5. Ðại Nghiên cổ trấn và giấc mơ chuông gió

Ðại Nghiên cổ trấn và giấc mơ chuông gió

Dương liễu thanh thanh giang thủy bình

Văn lang giang thượng xướng ca thanh...

(Trúc chi từ Lưu Vũ Tích)

  1. Không có gì đau khổ hơn việc đang ngủ say lại bị dựng dậy để chuyển khách sạn. Mới chưa đến 7 giờ sáng mà người của Ngọc Long hoa viên đã tới đón, trong khi gần 2 giờ đêm qua bọn mình vẫn còn ngồi xì xụp ăn đồ nướng và lẩu ở khu ẩm thực gần đó. Kéo vali lạch xạch qua những con phố thưa người, cửa hàng hai bên đường hầu như chưa mở cửa, thỉnh thoảng lại gặp một vài chú cún nhỏ chạy nhặng xị vẫy đuôi rối rít... tự nhiên có cảm giác rất thanh thản. Thanh thản vì ở thành phố xa lạ này mình chẳng biết ai và cũng chẳng ai biết mình. Không cần phải thủ thế và chẳng cần đeo mặt nạ. Những chiếc mặt nạ giữ cho mình an toàn khi đối diện với n loại người trong xã hội nhưng đôi khi lại làm cho bản thân mất phương hướng, không đủ tỉnh táo để nhận ra sau lớp mặt nạ ấy đâu là gương mặt thật của mình.
  2. Khó có thể tin rằng chỉ sau một cổng vòm, khung cảnh lại có sự thay đổi ngoạn mục như vậy. Tối đêm qua mình vẫn còn hơi ngỡ ngàng vì sự hiện đại không ngờ ở một đô thị cổ, thì lúc này đây, mình đã thực sự tìm thấy Lệ Giang trong những giấc mơ của mình. Một Lệ Giang huyền hoặc với bánh xe nước khổng lồ chầm chậm quay. San sát nhà gỗ cổ với mái ngói âm dương màu xám bạc và khung cửa trầm nâu. Những cụ già áo trắng tập Thái cực uyển chuyển, thư thái. Bạt ngàn hoa rực rỡ sắc màu... và rất, rất nhiều chuông gió. Giữa hàng dương liễu xanh như trong thơ cổ của Lưu Vũ Tích là con đường đá trơn nhẵn, bị bào mòn bởi mưa gió thời gian. Dòng Ngọc Hà chia làm ba nhánh chảy vào trung tâm Lệ Giang qua những con kênh đào trong vắt. Người Nạp Tây có câu nói đại ý là: ʺNuớc là linh hồn của cổ trấn, kiến trúc là da thịt, còn trái tim chính là những cây cầuʺ. Ý nói những cây cầu ấy bắc sang nhau, nối liền con người với con người. Ở Lệ Giang, gần như mỗi khúc ngoặt lại bắt gặp một cây cầu. Những cây cầu đá thi vị ấy, cùng với những con kênh đào nhỏ trong leo lẻo, đầy cá vàng lượn bơi đã mang lại cho cổ thành 800 tuổi này danh xưng mỹ miều Venice của Phương Đông. Tưởng chừng như ở mỗi góc phố, mỗi con đường, chỉ cần có trong tay con dao trổ thì lát cắt nào cũng có thể đem lại một tấm postcard đẹp hoàn hảo.
  3. Nằm ở độ cao 2400m trên cao nguyên Vân Quý, Lệ Giang có lịch sử hơn 800 năm, được xây dựng vào cuối đời Tống, đầu đời Nguyên. Là một quận lớn trực thuộc tỉnh Vân Nam, khu vực nội thành của Lệ Giang bao gồm khu đô thị mới, Đại Nghiên cổ trấn, Thúc Hà cổ trấn, Bạch Sa cổ trấn và một số phần của Hổ Khiêu Hiệp (hẻm sông Hổ Nhảy). Rất nhiều người (trong đó có mình), cứ tưởng chữ ʺlệʺ trong Lệ Giang là ʺnước mắtʺ, nhưng Tiểu Khiết bảo không phải, chữ ʺlệʺ này là ʺmỹ lệʺ (có nghĩa là đẹp). Năm 1996, một trận động đất kinh hoàng đã gần như xóa sổ toàn bộ Lệ Giang, chính phủ Trung Quốc và các tổ chức quốc tế đổ hàng trăm triệu USD vào khôi phục lại nguyên trạng cả về kiến trúc lẫn phong tục tập quán của người dân (bao gồm dân tộc Bạch, Nạp Tây và Tạng). Cho nên dễ dàng nhận thấy, Lệ Giang ngày nay được quy hoạch quy củ, khu vực Đại Nghiên cổ trấn và một số cổ trấn lân cận không lọt bất cứ một cái nhà ống xấu xí nào (điều này làm chạnh lòng khi nhớ tới Hội An!). Trên những con đường mình đi qua, vẫn thấy còn rất nhiều những ngôi nhà mái ngói âm dương màu xám bạc có tường bao quanh và cổng chạm trổ cầu kỳ đang tiếp tục được xây dựng.
  4. Bản đồ Lệ Giang rất đặc biệt. Không chỉ có tên đường, tên địa danh mà còn có những ô nhỏ chỉ dẫn du khách về những điểm độc đáo của đô thị cổ này. ʺNóʺ khuyên rằng một trong năm thứ bạn nên có trong tay trước khi rời Lệ Giang là những món đồ thủ công của người Nạp Tây. Chúng khá tinh xảo và giá mềm đến khó tin. Những chiếc khăn quàng đủ màu; đồ trang sức handmade bằng bạc, gỗ, xương thú; ví và túi da... và chuông gió đủ loại. Nơi mình thích nhất ở Đại Nghiên cổ trấn là một nơi treo đầy chuông gió. Với 5 Yuan, bạn sẽ mua được một chiếc chuông gió gồm hai miếng gỗ, một mặt các vẽ hình thù dễ thương, một mặt trắng để bạn ghi lời nguyện ước của mình. Khi bạn ghi xong, người ta sẽ giúp bạn treo lên phía trên hoặc bạn có thể tự tay treo cũng được, rồi điều bạn mong muốn sẽ trở thành sự thật.

Một trong những điều khiến Lệ Giang có sức hút du khách là sự khéo ʺhuyền thoại hóaʺ mọi cảnh vật, sự vật ở đây của người dân địa phương. Câu chuyện về chuông gió được người ta kể lại như sau: ʺTrước kia, một người Trung Quốc tên Bunong tìm cách buôn chè từ Đại Nghiên đi Tây Tạng. Trên con đường thiên lý trường chinh dễ khiến người ta nản lòng bỏ cuộc, người lái buôn độc mã ấy luôn giữ được tỉnh táo nhờ tiếng kêu đều đều của chiếc chuông treo trên cổ ngựa. Một ngày kia, ông nhặt được hai miếng gỗ và quyết định vẽ hình sông Mekong và Mai Lý tuyết sơn lên đó. Một chiếc ông treo vào chiếc chuông, chiếc còn lại đeo vào cổ. Sau đó, ông đã gặp chín vị bồ đề và được họ cầu chúc may mắn. Kết quả là ông đã đến nơi an toàn. Kể từ đó, Bunong không ngừng thu thập các miếng gỗ từ dãy núi Hoành Đoạn và vẽ lên đó tất cả những gì ông nhớ được trong suốt hành trình. Từ đó, người dân Lệ Giang có thói quen treo chuông gió Bunong trong nhà để đem lại may mắn và hạnh phúcʺ.

  1. Khi màn đêm buông xuống, mọi ngả đường đều dẫn đến quảng trường trung tâm Tứ Phương. Các khu phố chính sáng rực bởi muôn vàn chiếc đèn lồng. Những quán bar bắt đầu đông người, mỗi quán đều cố tạo một vẻ riêng biệt cho mình. Quán trang trí kiểu hải quân với mỏ neo và bánh lái. Quán hấp dẫn khách bằng việc cho các em gái Nạp Tây mặc trang phục dân tộc chào mời. Có quán hầu như không bật đèn để khách thưởng thức đồ uống và nói chuyện với nhau trong bóng tối. Thế nhưng, không hiểu sao mình lại bị cuốn hút bởi một bar nhỏ tưởng chừng như không có gì đặc biệt. Bởi bên trong ấy, có anh bạn tóc dài đang chơi guitar và hát một ca khúc (có vẻ như tự sáng tác) giai điệu rất hay. Anh bạn đó hát một cách say sưa y như đang trình diễn trước đám đông người hâm mộ, mặc dù trong quán lúc đó chẳng có lấy một người khách nào. Thật hồn nhiên!

Càng về khuya, Tứ Phương càng tấp nập. Nếu như ban ngày hình ảnh thường gặp trên đường phố Lệ Giang là những cụ già Nạp Tây đầu đội mũ kết Tôn Trung Sơn có lưỡi liềm, lưng mang những tấm da cừu đính sao (mà người ta gọi văn hoa là ʺđeo sao đội nguyệtʺ), thì ban đêm hoàn toàn thuộc về những người trẻ tuổi với trang phục và đầu tóc đậm chất Harajuku. Họ hát, họ cười, họ hôn nhau, họ hét vào tai bất kỳ du khách nào gặp trên đường một câu tiếng địa phương có nghĩa là ʺVui lên nào!ʺ. Họ cuốn mọi người xung quanh vào cuộc vui của họ, làm cho ai đó, dù đang ở đây một mình, nhất thời quên đi cảm giác cô đơn. Ngang qua một cầu đá cong cong, dừng chân trước một quán cafe nho nhỏ, chợt nghe thấy ba người đang vừa đàn vừa hát. Tiểu Khiết nói đó là bài hát kể về một người lữ hành cô độc trên con đường tha hương với lyrics rất cảm động. Ngẩng đầu lên là bầu trời đầy sao, trước mặt là con kênh lấp lánh ánh đèn, phía dưới là chân trần trên con đường đá trơn lạnh... dù không muốn, dù cố kìm... vẫn thấy sởn gai ốc và nước mắt ứa ra. Bởi ngay lúc này, mình cũng đang là một người lữ hành cô độc!

Sắc màu Lạp Thị Hải

  1. Không hiểu sao sau khi ở quảng trường Tứ Phương về mình không tài nào ngủ được, cứ quay bên này, trở bên kia làm sáng ra mắt mũi sưng húp như gấu trúc. Mặc dù rất muốn ngủ nướng nhưng cái bụng đói meo khiến mình gắng sức trở dậy lẽo đẽo theo mấy người kia đi ăn sáng. Cả bọn kéo vào một cửa tiệm nhỏ nhỏ, xinh xinh (hai tầng) kêu bún bò và sữa đậu nành. Đây cũng là hai món ăn cứu cánh cho dạ dày của chúng mình trong những ngày phiêu bạt vì tương đối giống cách chế biến của Việt Nam. Hình như số đen hay sao mà cho dù đã ăn thử từ quán lề đường đến nhà hàng sang trọng, từ hàng rong đến tiệm ăn trong chợ đêm, vẫn không tìm được nhiều món ăn hợp khẩu vị. Đa phần món ăn đều rất mặn do các bạn Tàu chủ yếu dùng muối để nêm nếm và chấm xì dầu, làm mình thực sự nhớ nước mắm Việt. Trong lúc mọi người hăm hở trèo lên tầng hai xí chỗ thì mình đã dừng lại rất lâu trong gian bếp của quán ấy. Một gian bếp hơi tối với những bức tường ám khói, ngổn ngang rất nhiều nồi niêu xoong chảo. Những xâu ớt, hành, tỏi treo lủng lẳng trên tường. Dãy nồi nước dùng to đang sôi lục bục toả mùi thơm phức. Người đầu bếp vừa hất mớ cải đang xào trong chiếc chảo lên cao vừa đưa mắt nhìn mình ngạc nhiên. Có lẽ chẳng có thực khách nào hâm như mình, tự dưng chui vào bếp nhìn người ta. Thật ra không phải ʺyêu những căn bếpʺ như Mikage trong truyện Kitchen của Banana mà mình mới làm vậy, đơn giản đó chỉ là thói quen mà thôi. Khi mình rời bếp bước lên cầu thang, người phụ nữ đang khuấy một nồi to trứng bắc thảo. Mình từ chối vì không thích mùi thuốc Bắc, nhưng có lẽ món đó rất ngon nên trong team đã có người măm liền... ba quả và mình cũng hơi tiếc tiếc vì đã không ăn thử.
  2. Trên đường đi ra tiệm, có một em guide đeo kính cận chào mời bọn mình đi tour đến một nơi gọi là hồ Lạp Thị Hải. Em nhiệt tình và kiên nhẫn đến độ khi bọn mình ăn uống thì em ở dưới ôm cây liễu đứng chờ. Nghe em tả có vẻ hay ho nên bọn mình quyết định không đi Mộc Phủ nữa mà chuyển hướng đi Lạp Thị Hải. Sau chừng 20 phút rong ruổi trên xe qua những cung đường toàn thông xanh và hoa dại từa tựa như Đà Lạt, người ta thả cả bọn xuống một vùng đất khô cằn. Trời vừa nắng gay gắt, vừa gió lạnh teo tóp nhưng cảnh nhìn kỹ thì cũng đẹp. Cả một vùng đồng cỏ rộng mênh mông toàn hoa dại li ti màu vàng, tím, trời xanh mây trắng, mặt hồ phẳng lặng màu ngọc lục bảo và có rất nhiều ngựa đang sải vó trên đồng cỏ. Em guide đưa cả bọn mình xuống thuyền rồi... tạm biệt, hẹn mấy tiếng sau quay lại đón làm mọi người chưng hửng, sau mới hiểu ra vì tour này chỉ được đi loanh quanh trên mặt hồ chứ không rẽ vào chùa chiền bờ bên kia nên việc em ấy đi theo là không cần thiết. Ngồi thuyền một lúc, ngắm đám rong uốn lượn dưới hồ chán chê, gió hiu hiu làm đứa nào cũng buồn ngủ nên cả bọn mừng húm khi được ông cụ lái thuyền ʺthảʺ lên bờ. Tuấn lăn kềnh ra thảm hoa ngủ một giấc, Dũng cưỡi ngựa dạo quanh đồng cỏ, số còn lại kéo nhau đi chụp ảnh và rất hài lòng khi có được một bộ ảnh rực rỡ sắc màu.
  3. Quá trưa, bọn mình mới trở về Đại Nghiên cổ trấn. Nắng gió La Thị Hải cùng với chuyến đi Ngọc Long tuyết sơn trước đó làm da mình bắt đầu đỏ ửng còn môi thì khô cong. Một ông cụ người Nạp Tây đã cười ha hả chỉ vào hai má và chót mũi của mình mà nói rằng: ʺHey da! Giờ nị đã là người Nạp Tây rồi đóʺ khi mình rẽ vào tiệm của ông ấy mua tấm bản đồ và mấy cây kem. Nghe vui vui. Chiều muộn hôm ấy, team thu xếp đồ đạc rời Lệ Giang để trở về Côn Minh. Nắng gần tắt và không gian nhuốm màu tím nhạt... Thực sự lúc ấy trong lòng rất mâu thuẫn, nửa mừng vì sắp được về nhà, nửa nuối tiếc vì phải rời xa chốn này. Cho đến bây giờ, trong túi xách của mình vẫn luôn có tấm bản đồ Lệ Giang và món quà nhỏ mà Tiểu Khiết tặng, đó là một sợi dây đeo điện thoại có gắn mảnh thuỷ tinh nhỏ trên đó có khắc tên của mình, một mặt bằng tiếng Nạp Tây, một mặt bằng tiếng Phổ thông!

3. Những câu chuyện nhỏ về Singapore

Dài dòng một tí: Dù bạn có yêu đời, yêu người tới mấy thì đến một lúc nào đó bạn cũng sẽ mệt nhoài.

Cảm giác ấy chi phối tâm trí bạn, làm cho bạn rơi vào trạng thái hoang mang và có những ý niệm điên rồ. Lúc này bạn muốn là một cọng cỏ trên thảo nguyên bao la (rồi chui vào bao tử một chú cừu hay ngựa nào đó, haha); lúc khác bạn lại muốn làm một nhuỵ hoa bồ công anh, bay lơ lửng theo gió tới một thung lũng đầy cỏ hoa; lúc khác nữa bạn lại muốn biến thành… nàng tiên cá, đu đưa trên những ngọn sóng rồi tan thành bọt biển vĩnh viễn. Vào khoảng khắc hoang mang như thế, em gái rủ đi chơi xa, tựa như người chết đuối vớ được cọc, bạn lập tức đồng ý. Và thế là vào một ngày nắng tháng 7, tạm biệt Hà Nội, bạn khoác balo đến một vùng đất khác. Vùng đất ấy chào mừng bạn bằng nắng vàng mật ong, không khí tinh sạch và rất nhiều hoa. Dọc hai bên đường, có nhiều cao ốc màu xám nhạt và trắng sữa bên ngoài bao bằng những bức tường cây xanh. Taxi đưa bạn tới một khách sạn khá lớn, phòng không rộng lắm nhưng trang trí thanh nhã và đầy đủ tiện nghi. Và bạn bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình một cách êm đềm như thế, giống như một giấc mộng đẹp mà khi tỉnh dậy cứ vương vấn mãi không thôi!

Còn yêu nhau thì về… Bugis

Khỏi cần nhớ địa chỉ chi cho lôi thôi rắc rối, chỉ cần ngoắc taxi và nói “Parco Bugis Junction” hoặc “Bugis street” là người ta sẽ đưa tới nơi cần tới, vì Bugis là một trong những khu mua sắm nổi tiếng của

Sing. Nói cầu kỳ theo kiểu guidebook, thì Parco Bugis Junction (200 Victoria Street) là tổ hợp mua sắm hiện đại đầu tiên ở Sing thiết kế theo hình thức khu phố có hệ thống mái che và điều hoà không khí, còn nói dân dã theo kiểu mình là “Bugis mát lắm, ở đâu cũng mát”, vì khi shopping ở đây, bạn không chỉ mát khi bước vào shop mà còn mát khi ở… ngoài đường. Dọc hai bên “đường” (cứ tạm gọi là thế) Bugis là rất nhiều cửa tiệm thời trang, điện tử, bodyshop… chỗ nào cũng gắn biển sale‐off, hàng hoá ngồn ngộn, bắt mắt khiến du khách mê mẩn tinh thần và tay cứ rút ví mân mê. Giá cả ở Bugis không mắc lắm, trung bình chừng 20‐30$

Sing/món, và đặc biệt nếu bạn là tín đồ của voan và lụa (thêu) thì bạn sẽ tìm được nhiều thứ đáng mua ở đây. Tuy nhiên, vì hầu hết khách du lịch đều chọn Bugis là điểm dừng chân đầu tiên, nên khuyên các bạn nên dạo vài vòng trước khi rút ví, cái gì thật thích mới mua, vì trước mắt còn rất nhiều cám dỗ.

Không chỉ là thiên đường shopping và ẩm thực, Bugis còn nơi được giới nghệ sĩ chọn để giới thiệu những sản phẩm của mình. Tại quảng trường Bugis, bên cạnh đài phun nước, có một sân khấu ngoài trời nho nhỏ, nghe nói hôm sau một ca sĩ Singapore (xin lỗi vì không nhớ tên) sẽ tổ chức buổi giới thiệu album mới ở đây. Bugis cũng là nơi để lại nuối tiếc nhất cho mình ‐ một tín đồ của phim TVB (Hongkong) ‐ vì không để ý nên đã bỏ lỡ TVB Star Tour. Sau này khi về điểm tin mới biết, đợt đó TVB đưa toàn “ái tướng” sang Singapore giao lưu, gồm Moses Trần Hào, Charmaine Xa Thi Mạn, Micheal Tạ Thiên Hoa và Sonija Quách Thiện Ni, thu hút tới hơn 1000 fans, giao lưu kéo dài gần 3h đồng hồ. Thật tiếc đứt cả ruột!

Một đêm khó quên ở Night Safari

Với 32 Singapore dollars/người, bọn mình háo hức bước vào Night Safari, vườn thú đầu tiên trên thế giới chỉ mở cửa vào ban đêm. Night Safari là một khu liên hợp dịch vụ ăn uống ‐ giải trí trang trí theo kiểu safari (tạm dịch: phong cách liên quan đến rừng núi, săn bắn...) với nhiều background cho du khách chọn lựa. Và hơn nhất, nơi này sở hữu trên 900 con vật thuộc 135 loài sinh sống tại 8 khu vực địa lý như Vùng núi Himalaya, Thung lũng sông Nepal, Ấn Độ Tiểu lục địa,

Xích đạo châu Phi (hay đồng cỏ nhiệt đới châu Phi), Rừng mưa Đông Nam Á (Indonesia‐Malaysia), Rừng ven sông châu Á, Rừng rậm Myanmar... Nào cùng bước lên tram (xe điện có nhiều toa) họa tiết safari vằn vện, lướt êm trên đường không hề có tiếng động cơ và chạy vào sâu trong rừng! Gió vi vu thổi, ánh trăng dìu dịu, giọng nói du dương của guide ‐ tất cả mix lại thành một món cocktail mang phong vị huyền bí. Điều ngạc nhiên mà những người tạo dựng Night Safari đem lại cho du khách là cảm giác giả mà như thật, thật mà là giả. Quang cảnh rừng núi, đồng cỏ, thung lũng, đầm lầy bài trí một cách tự nhiên; ánh trăng ‐ mà thực chất là ánh đèn ‐ khi mờ khi tỏ; những con đường mòn hai bên đầy cỏ dại... rõ ràng có sự can thiệp của bàn tay con người nhưng lại đem đến cho du khách cảm giác như đang lạc bước trong rừng, thật hơn bao giờ hết!

Cũng giống như những người bạn đồng hành trên chuyến tram đó, bọn mình trao đổi thì thào, không chụp được tấm hình nào ra hồn (quy định của Night Safari là không được sử dụng đèn flash) và chỉ dám len lén nhìn xung quanh vì sợ làm phá vỡ không khí của chuyến phiêu lưu. Cảm giác rất tuyệt khi được nhìn thấy hươu, nai, heo vòi... hiền lành ăn uống thảnh thơi ngay cạnh đường mòn; hổ, sư tử đang say sưa giấc nồng; ngựa vằn, linh dương sải vó trên đồng cỏ; những chú sóc lớn chuyền từ cây này sang cây khác; một đàn hồng hạc đang bay lên từ đầm nước... và cả một chú voi đứng ngay cạnh tram đung đưa vòi thò vào định... bắt tay du khách. Guide nói rằng bọn mình thật may mắn vì được nhìn thấy Barasingha Deep (một loài dê có sừng như hươu, chủ yếu sinh sống ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh) và Babirusa Pig (một loài lợn có sừng, kích thước lớn như tê giác, phần lớn chỉ còn ở Indonesia) vì thông thường ʺbọn chúngʺ đi ngủ rất sớm, hôm nay không hiểu vì sao lại vẫn còn thức. Tại một số chặng (đảm bảo an toàn) người ta cho phép du khách xuống đi bộ nhưng thông thường những người dám thử sức là khách Âu, Mỹ còn khách Á (trong đó có bọn mình) chỉ ngồi im thin thít trên tram!

Orchard Nàng Cinderella của đảo quốc sư tử

Nghe nói vậy chắc nhiều bạn sẽ phản đối. Việt Nam không biết bao giờ mới có một khu cỡ Orchard mà dám bảo Orchard là Cinderella? Nhưng Orchard là Cinderella lúc đã mang giày thuỷ tinh, xinh đẹp và lộng lẫy với cao ốc chọc trời, những cửa tiệm hàng hiệu cửa kính trong vắt, lúc nào cũng đông đúc người qua lại. Bước chân vào Wheelock Place, Shawhouse, The Heeren, Ngee Ann City, Paragon… có lẽ người không mê shopping đến mấy cũng khó lòng trở ra với hai bàn tay không. Vì có chốt từ đính ở quần áo và hệ thống camera đặt ở khắp nơi nên mặc dù lượng khách đông nhưng vẫn rất trật tự. Khách chọn đồ, xếp hàng vào phòng thử đồ, nhân viên phụ trách phòng thử sẽ phát thẻ ghi số (1,2,3) ‐ số đồ bạn mang vào phòng thử ‐ để dễ kiểm soát, sau khi thử nếu không ưng ý thì để lại phòng thử, nhân viên không phàn nàn gì. Như vậy là bị cám dỗ bởi hàng hoá đã đành, thái độ phục vụ dễ chịu của nhân viên cũng góp phần xoa dịu cảm giác… đau đớn của khách hàng khi nhìn những đồng Sing dollars cứ bay vun vút ra khỏi ví của mình.

Hôm rồi đọc tin thấy một em sinh viên tự tử vì bị bắt quả tang ăn trộm đồ lót ở siêu thị, em ấy đảm bảo có vấn đề về tâm lý, nhưng để em ấy kích động đến mức như vậy có lẽ có phần đóng góp nhiệt tình của các bạn bảo vệ siêu thị (ai cũng biết bảo vệ Việt Nam thiếu tế nhị đến mức nào!). Tới đây lại phải kể một câu chuyện thế này: Một lần khi đi shopping ở Zara (Liat Towers), sau khi bọn mình tính tiền xong đi ra cửa thì chuông báo động reo, nhân viên an ninh chạy ngay tới, việc đầu tiên là cúi gập người “Sorry” rồi mới mời khách quay lại bàn tính tiền. Người quản lý và nhân viên bán hàng cũng nói “Sorry” trước khi xem lại các túi hàng xem còn món nào chưa khử từ không. Mọi việc diễn ra công khai, bọn mình vẫn đứng lơn tơn ở ngoài chứ không bị áp giải vào phòng kín nào cả. Sau khi xác định là do bất cẩn từ phía tiệm chứ không phải tại khách, lần lượt người quản lý, nhân viên bán hàng, nhân viên an ninh lại cúi gập người “Sorry” và bọn mình ra về không có một chút khó chịu nào, mấy hôm sau lại trở lại đó shopping tiếp.

Quay lại chuyện Orchard chứ nhỉ, mặc dù hoàng tử chỉ thích nhìn Cinderella khi mang giày thuỷ tinh thôi nhưng mình lại thích nhìn ngắm Orchard khi là Cinderella không mang giày. Mà thực sự không cần có đôi giày ấy nàng vẫn đẹp như thường, giống như Nguyễn Đức Cường hát “Em đẹp không cần son phấn, không quần jeans giày cao gót” vậy. Nàng đẹp…

… bởi một đôi vợ chồng già ngồi bên sạp báo, cụ bà ghé tai cụ ông nói gì đó rồi cả hai người cười khúc khích

… bởi có rất nhiều người bán kem dọc vỉa hè

… bởi những sạp đồ chơi thủ công tinh tế bày trên vải nhựa

... bởi hai cô bé mặc đồ đỏ rực, trang điểm giống như chị em sinh đôi trình diễn một tiết mục uốn dẻo (xiếc) cổ truyền Trung Quốc

… và bởi một đôi vợ chồng hát rong (có vẻ như) người Philippines

Vào một buổi chiều đầy nắng và gió như thế, nếu có lạc bước ở Orchard, hãy thử mua kem kẹp trong hai lát bánh quế, thật nhiều xâu đồ nướng Old Chang Kee, một vài lon trà chanh… tìm một chiếc ghế đá rồi vừa ăn vừa nghe giai điệu rất hay từ những người hát rong. Tận hưởng cảm giác thảnh thơi và thư giãn tuyệt đối. Và đừng quên tips cho những người hát rong đã mang đến cho bạn những giây phút tuyệt vời đó, bạn nhé!

**********************

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3