2. Động - Phần 1
II. Ðộng
1. Fai Foo, Fai Foo
Dài dòng một tí: Đó là một chuyến đi trong quá khứ mà cho đến giờ khi nghĩ lại, những kỷ niệm về chuyến đi ấy vẫn tươi mới trong mình, giống như một giỏ dâu tây ngọt ngào và căng mọng. Thật ra một phần của chuyến đi vốn đã được ghi chép lại cẩn thận nhưng vì bận nên gác lại. Một năm sau chuyến đi, nhận được một series tin nhắn của những người bạn đã sát cánh cùng mình trong chuyến đi ấy, họ nhắc lại nhiều kỷ niệm và nói rằng rất nhớ. Ừ, mình cũng rất nhớ và tự nhiên không muốn chuyến đi ấy chỉ còn là vài ngàn ký tự rời rạc trong một file dang dở. Và thế là tiếp tục lôi ra viết. Viết một mạch không ngắt quãng. Viết không cần phải nghĩ ngợi nhiều. Viết một cách dễ dàng và tỉ mỉ cứ như mình mới trở về từ Fai Foo ‐Hoài Phố ‐ Hội An thời điểm mùa xuân năm ngoái.
We’re nhóm‐ô‐đẹp!
Mùa xuân năm ngoái không rõ lý do gì mà đột nhiên mình bị rơi vào trạng thái trống rỗng. Đầu óc đặc sệt. Không vui không buồn. Một vài người bạn của mình bất hạnh (hay may mắn) cũng như vậy. Và thế là quyết định phải ra đi. Bốn đứa khởi hành từ Hà Nội gồm Lan, Hạnh, Chi và mình. Một đứa tiến quân từ Saigon là Phượng. Gặp nhau ở Fai Foo. Vậy là có một liên khúc ba miền Bắc ‐Trung ‐Nam hoàn hảo. Nếu muốn theo dõi chuyến đi này của tụi mình, tất nhiên bạn phải bớt chút thời gian tìm hiểu tụi mình. Bạn có thể nhớ tên tụi mình, hoặc chỉ cần gọi đơn giản là “nhóm ô đẹp” như một số người‐Hội‐An sau này đã gọi.
Đi du lịch mùa mưa, tự thân việc ấy đã là một chuyện điên rồ trong mắt người khác. Đi du lịch mùa mưa, mà lại còn chọn một nơi tĩnh lặng như Fai Foo, rõ ràng là cấp độ điên rồ nhân lên gấp đôi, thậm chí là gấp ba. Nhưng đôi khi trong cuộc đời tỉnh táo của mình, bạn nên thu xếp để mà điên rồ ít nhất vài lần nếu muốn có những trải nghiệm mà những người nhạt nhẽo và vô vị không bao giờ có được. Tỉ dụ như bung một dàn ô trong veo nhiều màu sắc rồi nhảy ra giữa hồ nước của resort để pose hình. Gần chục ngày trời lang thang khắp nẻo Fai Foo để tỉ mẩn chọn khăn lụa và lồng đèn mà không biết chán. Hoặc đơn giản là nhảy nhót vào tất cả những vũng nước mưa đọng trên đường mặc kệ quần áo ướt lướt thướt còn giày dép thì há miệng hết cả.
“Vĩnh Hưng nhớ các chị!”
Vài tháng sau khi trở lại Hà Nội, Lan nói với mình: “Em Trang (một người‐Hội‐An tụi mình gặp ở Fai Foo trong thời gian lưu lại đây) nhắn rằng Vĩnh Hưng nhớ các chị”. Vĩnh Hưng, tất nhiên không phải là Mr Đàm ca sĩ, cũng không phải một “phi công trẻ” nào đó gửi lời yêu thương tới các “máy bay bà già”. Mà Vĩnh Hưng là một… resort, còn người nhắn gửi là mấy em nhân viên phục vụ ở đây. Không biết vì sao trong số hàng trăm khách trú ngụ tại Vĩnh Hưng thời điểm ấy, các em phục vụ lại đặc biệt lưu tâm đến bọn mình nhỉ? Nhưng suy cho cùng không nên cố chấp phải trả lời câu hỏi đó, bởi người ta có muôn vàn lý do để mà nhớ nhau, nhưng cũng có lúc chẳng cần lý do nào cả!
Những ngày ở Vĩnh Hưng có thể nói là những ngày thảnh thơi tuyệt đối với tụi mình. Vùi sâu vào chăn ấm ngủ khò khò rồi sáng dậy cãi nhau chí chóe xem đứa nào... ngáy to nhất (thật là mất mặt!). Mặc nguyên đồ ngủ lò dò ra lan can với hàng con tiện gỗ đen bóng và chạm trổ tinh xảo để làm một việc ʺsến như con hếnʺ là ngắm mưa. Ưỡn ẹo dưới dãy đèn lồng màu đỏ ở dọc hành lang hàng tiếng đồng hồ để pose hình. Dù đứa nào cũng cố tưởng tượng mình là tiểu thư khuê các nhưng nghĩ lại thấy giống mấy bà vợ tuổi xế chiều trong [Đèn lồng đỏ treo cao], tuy nhiên có phần còn bất hạnh hơn họ vì ròng rã từng đấy ngày trời ở Fai Foo chả có lão gia nào thèm đến thắp đèn!
Phía bên kia Vĩnh Hưng, cách dăm phút đi bộ, qua một cây cầu bắc ngang sông Hoài, là khu trung tâm Fai Foo. Tại sao từ đầu đến giờ mình lại dùng Fai Foo, mà không phải là Hoài Phố, Phố Hoài hay Hội An? Có thể vì cái tên Fai Foo khi đọc lên vừa êm dịu, vừa xa xăm. Có thể Fai Foo nghe như một tiếng thở dài từ quá khứ vọng về. Cũng có thể vì bị ảnh hưởng của Phạm Duy khi một chiều mùa đông của nhiều năm trước vô tình bắt gặp những dòng này trong cuốn hồi ký ông ở www.vnthuquan.net: “Fai Foo mấy trăm năm trước là một thị trấn xây bởi những người Tầu từ đảo Hải Nam tới Việt Nam lập nghiệp. Cái tên cũng do ở tiếng Tầu mà ra. Theo nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả bản [Nắng Chiều] ‐ vốn là người sinh trưởng ở Hội An ‐ khi người Pháp tới thị trấn này thì được người dân (Tầu?) cho biết đây là nơi chuyên bán hoa (bán là phô và hoa là ba) nên họ gọi tên thành phố là Ba Phô. Dần dần Ba Phô trở thành Fai Foo. Cũng có người cho rằng tên Fai Foo là do ở tiếng Bồ Đào Nha mà ra” (nguyên văn).
“Xin chào, anh là xích lô 037!”
Cuốn guide book nhỏ mà mình mang theo từ nhà ghi lại: “Từ cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, bên cạnh sự xuất hiện của các thương nhân Bồ Đào Nha, Italia, Xiêm (Thái Lan), Cambodia, Manila
(Philippines), Indonesia... và nhiều người Hoa, Nhật đến định cư tại Fai Foo, giúp nơi đây nhanh chóng trở thành một thương cảng phồn thịnh trong nhiều thế kỉ. Thời đó, Fai Foo là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á và là một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông”. Từ đó tới nay cũng đã hơn 300 năm, giờ đây, những dấu ấn của một thời vang bóng chỉ còn vương vấn ở những nếp nhà cổ hình ống với mái ngói phủ rêu xanh, nội thất bên trong hoàn toàn làm bằng gỗ chạm trổ cầu kỳ, balcony cũng làm bằng gỗ, giếng trời thăm thẳm… và đặc biệt phía bên ngoài nhà nào cũng có hai con mắt âm dương (dùng để trừ tà), gợi vẻ huyền bí và liêu trai. Người Fai Foo yêu quý và có cách “tiếp thị” nhà của họ rất dễ thương. Một lần nọ, khi nhóm‐ô‐đẹp lang thang trong đêm, đi ngang nhà cổ Quân Thắng một trong số ít ngôi nhà cổ đẹp nhất Fai Foo, đã có niên đại 150 năm ‐ thì nghe tiếng gọi, quay ra thấy một ông cụ dáng gầy gầy nhưng mắt rất tinh anh đang vẫy vẫy: “Các cháu, vào đây chơi, vào đây chơi… không tính tiền, không tính tiền”. Chưa biết tính sao thì ông cụ chào mời nhiệt tình hơn: “Vào đây, đã bảo không tính tiền cơ mà, vào ban ngày là phải trả tiền đấy!”. Dĩ nhiên là không thể từ chối lời mời ấy được. Và có bước vào nhà cổ vào ban đêm bạn mới “cảm” được hết vẻ đẹp của nó. Bạn hãy đi thong dong trong ngôi nhà tĩnh lặng (hoàn toàn không bị chi phối bởi đám đông du khách ồn ào như ban ngày), dưới ánh đèn đỏ leo lét, mường tượng cuộc sống phong lưu trong quá khứ của chủ nhân ngôi nhà thông qua cách bài trí đồ đạc hay những chi tiết kiến trúc, điêu khắc tinh tế và sang trọng. Hãy quan sát thật kỹ xung quanh và biết đâu, đằng sau khung cửa sổ hình bàn tính với những con tiện đen bóng kia, có một hình bóng hư ảo đang lén nhìn bạn một cách chăm chú.
Nếu chán làm Bồ Tùng Linh và không muốn viết [Liêu trai chí dị] phiên bản Fai Foo, bạn có thể bắt xích lô dạo một vòng phố cổ. Một tour 60 phút, mỗi phút 1000đ. Xích lô Fai Foo nhỏ thật nhỏ, hai người ngồi thì chật nhưng một người ngồi thì lại cô đơn. Sau này, mỗi lần nhớ đến xích lô Fai Foo là mình lại nhớ đến bạn Phượng. Một hôm, mình và bạn Phượng rủ nhau nhảy xích lô đi chơi. Xích lô Fai Foo nhỏ nhỏ mà hai bạn thì lại to to làm hai bạn ngồi bên trên thật tình là không dám thở mạnh. Cho đến lúc thấy anh xích lô vừa đạp vừa giới thiệu nào là nhà cổ Tấn Ký, hội quán Quảng Đông, bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh… với chất giọng sang sảng, hai bạn bảo nhau chắc là anh chở mình không quá sức và yên tâm cùng anh lướt qua nhiều con phố để ngắm đèn lồng lung linh, hóng gió sông Hoài và vẫy tay chào các khoai Tây đang vừa ngồi uống bia vừa hun nhau. Hai bạn vẫn ngây thơ nghĩ là mình đang “lướt”, chứ không phải “bò” trên phố nếu như trên đường về không gặp bạn Hạnh. Bạn Hạnh lúc đó đang chống ô như chống batoong đi bộ thoăn thoắt trên đường, và thật bi kịch, xích lô của hai bạn đang “bò” với tốc độ còn chậm hơn bạn Hạnh đi bộ nữa, tình cảnh ấy không biết nên cười hay khóc! Những người đạp xích lô ở Fai Foo hoạt động trong nghiệp đoàn, xích lô nào cũng có đánh số và anh nào cũng có điện thoại di động để khách tiện liên lạc. Vì thế không mấy ngạc nhiên khi hai bạn vừa xuống xe, anh xích lô đã nhún vai điệu nghệ: “Anh là xích lô 037! Ghi lại số của anh rồi khi nào cần xe thì gọi nhé!”.
Chưa thấy hoàng hôn ở Lai Viễn Kiều
Những ngày ở Fai Foo, nhóm‐ô‐đẹp thường nhận được những tin nhắn trêu chọc của bạn bè, đa phần họ đều hỏi “Nghỉ mưa có vui không?”. Không biết họ có tin không khi ai trong chúng mình cũng khẳng định là nghỉ mưa không vui vì… quá vui. Vẫn nhớ về một ngày mưa tầm tã, quần áo xúng xính che ô cuốc bộ qua cầu An Hội vào Hội quán Quảng Đông 125 năm tuổi thắp hương vòng (200k/vòng) cầu an và bạn Lan ‐ dù mặc váy ‐ vẫn nhảy phắt lên ghế để tự tay treo hương lên trần trong ánh mắt kinh hoàng của cụ từ!. Hội quán có thể nói là một trong những nét đặc sắc nhất của người Hoa xa xứ, là nơi họ tụ họp, giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, kết nối những mảnh đời vì nhiều lý do mà phải tha hương, lưu lạc nơi đất khách. Fai Foo hiện nay vẫn còn lưu giữ năm hội quán, đa phần đều nằm trên đường Trần Phú và hướng ra sông Thu Bồn, bao gồm Phúc Kiến (do Hoa kiều tỉnh Phúc Kiến xây dựng năm 1792); Dương Thương (còn gọi là Trung Hoa, 1741); Triều Châu (Hoa kiều Triều Châu, 1845); Quỳnh Phủ (Hoa kiều Hải Nam, 1875) và Quảng Đông (còn gọi là Quảng Triệu, Hoa kiều Quảng Đông, 1885). Mỗi hội quán có nét đặc sắc riêng, nhưng có điểm chung là đều giành một nơi trang trọng để thờ phụng Thiên Hậu Nương Nương, nữ thần bảo trợ cho người đi biển nói chung như ngư phủ, thủy thủ, thương nhân (buôn bán đường biển)… Ở Hội quán Quảng Đông có một thứ mà nhóm‐ô‐đẹp rất muốn chiếm làm của riêng, đó là mô hình chiếc thuyền mà người Hoa thường dùng để vượt biển cập bến Fai Foo vào thế kỷ XVII, XVIII. Nó được thiết kế rất tinh xảo đến từng chi tiết, có nơi sinh hoạt hàng ngày của thương nhân, khoang thuyền chứa hàng hóa và thậm chí có cả chỗ để thờ phụng thần, Phật và tổ tiên.
Không biết giữa người Nhật và người Hoa, ai là người đặt chân đến Fai Foo trước, chỉ biết rằng theo các tư liệu cũ thì khu phố Nhật Bản được hình thành sớm hơn và phát triển cực thịnh vào những năm đầu thế kỷ XVII. Các thương nhân người Nhật khi đó ghé Fai Foo bán đồ đồng, tiền đồng, sắt… và đồ gia dụng; đồng thời, mua lại đường, tơ lụa, trầm hương... của dân bản xứ. Cuối thế kỷ XVIII, cuộc chiến khốc liệt giữa Chúa Trịnh và nghĩa quân Tây Sơn đã đánh một dấu chấm lửng cho sự tồn vong của Fai Foo. Vài năm sau cuộc chiến, người Việt và người Hoa đã cùng nhau xây dựng lại Fai Foo từ hoang tàn đổ nát và động thái này đã làm cho khu phố Nhật Bản chỉ còn là dĩ vãng, thật là đáng tiếc! Tới thăm nhà cổ Phùng Hưng, ngôi nhà cổ 100 tuổi có lẽ là duy nhất ở Fai Foo có kiến trúc pha trộn Hoa ‐ Nhật ‐ Việt, dù mình không có một kiến thức sâu rộng về kiến trúc nhưng cũng có thể dễ dàng thấy sự khác biệt cơ bản giữa ngôi nhà này với các nhà cổ bên khu phố người Hoa, đó là trần cao và thoáng hơn; 80 cột nhà làm bằng gỗ lim đặt trên bệ đá; bacolny mở rộng nhìn ra đường; mái nhà ở gian giữa có bốn hướng (gọi là mái “tứ hải”, đây là đặc trưng kiến trúc của Nhật, giống mái của Lai Viễn Kiều)… và các chi tiết nhà làm bằng gỗ quý nhưng không chạm trổ mà để mộc nguyên tấm, chỉ có phần đỡ mái chạm khắc hình cá chép, biểu tượng cho sự may mắn (đối với người Hoa) ‐quyền lực (Nhật) và thịnh vượng (Việt)[2].
Mặc dù khu phố Nhật Bản không còn nhưng dấu ấn mà cộng đồng Nhật kiều để lại lại rất đáng trân trọng, đó là biểu tượng của Fai Foo cho đến tận bây giờ: Lai Viễn Kiều (hay còn gọi Hội An Kiều, Chùa Cầu, Cầu Nhật Bản), được xây dựng đầu thế kỷ XVII. Tiếc rằng gần chục ngày ở Fai Foo chẳng có ngày nào được nhìn thấy nắng và vì thế cũng không được ngắm “ánh tà dương trầm tĩnh như nước” ‐ thứ “đặc sản” mà vì nó, An Ni Bảo Bối[3] đã viết nên những dòng tuyệt vời thế này: “Hoàng hôn ở mỗi nơi đều khác nhau. Trên thảo nguyên Tân Cương từng ngắm mặt trời lặn hoa lệ như trong cơn say. Cũng từng đứng trên cầu vượt ở vòng ba phía đông Bắc Kinh, ngắm ánh tà dương trắng bạch và khô khan sau trận bão cát mùa xuân. Nó khiến người ta phải than thở vì ngạc nhiên, quá trực tiếp, quá ác liệt, như gương mặt của cuộc sống vậy. Nhưng ở Hội An, trong một thị xã nhỏ đất khách quê người, cách Bắc Kinh ngàn dặm, bạn có thể thấy ánh tà dương trầm tĩnh như nước. Nó khiến bạn không thốt nổi nên lời”.
[2] Chỗ này mình thấy khác nhưng không biết diễn tả thế nào, may nhờ anh Google mới vỡ vạc ra, cám ơn anh Google!
[3] An Ni Bảo Bối, một trong những tác giả TQ mà mình yêu thích nhất, đoạn trích này nằm trong cuốn “Đảo Tường Vy”.
Em đã thấy mùa xuân chưa?
Nếu như Fai Foo trong nắng đẹp một, thì Fai Foo những ngày mưa đẹp mười! Một vẻ đẹp bàng bạc và phiêu diêu, mang đến cho người ta cảm xúc lẫn lộn, rất khó phân định rạch ròi. Bởi vì không phải là Thái Vân[4]nên không thể trốn mình trong một gallery nho nhỏ, vừa ngắm mưa vừa vẽ người, vẽ mèo, vẽ Vespa chờ anh Thanh lạc lối ghé qua. Cũng không phải là nàng công nữ[5] nào đó có mối tình khắc cốt ghi tâm với chàng Samurai tuổi trẻ tài cao Mộc Tôn Thái Lan (Araki Sotaro), chẳng có ai để mà gọi tha thiết “Anh ơi!”, nên mình đành đón giao thừa ở Fai Foo trong vòng tay của bốn… con vịt và xung quanh là hàng rổ... khoai Tây. Tiệc gần tàn thì thấy bạn Chi biến mất một lúc, sau đó hí hửng quay lại khoe chữ và thơ vừa mới xin được. Hóa ra ban tổ chức đã đặc biệt thu xếp một ông đồ già và một anh đồ trẻ bày sạp cho chữ miễn phí ở phía ngoài sảnh. Bốn bạn còn lại lập tức lốc nhốc chạy ra xí phần, kết quả là bạn Phượng ‐ luôn chắp tay sau mông chăm chú quan sát, ban đầu không định xin chữ, tới lúc thay đổi quyết định thì giấy hết nên đành ngậm ngùi không có chữ mang về Sài Gòn (cái này người ta gọi là “Tô Châu qua rồi không còn đò ngang”); bạn Hạnh ‐ xin được chữ PHÚC, bạn luôn cầm ngược và giải thích với mọi người cầm thế mới đúng vì theo người cho chữ thì PHÚC ĐÁO ‐ nghĩa là PHÚC từ trên trời rơi xuống; bạn Lan ‐ có chữ PHÚ, bạn không thể nhớ được chữ này nên đành dùng hạ sách là ghép nó với tên bố bạn (bố bạn tên là Quý) để dễ nhớ; mình ‐ được một chữ rất hay là ĐẠI KIẾT, vốn tiếng Hán tí tẹo của mình đủ để nhớ mà không cần phải liên hệ đến một căn bệnh liên quan đến đường ruột; còn bạn Chi “lời” nhất, bạn xin được chữ TÂM (nhưng bạn chuyên đời cầm dọc nó lên) và câu thơ: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!”.
[4] Thái Vân &Thanh - hai nhân vật trong cuốn “Phải lấy người như anh” của Trần Thu Trang.
[5] Trong một số bài báo về Fai Foo có nhắc đến chuyện tình của một nàng công nữ (được cho là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) và Mộc Tôn Thái Lan (Araki Sotaro), dòng dõi võ sĩ
Samurai Nhật Bản. Khi theo chồng về sinh sống tại quần đảo Nagasaki, nàng vẫn giữ thói quen gọi chồng là “Anh ơi!” bằng tiếng Việt. Vì thế nên dù nàng được đặt tên Nhật là Okakutome, nhưng người ta thường gọi nàng là Anio, phiên âm là “Anh ơi!”. Có người cho rằng nàng công chúa đó là công nữ Ngọc Vạn, cũng có người bảo là công nữ Ngọc Khoa nhưng theo mình không phải, vì theo lịch sử ghi lại thì công nữ Ngọc Vạn được gả cho vua Chey Chetta II nước Chân Lạp (nhà nước đầu tiên của người Khmer, tồn tại từ 550 -802, lãnh thổ gồm cả Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện nay), còn công nữ Ngọc Khoa thì kết hôn với vua Chiêm Thành Po Romê.
Hạc giấy vẫn xoay trên đỉnh đầu
Trong “1735 km”, Kiên (Hồ Khánh Trình) nói với Trâm Anh (Dương Yến Ngọc) khi họ đang lạc lối ở Fai Foo đại ý là: “Đến Hội An em hãy ngước nhìn trên cao”. Khi ấy camera quay hắt từ dưới lên, ghi lại nụ cười mê hồn của Hồ Khánh Trình và “màu mắt nhung” của Dương Yến Ngọc, còn phía trên họ là những dãy lồng đèn huyền ảo của Fai Foo trong một đêm trăng tròn. Từ mùa thu năm 1998, vào đêm 14 âm lịch hằng tháng, người dân Fai Foo tự nguyện đồng loạt tắt đèn điện và chỉ thắp đèn lồng ở mái hiên và hai bên cửa ra vào, để khách du lịch có thể tận hưởng trọn vẹn không khí thuần khiết của một đô thị cổ 300 năm tuổi, hoàn toàn không có một chút tàn dư nào của cuộc sống hiện đại. Nếu như may mắn có mặt ở Fai Foo vào ngày này, thì hãy làm một ly Double Espresso cho thật tỉnh táo rồi đi lang thang khắp nẻo, bạn sẽ bắt gặp những “tấm hình” ấn tượng mà suốt đời khó có thể quên được. Một người phụ nữ mặc áo dài màu huyết dụ ngồi chải tóc bên hiên nhà… Dăm ba đứa trẻ chơi bắn bi trong lặng lẽ…. Một đôi bạn già trầm ngâm bên bàn cờ tướng…. Và một anh gù đang tỉ mẩn chuốt những nan tre để ghép thành chiếc lồng đèn hình củ tỏi. Bạn cứ việc ngắm nghía anh ta thoải mái, từ lúc anh ta làm khung, dán vải, chỉnh sửa, gắn chuôi, làm đuôi đèn, nhưng nhớ đừng chụp ảnh có flash nếu không muốn ăn vài cái cán chổi!
Nếu như “kiếm cơm” trong ngành du lịch, mình sẽ kiến tạo một trò chơi nho nhỏ thế này: Vào đêm 14 âm lịch, mỗi người khách cô đơn khi đến Fai Foo sẽ tùy chọn cho mình một chiếc đèn lồng, cầm theo khi đi trên phố và kiếm tìm người có đèn giống mình. Sẽ có những đôi may mắn hoàn toàn trùng khớp. Sẽ có vài đôi không biết nên cười hay nên khóc khi người chọn đèn giống mình lại có cùng… giới tính với mình. Và tất nhiên sẽ có người mãi mãi không tìm được một nửa của mình. Bởi vì trong một số chuyện, không phải ai cũng đoán trước được điều gì sẽ xảy ra, tự nhiên nhớ lại một câu nói của Trâm Anh, cũng trong “1735 km”: “Dân số thế giới hiện nay là sáu tỉ bốn trăm bốn mươi chín triệu ba trăm sáu mươi chín ngàn bốn trăm sáu mươi mốt người[6]… Trong một thế giới đông đúc bận rộn như vậy, xác suất nào để hai người tìm thấy nửa còn lại của nhau? Chúng ta điềm nhiên băng ngang qua đời nhau mà không hề gặp gỡ. Chúng ta nghĩ về tình yêu bao nhiêu lần trong một ngày? Làm sao chúng ta gặp nhau và yêu nhau?”.
[6] Bây giờ thì Trái đất đã có 7 tỷ người rồi!
Trí nhớ suy tàn của mình không nhớ vì sao mấy năm trước lại không thèm xem “1735 km” (Jackfruit Thorn Kiss, 2005). Sau này được xem đoạn trailer mới thấy tiếc, tiếc cho cả bản thân và cho cả ê kíp làm phim. Có lẽ “1735 km” không đạt doanh thu lý tưởng là vì đã đi trước thời đại về độ lãng mạn. Giả sử phim được tung ra ở thời điểm bây giờ thì có lẽ hãng phim Kỳ Đồng sẽ không bị… “đắp chiếu” nhanh như vậy. À, cần phải nói thêm là OST của “1735 km” rất hay, điểm 10 cho Võ Thiện Thanh, cho Anh Khoa và cho cả bạn nào oánh guitar nữa: “Tình yêu nơi đâu nơi đâu/ Băng qua đêm thâu/ Có khi chỉ cách nhau một cầu… Tình yêu nơi đâu nơi/ Ghé sát vai nhau/ Có khi chẳng thấy nhau một đời… Tình yêu nơi đâu nơi đâu/ Khi đêm qua mau/ Sớm mai chỉ thấy sương mịt mù… Tình yêu nơi đâu nơi đâu/ Sánh bước vai nhau/ Có khi sẽ cách chia một ngày… Giống con hạc giấy kia cứ xoay tròn mãi trên đỉnh đầu… Giống con hạc giấy kia cứ xoay tròn mãi trên đỉnh đầu…”.