Điệu vũ bên lề - Chương 2 phần 4

Sau những cái ôm và bắt tay, mọi người vào nhà bà nội, toàn bộ bà-con-bên-ba đều có mặt ở đó. Ông cả Phil với hàm răng giả và cô Rebecca, em của ba tôi. Mẹ kể với anh em tôi rằng cô Rebecca vừa mới li dị lần nữa, nên anh em tôi không nên nhắc chuyện không vui. Tôi chỉ có thể nghĩ tới những cái bánh quy, nhưng năm nay bà nội không nướng bánh vì bị nhức hông.

Thế là thay vì được ăn bánh, mọi người ngồi xuống và xem ti vi, mấy người anh em họ tán chuyện bóng bầu dục với anh tôi. Ông Phil thì uống rượu. Rồi mọi người dùng bữa tối. Tôi phải ngồi bên bàn của trẻ con bởi gia đình bên ba có đông anh em họ.

Bọn trẻ nhỏ huyên thiên đủ chuyện lạ lùng. Thật thế.

Sau bữa tối là lúc mọi người xem phim Cuộc sống tuyệt vời, rồi tôi bắt đầu thấy nỗi buồn càng trĩu nặng. Khi tôi bước lên cầu thang vào căn phòng cũ của ba tôi và ngắm những bức hình cũ kĩ, tôi ngẫm nghĩ khi xưa, đã có thời những vật này chưa phải là kí ức. Rằng ai đó đã thực sự chụp bức hình, và những người trong bức ảnh vừa dùng bữa trưa hay gì đó.

Người chồng đầu của bà nội tôi chết ở Hàn Quốc. Khi đó ba tôi và cô Rebecca của tôi hãy còn rất nhỏ. Rồi bà nội cùng hai con nhỏ chuyển về sống cùng người anh là ông cả Phil của tôi.

Rốt cuộc, sau vài năm, bà nội của tôi thấy quá chạnh lòng cảnh đơn độc nuôi hai con nhỏ, lại thêm mệt mỏi với nghề phục vụ bàn. Thế nên một ngày nọ, khi bà đang làm việc ở quán ăn, tức là chỗ làm của bà ấy, có người tài xế xe tải mời bà đi chơi. Cứ theo như bức ảnh cũ thì khi ấy bà rất rất rất đẹp. Hai người hò hẹn một thời gian. Rồi cuối cùng hai người cưới nhau. Hóa ra ông tài xế là một người hung bạo. Ông ta đánh ba tôi suốt. Ông cũng đánh cô Rebecca của tôi suốt. Và ông đánh luôn cả bà nội. Lúc nào cũng đánh. Mà bà nội tôi không làm gì được, tôi đoán vậy, bởi chuyện ấy tiếp diễn những bảy năm.

Sau cùng chuyện ấy chấm dứt khi ông cả Phil của tôi trông thấy vết bầm dập trên người cô Rebecca và moi được sự thật từ miệng bà nội. Ông gọi vài người bạn làm chung ở nhà máy. Rồi họ tìm ra người chồng kế của bà nội trong một quán rượu. Rồi họ nện ông ta một trận tơi bời. Ông cả Phil của tôi thích kể chuyện này khi bà nội không có mặt. Câu chuyện cứ mỗi lúc mỗi khác, nhưng điểm cốt yếu vẫn y nguyên. Bốn ngày sau trận đó, ông chồng kế chết trong bệnh viện.

Tôi vẫn không biết làm thế nào mà ông cả Phil của tôi thoát tù tội vì chuyện ông đã làm. Có lần tôi hỏi ba, và ông bảo những người sống quanh khu đó hiểu có chuyện xảy ra không liên quan gì tới cảnh sát. Ông nói nếu có người động tới chị em hay mẹ của ta, kẻ đó phải trả giá, và mọi người khác cũng vờ như không thấy.

Thật quá tệ là chuyện diễn ra những bảy năm trời, để rồi đến đời cô Rebecca của tôi cũng gặp phải mấy ông chồng loại đó. Không giúp cô Rebecca theo cách cũ được vì hàng xóm xung quanh đã thay đổi. Ông cả Phil của tôi đã quá già, ba tôi thì rời quê đi nơi khác sống. Cô buộc phải kiện ra tòa để đòi lệnh hạn chế tiếp xúc.

Tôi nghĩ về ba đứa em họ của tôi, con của cô Rebecca, không biết lớn lên chúng sẽ thành người thế nào. Một đứa con gái, hai đứa con trai. Tôi cũng buồn, bởi vì tôi nghĩ đứa con gái nhiều khả năng sẽ lâm vào cảnh đời tương tự như cô Rebecca, và một đứa con trai nhiều khả năng sẽ trở thành kẻ như ba nó. Đứa con trai kia rất có thể sẽ giống như ba tôi, bởi vì nó thực sự biết chơi thể thao, và ba nó không phải là ba của anh chị nó. Ba tôi nói chuyện với nó nhiều, và dạy nó cách ném cũng như đập bóng chày. Hồi còn nhỏ, tôi từng ghen tị vì điều này, nhưng giờ thì hết rồi. Bởi vì anh tôi nói đứa em họ đó là người duy nhất trong nhà nó có cơ đổi đời. Nó cần đến ba tôi. Có lẽ giờ tôi đã nghĩ thông được chuyện ấy.

Căn phòng cũ của ba tôi hầu như y nguyên như hồi ông ra đi, ngoại trừ đồ vật cứ phai tàn dần. Có một quả địa cầu trên bàn từng được xoay rất nhiều. Và những tấm áp-phích cũ có hình cầu thủ bóng chày. Và những bài báo cắt ra đưa tin ba tôi thắng một trận huy hoàng hồi ông học năm hai. Không biết tại sao, nhưng tôi thực sự hiểu được lí do ba tôi phải rời ngôi nhà này. Khi ông biết rằng bà nội sẽ không bao giờ gắn kết với người đàn ông nào nữa bởi bà đã cạn lòng tin, cũng thôi truy cầu bất kì thứ gì bởi bà không biết làm thế nào. Và khi ông thấy người em gái bắt đầu đưa về nhà những bản sao trẻ hơn của ông ba dượng ngày nào, đơn giản là ông không thể ở lại nữa.

Tôi nằm xuống chiếc giường cũ của ông, nhìn qua cửa sổ thấy một cái cây, có thể thấp hơn nhiều so với ngày xưa khi ba tôi nhìn nó. Tôi có thể cảm nhận được xúc cảm của ông trong cái đêm mà ông nhận ra nếu ông không ra đi, ông sẽ không bao giờ sống tiếp được cuộc đời của mình. Mà sẽ sống cuộc sống của họ. Ít nhất thì đó là cách ông đã nói. Có lẽ bởi thế bà con bên ba cứ mỗi năm lại cùng xem bộ phim ấy. Vậy là phải. Ba tôi chưa bao giờ khóc khúc cuối phim.

Không biết bà nội hay cô Rebecca của tôi sẽ có lúc nào thực lòng tha thứ cho ba tôi chuyện bỏ rơi họ. Chỉ có ông cả Phil của tôi hiểu chuyện đó. Thật lạ khi thấy ba tôi thay đổi đến nhường nào khi ở bên mẹ và em gái của ba. Lúc nào ông cũng thấy đau khổ, ông và cô tôi cùng nhau mà vẫn đơn độc. Một lần nọ, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy ba tôi đưa tiền cho cô.

Không biết cô Rebecca của tôi nói gì trên xe dọc đường về nhà. Rồi những đứa con cô, chúng nghĩ gì. Chúng có nói về nhà tôi không. Chúng có nhìn vào nhà tôi mà tự hỏi ai là người có cơ hội thành công sau này. Tôi cược là có.

Thương mến,

Charlie

Ngày 26 tháng Mười Hai, 1991

Bạn thân mến,

Bây giờ, tôi đang ngồi trong phòng ngủ của tôi, sau chuyến đi dài hai giờ trở về nhà. Chị và anh tôi hòa thuận với nhau, nên tôi không phải cầm lái.

Thường khi trên đường về nhà, nhà tôi sẽ ghé thăm mộ dì Helen. Giống như một truyền thống vậy. Anh và ba tôi không bao giờ thật muốn đi, nhưng hai người biết giữ miệng vì có mẹ và tôi. Chị tôi thì không phản đối gì, nhưng trong một số chuyện chị khá tế nhị.

Mỗi lần nhà tôi đi thăm mộ dì Helen, mẹ tôi và tôi thích nhắc chuyện gì đó thật tốt đẹp về dì. Hầu hết mọi năm là chuyện dì để tôi thức khuya xem chương trình trực tiếp tối thứ bảy. Và mẹ tôi cười bởi bà biết rằng nếu bà còn bé, bà cũng sẽ muốn thức khuya để xem.

Tôi và mẹ đặt hoa xuống bên mộ, thi thoảng có thêm một tấm thiệp. Nhà tôi chỉ muốn dì biết rằng mọi người đều nhớ dì, nghĩ về dì, và dì là người đặc biệt biết bao. Khi còn sống, dì không nhận được đủ đầy tình thương mến ấy, theo lời mẹ tôi luôn nói. Và tôi nghĩ ba mẹ giống nhau ở chỗ đều cảm thấy có lỗi trong chuyện đó. Đến mức mà thay vì giúp tiền, mẹ cho dì cả một mái nhà để trú ngụ.

Tôi muốn bạn biết vì sao mẹ tôi lại có lỗi. Có thể tôi sẽ kể, nhưng thực sự làm vậy có nên chăng? Tôi phải bộc bạch với ai đó. Không ai trong nhà tôi hé răng về chuyện này. Không bao giờ nói tới, thế thôi. Chuyện tồi tệ xảy đến với dì Helen hồi tôi còn nhỏ, nhà vẫn giấu tôi từ bấy đến giờ.

Mỗi lần Giáng sinh gần kề, thẳm sâu trong tâm trí tôi lại quay cuồng chuyện đó. Nó chính là thứ khiến tôi trĩu nặng buồn đau.

Tôi sẽ không nói là ai. Tôi sẽ không nói khi nào. Tôi sẽ chỉ nói rằng dì Helen của tôi đã bị cưỡng bức. Tôi ghét hai chữ đó. Tội ác gây ra bởi một người rất thân thiết với dì. Không phải ba của dì. Sau cùng thì dì kể cho ba dì hay. Đó là một người bạn của gia đình. Thế nên chuyện càng tệ hơn. Bà ngoại của tôi cũng không bao giờ nói gì. Và người đàn ông đó cứ đến thăm viếng như thường.

Dì Helen của tôi uống rượu rất nhiều. Dì Helen của tôi dùng ma túy rất nhiều. Dì Helen của tôi có nhiều trắc trở với đàn ông. Dì là con người bất hạnh gần như trọn kiếp. Dì đi bệnh viện thường xuyên. Đủ loại bệnh viện hết. Sau cùng, dì đến một bệnh viện nọ, nơi giúp dì lấy lại đủ tỉnh táo để cố gắng xoay trở mọi thứ cho bình thường trở lại, thế rồi dì dọn về sống cùng nhà tôi. Dì bắt đầu đi học để tìm được việc làm tốt. Dì bảo tên đàn ông tồi tệ sau cùng mà dì qua lại để cho dì yên. Dì bắt đầu giảm cân mà không ăn kiêng. Dì chăm sóc nhà tôi, để ba mẹ tôi có thể đi chơi, uống rượu và chơi cờ. Dì để bọn tôi thức khuya. Dì là người duy nhất mua những hai món quà cho tôi, ngoại trừ mẹ, ba, anh và chị tôi. Một món mừng sinh nhật. Một món mừng Giáng sinh. Ngay cả khi dì đã dọn về ở với nhà tôi và không có tiền bạc gì. Dì luôn mua tặng tôi hai món quà. Đó là những món quà tuyệt nhất.

Vào ngày 24 tháng 12 năm 1983, một cảnh sát gõ cửa nhà tôi. Dì Helen của tôi bị tai nạn thảm khốc. Tuyết rơi rất nhiều. Chú cảnh sát nói với mẹ tôi rằng dì Helen của tôi đã qua đời. Chú ấy là một người rất tử tế, vì khi mẹ tôi bắt đầu khóc, chú nói vụ tai nạn rất khủng khiếp, và chắc chắn dì Helen của tôi đã chết ngay tức thì. Nói cách khác, không đau đớn gì. Không còn đau đớn gì nữa.

Chú cảnh sát yêu cầu mẹ tôi xuống chỗ hiện trường và nhận diện thi thể. Ba tôi còn kẹt làm việc. Đó là lúc tôi bước lại cùng anh và chị tôi. Hôm đó là sinh nhật thứ bảy của tôi. Anh em tôi còn đội mũ dự tiệc. Mẹ tôi bắt anh chị tôi cùng đội những chiếc mũ đó. Chị tôi thấy mẹ khóc, nên hỏi có chuyện gì. Mẹ tôi không nói được gì cả. Chú cảnh sát quỳ một chân xuống và kể với bọn tôi chuyện đã xảy ra. Anh và chị tôi khóc. Nhưng tôi thì không. Tôi biết rằng chú cảnh sát đã nhầm.

Mẹ tôi bảo anh và chị tôi trông chừng tôi, rồi rời nhà với chú cảnh sát. Tôi nghĩ là mấy anh em xem ti vi. Tôi không nhớ rõ lắm. Ba tôi về đến nhà trước mẹ.

“Sao mấy đứa mặt mũi chảy dài ra vậy kìa?”

Bọn tôi kể ba hay. Ba không khóc. Ông hỏi bọn tôi có ổn không. Anh và chị tôi bảo không ổn. Tôi bảo là ổn. Đơn giản là chú cảnh sát đã nhầm. Tuyết rơi nhiều mà. Rất có thể chú ấy không thấy gì. Mẹ tôi về nhà. Bà đang khóc. Bà nhìn ba tôi và gật đầu. Ba ôm lấy bà. Vậy là tôi hiểu ra chú cảnh sát không nhầm lẫn gì hết.

Thực sự là tôi không nhớ điều gì xảy ra tiếp đó, cũng chưa bao giờ hỏi lại gia đình. Tôi chỉ nhớ chuyện đi bệnh viện. Tôi nhớ lúc ngồi trong căn phòng có nhiều đèn sáng. Tôi nhớ một bác sĩ hỏi tôi nhiều câu hỏi. Tôi nhớ tôi kể với chú ấy dì Helen là người duy nhất ôm nựng tôi. Tôi nhớ lúc gặp nhà tôi ngày Giáng sinh, trong một căn phòng chờ. Tôi nhớ không được phép dự đám tang. Tôi nhớ là chưa bao giờ được nói lời vĩnh biệt với dì Helen.

Tôi không biết là đã phải đi gặp bác sĩ trong bao lâu. Tôi không nhớ họ không cho tôi đi học trong bao lâu. Rất lâu. Tôi chỉ biết thế. Ngày tôi bắt đầu khỏe lại chính là ngày tôi nhớ ra điều sau cùng dì Helen nói hôm ấy, trước khi bước ra xe lái đi trong tuyết.

Dì trùm người trong cái áo choàng. Tôi đưa chìa khóa xe cho dì, bởi tôi luôn là người tìm ra chìa khóa trước. Tôi hỏi dì Helen đi đâu. Dì bảo bí mật, không được hỏi. Tôi cứ làm nũng dì Helen, đòi biết, dì thích như thế. Dì thích tôi cứ hỏi dì hết câu này đến câu khác. Rồi rốt cuộc dì lắc đầu, mỉm cười, và thì thầm vào tai tôi.

“Dì đi mua quà sinh nhật cho con đó.”

Đó là lần cuối tôi nghe giọng nói của dì. Tôi thích nghĩ rằng dì Helen của tôi giờ đây đã có được việc làm tốt nhờ đi học. Tôi thích nghĩ rằng dì đã gặp một người đàn ông tốt. Tôi thích nghĩ rằng dì đã giảm được mớ cân nặng mà dì luôn muốn giảm mà không phải kiêng khem gì.

Bất kể mẹ, ba và bác sĩ cứ nhắc đi nhắc lại rằng không ai có lỗi, tôi không thể thôi nghĩ theo những gì mình biết. Và tôi biết rằng dì Helen vẫn còn sống đến giờ nếu hôm đó dì chỉ mua cho tôi một món quà bình thường như những người khác. Dì vẫn còn sống nếu như tôi chào đời vào một ngày không có tuyết rơi. Tôi sẽ làm bất kì điều gì để tống khứ suy nghĩ này đi. Tôi nhớ dì khủng khiếp. Tôi phải dừng viết đây, thật buồn đau vô cùng.

Thương mến,

Charlie

Ngày 30 tháng Mười hai, 1991

Bạn thân mến,

Viết lá thư trước cho bạn xong, ngay ngày hôm sau, tôi đọc xong quyển Bắt trẻ đồng xanh. Cho tới giờ tôi đã kịp đọc lại nó ba lần. Tôi thực sự không biết làm gì hơn. Tối nay Sam và Patrick rốt cuộc sẽ về đến nhà, nhưng tôi sẽ không gặp họ được. Patrick sẽ gặp Brad, còn Sam tìm Craig. Ngày mai tôi sẽ gặp cả hai người ở quán Big Boy, sau đó là bữa tiệc mừng năm mới ở nhà Bob.

Điều lí thú là tôi sẽ tự lái xe tới quán Big Boy. Ba tôi bảo phải chờ trời bớt tuyết đã, và rốt cuộc hôm qua trời cũng quang quẻ ra một chút. Tôi ghi một băng nhạc làm kỉ niệm. Tựa đề cuộn băng là “Lần đầu lái xe”. Có lẽ có phần ủy mị quá, nhưng tôi thích nghĩ tới lúc về già, tôi sẽ có thể xem những cuộn băng này và nhớ lại những lần lái xe đầu tiên.

Lần đầu tôi tự lái là đi thăm dì Helen. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đi thăm dì mà không có ai đi cùng, kể cả mẹ. Tôi gắng sao cho lần ấy được đặc biệt. Tôi mua hoa bằng tiền mừng Giáng sinh. Thậm chí tôi còn ghi tặng dì một băng nhạc và để nó bên mộ. Tôi mong bạn không thấy việc đó kì quặc.

Tôi kể với dì Helen của tôi mọi thứ trong đời. Chuyện về Sam và Patrick, về bè bạn của họ. Về bữa tiệc mừng năm mới đầu tiên của tôi vào ngày mai. Tôi kể với dì rằng anh tôi sẽ chơi trận bóng bầu dục cuối mùa vào ngày đầu năm mới. Tôi kể với dì chuyện anh tôi rời nhà đi học và mẹ tôi khóc buồn ra sao. Tôi kể với dì lúc bọn tôi cảm thấy vô tận. Tôi kể với dì về bài hát “Asleep”. Tôi kể với dì chuyện tôi thi lấy bằng lái xe. Rằng mẹ tôi lái xe đến đó ra sao, và tôi lái xe đưa mẹ về ra sao. Rằng bề ngoài cũng như cái tên của viên cảnh sát chấm thi không có gì kì quặc hay buồn cười gì cả, khiến tôi thấy như bị bịp vậy.

Khi tôi sắp từ biệt dì Helen để về, tôi khóc. Khóc thật sự. Không phải là cơn khóc hoảng loạn như tôi vẫn thường bị. Rồi tôi hứa với dì Helen rằng tôi chỉ khóc vì những điều quan trọng, bởi vì tôi ghét nghĩ rằng khóc nhiều như thế này sẽ khiến việc khóc thương dì Helen bớt giá trị đi.

Rồi tôi nói lời từ biệt, và lái xe về nhà.

Tôi đọc quyển sách lần nữa bởi vì tôi biết, tôi mà không đọc thì nhiều khả năng tôi sẽ lại khóc. Ý tôi là khóc hoảng ấy. Tôi đọc cho đến khi hoàn toàn kiệt sức và buộc phải ngủ. Sáng hôm sau, tôi đọc xong quyển sách và lập tức bắt đầu đọc lại lần nữa. Bất kì điều gì để át cảm giác muốn khóc. Bởi vì tôi đã hứa với dì Helen. Và bởi tôi không muốn bắt đầu nghĩ ngợi lung tung, giống lần cuối tuần trước. Tôi không thể lại suy nghĩ kiểu đó. Không bao giờ nữa.

Tôi không biết bạn có bao giờ cảm thấy như vậy chưa. Rằng bạn muốn ngủ một ngàn năm. Hoặc đơn giản là không hiện hữu. Hoặc đơn giản là không ý thức rằng bản thân đang hiện hữu. Hay điều gì đó tương tự. Tôi nghĩ ước muốn như vậy là không lành mạnh, nhưng tôi muốn vậy mỗi khi bị như bây giờ. Đó là lí do tôi cố không nghĩ. Tôi chỉ muốn đất trời ngừng lại. Nếu tình hình xấu hơn nữa, rất có thể tôi sẽ phải trở lại gặp bác sĩ. Chứng bệnh của tôi lại trở nặng rồi.

Thương mến,

Charlie

Ngày 1 tháng Giêng, 1992

Bạn thân mến,

Bây giờ là 4 giờ sáng, tức là ngày đầu năm mới, mặc dù theo lí thì cho đến lúc mọi người đi ngủ nó vẫn còn là ngày 31 tháng 12. Tôi không ngủ được. Người ta đều đang ngủ, hoặc làm tình. Tôi thì xem truyền hình cáp và ăn thạch rau câu. Mọi thứ xung quanh cứ chập chờn chao đảo. Tôi những muốn kể với bạn về Sam và Patrick và Craig và Brad và Bob và mọi người, nhưng giờ tôi không nhớ được.

Ngoài kia đang yên bình. Tôi biết điều đó chứ. Lúc nãy tôi lái xe đến quán Big Boy. Rồi tôi thấy Sam cùng Patrick. Cùng Brad và Craig. Tôi rất buồn bởi chỉ muốn được ở riêng cùng họ. Trước đây tôi chưa khi nào có cảm giác đó.

Một giờ trước, mọi thứ còn tệ hơn bây giờ. Khi ấy tôi đang nhìn cái cây này, nhưng nó biến thành một con rồng, và rồi lại là một cái cây, và tôi nhớ cái ngày trời đẹp khi tôi là một phần của thinh không. Tôi nhớ là hôm ấy tôi cắt cỏ để kiếm tiền tiêu vặt, cũng như tôi đang xúc tuyết dọn lối đi để có tiền tiêu vặt bây giờ. Thế nên tôi bắt đầu xúc tuyết trên lối đi nhà Bob, làm việc ấy khi đang dự tiệc đêm trước thềm năm mới kể cũng lạ.

Cặp má tôi đỏ ửng vì lạnh, giống như gương mặt ngà ngà say của thầy Z, thầy ấy đi giày đen, tôi nhớ cả giọng nói của thầy khi kể con sâu bướm trải qua đau đớn thế nào khi kết kén, và tại làm sao người ta mất tới bảy năm mới tiêu hóa hết kẹo cao su lỡ nuốt phải. Rồi một đứa tên là Mark tới dự tiệc thình lình xuất hiện, nhìn lên trời và rủ tôi ngắm sao. Thế là tôi nhìn lên, thấy bọn tôi ở trong một vòm trời khổng lồ giống như quả cầu thủy tình đựng bông tuyết, rồi Mark bảo những ngôi sao sáng trưng màu trắng thực ra chỉ là những cái lỗ trong vòm thủy tinh tối đen, và khi ta lên thiên đàng, thủy tinh vỡ tan đi, và ở đó chẳng có gì ngoài một lớp sao trắng lóa nhưng lại không làm ta chói mắt. Không gian mênh mông, rộng mở, yên bình mà mong manh, giữa đó ta thấy mình thật nhỏ bé.

Đôi khi, tôi nhìn ra bên ngoài, nghĩ rằng nhiều người khác đã ngắm cảnh tuyết này trước đây. Đơn giản cũng như tôi nghĩ nhiều người khác đã đọc những quyển sách đó trước đây. Và đã nghe những bài hát ấy.

Đêm nay những người ấy cảm thấy thế nào?

Tôi thực sự không biết đang nói gì nữa. Rất có thể tôi không nên viết điều này ra, bởi tôi vẫn còn đang thấy mọi thứ chao đảo chập chờn. Tôi muốn chúng dừng lại, nhưng một vài giờ nữa chắc vẫn chưa xong đâu. Bob có nói thế trước khi hắn vào phòng ngủ của hắn cùng Jill, cô này tôi không quen.

Tất cả những điều tôi nói đây hẳn nghe thật quen thuộc. Không phải người khác thấy quen thuộc với cảm giác của tôi. Tôi chỉ biết chắc hẳn một đứa nào khác đã từng có trải nghiệm tương tự. Như lúc này, khi đất trời yên ả, và ta thấy mọi thứ cứ dịch chuyển dù ta không muốn, mọi người đều đã ngủ. Và mọi quyển sách ta đọc đã từng được người khác đọc. Mọi bài hát ta thích đã từng được người khác lắng nghe. Cô nàng ta thấy đáng yêu cũng thật đáng yêu trong mắt người khác. Nếu nhìn vào những điều thực tế đó khi trong lòng đang vui, ta sẽ cảm thấy thật là tuyệt diệu, bởi đó chính là “sự hòa hợp nhất trí”.

Giống như lúc ta đang thích một cô gái mà nhìn thấy một cặp nắm tay nhau, ta cũng thấy vui mừng cho họ. Nếu phải khi khác có thể cũng chính cặp đôi ấy làm ta phát bực. Thế là ta cứ muốn được mừng cho họ mãi thôi, bởi như thế cũng có nghĩa là ta đang hạnh phúc.

Tôi chỉ nhớ được cái gì thôi thúc tôi nghĩ tới những điều này. Tôi định viết ra, bởi nếu làm vậy thì may ra tôi sẽ không phải nghĩ về nó nữa. Và thôi buồn bực. Điều đáng nói là bây giờ tôi nghe thấy tiếng Sam và Craig ân ái, và lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được cái kết của bài thơ nọ.

Thật ra tôi không bao giờ muốn hiểu. Bạn nhất định phải tin thế nhé.

Thương mến,

Charlie

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3