Đảo chìm - Phần II - Chương 13 - 14

CON NUÔI CON ĐẺ

Ông lão Phúc làng tôi đúng là người dở tính mất rồi. Đứa con đẻ đứt ruột thì không thương, lại cứ đi chi chút cho cái thằng cha vơ chú váo ở đẩu đâu ấy!

Nói thằng “cha vơ chú váo” là nói theo ngôn ngữ thằng con đẻ của lão. Chứ thực tình, “thằng cha vơ chú váo” ấy đâu phải dân mèo mả gà đồng, mà chính là ông chủ tịch xã, một người có vai vế trong làng. Ngay cứ nhìn bề ngoài cũng đủ thấy ông thuộc hạng sang trọng. To béo. Bệ vệ. Da dẻ đỏ au. Trông chẳng khác gì quan huyện thời đế quốc phong kiến. Người đàn ông đường bệ ấy ai ngờ lại có số vất vả. Cứ như lời ông nói thì ông phải nương cửa người mới thoát mệnh yểu. Thế là ông xin làm con nuôi lão Phúc. Tất nhiên, cũng theo lời ông ta thì đó chỉ là cái phép để lừa ông giời thôi. Mặc dù thế, lão Phúc cũng sướng lắm. Tự dưng, chẳng mất công sinh nở, nuôi dưỡng, lão có thêm một thằng con, mà đâu phải hạng tầm thường, buôn lông gà lông vịt nhếch nhác như thằng con đẻ của lão. “Thằng con” này, lại đường đường một ông chủ tịch xã. Thế là thoắt cái, lão thành bố chủ tịch. Điều trước đây, có nằm mơ lão cũng chẳng dám nghĩ tới. Chỉ có thằng con đẻ lão là khó chịu.

– Bố chớ vội mừng! Con thấy hắn chẳng tử tế gì đâu. Cái thằng chuyên đục khoét dân mà lại gọi là đầy tớ của dân...

– Nhưng tao thì có gì mà nó đục khoét?

– Bố không có gì, sao hắn lại xin làm con nuôi bố? Tại sao hắn không làm con nuôi bao ông bà già vất vưởng không có ai nương tựa, đang phải sống nhờ chính sách xã hội ở trong làng kia?

– Mày nói đến chó cũng không thể nghe được. Người ta có cái số phải nương cửa người thì cũng phải chọn người hợp số mà nương chứ!

Chẳng biết lão Phúc có “hợp số” ông chủ tịch không, nhưng xem ra lão quý con nuôi lắm. Hầu như ngày nào, hai “bố con” cũng ngồi gật gù với nhau bên ấm nước vối đặc.

– Trông bố dạo này vượng lắm. – Ông con nuôi chăm chú ngắm lão Phúc. – Bố phải sống đến trên trăm tuổi chứ chẳng ít đâu.

Lão Phúc nghe nở gan ruột:

– Thế mà thằng em anh nó lại bảo da tôi dạo này xấu lắm. Trông cứ bạc phếch như da thằng chết trôi!

– Chết, sao chú ấy nói gở thế?

– Thì nó rủa cho tôi chết mà! – Giọng lão Phúc hổn hển. – Tôi là Phúc mà hóa vô phúc. Có mỗi thằng con trai thì lại chẳng ra gì. Mà nó nói khó nghe lắm. Toàn dùi đục chấm mắm cáy. Chưa mở mồm ra đã cạn lời rồi. May mà còn có anh...

Đúng là không có thằng con nuôi thì lão Phúc buồn lắm. Mà xem ra, bố con hợp chuyện nhau. Người tung, kẻ hứng, nghe nhịp nhàng, uyển chuyển lắm. Chẳng bù cho thằng con đẻ mất dạy của lão. Càng ngày, lão càng thấy khó chịu với thằng con đẻ. Cứ gặp nhau là bố con lại cãi nhau.

– Đấy, con đã bảo bố phải chịu khó ăn mà bố không chịu ăn uống gì cả. Chẳng thuốc thang nào bằng ăn. Cứ ăn nhiều khắc khoẻ. Bố tích cóp làm gì. Làm sao bố cứ sợ khi chết không được chu tất. Bố khỏi lo. Nếu chẳng may, bố có phải nằm xuống thì con khắc lo liệu đầy đủ, không để vong linh bố phải hổ thẹn với dân làng!

Đấy, cứ mở mồm là nó lại rủa mình chết. Trước đây, lão Phúc đã thấy khó chịu. Còn bây giờ thì lão bực. Mà bực lắm. Hầu như lần nào gặp bố, cái thằng sắng cá ấy cũng chỉ nói độc một giọng càn quấy như thế.

– Dạo này bố không được khỏe lắm đâu. Miệng bố hôi lắm. Miệng hôi là dấu hiệu của bệnh tật đấy. Bố phải đi viện khám ngay đi. Mà con dặn này, khi nói chuyện với người ngoài, bố đừng ghé sát vào mặt người ta. Kinh lắm. Do lịch sự mà người ta không nói. Nhưng bố phải biết rằng, người ta rất sợ hôi miệng. Nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau cũng chỉ vì chuyện ấy. Con mua cho bố nước súc miệng đây này! Ngày nào bố cũng nhớ là phải súc miệng.

- Mày nói thế, hóa ra tao là cái thằng thối mồm à? Đồ mất dạy!

Lão Phúc phủi đít, đứng dậy. Mặt tái ngắt.

– Bố đừng trách chú ấy. Dẫu sao, chú ấy cũng còn trẻ người non dạ. – Ông con nuôi lão lại thẽ thọt. – Chỉ có trẻ con mới ăn nói bậy bạ, mất lập trường quan điểm như thế. Chứ bố đâu có hôi mồm. Nếu miệng bố hôi thì con phải biết chứ...

Thế là lão Phúc lại thấy bình tâm, trong bụng lại sướng âm ỉ. Đấy, con cái cứ phải tử tế như vậy chứ! Thế là bao nỗi căm ghét, bực bội, lão lại trút xuống đầu thằng con đẻ. Cho đến một hôm, thằng ôn vật ấy cho người chở về nhà một đống gỗ lim. Thoạt đầu, lão tưởng nó đóng bàn, đóng tủ. Hóa không phải.

– Gỗ tốt đấy, bố ạ. – Anh con trai tỏ vẻ thông thạo. – Nó thuộc hàng tứ thiết. Hiếm lắm. Con sắm cho bố cỗ hậu sự...

– Mày định chôn sống bố mày à? Cút! – Lão Phúc gầm lên. – Mày cút ngay khỏi nhà tao. Thằng ôn dịch! Cút!

Anh con trai bấy giờ mới ngớ người ra. Anh cứ nghĩ may vớ được gỗ tốt thì tậu trước cho bố cỗ hậu sự. Ở nhà quê, người ta thường sắm trước cỗ hậu sự cho bố mẹ già, ngay từ lúc các cụ vẫn còn đang khỏe. Khi chưa dùng đến thì cỗ hậu sự làm hòm đựng ngô khoai, thóc lúa. Trong làng, có bao nhà như thế. Chính lão Phúc có lần đã từng khen thằng con trai lão Hợi tậu cho bố cỗ hậu sự tốt quá. Trông cứ sướng cả mắt. Bây giờ, cũng vì lão ghét con nên sự việc mới thành to chuyện.

Cứ tưởng lão Phúc chỉ giận con nhì nhằng như mọi lần thôi, nào ngờ ba ngày sau, lão đệ đơn ra uỷ ban. “Đơn xin ly con”. Tất nhiên, ủy ban không thể giải quyết được. Lão đành chuyển đơn lên huyện. Rồi tòa án huyện cũng chịu. Xưa nay, trong luật định, chỉ có vợ chồng bỏ nhau, chứ không có chuyện bố bỏ con. Tòa không quyết thì lão tự quyết. Lão cấm cửa thằng con, không cho đến nhà. Cả khi lão chết, nó cũng không được đến.

Hơn tháng sau, lão Phúc đổ bệnh. Lão nằm liệt giường. Anh con trai tất tả lo thuốc thang, rồi lại phải nhờ qua cửa bác cả:

– Tôi biết ông cụ rất giận tôi. Tôi tới, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe cụ, nên trăm sự phải cậy nhờ bác. Bác chuyển thuốc thang và đồ ăn cho cụ giúp tôi. Cứ coi như bác chăm nuôi cụ. Tôi biết ông cụ rất quý bác. Thôi thì tôi góp của, còn bác góp công...

Để cứu bố, người con đẻ đã bán dần mọi thứ trong gia đình. Khi tài sản không còn gì nữa, thì anh bán nốt căn nhà mái bằng. Chị vợ run rẩy:

– Bán mất nhà rồi thì ở đâu?

– Trước mắt, ta nương nhờ ông bà ngoại. Chờ bố nguôi ngoai rồi thì về. Khi ông cụ quy tiên thì ta ở đó luôn, rồi còn hương khói cụ nữa chứ. Cả một cơ ngơi rộng ngan ngát thế, ai trông nom cho.

Lão Phúc tắt thở vào nửa đêm. Chính căn bệnh viêm phổi và chảy máu dạ dày đã giết chết lão. Nếu lão nghe lời con trai, sớm phòng bệnh và trị bệnh thì đâu đến nỗi “đổ” nhanh đến thế.

Đám tang lão Phúc tổ chức khá linh đình. Chưa bao giờ, làng Quyết Thắng quê tôi có đám ma to như thế. Cờ phướn rợp đường. Khách khứa nườm nượp đến viếng bố ông chủ tịch. Dân làng xì xào bàn tán. Người khen lão Phúc về già tốt số, tự dưng giời lại cho thằng con nuôi sang đến thế. Mà xem ra, thằng con nuôi lại tử tế hơn thằng con đẻ. Người thì bảo lão chủ tịch thật cáo già. Lão không mất gì mà lại được tiếng thơm. Cũng chẳng phải “tốn” ông bố thật mà vẫn tổ chức được một đám tang linh đình, hót đến mấy chục triệu tiền phúng.

Khi rạp vừa dỡ xong, ông chủ tịch đã cho thằng con cả dọn đến ở để “trông nom hương khói ông”. Thằng bé vừa cưới vợ, vẫn còn đang ở tạm nhà bố mẹ. Lúc bấy giờ anh con đẻ mới ngã bật ngửa, khi thấy “bác cả” xỉa ra cái giấy chuyển giao quyền thừa kế nhà cửa cho con nuôi của ông cụ thân sinh anh, có cả dấu xác nhận của ủy ban xã. Ai ngờ ông cụ ghét anh ghê gớm đến thế. Bây giờ, ngay cả khi đã chết rồi, ông cụ vẫn còn đuổi anh ra đứng đường. Tất cả cũng chỉ vì anh quá lo cho bố, đã nói toàn những điều thật lòng mà quên mất rằng, con người ta vốn không chịu được những lời nói thẳng, nói thật, cho dù là một ông lão ở cái xó nhà quê. Anh ứa nước mắt nói với bác cả:

– Thôi, ý cụ đã quyết thế rồi thì tôi cũng đành phải tuân theo thôi. Chỉ cầu xin bác cho một ơn huệ...

– Chú muốn gì?

– Bác xắn lại cho tôi xin một mét đất...

– Để chú làm gì?

– Tôi xây một cái miếu thờ bố tôi...

7.2001

NGƯỜI KHÔNG QUEN Ở NHÀ MÌNH

Có ai lại không quen ở nhà mình không nhỉ? Có đấy.

Đó chính là ông bạn vong niên của tôi. Ông làm giám đốc sở văn hoá, một cán bộ cựu trào của tỉnh lỵ này. Các cán bộ, nhân viên ở đây, kể cả những người bây giờ là cấp trên của ông cũng đều là lớp đàn em ông, do ông dìu dắt, đào tạo. Cũng vì thế nên mãi đến tuổi sáu mươi lăm, ông mới nhận giấy báo nghỉ. Rồi nhùng nhằng thêm đến mấy năm nữa, ông mới chính thức cầm sổ hưu.

Hôm chia tay, cơ quan cũng đã làm một bữa tiệc đưa tiễn với bao lời ca tụng tốt đẹp. Nhưng rồi sáng hôm sau, người ta vẫn thấy cựu giám đốc cắp cặp đến cơ quan như thường lệ. Gặp ai ông cũng bắt tay:

– Trời, mình nhớ các cậu quá. Nhớ quá!

Có người không nén nổi nỗi bùi ngùi. Không ngờ thủ trưởng tình cảm quá. Vậy mà trước đây sao mình không nhận ra. Có lúc mình còn nghĩ oan cho thủ trưởng. Thực tình, thủ trưởng đâu có quan liêu, đâu có vô trách nhiệm với cấp dưới.

Thế rồi, ngày nào, thủ trưởng cũng “nhớ anh em”. Sáng sáng, cứ tám giờ kém mười là ông đã có mặt ở công sở. Trước đây, khi còn đương chức, ông thường xuyên đến muộn. Bây giờ, ông lại đến rất đúng giờ. Anh giám đốc mới chẳng nỡ cắt điện thoại, vẫn để nguyên cái ghế cũ, căn phòng cũ cho ông. Đến cơ quan, ông khua điện đi các nơi, nói đủ mọi thứ chuyện trên trời, dưới biển. Mà chẳng chuyện nào ăn nhập với chuyện nào. Thỉnh thoảng, ông lại mời khách ở các tỉnh khác đến. ấy là những người mà trước đây, ông từng giữ mối quan hệ thân thiết. Cứ vài ba ngày, anh giám đốc mới lại cùng ông đưa khách ra nhà hàng sang trọng. Còn khách sơ sơ thì cũng thuốc lá, bánh kẹo, cà-phê. Có khi cả ngày, cơ quan chỉ trằn mình ra tiếp khách cho cựu giám đốc. Khi không còn khách khứa nữa thì ông ngồi bù khú với anh em, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của từng người. Ông phát hiện ra trong cơ quan có bao điều bất hợp lí. Mà bất hợp lí từ rất lâu rồi. Cô văn thư, bảo mật gia đình khó khăn quá. Anh bảo vệ gắn bó với cơ quan bao nhiêu năm vẫn chưa được phân nhà. Cậu cán bộ bảo tàng lương thấp quá. Mà sao mãi chưa tăng lương. Như thế thì làm sao nó có thể sống nổi, có thể yên tâm giữ gìn di sản văn hóa nước nhà.

Thế là rối mù lên. Anh giám đốc mới không thể một lúc giải quyết được tất cả mọi điều ông đề nghị. Bởi đó toàn là những việc lớn, những việc cấp bách. Còn cán bộ cấp dưới thì xôn xao bàn tán. Có người cảm động đến ứa nước mắt. Có người nghi ngờ:

– Ôi dào, sao hồi còn quyền chức, ông ấy chẳng làm? Bây giờ về vườn rồi, ông ấy mới sốt sắng quan tâm đến anh em?

– Thì hồi đó, thủ trưởng bận trăm công ngàn việc...

– Tôi cũng nghĩ là thủ trưởng bận. Chứ người như vậy là tốt lắm đấy. Nếu thủ trưởng không bận thì mình đã chẳng đến nỗi khốn khổ thế này...

Bao điều bất ổn mà nhắc mãi giám đốc mới vẫn chưa giải quyết, cựu giám đốc lại trút nỗi bực dọc sang tôi:

– Cán bộ bây giờ gay quá, cậu ạ! Tri thức thì có. Nhưng quan điểm lập trường là chưa thể tin cậy được. Nhất là tính quần chúng, sự đi sâu đi sát quần chúng của cán bộ là có vấn đề. Mình thấy gay lắm...

Tôi cười:

– Vâng, cán bộ thì thời nào mà chả có vấn đề. Cứ làm việc đến hết mình thì rồi sẽ lại có khiếm khuyết. Nhưng dù có khiếm khuyết gì thì cũng là chuyện của họ. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Còn bác nghỉ rồi. Bác không nên can thiệp quá sâu. Việc gì bác cũng can thiệp, làm cho tất cả cứ rối lên. Anh em đương nhiệm lại khó làm việc...

– Tại sao lại khó làm việc? – Cựu giám đốc quắc mắt lên. – Tôi giúp họ phát hiện những điều bất ổn. Cả đời tôi gắn với cơ quan. Bây giờ còn chút sức lực nào, tôi cống hiến nốt cho trọn vẹn. Tôi vào Đảng là thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cơ mà. Còn lâu mới đến giọt máu cuối cùng của tôi nhá! Tại sao chú lại cứ nhìn tôi như một anh gây rối.

– Bác không phải người gây rối. Nhưng nhiều điều rắc rối lại bắt đầu từ bác. Bởi bác nghỉ rồi mà...

– Tất nhiên là tôi nghỉ rồi, nhưng tôi vẫn phải có trách nhiệm. – Cựu giám đốc bùi ngùi: – Mà nói thật với chú, tôi vẫn không quen ở nhà mình. Cả một đời gắn với cơ quan. Cơ quan đã thành nhà tôi. Còn căn nhà thực của tôi chỉ là cái quán trọ. Tôi không sao quen được, chú ạ! Tôi lại phải đến cơ quan. Mà ở cơ quan thì lại thấy toàn những điều ngang tai trái mắt. Thế là mình lại phải nhắc. Mà nhắc mãi vẫn không chuyển. Nhiều lúc mình phát nản, lại nghĩ rất tiêu cực: Thôi thì thây kệ đời!

Nói vậy, nhưng rồi ngày hôm sau, vào lúc tám giờ kém mười, người ta vẫn thấy ông cựu giám đốc xách chiếc cặp đen đến cơ quan. Ông đặt chiếc cặp lên bàn, rồi lại ngồi vào chiếc ghế giám đốc cũ...

7.2000

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3