Phía Tây Không Có Gì Lạ - Chương 10 - Phần 2

Đến lần sau, cô y tá quay lại, tôi nhịn thở và dồn cả hơi lên mặt. Mặt phình ra và đỏ nhừ lên. Cô y tá đừng lại:

- Anh đau à? - Tôi rên lên:

- Phải, bất thình lình đau đấy.

Cô ta đưa cho tôi cái nhiệt kế rồi đi ra chỗ khác.

Nếu tôi không biết xoay xở ra sao thì quả không xứng là học trò của Cát. Loại nhiệt kế này cũng đến chào thua những gã lính có kinh nghiệm. Chỉ đơn thuần có việc làm thế nào cho thuỷ ngân lên thôi; rồi thuỷ ngân dừng yên trong cái ống nhỏ, không xuống nữa.

Tôi đặt nhiệt kế vào nách nhưng để lộn ngược và nghiêng về một phía, rồi tôi lấy ngón tay chà xát mãi vào nó. Sau đó tôi lắc lắc phía trên. Thế là được 37,9.

Nhưng cũng vẫn chưa đủ. Một que diêm để gần một cách khéo léo là có ngay 38,7.

Khi cô y tá trở lại, tôi thở mạnh, tôi nấc lên từng hồi, tôi nhìn cô ta trừng trừng, tôi trằn trọc dữ dội và nói thều thào: “Không chịu được nữa rồi...” Cô ta ghi tên tôi vào một tờ giấy. Tôi biết chắc chắn nếu không cần thiết, không khi nào người ta tháo chỗ băng bó của tôi ra đâu.

Thế là An be và tôi, cả hai đứa cùng được khiêng xuống.

Chúng tôi nằm trong một nhà thương đạo, cùng phòng với nhau. Thật là tốt số, vì các nhà thương đạo nổi tiếng về thuốc men cẩn thận và ăn uống tử tế.

Chuyến tàu của chúng tôi xếp người vào đầy các phòng; trong bọn chúng tôi, có nhiều người bị nặng.

Người ta không thăm bệnh chúng tôi ngay hôm ấy, vì số thầy thuốc quá ít. Trong hành lang, những chiếc xe mặt phẳng bánh cao su đi đi lại lại không ngừng, bao giờ cũng có người ở trong. Nằm dài ra như vậy thật là khó chịu, chỉ trừ khi người ta ngủ thiếp đi thì không kể.

Bàn đêm rất huyên náo. Chẳng ai ngủ được. Gần sáng, chúng tôi mới chợp mắt nổi một lúc. Tôi thức dậy lúc trời sáng. Cửa để ngỏ và tôi nghe thấy những tiếng người từ hành lang đưa vào. Mọi người cũng dậy cả. Một người trong bọn đã đến đây được mấy ngày giảng cho chúng tôi nghe: “Ở trên gác này, sáng sáng, các bà xơ cầu kinh. Các bà ấy gọi là buồi cầu kinh sáng. Các bà ấy để cửa mở như vậy là cốt cho các cậu cũng được hưởng phần đấy.”

Tất nhiên ý định ấy tốt, nhưng xương cốt và đầu óc chúng tôi đang nhức nhối khó chịu.

- Sao mà ngu ngốc thế. - Tôi nói. - Người ta vừa mới chợp mắt được một tí.

- Ở đây là những bệnh nhân không nặng mấy, nên các bà ấy mới làm thế, - Anh ta trả lời.

An be rên rỉ. Tôi phát khùng lên và hét tướng:

- Ngoài kia, im đi nhá!

Một phút sau, một bà xơ vào. Trong bộ quần áo đen trắng, bà ta giống như những cái chụp xinh xinh mà người ta thường chụp bình cà phê để giữ cho nó nóng.

- Xơ đóng giúp cho cái cửa, xơ ạ! - Một người nói.

Chúng tôi đang cầu kinh, nên mới để cửa mở chứ, - Bà ta cãi lại.

- Nhưng chúng tôi còn muốn ngủ nữa...

- Cầu nguyện tốt hơn ngủ (Bà ta đứng đó và mỉm cười hiền lành). Hơn nữa đã bảy giờ rồi.

An be lại rên rỉ.

- Đóng cửa lại! - Tôi quát lên.

Bà ta sững sờ cả người; rõ ràng là bà ta không thể ngờ đến một thái độ như thế.

- Nhưng chúng tôi cầu nguyện cho cả các anh đấy chứ.

- Không cần, cứ đóng cửa lại đi!

Bà ta đi khỏi và cứ để cái cửa mở như cũ. Tiếng cầu kinh lại vang lên. Tôi phát điên lên và nói:

- Tôi đếm đến ba, nếu không im đi là tôi ném đấy!

- Cả tớ cũng thế, - Một cậu khác tuyên bố.

Tôi đếm đến năm. Rồi tôi với một cái chai, nhắm và ném qua cửa ra hành lang. Cái chai vỡ tan tành.

Tiếng cầu kinh ngừng lại. Các bà xơ rầm rầm chạy vào, có vẻ bực mình thực sự.

- Đóng cửa vào! - Chúng tôi hét lên.

Các bà ấy rút lui. Cái bà nhỏ nhắn lúc nãy đi ra sau cùng.

- Quân vô đạo? - Bà ta càu nhàu; nhưng dẫu sao bà ấy cũng khép cửa lại.

Thế là chúng tôi thắng.

Buổi trưa, viên giám đốc nhà thương đến, ông ta mắng chúng tôi như tát nước. Ông ta dọa sẽ tống chúng tôi đi pháo đài và còn hơn thế nữa. Nhưng một viên giám đốc nhà thương cũng như một viên giám đốc sở binh lương, dù có đeo một thanh kiếm dài và đôi ngũ vai chăng nữa, rút cục cũng chỉ là một công chức, và vì thế, chẳng ai sợ ông ta cả, ngay một chú lính mới cũng vậy. Cho nên, chúng tôi cứ mặc ông ta nói. Chẳng đi đến đâu mà lo.

- Ai ném cái chai? - Ông ta hỏi.

Trước khi tôi nghĩ xem có nên nhận hay không, thì có một người lên tiếng:

- Chính tôi.

Một người có bộ râu rậm rì nhỏm dậy.

- Chúng tôi lấy làm lạ, tự hỏi sao cái anh này lại nhận như thế.

- Anh hả?

- Phải, tôi bực mình vì người ta phá giấc ngủ của chúng tôi một cách vô ích, tôi mất bình tĩnh đến nỗi không biết là mình làm cái gì nữa.

Anh ta nói như trong sách.

- Tên anh là gì?

- Giô dép Hamasơ, dân vệ.

Viên giám đốc đi khỏi.

Ai cũng tò mò muốn hiểu.

- Tại sao cậu nhận, sự thực cậu có ném đâu?

Anh ta cười khẩy.

- Không hề gì cả. Mình có cái “giấy phép đi săn.”

Thế là ai cũng hiểu ngay. Nếu anh ta có giấy phép đi săn, anh ta có thể muốn làm gì thì làm.

- Phải, - Anh ta kể, - Mình bị một phát vào đầu, họ đã cấp cho mình một cái giấy chứng nhận là có những lúc mình không bị trách nhiệm. Từ đó, mình cứ việc thả cửa. Không ai được phép trêu tức mình cả. Vì vậy chẳng ai làm quái gì được mình. Thằng khỉ ấy thế nào rồi cũng bị một vố. Mình nhận là chính mình đấy, vì mình rất thú cái chuyện om sòm ấy. Nếu sáng mai, các bà ấy còn mở cửa, chúng mình lại tái diễn.

Chúng tôi khoái quá. Có Giô dép Hamasơ ở đây, chúng tôi tha hồ làm mưa làm gió.

Rồi những chiếc xe mặt phẳng lặng lẽ đến chở chúng tôi đi.

Băng quấn vết thương của chúng tôi dính chặt.

Chúng tôi rống lên như bò mộng.

Phòng chúng tôi có tám người. Bị thương nặng nhất là Petơ, tóc xoăn và đen nhánh: nó bị một viên đạn vào phổi thật là rầy rà.

Phăng Va tơ nằm cạnh Petơ, gầy tay, lúc đầu không đến nỗi gay lắm. Nhưng sang đến ngày thứ ba, nó gọi chúng tôi, nhờ bấm chuông hộ vì nó tưởng mất hết máu đến nơi.

Tôi bấm chuông ầm lên. Bà xơ thường trực không đến. Đêm qua chúng tôi đã hành hạ bà ấy dữ quá, vì chúng tôi đều thay băng nên đau tợn. Anh này muốn đặt chân như thế này, anh kia như thế khác, anh thứ ba đòi nước, anh thứ tư bắt kê cao cái gối; bà cụ to béo cuối cùng phải phát cáu lên và đóng sập cửa lại.

Có lẽ bây giờ bà ta cho rằng lại cũng thế thôi, nên bà ta không đến.

Chúng tôi đợi. Rồi Phăng nói:

- Cứ bấm chuông nữa đi.

Tôi bấm chuông. Bà xơ vẫn không đến. Ở gian đầu trong căn nhà của chúng tôi, ban đêm chỉ có một bà xơ thường trực, có lẽ bà ta đang bận trong những phòng khác chăng.

Tôi hỏi:

- Phăng, cậu có chắc là cậu đang chảy máu không? Nếu không, chúng mình xin một ít thuốc cảm cũng được.

- Mình ướt đẫm cả. Có ai bật hộ cái đèn lên không?

- Chịu. Cái bật đèn ở gần cửa, không ai đứng dậy được. Tôi ấn ngón tay lên cái núm chuông đến nỗi tê cả tay đi. Có lẽ bà xơ ngủ chăng. Thực vậy, các bà ấy phải làm việc nhiều quá, các bà ấy đều bị mệt quá sức, ngay cả ban ngày cũng vậy. Chưa kể đến cầu nguyện liên miên.

- Có nên ném chai không? - Giô dép Hamasơ con người có giấy phép săn lên tiếng.

- Đến chuông còn chả nghe thấy, huống chi là chai.

Cuối cùng, cửa mở. Bà cụ vào với một vẻ cáu kỉnh. Nhưng khi bà ta thấy tình trạng của Phăng, bà ta sốt sắng ngay và hỏi:

- Tại sao không báo cho tôi biết ngay?

- Chúng tôi bấm chuông rồi đấy chứ. Ở đây chả ai đi được. Phăng bị mất nhiều máu, người ta quấn băng ngay cho nó. Vừa mới đêm trước nó còn có vẻ khỏe khoắn, thế mà sáng hôm sau, chúng tôi thấy mặt nó vàng vọt hốc hác hẳn đi. Từ lúc ấy, các bà xơ đi lại thăm nom nhiều hơn trước.

Nhiều khi cũng có các bà phụ tá hồng thập tự.

Các bà ấy tốt lắm, nhưng đôi khi hơi vụng về. Có lúc chuyển giường cho ai, các bà ấy làm người ta đau, thấy vậy các bà ấy hoảng lên, lại càng làm cho người ta đau hơn nữa.

Các bà xơ có kinh nghiệm hơn, biết cách thức làm ăn hơn, nhưng giá các bà ấy vui tính hơn một chút thì hay quá. Nói của đáng tội, một vài bà cũng dí dỏm đáo để, có khi làm đến tức cười lên kia. Ai mà chẳng cố sức làm vừa lòng bà xơ Libéctin, người đàn bà đáng mến phục ấy; từ xa, người ta đã trông thấy bà tỏa nguồn vui ra khắp cả căn gác. Cũng có nhiều người được như bà. Thấy chúng tôi có thể nhảy vào chỗ nước sôi lửa bỏng vì các bà ấy. Quả là không còn kêu ca vào đâu được, vì chúng tôi được các bà xơ đối đãi hệt như đối với dân thường. Nếu đem nhà thương trong trại lính so sánh với nhà thương này, người ta phải phát khiếp.

Phăng Va tơ không đỡ mấy. Một hôm người ta đến mang nó đi và không thấy nó trở lại nữa. Giô dép Hamasơ hiểu ngay.

Chúng mình chẳng bao giờ trông thấy nó nữa đâu. Họ đã chuyển nó đến phòng chết.

- Phòng chết nào? - Cốp hỏi.

- Ấy cái phòng cho người ta chết ấy mà...

- Nó ở đâu?

- Cái phòng bé tí ở một xó trên gác ấy mà. Người nào sắp tử là họ mang vào đấy. Có hai cái giường. Ai mà chả biết nó là cái phòng chết.

- Nhưng tại sao họ làm thế?

- Vì sau đó, bớt được việc đi. Hơn nữa, lại thuận tiện vì nó ở sát ngay thang máy đưa xuống nhà xác; họ làm thế có lẽ để cho bệnh binh trong các phòng khỏi chết khiếp vì trông thấy cảnh hấp hối của người khác. Cuối cùng là người ta có thể trông nom cẩn thận hơn khi chỉ có một người.

- Nhưng còn chính cái thằng sắp chết thì sao?

Giô dép nhún vai.

- Thường thì lúc ấy nó cũng chẳng còn biết quái gì nữa.

- Ai cũng biết cái phòng chết chứ?

- Tất nhiên, bất cứ ai ở đây ít lâu mà chả biết.

Buổi chiều, giường của Phăng Va tơ lại có người nằm. Được vài ngày, người ta lại mang gã mới đến này đi. Giô dép phẩy tay một cái đầy ý nghĩa. Chúng tôi còn thấy nhiều người đến rồi lại đi như thế.

Thỉnh thoảng, cha mẹ bệnh nhân đến ngồi cạnh giường khóc lóc, nói khe khẽ có vẻ lo lắng lắm. Một bà cụ không muốn đứng dậy nữa, nhưng bà có được ngồi suốt đêm ở đây đâu. Sáng hôm sau, bà lại đến thật sớm, nhưng cũng vẫn chậm quá rồi, vì khi bà cụ đến bên giường, thì đã có người khác nằm rồi. Bà cụ phải xuống nhà xác. Bà cụ cho chúng tôi những quả táo mà cụ đã đem đến.

Cả cái anh chàng Petơ cũng mệt nặng hơn. Biểu đồ nhiệt độ của nó cứ lên mãi, và một hôm, chiếc xe mặt phẳng nhẹ nhàng kia đã đến bên giường nó.

- Đưa tôi đi đâu thế này? - Nó hỏi.

- Đến phòng băng.

Người ta đặt nó lên xe. Nhưng bà xơ đã phạm sai lầm khi đặt bộ quân phục của nó bỏ lên xe, như thế có nghĩa là bà ta không phải quay lại nữa. Petơ hiểu ngay, nó nhất định trườn ra khỏi xe.

- Tôi ở lại đây cơ!

Người ta giữ chặt nó lại. Nó kêu lên, giọng phều phào qua lá phổi bị thương:

- Tôi không đến phòng chết dâu?

- Nhưng chúng ta đến phòng băng cơ mà?

- Thế tại sao các người động đến bộ quân phục của tôi? Nó không nói được nữa. Nó thì thầm bằng cái giọng khàn khàn và bực bội.

- Tôi ở lại đây cơ!

Người ta không trả lời nó nữa và cứ mang đi.

Ra đến ngoài cửa, nó toan vùng dậy. Cái đầu xoăn tít và đen nhánh run lên bần bật, mắt nó đẫm lệ.

- Tôi sẽ trở lại, tôi sẽ trở lại, - Nó thét lên.

Cửa khép lại. Tất cả chúng tôi hết sức xúc động nhưng mọi người đều im lặng.

Cuối cùng Giô dép nói:

- Nhiều người đã nói thế. Nhưng đã đến đấy thì đừng hòng thoát.

Tôi đã bị mổ và nôn mửa mất hai ngày ròng rã.

Mấy cái xương của tôi không chịu liền lại, gã thư kí của bác sĩ bảo thế. Có một anh khác xương đã liền rồi nhưng lại không đúng chỗ, đành phải đập xương ra bó lại. Thật là tội.

Trong số những người mới đến, có hai cậu lính trẻ, chân thuỗn (Bàn chân hơi thẳng ra, do biến dạng của xương bàn chân). Trong lúc khám, lão bác sĩ quân y nhận thấy và lão ta dừng ngay lại, có vẻ mừng rỡ lắm.

- Chúng tôi sẽ nắn lại cho, - Lão ta nói. - Chỉ một phẫu thuật nhỏ là các cậu đi lại như thường thôi. Nào xơ, viết đi.

Khi lão ta đi khỏi, Giô dép vốn là thổ công ở cái bệnh viện này, nhắc hai cậu kia phải coi chừng.

- Các cậu chớ để mổ đấy nhé. Lão già ấy có cái máu nghiện làm thí nghiệm đấy. Khi lão ta tóm được ai như thế là lão không buông tha đâu. Lão ta mổ chân thuỗn cho các cậu và dĩ nhiên là chân các cậu không thuỗn nữa, nhưng trái lại, chân các cậu sẽ què và suốt đời các cậu phải chống gậy đấy.

- Vậy làm thế nào bây giờ? - Một cậu hỏi.

- Cứ nói thẳng là không mổ, các cậu đến đây để chữa các vết thương chứ có phải để chữa chân thuỗn đâu. Ở mặt trận, dễ chân các cậu không thuỗn đấy? Các cậu thấy đấy, bây giờ các cậu còn chạy được, nhưng hễ vào tay lão ta thì chỉ có què thôi. Lão ta cần những đề tài thí nghiệm; với lão ta cũng như với bọn thầy thuốc, chiến tranh là một thời kì tuyệt diệu. Các cậu nhìn dưới kia thì biết, ở phòng thuốc, hơn chục cậu bị lão ta mổ còn lê lết ra đấy. Có nhiều cậu ở đấy hàng năm rồi. Chẳng một ai đi đứng khá hơn trước; đa số chân phải bó bột. Thật là lợn lành chữa thành lợn toi? Cứ sáu tháng lão ta lại tóm lấy con nhà người ta để đập xương ra một lần nữa, mồm cứ xoen xoét lần này thì khỏi hẳn đây. Các cậu phải coi chừng đấy; nếu các cậu không đồng ý, là lão ta không có quyền làm đâu.

- Nhưng, anh bạn ơi, - Một trong hai cậu lính nói bằng một giọng chán chường, - Thà cái chân còn hơn cái đầu. Cậu có biết nếu lại ra ngoài ấy thì thế nào không? Kệ cho họ muốn làm gì tớ thì làm, miễn là tớ được về nhà. Què còn hơn chết.

Còn cậu kia, một gã trẻ tuổi như chúng tôi không muốn mổ. Sáng hôm sau, lão già gọi cả hai cậu xuống, lão dọa già dọa non kì cho cả hai phải thuận mới thôi. Họ biết làm thế nào được? Họ chẳng qua là những anh lính quèn khốn khổ, còn lão ta lại là một người có quyền thế. Người ta khiêng hai cậu lính về, chân bó bột và bị đánh thuốc mê.

Bệnh tình An be trầm trọng. Người ta đến mang nó đi để cưa chân.

Nó bị cưa cả cái chân. Bây giờ, nó hầu như không nới không rằng gì nữa, nhưng nó đã bảo lúc nào nó vớ được khẩu súng lục là nó tự tử ngay.

Lại một chuyến nữa đến. Phòng chúng tôi nhận thêm hai người mù. Một trong hai người là một nhạc sĩ rất trẻ. Khi các bà xơ cho nó ăn, không bao giờ'các bà ấy đem dao đến vì có lẩn nó đã giằng được một con dao của một bà. Mặc dầu đã đề phòng như vậy mà vẫn có chuyện xảy ra. Buổi tối, trong bữa ăn, bà xơ đang cho nó ăn có việc phải chạy đi chỗ khác; bà ta để cái vớ da và cái nĩa trên bàn ăn. Thế là gã mù sờ soạng tìm được cái nĩa, dùng hết sức đâm thẳng vào ngực; rồi nó vớ lấy một chiếc giày, đập lia lịa vào chuôi nĩa. Chúng tôi kêu cứu, phải ba người mới nhổ được cái nĩa ra. Những răng nĩa cùn cắm sâu vào ngực. Suốt đêm nó chửi bới chúng tôi, làm chúng tôi không ngủ được. Sáng hôm sau, nó lên một cơn khóc dữ dội.

Những cái giường lại vắng đi. Ngày lại ngày trôi qua giữa bao nhiêu đau đớn và lo âu, giữa những tiếng rên rỉ và những cơn thở dốc. Những phòng chết chẳng còn được việc lắm nữa. Chúng có quá ít, ban đêm bệnh nhân chết ngay trong phòng chúng tôi. Nhanh hơn cả sự tính toán của các bà xơ.

Nhưng một hôm, cánh cửa mở ra đột ngột, chiếc xe mặt phẳng tiến vào và chúng tôi thấy trên cáng, anh chàng Petơ xanh rớt, gầy guộc, cái đầu đen xì, xoăn tít, lởm chồm; nó ngồi nhỏm dậy với một vẻ đắc thắng. Bà xơ Libéctin, nét mặt hân hoan rạng rỡ, đưa nó đến giường cũ. Nó từ phòng chết trở lại. Chúng tôi tưởng nó đi đứt từ lâu rồi.

Nó nhìn xung quanh rồi hét lên:

- Thế các cậu bảo sao nào?

Chính Giô dép cũng phải thú nhận rằng đó là lần đầu tiên anh ta thấy như vậy.

Dần dần, vài ba người trong bọn chúng tôi được phép đứng dậy. Người ta phát cho tôi một đôi nạng để đi lại loanh quanh dăm ba bước. Nhưng tôi không dùng nhiều. Tôi không chịu được cái nhìn của An be, khi nó thấy tôi đi lại trong phòng. Lúc nào nó cũng nhìn tôi bằng con mắt lạ lùng làm sao? Vì thế đôi lúc tôi lẻn ra hành lang. Ở đấy, tôi có thể cử động được tự do hơn.

Tầng dưới là những người bị thương vào bụng, vào xương, bị đạn vào đầu và những người cưa cả hai chân. Dãy nhà bên phải là những người bị thương ở hàm, những người bị hơi ngạt, những người bị thương ở mũi, ở tai, ở cổ. Dãy nhà bên trái là những người mù, những người bị thương vào phổi, vào háng, vào khớp xương, vào thận, dạ dày và các bộ phận khác. Chính ở đây, người ta mới thấy rõ ràng một con người có thể bị thương vào những chỗ nào.

Hai bệnh nhân chết vì bệnh uốn ván. Màu da xỉn lại tứ chi cứng đờ, chỉ đôi mắt là còn sinh khí; sự sống bám lấy đôi mắt lâu hơn cả. Nhiều người bị thương phải treo cái chân đau lên không trung bằng một thứ thòng lọng. Dưới vết thương để một cái chậu, mủ nhỏ giọt vào đấy. Cứ vài ba giờ, người ta lại đổ chậu đi. Có người lại nằm với một dụng cụ kéo căng người ra và những quả tạ nặng trĩu từ trên giường thả xuống. Tôi thấy những vết thương ở ruột lúc nào cũng đầy phân. Gã thư kí của bác sĩ cho tôi xem những phim chụp xương háng, xương đầu gối, xương vai bị dập gãy vụn cả ra.

Người ta không thể hiểu nổi sao ở những thân hình tàn phế đến thế mà vẫn còn những bộ mặt con người và cuộc sống vẫn trôi bình thường trên những khuôn mặt ấy. Vậy mà đây mới chỉ là một trung tâm y tế mà thôi. Có hàng chục vạn trung tâm như thế ở nước Đức, hàng chục vạn trung tâm như thế ở nước Pháp, ở nước Nga. Có những cảnh như thế này thì tất cả những điều bấy lâu nay người ta viết ra, làm ra, hoặc suy nghĩ, thật là vô ích biết bao. Nếu nền văn hóa hàng ngàn năm không thể ngăn ngừa những suối máu như thế đổ ra và lại có hàng chục vạn cảnh tù ngục thống khổ như thế này thì tất cả những cái viết ra, làm ra, nghĩ ra ấy nhất định chỉ là bịp bợm và vô nghĩa. Chỉ có bệnh viện mới chỉ rõ được hết chiến tranh là gì.

Tôi còn trẻ lắm, mới hai mươi tuổi đầu, thế mà chỉ thấy trên đời toàn những cảnh tuyệt vọng, buồn phiền, chết chóc, xô đẩy những cuộc sống hời hợt nhất và vô tư nhất xuống vực thẳm của đau thương.

Tôi thấy các dân tộc bị xô đẩy vào cảnh chống đối nhau, chém giết nhau mà chẳng nói gì, chẳng hiểu gì. Hành động một cách điên cuồng, ngoan ngoãn, ngây thơ. Tôi thấy những bộ óc thông minh nhất của nhân loại đã phát minh ra những lí lẽ, những vũ khí để cho cái trò này diễn ra tinh vi hơn nữa, dai dẳng hơn nữa.

Và tất cả những người vào lứa tuổi tôi, ở đây và ở phía bên kia, trên khắp thế giới, đều nhận thấy như tôi; đó là cuộc sống của thế hệ tôi, cũng như cuộc sống của chính tôi. Các bậc cha anh của chúng tôi sẽ làm gì nếu một ngày kia chúng tôi đứng dậy, đến trước mặt các người và đòi tính sổ? Các người mong đợi gì ở chúng tôi khi chiến tranh kết liễu. Hàng mấy năm trời chúng tôi chỉ có việc giết người, đấy là cái nghề nghiệp đầu tiên của chúng tôi khi bước vào đời sự hiểu biết về cuộc sống của chúng tôi rút lại chỉ còn là cái chết. Rồi sau sẽ thế nào? Và chúng tôi sẽ ra sao?

Người nhiều tuổi nhất phòng chúng tôi là Lêvanđôpxki. Anh ta bốn mươi tuổi, nằm nhà thương đã mười tháng nay vì một vết thương nặng ở bụng.

Chỉ có vài tuần nay anh ta mới đi lại được mấy bước, chân khập khiễng, người cúi gập xuống. Mấy ngày gần đây anh ta rất bồn chồn. Từ cái nơi hang cùng ngõ hẻm ở bên Ba Lan, vợ anh mới viết thư cho anh là chị ta đã có đủ tiền tàu để tới thăm anh. Chị đang trên đường đi và ngày một ngày hai sẽ đến. Lêvanđôpxki ăn chẳng biết ngon nữa. Anh ta chỉ nhấm nháp qua loa vài miếng rồi cho người khác cả khẩu phần dồi lợn nấu bắp cải đỏ của anh. Tay cầm lá thư, anh ta đi đi lại lại không ngừng ở trong phòng; chúng tôi đứa nào cũng đọc cái thư ấy đến chục lần; những cái tem đã bị ngắm nghía không biết bao nhiêu lần mà kể nữa, chữ viết chỉ còn lờ mờ vì những vết mỡ và những vết ngón tay; thật là tai hại, Lêvanđôpxki lên cơn sốt, lại phải đi nằm. Hai năm rồi, anh ta chưa gặp vợ. Trong thời gian ấy, chị ta đẻ một đứa con và sẽ mang nó đến đây. Nhưng Lêvanđôpxki đang bận tâm vì một cái khác. Anh ta tính xin phép ra ở bên ngoài trong thời gian vợ đến thăm; vì rõ ràng là gặp nhau thì rất tốt, nhưng sau một thời gian dài như thế, khi gặp lại vợ, nếu có thể, người ta còn muốn cái khác nữa chứ.

Lêvanđôpxki đã bàn bạc với chúng tôi hàng giờ về chuyện này, vì trong đời con nhà lính chẳng có cái gì phải giấu giếm cả. Vả lại, chẳng ai nói gì cái đó cả.

Những người trong bọn tôi đã đi ra ngoài được đều mách cho anh ta những chỗ thuận tiện trong thành phố, những bãi cỏ, những vườn hoa mà anh ta sẽ không bị quấy rầy, có người lại mách cho cả một căn phòng nhỏ nữa.

Nhưng tất cả có ích gì? Lêvanđôpxki nằm đây với biết bao là thắc mắc. Nếu anh ta phải nhịn cái khoản ấy thì trên đời còn có cái gì làm cho anh thích thú nữa. Chúng tôi an ủi anh ta và hứa hẹn là sẽ tìm được cách để thu xếp công việc.

Chiều hôm sau, chị vợ đến, một người đàn bà loắt choắt, đôi mắt vừa long lanh, vừa sợ sệt như mắt chim sẻ; chị ta đội cái khăn đen có dải buộc, vừa trùm đầu, vừa quấn cổ. Có trời biết chị ta tìm ở đâu ra được cái thứ khăn cổ lỗ sĩ ấy.

Chị ta lắp bắp khe khẽ câu gì đó và đứng thập thò ngoài cửa. Thấy những sáu người, chị ta phát hoảng.

- Này! em Maria, - Lêvanđôpxki nói, tưởng chừng cổ họng anh ta bị tắc lại, - Em cứ vào, có ai làm gì đâu mà sợ.

Chị ta vào bắt tay chúng tôi từng người một. Rồi chị chìa đứa bé ra, lúc ấy nó vừa bậy ra tã. Chị ta mang theo một cái bị to, thêu hạt cườm, chị ta lấy ra một cái tã sạch, nhanh nhẹn quấn lại cho đứa bé.

Bây giờ đã hết cái phút lúng túng ban đẩu và hai vợ chồng bắt đầu nói chuyện.

Lêvanđôpxki rất bứt rứt; anh ta luôn nhìn về phía chúng tôi, đôi mắt trố ra có vẻ rất là đau khổ.

Thời cơ lúc ấy thuận lợi; bác sĩ vừa đến thăm xong; nhiều lắm là chỉ có một bà xơ tạt qua phòng nữa thôi. Vì vậy một đứa trong bọn tôi ra ngó bên ngoài tí xem sao. Nó quay vào và gật đầu nói: “Chẳng có đứa chết bầm nào cả. Này Giôhan, bảo chị ấy đi và làm luôn đi!” Hai vợ chồng trao đổi với nhau bằng cái kiểu riêng của họ. Chị vợ nhìn chúng tôi, hơi đỏ mặt và ngượng nghịu, chúng tôi mỉm cười, có vẻ hiền lành chất phác và gạt tay ra hiệu là cái chuyện ấy chẳng chết ai cả. Vất mẹ nó tất cả thành kiến đi! Thành kiến chỉ dùng cho lúc khác thôi. Đây là anh thợ mộc Giôhan Lêvanđôpxki đang nằm, một người lính bị một phát đạn làm cho tàn phế, và đây là vợ anh ta; ai biết bao giờ anh ta được gặp lại vợ? Anh ta muốn chị ta, vậy thì phải để anh được, chuyện thật là đơn giản.

Hai đứa đứng ngoài cửa để ngăn các bà xơ lại và bám lấy các bà ấy nếu bất chợt các bà ấy đến. Chúng nó đứng gác vào khoảng mười lăm phút.

Lêvanđôpxki chỉ nằm nghiêng được thôi; vì vậy chúng tôi kê thêm cho anh ta vài cái gối phía dưới lưng. An be ẵm đứa bé, rồi chúng tôi quay đi một phút; cái khăn đen thụt vào trong chăn, chúng tôi vừa đánh bài Soát vừa nói rõ to đủ mọi thứ chuyện. Thế là ổn cả. Tôi phải một ván bài xấu quá. Cho nên chúng tôi gần như quên khuấy Lêvanđôpxki.

Một lúc sau, đứa bé khóc inh lên, mặc dầu An be vẫn đu đưa nó một cách nhịp nhàng với vẻ mặt thất vọng. Sau đó, chúng tôi nghe thấy những tiếng sột soạt những tiếng động khe khẽ, rồi bất chợt chúng tôi nhìn lại thì đã thấy đứa bé lại nằm trong tay mẹ nó, mồm ngậm vú cao su rồi. Thế là vui vẻ cả.

Lúc này, chúng tôi cảm thấy như một đại gia đình; chị vợ trông tươi như hoa, còn Lêvanđôpxki nằm trên giường, toát cả mồ hôi và rất là hớn hở.

Anh ta cởi cái bị thêu ra; những khúc dồi lợn xinh xinh xuất hiện. Lêvanđôpxki cầm con dao như cầm bó hoa, cắt thịt thành từng miếng. Anh ta giang rộng tay chỉ chúng tôi và chị vợ loắt choắt đi từ người này đến người kia, vừa mỉm cười vừa phân phát cho mỗi người một phần; lúc này trông chị ta sao mà đẹp thế.

Chúng tôi gọi chị ta là “mẹ”; chị ta sung sướng và kê lại gối cho chúng tôi.

Vài tuần sau đó, sáng nào tôi cũng đến viện Danđơ. Ở đây, người ta cột chân tôi thật chặt lại rồi người ta bắt nó làm những động tác thích hợp. Tay tôi đã khỏi từ lâu. Lại có nhiều chuyến từ mặt trận về. Không có băng quấn bằng vải nữa, mà toàn bằng giấy nhiễu trắng. Ở ngoài ấy dạo này rất thiếu bông băng.

Cái chân cụt của An be đã khá nhiều. Vết thương ngậm miệng gần hết. Vài tuần nữa, nó sẽ đến một trung tâm lắp chân gỗ. Nó vẫn ít nói, có vẻ trầm lặng hơn trước rất nhiều. Nhiều khi đang nói chuyện, nó bỗng im bặt và nhìn trừng trừng trước mặt. Nếu không ở với bọn tôi, có lẽ nó đã kết liễu đời nó từ lâu rồi. Nhưng bây giờ nó đã qua được giai đoạn gay go nhất rồi. Đôi lúc nó cũng xem chúng tôi đánh bài Soát. Tôi được một kì nghỉ phép dưỡng bệnh.

Mẹ tôi không muốn để tôi đi nữa. Mẹ tôi yếu quá rồi?

Tình hình gay go hơn chuyến trước nhiều.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3