3. Động - Phần 2

2. Một mùa xuân muộn ở Vân Nam

Dài dòng một tí: Mỗi người đều thích đi du lịch theo cách riêng của họ. Mình cũng có sự gàn dở của riêng mình. Mình thích đi du lịch kiểu khám phá, đến những nơi ít người chọn đi nhưng lại không có tố chất làm backpacker. ʺBụiʺ với mình vẫn phải có phòng ốc sạch sẽ, giường êm đệm ấm và nhất là có restroom đầy đủ tiện nghi. Vậy nên trước khi bắt đầu đi du lịch Vân Nam (Côn Minh ‐ Đại Lý ‐ Lệ Giang) kiểu backpacker mình thập phần lo lắng, nghĩ ra đủ mọi tình huống tệ nhất (bao gồm cả làm... ma xứ Tàu), để lỡ gặp chuyện gì sẽ không bị shock. Thực tế thì đúng là chuyến đi này bão táp thật. Bão táp đến độ mình và bọn mình về đến Hà Nội cả tuần rồi vẫn chưa hoàn hồn!

Phong hoa tuyết nguyệt ở Hỉ Châu

Hà Nội những ngày đầu mùa hạ. Trắng hoa loa kèn, đỏ phượng, tím bằng lăng... không đủ để xua đi cái oi bức đến nghẹt thở. Cộng với sự tẻ nhạt của công việc văn phòng nữa thì quả là sầu vô đối. Vậy là quyết định phải ra đi. Một chuyến đi đến một nơi đã mơ ước từ lâu nhưng đã bị trì hoãn hết lần này đến lần khác.

Mẹ biết chuyện phàn nàn: ʺSao con không bao giờ để yên tiền trong túi?ʺ. Ừ nhỉ, mình chả bao giờ tiết kiệm được tiền. Làm được 10 đồng, tiêu 9 đồng. Gom được một mớ, lại tính kế đi chơi. Suy cho cùng kiếm tiền để làm gì khi mà không hưởng thụ, làm sao biết ngày mai sẽ thế nào mà đong đếm thiệt hơn? Nghĩ sao làm vậy, vào một ngày đẹp trời, mình chia tay gia đình, tạm biệt các bạn già, trao con mèo Béo cho mẹ... rồi xách balo đi Đại Lý ‐ Lệ Giang. Bảy đồng đội của mình trong chuyến đi này, gồm hai bạn Lan, vợ chồng Tuấn ‐ Nga, Minh, Dũng và Nam. Team đi theo lộ trình Hà Nội ‐

Lào Cai ‐ Hà Khẩu (Hekou) ‐ Côn Minh (KunMing) ‐ Đại Lý (Dali) ‐ Lệ Giang (Li Jiang) trong vòng 8 ngày, thời gian hơi ngắn so với các đoàn trước vì một số người không thể nghỉ phép nhiều hơn.

Quãng đường Hà Nội ‐ Hà Khẩu không có gì trục trặc, trừ việc team mình là những người cuối cùng đặt chân lên tàu ở Hà Nội và cũng là những người cuối cùng xuống tàu ở Lào Cai. Mất 10h đồng hồ trên con đường có nhiều đoạn xóc lộn gan ruột, bọn mình cuối cùng cũng tới được Côn Minh. Lúc đó đã gần 21h. Tiểu Khiết, guide của team đã chờ sẵn ở bến xe Nanyao. Tiểu Khiết là sinh viên khoa Tiếng Việt năm cuối của một trường Đại học ở Côn Minh, từng ở Hà Nội một năm nên nói tiếng Việt rất khá. Ở em toát ra một vẻ gì đó rất đáng tin cậy, vừa ngô ngố, dễ thương nhưng lại vừa tận tuỵ, chu đáo. Và quả thật, trong suốt cuộc hành trình, nếu không có em, bọn mình có lẽ chả đi được đến đâu. Sau khi lót dạ bằng tô (mà nói đúng hơn là ʺchậu thauʺ) bún‐qua‐cầu, một món ăn nổi tiếng của Côn Minh, bọn mình lên xe bus. Mặc dù phải ngủ cả đêm với một mảnh vỏ quýt đậy trên mũi để xua tan thứ mùi công cộng đáng ghét nhưng mình vẫn cảm thấy phấn khích, vì chỉ 4h nữa thôi, mình sẽ tới Đại Lý.

Đại Lý đón mình bằng một thứ nắng không rực rỡ nhưng trong vắt. Màu trời rất xanh và không khí rất trong lành. Một người phụ nữ trung niên (chủ khách sạn mà Tiểu Khiết đã book phòng cho team trong thời gian ở Đại Lý) đón team trước trạm xe bus. Cô nhanh chóng giúp chất đồ lên xe và không quên chào mời team thuê hai chiếc xe hơi bốn chỗ của khách sạn để đi bất cứ đâu trong Đại Lý, không giới hạn thời gian và địa điểm. Một cái giá quá mềm mại mà trong mơ mình cũng không bao giờ nghĩ tới! Khi xe lướt trên con đường vắng vẻ đầy nắng gió, Tiểu Khiết bỗng quay lại nói: ʺCác chị biết không, người ta nói Đại Lý có bốn cái nhất, đó là ʺHạ Quan phong, Thượng Quan hoa, Thương Sơn tuyết và Nhĩ Hải nguyệtʺ. Mình đang ở Hạ Quan, nơi nổi tiếng về gió. Gió ở đây rất mạnh nhưng không lạnh và không có cát bụi. Các chị có để ý thấy hầu hết gái Đại Lý chỉ mặc quần không, vì Đại Lý gió to nên họ hầu như không mặc váy!ʺ. Hạ Quan là thủ phủ của Đại Lý. Vào thời kỳ đồ đá, người Bạch và người Dị đã bắt đầu định cư ở đây, góp phần hình thành nên nét văn hoá độc đáo của tỉnh Vân Nam. Còn được gọi là Du thành hay Tử thành (thành phố màu tím), Đại Lý được ghi nhận là một trong 14 thành phố lớn nhất thế giới trước công nguyên. Là một vương quốc ʺvăn hiến danh bangʺ, cảnh đẹp, gái ngon như vầy nhưng có điều kỳ lạ là Đại Lý có 22 triều đại thì có tới 10 ông vua bỏ ngai vàng đi tu. Mình mà là mấy ông ấy thì mình ung dung hưởng lạc cho bõ cái sự đời, đi tu làm gì cho uổng!

Bỏ qua các cơ sở chế tác đá và ngọc, team đến Hỉ Châu, một trong hai ngôi làng cổ nhất ở Đại Lý, để vào thăm Bảo Thành phủ. Bảo Thành phủ được dựng cách đây hàng trăm năm, vốn của một ông chủ họ Nghiêm, thương gia đầu tiên buôn trà Phổ Nhĩ (một loại trà nổi tiếng của Vân Nam). Guide ở đây là một cô bé xinh xắn, ngồ ngộ (mặc trang phục của dân tộc Bạch nhưng lại đeo một cặp kính cận màu hồng) tỏ ra khá thiện cảm khi biết team đến từ Việt Nam. Bọn mình rồng rắn lên mây đi theo cô hết phòng này qua phòng nọ, lên gác rồi lại xuống nhà, sang gian trái rồi đến gian phải... để nghe giới thiệu phong tục tập quán của dân tộc Bạch. Một trong những nơi du khách háo hức tìm hiểu nhất là phòng cưới của cô dâu Đại Lý. Trước cửa phòng cưới bao giờ cũng treo một ʺbùaʺ (gồm một chiếc rổ nhỏ, một chiếc gương, một chiếc đũa), gương dùng để trừ tà còn đũa là biểu hiện cho lời chúc nhanh chóng ʺkhai hoa nở nhuỵʺ. Bên trong ngoài giường chiếu, bàn trang điểm... nhất định phải có hai chiếc tủ nhỏ, một chứa gạo, một chứa quần áo, biểu thị cho lời nguyện cầu hạnh phúc ấm no. Đứng trước gian phòng có dán chữ Song Hỷ rất to, cô bé guide nói đại ý rằng: ʺNgười Bạch gọi con gái là kim hoa (đoá hoa vàng). Chiếc mũ của kim hoa trông xinh xắn nhưng hội tụ đủ bốn cái nhất của Đại Lý, trong đó PHONG ‐ biểu hiện bằng tua mũ, HOA ‐ viền hoa hồng ở giữa, TUYẾT ‐ viền lông trắng phía trên và NGUYỆT ‐ hình dáng (tròn) của mũ. Nếu muốn biết kim hoa có chồng chưa thì nhìn vào phần tua của mũ. Tua dài là chưa cưới, tua ngắn là đã có chồng rồi. Con trai không được ʺsờʺ linh tinh vào mũ của kim hoa, vì ʺsờʺ có nghĩa là muốn cướiʺ. Nghe đến đây Nga níu Tuấn chặt cứng, còn Dũng vịt đau đớn vì hai tay bận cầm máy ảnh nên không thử ʺsờʺ được. Thế nhưng, nếu nghe khúc sau thì chắc anh em nào bạo gan đến mấy cũng chạy mất dép, đó nếu chẳng may ʺsờʺ mà kim hoa không thích, thì anh chàng bất hạnh đó sẽ phải vào làm người ở cho nhà kim hoa ba năm, trừ những người có các đặc điểm đậm người, da trắng và đeo kính. Vì vậy nên anh em nào có ba đặc điểm trên thì cứ thử ʺsờʺ xem sao nhé!

Rồi team được mời vào gian nhà bên trái để xem Hỉ Châu show. Các em gái Bạch xinh xinh trình diễn trang phục của các dân tộc ở Đại Lý, múa hát và mời du khách uống trà. Khác với vẻ trầm mặc của trà đạo

Nhật Bản, nghệ thuật trà Tam đạo của người Bạch diễn ra trong quang cảnh náo nhiệt. Đã uống trà của người Bạch thì phải uống đủ 3 chung: Ban đầu là một chung trà tiền chát, hậu ngọt. Kế đến là một chung trà ngọt có bỏ váng sữa. Cuối cùng là một chung trà ngọt thơm sực mùi gừng (after‐flavor tea). Mặc dù mình có tật đang đói mà ăn ngọt thì hay bị chuếnh choáng, nhưng vì tiếc 50 Yuan vé vào cửa nên mình không những tu hết 3 chung trà mà còn ʺnhắc nhởʺ bà con cố mà uống cho hết. Tiếp theo đó, là vào thăm trà phòng. Đó là một gian phòng rộng chừng 30 m2, xung quanh là những dãy kệ gỗ bày đầy những bánh trà. Tương truyền rằng ngày xưa, phương tiện giao thông còn chưa thuận lợi, việc mang trà từ nơi này sang nơi khác để buôn bán mất rất nhiều thời gian, có khi hàng tháng trời mới tới nơi. Vì vậy để tránh trà bị ẩm mốc hay bị hỏng, người ta đã đóng trà thành bánh. Bánh trà càng để lâu càng đắt tiền, thường dùng để tiến vua.

Trước khi pha trà, kim hoa sẽ dùng kẹp tráng chung thuỷ tinh qua nước nóng, dùng thìa gỗ xúc trà vào một chung sứ to, đợi trà ngấm rồi đổ trà qua một rây kim loại để lọc trà vào một ấm thuỷ tinh, rồi rót mời khách. Kim hoa sẽ mời khách đủ bốn loại trà phong ‐ hoa ‐ tuyết ‐ nguyệt. Phải nói rằng vừa ngồi xem em gái Bạch biểu diễn pha trà vừa nghe em kể sự tích về các loại trà là một việc rất tao nhã và thú vị. Miệng em nói, tay em pha, mắt em mời chào... và cuối cùng chốt hạ bằng lời mời mua trà. Một hộp mua lẻ giá 50 Yuan, nhưng một bộ 4 hộp phong ‐ hoa ‐ tuyết ‐ nguyệt chỉ 130 Yuan. Mặc dù trước khi bước vào trà phòng, team đã liếc mắt sang nhau để nâng cao cảnh giác (bởi đường còn xa, mua cho lắm chỉ tổ xách è cổ) nhưng nghe lời mời chào bùi tai, tính đi tính lại thấy... rẻ, thế là team vẫn mua hai bộ. Nghệ thuật bán hàng của các bạn Tàu thật là cao thủ! Mình bỗng chợt nhớ lại từng đọc một bài báo ở đâu đó về nghệ thuật này. Đại loại là các bạn Tàu gi gỉ gì gi, cái gì cũng bán được, kể cả tiếng chuông chùa. Các bạn bảo nghe tiếng chuông ấy sẽ gặp may mắn, đầu óc sảng khoái, tinh thần thư thái như đang bay bổng trên mây. Thế là các con gà béo lập tức rút hầu bao mua vé để vào nghe các bạn gõ boong boong vài cái. Người bay đi đâu thì chả biết nhưng tiền thì đã bay vào túi các bạn mất rồi!

Giữa cổ thành mơ bóng Đoàn Vương

Gươm đao không có mắt Đường tình không lối đi

Danh trấn khắp thiên hạ

Ngã ngựa trước tình si

Có không nhiều nhân vật mình thích trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung (vì đơn giản mình là fan của Cổ Long), Đoàn Dự là một trong số đó. Hồi còn trẻ, mình cũng như phần lớn chị em phụ nữ đắm đuối nét từng trải, vững chãi rất đàn ông kiểu Tiêu Phong, nhưng khi đến một tầm tuổi nào đó, thì lại quay ngoắt 180 độ nghiêng mình trước sự vui tươi, hoạt bát của Đoàn Dự. Ở bên cạnh một người như thế sẽ cảm thấy lúc nào cũng vui và cuộc sống cũng vì thế mà bớt đi ít nhiều áp lực. Tuy nhiên, Đoàn Dự lại không phải mẫu người đàn ông của gia đình và cuối cùng phụ nữ thường có xu hướng ʺchấmʺ những ông chồng nhàn nhạt như Hư Trúc. Nói cách khác, theo mình, thì Tiêu Phong là idol thời thiếu nữ ‐ Đoàn Dự là giấc mơ lúc trưởng thành và Hư Trúc là lựa chọn an toàn cho cuộc đời của một nữ nhi, nhỉ?

Nghĩ đến đó tự nhiên mình phì cười. Khi ấy mình đang đi trên một con đường lát đá trơn nhẵn, trước mặt là cổng thành cao vút, cờ xí rợp trời của phim trường Thiên Long Bát Bộ. Nếu mình không mặc quần bắt gà và đi dép lê loẹt quẹt thì sau khi đi qua cổng thành ấy, có lẽ mình cứ ngỡ đang đi vào quá khứ, thời mà vương quốc Đại Lý vẫn còn hùng cứ một phương. Và nếu như mình đang lạc bước ở chốn này nhiều trăm năm trước, thì Đoàn Dự ơi, chàng đang ở nơi nào? Ở Ngữ Yên các theo gót hồng giai nhân Vương Ngữ Yên, hay lưu lạc nơi tuyệt cốc núi Vô

Lượng ngất ngây trước thạch tượng Thần tiên tỷ tỷ? Lãng du đất Tây Hạ cùng người anh em Tiêu Phong hay đang rong chơi cùng mỹ nữ chốn kinh thành? Mà có lẽ bất cứ nơi đâu, bất cứ chốn nào trên vương quốc này đều vương vấn dấu chân vương giả của chàng, của Đoàn Dự ‐ vị vương tử bụi đời.

Mình cũng cố gắng để lại dấu chân của mình ở mọi nơi. Ghé qua Ngữ Yên các, nơi ở của Vương Ngữ Yên, mua một sợi dây đeo cổ có hình hoàng điệp cẩn đá lấp lánh. Nâng bình rượu phủ đầy bụi thời gian trong một tửu quán lợp toàn bằng lá. Giương nỏ thử làm ʺAnh hùng xạ điêuʺ (nhưng lại không chịu bỏ 5 Yuan để mua 10 mũi tên). Ngang qua sân chầu rộng bao la bước vào chính điện lộng lẫy để lại dấu tay trên những cây cột sơn son thiếp vàng. Và lồng vào cổ tay một xâu chuỗi thủy tinh mà theo lời người bán hàng là ʺlucky crystalʺ. Màu vàng tượng trưng cho ʺtài lộcʺ, màu tím tượng trưng cho ʺphúc khíʺ, màu đen tượng trưng cho ʺkhí chấtʺ... Tài lộc chỉ là phù du, phúc khí cần bao nhiêu cho đủ, thử chọn khí chất để xem rồi số phận mình sẽ đi đến đâu!

Điều đáng tiếc nhất lúc này là mình không có nhiều thời gian để ở lại Đại Lý lâu hơn nữa...

Để ngắm tuyết Thương Sơn...

Để ngắm trăng Nhĩ Hải...

Để hái một bông hoa Thượng Quan...

Để thả tóc tung bay trong gió Hạ Quan...

Để lang thang giữa cổ thành...

... mơ hình bóng Đại Lý vương Đoàn Dự!

Tips: Vì giá vé vào cửa không rẻ (52

Yuan/người), nếu có nhiều thời gian dừng chân ở Đại Lý, bạn nên để dành trọn một ngày để ghé thăm phim trường Thiên Long Bát Bộ. Phim trường này cách cổ thành Đại Lý chỉ chừng 5km, đường vào hơi bừa bộn rác rưởi song càng lại gần càng bị choáng ngợp. Năm 2002, đạo diễn Trung Quốc Trương Kỷ Trung khởi quay bộ phim Thiên Long Bát Bộ. Đây là lần thứ ba tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung được chuyển thể thành phim (hai phiên bản trước được thực hiện năm 1982 và 1997 bởi Đài truyền hình HK‐TVB). Để phiên bản mới nổi bật và khác lạ, Trương Kỷ Trung đã lựa chọn rất nhiều thắng cảnh độc đáo làm bối cảnh cho phim, bao gồm Thập Độ (Bắc Kinh), Tân Xương, Tiên Cư, Vĩnh Khang, Đảo Đào Hoa (Chiết Giang). Ông còn thương thảo với nhà sản xuất và các đơn vị tài trợ để xây dựng hẳn một phim trường quy mô, tái hiện lại quang cảnh cung đình Đại Lý tại chính đất nước của họ Đoàn là Đại Lý (Vân Nam). Công ty Cửu Châu Á Hoa, đơn vị chế tác phim đã “ăn chơi” bỏ hơn 100 triệu Yuan xây dựng phim trường này. Sau khi phim đóng máy, phim trường không bị dỡ bỏ mà được “tận dụng” vào mục đích du lịch, ngoài ra đoàn làm phim nào cần thì thuê làm bối cảnh, đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ. Đúng là ʺnhất tiễn hạ song điêuʺ. Chỉ khi nán lại từ sáng đến chiều, bạn mới có thể tham dự đủ tất cả các hoạt động của phim trường trong một ngày như xem show nghi thức đại lễ với tiếng nhạc cung đình réo rắt; tham gia màn công chúa gieo tú cầu kén phò mã, xem múa lân, kịch rối... và trình diễn các trích đoạn tiêu biểu trong Thiên Long Bát Bộ.

Bạch mã khiếu Ngọc Long Tuyết Sơn

  1. Chiếc xe bus màu xanh nhạt lặng lẽ dừng ở trạm cuối, bỏ lại bên vệ đường một đám lữ khách toàn thân nhuốm đầy bụi. Gió thổi tung vạt áo. Lạnh run rẩy. Lệ Giang là đây. Là những đường phố rộng... là những toà cao ốc hiện đại... là những cửa hiệu sáng đèn. Tuyệt nhiên chưa thấy dấu hiệu gì của một đô thị cổ như mình vẫn hằng tưởng tượng. Tiểu Khiết nói rằng có trục trặc nhỏ trong việc book phòng, vì thế team sẽ phải nghỉ một đêm ở downtown thay vì oldtown như lịch trình (Nghe qua cứ tưởng xui nhưng cuối cùng ngẫm lại lại thấy... may vì có lẽ không nhiều người như team mình, được trải nghiệm sự khác biệt giữa đêm downtown và đêm oldtown).

Chui qua một tiệm tạp hoá nhỏ có bán đủ thứ nhu yếu phẩm mới vào được guest house. Cặp vợ chồng già chủ tiệm đang ngồi xem tivi (một bộ phim kiếm hiệp gì đó có anh chàng Ngô Kinh) quay ra cười niềm nở. Đáp lại họ là những nụ cười méo mó. Méo mó vì đang cần một món gì đó nóng sốt để cấp cứu cái bao tử trống rỗng. Vì đang muốn tắm nước nóng rồi cuộn tròn trong chăn như một con sâu kèn. Hoặc cũng có thể vì nơi nào đó trong guest house vẳng lại giai điệu của các bản nhạc “xưa”, mà một trong số ấy là “Gió cuốn hoa trôi” (tựa Việt là “Hoa nào anh quên”) da diết buồn: Gió cuốn hoa trôi về đâu em biết không... sáng sớm có anh chờ cơn mưa xác hồng... Chiếc lá úa trong mùa đông... Nước mắt có khi đục trong... Tiếc nuối chi thêm hoài công..

  1. Sau một giấc ngủ ngon không mộng mị, sáng hôm sau team lên xe đi Ngọc Long tuyết sơn. Ai đó đã từng nói rằng nếu có một nơi nào nổi tiếng hơn oldtown ở Lệ Giang thì có lẽ đó chính là ngọn núi bốn mùa tuyết phủ này, nơi đã khơi gợi cảm hứng viết tác phẩm Tuyết Sơn Phi Hồ cho nhà văn Kim Dung. Tiếc rằng mình đến đây vào cuối mùa xuân nên tuyết chỉ còn ở ngọn, ở những rãnh đá... và đang tan chảy thành những dòng suối bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đỉnh cao nhất của Ngọc Long tuyết sơn có độ cao 5595m (gần gấp đôi Fansipan của Việt Nam), muốn lên núi phải đi ngựa hoặc cáp treo.

Hệ thống cáp treo đã được xây dựng cách đây khá lâu để những người già yếu cũng lên được đỉnh núi. Sau khi hoàn tất, hệ thống cáp treo này trở thành hệ thống cáp treo lớn nhất châu Á. Tuyến cáp treo thứ nhất sẽ đưa du khách lên tới độ cao khoảng 2.800m. Tuyến cáp treo thứ hai lên thẳng độ cao 4.506m. Nếu đi cáp treo thì bạn sẽ tiết kiệm được thời gian để có thể tiếp tục thăm các địa điểm nổi tiếng khác của Lệ Giang như Cam Hải Tử, Bạch Thuỷ Hà, Vân Tam Bình, Thúc Hà cổ trấn... Tuyến đường đi ngựa mới được đưa vào khai thác, nghe nói là do chính những người dân Nạp Tây ở trấn Ngọc Hồ giới thiệu với các cơ sở du lịch. Đi ngựa tốn nhiều thời gian hơn và không phù hợp với những người sức khoẻ không tốt. Nhưng bù lại đi ngựa không cần phải thuê áo khoác và mua bình oxy như đi cáp treo vì ngựa đi lên từ từ nên mình dễ thích nghi với sự thay đổi áp suất không khí. Những người còn lại trong nhóm ai cũng đòi đi ngựa, chỉ có mình là nhát chết, lại mắc chứng sợ độ cao nên muốn đi cáp treo. Nhưng do đi đúng dịp lễ, vé cáp treo rất khó mua (hoặc phải chờ rất lâu mới mua được), cuối cùng mình đành phải run lẩy bẩy trèo lên lưng ngựa lên núi trong những tràng cười khoái trá của ʺđồng bọnʺ.

Lý Quảng Quyền ‐ người phụ nữ dắt ngựa cho mình có vẻ ngoài không khác với những người phụ nữ dân tộc Nạp Tây mình đã gặp. Gầy gầy, khắc khổ, da sẫm màu nhưng nụ cười rất tươi và đặc biệt là mắt rất sáng. Chị hoàn toàn không hiểu tiếng Việt cũng chả biết tiếng Anh, còn mình thì một chữ tiếng Trung bẻ đôi cũng mù mờ nên sự trao đổi chỉ chủ yếu diễn ra bằng mắt và tay. Nhưng thật lý thú là bọn mình thực sự hiểu nhau muốn nói gì. Lý Quảng Quyền dạy cho mình cách ngồi trên lưng ngựa sao cho con ngựa cảm thấy thoải mái nhất, khi đó nó sẽ rất ngoan ngoãn và quãng đường lên núi của mình sẽ được an toàn. Và quả thật sau khi mình làm theo lời chị, Hải Lý ‐ tên con ngựa ‐ đã đưa mình vào một cuộc hành trình thú vị, một cuộc hành trình mà sau này mình vẫn ngầm coi là “cuộc hành trình đi tìm sự giải thoát” (dù chưa có kết quả) của riêng mình.

  1. Ngồi trên lưng ngựa đi lên núi hoá ra không đáng sợ như mình nghĩ, mà trái lại, gợi một cảm giác thú vị. Nửa phấn khích, nửa phiêu lưu. Bạn chẳng biết điều gì đang đón chờ bạn ở phía trước. Mỗi lối ngoặt của con đường độc đạo trước mặt đều chứa đựng những điều bất ngờ. Có thể là căn nhà gỗ lợp ngói âm dương với bánh xe nước và những bức tường phủ đầy dây thường xuân, hoa hồng leo đẹp đến không ngờ. Có thể là lũ trẻ Naxi đáng yêu chạy lon ton dọc con đường đá lát của trấn Ngọc Hồ cất tiếng chào mời mua những vòng hoa kết bằng hoa dại màu vàng rực rỡ. Có thể là một đồng cỏ rộng mênh mông phủ đầy thứ hoa li ti màu tím và bụi dương xỉ. Có thể là rừng thông thắp nến rì rào trong gió, những cung đường nở đầy hoa đỗ quyên trắng, hồng, đỏ...

Gần trưa, nắng bắt đầu gay gắt nhưng gió thì vẫn vô cùng lạnh. Mất chừng gần 3‐4h đồng hồ men theo triền núi; vượt những đoạn đường quanh co, lắt léo (thỉnh thoảng có những đoạn ngựa phải đi sát mép vực làm mình tim đập chân run, sợ đến nhắm tịt mắt lại) và qua ba trạm ngựa mới đến được một thung lũng, điểm dừng chân cuối cùng trước khi team chinh phục cung đường hiểm trở nhất. Áng chừng không thể bon chen, mình dừng chân để những người còn lại đi tiếp. Trong lúc chờ đợi mình ngồi ngắm... tất cả những gì có thể ngắm được và nghĩ ngợi linh tinh. Tự dưng nhớ đến câu chuyện từng được nhắc đến trong một du ký khá hay về Lệ Giang đại ý là Ấn Độ có truyền thuyết kể về một người hành hương lên núi với một sọt đá lớn trên lưng. Anh ta đi tìm điểm tiếp giáp giữa Trời và Đất. Mỗi khi kiệt sức, anh ta lại vứt bớt đi một hòn đá. Khi hòn đá cuối cùng được ném đi thì cũng là lúc anh ta lên tới đỉnh. Đó là một ẩn dụ sâu sắc về cuộc sống. Cuộc đời của con người đầy những gánh nặng. Phải biết tự rũ bỏ những tạp niệm ấy, con người mới đạt đến tận cùng của sự giải thoát.

Nếu như ngày hôm nay mình là người đó thì mình đã và sẽ bỏ đi những gì trên con đường dài ngoắt ngéo màu nâu đỏ, ai ải mùi cỏ khô, chỉ một ngựa đi lọt này? Liệu rằng khi trở về với Hà Nội, nơi chốn thuộc về mình, mình có thực sự được giải thoát khỏi một số khúc mắc đè nặng trong lòng bấy lâu không? Những câu hỏi này cho đến giờ vẫn chưa có đáp án chuẩn, nhưng điều đó không quan trọng nữa. Tất cả những gì mình gửi lại Ngọc Long tuyết sơn bây giờ, chỉ gói gọn trong từ NHỚ:

NHỚ ánh mắt, nụ cười, vòng tay ôm lúc chia tay và lúc Lý Quảng Quyền dạy cách nói cám ơn theo kiểu của người Nạp Tây...

và:

... NHỚ cảm giác vừa vuốt dọc cái cổ rắn chắc rịn mồ hôi của Hải Lý vừa gọi tên nó “âu yếm như gọi tên người tình” (cái này là Lý Quảng Quyền dạy, không phải lời mình)!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3