa và tôi tổ chức một buổi picnic ở hồ Than Thở. Chúng tôi tìm đến một chỗ thật vắng vẻ ở cuối hồ. Cha tôi và chị Thoa rải mấy tờ báo xuống đất, dưới mấy gốc thông, chỗ lá thông khô rụng phủ dầy làm cỏ không mọc được. Tôi nghĩ nơi này không có đường mòn dẫn tới chắc chẳng có ma nào đến, nhưng khi xách súng cao su đi bắn chim ở gần đó tôi thấy rải rác dưới đất có những hộp cá, một tờ báo cũ nát, mấy khúc cây cháy dang dở vết tích của một bữa ăn ngoài trời tôi thấy nơi này không còn quạnh hiu nữa. Cha tôi nghĩ ra một cách nướng lạp xường rất giản dị. Lấy bông đổ alcool vào rồi đốt, hơ khúc lạp xường cong queo lên trên ngọn lửa màu xanh nhạt. Cha tôi bầy biện thức ăn nom rất mĩ thuật, ngon mắt. Đặc biệt ông hay để ý đến màu sắc của đĩa làm nổi những thức ăn bầy ở trên, ông thường bảo đĩa màu vàng làm nổi những thức ăn hơn những đĩa màu khác. Trong bữa ăn có món trứng cá caviar cha tôi bảo ăn rất ngon nhưng chúng tôi chịu không ăn được. Dùng bữa trưa xong, cha tôi mở bia rót vào cái cốc nhỏ. Chúng tôi không quen uống bia nhất là lại không có nước đá, nhưng cha tôi không bao giờ cho đá vào bia, bảo uống như vậy nhạt. Tôi còn nhớ nắng hắt vào thành cốc vẫn cái cốc hôm nay ông dùng làm lóe lên những ngôi sao nhỏ. Một giờ sau đó, lúc tôi trở về mang theo một con chim bị bắn chết giơ khoe trước mặt cha tôi thì ông đang ngả người hút thuốc, lưng dựa vào một gốc thông. Những vệt ánh sáng yếu ớt lọt qua lá thông chạy lòa xòa trên mặt cha tôi, một tí nắng đậu yên ở trên sống mũi, gần chỗ những đường gân đỏ bóng ở cuối mũi như một viên cuội có những đường vân đẹp.

Cha tôi ho một tiếng ngắn. Tôi có cảm tưởng ông sửa soạn nói với tôi điều gì. Nhưng ông chỉ im lặng. Từ lúc nẫy một ban nhạc nào đó hát đi hát lại mãi bản nhạc “Mừng ngày Song thất”, tôi để ý thấy cha tôi chú ý nghe nhưng không để lộ một thái độ nào. Tôi đem vấn đề ra tòa ngày mai ra bàn, xem cha tôi đối phó ra sao. Nhưng ông chỉ ậm ừ như không muốn những câu hỏi của tôi có thể làm loãng những điều ông đang suy nghĩ. Thỉnh thoảng có tiếng chân ai lên gác, ông giật mình ngó về phía cửa. Tôi với tay lấp xấp ronéo để trước mặt ông. Đó là bản cáo trạng khá dầy, trong đó có lời khai của cha tôi ở sở cảnh sát. Ở trang cuối, tôi chú ý đến những lời kết tội như “phản quốc”, “xâm phạm an ninh quốc gia.” Trong suốt hơn một giờ, cha tôi vẫn giữ một thái độ im lặng, suy nghĩ. Ông uống bia rất chậm. Dường như lại không biết mình đang uống bia nữa. Khi để cốc rượu xuống bàn, chiếc li rung rung lơ lửng vài giây sát mặt bàn rồi mới hạ hẳn xuống một cách khó khăn, như giữa ông và cái bàn có một khoảng cách đủ khiến ông phải gắng sức.

Khoảng 11 giờ, như vụt quyết định xong một điều gì, cha tôi có vẻ thảnh thơi hơn, ông bỏ hẳn thái độ băn khoăn, thay quần áo ngủ, rồi quay lại trả lời câu hỏi ban nãy: “Phải đấy. Chẳng cần phải nói gì cả. Chiều nay con lại luật sư Chính lấy hết các giấy bác sĩ về. Biết địa chỉ không?” Tôi gật đầu. Cha tôi kéo ghế ngồi đối diện tôi, nhìn tôi rất lâu. Tôi nói: “Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lẽ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giầu thêm cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ coi như là một dịp đi nghỉ mát, biết đâu lại chẳng có những điều hay để viết, phải không cậu? Ra ngoài ấy lại gặp chú Sơn, anh Vinh, vui biết mấy! Sẵn dịp đó cậu viết tiếp quyển Xóm Cầu Mới hay là con nghĩ thế này tôi ngồi ngay lại trên ghế cậu có thể như Churchill về già viết lại quãng đời mình. Con nghĩ đó cũng là điều quý lắm!” Cha tôi nhìn ra cửa sổ đáp: “Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử những người quốc gia đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc. Còn cái việc viết hồi kí thì cậu đã nghĩ đến hồi 1958 ở Đà Lạt. Cậu dự tính viết ba quyển: cuộc đời làm báo và viết văn của Nhất Linh, cuộc đời làm cách mạng của Nguyễn Tường Tam và quyển thứ ba cậu viết về hoa phong lan. Nhưng về đây cậu bận tờ Văn Hóa Ngày Nay nên chỉ viết được cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, sau đó lại dính vào những rắc rối chính trị, không có tâm đâu mà viết.”

Cha tôi cúi xuống đọc lại một lần nữa bản án kết tội mình. Khi ông ngẩng lên, tôi ngập ngừng đưa ra một câu hỏi: “Bây giờ nghĩ lại tất cả những việc cậu đã làm, cậu thấy hãnh diện về những việc gì nhất?” Cha tôi cười: “Thật ra thì chẳng có việc gì đáng tự hào vì chẳng có việc nào cậu cho là đến nơi đến chốn. Nhưng cậu vừa lòng nhất là việc thành lập được Tự Lực Văn Đoàn. Đến bây giờ cậu vẫn tha thiết nhất về việc này. Chuyện chính trị nhiều khi cái không khí nó buộc mình phải tham gia, như cái tình trạng hồi Pháp thuộc, lúc đó, nếu cậu không đứng ra làm việc nước thì trong lòng áy náy chẳng làm được chuyện gì khác. Nhiều khi người ta bị đẩy tới guồng máy hoạt động một cách giản dị không ngờ, rồi như những bánh xe ăn khớp nhau, họ bị đẩy dần vào vòng trách nhiệm. Ngay cả hồi chơi hoa phong lan ở Đà Lạt, cậu vẫn thấy mình không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm ấy, nên phải về hoạt động lại ở Sài Gòn. Chính vì thế làm chính trị lúc tiến thì dễ lúc rút thì khó.”

12 giờ trưa, cả nhà đông đủ, mẹ tôi ở dưới nhà lên, anh Triệu mới ở Biên Hòa về, chúng tôi dùng bữa trưa vui vẻ. Cơm xong, tôi ngủ trưa. Cha tôi, trái với thường lệ, không đi nghỉ. Trong giấc ngủ chập chờn tôi nghe hình như cha tôi và anh Triệu nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Đến 3 giờ trưa tỉnh giấc tôi vẫn thấy hai người còn đang nói chuyện, mẹ tôi đã xuống nhà dưới tự bao giờ. Tôi hơi ngạc nhiên thấy hai người uống Whisky, thứ rượu mà cha tôi đã bỏ từ nhiều năm nay. Nhưng xem dáng cha tôi vui vẻ. Ông sốt sắng hỏi tôi về chuyện học hành, chuyện đi dạy học của tôi. Nhân dịp này tôi hỏi ý kiến cha tôi về một số người lạ rủ tôi vào một đoàn thể thanh niên mưu chống chính quyền. Ông có vẻ lưu tâm đến vấn đề, khuyên tôi phải thận trọng, vì từ sau vụ đảo chính thất bại ngày 11/11/1960, có nhiều tổ chức được tung ra để gài bẫy những người chống đối. Trong câu chuyện ông vẫn bình tĩnh, vui vẻ, giảng giải khúc chiết khác hẳn thái độ của ông trong mấy ngày qua. Điều đó làm tôi vui lây, tưởng như câu chuyện ra tòa ngày mai không còn làm cha tôi bận tâm nữa. Uống xong li rượu nhỏ cha tôi đề nghị mua thêm rượu mạnh nữa. Chúng tôi nghĩ có lẽ rượu làm ông quên được những thắc mắc khó chịu nên chúng tôi vui vẻ rủ nhau đi, hẹn cha tôi mười lăm phút sau trở lại ngay. Lúc tôi sắp bước xuống cầu thang, cha tôi gọi giật tôi lại. Tôi nghe ông gọi tên tôi bằng một giọng xúc động nhưng ngay lúc ấy tôi không để ý. Ông nhìn lâu vào mắt tôi, ngập ngừng đưa một cánh tay về phía trước như muốn nói điều gì lại thôi, chỉ hỏi: “Đi có mười lăm phút thôi à?” Đến bây giờ nghĩ lại tôi còn nhớ rõ cái nhìn của cha tôi lúc ấy. Ánh mắt như gửi đến tôi những điều mà ông không thể diễn tả bằng lời.

Tôi chở anh Triệu đến đường Đồng Khánh. Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều. Trời âm u như muốn mưa. Chúng tôi vào mấy tiệm để lựa thứ rượu nào cha tôi ưa thích. Cuối cùng chọn được chai Johnnie Walker, vừa đi ra thì trời lại đổ cơn mưa to. Chúng tôi trú ở mái hiên nhà hàng Arc-en-Ciel. Trời tối sầm lại. Người đi đường chạy dạt vào hai bên trú mưa. Anh Triệu lộ vẻ băn khoăn, nóng nẩy. Tôi thấy anh đứng một chỗ như không yên. Một chiếc taxi vụt tới; những giọt nước mưa màu vàng sáng đan nhau trước hai vệt đèn pha. Tôi ngạc nhiên thấy anh Triệu chạy vụt ra đón chiếc taxi ấy, mặc dù đang lúc mưa rất nặng hạt, anh chỉ kịp nói với tôi một câu: “Mày ở lại đây, tao về trước!”

Tôi nhìn những giọt nước mưa bắn tóe bọt trắng ở trên mặt lộ, hơi nước phủ kín mặt nhựa, thỉnh thoảng một chiếc xe xẹt ngang rẽ nước sang hai bên. Bên cạnh tôi, dưới mái hiên, một cô bé chừng mười lăm tuổi đứng khép nép sát vào tường, cô ta căng cái ô ướt sũng về phía trước, nhưng những giọt nước mưa quái ác vẫn bắn tóe vào hai gót chân. Mái tóc của cô ta mềm phủ dài sau lưng, bụi nước mưa phủ trắng lấm tấm như những hạt sương nhỏ.

Tôi nghĩ miên man tới những chuyện riêng rồi cuối cùng trở lại chuyện cha tôi phải ra tòa, không biết gia đình có được vào xem xử án không. Dần dà tôi khám phá ra hình như thái độ gần đây của cha tôi có một cái gì khác thường, tất cả diễn ra như sắp xếp theo một trật tự nào đó. Mọi thái độ, lời nói, cử chỉ của cha tôi mấy hôm nay như có liên quan với nhau để âm thầm tiến tới một ý định duy nhất. Sự khám phá đó nở dần trong tôi một mối lo sợ. Đầu tiên chỉ là lo âu vẩn vơ có xen chút hoài nghi; nhưng sau đó kiểm điểm lại thấy quả thật mọi việc đều ăn khớp với nhau thì lí trí tôi đã tìm được lí do để thông đồng với nỗi lo âu của mình. Từ đó lo sợ biến thành cảm giác bàng hoàng xâm chiếm lấy tôi, mạnh mẽ và đột ngột, như cảm giác lan ran của người đang ở trong phòng lạnh bất thần mở cửa bước ra ngoài trời nắng.

Tôi bắt đầu đi vào giấc mơ. Trí óc tôi vẫn tỉnh suốt. Nhưng cảm giác lạc đi tê dại. Mưa vẫn quất xối xả. Tôi nhìn xuống mái tóc cô gái đứng trú mưa cạnh tôi rồi quay đi. Nhưng trong trí tôi vẫn còn vương lại hình ảnh những bụi nước nhỏ lấm tấm, những bụi nước ấy cứ lởn vởn ám ảnh một cách vô lí; chúng nở ra nhòa đi rung rinh trên một nền trắng: trong đó là hình ảnh của cha tôi buổi chiều ngày hôm trước, lúc ông đang nằm trên nệm trắng, vòng tay gối đầu, ngửa mặt lên trần. Hai mắt ông màu nâu đục, cái nhìn vừa xa xăm vừa buồn bã như suốt đời tìm kiếm mà chẳng bao giờ toại nguyện. Tôi tiến lại, đưa cho ông một tờ giấy tôi vừa nhận được, trên góc có đóng hai chữ “Thượng khẩn” màu đỏ. Người ta buộc cha tôi đúng 6 giờ chiều ngày hôm đó, ngày 6/7/1963, phải trình diện tại tiểu đội hiến binh số 635 đường Nguyễn Trãi vì “một lí do sẽ cho biết sau.” Cha tôi nhỏm dậy, chống một khuỷu tay lên giường, ngước nhìn đồng hồ. Tiếng máy xe mô-tô của người quân cảnh nổ giòn ở dưới nhà, nhỏ dần, loãng đi rồi mất hẳn. Cha tôi đứng dậy, mở cửa sổ, trông xuống đường. Chập sau, suy nghĩ hồi lâu, ông quay về phía tôi, bảo::Con mặc quần áo đi với cậu đến nhà chú Kiểm.” Tôi hơi bực mình vì chiều thứ bảy nào tôi cũng có mục riêng, không đến chơi nhà mấy thằng bạn thì cũng chui vào rạp xi-nê, nhưng tôi không dám trái lời. Trên chiếc tắc-xi rời chợ An Đông hướng về phía Sài Gòn, tôi thấy cha tôi cứ chốc chốc lại ngoái về phía sau. Ông bảo tôi: “Con xem có xe nào theo không? Lúc nãy cậu có thấy mấy người lạ đứng bên kia đường nhìn vào nhà mình.” Tôi ra hiệu cho tài xế quặt sang đường Trần Bình Trọng, chiếc xe hơi duy nhất chạy phía sau vẫn tiến thẳng đại lộ Thành Thái. Tôi đáp: “Không! Không có xe nào theo mình cả.” Cha tôi ngồi bên cạnh, một tay chống lên má, cúi đầu nhìn xuống mũi giầy. Ông có vẻ thật buồn. Má ông tôi thấy hóp hơn. Cha tôi trở về thái độ đăm đăm khó hiểu có từ mấy ngày nay. Tóc ông bị rụng khá nhiều trong những ngày sau cùng nhiều suy nghĩ, nom xơ xác, mấy sợi bạc phất lơ phơ theo gió. Một lát, ông hơi giật mình ngẩng lên nhìn ra ngoài rồi bảo tôi:

“Sao không đi xe Vespa của con?”

“Sợ cậu mệt, đi xe con xóc lắm!”

Cha tôi nhăn mặt: “Ối dào! Cần gì!” Ông yên lặng một lúc khá lâu rồi nói tiếp, giọng thật nhỏ nghe như một tiếng thở dài: “Từ trước đến giờ cậu đã đi xe con lần nào đâu!”