Đời nhẹ khôn kham - Phần V - Chương 4

13

Khoảng thời gian gần đây, hình ảnh Tereza lần nữa xâm nhập đầu óc anh. Buổi sáng hôm đó, như mọi buổi sáng khác, cô đi mua sữa về. Anh thấy cô đứng nơi ngưỡng cửa, hai tay khư khư ôm con quạ đáng thương trước ngực. Cô dùng chiếc khăn quàng cổ màu đỏ ủ kín con quạ. Cô ôm nó như người đàn bà gíp-si ôm con. Anh không bao giờ quên được hình ảnh đó: từ cái mỏ to lớn con quạ phát ra tiếng kêu thảm thiết bên cạnh khuôn mặt cô.

Cô tìm thấy con quạ lúc nó bị chôn nửa thân mình dưới đất, tương tự lối kị binh Cô-dắc hành hạ tù nhân. “Lũ trẻ con chơi như thế đấy.” Cô bảo anh, và câu nói không hẳn chỉ là câu nói suông đề cập một sự việc thông thường, nó cho thấy mối ác cảm bất ngờ nơi cô với con người nói chung. Nó làm anh nhớ lời cô nói với anh cách đó không lâu: “Dần dà em thấy em phải biết ơn anh đã nhất quyết không chịu sinh con đẻ cái.”

Đoạn cô than phiền với anh về gã đàn ông hay phá rối cô ở chỗ làm. Hắn ta có lần còn dám thò tay nắm sợi dây chuyền rẻ tiền cô đeo trên cổ và ám chỉ xa gần cô phải nhảy dù tiếp khách làng chơi mới có tiền mua nổi sợi dây chuyền. Chuyện đó làm cô giận lắm. Tomas đột nhiên kinh tâm khi nhận ra suốt hai năm qua anh đã bỏ bê cô; chẳng còn bao giờ thấy anh ôm lên ve vuốt bàn tay run rẩy của cô nữa.

Sáng hôm sau anh đi làm với hình ảnh Tereza trong đầu. Bà chủ anh bảo có khách hàng đòi chính anh đến nhà lau chùi cửa sổ cho họ. Tomas ngao ngán trong lòng. Anh sợ lại phải đối diện một mụ đàn bà nào khác. Đang bận tâm với Tereza, anh chẳng tâm trí đâu nghĩ ngợi đến chuyện phiêu lưu.

Khi cánh cửa ngôi nhà mở ra, anh thở phào nhẹ nhõm. Trước mặt anh là người đàn ông dánh to cao, lưng hơi khòm. Ông có cái cằm to quá khổ và khuôn mặt trông quen quen.

“Mời ông vào.” Ông mỉm cười mời Tomas vào nhaf.

Đứng ngay đó là một thanh niên trẻ. Mặt cậu đỏ hồng tươi sáng. Cậu nhìn Tomas, miệng cố nở nụ cười.

“Tôi thiết tưởng chẳng cần phải giới thiệu hai người làm gì.” Người đàn ông cất tiếng.

“Vâng, đúng vậy.” Tomas trả lời, anh bắt tay cậu trai, nhưng miệng không đáp lại nụ cười của cậu. Cậu chính là đứa con trai ruột thịt của anh.

Đến lúc đó người đàn ông mới lên tiếng tự giới thiệu mình.

“Tôi biết ngay ông chẳng xa lạ gì.” Tomas đáp lời. “Dĩ nhiên làm sao sai trật được với tên tuổi của ông.”

Sau đó ba người ngồi quanh cái bàn trông như bàn dùng làm nơi hội họp. Tomas nhận ra một điều là cả hai người đàn ông đang ngồi trước mặt anh đều là sản phẩm bất đắc dĩ do anh sáng tạo. Người trẻ tuổi anh cho ra đời do sự ép buộc của người vợ cũ, và hình tượng người lớn tuổi nảy sinh trong thời gian anh bị công an tra vấn.

Để gạt đi những ý tưởng này, anh cất tiếng pha trò, “Ông muốn tôi lau chùi cửa sổ nào trước đây?”

Cả hai phá lên cười.

Hiển nhiên chuyện lau chùi cửa sổ chẳng dính dáng gì đến lí do anh được gọi đến. Anh bị lừa vào bẫy. Trước đây anh chưa bao giờ nói chuyện với con trai anh. Đây là lần đầu tiên anh bắt tay cậu. Anh biết mặt mũi, nhân dáng cậu ra sao và anh thấy chừng đó là đủ rồi, anh không cần biết về cậu nhiều hơn. Với anh, càng biết ít về cậu con càng tốt, và anh hi vọng cậu cũng nghĩ như vậy về anh.

“Bức bích chương đẹp đấy chứ?” Người đàn ông đứng tuổi bảo Tomas, ngón tay ông chỉ lên bức tranh đóng khung treo trên tường đối diện.

Tomas đưa mắt nhìn quanh phòng. Trên tường treo nhiều khung hình thú vị, hầu hết là ảnh chụp và bích chương. Bức ông nhà báo chỉ Tomas lấy ra từ một trong những ấn bản cuối cùng của tờ báo ông chủ trương trước khi bị người Nga đóng cửa năm 1969. Bức tranh mô phỏng bức bích chương kêu gọi thanh niên nhập ngũ, nổi tiếng trong thời kì Cách mạng Nga năm 1918. Hình vẽ là một người lính, mũ gắn ngôi sao đỏ, đôi mắt nghiêm nghị nhìn về phía trước, ngón tay trỏ chỉ thẳng vào người xem. Câu nói nguyên thủy bằng tiếng Nga ở phía dưới: “Công dân, bạn đã gia nhập Hồng quân chưa?”, ở đây đổi thành: “Công dân, bạn đã kí tên vào bản tuyên ngôn Hai Nghìn Chữ chưa?”

Quả là câu chuyện trào phúng chế nhạo tuyệt hảo! Hai Nghìn Chữ là bản tuyên ngôn vẻ vang đầu tiên trong phong trào Mùa Xuân Praha 1968. Nó kêu gọi chế độ Cộng sản phải dân chủ hóa toàn diện. Thọat tiên chỉ có một số trí thức kí tên, và rồi nhiều người khác đứng lên xin kí, cuối cùng thì số người kí lên cao đến nỗi không ai đếm nổi có bao nhiêu người kí cả thảy. Khi Hồng quân Nga xâm lăng đất nước họ và tung ra một loạt những cuộc thanh trừng chính trị, câu hỏi thường được hỏi khi chất vấn là: “Ông có kí tên vào bản tuyên ngôn Hai Nghìn Chữ không?” Người trả lời có lập tức bị đuổi việc.

“Một bức biếm họa thật hay,” Tomas trả lời. “Tôi còn nhớ rõ lắm.”

“Hãy cứ hi vọng chúng ta không bị bọn Hồng quân nghe lén.” Người đàn ông cựu biên tập viên tờ báo vừa nói vừa cười.

Ông nói tiếp, nụ cười không còn trên môi. “Thật tình, đây không phải là chỗ ở của tôi. Căn nhà này do một người bạn cho mượn. Chúng tôi không rõ căn nhà có bị công an nghe lén hay không, nhưng nếu tôi mời ông về nhà tôi thì điều đó kể như nắm chắc.”

Rồi ông đổi sang giọng bỡn cợt: “Nhưng theo cái nhìn của tôi thì chúng ta chẳng có chi phải giấu giếm. Tốt cho các sử gia Tiệp Khắc tương lai biết chừng nào. Toàn bộ đời sống thành phần trí thức Tiệp Khắc được cất giữ vào hồ sơ trong văn khố công an! Ông biết các nhà văn học sử đã khổ công như thế nào khi dựng lại chi tiết đời sống tình dục của các văn hào như Voltaire, Balzac hay Tolstoy không? Với các nhà văn Tiệp Khắc điều đó dễ ợt. Tất cả đều được ghi âm vào băng nhựa. Ngay cả tiếng thở hắt sau cùng.

Đoạn hướng về ổ máy ghi âm vô hình trên tường, ông cất to giọng, “Thưa quý vị, như những lần khác, tôi khuyến khích quý vị làm việc tốt hơn nữa và nhân danh tôi, nhân danh tất cả các sử gia tương lai, tôi xin cảm ơn quý vị.”

Sau trận cười no bụng giữa ba người, ông thuật lại chuyện tờ báo của ông bị đình bản ra sao, công việc người họa sĩ vẽ bức biếm họa làm sau đó, và những gì xảy đến với các họa sĩ, triết gia, nhà văn khác. Sau cuộc xâm lăng, không ai được quyền sáng tạo hay viết lách nữa, họ phải đi làm những nghề như lau chùi cửa sổ, trông coi bãi đậu xe, gác dan, chạy máy hơi nước trong dinh thự công cộng, hay khá nhất là làm tài xế tắc xi.

Mặc dù câu chuyện nghe khá thú vị nhưng Tomas không tài nào tập trung được tư tưởng để theo dõi. Đầu óc anh miên man nghĩ ngợi về đứa con trai mình. Hai tháng qua, thỉnh thoảng anh gặp cậu đi ngoài phố. Hiển nhiên những cuộc gặp gỡ này không phải do tình cờ. Nhưng anh không bao giờ tưởng tượng có lúc gặp con mình đứng bên cạnh nhân vật làm báo đang bị chính quyền kết án. Vợ trước của Tomas là người Cộng sản chính thống, đương nhiên anh nghĩ con mình cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng đó. Anh không chút hay biết gì về người con trai. Dĩ nhiên anh có thể hỏi thẳng cậu về mối quan hệ giữa hai mẹ con, nhưng anh thấy điều đó không tế nhị lắm trước sự có mặt của người thứ ba.

Cuối cùng ông nhà báo đi đến điểm then chốt. Ông nói càng ngày càng có nhiều người bị bắt bỏ tù chẳng phải vì lí do trọng đại gì mà chỉ vì muốn bảo thủ những ý kiến riêng, và ông kết luận, “Vì thế chúng tôi quyết định phải làm cái gì đó.”

“Các ông định làm gì?” Tomas hỏi lại.

Đến đây, cậu con trai anh cất tiếng. Đó là lần đầu tiên trong đời anh nghe giọng nói con mình. Anh ngạc nhiên nhận ra cậu bị cà lăm.

“Theo như chỗ chúng tôi biết, tù nhân chính trị bị ngược đãi tàn nhẫn lắm. Có người đang ở trong tình trạng vô cùng bi đát. Vì thế chúng tôi quyết định dự thảo một lá thỉnh nguyện thư và đi xin chữ kí những trí thức Tiệp quan trọng nhất, những người vẫn còn chút tâm huyết nào đó.”

Không, cậu không bị cà lăm; đúng ra cậu cố tình chậm rãi nhấn mạnh như gằn từng chữ một. Hiển nhiên cậu nhận ra điều đó, và đôi má cậu vừa mới hơi bình thường lại đỏ ửng lên.

“Và các ông gọi tôi đến đây để nhờ tôi cố vấn về những nhân vật có thể kí tên trong lãnh vực nghề nghiệp của tôi phải không?” Tomas hỏi.

“Không phải”, ông nhà báo cất tiếng cười bảo Tomas “Chúng tôi không cần ông cố vấn. Chúng tôi cần chữ kí của ông!”

Một lần nữa tự ái anh được vuốt ve! Một lần nữa anh có cảm giác vui sướng khi biết có người vẫn còn nhớ mình là bác sĩ! Anh phản đối chỉ vì muốn tỏ thái độ khiêm nhường, “Hãy khoan đã. Tôi bị đá ra khỏi công việc, nhưng điều đó không có nghĩa tôi là một bác sĩ danh tiếng!”

“Chúng tôi chưa quên bài viết ông gửi đăng trên báo của chúng tôi.” Ông nhà báo tủm tỉm cười nhìn Tomas.

“Vâng.” Cậu con Tomas thở hắt ra. Thái độ cậu pha lẫn vui sướng và hãnh diện mà có lẽ vì vô tình Tomas không nhận ra.

“Tôi không hiểu chữ kí tôi trên tờ thỉnh nguyện thư sẽ giúp tù nhân chính trị của các ông ra sao. Tại sao các ông không tìm đến những người chưa bị va chạm nhiều với chế độ, những người ít nhất còn chút ảnh hưởng lên chính sách của nhà nước.”

Ông nhà báo vẫn giữ nguyên nụ cười, “Dĩ nhiên rồi.”

Cậu con trai Tomas cười theo; nụ cười của cậu là nụ cười của kẻ hiểu biết nhiều chuyện. “Vấn đề duy nhất là họ chẳng bao giờ chịu kí!”

“Nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi không tìm đến họ.” Ông nhà báo đỡ lời, “và cũng không có nghĩa chúng tôi quá lịch sự muốn tránh trường hợp mất mặt cho họ.” Đến đây ông lại cười. “Ông phải nghe những lí do họ nại ra để từ chối. Tuyệt diệu lắm!”

Cậu con trai Tomas cười tán thành.

“Dĩ nhiên thọat đầu bao giờ họ cũng tán đồng với chúng tôi từng điểm một,” ông nhà báo nói tiếp: “Nhưng sau đó họ khuyên chúng tôi nên dùng cách khác thận trọng hơn, hợp lí hơn, khôn ngoan hơn. Họ sợ, không dám kí nhưng cũng sợ bị chúng tôi xem thường.”

Một lần nữa, cậu con trai Tomas và ông nhà báo đồng thanh cả cười.

Đoạn ông đưa Tomas xem một lá thư ngắn lời lẽ tương đối cung kính kêu gọi Tổng thống ân xá tù nhân chính trị.

Tomas suy nghĩ lung trong đầu. Ân xá tù chính trị? Liệu lời thỉnh cầu xin ân xá sẽ được chấp thuận vì lá thư thỉnh nguyện gửi lên Tổng thống xuất phát từ những người dân bị chế độ ruồng bỏ (và vì thế chính họ có thể trở thành tù nhân chính trị?) Một lá thỉnh nguyện thư như vậy chỉ khiến các tù nhân chính trị bị quản thúc lâu hơn thôi giả như ngay thời điểm đó chính quyền đang dự trù phóng thích họ.

Cậu con trai anh bỗng cất tiếng cắt đứt dòng suy tưởng của anh, “Điểm chính ở đây là cho họ thấy đất nước này vẫn còn những người không sợ hãi. Và cho thấy chỗ đứng của mỗi hạng người. Tách rời cây lúa ra khỏi rơm rác.”

Đúng, đúng, Tomas nghĩ trong đầu, nhưng điều đó liên quan gì đến các tù nhân chính trị? Hoặc anh kêu gọi xin ân xá hoặc anh tách cây lúa ra khỏi rơm rác. Hai sự việc đâu dính líu gì đến nhau.

“Phải chăng ông lưỡng lự?” Ông nhà báo hỏi Tomas.

Vâng. Anh đang lưỡng lự. Nhưng anh không đủ can đảm nói ra điều đó. Người lính trong bức bích chương trên tường chĩa ngón tay đe dọa chỉ thẳng vào mặt anh và nói, “Anh đang lưỡng lự chưa chịu gia nhập Hồng quân ư?” hay “Anh chưa chịu kí tên vào bản tuyên ngôn Hai Nghìn Chữ à?” hay “Anh đã kí tên vào bản tuyên ngôn Hai Nghìn Chữ rồi sao?” hay “Anh không muốn kí tên vào lá thỉnh nguyện thư xin ân xá sao?” Nhưng mặc những gì người lính nói, đây là một đe dọa.

Ông nhà báo nói một hơi những gì ông nghĩ về những người tán đồng chuyện xin ân xá cho các tù nhân chính trị nhưng có cả nghìn lí do từ chối kí tên vào lá thỉnh nguyện thư. Theo ý kiến của ông lí do họ nại ra chỉ là cái cớ để họ miễn, không phải kí tên và bên dưới cái cớ đó là lòng hèn nhát. Tomas phải trả lời sao đây?

Cuối cùng anh phá tan bầu không khí yên lặng bằng tiếng cười rồi chỉ bức biếm họa treo trên tường, anh nói, “Làm sao tôi có thể suy nghĩ đàng hoàng được khi tên lính kia cứ đe dọa hỏi tôi có chịu kí hay không.”

Cả ba người phá lên cười một lúc lâu.

“Được rồi”, Tomas nói sau khi tiếng cười lắng xuống. “Tôi sẽ suy nghĩ thêm về chuyện này. Vài ngày nữa chúng ta có thể gặp lại nhau được không?”

“Lúc nào cũng được”, ông nhà báo trả lời, “nhưng chúng tôi dự định gửi lá thỉnh nguyện thư vào ngày mai.”

“Ngày mai?” Đột nhiên Tomas nhớ đến gã công an mập mạp đưa anh lá thư triệt hạ không ai khác hơn chính ông nhà báo này. Mọi người tìm cách bắt anh kí vào bản văn không do chính tay anh viết.

“Chẳng có gì phải nghĩ lại.” Cậu con trai anh chen vào. Mặc dù ý nghĩa câu nói đầy vẻ gay gắt nhưng giọng nói cậu lại như khẩn khoản van nài. Lúc này hai người nhìn thẳng vào mắt nhau, nhờ vậy Tomas để ý thấy lúc tập trung tư tưởng, môi trên cậu phía trái hơi nhếch lên. Khi nhìn vào gương mỗi lần cạo râu Tomas cũng nhếch môi như vậy. Anh khó chịu nhìn thấy hình ảnh đó hiện trên nét mặt người khác.

Khi sống chung với con cái từ lúc ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, cha mẹ quá quen với những nét đồng dạng như vậy; điều đó quá tầm thường để phải chú ý, hay thảng hoặc có lúc bất chợt ngẫm nghĩ chỉ thấy ngồ ngộ vui vui. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời Tomas nói chuyện với con trai mình! Anh hoàn toàn không quen ngồi đối diện với cái miệng thiếu cân xứng của chính anh!

Thử tưởng tượng một cánh tay bị cưa đứt và được gắn vào người nào đó. Tưởng tượng người đó ngồi đối diện bạn và cứ quơ cánh tay trước mựat bạn. Chắc hẳn bạn phải nhìn chằm chặp vào cánh tay như đang nhìn một con ma. Mặc dù trước đây nó là cánh tay yêu quý của riêng bạn nhưng bạn sẽ kinh hồn hoảng vía nếu cánh tay va chạm vào người bạn!

“Ông không ở phía những người bị tù tội sao” Con trai anh lại nói, và đột nhiên Tomas nhận ra trong cảnh huống hiện tại, cái đang đe dọa không phải là vụ đòi ân xá các tù nhân chính trị mà chính là tình phụ tử giữa cha con anh. Nếu anh kí tên, định mệnh hai người sẽ kết hợp vào nhau và ít nhiều Tomas sẽ thân thiện với con hơn; còn trong trường hợp anh không kí, tình cảm giữa anh và con sẽ vẫn trống trơn như xưa, mặc dù điều đó do chủ ý từ con anh nhiều hơn là từ anh, con anh sẽ không nhìn nhận một người cha hèn nhát như anh.

Anh lâm vào hoàn cảnh người đánh cờ đang gặp nước bí và đành bó tay chịu thua. Kí tên vào lá đơn thỉnh nguyện thư hay không, anh chẳng thay đổi được điều gì. Đời sống anh, đời sống những tù nhân chính trị vẫn như cũ mà thôi.

“Đưa tôi lá thư.” Anh cầm lên mảnh giấy.

14

Như để tán thưởng quyết định của anh, ông nhà báo cất tiếng, “Bài ông viết về Oedipus xuất sắc lắm.”

Cậu con trai tiếp lời trong lúc đưa anh cây bút, “Có những tư tưởng mà sức mạnh như quả bom nổ.”

Mặc dù câu nói tán dương từ ông nhà báo làm anh vui thích, ẩn dụ cậu trai dùng khiến anh như bị đánh văng ra khỏi chỗ ngồi. “Rất tiếc, tổn thất duy nhất lại chính là tôi. Chính vì những tư tưởng đó mà hiện giờ tôi không được phép cầm con dao mổ chữa trị những bệnh nhân của tôi.”

Câu nói lạnh lẽo, gần như hằn học.

Hi vọng hóa giải nốt nhạc nghịch âm, ông nhà báo nói như bào chữa, “Nhưng hãy nghĩ đến những người được cứu giúp nhờ bài viết của ông!”

Từ thuở thơ ấu, Tomas liên tưởng hành vi “giúp người” với sự vật duy nhất: thuốc thang. Làm sao một bài viết có thể giúp người được? Hai người này đang cố o ép bắt anh nuốt vào họng cái gì đây? Cả cuộc đời anh co rút lại thành một ý tưởng nhỏ nhoi đơn độc về Oedipus, hay tệ hại hơn: một tiếng “không” cộc lốc trước mặt chế độ cầm quyền.

“Có thể có, có thể không,” anh nói (giọng vẫn lạnh lùng, nhưng có lẽ anh không nhận ra), “nhưng nếu làm bác sĩ giải phẫu, tôi biết tôi cứu giúp được đôi ba người.”

Không khí im lặng bao trùm lên ba người cho đến lúc cậu trai lên tiếng phá vỡ. “Tư tưởng cũng có thể giúp người được chứ.”

Nhìn chính đôi môi mình trên khuôn mặt cậu trai, Tomas thầm nghĩ. Quả lạ lùng khi nhìn chính môi mình mấp máy.

“Ông biết kết quả tốt đẹp nhất bài viết ông đem lại là gì không?” Cậu trai tiếp tục nói, và Tomas nhìn thấy cố gắng cậu đang khắc phục trong lúc nói. “Ông không chịu hòa giải. Ý thức rạch ròi nơi ông phân biệt đâu là thiện đâu là ác, một điều chúng ta đang bắt đầu đánh mất. Chúng ta không còn ý thức cảm giác tội lỗi mang ý nghĩa gì nữa. Người Cộng sản lấy cớ họ bị Stalin dẫn dụ vào con đường sai lầm. Bọn cảnh sát nhân cớ vì không được cha mẹ yêu thương. Đột nhiên ông đứng ra: không ai được quyền lấy cớ này cớ nọ. Tâm hồn và lương tri mình không ai trong sạch hơn Oedipus, nhưng Oedipus đã tự xử khi biết ra hành động sai lầm của mình.”

Tomas tránh nhìn miệng cậu con trai mình và chú mục vào ông nhà báo. Anh thấy khó chịu và có cảm giác như đang tranh cãi với hai người. “Nhưng tất cả chỉ là ngộ nhận! Lằn ranh giữa thiện và ác thật vô cùng mù mờ. Tôi không hề có ý định muốn trừng phạt ai. Trừng phạt người không hay biết việc mình làm là hành vi mọi rợ. Huyền thọai Oedipus thật tráng lệ, nhưng đem nó ra như vầy...” Anh định nói nhiều hơn nhưng chợt nhớ ra căn nhà có thể bị đặt máy nghe lén. Anh không hề có ý muốn được các sử gia đời sau trích dẫn. Anh sợ câu nói của mình bị công an đem ra làm bằng cớ. Có phải đó chính là cái gì bọn chúng đang xăm xoi tìm kiếm nơi anh? Một lời nói bài bác phủ nhận bài viết? Anh không muốn lời nói đó lọt vào tay công an từ chính miệng anh. Ngoài ra, anh cũng biết là bất cứ điều gì do bất cứ ai nói đều có thể bị phát thanh trên làn sóng điện bất cứ giờ phút nào. Nghĩ đến đây anh bỗng khựng lại, không nói thêm nữa.

“Tôi thắc mắc cái gì khiến ông thay đổi ý kiến về bài viết như vậy?” Ông nhà báo hỏi anh.

“Cái tôi thắc mắc là điều gì đã thúc đẩy tôi đặt bút viết.” Tomas trả lời ông nhà báo và ngay lúc đó anh nhớ lại: Cô giạt đến chân giường anh như đứa trẻ sơ sinh bị ai đó đặt trong chiếc thúng cói thả trôi sông. Vâng, đó chính là lí do tại sao anh cầm quyển sách lên và tìm đọc những truyện cổ về Romulus, Moses và Oedipus. Giờ đây hình ảnh cô lại hiện về trong anh. Anh thấy cô ủ con quạ trong chiếc khăn quàng đỏ và ôm nó trước ngực. Hình ảnh này cho anh cảm giác an lành, yên ấm. Anh như được cho biết Tereza vẫn hiệu hữu, vẫn sống chung trong cùng thành phố với anh, và ngoài ra chẳng có điều chi quan hệ.

Lần này, ông nhà báo là người phá vỡ bầu không khí im lặng, “Tôi hiểu. Tôi cũng chẳng ưa gì ý tưởng trừng phạt.” Ông nói tiếp, miệng lại nở nụ cười, “Nói cho đúng, chúng tôi không kêu gọi trừng phạt ai, chúng tôi kêu gọi hãy chấm dứt sự trừng phạt.”

“Tôi biết.” Tomas trả lời. Trong chốc lát anh sẽ làm một việc có thể được xem là đáng ca ngợi nhưng chắc chắn hoàn toàn vô bổ (bởi nó sẽ chẳng giúp ích gì các tù nhân chính trị) và làm anh khó chịu trong lòng (bởi nó xảy ra trong hoàn cảnh anh bị hai người khác ép buộc.)

“Kí tên là bổn phận của ông.” Cậu con anh nói, giọng gần như khẩn khoản.

Bổn phận ư? Cậu con anh nhắc nhở anh đến bổn phận ư? Đó là từ ngữ tồi tệ nhất dùng chỉ con người anh! Một lần nữa, hình ảnh Tereza hiện ra trước mắt anh, cô ôm con quạ trong tay. Đoạn anh nhớ chuyện cô bị gã công an chìm lân la tìm cách làm quen hôm trước đó. Đôi tay cô bắt đầu run rẩy trở lại. Cô già đi. Với anh cô là tất cả, anh còn gì nữa ngoài cô ra. Cô, nảy sinh từ sáu chuyện tình cờ ngẫu nhiên, cô, đóa hoa bung nở từ chứng bệnh đau dây thần kinh háng của người y sĩ trưởng, cô, bề trái của cái “Es muss sein!” trong anh – cô là cái gì duy nhất sót lại trên cõi đời này anh còn quan tâm.

Tại sao phải nghĩ đến chuyện kí hay không kí? Tiêu chuẩn duy nhất cho quyết định của anh là: anh không được làm bất cứ điều gì có thể phương hại đến cô. Tomas không thể cứu các tù nhân chính trị, nhưng anh có thể đem hạnh phúc đến cho Tereza. Thật tình ngay cả chuyện đó anh cũng không làm nổi. Nhưng nếu anh kí tên vào lá thỉnh nguyện thư, chắc chắn cô sẽ bị những gã công an chìm thăm viếng nhiều hơn, và đôi tay cô sẽ càng ngày càng run rẩy thêm.

“Cứu con quạ bị chôn sống một nửa ra khỏi nấm đất còn quan trọng hơn nhiều so với chuyện gửi thỉnh nguyện thư lên Tổng thống.”

Anh biết chẳng ai hiểu câu nói anh vừa thốt ra, nhưng anh thấy thú vị trong lòng. Đột nhiên, cảm giác ngây ngất bất ngờ xâm chiếm lòng anh. Cũng cảm giác ngây ngất đen tối khi anh long trọng tuyên bố với người vợ cũ là anh không còn muốn nhìn mặt mẹ con nhà cô nữa. Cũng cảm giấc ngất ngây đen tối khi anh gửi lá thư chấm dứt sự nghiệp y khoa của anh. Anh không biết việc anh làm đúng hay sai, nhưng anh biết chắc đó là cái gì anh muốn làm.

“Xin lỗi, tôi không thể kí tên vào lá thỉnh nguyện thư được.”