Đảo chìm - Phần I - Chương 04 - 05
04 – MỘT XỨ SỞ TỰ DO
Ở hòn đảo này quanh năm bì bọp sóng gió. Ngày hai lần nước ộc cả vào lều. Bởi vậy, ở lều đảo này, lại còn có đảo trong đảo nữa. Đó là những khối giường sắt quét sơn trắng chống gỉ. Mỗi người lính “cố thủ” một khối giường. Có đến ba, bốn tầng giường xếp chồng lên nhau. Tầng cuối cùng chọc lên tận nóc bạt. Lính quen gọi là tháp Epphen. Đó là những kì quan thế giới vẫn chìm khuất trong bóng tối bí mật mà loài người còn chưa kịp phát hiện. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên. Sao lắm giường thế? Sau mới hiểu những tầng giường đó dùng cho một người lính chẳng nhiều nhặn gì. Bởi đó là giường chống sóng. Bình thường, sóng bạc đầu lao vèo vèo ngay dưới chân sàn. Thế rồi thủy triều lên. Thoạt tiên là tiếng sóng vỗ chóp chép vào các tấm thanh sắt gầm sàn như bầy lợn bú. Rồi ào một cái, nước ngập mặt sàn. Rồi tầng giường thứ nhất chìm nghỉm trong nước. Lính ôm chăn chiếu lên tầng hai, rồi tầng ba. Nước rút lại tụt xuống. Ai lười, ngại vận động thì cứ ngự luôn trên tận đỉnh giời. Tha hồ ngắm trăng sao mây nước. Nhưng ở đây, ít ngài ngự được ở trên đó lắm. Trên đó tưởng tĩnh, hóa ra lại động. Động bởi mùi phân chim đâu có chịu yên. Thế nên lính cứ trèo lên, tụt xuống hoài hoài. Quanh năm, da thịt ẩm sì. Bởi thế lính ít khi đóng bộ. Thường chỉ vận roỏng rẻng một cái quần đùi, có khi cứ nhông nhênh như thể bà mụ vừa mới nặn. Quần áo lại dính nhớp nháp, ẩm ướt suốt đêm ngày, hóa vướng víu, khó chịu. Mà quần áo là cái quái gì nhỉ? Hai bảo tôi:
– Quần áo là vật xa xỉ phẩm của xã hội, ông anh ạ! – Nói rồi, cu cậu cười tít mắt. – Mình “quàn” trong một đống vải là vì thiên hạ, chứ có phải vì mình quái đâu. Cứ tưởng quần áo là vật trang sức của riêng mình. Nhầm! Nó là đồ đạc của thiên hạ cả. Mà tức nhất đồ đạc của thiên hạ, nhưng thiên hạ lại bắt mình cứ phải suốt ngày đeo vác lỉnh kỉnh, nom ti tiện như cái gã bủn xỉn, lúc nào cũng lo sợ mất trộm. Ở đây, chẳng có thiên hạ nào hết, nên mình lại nhẹ nhõm, lại hóa anh tự do.
Hai gườm gườm nhìn tôi, như nhìn một người ở ngoài hành tinh:
– Trông ông anh đai nịt lỉnh kỉnh, nom rất lạ mắt và buồn cười. Thật, trông ông anh buồn cười lắm ý. Cứ như người trung cổ. Hình như đại ca có khuyết tật gì đó, nên cứ phải che che đậy đậy, giấu giấu giếm giếm. Chứ văn minh hoàn thiện như chúng em đây, có ai khổ sở, rúm ró như thế bao giờ...
05 – NHÀ THƠ CỦA ĐẢO
Nhàn cư vi bất thiện. Người xưa nói thế. Mà người xưa đã nói là cấm có sai bao giờ! Chính trị viên Thuận cũng có tầm nhìn và cách nghĩ sâu rộng chẳng thua kém người xưa. Chính anh cũng thấy ngại cái nhàn cư của lính, nhất là trong cái giang sơn Tổ quốc chỉ vỏn vẻn có mấy mét vuông lều này. Thế là anh nghĩ ra một việc để lính lúc nào cũng có cái mà bận rộn, ấy là làm báo tường. Cứ ba ngày một tờ báo. Lính chẳng sợ gì. Sóng gió. Cá mập. Bão biển. Rồi cả những âm mưu thôn tính của kẻ thù. Chấp tất! Chơi tất! Không có ngán đâu nhé! Lính chỉ sợ làm thơ thôi. Đối với cánh lính đảo đấy mới thật là một việc hãi hùng. Nhưng thói thường, giời đã sinh voi thì giời tất sẽ sinh cỏ!
Thì đấy, tự dưng ở hòn đảo này, lại nảy sinh một gã thi sĩ. Đó là Hai. Trần Văn Hai, một anh chàng bơi lặn như rái cá. Quê cu cậu nghe đâu ở cầu tõm Hà Nam, cái vùng quê quanh năm lụt lội. Cánh lính đồn rằng, Hai đẻ rơi dưới nước, nên cậu ta biết bơi trước khi biết bò. Chẳng biết hư thực thế nào. Chỉ thấy suốt ngày, Hai lặn ngụp bì bọp trong nước, dường như không ngâm nước không chịu được. Bởi thế, quanh năm, cậu ta cứ thông thênh như thể bà mụ vừa mới nặn. Tên cúng cơm là Hai. Ra đảo, cánh lính nối thêm cái đuôi thành thằng Hai ùm. Ở đây, ai tắm, nhảy xuống đảo cũng chỉ ùm một cái gọn nhẹ. Cậu ta lại làm luôn hai phát ùm ùm. Có điều, cái ùm sau lại to hơn cái ùm trước. Hãi thế!
Ấy là nói cái thời cậu ta vẫn còn hàn vi kia. Nghĩa là dạo còn chưa phát tiết thơ phú. Chứ bây giờ, nhờ có thơ, Hai phất lên thành chúa đảo rồi. Suốt ngày, cậu ngự trong cung cấm, là cái lều bạt bồng lai tiên cảnh này. Mọi việc tắm rửa đã có lính hầu hạ, việc chi phải nhảy ùm xuống đảo tắm như lũ trẻ trâu.
Số là, ba ngày phải có một tờ báo tường. Đấy là chiếu chỉ của chính trị viên Thuận. Nghĩa là cứ ba ngày, phải có chục bài thơ dán kín quanh cái thùng phuy neo ở cột lều. Mà thơ phú lại là công việc của tài năng. Mà tài thơ thì ở đây, giời lại chỉ dồn cho chàng Hai ùm. Hai có thể xuất khẩu thành chương, đọc vanh vách ra vần ra điệu. Hai có đến hàng trăm bài thơ lâm li về cái hòn đảo chẳng có gì này. Nói như Tư Xồm, anh chàng quản lí nước ngọt kiêm nhà bình luận thơ phú thì bài nào cũng tuyệt tác, nghe hay đến chảy nước tai.
Cũng vì có tài thơ như thế, nên thần dân của đảo cứ phải đến khấu đầu trước Hai, xin ngài Hai ùm nhón tay làm phúc, ban cho một bài thơ để dán lên báo tường. Tất nhiên đi xin chữ là phải có lễ. Khi tàu ra, nhu yếu phẩm tràn ngập lãnh thổ, tha hồ ấm chân răng, để nhận một bài thơ, người đi cầu chữ quý phải cúng cho Hai ùm một bao thuốc đầu lọc. Khi của nả cạn dần, thời tiết có cơ thất bát thì cũng phải một điếu thuốc một bài thơ. Tất nhiên Hai ùm chẳng ăn riêng cái gì bao giờ. Cậu ta đưa hết của nả, châu ngọc vào kho, là cái ba-lô bạc phếch gió biển, treo bùng biêng trên nóc lều. Thi thoảng Hai lại ban lộc cho dân chúng. Thì thế mới là vua chúa chứ! Ấy, cũng nhờ có ông vua Hai ùm mà châu báu, ngọc ngà luôn được điều tiết, không bị rơi vào thảm cảnh: Lúc no xôi chán chè, lúc mồm miệng trống huếch trống hoác như hang ếch mùa hạn. Tuy vậy ăn chơi vẫn phải tốn kém. Chỉ khổ cho những cậu đến xin chữ mà trong tay lại trắng lốc, chẳng có gì. Nhưng được cái, mấy cha đó cũng láu. Không ít cha còn vác cả chị gái, em gái ra để cầm cố cho Hai.
– Thật, tớ thề là em gái tớ xinh lắm. Tớ sẽ bảo nó thư cho cậu. Nhất định lần sau tàu ra, cậu sẽ có thư nó. Bao nhiêu vệ tinh vo ve quanh nó, tớ sẽ cho đi tàu ngầm hết. Nó là á hậu thanh lịch ở huyện tớ đấy!
Hai chỉ ụ ị cười. Con mắt đỏ kè như mắt thạch sùng liếc chéo cái hàm răng vẩu của Tư Xồm đang dẩu ra quảng cáo nhan sắc cô em ruột á hậu.
– Không! Không! – Tư Xồm vội đưa một tay che miệng, còn tay kia xua rối rít như đuổi ruồi. – Em gái tớ không giống tớ! Tớ thề là nó không hề giống tớ một tí tẹo nào!
Nhưng ai mà tin được những nhan sắc mơ hồ lại còn xa khuất mấy tầng mây nước ấy. Thế là a lê... hấp! Không có của nả thì lấy mồ hôi, lấy sức lực cơ bắp ra mà đổi lấy vẻ đẹp tinh thần. Cánh lính trẻ lễ mễ, bì bọp lội xuống đảo, xách nước lên tắm cho Hai. Hai cứ việc nằm chềnh ềnh trên sàn lều, thậm chí cậu ta còn thượng cả cái thân hình kềnh càng như một con vích lên tận đỉnh giời, là cái tầng giường cao nhất, cho lính giội nước, kì cọ. Có tài sướng thế chứ! Lính cứ thi nhau thở phì phò như kéo bễ. Còn Hai thì vừa nghểnh đầu, ghểnh hết cả tứ chi của cái ngọc thể cho lính lau khô, vừa càm ràm cứ như bị oan ức lắm:
– Khổ! Thơ phú bây giờ rẻ rúng thế đấy! Ới cụ Tản Đà ơi là cụ Tản Đà! Chẳng phải ngày xưa chỉ có cụ khổ đâu! Nhà thơ chúng con bây giờ cũng hoàn cảnh lắm! Văn chương hạ giới đúng là rẻ như bèo...