Đảo chìm - Phần II - Chương 11 - 12

THÀY CŨ

Người thầy cũ của tôi là một giáo sư nước ngoài. Ông là người Nga. Trong đời tôi, may mắn sao, tôi có một khoảng thời gian khá dài theo học một khóa đào tạo cơ bản ở Học viện Văn học M. Gorki. Đối với tôi, mỗi giáo sư ở Học viện này đều là những học giả lớn. Có người như một nhà tiên tri. Đó là trường hợp giáo sư tiến sĩ I. Kunhitxưn. Ông là giáo sư triết học, nhà giáo công huân Liên Xô. Buổi giảng nào của ông, giảng đường cũng đông nghịt. Rất nhiều học viên các năm trước cũng xuống nghe lại. Vì bài giảng của ông lại có thêm nhiều điều mới. Tri thức trong ông luôn được bổ sung. Giáo án của ông luôn mở. Nó không phải là cái khuôn đã đóng cứng. Cứ nghe người ta kháo nhau, thì có thời ông bị dị nghị, thậm chí còn bị ngồi tù vì đã nói thật, nói thẳng điều cảnh báo về những bất cập của chủ nghĩa xã hội Xô-viết. Những bất cập ấy, nếu không khắc phục được thì tất yếu sẽ dẫn đến sự sụp đổ. Khi M. Gorbachev lên, nhờ công cuộc đổi mới, ông được ra tù và trở lại giảng đường. Lúc bấy giờ M. Gorbachev có uy tín lắm. Không ít người coi ông như Lênin tái thế. Nhà văn I. Bônđarev kêu lên: “Cái bi kịch của Nhà nước Xô-viết hiện nay là phải dạy những người quá thông minh, phải nuôi những cái bụng quá no và may sắm cho những người có quá nhiều quần áo đẹp.” Ca tụng Nhà nước Xô-viết như vậy, quả cũng là tài lắm. Giáo sư I. Kunhitxưn không có được cái lạc quan như thế. Ngay từ những ngày ấy, ông cũng đã lại cảnh báo rằng, những luận thuyết của M. Gorbachev có thể sẽ diễn ra ở rất nhiều nước trên thế giới, nhưng chính M. Gorbachev thì sẽ thất bại thảm hại. Nếu ông ta không bị bắn thì cũng ngã ngựa giữa đường. Sáu năm sau, sự thể diễn ra đúng như thế. Và còn rất nhiều điều khác nữa, tôi nhận thấy chúng đều diễn ra đúng như ông nói ở trên đất Nga, cũng như trên toàn cầu. Đối với sinh viên, I. Kunhitxưn luôn coi chúng tôi như những người bạn. Sau buổi giảng, thường có những cuộc trao đổi giữa thầy và trò, nhiều khi là cuộc tranh luận rất thẳng thắn và thú vị. I. Kunhitxưn luôn khuyến khích những ý nghĩ khác mình. Ông không bao giờ trù dập những sinh viên cãi lại mình, và thường trong trường hợp ấy, ông cho điểm rất cao. Tôi nghĩ phải là ông thầy rất giỏi mới có được tư chất ấy. Tôi nhớ một kì thi, khi bàn về phạm trù bi kịch, sau tất cả mọi điều, ông hỏi tôi:

– Cái bi kịch của người Việt hiện nay là gì?

– Người Việt không có bi kịch. – Tôi bắt đầu đùa với ông. – Thầy có công nhận với em rằng cái bi kịch lớn nhất của người châu Âu, hay của cả loài người nói chung là cái chết? Vậy mà đối với người phương Đông, đặc biệt là người Việt thì lại không có cái chết. Trong Di chúc bất hủ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bảo, chết là đi gặp cụ Các Mác, gặp cụ Lênin. Và như thế, cái chết đã thành cuộc hội ngộ với tổ tiên, với các bậc tiền bối vĩ đại. Nếu ở nước Nga, người ta thường chọn những bộ quần áo đẹp nhất để đi dạ hội hoặc vào vũ trường thì ở làng quê Việt Nam xưa, các cụ già lại thường dành những bộ quần áo mới nhất ấy để mặc khi... vào cõi Tổ tiên. Người Việt không sợ chết. Bởi thế, kẻ thù nào đến Việt Nam cũng sẽ phải thất bại thảm hại. Bởi không ai có thể thắng nổi những con người không biết chết và không sợ chết...

– Ừ, lạ thật! Cái ý nghĩ trong đầu anh lạ lùng thật đấy!

Giáo sư cười rất vui. Ông cho tôi điểm khá cao, đến nỗi tôi đâm hoảng:

– Chết, em đùa đấy, thầy ạ! Xin thầy thứ lỗi. Em đã nói đùa...

– Thế anh tưởng tôi tin lời anh nói sao? Tôi biết anh đùa. Hay nói cách khác anh đang sáng tác truyện khoa học viễn tưởng. Tôi đã sang Việt Nam rồi. Tôi biết người Việt thế nào chứ! Sức mạnh lớn nhất của người Việt chính là sự bí hiểm. Bao nhiêu kẻ thù được coi là hùng mạnh nhất thế giới mà đến Việt Nam cũng đều trở thành kẻ bại trận, chính vì họ hoàn toàn không hiểu người Việt. Và tất nhiên, cũng sẽ chẳng có ai hiểu được người Việt, bởi ngay cả chính người Việt, họ cũng có hiểu được họ đâu...

5.1998

LẠI CHUYỆN Ê-KÍP

– Ối giời! Vào đây! Vào đây nào! Chà, xin chào ông bạn! Có chuyện gì mà rồng lại đến nhà tôm đột ngột thế này?

– Chết, sao cậu lại nói thế? Cậu không phải là tôm, mà mình thì cũng chưa bao giờ được là rồng!

– Dẫu chẳng phải rồng thì ông cũng là vua một vùng. Ngày xưa, người như ông là có tàn, có lọng đấy. Bạn bè thân thiết mà lâu quá rồi chúng ta không gặp nhau. Ông xuống tôi còn được, vì người ta sẽ nghĩ ông là người có tác phong quần chúng, luôn đi sâu, đi sát nhân dân. Còn tôi lên ông thì lại không ổn, vì có người sẽ nhìn tôi bằng con mắt khác. Biết đâu có anh lại chẳng nghĩ tôi là thằng thấy người sang bắt quàng làm họ. Không khéo cái lão già này lại định nhờ vả hay xin xỏ gì đây.

– Chết chửa, bạn bè với nhau mà sao cậu nghĩ lẩn thẩn thế. Cậu già mất rồi...

– Chẳng già thì còn trẻ được với ai? Tôi về đuổi gà cho vợ mấy năm nay rồi. Làm anh phó thường dân cũng có cái sướng, ông ạ. Tha hồ ăn no ngủ kĩ. Vì không phải lo giữ ghế. Chỉ riêng cái chuyện giữ ghế đã đủ khốn nạn rồi. Khổ, làm lãnh đạo thì cũng chỉ là một công việc như trăm ngàn công việc khác. ở các nước, khi không làm tổng thống nữa thì người ta có thể đi dạy học, đi gác cổng hay làm bồi bàn. Khổ nỗi, dân mình lại không quen như thế. Đang làm mà nghỉ, lập tức người ta dễ nghĩ, chắc cái lão này tham nhũng hay hủ hóa gì nên bị kỉ luật. Thế thì ai mà không sợ. Người ta tiếc cái chức thì ít, nhưng sợ dư luận lại nhiều. Công việc của ông thế nào?

– Bận tít mù. Đang chuẩn bị Đại hội cơ sở. Cũng may mà nhân sự ổn rồi. Mình đã tìm được cộng sự...

– Ai vậy?

– Một thằng lính cũ.

– Nó có đủ khả năng không?

– Khả năng thì ai biết thế nào. Cứ phải qua thử thách đã. Nhưng mình hiểu nó là người tốt. Có tài mà không có đức rất nguy hiểm. Người tốt mới chính là nguyên khí quốc gia. Hồi chiến tranh, nó là thằng liên lạc của mình. Nó biết cắt tóc, giặt quần áo và không ngại cả việc đổ bô cho mình. Nói tóm lại, nó là thằng rất tận tụy.

– Ông lại chọn thằng đổ bô à?

– Mình chọn người tốt, cậu ạ! Trước đây, khi còn là một thằng ngoài cuộc, mình cứ nghĩ, các bố lãnh đạo kì thật. Bố nào lên cũng lại kéo theo một bộ sậu vây cánh của mình. Ai có năng lực nhưng không có dây thì cũng coi như đi đứt. Bây giờ vào cuộc rồi mới biết vì sao họ phải làm thế. Không hiểu nhau nguy hiểm lắm. Trong cơ quan chỉ một anh lộn xộn là đã đủ rối loạn. Thế rồi thư nặc danh, rồi đơn từ kiện cáo. Cứ chỉ lo rào giậu, che chắn, lo giữ ý với nhau, rồi thanh minh, giải trình trước cấp trên, cũng đủ khốn nạn rồi, còn hơi sức đâu mà làm được việc gì cho tử tế nữa. Vì thế, ai lên cũng phải có ê-kíp. Không có ê-kíp, không làm được việc đâu, cậu ạ.

– Đã đành là phải có người cộng sự. Nhưng điều quan trọng là cái thằng cộng sự ấy nó có năng lực thật không? Ngày xưa, để ra làm quan, người ta phải học. Phải đỗ đạt cao, rồi mới được cất nhắc. Bây giờ cất nhắc, rồi mới đi học. Học mấy tháng đã tốt nghiệp mấy lớp. Rồi vừa làm vừa học thêm một hai năm nữa là tốt nghiệp đại học, rồi có ông còn là tiến sĩ nữa chứ. Bây giờ nhìn đâu cũng thấy tiến sĩ. Đến nỗi những ông tiến sĩ thật sợ quá, chẳng dám phô học hàm, học vị ra nữa, đành phải ở lẫn trong đám bình dân để thành của hiếm. ở ta nhiều khi rất buồn cười. Có những nhà chuyên môn giỏi, sau vài thành công, thế là lại được cất nhắc lên làm quản lí, lãnh đạo, coi đó như một ân huệ, như sự quan tâm đến sự phát triển nhân tài. Thế rồi bung bét cả. Rốt cuộc là ta đã đổi một nhà khoa học rất giỏi để lấy một anh quản lí quá tồi.

– Điều cậu nói chẳng mới mẻ gì đâu. Chuyện ấy người ta cũng đã biết cả.

– Biết sao vẫn còn làm? Đấy, cứ như ông đấy. Ông chọn một thằng đổ bô về làm phó chủ tịch huyện. Tôi không chê gì nghề đổ bô cả. Đổ bô là một việc cao quý, vì nó đòi hỏi một đức tính cần cù, nhẫn nại và chịu thương chịu khó. Người cộng sự của ông có thể rất giỏi đổ bô nhưng đã chắc gì nó biết làm quản lí, lãnh đạo. Rồi nó sẽ lại chọn những thằng đổ bô kém hơn nó về làm ê-kíp cộng sự. Như thế, đội ngũ các ông cứ giật lùi, cứ không ngừng xuống cấp, và ngoảnh đi, ngoảnh lại, kiểm kĩ nữa đi... sẽ thấy lãnh đạo huyện, ngành nọ, ban kia, toàn quân đổ bô các thế hệ tiếp theo sau, làm sao mà cán bộ cơ sở các ông chả mất uy tín. Chính các ông đã làm lung lay chính quyền, chứ đế quốc sài lang nào làm nổi. Dân họ chỉ tin khả năng đổ bô của các ông thôi, chứ ai tin các ông chỉ đạo những lĩnh vực cao siêu khác ở thời đại công nghệ này. Dân mình rất tốt, họ luôn mong sự ổn định, rất muốn tin ở cấp trên, nhưng chớ lạm dụng lòng tốt của họ, chớ nghĩ là họ cuồng tín và u tối. Nhân dân thời nào cũng như nước. Nâng thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân. Điều ấy đối với ông chắc cũng chẳng mới mẻ gì, vẫn là cái chuyện muôn thuở: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

7.2000

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3