Đời nhẹ khôn kham - Phần IV - Chương 1

PHẦN BỐN

Tâm hồn và thể xác

1

Gần một giờ rưỡi đêm lúc Tereza về nhà. Cô vào phòng tắm thay quần áo ngủ rồi nằm xuống cạnh Tomas. Anh đang ngủ say. Trong lúc cúi xuống hôn lên mặt anh cô bỗng ngửi thấy mùi gì là lạ toát ra từ mái tóc anh. Cô ngửi đi ngửi lại hai ba lần. Cô dí mũi vào hít hít như chó đánh hơi mãi mới phát giác ra cái mùi lạ lùng bốc lên từ đầu tóc Tomas: mùi phần thầm kín nhất, phần trái cấm trên thân thể đàn bà.

Sáu giờ sáng, chuông đồng hồ báo thức reo vang. Thời điểm sung sướng nhất của Karenin đã điểm. Tuy bao giờ cũng thức dậy thật sớm nhưng nó không dám đánh thức ông bà chủ. Nó nóng nảy đợi tiếng chuông đồng hồ báo thức, lúc đó nó mới được quyền nhẩy lên giẫm bừa bãi trên giường và húc mõm dựng hai người dậy. Hồi mới đầu, hai người còn cố kềm nó xuống và đẩy nó ra khỏi giường, nhưng nó khỏe lắm, hai người chẳng dễ gì tước đoạt quyền lợi của nó. Dần dà, Tereza trở nên yêu thích thói quen được nó chào đón mỗi sáng như vậy. Với nó, thức dậy buổi sáng là niềm vui sướng tột cùng: nó luôn luôn tỏ ra kinh ngạc cách ngố ngác và giản dị khi khám phá mình vẫn còn trên mặt đất; nó thật sự vui mừng. Tereza thì khác, cô thức dậy trong uể oải và chỉ mong quên phứt đi ngày dài trước mặt bằng cách cứ nhắm yên hai mắt.

Nó chạy ra đứng gần cửa ra vào, nghếch mõm lên nhìn giá treo mũ, trên đó treo toòng teng sợi dây xích cổ. Cô tròng dây rồi dẫn nó đi chợ. Cô cần mua ít sữa, bánh mì và như thường lệ ổ bánh nướng cho Karenin. Từ chợ ra, nó lon ton chạy bên cạnh cô, mõm ngậm ổ bánh, mắt nhìn ngang nhìn dọc ra vẻ dương dương tự đắc lắm về sự chú ý của đám đông qua lại.

Về đến nhà, nó vào nằm dài ngay cửa phòng ngủ, ổ bánh vẫn ngậm trên mõm chờ đợi Tomas nhận ra mình. Nó đợi anh bò đến gần, miệng gầm gừ làm như đang tìm cách giật ổ bánh khỏi miệng nó. Ngày nào cũng thế. Anh và con Karenin đuổi nhau như vậy trong nhà ít nhất năm phút trước khi nó chui vào gầm bàn ăn hết ổ bánh.

Tuy nhiên, lần này nó đợi mãi vẫn không thấy nghi thức mỗi sáng đó diễn ra. Tomas đang chăm chú lắng nghe một chương trình phát thanh từ chiếc máy thu thanh nhỏ đặt trên bàn trước mặt.

2

Đó là chương trình phát thanh đặc biệt về cộng đồng di dân Tiệp ở hải ngoại gồm những đoạn đối thọai kín thu lén bằng máy móc tinh xảo nhất do một tay gián điệp nằm vùng len lỏi trà trộn trong cộng đồng lưu vong nước ngoài thu được và gửi về Praha. Cuộn băng toàn những lời nói huyên thiên trên trời dưới biển, thỉnh thoảng xen vào những câu chửi bới chế độ, nhưng cũng có chỗ nhân vật lưu vong này gọi nhân vật lưu vong kia là thằng ngu, thằng bịp. Những điểm tầm thường thấp kém đó là chủ điểm buổi phát thanh. Nó cố minh chứng cộng đồng lưu vong hải ngoại không phải chỉ nói xấu Liên Xô, họ còn mắng chửi lẫn nhau tơi bời và tự tiện dùng những ngôn từ hạ cấp nhất. Người ta mở miệng văng tục văng tằn suốt ngày, nhưng khi nghe trên máy thu thanh nhân vật tăm tiếng, nhân vật họ kính trọng, mỗi câu mỗi “đù má đù mẹ”, họ bỗng có cảm tưởng như bị bỏ rơi.

“Mọi chuyện bắt đầu từ Prochazka.” Tomas nói.

Jan Prochazka, nhà văn Tiệp Khắc bốn mươi tuổi với sức mạnh và sinh lực một con bò mộng, ngay từ trước 1968 đã bắt đầu gào thét chỉ trích chính quyền. Rồi ông trở thành một trong những nhân vật được yêu mến nhất của Mùa Xuân Praha, cái biến cố chóng mặt muốn tự do hóa chủ nghĩa Cộng sản và bị đập tan với cuộc xâm lăng của Nga. Sau vụ xâm lăng ít lâu, báo chí mở chiến dịch bôi nhọ ông, nhưng báo chí càng ra sức bôi nhọ ông bao nhiêu dân chúng càng yêu mến ông bấy nhiêu. Thế rồi (năm 1970, cho chính xác) đài phát thanh Tiệp Khắc phát thanh một loạt những mẩu đối thọai riêng tư giữa Prochazka và người bạn giáo sư của ông. Những mẩu đối thọai bị thu lén trước đó hai năm (tức là mùa Xuân 1968). Cả hai người không hề hay biết căn nhà vị giáo sư bị đặt máy nghe lén và mỗi bước chân của họ đều có con mắt nhìn theo. Prochazka rất thích biệt đãi bằng hữu với những điều khoa đại quá trớn. Giờ đây những điều quá trớn đó biến thành chương trình phát thanh hằng tuần. Sở mật thám trách nhiệm sản xuất và đạo diễn chương trình, họ bỏ ra nhiều công sức nhấn mạnh những đoạn Prochazka giễu cợt bạn bè ông Dubcek chẳng hạn. Người ta phỉ báng bạn bè chỉ vì chuyện không đâu nhưng bị sốc vì một Prochazka đáng kính nhiều hơn là cái sở mật thám đáng ghét kia.

Tomas tắt máy rồi nói, “Quốc gia nào cũng có mật thám. Nhưng mật thám đi thu băng lén rồi phát trên làn sóng điện cho dân chúng nghe thì chỉ xảy ra ở Praha, tuyệt đối chưa từng thấy ở đâu bao giờ!”

“Có chứ.” Tereza bảo anh. “Năm mười bốn tuổi, em có tập nhật kí. Em cất giữ nó kĩ lắm vì sợ có người đọc lén. Em giấu nó trên gác xép. Thế mà không hiểu mẹ em mò mẫm thế nào vẫn tìm ra. Một hôm giữa bữa ăn tối, mọi người đang cắm cúi ăn súp, bà thò tay vào túi lấy ra quyển nhật kí rồi cất tiếng, ‘Mọi người lắng nghe này!’ Và sau mỗi câu bà phá lên cười. Mọi người cười bò lăn bò càng đến nỗi bỏ cả ăn.”

3

Thường anh cố không làm cô mất giấc ngủ lúc anh thức dậy một mình ra ăn sáng. Nhưng cô không chịu. Tomas làm ca ngày từ bảy giờ sáng đến bốn giờ chiều, trong khi cô làm ca tối từ bốn giờ đến nửa đêm. Nếu không cùng ăn sáng cô chỉ trông thấy mặt anh vào ngày Chủ nhật. Đó là lí do cô thức dậy cùng lúc với anh rồi sau đó vào giường ngủ tiếp.

Tuy nhiên, sáng nay cô không dám ngủ thêm vì mười giờ cô phải có mặt tại nhà tắm hơi bên khu đảo Zofin. Nhà tắm hơi không đủ chỗ chứa từng đó người chờ đợi xin vào cửa, vì thế chỉ có cách nhờ cậy chỗ quen biết. May mắn, người thu ngân là vợ một giáo sư bị mất chức sau 1968 và vị giáo sư là bạn một bệnh nhân cũ của Tomas. Nhờ thế Tereza mỗi tuần đều có vé vào cửa.

Cô đi bộ đến nhà tắm hơi. Cô ghét lấy xe điện vì trên xe lúc nào cũng chật cứng. Người ta xô đẩy nhau đầy ác ý, giẫm lên chân nhau, giật đứt khuy áo nhau và quác miệng hét những lời thóa mạ nặng nề.

Quang cảnh trông đến chóng cả mặt. Trong lúc vội vã bước tới, mọi người đồng loạt giương dù lên che đầu và lập tức đường phố đông như nêm cối. Những cây dù va vào nhau. Đàn ông còn lịch sự, khi đi ngang Tereza họ giơ cao cây dù nhường chỗ cho cô bước qua. Đàn bà không thế. Họ nhìn thẳng phía trước, chờ đợi người đàn bà kia chấp nhận yếu kém hơn và lạng người sang bên tránh chỗ. Va chạm dù vào nhau là cuộc thử thách sức mạnh. Tereza lúc đầu còn nhường nhịn, nhưng dần dà cô thấy mình lịch sự mãi vẫn chẳng thấy ai đáp lại nên cô làm y như những người đàn bà khác, cô giữ chặt dù mình rồi đâm sầm vào những chiếc dù đang lao tới. Chẳng ai buồn nói “Xin lỗi” bao giờ. Phần lớn họ cắm cúi đi tiếp, mặc dù đôi ba lần cô nghe tiếng chửi thề “Đồ bò!” hay “Tiên sư cha mày!” vẳng lại.

Những người đàn bà với vũ khí là chiếc dù trên tay, già có trẻ có, nhưng đám trẻ tuổi dường như vẫn là những nữ chiến sĩ vô cùng sắt thép. Tereza nhớ buổi đầu cuộc xâm lăng và những cô gái mặc váy ngắn tay cầm ngọn cờ chạy ngoài đường phố. Rửa hận bằng sắc dục: lính Nga, những tên lính bị cấm gần đàn bà suốt mấy năm dài chắn hẳn phải có cảm tưởng mình đang đặt chân đến hành tinh chỉ có trong truyện khoa học viễn tưởng, hành tinh nơi những cô gái phô bày lòng khinh miệt bằng những cặp đùi thon dài tuyệt mĩ cả năm sáu thế kỉ không thấy trên đất Nga.

Cô chụp nhiều bức ảnh các cô gái trẻ tuổi đó đứng trước họng súng xe tăng. Cô cảm phục họ xiết bao! Giờ đây chính những người đàn bà này đang dữ dằn và đầy ác ý đâm sầm vào cô. Thay vì ngọn cờ, họ cầm cây dù trên tay, nhưng hào khí trên mặt họ không đổi khác. Họ sẵn sàng chiến đấu ương ngạnh, dù đối đầu là đội quân xâm lăng hay cây dù khác không chịu ngoan ngoãn nhường lối cho họ đi.

4

Cô đi về phía quảng trường Phố Cổ tháp chuông tòa thánh đường Tyn, những dinh thự Gô-tích và Ba-rốc hình chữ nhật không đều. Tòa thị sảnh khu Phố Cổ, xây từ thế kỉ mười bốn và có thời chiếm trọn một bề dãy phố, bị bỏ hoang phế suốt hai mươi năm qua. Warsaw, Dresden, Berlin, Cologne, Budapest tất cả bị tàn phá tan hoang trong cuộc chiến vừa qua. Nhưng cư dân các thành phố đó bắt tay xây dựng lại từ đổ vỡ và họ còn bỏ ra biết bao công sức trùng tu các di tích lịch sử. Dân Praha mang mặc cảm tự ti với những thành phố nọ. Tòa thị sảnh khu Phố Cổ là di tích duy nhất bị phá hủy trong chiến tranh, và họ quyết định giữ nguyên như thế để người Ba lan, người Đức không được phân bì ai khổ hơn ai. Phía trước quang cảnh điêu tàn đầy vinh quang đó, người ta dựng một khán đài để nhắc nhở thế hệ bây giờ cũng như mãi mãi mai sau về tội ác chiến tranh. Khán đài cũng là nơi đảng Cộng sản lùa dân Praha ra đứng khi cần hò hét hoan hô đả đảo cái gì.

Nhìn đống gạch vụn tòa thị sảnh khu Phố Cổ, Tereza chạnh nhớ mẹ cô: con người cần phải phơi bày vẻ tàn tạ xấu xa, phải hô hoán nỗi thống khổ, phải giơ ra khúc tay cụt và ép cả thế giới này nhìn vào. Gần đây, hình như cái gì cũng quy vào nhắc nhở cô về bà mẹ. Thế giới mẹ cô, thế giới cô từ bỏ mười năm trước, hình như đang quay về vây bủa cô vào giữa. Đó là lí do tại sao sáng nay cô kể Tomas nghe câu chuyện mẹ cô đem quyển nhật kí ra làm trò cười giữa bàn ăn. Khi câu chuyện riêng tư giữa hai người bạn qua li rượu bị đem ra phát trên làn sóng điện, điều đó có khác gì thế giới đang biến thành trại tập trung?

Ngay khi còn thơ ấu, Tereza đã dùng tên gọi này để diễn tả cảm giác của cô về cuộc sống trong gia đình. Trại tập trung là thế giới nơi con người thường trực sống chen chúc bên nhau, ngày cũng như đêm. Hung tợn, thô bạo chỉ là những thuộc tính phụ (và bắt buộc phải có.) Trại tập trung đồng nghĩa với sự tước đoạt hoàn toàn mọi điều riêng tư. Prochazka, người không được phép ngồi uống rượu nói chuyện phiếm với bạn mình trong vòng riêng tư, là người sống (không hề hay biết sai lầm chết người về phần ông!) trong trại tập trung. Tereza sống trong trại tập trung lúc cô sống dưới cùng mái nhà với bà mẹ. Ngay từ thuở nhỏ, cô đã biết trại tập trung chẳng có chi ghê gớm, đó là nơi chúng ta sinh ra và chúng ta chỉ có thể vượt thoát với nỗ lực phi thường nhất.

5

Ba tầng ghế dài trong phòng tắm hơi chật đến nỗi các bà các cô phải ngồi sát nhau. Bên cạnh Tereza là một bà trạc ba mươi tuổi có khuôn mặt rất xinh đẹp. Nhưng bộ ngực bà ta lại to lớn không thể tưởng được, cặp vú núng nính chảy xệ xuống từ hai vai, lắc lư theo mỗi cử động dù rất nhẹ. Khi bà ta đứng lên, Tereza thấy đôi mông bà vĩ đại như hai cái bao tải. Thân hình người đàn bà chẳng ăn nhập gì tới khuôn mặt xinh đẹp kia.

Có lẽ người đàn bà hay đứng trước gương nhìn ngắm thân hình mình, cố thấu thị tâm hồn mình qua cái thân xác đó như Tereza thường làm khi còn bé. Chắc hẳn bà ta cũng ấp ủ niềm hi vọng chân phước nhìn thấy tâm hồn mình qua tấm gương thể xác. Nhưng quả là một tâm hồn gớm ghiếc nếu nó phản ảnh qua thân hình như bốn cái túi treo lủng lẳng đó.

Tereza đứng dậy dội nước lên người. Đoạn cô bước ra ngoài trời. Cô vẫn thấy chóng mặt. Đứng đây, ngay dưới sàn gỗ là khu Vltava và cách biệt với thành phố ngoài kia nhờ bức tường gỗ cao rộng vài thước vuông, cô đưa mắt nhìn xuống chạm phải đầu người đàn bà cô vừa suy nghĩ đến. Đầu bà ta nổi dềnh trên dòng sông chảy mạnh.

Người đàn bà ngước mặt lên nhìn cô mỉm cười. Bà ta có cái mũi rất thanh tú, đôi mắt to nâu và nụ cười trẻ thơ.

Trong lúc bước lên cầu thang, những nét dịu dàng trên mặt người đàn bà bỗng nhường chỗ cho hai cái túi rung rinh bắn những giọt nước lạnh li ti hai bên phải, trái.

6

Tereza bước vào trong mặc áo quần rồi đứng trước tấm gương lớn.

Không, thân hình cô không có gì gớm ghiếc. Cô không có hai cái túi chảy xệ xuống từ hai vai; thật ra, ngực cô rất nhỏ. Mẹ cô hay trêu chọc về bộ ngực không mấy kích thước đó của cô, và cô mang mặc cảm này mãi cho đến khi gặp Tomas. Nhưng chưa hết, cô còn bị hành xác bởi hai vòng tròn thật lớn, thật đen đậm chung quanh đầu vú. Giá cô có khả năng tự vẽ kiểu thân hình cho mình, chắc hẳn cô sẽ chọn loại đầu vú thật mờ nhạt, chỉ hơi nhu nhú trên vòm ngực một chút và tiệp với màu da thịt khắp người. Cô có cảm tưởng đầu vú cô là những vòng tròn đỏ thẫm của tấm bia tập bắn do tay thợ vẽ tranh khiêu dâm hạng tồi nào đó vẽ cho dân nhà nghèo xem.

Nhìn thân thể mình, cô phân vân tự hỏi không biết cô sẽ ra sao nếu mũi cô mỗi ngày dài thêm một mili-mét. Bao lâu khuôn mặt cô bắt đầu giống mặt người khác?

Và nếu các phần khác trên thân thể cô cũng bắt đầu nở ra hay teo lại và Tereza không còn như bây giờ, lúc đó cô còn là cô, còn là Tereza nữa hay không?

Dĩ nhiên còn. Ngay nếu Tereza hoàn toàn không còn là Tereza tâm hồn cô bên trong vẫn không đổi khác và nó sẽ kinh ngạc lắm khi nhòm ra thấy cái phần thể xác ngoài kia đang hóa thân.

Nếu vậy, tương quan giữa Tereza và thể xác cô sẽ là gì? Thể xác cô vẫn có quyền tự gọi là Tereza hay không? Nếu không, phải gọi nó là gì? Cái vô thể? Cái không thể đụng chạm?

(Đây là những câu hỏi vướng vít trong đầu Tereza ngay từ khi cô còn bé thơ. Đúng vậy, câu hỏi vô cùng hệ trọng là câu hỏi chỉ cần đứa trẻ cũng có thể đặt ra. Những câu hỏi ngờ nghệch nhất là những câu hỏi hệ trọng nhất. Đó là những câu hỏi không có câu trả lời. Câu hỏi không có câu trả lời là phòng tuyến không sức mạnh nào phá thủng. Nói cách khác, chính những câu hỏi không có câu trả lời đặt ra giới hạn những khả hữu, vạch biên cương cho sự hiện hữu của con người.)

Tereza đứng trước gương như bị mê hoặc. Cô nhìn vào thân xác mình như thể nó xa lạ với cô lắm. Xa lạ nhưng thuộc về chính cô chứ không ai khác. Cô thấy ghê tởm nó. Nó không đủ sức mạnh trở thành thân xác có một không hai trong cuộc đời Tomas. Nó dối gạt và làm cô thất vọng. Suốt đêm đó cô đã phải hít vào mùi háng một người đàn bà khác bốc lên từ mái tóc anh!

Đột nhiên cô muốn đuổi thân xác cô đi như người ta đuổi đầy tớ: chỉ để phần tâm hồn ở lại với Tomas còn phần thể xác, hãy đuổi quách nó về cái thế giới kia để nó sống như các thể xác đàn bà khác, luông tuồng chung đụng với thể xác đàn ông. Nếu thể xác cô thất bại trong cố gắng trở thành thể xác có một không hai của Tomas, tức là thảm bại trong trận chiến lớn nhất đời cô, nó cứ việc tự nhiên ra đi!

7

Cô về nhà và tự bắt mình đứng ăn trưa trong bếp. Ba giờ rưỡi chiều, đến giờ đi làm, cô tròng sợi dây vào cổ con Karenin rồi dẫn nó đi bộ (lại đi bộ) về phía ngoại ô thành phố. Cô làm việc trong quán rượu một khách sạn sau khi bị đuổi khỏi tờ tạp chí. Chuyện đó xảy ra vài tháng sau khi cô từ Zurich về: cuối cùng, họ cũng không tha cô về tội dám chụp hình xe tăng Nga. Cô có việc làm mới này là nhờ chỗ bạn bè quen biết, những người phải vào nương náu sau khi bị người Nga cho nghỉ việc: vị cựu giáo sư thần học trong phòng kế toán, ông đại sứ (ông lên truyền hình nước ngoài phản đối vụ xâm lăng) tại quầy tiếp tân.

Cô lại lo lắng về đôi chân mình. Thời kì còn làm hầu bàn tại nhà hàng ăn dưới tỉnh, cô vô cùng khiếp đảm khi nhìn những đường gân xanh vằn vện nổi trên da chân những bà hầu bàn luống tuổi, kết quả một đời người làm lụng lúc nào cũng đâm sấp bổ ngửa với vật nặng trên tay. Nhưng công việc mới của cô không đến nỗi cực nhọc: bắt đầu mỗi ca làm cô phải khệ nệ lôi ra những két bia và chai nước suối nặng chình chịch, nhưng sau đó cô chỉ phải đứng sau quầy rượu, rót rượu cho khách và rửa ráy li tách trong cái bồn nước nhỏ phía trong. Suốt thời gian cô làm việc, Karenin nằm ngoan ngoãn dưới chân cô.

Đã quá nửa đêm từ lâu lúc cô tính toán tiền nong xong xuôi và đem xấp biên lai đến giao cho người quản lí khách sạn. Sau đó cô ra chào ông đại sứ, ông làm ca đêm. Đằng sau quầy tiếp tân là căn phòng nhỏ có cái ghế bố cho ông ngả lưng. Trên tường phía trên cái ghế bố, ông treo không biết bao nhiêu khung ảnh. Có tấm ông đang bắt tay một nhân vật nào đó, mắt nhìn vào máy ảnh và miệng cười tươi tắn. Có tấm ông ngồi cùng bàn với nhiều người và họ đang kí kết cái gì đó. Có tấm có chữ kí đề tặng. Chỗ danh dự nhất trên tường, bên cạnh khuôn mặt chính ông là khuôn mặt Tổng thống John F. Kennedy đang nở nụ cười. Lúc Tereza bước vào phòng ông đêm đó, cô thấy ông không nói chuyện với Tổng thống Kennedy mà với người đàn ông tuổi trạc sáu mươi cô chưa bao giờ gặp mặt, người đàn ông đột nhiên im bặt khi thấy cô bước vào.

“Không sao đâu,” ông đại sứ nói. “Cô ấy là bạn, anh cứ việc tự nhiên.” Đoạn ông quay sang Tereza, “Con trai anh bạn tôi đây vừa bị kêu án năm năm tù.”

Thì ra trong những ngày đầu cuộc xâm lăng, anh con trai ông cùng vài người bạn giữ nhiệm vụ đứng canh chừng cổng ra vào tòa nhà dùng làm nơi đặt bản doanh ban tham mưu quân đội Nga. Những người Tiệp ra vào tòa nhà bắt buộc phải là tay sai của bọn xâm lăng Nga nên cậu trai và các bạn cậu theo dõi hành tung những người đó, ghi bảng số xe và chuyển các chi tiết này đến đài phát thanh và đài truyền hình thân Dubcek đang họat động bí mật chống Nga. Đài loan báo trên làn sóng điện để công chúng đề phòng. Trong lúc thi hành công tác cậu con trai ông và các bạn cậu đặc biệt chiếu cố khá tận tình đến một trong những tên Tiệp gian.

Người cha chép miệng, “Tấm hình này là bằng chứng buộc tội nó đây. Nó chối mãi cho đến lúc bọn chúng chìa tấm hình ra.”

Ông moi trong ví ra tấm hình cắt từ mặt báo. “Tôi cắt tấm hình này trên tờ Thời Báo số mùa thu 1968.”

Tấm hình chụp cậu thanh niên đang nắm cổ một gã đàn ông và đám đông đứng đằng sau làm bối cảnh. “Tay sai cho kẻ thù đang bị trừng phạt” là lời ghi chú phía dưới.

Tereza thở phào nhẹ nhõm. Không, tấm hình không phải do cô chụp.

Trời Praha về khuya, trong lúc cuốc bộ về nhà bên cạnh con Karenin, cô nhớ những ngày xông xáo ngoài đường chụp hình xe tăng Nga. Bọn mình ngây thơ thật, cứ ngỡ đang liều mạng sống cho quê hương, đâu biết làm vậy chỉ tiếp tay cho bọn công an Nga.

Cô về đến nhà lúc một giờ rưỡi khuya. Tomas đang ngủ say. Tóc anh vẫn bốc mùi háng đàn bà.