Định mệnh trái ngang - Chương 05 phần 2

Họ nói chuyện phiếm thêm một lát nữa rồi treo máy. Isobel không hỏi gì về đứa nhỏ, chắc bởi vì bà không biết tin. Chẳng ai biết chuyện Anna có bầu ngoài Brian và Hugh. Anna không muốn ai biết cả, bởi cô sợ nói trước thì bước không qua. Anna bước ra ngoài ngưỡng cửa và treo áo khoác. Cô nhớ lại hình ảnh Rose Schuster và mẹ cô ta. Cô nhớ mùa hè họ ở Beach House, bởi vì hè đó là thời điểm Anna mất đứa con yêu quý. Pamela Schuster và con gái bà ta là một cơn ác mộng. Tuy nhiên đó không phải do lỗi của họ, Anna mất con là do lỗi của cô không cẩn trọng. Cô nhớ bà Schuster cầu kì khủng khiếp. Con gái bà ta lại quá hỗn hào. Vẻ hào nhoáng của họ khiến Anna rụt rè hơn bao giờ hết. Bởi vì họ chẳng bao giờ nói chuyện với Anna sau vài câu chào hỏi xã giao. Anna biết mình không còn ý nghĩa gì trong mắt họ nữa, nhưng mẹ con họ lại yêu quý Brian. Đáp lại thịnh tình đó, anh cố sức làm mình tỏ ra dễ thương và vui tính, trổ tài dí dỏm kể chuyện vui mỗi khi họ yêu cầu. Anna tự hào về người chồng trẻ quyến rũ của cô nên cũng tìm một chỗ khuất vui vẻ lắng nghe như những người khác, cô tự hỏi: không biết Rose có thay đổi gì không? Khi kết hôn với một người tuyệt vời như Antony, chắc chắn sẽ khiến cô ta phải thay đổi tính cách của mình. Nhưng giờ cô đứng đó nghe ngóng, tự hỏi không hiểu Brian đi đâu rồi. Căn nhà vắng lạnh, Anna bước ngang qua hành lang đọc sách, mở cửa thấy căn phòng sáng rực và lửa cháy tí tách trong lò sưởi. Brian đang nằm dài trên ghế trường kỉ, đọc báo Người Scotland, li rượu để trong tầm tay anh. Brian hạ tờ báo xuống khi thấy vợ hiện ra sừng sững trước mặt. Điện thoại lồ lộ trên bàn ngay bên cạnh anh.

Cô hỏi:

- Anh không nghe tiếng chuông điện thoại à?

- Có, nhưng anh tưởng điện thoại của em.

Cô chẳng nói gì, đến bên lò sưởi hơ nóng đôi tay lạnh ngắt, ngồi một lát cho ấm người lên. Anna bảo:

- Đó là gì Isobel Amsstrong gọi điện.

- Bà Tuppy sao rồi?

- Bà bình thường, họ đã thuê một y tá chăm sóc cho bà. Họ mời vợ chồng mình đến ăn tối tại Fernigg vào ngày mai. Em bảo thế nào mình cũng tới.

- Anh cũng đồng ý luôn.

Brian lại chúi mũi vào tờ báo. Anna nói thật nhanh để lôi anh trở lại với cuộc nói chuyện.

- Antony sẽ về nhà vào cuối tuần.

- À, đó chính là lí do để ăn mừng phải không?

- Anh ấy đưa cả Rose về cùng.

Hai vợ chồng cùng im lặng rất lâu. Lát sau, Brian bỏ tờ báo xuống, gấp lại, đặt vào lòng. Anh hỏi:

- Cả Rose nữa à?

- Rose Schuster đó. Chắc anh còn nhớ, cô ấy và Antony đã đính hôn.

- Anh tưởng có ai đó bảo cô ta đang ở Mỹ.

- Rõ ràng là không rồi.

- Em vừa nói cô ấy cũng đến Fernrigg nghỉ cuối tuần à?

- Thì Isobel bảo em thế mà lại.

- Ồ, không thể ngờ được.- Brian nói vậy.

Anh ngồi thẳng người lên, tờ báo rơi xuống thảm ngay trước lò sưởi. Anh với tay lấy li rượu ngửa cổ ngang nhiên uống hết một hơi cạn li, chậm chạp đứng lên đến bên bàn nước rót đầy chiếc li đang cầm trên tay. Anna bảo:

- Em ra vườn hái hoa hồng.

Tiếng rượu chảy róc rách từ bình sang li của Brian. Anna cố gợi chuyện.

- Trời đang mưa, sương xuống rồi đấy.

- À, anh biết trước thể nào cũng thế mà.

- Em sợ sẽ có sương mù đấy.

Cầm li trong tay, Brian đến cạnh lò sưởi đứng nhìn ngọn lửa nhảy múa bên trong. Anna đứng dậy, có một chiếc gương để trên kệ lò sưởi soi bóng họ. Trong đó, chồng cô thư sinh và có nước da bánh mật. Cặp lông mày đen như mực tàu. Còn người thiếu phụ ở trong gương kia thấp bé, chỉ đứng đến vai chồng, người bắt đầu béo ra và nét mặt chẳng có gì đặc sắc. Mắt thì nhỏ xíu, mũi lại to, tóc chẳng ra nâu cũng chẳng ra vàng. Và có phần đang tái nhợt vì tiết trời lạnh giá. Bị ngộ nhận bởi những gì đọc trên báo rằng phụ nữ có bầu thường đẹp ra, vậy người đàn bà nào đang trố mắt nhìn cô trong tấm gương ố vàng kia? Bà ta là ai thế? Cái người lại nào đang đứng bên cạnh người chồng đẹp trai của cô vậy? Câu trả lời không cần phải suy nghĩ lâu. Nó luôn rõ ràng, đó là Anna, cô gái Anna tầm thường. Trước đây là Anna Carstairs và bây giờ là Anna Stoddart. Nực cười thật, làm sao có thể thay đổi một hình hài cha sinh mẹ đẻ được cơ chứ.

Tâm trí của Flora phải chạy nước rút mới theo được lời kể của Antony về chuyến đi khẩn cấp đến London, rồi sau đó là vở kịch kì lạ nhất mà họ sắp phải diễn. Tiếp đến cô cũng phải làm quen với quyết định của chính mình, đồng ý trở thành đồng lõa với Antony. Những sự kiện như dòng thác trôi khiến Flora không một lần nghĩ tới chuyện từ Edinburgh về Fernrigg. Họ sẽ đi bộ hay trèo lên xe ngựa? Để làm một việc lớn mà không có thời gian suy nghĩ trước sau khiến Flora cứ phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc này họ đã thực sự có mặt ở Edinburgh rồi mà tâm trạng của nàng vẫn còn quá ngỡ ngàng. Tính cách của Antony đột ngột thay đổi, như một người về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, cởi áo khoác, xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà. Anh thoải mái, thư thái và rõ ràng chẳng có tí vội vã nào trên con đường về Fernigg.

- Cô và tôi đi tìm cái gì để đi ăn đi.

Sau khi lấy được xe ra, đặt hành lí của Flora vào cốp xe và cả hai đã ngồi yên vị trong xe hơi của Antony, anh quyết định như thế. Flora ngạc nhiên nhìn anh ta.

- Ăn ư?

- Phải. Cô không đói à? Nhưng tôi thì đói mềm ra rồi thôi.

- Đó chẳng phải là bữa ăn. Đồ ăn nguội ngắt như vậy, tôi không nuốt nổi.

- Nhưng chẳng phải anh đã nói nên về nhà càng sớm càng tốt là gì.

- Nếu chúng ta đi ngay bây giờ thì sẽ về nhà vào lúc 4 giờ sáng, cửa nhà khóa. Cô và tôi sẽ ngồi ngoài cửa chờ cho đến ba tiếng đồng hồ sau mới được vào trong nhà hoặc đánh thức mọi người trong nhà dậy làm nhốn nháo cả lên như thể có hỏa hoạn. Không, không thể thế được. - Antony khởi động xe hơi. - Chúng ta sẽ vào trung tâm Edinburgh.

- Nhưng khuya quá rồi, giờ này còn có quán nào mở của nữa đâu.

- Tất nhiên là có chứ.

Họ vào trung tâm thành phố Edinburgh, Antony đưa cô đến một câu lạc bộ nhỏ, anh là thành viên của câu lạc bộ này, do đó họ có đồ uống tuyệt hảo và một bữa tối sang trọng, sau đó là tới cà phê. Ăn uống, nghỉ ngơi kiểu đó quá là xa hoa, phung phí, chẳng hợp lí tí nào. Phải tới quá nửa đêm cả hai mới bước ra ngoài. Gió không còn thổi mạnh và những ngả đường của thành phố Edinburgh ướt đẫm trong làn mưa lất phất lạnh lẽo.

- Còn khoảng bao lâu nữa? - Flora hỏi khi cả hai đã vào trong xe, cài khóa an toàn chuẩn bị cho một cuộc hành trình dài.

- Trời mưa, đường trơn như thế này phải đi mất bảy tiếng đồng hồ. Tốt nhất, cô nên ngủ một chút đi.

- Tôi không ngủ trong xe được.

- Nếu cố thì việc gì cũng làm được.

Nhưng Flora không ngủ, cô quá phấn khích, tâm não bị kích thích cao độ nhưng đôi chân thì lạnh buốt vì giá rét, cảm giác mình đã tự chặn đứng đường lui của mình và phải chịu bó tay mặc cho bất cứ chuyện gì xảy ra để rồi âm thầm đón nhận khiến Flora phát sợ. Nếu đêm đó đẹp trời, Flora còn có thể nhìn cảnh đẹp hai bên đường hay nghiên cứu bản đồ, nhưng mưa cứ rơi triền miên, chẳng nhìn thấy gì ngoài một màn đêm đen tối, ướt át.

Con đường trước mặt với những đợt gió thổi mạnh hun hút, ánh đèn pha của Antony xuyên thủng màn đêm, nhưng cũng chỉ đủ để cho cô thấy những chỗ vòng, chỗ lượn, ngã ba không ngớt. Xe phóng nhanh trong màn đêm để lại tiếng rít khe khẽ trên đường nhựa ướt rượt. Dù thế, họ vẫn cho xe chạy mãi và quang cảnh đồng quê khiến cho người ta có cảm giác u ám, tối tăm và buồn thảm. Càng lúc, con đường càng đi vào những khu hoang vắng, biệt lập. Những thị trấn nhỏ hai bên đường càng lúc càng ít hơn và lùi dần về phía sau. Sau khi đi qua một cây cầu dài, xe họ bắt đầu băng nhanh trên con đường dốc ngày càng như thẳng đứng, gió vẫn thổi ù ù hai bên cửa kính. Cửa sổ xe họ mở hờ hờ đón nhận mùi hương của cây thạch lam tràn vào. Có dễ đến mấy lần Antony phải lẩm bẩm, thắng gấp xe hơi chờ mấy con cừu thản nhiên bước ngang qua đường tựa như cái thế giới này là của chúng vậy. Flora đã thấy dãy núi non trùng điệp phía xa, không phải là những ngọn đồi nhỏ như ở quê hương cô mà là những ngọn núi thật sự, như những hình tam giác khổng lồ, có cả hang đá sâu và những thung lũng hoang vu. Từ đây, cô có thể thấy những con đường ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi. Dương xỉ phủ đầy hai bên bờ mương và những con lạch nhỏ, lá cây được mưa cọ rửa sáng bóng lên. Nghe đâu đó có những ngọn thác đang xối nước ào ào lên những mỏm đá phía dưới. Tiếng nước chảy ầm ầm át cả tiếng động cơ của xe hơi. Bình minh của buổi sáng ướt át và xám xịt ấy đến chậm chạp đến nói Flora mới nhận ra là trời đã sáng. Đơn giản là một khối đen đặc quánh của thiên nhiên dần nhạt màu đi để con người có thể nhìn thấy những vệt sáng mờ mờ của những làng mạc trên đồi mà những đàn cừu lông ướt rượt băng ngang qua đường trước khi cửa xe của họ đâm sầm vào chúng. Suốt đêm, dòng xe cộ thưa thớt, nhưng lúc này Flora đã thấy một vài chiếc xe tải lớn đi ngược lại. Khi ngang qua họ, tiếng động cơ diesel gầm lên, làm văng những vệt nước đầy bùn dơ dáy lên tấm kính trước mặt xe của Antony.

Flora hỏi:

- Mấy cái xe đó như từ trên trời rơi xuống vậy.

- Không, chúng đến từ cái nơi mà chúng ta đang đến. - Antony bảo.

- Fernrigg ư?

- Không, Tarbole. Tarbole lúc trước chỉ là một làng chài ít được người ta biết đến, nhưng bây giờ nó đã trở thành một cảng thu mua cá trích rất lớn rồi.

- Thế mấy cái xe tải ấy đi đâu thế?

- Đến Edinburgh, Aberdeen, Fraserburgh, đến bất cứ đâu có người mua cá trích. Xe còn chở tôm hùm đến Prestwick, sau đó lên máy bay thẳng tới New York, tôm càng đến London, cá trích đến Scandinavi.

- Chẳng phải xứ Scandinavi cũng có cá trích đó sao?

- Bờ biển Bắc đã bị đánh bắt sạch rồi. Đó chính là lí do tại sao Tarbole lại biến thành thị trấn. Rất nhiều người ở đó đang giàu lên, ngư dân mua xe hơi mới và ti vi màu. Jason đến trường học cùng bạn bè, chúng thường chế diễu thằng bé vì nhà tụi tôi không có ti vi màu. Điều ấy khiến nó xấu hổ vì nhà mình không giàu bằng nhà của đám bạn trong trường.

- Từ Fernrigg đến Tarbole bao xa?

- Khoảng sáu dặm.

- Mỗi ngày phải đi một quãng đường xa như vậy, Jason mới đến được trường ư?

- Người làm vườn Watty của gia đình chúng tôi đưa thằng bé đi học. Jason thích tự đạp xe đi hơn, nhưng bà nội Tuppy không cho. Bà nói rất đúng, thằng bé mới có bảy tuổi nên bà sợ tai nạn xảy ra với nó thì không biết làm thế nào.

- Nó sống với bà nội Tuppy bao lâu rồi?

- Cho đến bây giờ thì mới được một năm. Tôi không biết thằng bé sẽ ở nhà bà nội bao lâu. Có thể sẽ phải phụ thuộc vào công việc của Torquil.

- Thế thằng bé không nhớ bố mẹ à?

- Tất nhiên là nó nhớ chứ, nhưng ở vịnh Ba Tư chẳng phải là thiên đường với một thằng bé. Vả lại, bà nội Tuppy muốn nó ở với bà. Bà muốn nhà của mình phải có bọn trẻ chạy loăng quăng, bừa bộn đồ đạc thì bà mới vui. Mấy thằng bé con anh chị tôi đứa nào cũng ở Fernigg một thời gian. Theo tôi, đó cũng là một trong những lí do khiến bà nội trẻ mãi. Bà bận rộn vì công việc, vì con cháu đến độ không còn thời gian để già nữa.

- Thế còn dì Isobel thì sao?

- Dì ấy là một vị thánh, một tay dì chăm sóc những thành viên trong gia đình mỗi khi có ai đó bị ốm. Sẵn sàng thức dậy vào lúc nửa đêm chỉ để rót cho người bệnh một li nước.

- Dì chưa có chồng sao?

- Chưa, chắc ở giá luôn rồi. Theo tôi, nguyên nhân một phần cũng là do chiến tranh. Khi Đại chiến thứ hai bắt đầu, dì còn quá trẻ, nhưng khi kết thúc, mọi mong muốn của dì Isobel là quay trở về Fernigg để sống nốt quãng đời còn lại. Vùng cao nguyên phía tây ít người sống độc thân lắm. Cũng có nhiều người theo đuổi dì. Trước đây có một chủ trại cũng để mắt tới dì Isobel. Ông ta mua một khu đất trên vùng đảo Eigg vì quá nóng lòng muốn dì Isobel thấy thành công ấy của mình, rồi vội vã đưa dì lên tàu, sau một cơn say sóng kịch liệt, dì đến đó vào một ngày mưa tầm tã. Nông trại của ông ta quá hẻo lánh, quá hoang sơ, nhà vệ sinh thì ở tít cuối vườn, dì Isobel ở đó một vài ngày rồi lại tiếp tục chịu cơn say sóng để quay trở về nhà. Sau tất cả những nỗi khổ sở ấy thì sự lãng mạn cũng biến đâu mất và tình yêu mới nhen nhóm cũng lụi tàn. Gia đình tụi tôi rất mừng bởi không ai ưa ông chủ trang trại kia. Ông ta có khuôn mặt lúc nào cũng đỏ rực như gà chọi và luôn mồm nói chuyện về những nơi chốn thần tiên của thời còn ăn lông ở lỗ. Cứ nghĩ đến ông ta cũng đủ phát ngấy lên rồi.

- Thế bà nội có thích ông ta không?

- Bà nội thì ai mà chẳng thế.

- Liệu bà nội có quý tôi không?

Antony quay đầu về phía Flora, mỉm cười với cô. Chẳng có gì vui vẻ trong nụ cười ấy. Flora cứ thấy nó u buồn và bí hiểm làm sao ấy.

Antony bảo:

- Bà nội sẽ thích Rose. Nhớ không...

Nghe đến đó Flora im bặt. Tiết trời sáng rõ, mưa nặng hạt biến thành sương mù dày đặc. Lúc này gió đã mang theo hơi biển, xe đang theo con đường đi xuống đồi. Đường chạy giữa những hàng đá lởm chởm có thông và cây linh sam mọc dày đặc hai bên. Họ thường xuyên qua những ngôi làng nhỏ. Lúc này, người ta đã lục đục trở dậy chuẩn bị đón chào một ngày mới. Hết làng mạc rồi tới ao hồ, những cơn gió tây làm mặt nước hồ xao động. Cứ mỗi khi qua một chỗ cua gắt trên đường, Flora lại chứng kiến những cảnh thịnh vượng của đám ngư dân. Flora không biết rằng xe của họ đã tới bờ biển. Cô tưởng làn sóng màu bọt dưới chân những tảng đá lởm chởm kia chỉ là quang cảnh ven hồ cô đã từng chứng kiến. Phải lái xe vài dặm men theo bờ biển Flora mới nhìn thấy một lâu đài hoang vắng, cỏ mọc xung quanh tường nham nhở vì bị cừu gặm. Xung quanh lâu đài có những cây Bu lô thân màu bạc óng ánh. Những chiếc lá tròn tròn được làn mưa cọ rửa sáng bóng lên như những đồng xu xinh xắn. Quả thực là một thái ấp vùng sâu tuyệt đẹp, với những chuồng cừu có hàng rào vây kín và đám chó săn sủa inh ỏi. Flora bảo:

- Lãng mạn quá. Nói thế nghe có vẻ nhàm tai, nhưng lúc này tôi không thể nghĩ ra lời nhận xét nào hợp lí hơn. Nơi đây quả là một xứ nên thơ.

- Chắc bởi vì nơi đây là quê hương của Hoàng tử Charlie, nó gợi cho người ta cảm giác nuối tiếc quá khứ và những phong tục xa xưa. Trước đây nó đã từng là vùng đất hoang vu dùng để làm nơi lưu đày các tù nhân chính trị. Mỗi năm, dân cư ngày một thưa thớt. Nhưng cũng chính nơi hoang vu này giá trị của người phụ nữ Scotland mới thực sự nổi bật.

- Anh thích sống ở đây không? Ý tôi nói là nếu ở hẳn đây, anh có thích không?

- Tôi phải kiếm sống nữa chứ.

- Ở đây anh không có cơ hội để kiếm sống sao?

- Một kế toán lành nghề không có đất dụng võ ở đây. Nếu muốn an cư lạc nghiệp ở chốn này, tôi phải là một ngư dân hay bác sĩ như kiểu Hugh Kyle vậy. Anh ấy thăm bệnh cho bà nội và sống ở đây. Cuộc sống cũng vất vả và chắc đến cuối đời cũng chỉ thế mà thôi.

- Nhưng dẫu vất vả như vậy, anh ta cũng vẫn hạnh phúc phải không?

- Không. Antony khẳng định. - Tôi không nghĩ Hugh Kyle là một người hạnh phúc đâu.

Họ đến Tarbole vào lúc 6 giờ 30 sáng. Xe chạy dọc theo đường mòn xuống chân đồi tới một cảng nhỏ, lúc này không có ai. Những chiếc xe tải khổng lồ chở cá đã đi từ rất sớm, chỉ sau nửa đêm là chúng đã khởi hành rồi. Bởi vì họ đến quá sớm nên Antony cho xe chạy dọc con đường bên cảng, đậu xe trong một khu có hàng rào gỗ bao quanh. Trước mặt nơi họ đứng lúc này là khu cầu cảng, bến tàu và những căn nhà xây chuyên biệt, chỉ dùng hun khói thịt và cá. Khi họ bước ra khỏi xe, không khí lạnh lẽo chụp xuống người họ, gió thổi mang nặng mùi biển cả. Một căn nhà nhỏ sơ sài có tấm biển đề: phục vụ trà, cà phê, ăn nhẹ, điểm tâm gắn ngay trên cửa ra vào và hiện ra trước mặt hai người. Bên trong, chiếc đèn vàng ấm áp chiếu sáng những khung cửa mờ sương. Họ bước vào trong. Từ ngoài cửa đã sực nức mùi bánh mì mới nướng, mùi thịt muối đang chiên. Sau quầy là một phụ nữ to béo, ăn mặc lòe loẹt, miệng ngoác ra cười chào đón khách khi thấy Antony.

- Ô, Antony Armstrong. Chúa ơi, cơn gió nào đưa cậu đến đây thể này. Phải tiêu đến đồng xu cuối cùng mới nhớ đến quán của tôi phải không?

- Chào Ina, tôi về nhà nghỉ cuối tuần. Xin dọn cho hai phần điểm tâm được không?

- Tất nhiên chứ, ngồi đi, tự nhiên như ở nhà.

Cô nhìn Flora, mắt sáng lên vì tò mò.

- À, đây là quý cô trẻ tuổi