Đời nhẹ khôn kham - Phần V - Chương 5

15

Vài ngày sau anh đọc trên báo chí về lá thỉnh nguyện thư.

Dĩ nhiên, không một từ ngữ nào được dùng để diễn tả lời lẽ nhún nhường của lá thư xin phóng thích tù nhân chính trị. Không tờ bào nào trích dẫn một câu một chữ từ bức thư ngắn đó. Thay vào là những bài báo tràng giang đại hải, gồm toàn những từ ngữ hăm dọa mơ hồ về một bản tuyên cáo chống chính phủ dùng làm nền tảng cho chiến dịch mới chống báng chủ nghĩa xã hội. Họ đưa lên đầy đủ tên tuổi những người kí tên vào bản tuyên cáo, và không quên kèm theo những lời phỉ báng dơ bẩn đến độ Tomas nổi da gà.

Chẳng phải vì điều đó không đoán trước được. Ai cũng biết bất cứ cuộc tụ họp công cộng nào (hội thảo, thỉnh nguyện, tụ tập ngoài đường phố), ngoại trừ do đảng Cộng sản tổ chức, đều đương nhiên bị xem là phạm pháp và chuyện không hay sẽ xảy đến cho tất cả những người tham dự. Nhưng anh cảm thấy hối tiếc vì đã không kí tên. Tại sao anh không kí? Anh không tài nào nhớ nổi lí do nào thúc đẩy anh đi đến quyết định đó.

Và một lần nữa tôi thấy anh không khác lúc anh mới xuất hiện trong phần nhập của quyển tiểu thuyết: anh đứng bên cửa sổ phóng tầm mắt qua khoảng sân nhìn vào bức tường đối diện.

Đây chính là cảnh tượng từ đó Tomas nảy sinh. Như tôi vạch ra ở phần trước, nhân vật tiểu thuyết nảy sinh không giống sự ra đời của con người nơi cuộc sống bên ngoài; họ có mặt do một cảnh huống, một câu văn hay một ẩn dụ như vỏ bọc chứa đựng khả hữu cơ bản liên quan đến con người mà tác giả nghĩ chưa ai khám phá hay đề cập điều gì trọng yếu về nó.

Nhưng có đúng không tác giả chỉ có thể viết về chính mình?

Đưa mắt nhìn cách bất lực vào khoảng tường bên kia sân, không biết phải làm gì; nghe tiếng sôi bụng của chính mình ngay giữa giây phút tình yêu chớm nở; bội phản, nhưng thiếu ý chí từ bỏ con đường bội phản đầy quyến rũ mê hoặc; giơ nắm tay giữa đám đông trong cuộc Diễn hành Vĩ đại; phô diễn trí tuệ mình trước máy ghi âm vô hình – tôi biết rất rõ và cũng đã trải qua tất cả những cảnh huống đó, nhưng không cảnh huống nào có thể nảy sinh ra nhân vật mà lai lịch tôi cũng như chính tôi cùng tiêu biểu. Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả hữu vô thức của chính tôi. Đó là lí do vì sao tôi yêu quý và khiếp sợ những nhân vật đó ngang nhau. Mỗi nhân vật vượt qua lằn ranh biên cương do chính tôi vạch ra. Chính lằn ranh bị vượt qua đó (bên kia lằn ranh, “cái ngã” của riêng tôi chấm dứt) là cái gì quyến rũ tôi nhất. Bởi bên kia lằn ranh là nơi khởi đầu cho cái ẩn mật quyển tiểu thuyết yêu cầu. Tiểu thuyết không phải là lời tự thú của tác giả; nó là cuộc chiêm nghiệm đời sống con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành. Nhưng chừng đó đủ rồi. Chúng ta hãy trở về với Tomas.

Một mình ở nhà, anh phóng tầm mắt qua khoảng sân nhìn vào bức tường dơ bẩn của khu nhà cao tầng đối diện. Anh chạnh nghĩ đến người đàn ông dáng cao cao lưng hơi khòm với cái cằm to quá khổ và những bằng hữu của ông, những người anh không hề quen biết, không ở trong giới bạn bè thân thiết của anh. Anh có cảm giác như vừa chạm mặt một người đàn bà nhan sắc trên sân ga, nhưng trước khi anh kịp có cơ hội nói gì với cô, cô đã khuất bóng trong toa xe và đang trên đường đi Istanbul hay Lisbon mất rồi.

Đoạn anh cố gạn lọc kí ức nhớ lại những điều lẽ ra anh phải làm. Mặc dù cố gạt sang tất cả những gì thuộc thế giới cảm tính (lòng ngưỡng mộ anh dành cho ông nhà báo và sự khó chịu do cậu con anh gây ra), anh vẫn không tìm ra câu trả lời thỏa đáng anh có nên kí tên vào lá thỉnh nguyện thư hay không.

Cất cao tiếng nói trong khi tiếng nói của những người khác bị bóp nghẹt, điều đó đúng không? Đúng.

Mặt khác, tại sao báo chí lại chú tâm quá đáng đến lá thỉnh nguyện thư? Nói cho cùng, báo chí (vốn hoàn toàn là công cụ của nhà nước) có thể giữ im lặng và sẽ chẳng ai hay biết chuyện gì. Nhưng nếu công khai hóa bức thư, thế thượng phong sẽ nằm trong tay nhà cầm quyền! Đúng là của trên trời rơi xuống, một lí do vô cùng chính đáng để bắt đầu cuộc thanh trừng mới!

Vậy, anh nên làm gì? Kí hay không kí?

Cách khác đặt câu hỏi, cách nào tốt hơn, gào thét để kết liễu mau chóng hay giữ im lặng và chờ đón cái chết đến từ từ?

Có câu trả lời cho câu hỏi này không?

Một lần nữa anh trở về ý tưởng chúng ta đã biết qua: Đời sống con người xảy ra chỉ một lần, và sỡ dĩ chúng ta không xác quyết được quyết định nào của chúng ta đúng và quyết định nào sai bởi ở cảnh huống nào đó, chúng ta chỉ có thể chọn một quyết định mà thôi; không ai cho chúng ta đời sống thứ hai, thứ ba, thứ tư để từ đó chúng ta có thể đem ra so sánh những quyết định khác nhau.

Ở phương diện này, lịch sử và đời sống cá nhân có sự tương đồng. Chỉ có duy nhất một lịch sử nước Tiệp. Ngày nào đó nó sẽ đi đến chung cuộc y như đời sống Tomas, và không bao giờ tái diễn.

Năm 1618, triều đình Tiệp lấy can đảm trút cơn giận dữ lên hoàng đế đang trị vì ở Vienna bằng cách ném hai chức sắc cao cấp sứ thần của hoàng đế ra khỏi cửa thành Praha. Hành động thách đố đó châm ngòi cuộc Chiến Ba Mươi Năm, và dẫn đến tình trạng tàn phá gần như toàn thể nước Tiệp. Người Tiệp có nên cân nhắc cẩn thận thay vì tỏ ra dũng cảm? Câu trả lời có thể giản dị là không.

Ba trăm hai mươi năm sau, sau hội nghị Munich 1938, toàn thể thế giới quyết định hi sinh nước Tiệp cho Hitler. Người Tiệp lúc đó có nên đứng dậy cố chống lại lực lượng hùng mạnh gấp tám lần mình? Trái với năm 1618, lần này họ lựa chọn thái độ dè dặt xem chừng. Hành động đầu hàng của họ dẫn đến Thế chiến Thứ Hai và sau đó là tình trạng mất tự do trong nhiều thập kỷ, có lẽ cả thế kỷ. Họ có nên tỏ ra dũng cảm thay vì thận trọng? Đúng ra họ phải làm gì?

Nếu lịch sử nước Tiệp có khả năng tái diễn, dĩ nhiên chúng ta nên thử nghiệm mỗi khả hữu mỗi lần có biến cố xảy ra và từ đó đem kết quả ra đúc kết. Không có cuộc thử nghiệm như vậy, tất cả mọi xét đoán kiểu này chỉ là những trò chơi võ đoán giả định.

Einmal ist keinmal. Cái gì xảy ra chỉ một lần tốt hơn đừng bao giờ xảy ra. Lịch sử Tiệp Khắc, cũng như lịch sử Âu châu sẽ không bao giờ tái diễn. Lịch sử Tiệp Khắc và lịch sử Âu châu là hai bức phác họa từ ngòi bút thiếu kinh nghiệm tất định của nhân loại. Lịch sử cũng nhẹ như đời sống cá nhân con người, nhẹ khôn kham, nhẹ như lông hồng, như hạt bụi bị cuốn lên không trung, như bất cứ cái gì ngày mai không tồn tại.

Một lần nữa, với lòng hòai niệm như trong tình yêu, Tomas chạnh nghĩ đến ông nhà báo dáng người cao lưng khòm. Ông hành xử như thể lịch sử là bức tranh hoàn tất chứ không phải bức phác họa. Như thể mọi hành động của ông tái diễn đến vô hạn, trở về mãi mãi, và ông không chút nghi hoặc gì về việc mình làm. Ông tin tưởng mình đúng, và với ông đó là đức tính chứ không phải dấu hiệu một đầu óc thiển cận hẹp hòi. Vâng, ông và Tomas không sống chung trong cùng lịch sử: lịch sử của ông không phải (hay chính nó không nhận ra) là bức phác họa sơ sài.

16

Vài hôm sau, anh bị dòng tư tưởng khác làm dao động mà tôi ghi xuống đây như phần phụ lục cho chương trước: Ở nơi nào đó ngoài không gian có một hành tinh trên đó tất cả mọi người đều đầu thai trở lại làm người. Kí ức họ không hề mờ phai về kiếp trước cùng những kinh nghiệm tích lũy trong suốt thời gian họ sống trên mặt hành tinh.

Lại có một hành tinh khác nơi tất cả chúng ta đầu thai lần thứ ba với kinh nghiệm của hai đời sống trước. Hành tinh này tiếp nối hành tinh kia,ở mỗi hành tinh con người sinh ra trường thành hơn kiếp trước một bậc (một đời người.)

Đó là suy nghĩ riêng của Tomas về sự trở về vĩnh cửu.

Dĩ nhiên chúng ta đang ở quả đất này (hành tinh số khởi đầu, hành tinh không kinh nghiệm) và chỉ có thể thêu dệt những điều huyễn hoặc mơ hồ về chuyện gì xảy đến cho con người trên những hành tinh kia. Con người khôn ngoan hơn? Phải chăng trí tuệ là sức mạnh của con người? Con người có thể đạt tới trình đó đó bằng sự tái sinh?

Chỉ từ giác độ một thế giới mộng tưởng như vậy mới khả dĩ cho phép chúng ta sử dụng khái niệm bi quan và lạc quan: người lạc quan là người cho rằng trên hành tinh số năm lịch sử con người bớt đổ máu. Người bi quan là người nghĩ ngược lại.

17

Một trong những quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Jules Verne, quyển Tomas ưa thích từ thời thơ ấu, là quyển Hai Năm Nghỉ Lễ, và thật vậy, tối đa hai năm. Tomas bước vào năm thứ ba làm nghề lau chùi cửa kính.

Mấy tuần lễ qua, anh nhận thấy (nửa buồn nôn nửa tức cười) anh càng ngày càng đuối sức (ngày nào cũng một, đôi khi hai vụ mây mưa ong bướm), và anh thấy anh như đang vận sức đến tận cùng. (Tôi xin nói thêm sức anh đuối, không phải khả năng tình dục của anh kém đi; anh có vấn đề với hơi thở chứ không phải dương vật của anh, một sinh họat với bề mặt hài hước của nó.)

Một hôm anh vất vả lắm vẫn không bắt liên lạc được với cô khách xuất chiều, dường như anh sắp hưởng một ngày nghỉ hiếm hoi. Anh tuyệt vọng. Anh liên tục gọi dây nói cô gái trẻ này đến chục bận. Một nữ sinh viên kịch nghệ với thân hình giòn nắng trên những bãi biển khỏa thân của xứ Nam tư đều đặn đến độ người ta phải liên tưởng đến cái xiên thịt chạy máy quay đều chầm chậm.

Sau khi làm xong xuất việc cuối cùng và chuẩn bị về văn phòng lúc bốn giờ chiều để nộp biên nhận, anh chạm trán ngay giữa trung tâm Praha một cô gái anh không tài nào nhớ nổi là ai. “Anh biến đâu mất vậy? Cả thế kỷ rồi không gặp anh!”

Tomas bới móc đầu óc mình cố nhớ cô gái là ai. Chẳng lẽ cô là một trong những bệnh nhân cũ của anh? Cử chỉ cô thân tình như người bạn gái gần gũi tương thân. Anh vừa trả lời vừa cố đừng để cô thấy sự thật anh không nhận ra cô là ai. Anh đang nghĩ kế họach dụ dỗ cô lên phòng người bạn (anh có sẵn chìa khóa trong túi) thì câu nói tình cờ của cô khiến anh chợt vỡ lẽ nhận ra cô là ai: cô chính là người nữ diễn viên mầm non với thân hình giòn nắng tuyệt hảo anh cố liên lạc suốt ngày không được.

Biến cố nho nhỏ đó khiến anh vừa thấy lạ lùng vừa kinh hãi: nó chứng tỏ anh mệt mỏi chẳng những thể chất mà cả tinh thần. Hai năm nghỉ lễ không thể nào kéo dài vô thời hạn được.

18

Ngày nghỉ lễ không làm việc bên bàn mổ cũng là ngày nghỉ lễ không có Tereza. Sau sáu ngày trong tuần gần như không thấy mặt nhau bao giờ, hai người cuối cùng có nhau vào ngày Chủ nhật, lòng họ tràn đầy ham muốn tình yêu; nhưng giống như đêm đầu tiên Tomas từ Zurich trở về, họ thấy xa cách và phải mất một lúc lâu họ mới va chạm da thịt, trao nhau nụ hôn. Tình yêu thể xác đem lại sự hoan lạc nhưng không thấy an ủi nguôi ngoai. Cô không hét lên như dạo trước, và lúc lên đến tuyệt đỉnh ái ân, anh thấy khuôn mặt nhăn nhúm của cô như đang biểu hiện nét khổ sở chịu đựng và xa vắng lạ lùng. Chỉ vào lúc đêm khuya, trong giấc ngủ, hai người mới thật sự êm dịu hòa nhập vào nhau. Ôm vào lòng bàn tay anh, cô quên hẳn miệng hố sâu (hố sâu của ban ngày) chia cách hai người. Nhưng ban đêm không cho anh thời giờ cũng như phương tiện chăm sóc vỗ về cô. Sáng ra, anh nhìn cô đứt ruột, và anh sợ cho cô: trông cô buồn bã, bạc nhược vô cùng.

Một hôm ngày Chủ nhật, cô bảo anh lấy xe chở cô ra ngoài châu thành Praha. Họ lái xe đến một thành phố khoáng tuyền, đi băng qua những con đường đổi sang tên Nga nghe xa lạ, và tình cờ họ gặp một bệnh nhân cũ của Tomas. Sau đó Tomas rầu rĩ vô cùng. Đột nhiên, có người gọi anh là bác sĩ, và anh thấy quãng đời trước như đang trèo qua khoảng sâu cách biệt trở về với tất cả những niềm vui thường nhật nhìn thấy bệnh nhân của mình, cảm nhận ánh mắt tin tưởng từ họ, ánh mắt trước đây anh tảng lờ không chú ý nhưng sự thật đầy thích thú và giờ đây anh tiếc nhớ vô cùng.

Lúc lái xe, Tomas thừ người nghĩ ngợi về sai lầm tai hại anh bỏ Zurich quay về Praha. Anh chăm chú lái xe để khỏi phải nhìn sang Tereza. Anh giận cô lắm. Sự hiện diện của cô bên cạnh anh hơn bao giờ gây cảm giác cuộc sống này sao đầy bất định ngẫu nhiên không kham nổi. Cô đang làm gì bên cạnh anh đây? Ai là người bỏ cô trong chiếc thúng cói thả trôi sông? Tại sao giường của anh lại được chọn làm bến đậu cho cô? Và tại sao là cô mà không phải người đàn bà nào khác?

Suốt quãng đường hai người không trao đổi với nhau lời nào.

Về đến nhà, hai người ngồi ăn cơm tối vẫn trong im lặng.

Im lặng phả lên hai người như nỗi đau day dứt. Mỗi phút mỗi căng thêm. Để trốn tránh hai người lên giường đi ngủ ngay. Anh đánh thức cô dậy vào lúc nửa đêm. Cô đang khóc.

“Em bị chôn,” cô bảo anh. “Em bị chôn lâu lắm rồi. Tuần nào anh cũng ra thăm em. Mỗi lần như vậy anh gõ vào mộ, và em chui ra. Hai mắt em đầy đất cát. Anh bảo, ‘Mắt em vậy làm sao em trông thấy?’ và anh cố gạt đất cát ra khỏi mắt em.”

“Em bảo, ‘Em chẳng trông thấy gì đâu. Mắt em chỉ là hai cái lỗ sâu hoắm mà thôi.’“

“Rồi một hôm anh ra đi trong chuyến du hành xa, và em biết anh có người đàn bà khác. Thời gian trôi qua, tuần này qua tuần khác, bóng anh vẫn mù khơi. Em sợ mất anh, và em không ngủ được. Mãi rồi anh cũng về gõ lên mộ, nhưng cả tháng trời không ngủ em kiệt sức đến độ em nghĩ em không tài nào lết ra nổi. Cuối cùng khi em chui ra, anh dường như thất vọng. Anh bảo em trông bạc nhược quá. Em cảm thấy mình thật xấu xí trước mắt anh với hai má hóp sâu và cử chỉ run rẩy hoang mang.

“‘Em xin lỗi, ‘ em tạ lỗi với anh. ‘Em không chợp mắt được chút nào từ khi anh ra đi.’“

“‘Em thấy không?’ Anh nói giọng đầy vui mừng giả tạo. ‘Em chỉ cần nghỉ ngơi thật nhiều. Nghỉ chơi ở nhà một tháng!’“

“Làm như em không rõ anh toan tính điều chi trong đầu! Một tháng trời nằm nhà tức là một tháng trời anh không thèm nhìn nhõi gì đến em, anh có người đàn bà khác. Rồi anh bỏ đi và em lại trôi xuống nấm mộ, trong lòng em biết chắc cả tháng nữa không ngủ được vì mòn mỏi đợi chờ anh và khi anh trở lại em càng xấu xí hơn, anh càng thất vọng hơn.”

Chưa bao giờ anh nghe vào tai những lời nói nát lòng hơn vậy. Ôm chặt cô trong vòng tay, anh có cảm tưởng không sao chịu đựng nổi tình yêu của mình.

Hãy để đạn bom phá nổ rung chuyển quả đất, hãy để lũ rợ cưỡng chiếm đất nước thân yêu, hãy để tất cả những người chung quanh bị đem ra xử bắn – anh chấp nhận nổi những điều đó dễ dàng. Nhưng nỗi sầu não ẩn tàng trong giấc mơ của Tereza là cái gì anh không tài nào chế ngự.

Anh cố chui vào giấc mơ cô vừa kể. Anh hình dung cảnh anh đưa tay vuốt mặt cô và thật nhẹ nhàng – đừng để cô hay biết – anh phủi đất cát khỏi hốc mắt cô. Đoạn anh nghe câu nói nát lòng thê thảm “Em chẳng trông thấy gì đâu, mắt em chỉ là hai cái lỗ sâu hoắm mà thôi.”

Tim anh như sắp rạn vỡ; anh có cảm tưởng anh đang sắp bị cơn chấn tim làm ngã gục.

Tereza nhắm mắt ngủ lại trong lúc anh vẫn còn thao thức. Anh hình dung cái chết của cô. Cô chết rồi mà vẫn bị những cơn ác mộng khủng khiếp dày vò; nhưng bởi cô chết rồi nên anh không cách nào lay tỉnh cô dậy. Vâng, đó là cái chết: Tereza ngủ với những cơn ác mộng khủng khiếp và anh đành bó tay, không đánh thức cô dậy được.