Điệu vũ bên lề - Chương 3 phần 1

Phần 3

Ngày 4 tháng Giêng, 1992

Bạn thân mến,

Tôi xin lỗi về lá thư trước. Nói thật với bạn, tôi không rõ đã viết gì, nhưng tôi thức giấc chẳng nhẹ nhàng gì, vậy nhiều khả năng là thư đó không sáng sủa vui tươi cho lắm. Tất cả những gì tôi còn nhớ về đêm đó là tôi đi lùng khắp nhà tìm phong bì và tem. Khi đã tìm được rồi, tôi để địa chỉ của bạn, rồi bước xuống đồi, ngang qua rặng cây, tới chỗ bưu điện, bởi tôi biết rằng nếu không bỏ nó vào thùng thư mà tôi không thể mở ra lấy lại thì tôi sẽ không bao giờ gửi thư đi được.

Lúc ấy không hiểu sao chuyện đó lại có vẻ hệ trọng tới vậy, kể cũng lạ.

Khi tới bưu điện, tôi thả lá thư vào thùng thư. Có cảm giác chung cuộc. Và an bình. Rồi tôi bắt đầu nôn, nôn mãi cho tới khi mặt trời lên. Tôi nhìn con đường, thấy nhiều xe hơi, tôi biết rằng người ta đều đang đi về nhà ông bà của họ. Tôi biết nhiều người trong số đó sẽ xem anh tôi chơi bóng bầu dục ngày hôm nay. Đến đây thì đầu óc tôi bắt đầu nhảy lò cò.

Anh tôi... bóng bầu dục... Brad... Dave cùng ả bạn gái của hắn trong phòng tôi... áo khoác... trời lạnh... mùa đông... “Chiếc lá thu”... đừng kể với ai... thằng biến thái... Sam và Craig... Sam... Giáng sinh... máy đánh chữ... món quà... dì Helen... hàng cây chao đảo... không ngừng chao đảo... thế là tôi nằm xuống đóng vai thiên thần tuyết.

Cảnh sát tìm thấy tôi, xanh tái, đang ngủ lịm.

Tôi cứ run cầm cập vì lạnh mãi một lúc lâu sau khi ba mẹ tôi đưa tôi từ phòng cấp cứu về nhà. Không có ai bị phiền hà gì, bởi những phen thế này từng xảy đến với tôi, hồi tôi còn nhỏ xíu, phải đi khám bác sĩ. Tôi đơn giản là đi lang thang rồi mất hút và ngã gục xuống, thiếp đi nơi nào đó. Ai cũng biết trước đó tôi đi dự tiệc, nhưng không có ai, kể cả chị tôi nghĩ rằng nguyên do là như vậy. Tôi không hé một lời, bởi tôi không muốn Sam hay Patrick hay Bob hay bất kì ai bị phiền. Nhưng trên hết, tôi không muốn thấy nét mặt của mẹ tôi và nhất là ba tôi nếu hai người nghe tôi kể sự thật.

Thế nên tôi không nói nửa lời.

Tôi chỉ im lặng, nhìn quanh. Và tôi để ý thấy nhiều thứ. Như mấy cái chấm trên trần nhà. Hay cái chăn người ta đưa cho tôi thật xù xì. Hay gương mặt thể hiện được đủ kiểu sắc thái của ông bác sĩ. Ông ta thì thầm mà nghe cứ rõ mồn một, rằng có lẽ tôi nên bắt đầu điều trị với chuyên gia tâm thần. Đó là lần đầu tiên một bác sĩ nói lời ấy với ba mẹ trước mặt tôi. Cái áo choàng của ông ta sao mà trắng toát. Tôi thấy mệt ghê gớm.

Cả ngày dài, tôi chỉ nghĩ được mỗi một chuyện là tại tôi mà cả nhà lỡ mất trận đấu bóng bầu dục của anh tôi, mong chị tôi nhớ thu băng trận đấu.

May là chị ấy nhớ thật.

Về tới nhà, mẹ pha cho tôi chút trà, ba hỏi tôi có muốn ngồi xem trận đấu không, tôi đáp có. Mọi người ngồi xem anh tôi chơi thật hay, nhưng lần này, không có ai thực sự hoan hỉ. Mọi con mắt đều dồn lên tôi. Rồi mẹ nói nhiều lời động viên, rằng năm học này tôi học tốt quá, và có lẽ ông chuyên gia sẽ giúp tôi bình phục. Mẹ tôi có thể nói chuyện mà vẫn giữ vẻ trầm ổn khi mẹ tỏ ra tích cực. Ba cứ liên tục “vỗ yêu” tôi. Vỗ yêu tức là vỗ nhẹ vào đầu gối, vai và cánh tay để động viên. Chị thì tình nguyện giúp tôi chải sửa tóc tai cho ổn. Cả nhà bày tỏ sự quan tâm tràn trề như thế làm tôi cứ thấy sao sao ấy.

“Ý chị là sao? Tóc em bị gì à?”

Chị tôi lúng túng, dợm nhìn quanh. Tôi đưa tay lên đầu, nhận ra khá nhiều tóc đã biến mất. Thực sự tôi không nhớ tôi cắt hồi nào, nhưng cứ xét tình hình hiện tại thì tôi hẳn đã chụp lấy cây kéo rồi cắt loạn xạ. Mái tóc lõm từng mảng lớn như khoét. Khi dự tiệc tôi không soi gương, bởi sợ cái vẻ mặt khác thường của chính tôi. Nếu không thì tôi đã phát hiện ra.

Chị giúp tôi tỉa cao lên một chút, cũng may là mọi người ở trường, kể cả Sam và Patrick đều nghĩ tóc mới của tôi trông ngầu.

“Chuẩn” là từ của Patrick.

Dù vậy, tôi quyết định không bao giờ chơi LSD nữa.

Thương mến,

Charlie

Ngày 14 tháng Giêng, 1992

Bạn thân mến,

Tôi cảm thấy giống như kẻ lừa đảo, bố tôi đang gắng ổn định lại nếp sống như trước, không ai hay biết gì cả. Thật khó ngồi yên đọc sách trong phòng ngủ như trước. Thậm chí nói chuyện với anh tôi trên điện thoại cũng khó. Đội bóng của anh thắng giải ba toàn quốc. Không ai kể với anh rằng cả nhà bỏ lỡ trận đấu vì tôi.

Tôi đi thư viện mượn một cuốn sách vì tôi bắt đầu thấy sợ. Thi thoảng mọi thứ lại bắt đầu chao đảo, mọi âm thanh trở nên trầm mà rỗng. Tôi không thể tập trung suy nghĩ điều gì cụ thể. Quyển sách nói có người dùng LSD đôi lần rồi không dứt hẳn thói đó được. Tác giả nói nó tăng một loại chất truyền xung não. Nói đơn giản thì thứ đó gây cho ta những triệu chứng như tâm thần phân liệt trong mười hai tiếng đồng hồ tiếp theo, và nếu ta tiết ra quá nhiều chất truyền xung não này, ta không dứt khỏi nó được.

Tôi bắt đầu thở dốc trong thư viện. Thật kinh khủng, tôi từng thấy vài đứa tâm thần phân liệt trong bệnh viện lúc tôi còn nhỏ. Thêm một chuyện tệ hại nữa là hôm qua tôi để ý thấy ai cũng mặc đồ Giáng sinh mới cáu, nên sáng nay tôi quyết định mặc bộ vét mới Patrick tặng để đi học, để rồi bị cười nhạo tàn nhẫn suốt chín tiếng đồng hồ. Một ngày thật khốn khổ. Lần đầu tôi cúp học ra ngoài gặp Sam với Patrick.

“Trông bảnh đó, Charlie,” Patrick nói, cười toét.

“Tôi làm một điếu thuốc được không?” Tôi không thể nói “đốt khói” được. Lần đầu tiên mà. Đơn giản là tôi không thể.

“Được chứ,” Patrick đáp.

Sam ngăn cậu ấy lại.

“Có chuyện gì vậy, Charlie?”

Tôi kể chuyện cho hai người nghe, thế là Patrick cứ hỏi đi hỏi lại tôi bị “hoang tưởng” hay sao.

“Không, không phải như vậy.” Tôi phát bực.

Sam vòng tay ôm vai tôi, an ủi là cô ấy biết tôi đang thấy thế nào. Nói tôi đừng lo lắng. Một khi đã chơi thuốc, ta chỉ nhớ những gì ta thấy lúc đó thôi. Chỉ có vậy. Kiểu như đường sá biến thành sóng lượn, gương mặt trở nên méo mó và hai mắt bên to bên nhỏ. Chỉ là kí ức trong tâm trí thôi.

Rồi cô ấy đưa tôi điếu thuốc.

Khi bập để châm thuốc, tôi không ho. Thực ra tôi thấy dễ chịu. Tôi biết theo sách vở thì hút thuốc có hại, nhưng đúng là dễ chịu.

“Giờ tập trung nhìn khói thuốc nhé,” Sam nói.

Thế là tôi chăm chăm nhìn khói.

“Giờ thì bình thường rồi chứ?”

“À ha,” tôi mơ hồ lên tiếng.

“Giờ nhìn nền xi măng cái sân chơi đằng kia, có chao đảo không?”

“À ha.”

“Được rồi... Giờ nhìn kĩ mảnh giấy nằm trên đất kia.”

Rồi tôi nhìn kĩ mảnh giấy nằm trên đất.

“Giờ thì nền xi măng có chênh chao không?”

“Không có.”

Thế rồi Sam trấn an tôi, nói là tôi sẽ ổn thôi, nói thôi tôi đừng bao giờ chơi thuốc nữa. Sam còn giải thích thêm cảm giác gọi là “xuất thần”. Tình trạng xuất thần xảy ra khi ta không tập trung vào bất kì thứ gì, và ngoại giới hớp lấy, xoay đảo xung quanh ta. Cô ấy bảo “xoay đảo” là nói theo nghĩa bóng thôi, nhưng những người không bao giờ nên chơi thuốc lần nữa thì phải hiểu theo nghĩa đen.

Tôi bật cười to. Nhẹ cả lòng. Sam và Patrick cũng mỉm cười. Tôi thấy vui thêm, bởi nhìn vẻ mặt quá lo lắng của họ thật không chịu nổi.

Vậy là hầu hết mọi thứ đã thôi chao đảo kể từ đó. Tôi không cúp tiết học nào nữa. Cũng đã hết cảm giác như kẻ lừa bịp vì gắng ổn định cuộc sống như trước. Thầy Bill khen bài luận của tôi về quyển Bắt trẻ đồng xanh (được gõ bằng cái máy đánh chữ cũ mà mới của tôi!) là bài khá nhất tôi từng viết. Thầy bảo tôi đang “tiến bộ” một cách nhanh chóng và đưa tôi một loại sách khác như một “phần thưởng”. Đó là cuốn Trên đường của Jack Kerouac.

Bây giờ tôi hút chừng mười điếu mỗi ngày.

Thương mến,

Charlie

Ngày 25 tháng Giêng, 1992

Bạn thân mến,

Tôi cảm thấy thật tuyệt vời! Thật đó. Tôi phải nhớ cảm giác này để dành cho lần tới, lúc tôi lại có một tuần tồi tệ. Bạn có bao giờ làm vậy chưa? Bạn cảm thấy buồn thật buồn, và rồi tự nhiên hết buồn mà không hiểu tại sao. Tôi cứ tự nhủ rằng cứ sau khi thấy tuyệt vời như thế này thì có thể một tuần tệ hại khác lại đến, thế nên tôi nên gom góp càng nhiều chi tiết vui vẻ càng tốt, để khi cái tuần tệ hại ấy đến thật, tôi có thể bíu vào những chi tiết đó để tin rằng tôi sẽ lại vui. Cách này không ích lợi lắm, nhưng tôi nghĩ cứ thử qua cũng rất quan trọng.

Chuyên gia tâm thần điều trị cho tôi là một chú rất tốt. Chú ấy giỏi hơn ông chuyên gia kì trước nhiều. Chú ấy hỏi tôi cảm thấy, suy nghĩ và nhớ những gì. Như là lúc tôi còn nhỏ, có một lần nọ tôi xuống phố đi quanh khu nhà. Tôi trần như nhộng, tay cầm một cây dù xanh dương, mặc dù trời không mưa gì cả. Lúc ấy tôi vui vì cảnh đó làm mẹ tôi cười. Mà mẹ thì ít cười lắm. Nên mẹ chụp một bức ảnh. Rồi mấy người hàng xóm phàn nàn.

Một lần khác, tôi xem đoạn quảng cáo cho bộ phim về một người đàn ông bị buộc tội sát nhân, nhưng ông ấy không phạm tội này. Một diễn viên trong bộ phim M*A*S*H đóng vai chính trong phim này. Rất có thể đó là lí do tôi nhớ được. Đoạn quảng cáo nói rằng toàn bộ phim xoay quanh việc nghi phạm cố gắng chứng minh ông ấy vô tội nhưng nhiều khả năng ông ấy vẫn bị tống vào tù. Chuyện ấy làm tôi rất sợ. Sợ thật là sợ. Bị trừng phạt vì một điều gì đó mà ta không làm. Hoặc trở thành một nạn nhân vô tội. Nó là thứ tôi không bao giờ muốn nếm trải.

Tôi không biết những chuyện thế này có đáng kể với bạn không, nhưng lúc khám bệnh, tôi có cảm giác như “đột phá”.

Điều hay nhất ở chú chuyên gia là chú ấy có nhiều tạp chí âm nhạc trong phòng đợi. Một lần đi khám, tôi đọc được bài về ban nhạc Nirvana, một bài tử tế không nhắc bất cứ gì liên quan tới xốt mù tạt mật ong hay rau diếp. Dù vậy, tác giả cứ nhắc suốt về chứng bệnh dạ dày của anh ca sĩ. Kì thật.

Như tôi kể với bạn, Sam cùng Patrick thích nhiều bài hát của nhóm nhạc này, nên tôi nghĩ cần đọc bài báo nọ để biết thêm mà chuyện trò với hai người. Cuối bài, tác giả so sánh ca sĩ của nhóm với John Lennon của Beatles. Sau này tôi kể chi tiết ấy với Sam, thế là cô ấy nổi cáu ghê lắm. Cô ấy bảo nếu có so thì so với Jim Morrison còn khả dĩ, nhưng thực sự anh ấy không giống ai hết, là độc nhất vô nhị. Bọn tôi ở quán Big Boy sau sô diễn Rocky Horror, và câu chuyện ấy khơi mào một cuộc thảo luận sôi nổi.

Craig bảo rắc rối xảy ra khi mọi người lúc nào cũng so sánh người này với người kia, chuyện này là người ta bị hạ thấp giá trị, giống như trong khóa học nhiếp ảnh của hắn.

Bob thì bảo mọi chuyện là do các ông bố bà mẹ của bọn tôi không muốn xa rời thời thanh xuân của họ, và họ sẽ đau lòng khi không cảm thấy kết nối được với thế hệ bây giờ.

Patrick bảo vấn đề ở chỗ mọi thứ đều đã hiện hữu rồi, người ta khó mà khai phá được điều gì mới. Không ai có thể thành danh được như ban nhạc Beatles, bởi chính Beatles đã trở thành một cái “phông nền” để so sánh. Họ nổi tiếng đến vậy là vì họ không có ai để mà so sánh cả, nên giới hạn là vô tận.

Sam chêm vào là bây giờ ban nhạc hay ca sĩ này nọ cứ ra hai album là tự so họ với Beatles, rồi từ đó trở đi cá tính âm nhạc của họ nhòa nhạt hẳn.

“Cậu nghĩ sao, Charlie?”

Tôi không nhớ được là nghe hay đọc chuyện này ở đâu. Tôi nói rằng có thể nó nằm trong quyển Bên này thiên đường của F. Scott Fitzgerald. Có một đoạn gần cuối sách, cậu nhân vật chính gặp được một ông già. Hai người cùng đi xem trận bóng mừng cựu sinh viên các trường thuộc Liên đoàn Ivy, họ tranh luận với nhau chuyện này. Ông già là kẻ thành đạt. Còn cuộc đời cậu trai trẻ chỉ có thể diễn tả bằng từ “tan nát”.

Cái chính là họ tranh luận với nhau, cậu trai là người theo chủ nghĩa lí tưởng kiểu đương đại. Cậu nói về “thế hệ không ngừng nghỉ” của tôi, đại loại thế. Rồi cậu nói đại khái, “Thời đại này không phải thời của các anh hùng, bởi không ai để cho sự tích anh hùng xuất hiện.” Bối cảnh trong sách là những năm 1920, thật tuyệt, bởi đoạn đối thoại như vậy hoàn toàn có thể xảy ra trong quán Big Boy. Rất có thể thời ông bà chúng ta đã nói chuyện như thế. Và rất có thể chuyện ấy lặp lại với bọn tôi ở thời điểm hiện tại.

Thế nên tôi nghĩ báo chí gắng đẩy anh ca sĩ thành người hùng, nhưng sau lại có ai đó bới móc được chuyện gì khiến hình tượng anh ta xấu đi. Không hiểu sao phải làm thế nhỉ, anh ta chỉ là người viết ra nhiều ca khúc được đông đảo người nghe ưa thích, như vậy chẳng phải đã đủ lắm rồi hay sao. Có thể tôi sai, nhưng mọi người ngồi bên bàn bắt đầu bàn tán về chuyện đó.

Sam đổ lỗi cho truyền hình. Patrick trách chính phủ. Craig thì phê phán các “tập đoàn truyền thông”. Bob thì bỏ đi vệ sinh.

Tôi không biết nói chuyện kiểu này gọi là gì, và hẳn là nói suông thế không đạt được gì hết, nhưng thật hay khi ngồi cùng nhau mà bàn luận vai trò của chúng ta trong mọi chuyện. Như lúc thầy Bill dặn tôi hãy cố “nhập cuộc”. Tôi có đi dự buổi dạ vũ mừng cựu sinh viên như từng kể với bạn, nhưng nói chuyện thế này thì vui hơn. Nhất là khi nghĩ rằng mọi người trên khắp thế giới từng có những cuộc trò chuyện ở những nơi giống như quán Big Boy.

Tôi định chia sẻ cho mọi người cùng bàn ý nghĩ ấy, nhưng họ đang hào hứng chê bai nên thôi không làm họ mất hứng. Vậy là tôi chỉ ngồi lùi ra sau một chút, ngắm Sam ngồi cạnh bên Craig, cố kiềm nỗi chạnh lòng. Phải nói rằng tôi làm chuyện ấy không giỏi lắm. Nhưng một lúc sau, khi Craig đang nói gì đó, Sam quay sang cười với tôi. Một nụ cười như trong phim quay chậm, thế là tôi thấy mọi việc ổn cả.

Tôi kể chuyện này cho chuyên gia tâm thần nghe, nhưng chú ấy bảo bây giờ kết luận ngay thì còn quá sớm.

Tôi không biết nữa. Tôi vừa có một ngày tuyệt vời. Mong rằng bạn cũng như thế.

Thương mến,

Charlie

Ngày 2 tháng Hai, 1992

Bạn thân mến,

Trên đường là một quyển sách hay. Thầy Bill không bảo tôi viết bài luận về nó, vì đó là một “phần thưởng” như tôi đã kể. Tuy vậy thầy gọi tôi vào văn phòng của thầy sau giờ học để bàn về nó, thế là tôi vào. Thầy pha trà mời tôi, làm tôi cảm thấy người lớn hẳn ra. Thậm chí thầy còn cho tôi hút một điếu trong văn phòng, nhưng đồng thời cũng khuyên tôi bỏ thuốc cho mau vì thuốc hại sức khỏe. Thầy đưa cho tôi một tờ rơi trên bàn của thầy. Giờ tôi dùng nó làm cái đánh dấu trang.

Tôi cứ ngỡ thầy Bill cùng tôi sắp bàn về quyển sách, nhưng hai thầy trò rốt cuộc chỉ tán “chuyện đời”. Thật tuyệt được ngồi nói miên man hết chuyện này đến chuyện khác. Thầy hỏi tôi về Sam và Patrick, về ba mẹ tôi, và tôi kể với thầy chuyện thi lấy bằng lái xe, và hôm cả bọn nói chuyện ở quán Big Boy. Tôi cũng kể với thầy về chuyên gia điều trị của tôi. Tôi không kể với thầy về bữa tiệc, hay chị tôi cùng bạn trai chị. Họ vẫn còn lén lút gặp nhau, theo lời chị như thế càng “thêm phần say đắm”.

Sau khi tôi kể đủ chuyện về tôi cho thầy Bill, tôi hỏi đến chuyện của thầy. Cũng dễ chịu, vì thầy không cố ra vẻ tự mãn hay so sánh với tôi gì hết. Thầy đơn giản kể chuyện thôi. Thầy đã học chương trình cử nhân ở đại học nào đó ở miền Tây, họ không cho điểm xếp hạng học lực, lạ thật, nhưng thầy Bill bảo đó là nơi giảng dạy tốt nhất mà thầy từng được học. Thầy còn nói là sẽ đưa cho tôi tờ rơi về trường đó khi tới lúc.

Sau khi vào Đại học Brown theo chương trình sau đại học, thầy Bill du lịch châu Âu một thời gian, rồi khi trở về, thầy gia nhập tổ chức Teach for America. Hết năm nay, thầy dự tính chuyển tới New York sống và viết kịch. Tôi đoán là thầy còn khá trẻ, mà tôi hỏi tuổi thì không phải phép. Tôi lấy can đảm hỏi thầy có bạn gái chưa, và thầy đáp chưa, mặt có vẻ buồn. Tôi quyết định không tọc mạch thêm, kể ra điều đó cũng riêng tư quá. Rồi thầy đưa cho tôi một quyển sách nữa để đọc, tựa là Bữa trưa trần trụi.

Về tới nhà, tôi bắt đầu đọc luôn. Nói thật với bạn, tôi chẳng biết nhân vật đang nói về cái gì. Tôi sẽ không bao giờ kể điều này với thầy Bill. Sam kể với tôi rằng William S. Burroughs viết quyển sách lúc ông dùng heroin, nên có khi tôi phải “hòa theo cơn phê” khi đọc. Tôi làm vậy mà vẫn không hiểu được nhân vật nói cái gì, thế là tôi xuống lầu xem ti vi với chị.

Chương trình đang phát là Gomer Pyle, chị tôi ngồi rất lặng lẽ, trông buồn rũ. Tôi cố gợi chuyện, nhưng chị bảo tôi im mồm để chị yên. Tôi xem vài phút nữa, nhưng chương trình còn vô nghĩa hơn quyển sách nên tôi quyết định đi làm bài tập toán. Thêm một sai lầm bởi toán chẳng bao giờ có nghĩa lí gì với tôi cả.

Cả ngày tôi cứ loay hoay như thế.

Rồi tôi gắng giúp mẹ làm đồ ăn, nhưng lại đánh rơi nồi thịt hầm, thế là mẹ bảo tôi lên phòng đọc sách cho tới khi ba về, nhưng đọc sách là việc đầu tiên gây ra mớ bòng bong này. May là ba tôi về trước khi tôi kịp cầm quyển sách lên lần nữa, thế nhưng ba tôi bảo tôi đừng có “đu vai ông như khỉ” nữa, bởi ông muốn xem trận khúc côn cầu. Tôi xem trận đấu với ông một lúc, nhưng không ngừng hỏi ông cầu thủ này kia là người nước nào, mà ông thì đang “dưỡng thần”, tức là ông ngủ nhưng vẫn không muốn tôi chuyển kênh khác. Nên ông bảo tôi đi xem ti vi với chị, tôi đi xem, nhưng chị bảo tôi vào bếp giúp mẹ, tôi đi giúp, nhưng rồi bà bảo tôi lên phòng đọc sách. Thế là tôi đi đọc.

Giờ tôi đọc được chừng một phần ba quyển rồi, tới đoạn này lại thấy khá hay.

Thương mến,

Charlie

Ngày 8 tháng Hai, 1992

Bạn thân mến,

Tôi có hẹn đi vũ hội Sadie Hawkins. Không biết chỗ bạn có vũ hội này không, thôi tôi cứ giải thích cho chắc: dịp này các bạn nữ sẽ chọn mời bạn nhảy nam. Mary Elizabeth chọn tôi. Tin nổi không?!

Tôi nghĩ chuyện bắt đầu hồi tôi giúp Mary Elizabeth bấm kim xấp báo Punk Rocky mới nhất hôm thứ sáu, trước khi bọn tôi đi xem The Rocky Horror Picture Show. Hôm đó Mary Elizabeth cư xử rất dễ thương với tôi. Cô ấy bảo đợt báo đó là hay nhất từ trước đến nay vì hai lẽ, và cả hai lẽ ấy đều là nhờ tôi.

Thứ nhất, báo được in màu, và thứ hai, nó có bài thơ mà tôi đưa cho Patrick.

Số báo này đúng là hay thật. Ngay cả sau này, tôi có già đi chắc vẫn còn thấy hay. Craig đưa vào vài bức ảnh màu. Sam góp vài tin “ngầm” về mấy ban nhạc. Mary Elizabeth viết một bài về các ứng viên đảng Dân chủ. Bob thì góp một đoạn tán tụng cây gai dầu. Patrick đưa vào một mẩu quảng cáo bịa đặt rằng sẽ có tiết mục “thổi kèn” cho ai mua một bánh quy mặt cười ở quán Big Boy, còn chua thêm: “Chương trình có áp dụng một số hạn chế”!

Rồi còn có cả một bức ảnh khỏa thân chụp Patrick (từ sau lưng), Sam nhờ Craig chụp bức ảnh này. Mary Elizabeth bảo mọi người giữ bí mật vụ bức ảnh ấy là Patrick, thế là mọi người kín như bưng, ngoại trừ Patrick.

Suốt đêm cậu ấy cứ gào lên, “Phơi hàng đi cưng! Phơi ra nào!” Đây là dòng thoại cậu ấy rất thích trong bộ phim cậu ấy cũng thích là The Producers.

Mary Elizabeth kể với tôi là cô ấy nghĩ Patrick bảo đưa bức ảnh vào tờ báo để Brad có hình cậu ấy mà không nghi ngờ, nhưng cậu ấy không nói hẳn ra. Brad quả đã mua một tờ mà không liếc qua tí nào, có lẽ cô ấy đúng.

Đêm ấy, lúc tôi đi xem The Rocky Horror Picture Show, Mary Elizabeth rất tức giận vì Craig không tới diễn. Không ai biết vì sao, kể cả Sam. Rắc rối ở chỗ thiếu người đóng vai Rocky, con robot vai u thịt bắp (Tôi không chắc gã ấy là gì nữa). Sau khi nhìn quanh quất, Mary Elizabeth quay sang tôi.

“Này Charlie, cậu xem diễn được mấy lần rồi?”

“Mười lần.”

“Cậu đóng vai Rocky được chứ?”

“Tôi đâu có tỉa tót hay lực lưỡng gì đâu.”

“Không sao hết. Cậu đóng được chứ?”

“Tôi nghĩ chắc được.”

“Cậu ‘nghĩ’ hay ‘biết chắc’ đây?”

“Tôi nghĩ thôi.”

“Vậy là đủ rồi.”

Thế là sau đó, tôi chỉ mặc độc mỗi cái quần lót và áo bơi sơn vàng rực. Chẳng biết tại sao thi thoảng những điều kì quặc thế này lại xảy tới với tôi. Tôi rất hồi hộp, nhất là vì trong vở kịch có cảnh, nhân vật Rocky phải chạm vào khắp người Janet, mà Sam đóng vai Janet. Patrick cứ trêu là tôi sẽ bị “lên nòng”. Tôi thực sự mong chuyện đó sẽ không xảy ra. Có lần tôi bị thế trong lớp học mà phải lên bảng giải bài. Thật là khủng khiếp. Rồi tâm trí tôi hình dung ra cảnh đó, cộng với ánh đèn rọi trực diện, cộng với chuyện tôi mặc độc bộ đồ bơi, thật kinh hãi. Suýt nữa thì tôi không lên diễn, nhưng rồi Sam bảo cô ấy thật lòng muốn tôi đóng vai Rocky, hẳn lời ấy là tất cả những gì tôi cần nghe lúc đó.

Tôi không kể chi tiết toàn bộ vở kịch được, nhưng đó là thời gian vui nhất đời tôi. Thật đấy. Tôi giả vờ hát, rồi giả vờ nhảy múa vòng quanh, rồi tôi còn được choàng “khăn lông chim” trong cảnh cuối, tôi không nề hà gì đâu bởi đó là một phần vở diễn, nhưng Patrick cứ huyên thiên chuyện đó mãi.

“Charlie quàng khăn lông! Charlie quàng khăn lông!” Cậu ấy cười không nín được.

Nhưng hay nhất là cảnh diễn với Janet, trong đó bọn tôi phải chạm vào nhau. Tôi không coi phần đó hay nhất chỉ đơn thuần vì tôi phải chạm vào Sam và được Sam đáp lại như vậy. Thật là trái khoáy. Tôi biết nói vậy có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đúng thế. Ngay trước cảnh diễn, tôi nghĩ về Sam, tôi nghĩ rằng nếu tôi lợi dụng sân khấu mà chạm vào cô ấy để thỏa lòng riêng thì thật là đáng khinh. Tôi những muốn một ngày nào đó được gần gũi cô ấy như thế, nhưng tôi không bao giờ muốn cảm giác đó trở nên thấp hèn. Tôi không muốn làm thế như là chuyện giữa Rocky và Janet. Tôi muốn nó xảy ra giữa Sam với tôi. Và tôi muốn cô ấy cũng thực lòng đáp lại. Vậy nên hai đứa tôi chỉ diễn thôi.

Khi vở diễn kết thúc, bọn tôi cúi chào một loạt, và tiếng vỗ tay vang rộn từ mọi góc. Patrick còn ẩy tôi lên trước những diễn viên kia để tôi có thể cúi chào riêng. Tôi nghĩ đây là cử chỉ dành cho thành viên mới của đoàn. Khi ấy tôi chỉ nghĩ thật vui biết bao khi mọi người vỗ tay khen tôi, thật vui biết bao khi không có ai trong nhà tôi đến xem tôi diễn vai Rocky, cổ quàng khăn choàng lông chim. Nhất là ba tôi.

Quả thực là tôi bị “lên nòng”, nhưng đó là khi ở bãi đậu xe của quán Big Boy.

Lúc đó Mary Elizabeth mời tôi đi dự vũ hội Sadie Hawkin, sau khi ngỏ lời khen: “Cậu mặc bộ này trông thật bảnh.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3