Đời nhẹ khôn kham - Phần V - Chương 6

19

Năm năm trời từ khi quân Nga xâm chiếm quê hương Tomas, Praha trải qua nhiều đổi thay đáng kể. Những người Tomas gặp ngoài đường cũng khác. Một nửa bạn bè anh di cư ra nước ngoài, một nửa của nửa ở lại lần lượt qua đời. Sẽ không sử gia nào ghi chép xuống sự kiện những năm tháng sau cuộc xâm lăng là thời kì của những đám tang: con số người chết gia tăng vùn vụt. Tôi không chỉ nói đến trường hợp (họa hoằn lắm, dĩ nhiên) những người bị săn đuổi đến chết như nhà văn Jan Prochazka. Hai tuần lễ sau khi những mẩu đối thọai riêng tư của ông phát thanh hàng ngày trên làn sóng điện, ông được chở vào nhà thương. Căn bệnh ung thư có lẽ nằm yên trong người ông đột nhiên bùng dậy như đóa hoa hồng. Họ giải phẫu chữa trị ông trước sự hiện diện của công an, và khi thấy ông không có cơ thoát khỏi cái chết, họ mất hết thú vị và để ông chết trong vòng tay vợ ông. Nhưng cũng có rất nhiều người bỏ mạng dù không hề bị buộc tội kết án trực tiếp; nỗi tuyệt vọng tràn lan khắp đất nước, xâm nhập qua tâm hồn soi thẳng vào thể xác, tàn hủy thân xác người ta. Có người trong tuyệt vọng cố trốn tránh những ưu ái chế độ dành cho họ, muốn họ đứng trình diễn bên cạnh đám lãnh tụ mới. Đó là trường hợp cái chết của nhà thơ Frantisek Hrubin – chạy trốn lòng yêu thương của Đảng. Ông bộ trưởng bộ Văn hóa, người nhà thơ khi sống tìm mọi cách lẩn tránh, và phải đợi nhà thơ qua đời mới bắt kịp ông. Bên huyệt mộ, ông bộ trưởng lên đọc điếu văn nói về lòng yêu mến nhà thơ dành cho Liên bang Xô viết. Có lẽ ông ta hi vọng những lời nói bịa đặt đó trắng trợn đến nỗi Hrubin phải đội mồ chui lên. Nhưng thế gian bẩn thỉu quá, chẳng thấy ai thèm đội mồ sống dậy làm gì.

Bữa nọ, Tomas đến lò hỏa táng tham dự đám tang một nhà sinh học nổi tiếng nhưng bị chế độ tống khỏi viện Hàn lâm Khoa học. Nhà nước cấm chỉ mọi loan truyền về ngày giờ tang lễ trong lời báo tang, họ sợ đám tang biến thành cuộc biểu tình. Những người tham dự giờ chót mới hay biết lễ hỏa thiêu sẽ cử hành lúc sáu giờ rưỡi sáng.

Bước chân vào lò hỏa thiêu, Tomas không hiểu chuyện gì đang diễn ra: sảnh đường đèn đuốc thắp sáng như phim trường. Ngạc nhiên đảo mắt nhìn quanh, anh thấy ba máy quay phim đặt ở ba vị trí khác nhau. Không, đây không phải máy quay phim của đài truyền hình mà của công an. Họ quay phim buổi tang lễ để nhận diện những người tham dự là ai. Một đồng nghiệp già của nhà khoa học, vẫn giữ ghế trong Viện hàn lâm Khoa học, can đảm lên đọc điếu văn. Đừng bao giờ nghĩ ông sẽ trở thành tài tử xi nê.

Khi đám tang bế mạc và mọi người lần lượt lên chia buồn cùng tang quyến người quá cố, Tomas để ý thấy một nhóm đàn ông đang đứng trong góc sảnh đường và anh nhận ra ông nhà báo dáng người cao lưng khòm. Hình ảnh ông làm Tomas chạnh lòng nhận ra ông nhớ họ biết bao, những con người không biết sợ hãi và dường như kết chặt vào nhau bởi tình bằng hữu thâm sâu. Anh dợm chân bước về phía ông nhà báo với nụ cười thân thiện chào hỏi trên môi. Nhưng vừa thấy anh, ông bỗng dưng kêu lên, “Cẩn thận! Đừng lại gần chúng tôi.”

Câu nói nghe lạ lùng thật. Tomas không rõ phải hiểu câu nói như lời cảnh giác chân tình thân thiết (“Coi chừng, chúng ta đang bị quay phim; nếu anh đến nói chuyện với chúng tôi, rất có thể anh sẽ bị lôi đầu vào thẩm vấn lần nữa”) hay câu móc lò mỉa mai (“Nếu anh không đủ can đảm kí tên vào lá thỉnh nguyện thư thì hãy giữ nguyên vị thế đó đi, đừng giả vờ đóng kịch làm như chỗ bạn bè thân thiết với chúng tôi làm gì.”) Chẳng cần biết thông điệp mang ý nghĩa nào, Tomas khựng lại, ngần ngừ đôi chút rồi bỏ ra về. Anh có cảm tưởng người đàn bà đẹp trên sân ga không phải chỉ biến mất vào toa ngủ, cô còn đưa ngón tay lên môi anh, cấm anh không được thốt điều gì lúc anh vừa định mở miệng buông lời ve vãn.

20

Chiều hôm đó, anh gặp một cảnh huống lạ lùng khác. Anh đang lau rửa cửa kính một tiệm bán giày dép lớn chợt một người đàn ông dáng dấp còn trẻ đến đứng sát bên anh dán mũi vào cửa kính quan sát giá tiền.

“Giá cả đua nhau leo thang,” Tomas nói trong lúc hai tay không ngừng đùa theo dòng nước tuôn chảy trên mặt kính.

Người đàn ông quay sang nhìn anh. Đó là người bạn đồng nghiệp của anh tại bệnh viện, người tôi gán cho cái tên S., người ngỡ anh viết bản tự kiểm điểm và buông lời nhạo báng cay độc. Tomas vui mừng gặp lại anh ta (một cách thật thà ngây thơ, bởi chúng ta luôn vui mừng khi va chạm những biến cố bất ngờ), nhưng anh nhìn ra trong ánh mắt người bạn đồng nghiệp (trước khi S. có cơ hội lấy lại tự chủ) cái nhìn ngạc nhiên không-chút-vui-vẻ.

“Anh khỏe không?” S. hỏi anh.

Trước khi Tomas trả lời, anh nhận ra vẻ hổ thẹn của S. sau câu hỏi. Thật lố bịch có bằng cấp khi bác sĩ đang hành nghề hỏi bác sĩ lau chùi cửa kính có khỏe không.

Để không khí bớt căng thẳng Tomas vui vẻ trả lời “Khỏe, khỏe lắm,” nhưng ngay sau đó anh cảm thấy dù anh cố gắng cách nào chăng nữa (thật ra, vì anh cố gắng quá) chữ “khỏe” của anh vẫn mang giọng điệu mỉa mai cay đắng. Vì thế anh nhanh miệng hỏi thêm, “Ở bệnh viện có gì lạ không?”

“Chẳng có gì lạ,” S. trả lời. “Mọi việc vẫn như cũ.”

Câu trả lời không thích hợp với tình thế chút nào mặc dù chủ ý câu nói có tính cách trung dung vô thưởng vô phạt, và cả hai người đều nhận ra. Cả hai đều ngầm hiểu chẳng che giấu nhau được điều gì. Làm sao mọi việc vẫn “như cũ” khi một trong những người ở đó phải đi lau chùi cửa kính kiếm kế sinh nhai? “Ông xếp ra sao rồi?” Tomas lại hỏi.

“Anh không gặp ông ấy sao?”

“Không.”

Sự thật đúng vậy. Từ khi ra khỏi bệnh viện, anh không hề gặp lại ông bác sĩ trưởng lần nào. Hai người làm việc với nhau rất tương đắc; còn xem nhau như bạn bè. Vì thế không cần biết cách anh trả lời, chữ “không” của anh vẫn mang giọng buồn bã tất nhiên, và Tomas đoán S. đang bực bội vì anh đem chuyện đó ra hỏi: cũng như ông bác sĩ trưởng, S. chẳng bao giờ tạt ngang hỏi han xem Tomas ra sao hay anh cần nhờ vả điều gì không.

Cuộc đối thọai của hai cựu đồng nghiệp bế tắc không chữa nổi, mặc dù cả hai đều hối tiếc, nhất là Tomas. Anh không giận những đồng nghiệp cũ đã quên bẵng anh. Phải chi anh làm sáng tỏ được điều này với người đồng nghiệp trẻ đang đứng bên cạnh. Điều anh thật sự muốn nói là, “Chẳng có gì phải hổ thẹn! Đường chúng ta đi không gặp nhau, bình thường thôi. Chẳng có gì phải bực bội! Tôi rất vui mừng khi gặp lại anh!” Nhưng anh không dám nói ra, bởi cho đến giờ phút đó điều gì anh nói ra cũng không đúng theo chủ ý, và những lời nói chân thành kia chỉ mang giọng điệu nhạo báng châm biếm đối với người bạn đồng nghiệp cũ của anh mà thôi.

“Xin lỗi anh.” Sau một lúc lâu im lặng S. cáo từ. “Tôi phải đi gấp.” Anh ta bắt tay Tomas. “Tôi sẽ gọi anh.”

Lúc nghĩ những đồng nghiệp anh nhìn anh với con mắt khinh miệt, nghĩ anh là người hèn nhát, họ mỉm cười với anh. Giờ đây họ không dám khinh thường anh, ngược lại phải miễn cưỡng ngưỡng phục anh, họ xa lánh anh.

Ngay cả những bệnh nhân cũ của anh cũng chẳng còn ai gọi anh đến làm việc cho họ, đừng nói đến chuyện chào đón bằng chai rượu sâm banh. Cảnh huống một trí thức bị thất sủng bạc đãi mất hết tính cách ngoại lệ rồi; nó trở thành cái gì nhàm chán và chẳng vui thú chút nào khi phải đối diện.

21

Anh về nhà, lên giường nằm và dỗ giấc ngủ sớm hơn mọi bữa. Một tiếng đồng hồ sau anh thức dậy, bao tử anh đau nhói từng cơn. Bệnh cũ anh tái phát mỗi khi anh có điều gì lo lắng buồn rầu. Anh đi mở tủ thuốc nhưng phải buột miệng buông tiếng chửi thề: tủ thuốc trống trơn; anh quên khuấy mua thuốc men dự trữ trong nhà. Anh cố dùng ý chí trấn át cơn đau và thấy dễ chịu đôi chút, nhưng không tài nào nhắm mắt ngủ tiếp được. Một giờ rưỡi khuya Tereza về và anh muốn nói chuyện vãn với cô. Anh kể cô nghe về đám tang, về ông nhà báo không chịu tiếp chuyện anh, và cuộc gặp gỡ với S.

“Praha gần đây trở nên xấu xí quá.” Tereza bảo anh.

“Anh biết.”

Tereza im lặng trong giây lát rồi nói nhỏ, “Cách hay nhất là đi khỏi nơi đây.”

“Anh đồng ý, nhưng đi đâu bây giờ?”

Tomas mặc quần áo ngủ ngồi ở mép giường, cô đến ngồi xuống bên cạnh rồi dang tay ôm anh.

“Anh nghĩ sao nếu bọn mình dọn về quê sinh sống?” Cô hỏi anh.

“Về quê?” Anh ngạc nhiên hỏi lại.

“Về quê tụi mình sẽ yên ổn. Anh sẽ không phải gặp lại lão nhà báo hay những đồng nghiệp cũ của anh. Dân dưới quê khác lắm. Tụi mình sẽ trở về với thiên nhiên. Thiên nhiên lúc nào cũng thế, không thay đổi bao giờ.”

Ngay lúc đó bao tử Tomas lại đau nhói lên. Cơn đau khiến anh chợt thấy mình trở nên già nua, anh thấy anh chẳng còn mong ước điều gì hơn ngoài chút yên bình tĩnh lặng.

“Có lẽ em nói đúng.” Anh nói cách khó khăn. Cơn đau làm anh khó thở.

“Tụi mình sẽ có một căn nhà nhỏ và một thửa vườn con con, nhưng đủ rộng cho Karenin chạy chơi.”

“Ừ,” Tomas ậm ừ.

Anh đang cố hình dung cảnh sống sẽ như thế nào nếu anh và Tereza dọn về quê. Anh sẽ không còn mỗi tuần một người đàn bà nữa. Về quê có nghĩa là chấm dứt những cuộc phiêu lưu trăng hoa tình ái.

“Trở ngại duy nhất là anh sẽ vô cùng buồn chán sống với em dưới quê.” Tereza nói như đọc được ý nghĩ của anh.

Cơn đau lại gia tăng. Anh cắn răng chịu đau không mở miệng nói nổi câu nào. Anh nhận ra thú săn đuổi đàn bà của anh là thứ gì thuộc về “Es muss sein!”– một mệnh lệnh kiềm tỏa câu trói anh. Anh khao khát ngày nghỉ. Nhưng phải là một ngày nghỉ tuyệt đối, hoàn toàn không dính dáng gì đến tất cả những mệnh lệnh, những “Es muss sein!” Nếu anh có thể rời bỏ (vĩnh viễn) bàn mổ bệnh viện, tại sao anh không xa lìa được bàn mổ thế giới, nơi anh cầm con dao mổ tưởng tượng mở toang cái hộp cứng đàn bà bao bọc che đậy phần khác biệt một phần triệu kia của họ?

“Bệnh bao tử của anh lại tái phát rồi!” Tereza kêu lên, lúc đó cô mới hay anh có gì không ổn.

Anh gật đầu.

“Anh chích thuốc chưa?”

Anh lắc đầu. “Anh quên mua thuốc dự trữ trong nhà.”

Mặc dù bực mình vì tính hay quên của anh, cô đưa tay lên xoa trán anh lúc đó ướt đẫm mồ hôi vì cơn đau.

“Anh thấy hơi đỡ rồi.”

“Anh nằm xuống,” Cô kéo chăn đắp cho anh. Sau đó cô vào nhà tắm trong chốc lát rồi trở ra nằm xuống bên cạnh anh.

Anh quay sang nhìn cô, đầu vẫn không nhấc khỏi mặt gối. Thiếu chút nữa anh đã phải giật thót cả người: nỗi sầu khổ đang thiêu cháy trong mắt cô trông sao não lòng quá mức.

“Tereza, nói anh nghe, việc gì thế? Có cái gì không ổn trong em lúc gần đây. Anh cảm thấy như vậy.”

“Không. Em không sao cả.” Cô lắc đầu.

“Không việc gì em phải giấu.”

“Thì vẫn chuyện cũ,” cô bảo anh.

“Vẫn chuyện cũ” có nghĩa là lòng ghen tuông trong cô và tính trăng hoa của anh.

Nhưng Tomas không chịu yên. “Không, Tereza. Lần này có cái gì khang khác. Chưa bao giờ tình trạng tồi tệ như vầy.”

“Được rồi, em sẽ nói cho anh biết.” Cô bảo anh. “Anh đi gội đầu đi.”

Anh không hiểu gì.

Câu nói giải thích của cô buồn bã, không chút gây hấn, gần như ôn tồn nhỏ nhẹ. “Cả mấy tháng rồi tóc anh lúc nào cũng có mùi nằng nặng. Mùi chỗ kín đàn bà. Em chẳng muốn nói anh chuyện đó làm gì, nhưng thật khổ sở đêm nào em cũng phải hít vào mũi mùi háng những cô nhân tình của anh.”

Ngay lúc cô nói xong, bao tử anh lại lên cơn đau. Thật rõ chán. Kì cọ rửa ráy chừng đó mà chẳng ăn thua gì! Thân thể, hai tay, mặt mũi, anh rửa thật kĩ để không còn tí dấu vết hơi hướm nào dính lại. Anh còn không dám dùng xà phòng thơm của mấy cô, lần nào anh cũng đem theo đồ dùng riêng của anh. Nhưng anh quên khuấy mái tóc! Thật chẳng bao giờ anh nghĩ ra chuyện đó!

Anh nhớ người đàn bà kẹp đùi vào mặt anh rồi bảo cô muốn anh làm tình với cô trong tư thế đó. Lúc này anh ghét cô ả lắm. Thật ngu ngốc! Anh thấy chối cãi chẳng ích gì. Anh chỉ có nước cất tiếng cười rất ư vô duyên rồi định nhỏm dậy vào nhà tắm gội đầu.

Nhưng cô xoa trán anh và bảo, “Anh nằm lại giường đi. Đừng gội đầu làm gì mất công. Em quen rồi.” Bao tử anh đau muốn chết, và anh thèm khát cuộc sống yên bình. “Anh sẽ biên thư hỏi ông bạn bệnh nhân cũ của anh, người tụi mình gặp ở thành phố khoáng tuyền. Em nhớ làng ông ta ở quận hạt nào không?”

“Em không nhớ.”

Tomas nói không nổi nữa. Anh chỉ còn lẩm bẩm được những tiếng, “Rừng cây... núi đồi trập trùng...”

“Đúng đó. Mình sẽ làm như vậy. Mình sẽ đi khỏi nơi đây. Nhưng bây giờ anh đừng nói thêm gì nữa...” Và cô tiếp tục xoa vuốt trán anh. Hai người nằm cạnh nhau, không nói gì thêm. Từ từ cơn đau trong bụng anh thuyên giảm. Lát sau cả hai chìm vào giấc ngủ.

22

Nửa đêm, anh chợt thức giấc và ngạc nhiên nhận ra anh vừa nằm mơ hết giấc này sang giấc khác, toàn những giấc mơ dâm ô bậy bạ. Anh chỉ còn nhớ rõ ràng giấc mơ cuối cùng: một người đàn bà trần truồng nhưng to lớn dị thường, to hơn anh ít nhất năm lần, nằm ngửa nổi lều bều trên mặt hồ bơi, bụng dưới bà ta từ rốn xuống đến háng đầy lông rậm rạp. Anh đứng trên bờ hồ nhìn lòng đầy kích thích.

Làm sao anh thấy kích động được trong khi cơ thể anh đang suy nhược vì bụng dạ không lành? Và làm sao anh nổi hứng được trước người đàn bà mà lúc tỉnh chắc phải dội ngược nếu gặp ngoài đường?

Anh nghĩ: guồng máy đồng hồ trong não bộ có hai bánh xe răng cưa quay ngược chiều nhau. Một cái ghi giữ hình ảnh; cái kia những phản ứng của cơ thể. Cái mang hình ảnh đàn bà trần truồng ăn khớp với cái ra lệnh cho dương vật cương cứng. Nhưng khi, vì lí do này hay lí do nọ, những bánh xe bỗng quay trật gọng và cái có nhiệm vụ kích thích ăn rập với cái mang hình ảnh chim én bay lượn, và dương vật tự động cương lên khi trông thấy chim én.

Thêm nữa, một đồng nghiệp cũ của Tomas, vốn là chuyên gia về giấc mơ của con người, trong một công trình nghiên cứu công bố đàn ông hễ nằm mơ dương vật tự nhiên cương cứng. Điều đó có nghĩa tương quan giữa sự cương cứng và hình ảnh đàn bà trần truồng chỉ là một trong nghìn cách Đấng Tạo hóa dùng để vận hành guồng máy đồng hồ trong đầu óc người đàn ông.

Vậy tình yêu có gì tương đồng với những thứ này không? Hoàn toàn không. Nếu một bánh xe răng cưa trong đầu Tomas bị trật gọng và anh thấy kích thích khi trông thấy chim én, điều đó tuyệt đối không ảnh hưởng gì đến tình yêu anh dành cho Tereza.

Nếu kích thích là cơ chế Đấng Tạo hóa của chúng ta dùng để giải khuây thì tình yêu là cái gì hoàn toàn thuộc về chúng ta và chúng ta có thể dùng nó thoát li khỏi Tạo hóa. Tình yêu chính là tự do của chúng ta. Tình yêu ở bên kia”Es muss sein!”Tuy vậy điều đó không hoàn toàn chính xác. Ngay cả nếu tình yêu là cái gì tách biệt khỏi guồng máy tình dục Đấng Tạo hóa dùng trong thú vui giải trí của Ngài, tình yêu và tình dục vẫn dính liền vào nhau. Hai thứ dính vào nhau như người đàn bà trần truồng mềm mại dính vào quả lắc cái đồng hồ vĩ đại.

Tomas nghĩ: Sát nhập tình yêu vào tình dục là một trong những ý tưởng lạ lùng quái dị nhất của Tạo hóa. Anh còn nghĩ thêm: Cách cứu nguy tình yêu ra khỏi sự ngu xuẩn của tình dục là làm thế nào chỉnh lại guồng máy đồng hồ trong đầu óc chúng ta khiến chúng ta thấy kích thích khi nhìn chim én bay.

Và với ý nghĩ ngọt ngào này anh từ từ chìm lại vào giấc ngủ. Nhưng khi vẫn còn mơ màng, giữa không gian lãng đãng của những ý niệm hỗn độn mơ hồ, anh đột nhiên đoán chắc anh vừa tìm ra câu trả lời cho tất cả mọi câu đố, chìa khóa cho mọi bí ẩn, một thế giới mộng tưởng mới, một Thiên đàng: thế giới trong đó đàn ông kích thích khi nhìn thấy chim én và Tomas có thể yêu thương Tereza mà không bị sự ngu xuẩn hung hãn của tình dục quấy nhiễu.

Rồi anh chìm vào giấc ngủ.

23

Đôi ba đàn bà ăn mặc hở hang lượn lờ uốn éo chung quanh anh, nhưng anh mệt mỏi quá, và để thoát khỏi vòng vây anh mở cánh cửa thông qua phòng bên. Trong phòng, ngay trước mặt anh là người đàn bà trẻ nằm nghiêng người trên sô pha. Trên người cô cũng chẳng có bao nhiêu tấc vải: cô không mặc gì ngoài chiếc quần lót. Cô chống người lên khuỷu tay, mắt ngước nhìn anh miệng nở nụ cười như ngầm bảo cô biết anh sẽ đến.

Anh đến bên cô. Anh thấy nỗi vui sướng không sao tả được tràn đầy với ý tưởng cuối cùng anh tìm ra cô và sẽ ở mãi mãi bên cô. Anh ngồi xuống bên cạnh cô, nói với cô cái gì đó và cô đáp lại anh. Người cô toát ra vẻ êm dịu. Cử chỉ bàn tay cô chậm rãi mềm mại. Cả cuộc đời, anh khao khát ngóng tìm dáng điệu êm ái nơi cô. Suốt đời anh, cái gì êm ái nữ tính chẳng bao giờ đến.

Nhưng ngay lúc đó giấc mơ bỗng như muốn trôi về thực tại. Anh thấy anh trở lại vùng không gian lãng đãng nơi chúng ta không ngủ hẳn mà cũng chưa thức hẳn. Anh hoảng sợ vì có thể sẽ phải nhìn người đàn bà trẻ biến mất trước mắt và anh tự nói với chính mình, “Chúa ơi, đừng để con mất nàng.” Tuyệt vọng nhưng anh vẫn cố moi móc trí nhớ xem người đàn bà đó là ai, anh đã gặp gỡ cô nơi đâu, hai người liên hệ với nhau như thế nào. Làm sao anh có thể quên cô trong khi cô biết anh tường tận đến thế? Anh tự hứa việc đầu tiên sáng mai thức dậy là sẽ gọi cô. Nhưng vừa tự hứa xong anh nhận ra ngay anh không thể giữ lời hứa được: anh không biết tên cô là gì. Làm sao anh không nhớ nổi tên một người vô cùng thân thiết với anh? Đến lúc đó, anh gần như tỉnh ngủ hẳn, hai mắt anh rộng mở, và anh tự hỏi, Mình đang ở đâu? Vâng, mình đang ở Praha, nhưng người đàn bà, cô ấy cũng ở đây hay nơi nào khác? Mình có gặp cô ở nơi nào khác không? Chẳng lẽ cô người Thụy Sĩ? Phải mất một chặp khá lâu anh mới chấp nhận ý nghĩ anh không hề biết người đàn bà đó là ai, cô không ở Praha cũng chẳng phải Thụy Sĩ, cô chỉ là người sống trong giấc mơ của anh mà thôi.

Anh bực tức quá và ngồi thẳng dậy trên giường. Tereza vẫn đang thở sâu hút bên cạnh. Anh lại nghĩ đến người đàn bà trong giấc mơ, cô không giống bất cứ người đàn bà nào anh từng gặp gỡ. Người anh cho là thân yêu nhất lại là người anh không hề quen biết. Cô chính là người anh luôn luôn khao khát mong chờ có ngày đến với anh. Nếu có Thiên đàng cho riêng anh thì cô là người sống bên cạnh anh trong Thiên đàng đó. Người đàn bà trong giấc mơ chính là cái “Es muss sein!” của tình yêu trong anh.

Bỗng nhiên anh liên tưởng đến huyền thọai ai cũng biết trong quyển Symposiumcủa Plato: con người mang lưỡng tính nửa nam nửa nữ cho đến khi Thượng đế bổ đôi họ ra, và giờ đây những nửa con người đó lang thang khắp thế giới tìm nhau. Tình yêu là lòng khao khát ngóng tìm phân nửa con người bị thất lạc kia của chính mình.

Hãy giả thử có trường hợp như vậy, đâu đó trên thế giới mỗi chúng ta đều có người bạn đời có thời là một phần da thịt chúng ta. Phần kia của Tomas là người đàn bà trẻ trong giấc mơ. Vấn đề rắc rối là, người đàn ông không tìm thấy phần kia của mình. Thay vào đó, một Tereza trong chiếc thúng cói được gửi đến. Nhưng điều gì xảy ra nếu về sau anh gặp người đúng ý, cái phần kia của chính anh? Ai sẽ là người thích hợp hơn cho anh? Người trong chiếc thúng cói hay người trong huyền thọai Plato?

Anh cố hình dung cảnh anh sống nơi thế giới tuyệt hảo với người đàn bà trẻ trong giấc mơ. Nhìn ra cửa sổ căn nhà lí tưởng nơi anh chung sống với người đàn bà trẻ, anh thấy Tereza. Cô đi một mình. Cô ngừng lại nhìn anh trong nhà với ánh mắt sầu thảm vô hạn. Anh không chịu nổi ánh mắt đó. Một lần nữa anh cảm nhận nỗi đau của cô trong tim anh. Một lần nữa anh bị lòng thương lụy chế ngự và anh chìm sâu vào tâm hồn cô. Anh nhảy qua cửa sổ, nhưng cô cay đắng bảo anh hãy ở lại nơi nào anh thấy hạnh phúc, cử chỉ cô vùng vằng làm anh khó chịu. Anh nắm đôi tay run rẩy của cô rồi ép trong tay để xoa dịu cô. Và anh biết thêm lần nữa anh lại từ bỏ ngôi nhà hạnh phúc của anh, thêm một lần nữa từ bỏ Thiên đàng nơi có người đàn bà trong giấc mơ và quay lưng lại cái “Es muss sein!” của tình yêu để chạy theo Tereza, người nảy sinh từ sáu việc tình cờ ngẫu nhiên buồn cười.

Suốt thời gian đầu óc lao đao với những ý nghĩ này, anh vẫn ngồi thẳng trên giường mắt nhìn xuống người đàn bà đang nằm bên anh, tay nắm chặt tay anh trong giấc ngủ. Anh cảm thấy anh yêu cô khôn tả. Lúc đó chắc cô chỉ ngủ chập chờn vì mắt cô mở ra nhìn lên anh thắc mắc.

“Anh đang nhìn cái gì vậy?” Cô hỏi anh.

Anh biết thay vì đánh thức cô dậy anh nên ru cô ngủ lại, vì thế anh tìm câu trả lời thế nào để cấy hình ảnh vào giấc mơ mới trong đầu óc cô.

“Anh đang nhìn những vì sao.”

“Anh chỉ khéo nói tầm phào. Anh đang nhìn xuống mà.”

“Bởi vì chúng mình đang ở bên trong phi cơ. Sao trời nằm dưới mình.”

“Ồ, bên trong phi cơ,” Tereza vừa nói vừa siết tay anh chặt hơn rồi cô nhắm mắt ngủ tiếp. Tomas biết cô đang nhìn ra ô cửa kính tròn tròn của chiếc phi cơ đang lướt cánh bên trên sao trời.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3