Con đường đưa tiễn đầy hoa - Chương 03 - Phần 1

Chương 3:

Những cuồng nhiệt thời niên thiếu

Chị có muốn ở một mình suốt đêm trong nhà, nghe tiếng sấm cũng chỉ biết lấy chăn bịt kín tai hay không? Có muốn lúc cần người ký tên cho vở bài tập lại không thể tìm ra phụ huynh, đành mô phỏng chữ ký hay không? Có muốn cha mình thay bạn gái còn nhanh hơn thay áo không?

Tân Địch và A Ken nắm tay đi trên sàn diễn, xuyên qua giữa hai hàng người mẫu, phía sau còn có đội ngũ thiết kế của Tác Mỹ. Ánh đèn đuổi theo Tân Địch, cô và đồng nghiệp cùng vỗ nhẹ tay, bỗng nhớ đến lần đầu tiên trong đời mình được đứng trên bục nhận giải thưởng lớn toàn quốc.

Năm ấy Tân Địch vừa hai mươi mốt tuổi. Sau khi nhận được thông báo của ban giám khảo, cô đi tàu hỏa đến Nam Kinh, suốt chặng đều kích động đến nỗi đứng ngồi không yên. Một nhà thiết kế nổi tiếng cả nước mà khi ấy cô rất hâm mộ đảm nhiệm vai trò khách mời trao giải, lúc đọc đến tên cô, phía dưới vỗ tay vang rền như sấm, máu nóng như đang sôi chảy trong người cô.

Quay đầu nhìn lại dãy quần áo vẫn được treo trong tủ quần áo phòng mình, cô thừa nhận, với mắt thẩm mỹ hiện nay của cô, tác phẩm ấy có chỗ không chín chắn lắm. Về sau cô thiết kế đẹp hơn, nhưng cũng bắt đầu từ lúc đó, cô đã có chút danh tiếng, cũng có được chủ đề vĩnh hằng cho thiết kế của mình - thỏa sức với ước mơ tuổi thanh xuân.

Quá trình trưởng thành của Tân Địch vô cùng chuẩn mực. Bố cô, Tân Khai Minh và mẹ cô, Lý Hinh sau khi tốt nghiệp đại học đã trở thành công chức nhà nước, nghiêm túc làm việc, kết hôn muộn sinh con muộn, phải xét nghiệm sớm, bổ sung acid folic, sau khi tiêm phòng vắc-xin mới bắt đầu có con, học theo sổ tay hướng dẫn mà ứng phó với mọi tình huống, trong quá trình dạy dỗ cô đã nghiêm túc tham khảo ý kiến chuyên gia, phát hiện ra năng khiếu và sở thích của cô, yêu cầu nghiêm khắc, không hề vì hoàn cảnh gia đình khá giả mà thả lỏng cô.

Từ nhỏ cô đã bộc lộ năng khiếu mỹ thuật. Bố mẹ cô chú ý đến điểm này nên đã sắp xếp cho cô được bồi dưỡng chuyên môn, kỳ vọng cô sau này trưởng thành sẽ thi vào Học viện Mỹ thuật, trở thành họa sĩ.

Thế nhưng từ khi học cấp hai cô đã mê mẩn thiết kế thời trang, lúc thi đại học đã bất chấp bố mẹ phản đối, quả quyết thi vào ngành mình thích. Qua lần tranh luận gay gắt đó, bố mẹ cũng đành nhắm mắt chấp nhận lựa chọn của cô.

Chỉ mỗi Tân Địch biết, sở thích của cô và bến bờ của ước mơ là đến từ cô em họ Tân Thần. Cô chuyển hóa đam mê của mình thành bước khởi đầu trong định hướng công việc, không thể nói rằng không bị Tân Thần ảnh hưởng. Còn về con đường thiết kế của cô, dấu ấn của Tân Thần càng hiện rõ hơn nữa.

Cô em họ Tân Thần của cô từ khi ra đời đến lúc trưởng thành, không có bất kỳ kế hoạch nào để nói, hoàn toàn khác hẳn với cô.

Tân Thần không phải là đứa con được sinh ra sau kết hôn, trong sổ hộ khẩu, dòng về mẹ luôn bỏ trống. Khi cô ra đời, Tân Khai Vũ - cha cô mới mười chín tuổi, mẹ cô mười tám. Hai đứa trẻ mới lớn vừa lên đại học đã yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, sau khi ăn vụng quả cấm, cô bé ngốc nghếch đến tháng thứ tư mới biết mình mang thai, hoang mang lúng túng hơn hai tháng sau, mặc quần áo rộng rãi cũng chẳng thể che lấp phần bụng đã nhô lên của mình.

Đó là thập niên tám mươi của thế kỷ trước, xã hội vẫn còn bảo thủ. Hai người đều bị đuổi khỏi trường, trở thành nỗi nhục của gia đình. Phụ huynh của cô gái từ nơi khác đến, cha mẹ hai bên ngồi xuống bàn bạc với nhau, cả hai gia đình đều có sự kỳ vọng và kế hoạch riêng cho con cái mình đã không thể thống nhất với nhau.

Tranh chấp qua lại, bào thai đã không thể phá bỏ, mà họ cũng chưa đến tuổi kết hôn. Tân Thần đã ra đời trong tình huống chẳng ai mong muốn, sau đó được giao cho ông bà nội. Bà mẹ trẻ bị gia đình đưa đến một trường vô danh khác rất xa để học tiếp, sau khi tốt nghiệp đã ở lại đó, không còn về thăm con gái mình nữa; Tân Khai Vũ ở lại, về sau đi làm ở một công ty quốc doanh. Trong nhà họ Tân, mẹ Tân Thần là một điều cấm kỵ, chẳng ai dám công khai nhắc đến.

Con trai trưởng Tân Khai Minh của ông bà Tân từ khi đi học, đi làm, kết hôn đến sinh con đều không gây phiền phức gì. Trước nay họ luôn yêu chiều cậu con trai thứ thông minh tài năng, nhưng bất đắc dĩ tuổi cao phải giải quyết hậu quả cho cậu - chăm sóc đứa cháu bé bỏng mới ra đời.

Từ nhỏ Tân Thần đã là một cô bé xinh đẹp. Khi ông bà nội đã hết thất vọng và tức giận, họ chăm sóc cô vô cùng chu đáo. Còn ông bố trẻ của cô, ngoài việc không đủ trách nhiệm, ong bướm linh tinh, thì thực ra cũng có thể xem là một ông bố phóng khoáng biết yêu thương con gái mình, chỉ cần không bị những mối tình dày đặc chiếm thời gian thì cũng thích đưa con gái đi chơi đây đó.

Từ nhỏ Tân Thần đã được bà nội và bố cho ăn vận giống búp bê, mặc toàn quần áo mới đẹp, váy công chúa bằng lụa trắng, áo len hồng, quần jeans thêu hoa, nơ hồng và giày da, lại thêm gương mặt xinh đẹp, vừa vào trường tiểu học trọng điểm mà Tân Địch đang theo học đã trở thành tiêu điểm chú ý của mọi người.

Tân Địch lớn hơn Tân Thần ba tuổi có một gương mặt tròn không nổi bật lắm, cánh mũi nhỏ nhắn luôn toát lên vẻ trẻ con không bao giờ trưởng thành nổi. Cô không hề tiếc gì về dung mạo của mình, chỉ ghét những bộ quần áo bảo thủ chỉnh tề mà mẹ mua cho. Nhìn cô em họ, lại nhìn bộ quần áo thể thao vải cotton của mình, Tân Địch không thể không oán giận. Cô về than thở với mẹ mình, bà nhướn mày tỏ vẻ lạ lùng, “Con mới học tiểu học mà đã thích ăn diện rồi à? Học sinh phải mặc đồ hợp với thân phận học sinh mới đúng”.

Thế là Tân Địch luôn phải mặc những bộ quần áo hợp với thân phận học sinh mà mẹ chọn cho cô: Quần vải rộng, váy thêu hoa luôn dài qua gối, áo sơ mi toàn vải cotton và không có thắt nơ ở eo, áo khoác ngoài nhìn không ra giới tính, giày thì ngoài giày thể thao, sandal ra thì cũng là giày da đen buộc dây.

Lúc cô vui nhất chính là khi chú đưa Tân Thần đi mua quần áo, đồng thời cũng dắt cả cô theo. Cô từ chối đề nghị mua quần áo mình yêu thích của chú, vì biết mua về rồi mẹ cũng không cho mặc, thế nhưng lại rất háo hức ngắm Tân Thần thử hết chiếc này đến chiếc khác, và còn nêu ra ý kiến riêng của mình. Nhìn Tân Thần mặc chiếc váy cô chọn và xoay vòng, quá trình đó dường như còn vui hơn cả việc cô mua được quần áo mới.

Không giống Tân Địch luôn bị quản giáo nghiêm khắc, Tân Thần được ông bà chiều chuộng, được bố thả lỏng, gần như đã trưởng thành mà không bị bó buộc gì. Mấy năm đầu khi cô lên tiểu học, công việc của Tân Khai Vũ bắt đầu thư thả hơn, lúc rảnh rỗi còn đến đón con gái tan học, thuận tiện đưa cả Tân Địch về nhà. Tân Địch không chỉ một lần nhìn với vẻ ngưỡng mộ cảnh chú đặt tay lên vai Tân Thần, vừa đi vừa trò chuyện, hai người đều vui vẻ tươi cười.

Họ nói chuyện trên trời dưới bể, và đề tài họ bàn luận cũng là những vấn đề mà Tân Địch không thể nào tưởng tượng nổi cha mẹ sẽ đề cập với mình.

Tân Thần than vãn cậu nhóc ngồi cạnh cứ kéo bím tóc mình, bố cô cười bảo: “Mặc kệ nó, nó thích con nhưng không dám nói, đành dùng cách đó để thu hút sự chú ý. Lần sau nếu còn kéo tóc con, con đá nó một cái, bảo đảm sẽ ngoan ngoãn ngay”.

Đương nhiên câu trả lời đó khác hẳn với đáp án tiêu chuẩn của mẹ Tân Địch.

Dù Tân Thần thi được bao nhiêu điểm, Tân Khai Vũ cũng luôn xoa đầu cô, “Khá lắm”. Tân Thần nói thầy cô luôn phê bình cô không phân biệt rõ “l” và “n” trong phiên âm, ông chỉ nhún vai, “Đại đa số người ở đây cũng không phân biệt được, có sao đâu”.

Tân Thần nói hôm nay trời đẹp quá, Tân Khai Vũ bảo ngay: “Ngày mai bố được nghỉ, đưa con ra ngoại ô chơi nhé, để bố viết đơn xin nghỉ cho cô giáo”.

Tân Địch chưa bao giờ dám nghĩ rằng có thể nghỉ học bằng lý do đó.

Một Tân Thần trưởng thành như thế, rực rỡ phóng khoáng, dường như không hề bị ảnh hưởng vì thiếu hụt một nhân vật quan trọng là mẹ trong cuộc sống.

Con trai đến làm quen với cô, cô tỏ ra rất thản nhiên; luôn thoải mái với tất cả mọi người, không hề có cảm giác thiếu tự nhiên; quần áo cô mặc có nổi bật đến mấy cũng chỉ tôn thêm nét đáng yêu hoạt bát; khi cô cười, nụ cười rất tươi, rất tự nhiên, lúm đồng tiền trên má trái thoáng ẩn hiện, nhảy múa vui vẻ.

Tân Địch không hề đố kỵ với Tân Thần. Cô thích dáng vẻ thoải mái tự nhiên của cô em họ xinh đẹp. Trong mắt cô, nếu có thể lựa chọn, cô muốn được trưởng thành như em họ mình, hưởng thụ quãng thời gian thiếu nữ tuyệt vời của mình.

Sau khi thi đậu vào chuyên ngành thiết kế thời trang Học viện Mỹ thuật, bắt đầu từ mẫu thiết kế đầu tiên thì người mẫu trong trí tưởng tượng của Tân Địch chính là Tân Thần, nói chính xác hơn là Tân Thần năm mười bốn đến mười tám tuổi. Mỗi một mẫu thiết kế của cô đều có nét bay bổng phóng khoáng của tuổi trẻ trong tưởng tượng của cô.

Thế nhưng khi đã làm việc sáu năm trong ngành này, có lúc thời trang phải nghiêng về nét đoan trang chững chạc, có lúc lại nghịch ngợm phá cách, khi thì phải có vẻ dịu dàng nhu mì, thỉnh thoảng lại trở thành trung tính. Nhiệm vụ của Tân Địch là dẫn dắt nhóm thiết kế cố gắng nắm bắt trào lưu mới, còn về sở thích cá nhân, cô đành phải thỏa hiệp và từ bỏ. Niềm hưng phấn và cảm giác thành công ban đầu mỗi lúc một xa vời.

Khách hàng và các đại lý, các giám đốc nhãn hàng dưới sân khấu lần lượt vỗ tay chúc mừng. Mỗi một buổi trình diễn thời trang của Tác Mỹ đều khiến không khí trở nên nóng bỏng và cực kỳ cám dỗ. Cảnh lên sân khấu cám ơn của nhóm thiết kế chính là lúc cao trào nhất: Thể hiện một cách hoàn mỹ sức mạnh và phong cách đa dạng của nhóm, khiến khách hàng càng có cảm giác vinh dự và hãnh diện nhiều hơn, đạt được hiệu quả mà ông chủ Tăng Thành cần.

Tân Địch cũng nhanh nhẹn vỗ tay theo mọi người.

Đới Duy Phàm không thể ngăn mình nhìn Tân Địch đứng trên sân khấu. Cô mặc một bộ xường xám ngắn tay khiến gương mặt tròn trĩnh như búp bê có thêm chút phong tình, có vẻ không được vui vẻ như các nhà thiết kế phụ khác đứng sau lưng, nụ cười trên gương mặt gần như thờ ơ giống A Ken ngạo mạn đến từ Hồng Kông đang đứng cạnh cô lúc này. Anh không thích nét mặt ấy tí nào.

Trong ấn tượng của anh, Tân Địch chưa bao giờ che giấu tâm trạng của mình, khi cười lớn, niềm vui cơ hồ như đang tuôn chảy khắp nơi, có thể truyền đến cho mỗi người; khi giận dữ cô sẽ buột miệng nói những lời lẽ cay độc, thế nên chẳng ai dám chọc cô nổi điên. Mà Tân Địch đang đứng trên sân khấu hơi cúi lưng, vô cùng lịch sự lúc này đây, sao anh thấy xa lạ quá.

Sau buổi trình diễn vẫn là tiệc đêm. Đới Duy Phàm chú ý thấy Tân Địch ngồi ở bàn khác đang uể oải uống rượu vang mà chẳng ăn gì. Được nửa chừng cô bỏ ra ngoài, rất lâu sau cũng chẳng thấy quay lại.

Đới Duy Phàm biết đối diện sảnh tiệc này là một quán ăn nhỏ có chỗ ngồi uống café lộ thiên. Anh ra đó, quả nhiên thấy Tân Địch đang ngồi gần lan can ngoài trời. Dưới ánh đèn dịu mắt, cô quay lại nhìn anh, cười, “Đới Duy Phàm, anh có tin không, lúc này đây tôi đang nghĩ đến anh?”.

Đới Duy Phàm bỗng thấy tim đập thình thịch, nhưng Tân Địch đã nói tiếp: “Tôi bỗng phát hiện ra, anh rất giống chú của tôi”.

Nhưng lần này Tân Địch không có ý đả kích Đới Duy Phàm. Thực sự cô đang nhớ đến ông chú Tân Khai Vũ của mình. Khi mà mỗi người gần như đều bị cuộc sống làm cho thay đổi, hình như chỉ có người đàn ông ấy là vẫn ung dung tự tại.

Tân Khai Vũ năm nay bốn mươi bốn tuổi, đến giờ vẫn là một người đàn ông trung niên đẹp trai phong lưu đa tình. Có một đứa con gái hai mươi lăm tuổi, như thể chỉ là một cơn sóng nho nhỏ trong cuộc đời ông mà thôi.

Tân Địch không bao giờ quên được cơn chấn động mà ông chú đẹp trai của cô lần đầu tiên đến họp phụ huynh ở trường đã gây ra.

Tân Thần được bác sắp xếp vào học ở trường tiểu học trọng điểm có rất nhiều con cái của các vị cán bộ công chức nhà nước theo học cùng với Tân Địch. Phụ huynh của tất cả những đứa trẻ ấy đều giống cha mẹ Tân Địch: Độ tuổi trung niên, vẻ mặt trầm tĩnh, y phục chỉnh tề bảo thủ.

Tân Khai Vũ vừa xuất hiện đã khiến tất cả chấn động. Khi ấy ông không quá hai mươi lăm tuổi, khoác áo jacket, quần jeans bạc màu, thực sự rất trẻ mà lại rất tuấn tú đẹp trai, tươi tỉnh nắm tay con gái mình, nhìn thế nào cũng thấy giống một anh chàng lớn xác chứ không giống một người cha.

Tân Khai Vũ thực sự cũng chưa thích ứng hoàn toàn với vai trò ông bố. Với con gái, gần như ông đáp ứng mọi nhu cầu của nó. Lúc đó ông vẫn đi làm cho một công ty Nhà nước, thu nhập cũng bình thường, nhưng trong tay khi có tiền mà lại có hứng thì sẽ đưa Tân Thần đi mua quần áo giày dép rất đắt, hoàn toàn không nghĩ đến giá cả; ông liên tục có bạn gái, luôn thẳng thắn nói mình đã có con gái, thỉnh thoảng còn đưa con gái mình cùng đi ăn cơm xem phim với một “dì” xinh đẹp nào đó.

Tân Khai Vũ gọi cháu gái mình là Địch Tử, gọi con gái mình là Thần Tử. Về sau cách xưng hô đó được hai chị em sử dụng luôn. Ông hay đến những cửa hàng nhỏ ven đường mua những tấm sticker, trang sức nho nhỏ mà con gái thích, thỉnh thoảng dẫn hai chị em đi ăn bánh rán. Mà đó là những thứ bà Lý Hinh nghiêm cấm - bánh rán mất vệ sinh, còn những món đồ chơi kia thì nhảm nhí và chẳng có ý nghĩa giáo dục gì cả.

Nhưng niềm vui của các cô bé rất đơn giản. Những món đồ nho nhỏ rẻ tiền và thực sự không có ý nghĩa kia đã đủ khiến hai cô bé vui đến quên trời quên đất.

Cha của Tân Địch lúc đó là thư ký cho Lộ Cảnh - cha của Lộ Phi - phó thị trưởng thành phố, tính cách nội tâm nghiêm khắc. Lý Hinh mẹ cô làm việc ở Cục vệ sinh. Đương nhiên họ đều yêu chiều đứa con gái duy nhất, nhưng lại không thể có được khoảng thời gian vui vẻ như vậy.

Tân Thần xinh đẹp bắt đầu dậy thì, nhanh chóng cao vượt cả Tân Địch. Cô nhận được những tấm giấy nhỏ của các nam sinh rồi đưa cho bố mình xem. Ông cười lớn, lắc đầu nói: “Thật trẻ con! Nhưng con đáng yêu như thế, con trai thích cũng là chuyện thường. Không để ý thì vứt đi. Đừng cho thầy cô thấy, cũng đừng chọc ghẹo người ta”.

Tân Thần kể có một nam sinh nào đó hẹn cô cùng đi sở thú hoặc đi xem phim, Tân Khai Vũ trầm tư, “Đều được. Nhưng đừng nhận quà của người ta, đừng thân mật quá, càng không được nhận lời làm bạn gái để thỏa mãn lòng hư vinh của cậu ta”.

Tân Địch đành thương tiếc cho cuộc sống nhạt nhẽo bình thường của mình, chưa bao giờ cô nhận được lời tỏ tình hoặc hẹn hò như thế. Tất nhiên dù có nhận được thì cô cũng chẳng dám kể cho bố mẹ nghe. Cô tưởng tượng được cách xử lý của họ: Trước tiên là trịnh trọng trò chuyện với cô, từ nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là chuyên tâm học hành cho đến lý tưởng và lựa chọn trong cuộc đời, sau đó gọi điện thoại cho cô chủ nhiệm báo cáo tình hình.

Ông Tân Khai Minh thấy cậu em đã làm bố từ sớm mà đến giờ vẫn chưa chịu kết hôn, ổn định cuộc sống thì luôn có vẻ hậm hực vì thất vọng; bà Lý Hinh thấy cậu em chồng luôn tạo đủ phiền phức nhưng lại không có thành ý hối lỗi đương nhiên cũng không lấy gì làm vui.

Chỉ có Tân Địch là thật lòng yêu mến ông chú vui vẻ ấy. Cô nói thẳng với Tân Thần lòng hâm mộ của mình. Mỗi lần như vậy, Tân Thần chỉ cười, nhưng có lần cô trầm ngâm rồi nghiêm túc hỏi: “Địch Tử, chị có muốn suốt đêm ở một mình trong nhà, nghe tiếng sấm cũng chỉ biết lấy chăn bịt chặt tai không? Có muốn lúc làm bài tập cần ký tên lại không tìm ra phụ huynh, đành bắt chước chữ ký của bố không? Có muốn bố mình thay bạn gái còn nhanh hơn thay quần áo không?”.

Tân Địch nghẹn lời, khi ấy cô không ngờ sự việc lại có hai mặt như vậy. Khi cô lên cấp ba, mẹ vẫn vào phòng cô mỗi đêm, đắp lại chăn ngay ngắn cho cô. Còn bố trừ công việc ra thì chỉ biết mỗi gia đình, chưa bao giờ lơ đãng.

Tân Địch trưởng thành rồi ít nhiều cũng biết thân thế của Tân Thần. Cô hiểu chú có lẽ là người đàn ông được nhiều người ưa thích, nhưng chắc không thể nói là một người cha tốt được; cho dù luôn được phụ nữ yêu thích nhưng có lẽ cũng không thể được xem là một người tình tốt.

Mà chú cô và người đàn ông đẹp trai trước mặt bây giờ thật giống nhau. Nghĩ đến đó, Tân Địch không nén được cười.

Đới Duy Phàm nhận ra sau buổi tối xui xẻo ở Hồng Kông, anh hình như đã bị trúng tà. Nụ cười nghịch ngợm của Tân Địch khiến anh ngơ ngẩn mất một lúc.

Nhưng lần đầu trong đời bị một cô gái tuổi tác tương đương nói mình giống trưởng bối, nghe thế nào cũng thấy không phải là đang khen ngợi. Anh đành cười khổ, “Vẻ ngoài của anh giống chú em lắm à?”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay