Đời nhẹ khôn kham - Phần III - Chương 3

5

Quyển từ điển ngắn những từ ngữ bị hiểu sai (tiếp theo)

DIỄN HÀNH

Ở Pháp hay Ý người ta dễ dàng quá. Khi cha mẹ ép buộc con cái đi nhà thờ, con cái phản kháng bằng cách gia nhập Đảng (Cộng sản, Mao-ít, Trốt-kít, vân vân.) Sabina bị người cha bắt đi nhà thờ rồi sau đó còn phải tham dự các buổi họp hành của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông lo ngại có chuyện chẳng lành nếu cô cố tình tránh né mãi.

Khi cô bị ép buộc gia nhập đoàn người diễn hành nhân ngày lễ Lao động, cô chẳng bao giờ giữ bước đi cho đúng nhịp, cô gái đi sau lớn tiếng mắng mỏ và cố tình đạp lên gót chân cô. Đến lúc hợp ca, cô cũng chẳng thuộc lời bài hát và chỉ biết nhép miệng theo. Những cô gái khác để ý báo cáo lên cấp trên. Từ lúc trẻ, cô đã ghét cay ghét đắng những buổi diễn hành.

Franz theo học ở Paris. Vì là sinh viên vô cùng xuất sắc nên ngay từ năm hai mươi tuổi anh đã nắm chắc sự nghiệp trong tay. Ở tuổi hai mươi, anh đã biết cuộc sống anh sẽ chỉ quanh quẩn nơi văn phòng trường đại học, một hai thư viện và hai, ba giảng đường khác nhau. Ý tưởng về cuộc sống như thế làm anh thấy nghẹt thở. Anh mong mỏi bước ra khỏi đời sống đó như người ta mong từ nhà bước ra đường.

Và còn sinh sống ở Paris ngày nào, anh không bỏ qua bất cứ cuộc diễn hành, mít-tinh nào. Thật khoan khoái khi ăn mừng, đòi hỏi hay phản đối điều gì; bước ra nơi trống trải, hòa mình vào chốn đông người. Anh cảm thấy khích động đến ngây ngất với những cuộc diễn hành tràn ngập đại lộ Saint-Germain hay từ quảng trường Place de la République đến ngục Bastille. Dưới mắt nhìn của anh, đám đông diễn hành la hét đó là hình ảnh về lịch sử Âu châu. Âu châu là cuộc Diễn hành lớn. Cuộc Diễn hành từ cách mạng sang cách mạng, từ đấu tranh sang đấu tranh, và cứ thế tiếp diễn.

Tôi có thể nói cách khác: Franz cảm thấy đời sống sách vở của anh không thật chút nào. Anh khao khát đời sống thật, khao khát được sờ mó đụng chạm những người đi cạnh anh, khao khát tiếng la hét của họ. Anh không bao giờ nhận thức điều anh cho là không thật (công việc anh làm một mình trong văn phòng hoặc thư viện) lại chính là đời sống thật của anh, còn cuộc diễn hành anh tưởng tượng có thật thì chẳng qua chỉ là những hí trường, những buổi khiêu vũ, những cuộc hội hè đình đám – hay nói khác đi, chỉ là giấc mơ.

Khi còn đi học, Sabina sống trong kí túc xá. Ngày lễ Lao động, tất cả sinh viên có lệnh tụ tập thật sớm để đi diễn hành. Giám thị trường vào từng phòng kiểm soát. Sabina trốn trong phòng vệ sinh và đợi mọi người đi hết mới quay về phòng. Lúc đó, không gian yên ắng vô cùng. Tiếng ồn duy nhất là tiếng nhạc diễn hành văng vẳng vọng lại từ xa. Như thể cô tìm được nơi trú ẩn bên trong cái vỏ ốc và âm thanh duy nhất cô nghe được là tiếng ồn ào vọng lại từ biển cả thế giới nghịch thù.

Một hai năm sau khi di cư ra nước ngoài, cô tình cờ có mặt ở Paris trong dịp đánh dấu ngày Nga xâm lăng đất nước cô. Một cuộc biểu tình tuần hành được dự trù và cô tự cảm thấy có bổn phận tham dự. Những nắm tay giơ cao, những chàng trai Pháp hét to khẩu hiệu lên án đế quốc Xô viết. Những khẩu hiểu nghe cũng lọt tai cô, nhưng cô vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình không cách nào cất tiếng la to những khẩu hiệu đó cùng mọi người chung quanh. Cô có mặt trong đoàn người không quá mươi phút.

Khi kể lại mẩu chuyện với những người bạn Pháp, họ tỏ ra kinh ngạc vô cùng: “Cô không muốn đấu tranh để giành lại đất nước cô sao?” Cô rất muốn bày tỏ ý nghĩ mình là đằng sau những chủ nghĩa, Cộng sản, Phát xít, đằng sau mọi chiếm đóng và xâm lăng là sự hiểm ác cơ bản và sâu sắc hơn. Bộ mặt sự hiểm ác đó là cuộc diễn hành có những nắm tay giơ cao và miệng đồng thanh hô to những âm thanh đồng điệu. Nhưng cô biết những người bạn đó không bao giờ hiểu giùm cô. Cô ngượng nghịu chuyển câu chuyện sang đề tài khác.

CÁI ĐẸP CỦA NEW YORK

Franz và Sabina thường tản bộ hàng giờ trên đường phố New York. Cảnh vật bên đường biến đổi theo từng bước đi như thể hai người đang đi trên con đường núi ngoằn ngoèo chung quanh tíu tít những cảnh tượng lạnh người: Một thanh niên quỳ giữa vệ đường chắp tay cầu nguyện; cách đó vài bước, một thiếu nữ da đen đứng dựa gốc cây; một người đàn ông mặc com lê đen quơ tay điều khiển ban nhạc vô hình trong lúc băng qua đường; bồn nước phun lên thành vòi trong lúc đám thợ xây ngồi chung quanh ăn trưa; những cầu thang bằng sắt lạ mắt chạy lên chạy xuống những tòa nhà cao tầng mặt tiền màu đỏ trông xấu xí dị kì, xấu đến độ trông mãi cũng chẳng thành đẹp; và bên cạnh, hai, ba tòa nhà kính chọc trời khổng lồ đứng dựa vào nhau, tầng thượng là khu giải trí kiểu Ả rập với những tháp đài nho nhỏ, phòng triển lãm, cột dát vàng.

Cô nghĩ đến tranh cô vẽ. Ở những bức họa cũng thế, những vật thể thiếu cân xứng hòa nhập với nhau: công trường thép đè lên chiếc đèn dầu; chiếc đèn kiểu xưa, chụp đèn bằng kính màu vỡ thành trăm nghìn mảnh nhỏ li ti và nhô trên khung cảnh đầm lầy điêu tàn hoang phế.

Franz nói, “Cái đẹp hiểu theo tinh thần Âu châu luôn luôn kèm theo dụng tâm nào đó. Chúng ta bao giờ cũng có sẵn chủ ý thẩm mỹ và chương trình dài hạn. Điều đó khiến người Âu có thể bỏ ra nhiều chục năm trời xây cất những công trình như thánh đường thời Gô-tích hay công trường thời Phục hưng. Cái đẹp của New York dựa trên căn bản hoàn toàn khác biệt. Ở đây không có dụng tâm, nó mọc lên hoàn toàn ngoài chủ ý thiết kế của con người, y như một hang động thạch nhũ. Những thể dạng xấu xí ngẫu nhiên vươn lên, không hề sắp đặt trước, nằm giữa khung cảnh kì dị ngoài sức tưởng tượng chung quanh, đột ngột bật lên nét thi vị lóng lánh diệu kì.

Sabina trả lời anh, “Cái đẹp không chủ tâm. Đúng đấy. Cách khác để diễn tả có thể là ‘đẹp do vô ý’. Trước khi cái đẹp hoàn toàn biến mất khỏi mặt đất, nó sẽ hiện hữu một thời gian do lỗi lầm vô ý. ‘Đẹp do vô ý’ – giai đoạn cuối cùng của lịch sử cái đẹp.”

Cô lại nhớ đến những bức họa khi nét cọ cô bắt đầu già giặn, những bức họa thành tựu nhờ vệt sơn đỏ do cô vô ý rơi vãi xuống mặt bố. Vâng, tranh cô vẽ dựa trên căn bản “cái đẹp do vô ý”, và New York là cứ địa bí mật nhưng đích thực cho những bức họa đó.

Franz gật gù, “Có lẽ cái đẹp không chủ tâm của New York phong phú và đa dạng hơn nhiều nếu đem so với cái đẹp do con người chủ ý xếp đặt. Nhưng đó không phải là cái đẹp Âu châu của chúng ta. Đó là một cảnh giới xa lạ.”

Cuối cùng hai người đồng ý điểm nào đó chăng?

Không. Vẫn có khác biệt. Sabina bởi quyến rũ bởi cái đẹp lạ lùng của New York. Còn với Franz, thành phố làm anh thấy hiếu kì nhưng có cái gì đó sờ sợ; nó làm anh nhớ nhà, nhớ châu Âu của anh.

QUÊ HƯƠNG CỦA SABINA

Sabina hiểu tại sao Franz không ưa thích Mỹ châu. Con người anh là hiện thân của châu Âu: mẹ anh người Vienna, cha Pháp, còn chính anh lại là Thụy Sĩ.

Franz vô cùng thán phục quê hương Sabina. Khi Sabina kể chuyện về cô hoặc những người bạn từ quê nhà, anh nghe toàn những từ ngữ như “nhà tù”, “ngược đãi”, “chiến xa kẻ thù”, “di cư”, “truyền đơn”, “sách bị cấm”, “triển lãm bị cấm”, và anh thấy trong anh cảm giác lạ lùng, nửa ganh tị của cảm hòai.

Anh thú nhận với Sabina. “Lần đó có một triết gia viết về anh, ông ta phê phán công trình của anh là những suy cứu thiếu minh chứng và gọi anh là ‘ngụy-Socrates’. Anh cảm thấy bị xúc phạm nặng nề và giận dữ trả đũa. Bây giờ nghĩ lại thấy cái vở kịch tức cười đó lại là xung đột ghê gớm nhất đời anh. Điểm cao nhất trong mọi biến cố đời anh chỉ có thế! Anh và em, chúng ta sống hai chiều khác nhau. Em đi vào đời anh như Gulliver bước vào thế giới người Li-li-pút.”

Sabina cãi lại. Cô bảo mọi xung đột, biến cố, thảm kịch đều không có ý nghĩ gì; nơi chúng người ta không thể tìm ra giá trị nào, chúng không đáng để thán phục hay quý trọng. Chính công trình của Franz mới có giá trị và anh có sự thanh tịnh để đặt hết tinh thần vào nó.

Franz lắc đầu. “Trong xã hội giàu có, người dân không phải làm lụng bằng chân tay; họ có phương tiện tham gia những sinh họat tinh thần. Càng ngày trường đại học càng nhiều, sinh viên theo học càng đông. Sinh viên muốn có bằng cấp phải viết luận án. Và họ có thể viết về bất cứ điều gì dưới ánh mặt trời này, đề tài trở nên nhiều vô số kể. Những trang giấy dầy đặc chữ nằm xếp đống trong văn khố trông buồn thảm hơn nghĩa trang vì không ai thèm thăm hỏi, ngay cả vào ngày Lễ Linh Hồn[2]. Văn hóa đang bị tàn tạ vì sản xuất quá độ, dưới cơn thác của chữ nghĩa, trong cơn điên của số đông. Đó là lí do tại sao một quyển sách bị cấm ở nước em có giá trị hơn một tỉ từ ngữ mửa ra từ các trường đại học xứ anh.” Chính trong tinh thần này chúng ta có thể hiểu ra nhược điểm của Franz về cách mạng. Thọat đầu anh có cảm tình với Cuba, rồi Trung quốc, trong khi sự dã man tàn bạo của các chế độ này làm anh khiếp đảm thì với tiếng thở dài hắt ra, anh rút về cái biển cả chữ nghĩa vô trọng lượng và không chút tượng hình đời sống kia. Anh trở thành vị giáo sư ở Geneva (nơi không có các cuộc biểu tình), và trong cơn thịnh nộ muốn từ bỏ (nỗi hiu quạnh một thế giới không đàn bà, không diễn hành) anh xuất bản dăm ba quyển sách sưu khảo uyên bác, quyển nào cũng được tán thưởng khá nồng nhiệt. Thế rồi một hôm Sabina đặt chân vào đời anh. Khải thị cô đem đến cho anh. Cô đến từ vùng đất nơi ảo giác cách mạng tàn lụi từ lâu nhưng những gì của cách mạng anh thán phục nhiều nhất vẫn còn: đời sống trên bình diện rộng lớn; đời sống với những bấp bênh, táo bạo, hiểm nguy, chết chóc. Sabina gieo lại niềm tin nơi anh ý nghĩa to tát của nỗ lực vươn lên của con người. Đem chắp ráp vở bi kịch đớn đau trên đất nước cô lên con người cô, anh càng thấy cô tuyệt mỹ.

[2] Chú thích của người dịch: Lễ Linh Hồn (All Souls’ Day), nhằm ngày mùng hai tháng mười một hàng năm, ngày lễ cầu nguyện cho những linh hồn quá vãng.

Vấn đề rắc rối ở chỗ Sabina không chút yêu thích vở bi kịch đó. Những từ ngữ “nhà tù”, “ngược đãi”, “sách bị cấm”, “chiếm đóng”, “chiến xa” với cô đều mang hình ảnh xấu xí tàn tệ và chẳng lãng mạn chút nào. Từ ngữ duy nhất gợi trong tâm khảm cô nỗi hòai cảm ngọt ngào về quê mẹ là chữ “nghĩa trang.”

NGHĨA TRANG

Nghĩa trang ở Bohemia trông như thửa vườn. Phủ lên những nấm mộ là cỏ xanh rì và bông hoa đủ màu sắc. Những tấm mộ bia khiêm tốn nằm khuất lấp dưới màu xanh lục của cỏ. Lúc hoàng hôn, nghĩa trang lập lòe ánh nến như thể người chết đang nhảy múa trong cuộc vui chơi của trẻ con. Cuộc vui nhảy múa của trẻ con bởi người chết và trẻ con đều vô tội như nhau. Không cần biết đời sống thô bạo đến mức nào, sự thanh thản bình yên luôn luôn hiện hữu trong nghĩa trang. Ngay cả thời chiến, thời Hitler, thời Stalin, thời bị xâm lăng. Những lúc buồn bã, cô vào xe, bỏ Praha phía sau lưng, bước xuống tản bộ trong một khu nghĩa trang miền quê nào đó cô yêu thích. Dưới rặng đồi xanh biếc, khu nghĩa trang đẹp như một bài hát ru em.

Với Franz, nghĩa trang là bãi rác xấu xí toàn gạch đá và xương xẩu.

6

“Tôi không bao giờ lái xe. Tôi sợ tai nạn xe cộ lắm, sợ đến cứng cả người. Bị tai nạn, không chết cũng thương tích suốt đời!” Trong lúc nói, nhà điêu khắc bất chợt nắm chặt ngón tay có lần suýt bị cứa mất trong lúc ông tạc pho tượng gỗ. Quả có phép lạ ngón tay không bị chặt phăng.

“Ông nói thế nghĩa là gì chứ?” Marie-Claude hỏi lại giọng cổ khàn khàn. Đầu óc cô đang thư giãn ung dung. “Tôi có lần bị tai nạn rất nặng, vậy mà tôi còn thích chí là đằng khác. Chưa bao giờ tôi thấy khoan khoái như thời gian nằm bệnh viện. Vì không ngủ được nên tôi đọc sách ngày đêm.”

Mọi người nhìn cô với con mắt kinh ngạc. Cô có vẻ thú vị. Franz phản ứng với cả hai thái độ chán ngấy (anh biết sau tai nạn cô lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng nề và không ngớt than van) và ngưỡng phục (khả năng thay đổi mọi chuyện cô trải qua là chỉ dấu một sinh lực có thật.)

“Chính trong thời gian nằm bệnh viện tôi khởi sự chia sách đọc thành hai loại, sách đọc ban ngày và sách đọc ban đêm,” cô nói tiếp. “Thật ra, có loại sách dành đọc ban ngày và có loại chỉ nên đọc ban đêm.”

Đến đây tất cả mọi người nhìn cô bằng con mắt vừa kinh ngạc vừa ngưỡng phục. Tất cả, ngoại trừ nhà điêu khắc, ông vẫn nắm chặt ngón tay, mặt mày nhăn nhó nhớ lần tai nạn.

Marie-Claude quay sang ông hỏi, “Theo ông Stendhal phải xếp vào loại nào?”

Nhà điêu khắc không nghe ra câu hỏi, bức bối nhún vui. Một nhà phê bình hội họa đứng cạnh đỡ lời, ông xếp Standhal vào loại sách đọc ban ngày.

Marie-Claude lắc đầu, giọng vẫn khàn đục, “Không, không, ông sai rồi! Ông sai rồi! Sách Standhal phải đọc ban đêm!”

Sự tham dự của Franz vào cuộc tranh luận giữa nghệ thuật ban ngày và nghệ thuật ban đêm chốc chốc lại bị cắt đứt vì anh biết Sabina có thể xuất hiện bất cứ giây phút nào. Hai người mất nhiều ngày trời đắn đó không biết Sabina có nên nhận lời mời tham dự bữa tiệc rượu này hay không. Bữa tiệc do Marie-Claude tổ chức để đãi đằng tất cả họa sĩ và điêu khắc gia từng triển lãm tại phòng triển lãm riêng của cô. Từ khi Sabina quen biết Franz, cô tránh mặt bà vợ anh. Nhưng vì sợ bị khám phá, hai người đi đến kết luận nếu Sabina nhận lời tham dự thì vẫn tự nhiên và đỡ bị nghi ngờ hơn.

Trong lúc kín đáo liếc mắt nhìn ra cửa ra vào, Franz nghe giọng nói Marie-Anne, cô con gái mười tám tuổi của anh, đang bô lô ba la gì đó ở cuối phòng bên kia. Anh xin lỗi rút lui khỏi nhóm có vợ anh đang làm chủ tịch đoạn bước qua thăm chừng nhóm do con gái anh nắm đầu. Kẻ đứng, người ngồi trên ghế, nhưng Marie-Anne ngồi xếp bằng dưới sàn nhà. Franz đoán chắc Marie-Claude chẳng mấy chốc cũng sẽ ngồi xệp xuống thảm ở phía bên kia. Ngồi dưới thảm tiếp khách là hành vi nói lên sự giản dị, không trang trọng, chứng tỏ quan niệm chính trị tự do cấp tiến, lòng hiếu khách, và cũng là lối sống của dân Paris. Marie-Claude thèm ngồi dưới thảm đến độ Franz bắt đầu lo ngại có ngày cô sẽ ngồi xuống sàn tiệm bán thuốc lá cô vẫn thường đến mua thuốc hút.

“Alain, hiện ông đang vẽ cái gì đấy?” Marie-Anne cất tiếng hỏi người đàn ông cô đang ngồi dưới chân.

Alain quả ngây thơ và thật thà khi ông cố tìm câu trả lời thành thật để làm vừa lòng cô con gái bà chủ phòng triển lãm. Ông giải thích cho cô nghe về thủ pháp mới của ông, một kết hợp giữa nhiếp ảnh và sơn dầu, nhưng ông nói chưa hết ba câu thì Marie-Anne bắt đầu chu miệng huýt gió. Người họa sĩ tập trung tinh thần vào từng câu nói chậm rãi của mình, không nghe tiếng huýt gió.

“Tại sao con huýt gió? Con nói cho pa-pa nghe được không?” Franz ghé vào tai cô hỏi thầm.

“Bởi vì con không thích nghe người ta nói chuyện chính trị.” Cô trả lời rõ to.

Quả thật, hai người đàn ông đứng cạnh đó đang bàn cãi về cuộc bầu cử sắp tới ở Pháp. Marie-Anne thấy có bổn phận làm chủ đám đông nên cô cất tiếng hỏi hai người có định đi xem đoàn đại nhạc kịch từ Ý lên trình diễn vở nhạc kịch của Rossini vào tuần tới không. Trong lúc đó, ông họa sĩ Alain vẫn chìm đắm vào những chi tiết càng lúc càng nhiều về thủ pháp mới của ông trong hội họa. Franz cảm thấy xấu hổ về đứa con gái. Anh bảo cô gái, “Vậy mà mỗi lần đi xem nhạc kịch ai là người kêu toáng lên là chán?” “Pa-pa này!” Marie-Anne giơ tay đấm vào bụng anh. “Anh chàng ca sĩ chính giọng tê-no đẹp trai ra phết. Đẹp trai quá chừng thôi. Con xem anh chàng trình diễn hai lần rồi, và con đến yêu anh chàng mất thôi.”

Tại sao con gái anh giống mẹ nó đến thế! Sao nó không giống anh? Nhưng Franz làm được gì? Nó không giống anh chút nào. Bao nhiêu lần anh phải nghe Marie-Claude tuyên bố cô yêu họa sĩ này, ca sĩ nọ, nhà văn này, nhà chính trị nọ và có lần cả một cua rơ xe đạp. Dĩ nhiên, những thứ đó chỉ là chuyện trà dư tửu hậu, nhưng đôi lúc anh vẫn không sao quên được cách đây hơn hai mươi năm cô nói như thế về anh và dọa tự tử nếu anh không lấy cô làm vợ.

Ngay lúc đó, Sabina đặt chân vào phòng. Marie-Claude bước ra đón. Trong lúc Marie-Anne đang thao thao nói về Rossini, Franz quay sang lắng nghe hai người đàn bà trao đổi nhau những gì. Sau vài câu xã giao chào hỏi, Marie-Claude cầm xâu chuỗi hột làm bằng gốm Sabina đeo trên cổ rồi kêu to: “Cái gì thế này? Xấu đến thế thì thôi!”

Câu nói đập vào tai Franz ấn tượng thật sâu đậm. Câu nói không mang chủ tâm gây hấn; tiếng cười khản đục sau đó vang lên chứng tỏ Marie-Claude không cố tình gây sứt mẻ tình bạn giữa cô và Sabina. Nhưng đó không phải là cái gì cô thường nói hằng ngày. “Chính tay tôi làm đấy.” Sabina nói.

“Xâu chuỗi xấu thế chị đeo làm gì!” Marie-Claude nhắc lại câu nói, giọng thật to.

Franz biết rõ vợ anh thật ra chẳng hề quan tâm gì đến vẻ xấu đẹp của xâu chuỗi. Món vật trở nên xấu nếu cô muốn nó xấu, và đẹp nếu cô muốn nó đẹp. Những xâu chuỗi bạn bè cô đeo đều đẹp. Và cho dù cô thấy chúng xấu, cô cũng chẳng bao giờ mở miệng chê bai, bởi sự ton hót nịnh nọt từ lâu đã là bản chất thứ hai trong con người cô.

Vậy, tại sao lúc đó cô có quyết định tuyên bố xâu chuỗi do chính tay Sabina làm lại vô cùng xấu xí?

Franz thốt nhiên thấy câu trả lời thật rõ ràng: Marie-Claude chê bai xâu chuỗi của Sabina chỉ vì cô đã đủ sức làm điều đó.

Hay chính xác hơn: Marie-Claude cất tiếng chê bai xâu chuỗi xấu để làm sáng tỏ điều cô đã đủ sức bảo Sabina xâu chuỗi của cô xấu lắm.

Năm ngoái, cuộc triển lãm của Sabina không mấy thành công, vì thế lòng trọng vọng Marie-Claude dành cho Sabina giảm sút rất nhiều, nhưng ngược lại, Sabina có mọi lí do thấy mình vẫn phải trọng vọng người đàn bà này. Tuy thế, hành vi của cô không để lộ điều gì về thái độ đó.

Vâng, Franz thấy rõ lắm: Marie-Claude dùng cơ hội này để làm sáng tỏ cho Sabina (và những người khác) thấy rõ cán cân lực lượng thật giữa hai người là gì.