Đảo chìm - Phần I - Chương 02 - 03
02 – HÒN ĐẢO KÌ LẠ
Cậu lính trẻ vỗ vai tôi, nói nhỏ:
– Tới đảo rồi. Anh chuẩn bị vào đảo nhé!
Tôi cuộn vội võng bạt. Rồi thì ớ ra, cứ ngỡ mình nghe nhầm. Nhưng con tàu đã quá quen sóng gió, luồng lạch biển cả này thì không thể nhầm được. Nó đang òng ọc buông neo. Sau lưng tôi, trên mặt boong ướt nhoẹt, ngổn ngang những xích sắt, thừng chão, mấy cậu lính trẻ đang nhí nhóp bơm cái xuồng cao-su. Tôi đưa mắt lục lọi bốn phía trời, vẫn chẳng thấy gì hết ngoài một đại dương nước đen ngầu, chảy vật vã dưới vòm mây hoang vu, khô héo. Đảo đâu?
– Kia kìa. Nó đấy! Chính cu cậu đấy!
Cậu lính nói khào khào, rồi vung tay, chỉ lên... lưng chừng giời. Ở đó, một đàn chim bay loạn xạ. Những con chim đen kít, trông như những nắm giẻ rách mà một gã tàng hình quái quỷ nào đó, cứ nhắm tịt mắt, rồi ném loạn xạ lên thinh không. Dưới bầy chim, biển đen sẫm ánh lên một dải nước xanh ệnh như màu lá mạ. Trên quầng xanh rờn rợn ấy, xập xoè một lều bạt. Cái lều hoang sơ, ngơ ngẩn như lều vịt mà ông chủ đãng trí nào đó đã bỏ quên trên cánh đồng đang cày vỡ. Mái lều trũng xuống vì phân chim. Những vệt phân lâu ngày trắng xoá. Những vệt phân tươi nâu sậm, lác đác có cả những vệt đỏ nhờ, trang điểm cho mái lều một vẻ đẹp sặc sỡ đến quái đản. Đảo đấy! Nó là cái dải nước xanh phơn phớt nằm dưới chân lều bạt. Thế mà trong sách báo, cả sách khoa học, sách địa lí dành cho giới học đường, người ta lại định nghĩa: Đảo là một khoảng đất nhô lên giữa biển khơi, bốn xung quanh là sóng gió, mây nước. Bịa! Toàn là bịa! Làm gì có chuyện hoang đường như thế, hả các nhà khoa học? Xin các ngài hãy nhìn một sự thật đang lồng lộng hiện ra ở phía trước mặt kia kìa! Cứ tưởng các vị lúc nào cũng chính xác, cũng tỉnh queo như sáo tắm. Ai dè các bố cũng mơ mộng, cũng nói rặt những chuyện tưởng tượng. Đã thế lại còn đàn sáo văn thơ...
03 – CHIM BIỂN
Khi tôi lập cập bám thang dây leo được lên lều bạt, người mừng nhất, mừng ra mặt là một cậu lính trẻ mà sau này tôi mới biết là Hai. Trần Văn Hai, một thi sĩ lừng danh ở xứ đảo chìm. Hai trố con mắt thạch sùng nhìn tôi:
– Đúng ông anh thật à? Kinh nhỉ! Em không thể tưởng tượng được! Em cứ ngỡ ông anh khác kia. Ai ngờ lại xù xì thế này. Kinh thật!
– Kinh à?
– Vâng! Em nói ông anh đừng tự ái nhé! Trông ông anh cứ ùng ục như cái lão đào huyệt. Kinh bỏ bà! Thế mà trước đây, em cứ tưởng thi sĩ bao giờ người cũng mảnh mai, đôi mắt lúc nào cũng mơ màng, trầm uất và buồn thăm thẳm!
– Thì cậu cũng là thi sĩ mà cậu cũng có mảnh mai đâu nào?
– Em là thi sĩ đểu! Chúng nó gọi thi sĩ là gọi đểu đấy!
Hai bỗng đỏ bừng mặt. Cậu ta quẳng cái ba-lô của tôi lên tầng giường cao nhất, rồi khẽ xuýt xoa như húp phải bát cháo nóng:
– Anh nằm giường này nhé. Đây là cái giường của thằng Thiêm. Đồ đạc của nó kia. Anh quản luôn cho nó. Cứ coi như cái giường này của anh.
– Thiêm nó về phép à?
– Không! – Hai bùi ngùi. – Nó mất rồi anh ạ! Chắc chắn là mất rồi. Vì chúng em đã lặn lội tìm nó ròng rã hơn tháng trời mà vẫn chẳng thấy. Tội quá, vừa rồi cu cậu lại có thư mẹ. Bức thư nó mong mãi hôm qua mới đến. Nó cứ sợ bà cụ làm sao. Người già như ngọn đèn trước gió, chả biết thế nào. Chúng em vẫn chưa báo tin về gia đình. Bà cụ cứ mong nó về lấy vợ. Thiêm ơi, u đã rấm cho mày một đám rồi đấy. Nhà cũng có sẵn con lợn trong chuồng rồi. Mày cứ về là cưới thôi. Con đừng lo gì cho u. Ở nhà, u cũng còn mớ rau, nải chuối, cũng có đồng ra đồng vào. Con đừng gửi tiền cho u nữa. Nếu chính phủ có cho đồng nào thì con cứ bỏ vào cái hõng cột, tích lại mà cưới vợ, đừng gửi cho u nữa... Khổ, ở đây, tiền như giấy lộn, có dùng được vào việc gì đâu. Mà anh thấy đấy, làm gì có hõng cột...
Giọng Hai nghẹn lại. Đêm ấy, tôi không sao ngủ được, mắt cứ trân trân nhìn lên nóc bạt. Trên đó, chiếc ba-lô của Thiêm cứ đong đưa trong gió. Thỉnh thoảng, đôi đũa tre lại khua leng keng vào cái bát sắt sứt men. Vào những lúc như thế, Hai thường múc một bát nước ngọt đặt lên đầu giường, rồi lặng lẽ chắp tay, vái lên nóc bạt.
– Ông anh ra được đây là rất hay rồi. – Hai nói tuế tóa, như muốn phá bầu không khí trầm lặng đang trùm khắp căn lều. – Cần gì, chúng em xin phục vụ đầy đủ. Bây giờ, ông anh là đại ca. Em chỉ là con tép. Có nhu cầu gì, xin đại ca cứ “quát” nhé! Em chiều tất! Chỉ cần đại ca sản xuất cho em một trăm bài thơ. Em sẽ bán dần cho chúng nó. Cứ là treo báo tường mệt nghỉ!
Chiều xuống dần. Mặt trời đã chìm khuất hẳn sau một bầu nước rùng rùng tím ngắt. Nhưng những đám mây vẫn còn bắt nắng, đi lừng lững trên đầu, rừng rực như những đám cháy lớn. Bầy chim biển đi kiếm ăn về. Chúng kêu oang oác quanh lều. Tiếng kêu hoang vu và tanh lợm mùi cá. Hai lẩm bẩm:
– Đêm nay lại mất ngủ vì bọn giặc trời này đây. Cứ là điếc tai nhức óc!
– Sao vậy? – Tôi ngạc nhiên.
– Vì ông anh mới ra, còn hơi người, nên chúng mới nhao đến làm tình làm tội. Mai, chúng sẽ “khinh” ông anh thôi!
Tôi bàng hoàng. Chẳng lẽ ngày mai, mình không còn hơi người nữa ư?
Thế rồi đúng như lời tiên tri của Hai, hôm sau, bầy chim lảng xa dần, chúng bay chao chát ở phía cuối biển, nơi bãi đá ngầm ánh lên một dải nước xanh nõn. Nhưng đấy là chuyện của ngày hôm sau. Còn bây giờ, lũ chim nhao đến như dã thú. Chúng đánh võng quanh lều, cánh đập loạn xạ và kêu như xé vải. Những con chim cũng lạ. Mỏ khoằm. Chân có màng như chân vịt. Chúng có thể bay trên không như mây và bơi dưới nước như vịt. Hai cái chân thành hai cái bai chèo. Chúng chui vào lều, đẻ cả vào chăn lính. Những quả trứng to hơn trứng ngỗng, vỏ xanh nhờ, lấm tấm những chấm đen. Lính ta thu gom trứng lại, cho vào thùng phuy. Nếu không kịp ăn, chừng ngót tháng sau, những quả trứng đó sẽ tự nở. Chim con tự mổ vỏ trứng mà chui ra, không cần mẹ phải ấp.
Chim ở đây tỏ ra rất khinh người. Hình như chúng tưởng người cũng là một loại chim nào đó. Chúng đứng ngay trên giường người mà chải lông, tỉa tót trang điểm nhan sắc. Có con còn gườm gườm nhìn người thương cảm, như nhìn bầy chim cánh cụt đã già khú ra rồi mà vẫn chửa biết bay.
– Tiếc ở đây, chẳng có hải âu. – Hai tỏ vẻ tiếc rẻ. – Trước đây đọc thơ văn, sách báo, nghe các nhà văn đàn sáo, em cứ tưởng hải âu là bạn của thủy thủ. Hóa nhầm! Hải âu chỉ là bạn của dân thuyền chài thôi. Ngoài khơi xa này, làm gì có hải âu. Hải âu chỉ bay ven bờ, cách bờ chừng trăm cây số là cùng. Vì thế, đối với cánh lính biển chúng em, hải âu là ngọn hải đăng báo hiệu đất liền. Nhìn thấy hải âu là ngửi thấy “mùi” đất liền rồi. Nếu không may, có phải hi sinh trên biển, được thấy bóng hải âu chớp qua mắt trước khi nước khép mặt thì mừng lắm, vì có thể hi vọng những mẩu xương tàn của mình sẽ được sóng táp vào đất liền...
Tôi thoáng rùng mình, chợt nghĩ đến Thiêm. Quả là ghê gớm thật! Có lẽ chẳng có cái chết nào dữ dội như cái chết của người lính biển. Chết rồi mà vẫn chẳng được yên. Cho dù chỉ còn một mẩu xương tàn thì mẩu xương ấy vẫn phải giằng co, vật lộn với sóng gió.
Tôi nhìn mống ra cửa lều bạt. Biển mù mịt sóng. Đúng là ở đây không có hải âu, chỉ toàn ó biển, một loại chim rất dữ tợn. Chúng có thể bay ngược chiều bão. Sợ nhất là khi mót đẻ, có con đỗ ệch cả xuống mái lều. Tấm bạt thùng xuống từng đám lõm chõm, nom quái dị như những nhũ đá trong các vòm hang cổ.
– Biến ngay! Đổ lầu của các bố bây giờ!
Hai giậm chân bành bạch trên sàn lều, rồi quát lên nóc bạt. Mấy “nhũ đá” bỗng rùng rình. Một quả trứng to cộ còn dính những vết máu, trượt lông lốc qua mái bạt, rồi rơi bóp xuống nước.
– Đú đởn lắm vào! Cút!
Hai lại quát lên mái bạt. Rồi cu cậu co tay, thụi tới tấp vào những cái bướu kì dị treo lủng lẳng trên đầu. Bị cú đánh bất ngờ, bầy chim kêu ré lên. Có con không kịp bay, rơi tuệch xuống biển. Chúng đập cánh quàng quạc trên mặt nước, rồi bay chéo qua cửa lều, phả vào mặt tôi một luồng gió hôi mù như hơi chó đẻ...