Đời nhẹ khôn kham - Phần VI - Chương 3

19

Cuối cùng vị nữ giáo sư ngôn ngữ học buông tay cô diễn viên. Lúc đó anh chàng ca sĩ râu đen người Đức vác cờ trắng lên tiếng gọi tên cô.

Cô diễn viên Mỹ chưa nghe tên anh ta bao giờ, nhưng sau khi bị làm nhục cô dễ dàng đón nhận niềm cảm thông an ủi từ người khác nên cô lập tức chạy về phía anh ta. Anh chàng ca sĩ chuyển lá cờ sang tay trái rồi vòng tay phải ôm vai cô.

Lập tức hai người bị một đám nhiếp ảnh gia và chuyên viên quay phim bu chung quanh. Một nhiếp ảnh gia Mỹ danh tiếng loay hoay mãi không chụp được toàn bộ khuôn mặt hai người cùng lá cờ vì cán cờ dài quá, anh ta lùi vài bước xuống ruộng. Và chẳng may, anh ta đạp chân lên một quả mìn. Quả mìn nổ tung, thân xác anh ta tan nát thành nhiều mảnh vụn bay tung tóe lên không trung, máu thịt vãi như mưa xuống đầu đám trí thức Tây phương.

Anh chàng ca sĩ và cô diễn viên kinh hoàng đến độ cứng đờ cả người. Hai người đưa mắt nhìn lên lá cờ. Lá cờ dính đầy máu. Một lần nữa họ thấy kinh khiếp. Rồi họ rụt rè nhìn lên vài lần nữa và họ bắt đầu hơi nở nụ cười. Niềm hãnh diện lạ lùng bỗng nhiên tràn ngập tâm khảm hai người, niềm hãnh diện họ chưa bao giờ trong đời trải qua: lá cờ họ đang cầm được tưới bằng máu. Một lần nữa họ gia nhập cuộc diễn hành.

20

Biên giới hai quốc gia là con sông nhỏ, nhưng con sông bị che bởi bức tường dài xây dọc theo bờ sông cao chừng sáu bộ có đặt bao cát để bảo vệ những tay bắn sẻ phía Thái. Bức tường chừa một lỗ hổng duy nhất nơi cây cầu bắc ngang sông. Lính canh Việt Nam nằm chờ bên kia sông, nhưng vị trí họ được ngụy trang kĩ lưỡng nên chẳng ai thấy họ đâu. Tuy vậy, điều hiển nhiên là bất cứ ai đặt chân lên cầu, những họng súng vô hình từ phía bên kia sông sẽ khai hỏa ngay lập tức.

Đoàn người tham dự cuộc diễn hành đến sát chân tường rồi rón rén đứng nhìn. Franz thò đầu nhìn qua kẽ hở giữa hai bao cát, cố nhướng mắt nhìn xem có gì lạ không. Anh không thấy chi cả. Mấy nhiếp ảnh gia nghĩ anh ta có thẩm quyền đứng chỗ tốt hơn chen vào đẩy Franz ra.

Ngay lúc đó, cô gái thông dịch người Cam Bốt trong nhóm dẫn đầu cuộc diễn hành nói lớn vào loa phóng thanh bằng tiếng Khơ-me cho phía bên kia nghe: Những người này là bác sĩ; họ xin phép vào lãnh thổ Cam Bốt để chữa trị người ốm đau bệnh tật; họ hoàn toàn không có chủ ý chính trị gì; họ làm chỉ vì lòng nhân đạo quan tâm đến mạng sống con người mà thôi.

Vọng lại từ bên kia là sự im lặng điếng người. Sự im lặng tuyệt đối đến độ tinh thần mọi người như sa xuống. Chỉ có tiếng máy ảnh bấm lách cách giữa thinh lặng nghe như bài hát của loài côn trùng lạ.

Franz đột nhiên có cảm tưởng cuộc Diễn hành Vĩ đại đang đến hồi kết thúc. Chung quanh Âu châu là biên giới lặng im, và không gian nơi cuộc Diễn hành Vĩ đại diễn ra chẳng qua chỉ là cái sân khấu nhỏ nhoi nằm ngay giữa địa cầu. Những đám đông người hồ hởi chen chúc nhau lên sân khấu đã ra đi từ lâu, và cuộc Diễn hành Vĩ đại tiếp tục diễn ra trong lạnh vắng, không hề có một khán giả nào. Vâng, Franz tự nhủ, cuộc Diễn hành Vĩ đại tiếp tục đi tới, bất chấp sự thản nhiên của thế giới, nhưng nó càng ngày càng rối mù hỗn loạn: hôm qua chống Mỹ xâm lăng Việt Nam, hôm nay chống Việt Nam xâm lăng Cam Bốt; hôm qua ủng hộ Do thái, hôm nay ủng hộ Palestine; hôm qua cho Cuba, ngày mai chống Cuba – và bao giờ cũng chống Mỹ; có lúc lên án vụ thảm sát này nhưng cũng có lúc ca ngợi vụ thảm sát kia. Âu châu tiếp tục bước tới, và để theo kịp, không muốn bỏ sót bất cứ biến cố nào, nhịp bước diễn hành càng ngày càng nhanh, đến lúc cuộc Diễn hành Vĩ đại còn lại chỉ là đoàn người ào ào lũ lượt kéo nhay chạy và sân khấu thì thu nhỏ dần đến một ngày nó co rút thành điểm nhỏ vô kích thước.

21

Một lần nữa, cô gái thông dịch hét vào loa phóng thanh lời thách đố. Và một lần nữa đáp lại là sự im lặng thản nhiên đến vô tận.

Franz đưa mắt quan sát mọi người chung quanh. Sự im lặng từ phía bên kia sông như cái tát giáng vào mặt họ. Ngay đến anh chàng ca sĩ cầm cờ trắng và cô diễn viên Mỹ cũng thất vọng và họ dùng dằng chẳng biết phải hành động như thế nào.

Trong thoáng suy nghĩ Franz thấy họ tức cười làm sao, nhưng thay vì tách rời hay tự tìm cho mình lời mỉa mai chua chát, ý tưởng đó khiến anh cảm nhận ra lòng yêu thương vô bờ chúng ta dành cho những ai bị kết tội. Vâng, cuộc diễn hành đang đến hồi kết cuộc, nhưng có lí do nào khiến Franz phản bội nó không? Phải chăng chính cuộc đời anh cũng đang đến hồi kết thúc? Ai là người anh chế nhạo trong cuộc biểu dương đưa những vị bác sĩ can đảm ra biên giới? Họ làm gì ngoài một buổi trình diễn? Họ có lựa chọn nào không?

Franz đúng lắm. Tôi không thể không nghĩ đến ông nhà báo ở Praha, người chủ xướng thảo lá thỉnh nguyện thư xin ân xá tù nhân chính trị. Ông biết rất rõ lá thỉnh nguyện thư sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến việc trả tự do cho tù nhân chính trị. Mục tiêu chính của ông không phải là tìm cách đòi tự do cho những người tù, nó chỉ cho thấy những người không biết sợ hãi vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này. Lại thêm một vai tuồng trong vở kịch. Nhưng ông không còn lựa chọn nào khác. Chọn lựa của ông không phải giữa đóng kịch và hành động mà giữa đóng kịch và không làm gì. Có những cảnh huống người ta bị kết tội là đóng kịch. Cuộc đấu tranh với một quyền lực im lìm (quyền lực im lìm từ bên kia sông, công an biến thành máy ghi âm gài im lìm trên tường) là cuộc đấu tranh của đoàn diễn kịch tấn công đoàn lính trận.

Franz đứng nhìn người bạn thời Sorbonne đang giơ nắm tay đe dọa sự im lặng từ phía bên kia.

22

Lần thứ ba cô gái thông dịch hét vào loa phóng thanh lời thách đố.

Vẫn im lặng và lần này Franz từ thất vọng biến thành tức giận. Anh đứng dậy, chỉ vài bước cách cây cầu nối liền hai quốc gia Thái Lan và Cam Bốt, ngửng mặt lên trời hét tiếng nguyền rủa căm hờn để rồi ngã gục dưới tràng đạn bạo tàn đau đớn.

Nỗi sôi sục bất ngờ bốc lên trong lòng Franz khiến chúng ta chợt nhớ ra điều gì: vâng, chúng ta nhớ đến anh con trai Stalin, người đã vùng chạy ra khỏi trại giam và bị điện giật chết tươi trên hàng rào kẽm gai khi anh không chịu nổi cảnh phải nhìn hai thái cực trong cõi trần ai này tiến lại gần đến nỗi va chạm nhau, khi không còn khác biệt giữa cao nhã và bẩn thỉu, giữa thiên thần và ruồi muỗi, giữa Thượng đế và cứt đái.

Franz không chấp nhận nổi sự việc đang xảy ra trước mắt anh, niềm vinh quang của cuộc Diễn hành Vĩ đại chỉ tương đương với lòng hoang tưởng mê muội đến khôi hài của đám người trong cuộc. Anh không chịu nổi sự thật âm vang cao cả của lịch sử Âu châu lại mất hút trong nỗi câm lặng vô biên và chẳng có khác biệt nào giữa lịch sử và khoảng không gian im vắng. Anh có cảm tưởng như đang tự đặt chính đời sống anh lên bàn cân và anh muốn chứng minh cuộc diễn hành phải nặng hơn cứt đái.

Nhưng chẳng ai chứng minh được điều đó. Một bên bàn cân là cứt đái; bên kia, anh con trai Stalin đem cả thân xác mình đặt lên. Vậy mà cán cân không hề động đậy.

Thay vì chạy ra lãnh băng đạn, Franz ôm đầu lủi thủi cùng những người khác đi hàng một quay về đoàn xe buýt.

23

Chúng ta ai cũng cần có người nhìn lên mình. Có thể chia con người thành bốn hạng tùy theo cách chúng ta mong ước được nhìn như thế nào.

Hạng thứ nhất khao khát cái nhìn từ vô vàn những ánh mắt không tên, nói cách khác, từ con mắt của quần chúng. Đó là trường hợp anh ca sĩ người Đức và cô diễn viên người Mỹ, trường hợp ông nhà báo dáng người cao, lưng gù, cằm to cũng thế. Ông quen thuộc mọi tầng lớp độc giả của ông, và khi tờ báo bị người Nga đóng cửa ông có cảm tưởng không khí đột nhiên loãng ra đến cả trăm lần. Không có gì thay thế được những con mắt không tên. Ông nghĩ ông đến chết ngạt mất thôi. Thế rồi một hôm ông chợt hay biết ông bị theo dõi thường xuyên, bị gài máy nghe lén trong nhà, và có người lén chụp hình ông ngoài phố. Đột nhiên ông thấy những con mắt không tên vẫn còn đó và ông hít thở khí trời trở lại như bình thường! Ông bắt đầu đọc diễn văn cho máy ghi âm gắn lén trên tường nghe. Nhờ công an nhà nước ông thấy ông vẫn còn là người của quần chúng.

Hạng thứ hai là những người có nhu cầu khẩn yếu được nhìn từ những con mắt thân quen. Họ là chủ nhân không biết mệt mỏi những bữa tiệc tùng ăn uống. Đời sống họ vui sướng hơn hạng thứ nhất, những người sau khi mất công chúng có cảm tưởng như ngọn đèn trong gian phòng đời sống họ cũng tắt ngúm theo. Điều này sớm muộn sẽ xảy ra cho phần lớn những con người đó. Tuy nhiên, hạng người thứ hai luôn luôn có khả năng vẽ vời cho mình những con mắt cần thiết. Marie-Claude và cô con gái thuộc hạng này.

Rồi đến hạng thứ ba, những người lúc nào cũng thấy cần phải hiện diện trước mắt người mình yêu thương. Tình trạng của họ nguy hiểm y như dạng thứ nhất. Ngày nào đó đôi mắt người họ thương yêu khép lại, gian phòng sẽ tràn ngập bóng tối theo. Tereza và Tomas thuộc hạng thứ ba.

Và sau cùng là dạng thứ tư, hiếm hoi nhất, là những người sống trong đôi mắt tưởng tượng của người vắng mặt. Họ là những kẻ mộng mơ. Thí dụ Franz. Anh mò đến biên giới Cam Bốt chỉ vì Sabina. Trong lúc chiếc xe buýt gập ghềnh lăn bánh trên những con đường xứ Thái, anh có cảm giác Sabina đang chăm chú dán mắt lên anh thật lâu.

Cậu con trai Tomas cũng thuộc hạng người này. Hãy cho tôi gọi cậu là Simon. (Chắc cậu sẽ vui sướng nếu biết mình có tên thánh, giống như tên cha cậu.) Cậu khao khát đôi mắt Tomas. Do những họat động chống đối trong cuộc vận động trình lá thỉnh nguyện thư, cậu bị đuổi khỏi trường đại học. Cô gái cậu quen là cháu gái một linh mục dưới làng. Hai người lấy nhau và cậu kiếm được chân lái xe máy cày trong hợp tác xã, cậu đi nhà thờ Công giáo, rồi có con. Khi hay tin Tomas cũng về làng quê sinh sống, cậu vui mừng không tả: định mệnh nào xui khiến đời sống cha con trở nên cân xứng như vậy! Nhờ đó cậu có can đảm viết cho Tomas một lá thư. Cậu không đòi hỏi Tomas phải hồi âm. Cậu chỉ ao ước được đôi mắt người cha dõi vào cuộc đời mình.

24

Franz và Simon là những kẻ mộng mơ của quyển tiểu thuyết này. Khác với Franz, Simon không bao giờ yêu thích mẹ mình. Từ thuở ấu thơ, cậu đã đi lùng kiếm người cha. Cậu sẵn sàng tin tưởng cha cậu là nạn nhân của sự bất công nào đó, và vì vậy cha cậu cũng suốt đời áp đặt sự bất công đó lên cậu. Cậu không bao giờ tức giận cha cậu, bởi cậu không muốn đồng minh với mẹ mình, người lúc nào cũng tìm cách nói xấu người cha.

Cậu sống với mẹ đến năm mười tám thì hoàn tất chương trình Trung học; sau đó cậu lên Praha theo học Đại học. Lúc đó Tomas đang làm nghề lau chùi cửa kính. Hơn một lần Simon kiên nhẫn tìm cách làm như tình cờ chạm mặt Tomas. Nhưng Tomas chẳng bao giờ dừng lại chuyện trò với cậu.

Lí do duy nhất cậu dính dáng với ông nhà báo là vì định mệnh cuộc đời ông nhà báo làm cậu nhớ đến định mệnh cuộc đời cha cậu. Ông nhà báo không biết Tomas là ai. Ông cũng quên bẵng bài báo về Oedipus. Chính Simon là người kể ông nghe chuyện đó và khuyên ông thuyết phục Tomas kí tên vào lá thỉnh nguyện thư. Ông nhà báo đồng ý chỉ vì ông muốn làm điều tốt lành chi đó cho cậu trai, người ông ưa thích.

Mỗi khi nhớ lại bữa gặp cha mình, cậu cảm thấy hổ thẹn vì đã quá run khớp. Cha cậu không thể nào ưa thích cậu được. Ngược lại, cậu thấy yêu mến cha mình quá đỗi. Cậu nhớ từng lời từng chữ cha cậu nói, và với thời gian cậu thấy những điều đó đúng lắm thay. Câu nói gây ấn tượng lớn trong cậu là “Trừng phạt những người không biết họ đang làm gì là điều mọi rợ.” Hôm người bác cô bạn gái nhét vào tay cậu quyển Thánh Kinh, lời chúa Giê-su “Xin hãy tha tội cho chúng, bởi chúng không biết việc chúng làm” khiến cậu xúc động lạ thường. Cậu biết cha cậu không phải là người mộ đạo, nhưng sự tương tự giữa hai câu nói khiến cậu nhìn ra dấu hiệu bí mật: cha cậu bằng lòng với con đường đã chọn.

Về quê sinh sống được ba năm, một hôm cậu nhận được thư Tomas mời đến nhà chơi. Lần gặp gỡ này cha con rất thân thiết. Simon thấy thoải mái và cậu ăn nói không lắp bắp chút nào. Nhưng có lẽ cậu không nhận ra giữa cậu và cha cậu, hai người không hiểu nhau nhiều. Chừng bốn tháng sau, cậu nhận được điện tín báo tin vợ chồng Tomas bị tai nạn chết chẹt dưới xe tải hàng.

Cũng vào khoảng thời gian đó, cậu biết thêm về người đàn bà có thời là một trong những tình nhân của cha cậu, ba ta lúc đó đang sinh sống bên Pháp. Cậu tìm ra địa chỉ của bà. Bởi cậu vô cùng cần thiết đôi mắt trong tưởng tượng theo dõi cuộc đời mình nên cậu thỉnh thoảng viết cho bà những lá thư dài thậm thượt.

25

Cho đến cuối cuộc đời, Sabina thường xuyên nhận được những lá thư từ con người buồn bã ở ngôi làng xa xôi đó. Nhiều lá cô chẳng bao giờ xé ra đọc, bởi càng ngày cô càng chán ngán cái mảnh đất cố quận nhiễu nhương kia.

Sau khi ông già mất, cô dọn về California. Đi xa về phía Tây, xa cái xứ sở nơi cô sinh ra. Tranh cô vẽ bán rất chạy, cô cũng yêu thích nước Mỹ. Nhưng đó chỉ là bề mặt. Tất cả những gì bên dưới với cô đều xa lạ. Ở bên dưới, không có ông bà, chú bác. Cô sợ sẽ phải tự mình đóng cửa nấm mồ và lún sâu xuống lòng đất nước Mỹ mất thôi.

Vì thế một hôm cô thảo lá chúc thư trong đó cô yêu cầu sau khi chết hãy thiêu xác cô rồi ném lên trời cho gió cuốn đi. Tereza và Tomas chết dưới con dấu của sức nặng. Cô muốn chết dưới con dấu của nhẹ nhàng. Cô sẽ nhẹ hơn không khí. Như Parmenidess nói, từ âm biến thành dương.

26

Chiếc xe buýt ngừng lại đỗ trước khách sạn Bangkok. Chẳng ai còn tha thiết đến chuyện họp hành. Nhóm đi xem cảnh, nhóm đi thăm viếng đền đài, nhóm rủ nhau tìm nhà thổ. Người bạn Sorbonne của Franz đề nghị hai người đi chơi chung cho qua buổi tối nhưng anh thích đi một mình.

Lúc anh ra đường trời vừa sẩm tối. Trí óc anh lảng vảng hình ảnh Sabina, dường như đôi mắt cô vẫn đang dõi nhìn theo anh. Mỗi lần như vậy, anh lại tự nghi hoặc chính mình: anh chưa bao giờ hay biết rốt ráo Sabina suy nghĩ điều gì. Ngay lúc đó anh vẫn thấy trong lòng bất ổn không vui. Lẽ nào Sabina lại chế nhạo anh? Lẽ nào cô xem chuyện anh tôn sùng cô là trò cười điên rồ ngây dại sao? Lẽ nào cô đang cố thuyết phục anh là đã đến lúc anh lớn lên và hãy thương yêu chăm sóc cô nhân tình của anh, người nhờ cô anh mới có?

Hình dung khuôn mặt với cặp kính cận gọng to tròn, anh đột nhiene nhận thức anh và cô nhân tình sinh viên hạnh phúc biết bao. Ngay tức khắc, anh rúng động nhìn ra cuộc phiêu lưu sang Cam Bốt thật vô nghĩa và buồn cười. Tại sao anh đi? Đến lúc này anh mới biết. Anh đi để tìm cho ra lẽ không phải những cuộc diễn hành, không phải Sabina, chính cô gái mới là cuộc sống thật của anh, cuộc sống thật duy nhất của anh! Anh đi để tìm cho ra lẽ sự thật hơn giấc mơ, hơn giấc mơ nhiều lắm!

Đột nhiên, có bóng người nhô ra từ chỗ tranh tối tranh sáng đoạn nói với anh bằng thứ ngôn ngữ anh hoàn toàn không hiểu. Anh nhìn kẻ lạ bằng nét mặt nửa kinh ngạc nửa quan tâm. Gã đàn ông cúi người xuống, miệng mỉm cười rồi lẩm bẩm điều gì đó có vẻ nguy cấp lắm. Gã đang cố nói gì vậy? Hình như gã có ý mời anh đi đâu. Gã đàn ông nắm tay Franz rồi kéo anh đi. Anh đoán chắc có người đang cần anh cứu giúp. Biết đâu công anh lặn lội đường xa vạn dặm không đến nỗi vô nghĩa. Anh được gọi sang đây để cứu người, có phải vậy không?

Đột nhiên hai gã đàn ông khác hiện ra, một trong hai gã dùng tiếng Anh bảo anh đưa tiền ra.

Tại thời điểm này, cô gái với gọng kính to tròn biến mất trong ý nghĩ anh và Sabina hiện ra dõi mắt nhìn theo anh, Sabina vô thực với cái định mệnh to lớn dị thường. Sabina người đã khiến anh trở thành bé nhỏ. Đôi mắt cô giận dữ xoáy vào anh, tức tối và bất mãn: Anh lại dở chứng nữa phải không? Có người lại lạm dụng tính lương hảo khùng điên trong anh nữa chăng?

Anh giật tay khỏi gã đàn ông lạ mặt, gã vói theo chụp tay áo anh. Anh nhớ Sabina lúc nào cũng trầm trồ về sức mạnh của anh. Anh chụp cánh tay gã đàn ông khác đang đu lên người anh, siết chặt, rồi với đòn Nhu đạo tuyệt hảo, anh quật gã ngã chỏng gọng xuống mặt đường.

Bây giờ anh hài lòng với chính anh lắm. Đôi mắt Sabina vẫn không rời. Cô sẽ không bao giờ nhìn thấy anh tự làm nhục chính anh nữa! Cô sẽ không bao giờ thấy anh lui bước! Sẽ không còn Franz nhẹ nhàng tình cảm!

Với mấy gã đàn ông này anh cảm thấy thù ghét, thù ghét nhưng gần như vui sướng. Chúng tưởng chúng cười vào mũi anh vì cái ngố ngác trong người anh sao! Anh đứng đó vai hơi gù xuống, mắt đảo qua đảo lại nhìn hai gã đàn ông còn lại. Đột nhiên, anh thấy đầu mình như bị búa bổ, và lập tức anh ngã gục xuống. Anh mơ hồ nhận ra anh được khiêng đến nơi nào đó. Rồi sau đó anh bị ném vào khoảng không và anh thấy anh rơi xuống mãi. Một tiếng vỡ hãi hùng và anh mê đi không hay biết gì nữa.

Anh tỉnh dậy trong bệnh viện ở Geneva.Marie-Claude ngồi bên mép giường. Anh muốn nói cho cô biết là cô không có quyền ngồi nơi đây. Anh muốn nói mọi người làm ơn gọi cô cái có cặp kính cận to tròn đến với anh ngay lập tức. Cô chiếm ngự hoàn toàn mọi ý tưởng trong anh. Anh muốn hét thật to rằng anh không chịu nổi bất cứ người nào khác ngoài cô gái bên cạnh anh. Nhưng anh quá đỗi kinh hoàng khi nhận ra anh không tài nào mở miệng nói được điều gì. Anh nhìn lên Marie-Claude với đôi mắt thù ghét vô biên và anh cố xoay người để khỏi phải trông thấy cô. Nhưng anh không di động nổi thân xác mình. Có lẽ cái đầu chăng? Không, ngay cả cái đầu anh cũng vô phương lay động. Anh đành nhắm mắt lại.

27

Cuối cùng, trong cái chết, Franz thuộc về vợ mình. Cô có anh như chưa bao giờ có như vậy trước đó. Marie-Claude chu tất mọi chuyện: cô sắp xếp mọi công việc cử hành tang lễ, gửi thiệp báo tang, mua vòng hoa, và đi may một chiếc áo dài đen – trên thực tế, một chiếc áo cưới thì đúng hơn! Vâng, đám ma của chồng là lễ cưới thực thụ của vợ! Cao điểm những công lao suốt cuộc đời cô! Phần thưởng bù đắp cho những nỗi truân chuyên cô trải qua!

Vị linh mục chủ lễ thấu hiểu điều này. Bài điếu văn của ông nói về tình yêu vợ chồng thực thụ, tình yêu kinh qua biết bao thử thách và sau cùng trở thành nơi chốn bình yên cho người quá cố, nơi chốn trở về lúc cuối cuộc đời. Người bạn đồng liêu của Franz, người được Marie-Claude nhờ đọc bài diễn từ cạnh huyệt mộ, cũng phần lớn gửi lời tuyên dương đến vợ người can đảm. Đâu đó phía sau đám đông, cô gái với gọng kính to tròn phải vịn vào người bạn mới đứng vững nổi. Hậu quả của nhiều viên thuốc ngủ và cố gắng trấn át tiếng khóc làm toàn thân cô đau rút trước khi đám tang bế mạc. Cô lảo đảo ngã chúi về phía trước, hai tay ôm chặt bụng, người bạn phải dìu cô ra về, bỏ dở nửa chừng buổi tang lễ.

28

Cầm trong tay tờ điện tín ông chủ nhiệm hợp tác xã đem đến, cậu tức tốc nhảy lên xe gắn máy. Cậu đến nơi vừa kịp lúc thu xếp việc tống táng. Bên dưới tên cha cậu trên mộ kia, cậu cho khắc hàng chữ: NGƯỜI MONG MUỐN THIÊN QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI NƠI HẠ GIỚI.

Cậu biết rõ cha cậu chẳng bao giờ nói câu đó, nhưng cậu đoán chắc câu nói diễn tả đúng sự thật ý cha cậu muốn nói gì. Thiên quốc Chúa Trời có nghĩa là công bằng. Tomas vẫn hằng mong mỏi được nhìn một thế giới công bằng. Simon có quyền diễn tả đời sống cha cậu bằng thứ ngôn ngữ riêng của cậu chứ? Dĩ nhiên cậu có quyền: từ thuở nào đến giờ, có phải tất cả những người thừa kế đều có thẩm quyền đó?

TRỞ VỀ SAU NHỮNG CHUYẾN LÃNG DU DÀI là lời bi kí trên mộ phần của Franz. Có thể lí giải câu kí trên bình diện tôn giáo: những cuộc lãng du thuộc về hiện hữu nơi hạ giới của chúng ta, trở về là trở về trong vòng tay Thượng đế. Nhưng những kẻ trong cuộc biết chuyện đều hiểu rõ nó mang ý nghĩa hoàn toàn phàm tục khác nữa. Thật vậy, ngày nào Marie-Claude cũng đem chuyện đó ra lải nhải.

Franz, hỡi Franz ngọt ngào yêu quý! Bão tố giữa đời sao quá đắng cay. Và cái cô gái bé nhỏ tội nghiệp đó tung lưới bắt được chàng! Tại sao? Ngay chút nhan sắc cô ta cũng không có! (Chị có bao giờ trông thấy cặp mắt kính khổng lồ cô ta cố ẩn núp đằng sau không?) Nhưng khi bước sang tuổi năm mươi (ai mà không biết!), họ sẵn sàng bán linh hồn đổi lấy chút xác thịt tươi non. Chỉ có người vợ mới thấu hiểu nỗi thống khổ chàng chịu đựng! Chỉ là sự tra tấn lương tâm mà thôi! Bởi lẽ, thật sự bên trong, Franz là người đàn ông tử tế và lương hảo. Làm sao chị giải thích được chuyến đi điên rồ tuyệt vọng về cái miền đất khỉ gió đó bên Á châu? Chàng đi để tìm cái chết.

Vâng, Marie-Claude biết rõ như vậy vì một sự kiện tuyệt đối: Franz ý thức được chuyện đi tìm cái chết. Trong những ngày cuối, khi nằm chờ chết và chẳng cần che đậy dối trá điều gì, người duy nhất anh chờ đợi là cô gái. Anh không mở miệng được, nhưng qua đôi mắt anh đội ơn cô xiết bao! Anh dán mắt lên cô xin cô tha thứ. Và cô tha thứ cho anh.

29

Đám dân Cam Bốt đang dần chết để lại gì?

Một bức hình lớn người nữ mít tinh Mỹ ôm đứa bé Á châu.

Tomas chết để lại gì?

Lời bi kí NGƯỜI MONG MUỐN THIÊN QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI NƠI HẠ GIỚI.

Beethoven chết để lại gì?

Cái nhíu mày hoang mang, và tiếng nói u ám cất thành giọng hát “Es muss sein!”

Franz chết để lại gì?

Lời bi kí TRỞ VỀ SAU NHỮNG CHUYẾN LÃNG DU DÀI.

Vân vân và vân vân. Trước khi đi vào quên lãng, chúng ta biến thành kitsch. kitsch là chặng tạm dung giữa hiện hữu và lãng quên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3