Anh dám cầu hôn em dám cưới - Chương 6 - Phần 2

“Rầm”, tổng giám đốc Đoàn đập tay xuống bàn, giọng nói đanh thép: “Tôi đã nói bỏ cuộc đâu, sao cô lại bỏ cuộc trước thế hả? Cô tưởng cái vị trí này ai muốn làm là làm được sao? Tôi còn mong có người ngồi vào thay cái ghế tổng giám đốc của tôi, để tôi ngày ngày đi câu cá, đánh golf, sống đời an nhàn, tự do, nhưng có thể không? Cô sai đầu tiên là ở ngay trạng thái tâm lý của cô. Cô tưởng rằng cô ở chức vị đó chỉ là nỗ lực cho chính bản thân mình thôi ư? Còn có người khác nữa đấy. Còn có các nhân viên dưới quyền của cô, bọn họ cũng phải nhờ vào cô để kiếm tiền nuôi gia đình, nếu tất cả mọi người đều giống như cô, thoái thác trách nhiệm cho người khác gánh vác, vậy thì toàn bộ nhân viên ở đây đều phải hít khí trời, uống nước sông mà sống!”

Phương Đường vô cùng buồn bã: “Tổng giám đốc Đoàn, tôi nhường vị trí của mình cho người có năng lực, như vậy những người dưới quyền sẽ không phải hít khí trời, uống nước sông mà sống nữa!”

Tổng giám đốc Đoàn thực sự bực bội: “Cô ra ngoài trước đi, tôi cần suy nghĩ!”

Phương Đường hẹn Yên Lạc ở một quán cà phê. Yên Lạc rất thoải mái, gọi cái là có mặt.

- Cái ông tổng giám đốc Đoàn ấy sao coi trọng chị thế nhỉ? - Yên Lạc hoài nghi.

- Làm sao chị biết được? Điều nực cười hơn là bây giờ có người còn cho rằng chị là thân tín của ông ấy! - Phương Đường thở dài, vô cùng phiền não - Cứ tiếp tục thế này, sớm muộn gì chị cũng bị thất nghiệp!

- Không phải ông ấy đã để mắt đến chị đấy chứ?

- Thôi xin người. Em chưa thấy bộ dạng hung dữ của ông ấy lúc mắng chị đâu, giống như thể chị khiến công ty bị đền tiền không bằng. Chị không dám nghĩ mình có sức hấp dẫn lớn thế!

Yên Lạc hỏi: “Giả sử ông ta thật sự để ý đến chị, chị tính sao?”

Phương Đường nghiêm túc nghĩ ngợi rồi nói: “Vậy chị chỉ có thể xin nghỉ việc. Trời ơi, sao số tôi khổ thế này, cho dù thế nào đến cuối cùng vẫn là cái số thất nghiệp!”

- Thất nghiệp càng hay, về nhà ăn bám chồng chị. Chị nên nghĩ như thế này, cho dù thế nào chị cũng không thoát khỏi cái số ăn bám. Oa, chị thật tốt số! - Yên Lạc an ủi.

- Chồng là một tấm phiếu ăn dài hạn, nhưng tấm phiếu ăn này có một nhược điểm là có hai cái chân, rất có thể một ngày nào đó “nó” sẽ chạy vào túi của một người đàn bà khác! - Tin đồn về Đỗ Tư Phàm và câu trả lời của anh khiến cho Phương Đường có cảm giác thấp thỏm không yên, không có niềm tin vào cuộc hôn nhân của mình. “Tấm phiếu ăn” Đỗ Tư Phàm quá hấp dẫn, có rất nhiều cô gái “ngấp nghé”, chực chờ cơ hội để cướp khỏi tay cô.

- Có lẽ chúng ta nên cân nhắc đến chuyện chuẩn bị ít nhất “hai tấm phiếu ăn” trở lên! - Yên Lạc cười phá lên rồi nói đùa - Em không phản đối chuyện chị hạ gục ông tổng giám đốc kia đâu, mặc dù ông ta có hơi già một tí!

Nếu Phương Đường cặp với tổng giám đốc Đoàn thật, chắc Đỗ Tư Phàm sẽ phát điên lên mất, liên tục mất hai người phụ nữ vào tay cùng một người đàn ông, thật sự không phải là một cú sốc mà người bình thường có thể chịu đựng được.

Phương Đường trừng mắt nạt Yên Lạc: “Chị thà làm việc khổ sai chứ dứt khoát không muốn kiếm hai tấm phiếu ăn kiểu đó đâu!”

- Vậy chúng ta đổi cách nói: Chúng ta có thể tìm một người đàn ông dự phòng. Xe hơi có lốp dự phòng, nhà cửa có khóa dự phòng, quần áo có khuy dự phòng… rất nhiều thứ đều có đồ dự phòng. Tại sao chúng ta không thể kiếm một người đàn ông dự phòng?

Phương Đường cảm thấy vô cùng ngạc nhiên: “Trước đây có bao giờ em có luận điệu như thế này đâu. Em lại đá anh chàng thạc sĩ hóa học kia rồi à?”

Yên Lạc lắc lắc đầu: “Vẫn đang yêu mà. Có lẽ trước đây vì thất tình nhiều lần quá, vì vậy mặc dù bây giờ tình cảm giữa em và anh ấy rất tốt đẹp nhưng em vẫn có cảm giác thiếu an toàn, cứ cảm thấy sẽ có một ngày mình bị thất tình. Do đó em thường nghĩ đến chuyện tìm một người đàn ông dự phòng!”

Đúng lúc ấy, có một người đàn ông bước vào quán cà phê, mặc một chiếc áo phông rộng và một chiếc quần bò bạc phếch, tóc để rất dài, trông giống như người làm trong giới nghệ thuật. Anh ta bước vào, đưa mắt nhìn quanh, sau khi nhìn thấy bọn Phương Đường liền đi thẳng đến chỗ hai người, đến bên cạnh Yên Lạc: “Khó khăn lắm mới tìm được chỗ này, em thật biết chọn địa điểm đấy!”, nói rồi anh ta hôn lên mặt Yên Lạc và ngồi xuống bên cạnh cô.

Phương Đường trợn tròn mắt chứng kiến toàn bộ sự việc, Yên Lạc lắc lắc chiếc chìa khóa trong tay: người đàn ông này chính là “vật dự phòng” của cô?

Phương Đường đoán không sai, người đàn ông dự phòng của Yên Lạc là sinh viên của khoa nghệ thuật, chuyên môn là tranh sơn dầu phương Tây. Khi nói về giấc mơ họa sĩ của mình, đôi mắt anh ta lấp lánh như tỏa ánh hào quang. Yên Lạc đặt cho anh ta một cái biệt danh là “Van Gogh”.

Mỗi sinh viên học nghệ thuật đều từng có những ước mơ rất đẹp, chỉ đáng tiếc những người có ước mơ thành thật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần những người còn lại đều ngậm ngùi vào dạy ở các trường trung học, sau đó gửi gắm ước mơ của mình vào thế hệ học trò.

Yên Lạc cười hỏi: “Bọn em một đứa làm âm nhạc, một đứa làm mỹ thuật, rất xứng đôi đúng không?”

Phương Đường không trả lời trực tiếp câu hỏi của Yên Lạc mà chỉ cười cười, trong lòng cô vẫn nghiêng về anh chàng thạc sĩ hóa học kia hơn.

Phương Đường hỏi han anh chàng Van Gogh kia về một số vấn đề liên quan đến mỹ thuật. Van Gogh vô cùng hào hứng khi có người quan tâm đến những vấn đề này, cứ thao thao bất tuyệt, trong đó có một đoạn thu hút sự chú ý của Phương Đường: “Ở nhà tôi có treo một bức tranh sơn dầu của một họa sĩ đương đại, đó là một tác phẩm của nữ họa sĩ Đỗ Lạp. Mặc dù bà ấy không nổi tiếng, thậm chí rất nhiều người không biết đến tên của bà ấy, nhưng cá nhân tôi thấy bà ấy vẽ rất đẹp!”

Đỗ Lạp chính là tên của mẹ Đỗ Tư Phàm.

Van Gogh tiếp tục nói: “Tôi từng rất muốn gặp mặt nữ họa sĩ ấy, đáng tiếc bà ấy qua đời quá sớm!”

- Nhà anh vẫn còn bức tranh đó chứ? - Phương Đường có vẻ hào hứng, cô dám khẳng định đấy là tác phẩm của mẹ Đỗ Tư Phàm.

- Đương nhiên là còn, thậm chí còn được giữ gìn tương đối nguyên vẹn nữa!

- Bức tranh ấy tên là gì? Anh có ảnh của nó không? Có thể cho tôi xem qua không? - Phương Đường hỏi liền ba câu hỏi.

Yên Lạc có vẻ ngạc nhiên: “Này, chị quan tâm đến hội họa từ khi nào thế?”

Phương Đường giờ mới nhận ra mình có hơi quá: “Xin lỗi nhé!”

Van Gogh hào hứng đáp: “Hay là hôm nào chị qua nhà tôi xem đi, tôi dám đảm bảo chị sẽ không thất vọng đâu!”

Van Gogh có việc phải đi trước. Phương Đường và Yên Lạc tiếp tục ngồi quán cà phê giết thời gian.

- Ấn tượng của chị với anh ấy hình như cũng không tồi nhỉ! - Yên Lạc nói.

Phương Đường lắc đầu: “Chị chị thấy khá hứng thú với bức tranh ở nhà anh ta thôi, một người bạn của chị rất thích nữ họa sĩ tên Đỗ Lạp ấy”.

- Thế con người anh ta thì sao? Chị cảm thấy anh ta thế nào? - Yên Lạc nôn nóng muốn nghe nhận xét của Phương Đường.

Phương Đường nghiêm túc nói: “Chị không tán thành chuyện em tìm một người đàn ông dự phòng, như thế chẳng khác gì một người phụ nữ lăng nhăng cả!”

Yên Lạc ngang ngạnh nói: “Nếu rõ ràng chị biết tình cảm hiện tại của mình không thể đi đến tận cùng, tại sao không tìm cho mình một con đường lùi?”

Phương Đường tương đối nhạy cảm, hỏi: “Em với anh chàng thạc sĩ hóa học kia làm sao thế?”

Yên Lạc chăm chú nhìn Phương Đường, cố gắng mỉm cười nhưng nước mắt lại trào ra: “Em với anh ấy không có hy vọng bên nhau mãi mãi. Em muốn buông tay, nhưng không nỡ. Em lại không muốn đến ngày em nói lời chia tay với anh ấy, bên cạnh mình chẳng có lấy một bờ vai!”

- Tại sao không thể bên nhau? Em không yêu anh ta nữa à? Hay là anh ta không yêu em nữa?

- Trước đây em cứ nghĩ tình yêu chỉ là chuyện của hai người, chẳng liên quan gì đến những người khác, nhưng giờ em biết em đã sai. Tình yêu của người Trung Quốc từ xưa đến nay chưa bao giờ là chuyện của hai người cả! - Khuôn mặt Yên Lạc dưới ánh đèn trở nên nhợt nhạt, giống như lớp sữa nổi trên cốc Capuccino vậy.

- Em có thể nói rõ cho chị biết rốt cuộc có chuyện gì được không? - Phương Đường vô cùng sốt ruột. Trước đây cô chỉ nhìn thấy Yên Lạc khóc khi say rượu, đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy Yên Lạc khóc khi tỉnh táo.

- Bên cạnh anh ấy còn một người phụ nữ khác, em không thể sánh được! - Yên Lạc nói.

- Làm gì có chuyện? Trông anh ta rất thật thà, không giống như loại đàn ông lăng nhăng! - Phương Đường không tin.

- Người phụ nữ ấy chính là mẹ anh ấy!

- Ồ, hóa ra là vậy! - Phương Đường thở phào.

Yên Lạc nói vẻ thiểu não: “Nhưng người phụ nữ này còn ghê gớm hơn tất cả những người phụ nữ khác cộng lại. Tình địch lớn nhất của người phụ nữ chính là mẹ chồng của cô ta!”

Hóa ra Yên Lạc đã về nhà anh chàng thạc sĩ nọ để “ra mắt”. Mẹ của thạc sĩ hóa học này không thích Yên Lạc cho lắm, bà rất không thích công việc của Yên Lạc, cho rằng những người đến và làm việc ở sàn nhảy đều là người không tốt. Bà luôn miệng kể lể con trai mình giỏi giang như thế nào kể từ lúc còn bé trước mặt Yên Lạc, sau đó lại hỏi Yên Lạc tại sao không đi học đại học, tại sao lại làm việc ở một nơi mà môi trường làm việc “tồi tệ” như thế, có phải là vì các công ty chính quy không tuyển cô không… Nói chung là, bà cho rằng Yên Lạc là “đũa mốc đòi chòi mâm son”.

Trong con mắt của người làm mẹ, con trai của mình lúc nào cũng cao hơn người khác một bậc, vì vậy bà thường nhìn người phụ nữ của con trai mình bằng con mắt soi mói, kén chọn.

Ngoài ra, mẹ và con dâu tương lai, họ cùng yêu một người đàn ông, vì vậy xét từ góc độ nào đó, bọn họ là tình địch của nhau. Đấy là nguyên nhân căn bản khiến cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu từ cổ chí kim luôn ở trong trạng thái căng thẳng.

- Chỉ cần anh chàng thạc sĩ kia vẫn yêu em, em vẫn còn hy vọng! - Phương Đường an ủi Yên Lạc.

- Nhưng em mệt mỏi lắm. Em không muốn sau này phải sống trong ánh mắt khinh thường của mẹ chồng.

- Bà ấy là mẹ của người đàn ông em yêu, em nên học cách bao dung với bà ấy!

- Em cũng là người phụ nữ mà con trai bà ấy yêu, tại sao bà ấy không bao dung cho em?

- Bà ấy là bề trên mà! - Phương Đường nói.

Yên Lạc thở dài ngao ngán: “Đúng thế, bà ấy là bề trên, bà ấy cùng chung huyết thống với người đàn ông mà em yêu, vì vậy mỗi câu nói của bà ấy sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng trước mặt anh ấy. Người đàn ông của em liệu có thể kiên trì được bao lâu trước sự phản đối ấy? Một ngày, hai ngày, hay là một năm, hai năm? Sớm muộn gì cũng có một ngày anh ấy cảm thấy mệt mỏi, không còn muốn bị kìm kẹp giữa hai người phụ nữ nữa. Mẹ anh ấy, mãi mãi chỉ có một. Bạn gái có thể thay đổi được, thế nên em đương nhiên trở thành vật hy sinh rồi!”

- Chúng ta hãy tin vào kỳ tích!

- Chị đã bảo là “kỳ tích” rồi, điều đó cho thấy khả năng thành công là vô cùng nhỏ. Em thật sự không có niềm tin có thể cùng anh ấy đi đến cùng!

Phương Đường tin rằng Yên Lạc yêu anh chàng thạc sĩ này sâu sắc, khi đàn bà yêu thương một người đàn ông sâu sắc, họ càng ngày càng thiếu tự tin, lúc nào cũng lo bản thân không đủ tốt, không xứng với người đàn ông đó.

- Em có yêu Van Gogh không? - Phương Đường hỏi.

Yên Lạc đưa tay lên lau nước mắt: “Em tìm đến Van Gogh là bởi vì anh ấy rất bình thường. Anh ấy học vẽ, rất ít có khả năng trở thành nổi tiếng, sau này mẹ Van Gogh sẽ không có cơ hội nói trước mặt em rằng con trai bà ấy giỏi giang hơn em. Một DJ kiếm tiền trong vũ trường, một kiếm tiền bằng vẽ tranh, hai kẻ nghèo mạt rệp, xứng đôi vừa lứa!”

Phương Đường không biết làm sao để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Yên Lạc. Cô không có mẹ chồng, mẹ của Đỗ Tư Phàm đã qua đời từ rất lâu rồi, cô không biết nếu người phụ nữ cao quý đó mà biết con trai mình lấy một phụ nữ tầm thường như cô sẽ có phản ứng như thế nào, liệu có bảo cô “đũa mốc chòi mâm son” giống như mẹ của anh chàng thạc sĩ hóa học kia không?

- Yên Lạc, chị hy vọng em có thể hạnh phúc! Nếu như thêm một người đàn ông dự phòng có thể khiến cho em cảm thấy hạnh phúc, chị không phản đối. Chị chỉ muốn nhắc nhở em là: một người đàn ông cũng đủ khiến chúng ta đau đầu rồi, hy vọng người đàn ông dự phòng kia sẽ không khiến em đau đầu gấp bội!

Về đến nhà, Phương Đường gọi điện cho Đỗ Tư Phàm: “Anh có cách nhìn nhận như thế nào về những cô gái làm việc ở vũ trường?’

Đỗ Tư Phàm có vẻ ngạc nhiên: “Con gái làm việc ở vũ trường cũng là con gái, chẳng nhẽ có chỗ nào đặc biệt hay sao?”

Phương Đường liền đổi cách hỏi: “Nếu một ngày em thất nghiệp, phải vào vũ trường làm DJ, anh có đồng ý không?”

- Anh không nghĩ em có khả năng âm nhạc cho lắm, chắc em chẳng đi làm nổi quá vài ngày là bị đuổi việc thôi. Một công việc sành điệu như vậy không phải em muốn làm là làm được đâu! - Đỗ Tư Phàm khẽ cười.

- Em đang giả sử cơ mà! Anh sẽ vì thế mà coi thường em ư?

- Tại sao anh lại coi thường em vì nghề nghiệp của em chứ? Theo anh thấy, nghề nghiệp không phân biệt cao quý, thấp hèn, CEO của một tập đoàn công ty về bản chất cũng chẳng có gì khác biệt so với một người mãi nghệ ở trên phố, không thể nói ai cao quý hơn ai! - Sau khi thể hiện quan điểm của mình xong, Đỗ Tư Phàm hỏi - Sao thế, em lại bị đuổi việc à?

Phương Đường liền kể tóm tắt câu chuyện giữa Yên Lạc và mẹ chồng tương lai của cô ấy.

Đỗ Tư Phàm nói: “Hóa ra là Yên Lạc gặp rắc rối, anh còn tưởng em thất nghiệp, để kiếm tiền riêng nên đành phải đến vũ trường làm việc!”

Phương Đường chợt nhớ đến tình trạng thê thảm của mình hiện giờ, lo lắng nói: “Em cũng cách thất nghiệp chẳng còn xa đâu. Công việc mới chẳng tốt chút nào. Còn anh thì sao? Công việc có thuận lợi không?”

Đỗ Tư Phàm nói: “Không biết, phải đợi đến khi bộ phim được công chiếu, xem phản ứng và đánh giá của khán giả và các nhà phê bình thế nào đã. Có thể anh cũng sẽ thất nghiệp. Ha ha, đến lúc ấy chúng ta sẽ mở quán chè nhé! - Tư Phàm vẫn nhớ lời hẹn giữa hai người.

- Em… - Phương Đường định nói câu “Em nhớ anh”, nhưng không dám nói ra miệng, cảnh tượng lần trước chất vấn anh chuyện có yêu mình hay không khiến cô do dự - Khi nào thì anh về?

- Khoảng hai tháng nữa.

Điều đó có nghĩa là cô vẫn phải chịu đựng nỗi nhớ nhung thêm hai tháng nữa.

Phương Đường nhớ lại thời học cấp ba, người bạn cùng bàn mang mấy hạt đậu tương tư đến lớp chơi, những hạt đậu đo đỏ ấy trông rất hay, rất đáng yêu. Phương Đường luôn là kẻ lờ mờ về chuyện tình cảm, nhìn thấy những hạt đậu ấy liền hỏi: “Không biết mấy hạt đậu tương tư này có mùi vị gì nhỉ?”

Người bạn cùng bàn đáp: “Vị đắng!” Phương Đường tưởng thật: “Cậu ăn rồi à?” - Đâu có.

- Thế sao cậu biết là vị đắng?

Câu trả lời của người bạn cùng bàn vô cùng “kinh điển”: “Bởi vì tương tư là đắng, đã gọi là đậu tương tư, vậy thì chắc chắn vị của nó phải là vị đắng. ”

Tương tư có vị đắng, bây giờ Phương Đường mới hiểu được cái cảm giác này. Mặc dù ngày nào cô và Đỗ Tư Phàm cũng gọi điện cho nhau, nhưng cái kiểu nghe thấy tiếng mà không thể nhìn thấy nhau, chạm vào nhau ấy thực sự không thể thay thế người thực. Cô nhớ như điên vòng tay và cơ thể của anh, nhớ đến mức trái tim đau nhói.

Phương Đường và Yên Lạc cùng đến nhà Van Gogh xem tác phẩm của Đỗ Lạp. Bức tranh vẽ một người phụ nữ và một con rắn. Hai cô gái đứng xem bức tranh cả buổi mà không nhìn ra được điều gì.

Van Gogh giới thiệu: “Bức tranh này miêu tả sự khao khát dục vọng của một người phụ nữ cô đơn.”

Phương Đường không tán đồng với ý nghĩ đó, cô cho rằng cách nói đó sẽ làm vấy bẩn hình tượng thanh khiết của mẹ Đỗ Tư Phàm trong mắt cô: “Sao anh biết đó là khao khát dục vọng chứ không phải là khao khát tình cảm của người phụ nữ ấy?”

Van Gogh tự tin nói: “Trong thần thoại phương Tây, rắn tượng trưng cho sự tà ác, cũng tượng trưng cho dục vọng. Eva cũng vì tin lời xúi bẩy của con rắn nên mới cùng Adam đi ăn vụng trái cấm, kết quả bị thượng đế đuổi ra khỏi vườn địa đàng đấy thôi.”

- Tôi lại cho rằng Adam và Eva sau khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng mới chính là bắt đầu cho tình yêu chân chính của họ. Con rắn khiến cho tình yêu của họ thăng hoa. Con rắn trong bức tranh này là tượng trưng cho tình yêu chứ không phải tượng trưng cho tình dục! - Phương Đường nói.

Van Gogh nhìn Phương Đường bằng con mắt khác: “Luận điểm của chị rất mới mẻ. Có thể con rắn trong bức tranh này tượng trưng cho cả tình yêu và tình dục!”

- Tại sao anh nhất định phải lôi cả sắc dục vào đây? - Phương Đường rất bất mãn.

- Một người phụ nữ cô đơn có nhu cầu tình dục là chuyện bình thường.

- Một phụ nữ cô đơn càng cần có người yêu thương cô ấy.

- Chẳng phải yêu đến cuối cùng sẽ nảy sinh tình dục ư? - Van Gogh không chịu thua.

- Chỉ có đàn ông các anh mới luôn luôn nghĩ đến tình dục mà thôi.

- Tôi thật không hiểu đàn bà các cô, rõ ràng có ham muốn mà cứ không chịu thừa nhận nó!

Phương Đường thực sự tức giận, cảm thấy mình bị sỉ nhục. Yên Lạc thấy tình hình không hay vội vàng dàn hòa, phải cố sức lắm mới khiến đôi bên bình tĩnh trở lại.

- Bức tranh này bao nhiêu tiền? Tôi muốn mua lại nó! - Phương Đường không muốn bức tranh của Đỗ Lạp tiếp tục được gã đàn ông luôn miệng nhắc đến tình dục này lưu giữ nữa.

- Tôi không có ý định chuyển nhượng nó!

- Tôi rất thích tác phẩm của Đỗ Lạp! - Phương Đường nghĩ, nếu nói với anh ta rằng Đỗ Lạp là mẹ chồng của cô, liệu anh ta có còn mở miệng nói về “thuyết sắc dục”của anh ta nữa hay không?

- Tôi cũng rất thích tác phẩm của bà ấy! - Thái độ của Van Gogh vô cùng cố chấp.

- Tôi có thể ra giá cao!

- Đây không phải vấn đề tiền bạc!

Phương Đường cố gắng: “Thưa anh, không dám giấu gì anh, tôi và nữ họa sĩ này có mối quan hệ riêng tư khá thân thiết, vì vậy tôi mới muốn mua lại tranh của bà ấy. Nếu không anh nghĩ xem, một nhân viên làm công ăn lương tầm thường như tôi không thể nào bỏ tiền ra mua tranh của một họa sĩ không nổi tiếng như thế để sưu tầm. Mong anh có thể thông cảm cho nỗi nhớ nhung của một vãn bối đối với một trưởng bối, ‘nén đau thương’ mà bán lại bức tranh cho tôi!”

Cuối cùng Van Gogh cũng bị lung lay: “Tôi sẽ cân nhắc, một thời gian nữa tôi sẽ cho cô câu trả lời!”

- Ok, hy vọng anh sẽ mang đến tin tốt lành cho tôi!

Trong phòng tranh trong nhà Van Gogh có rất nhiều bức tranh phụ nữ khỏa thân. Những phụ nữ này có già có trẻ, tư thế vô cùng kỳ quặc. Yên Lạc giở những bức tranh này ra, vừa xem vừa chau mày.

- Đây đều là những người mẫu khỏa thân mà nhà trường thuê về cho sinh viên học vẽ! - Van Gogh đứng bên cạnh giải thích.

Yên Lạc hỏi thẳng: “Khi vẽ những phụ nữ khỏa thân này, đám đàn ông các anh có ham muốn không?”

- Những người mẫu này không quá già thì cũng quá xấu!

Yên Lạc mau mắn “bắt thóp” câu nói của Van Gogh: “Ý của anh là nếu mặt cô người mẫu xinh đẹp, thân hình cũng đẹp, chắc chắn các anh sẽ có ham muốn đúng không?” Van Gogh nghiêm túc nói: “Đây là nghệ thuật!”

Phương Đường đứng bên cạnh lẩm bẩm: “Ban nãy còn đứng đây cao giọng nói về sắc dục, giờ lại bảo là nghệ thuật!”

Van Gogh nhún vai: “Nghệ thuật là một thủ pháp biểu đạt, nó có thể biểu đạt bất cứ thứ gì, bao gồm cả sắc dục!”

Không biết Yên Lạc lôi đâu ra một cái đĩa CD, hóa ra là đĩa phim “Titanic”, cô huơ huơ cái đĩa phim trong tay: “Không ngờ anh cũng thích phim này!”

Van Gogh nói: “Anh không thích xem phim này, anh chỉ ngưỡng mộ nam chính trong bộ phim này mà thôi!” - Tại sao?

Phương Đường chen vào: “Nhân vật nam chính trong phim này là một họa sĩ nghèo may mắn, nhân vật nữ chính không những cởi sạch trước mặt anh ta mà còn ngủ với anh ta nữa!”

Yên Lạc ngoác miệng cười: “Này, có phải chị đang bóng gió bảo em phải cẩn thận không? Yên tâm đi, anh ấy không phải là Jack, em cũng không phải là Rose. Với một người không biết thưởng thức nghệ thuật như em, tạm thời vẫn chưa đạt đến cảnh giới hiến thân cho nghệ thuật đâu!”

Trời mưa suốt mấy ngày liên tiếp, mưa dầm dề làm đảo lộn tâm trạng của con người, khiến người ta cảm thấy buồn bã. Phương Đường đứng ở bên cửa kính tầng thượng ngắm mưa, lặng im suy nghĩ.

Mưa, đến từ đất, cuối cùng lại quay về với đất. Mưa chán ghét bầu trời hay chán ghét mặt đất?

Điện thoại đổ chuông cắt đứt dòng suy nghĩ của Phương Đường, cô cầm điện thoại lên xem, là một số điện thoại lạ.

- A lô…

- A lô, là Phương Đường phải không? - Đầu dây bên kia là một giọng nam,tiếng mưa rất to khiến cho cô không nghe rõ là ai.

- Tôi là Phương Đường đây, ai đấy ạ?

- Tôi là Van Gogh.

Phương Đường nhớ đến bức tranh của Đỗ Lạp: “Chào anh, tìm tôi có việc gì thế?”

Người ở đầu dây bên kia không biết đang ở đâu, anh ta gào lên trong tiếng mưa: “Chúng ta gặp nhau đi!” - Anh đồng ý bán tranh cho tôi à?

- Gặp nhau rồi nói chuyện!

Phương Đường hẹn gặp anh ta ở quán cà phê lần đầu hai người gặp mặt. Hết giờ làm, Phương Đường bắt taxi đến thẳng đó. Khi cô đội mưa chạy vào quán, Van Gogh toàn thân ướt nhẹp đã ngồi bên trong đợi cô rồi.

- Mưa to quá! - Phương Đường vừa nói vừa lấy khăn giấy trong túi xách ra lau đôi giày da. Đôi giày này cô đã mua sau khi tiếp nhận công việc ở phòng thư kí, là đôi giày đắt tiền nhất của cô. Đi giày này ra ngoài trong một ngày trời mưa như trút thế này đúng là một hành động ngu ngốc. Van Gogh phụ họa: “Đúng thế, tôi còn lo cô không đến”.

- Quả thực là tôi không muốn đến, nhưng vì bức tranh đó nên tôi đã đến! - Phương Đường từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ thích một thứ gì đó đến như vậy, đây là lần đầu tiên. Cô cũng không biết cô để ý đến bức tranh như vậy là bởi không muốn nó nằm trong tay một kẻ dung tục như Van Gogh hay là vì Đỗ Lạp là mẹ của Đỗ Tư Phàm.

Tục ngữ có câu: “Yêu nhau yêu cả đường đi lối về”, cô yêu Đỗ Tư Phàm, yêu cả mẹ của anh và yêu luôn cả tranh của mẹ anh.

Ngoài ra, trong tranh của Đỗ Lạp còn chứa đựng tâm sự của người phụ nữ, nó khiến cho cô say đắm.

Van Gogh hỏi: “Cô nói nữ họa sĩ Đỗ Lạp này có mối quan hệ riêng tư thân thích với cô!” - Đúng thế.

- Tôi có thể biết bà ấy là gì của cô không?

- Xin lỗi, khi chưa được sự cho phép của người khác, tôi không thể nói, mong anh lượng thứ! - Phương Đường khéo léo từ chối trả lời - Anh có đồng ý bán bức tranh cho tôi không?

Van Gogh gật đầu: “Ok, một trăm ngàn!”

Phương Đường giật mình: “Hơi cao quá thì phải, đây đâu phải là tác phẩm nổi tiếng?” - Nghệ thuật là vô giá!

Phương Đường có cảm giác người đàn ông này đang “thừa nước đục thả câu”: “Nếu đổi lại là người khác, chưa chắc họ đã có hứng thú với bức tranh này!”

- Nếu là người khác, chưa chắc tôi đã bán bức tranh này!

Khoản tiền tiết kiệm của Phương Đường hiện giờ vẫn còn cách con số này rất xa: “Có thể bớt một chút không? Tôi không có nhiều tiền như thế. Tôi là chị em tốt của Yên Lạc, nể mặt cô ấy, anh bớt cho tôi một chút đi!”

- Không được! - Van Gogh thẳng thừng đáp, không cho Phương Đường có cơ hội kỳ kèo - Tôi có thể cho cô một tuần để chuẩn bị tiền.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3