Cô Gái Tháng Sáu - Chương 13
Nghe anh giảng một hồi, bằng mười năm miệt mài đèn sách.
Nghe chị giảng một hồi, bằng hai mươi năm dùi mài kinh sử.
Bài thuyết trình của chị cả thực sự khiến Vương Quân được khai sáng. Vấn đề mà mười mấy năm trời đọc sách giáo khoa không thể vỡ vạc ra, giờ đã thấu hiểu mọi đường.
Phóng tầm mắt nhìn ra xa, thế gian chỉ còn hai loại người: mìn và công binh gỡ mìn.
Đàn ông là mìn, có thể chia thành hai loại: loại đã được móc hết thuốc nổ và loại chưa được móc thuốc nổ.
Đàn bà là công binh gỡ mìn, có thể chia thành hai loại: loại có mìn để gỡ và loại không có mìn để gỡ.
Tuy nhiên loại mìn này ở đàn ông không giống với mìn bình thường, thuốc nổ ở đàn ông sau khi đã móc hết vẫn có thể tái sinh, thế nên công việc gỡ mìn của đàn bà phải được tiến hành một cách bền bỉ, đều đặn, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
Cái mà đàn bà được trả công cho việc gỡ mìn là có một người yêu, người chồng hoặc người tình.
Trước đây nghe đến lời giải thích “ưu tiên cho những người có quan hệ vợ chồng” hoặc “giải quyết vấn đề một chốn đôi nơi”, tưởng là mình đã hiểu, thực chất là không hiểu. Hay nói cách khác là đã hiểu nhưng hiểu sai vấn đề.
Hiểu sai cũng được gọi là “hiểu” ư? Đó gọi là hiểu mà không thấu! Thế nên vẫn không gọi là hiểu.
Từ hôm được khai sáng trí tuệ, gặp ai cô cũng cảm thấy trên mặt người ta khắc mấy chữ “mìn” hoặc “công binh gỡ mìn”.
Một quả mìn, nếu không có lính gỡ mìn chuyên nghiệp gỡ thường xuyên sẽ phát nổ vô tổ chức, đe dọa đến tính mạng của người khác.
Một cô công binh gỡ mìn, nếu không có mìn để gỡ, sẽ bị gia đình thúc giục, bị người ngoài chê cười.
Nếu mìn nhà anh mà anh không gỡ, kẻ khác sẽ đến gỡ.
Đây chính là cuộc sống.
Đây chính là thế gian.
Lần sau đến huyện B, cô luôn có cảm giác trên mặt mình được khắc dòng chữ “công binh gỡ mìn”, tựa như tuyên bố với mọi người rằng: Tôi là công binh, đến huyện B gỡ mìn.
Ngồi trên xe, từ đầu đến cuối cô chỉ cúi đầu hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ, nếu không cô cứ có cảm giác rằng các hành khách trên xe đều đang nhìn cô bằng ánh mắt soi mói, đoán ra mục đích của cô trong chuyến đi này và đang thầm cười nhạo cô.
Sau khi đến huyện B, cô về thẳng phòng anh và lấy chìa khóa ra mở cửa, rồi cô vào phòng chốt cửa lại, lục tìm cuốn “sách nhập môn” kia.
Muốn lâm trận thì phải mài gươm cho sắc. Muốn móc hết số thuốc nổ trong mìn thì không thể không có một vài kỹ thuật phòng hộ. Buộc phải ôn lại “bài tập” trước khi anh về, giống như chuẩn bị cho kỳ thi đại học vậy.
May mà anh chưa mang cuốn “sách nhập môn” đó đi trả, nó vẫn còn nằm lẫn trong đống giáo án của anh.
Có tật giật mình, cô mở cuốn giáo án thật ra trước rồi đặt trên bàn, đề phòng có ai đó vào. Sau đó cô mới mở cuốn “sách nhập môn” ra, vẫn đọc phần đầu, chủ yếu là đối chiếu với phần lên đỉnh, xem xem lần trước mình giả vờ có giống không, sau này những điểm nào cần phải cải tiến, rút kinh nghiệm.
Nếu bị anh phát hiện ra là cô “giả vờ lên đỉnh”, chắc chắn anh sẽ rất bực, nghĩ cô đã lừa anh, và qua đó kết luận rằng, cô không phải là người thật thà, cô không yêu anh thật lòng.
Cô cảm thấy mình cũng không phải là người thật thà, nhưng không thể đánh đồng cái gọi là “không thật thà” với “không yêu”. Cô “giả vờ lên đỉnh”, không chỉ là vì để mình đỡ bị giày vò đau đớn, mà cũng là vì muốn để anh vui.
Cô tập trung đọc phần một, phát hiện thấy kỹ thuật “giả vờ lên đỉnh” của mình còn khá vụng về, vì còn rất nhiều kỹ xảo với độ khó cao mà cô chưa thể nắm bắt, ví dụ toát mồ hôi, đỏ mặt, nước nhiều...
Không biết sau khi miệt mài học hành, khổ luyện, có nắm bắt được những kỹ thuật này hay không?
Mặc dù cô đã đọc lại phần một một lần, nhưng vẫn không hề có cảm giác đỏ mặt, tim đập thình thịch, rất bình thường, tựa như ngày ngày đọc báo cáo thí nghiệm vậy.
Cô bắt đầu cảm thấy lo lắng, không biết phải làm thế nào đây? Thế mà còn đòi chuẩn bị cho công cuộc móc hết thuốc nổ trong trái mìn (đã bị dồn nén trong hai tuần chứ có ít đâu!), nếu cứ khô như ngói thế này thì chết con người ta à?
Cô giở sang phần tiếp theo, một cái tên rất dài, dường như tác giả có mối thù với độc giả hay sao mà như thể không muốn để độc giả nhớ tên truyện vậy.
Lần này nữ chính là một góa phụ trẻ. Mặc dù cũng sống ở nông thôn nhưng khác với nữ chính trước, chị này quá hiểu cao trào là gì, tiếc là người chồng khi đi chăn dê lại sảy chân ngã xuống vực chết, người vợ trẻ một mình lẻ bóng, không có ai bầu bạn sớm chiều.
Thân đầy tuyệt kĩ, chỉ tiếc không có đối thủ! Nỗi đau này, một kẻ không chút ngón nghề như cô không thể thấu hiểu. Cũng giống như vậy, nỗi đau của cô, những người như cô nàng góa phụ kia cũng không thể thấu hiểu. Tông Gia Anh sẽ không thấu hiểu, chị cả cũng không thể hiểu. Thật sự không biết trên thế gian này có ai thấu hiểu được nỗi đau của cô!
Lại nói về người góa phụ trẻ kia, kể từ khi chồng chết, không còn được đàn ông nhuận sắc, ngày càng gầy gò, khô héo, đêm dài dằng dặc, chỉ biết ra sau vườn hái dưa, hái cà giải khuây.
Một hôm, người góa phụ trẻ thuê một người đến sửa chuồng lợn, đó là một chàng trai trẻ trung, cường tráng, nhìn thấy cơ bắp săn chắc của anh chàng khi đào đất, người góa phụ cảm thấy ngất ngây. Sau khi xong việc, anh chàng ra giếng tắm, chắc là nghĩ bốn xung quanh không có ai, liền cởi hết quần áo và giội nước liên hồi, nước da màu đồng, bóng loáng, nước lăn từ trên thân hình rắn chắc xuống mà không để lại dấu vết gì.
Người góa phụ nấp ngoài nhìn trộm lập tức mềm nhũn người.
Đêm đến, người góa phụ mò vào phòng anh chàng làm thuê, thấy anh ta đang ngủ say trong tư thế đầy khiêu khích, không chịu nổi nữa, chị ta liền rón rén bước tới, cởi quần áo rồi trèo lên.
Các tình tiết sau đó tương tự như phần trước, toàn những lời dâm ô, rên rỉ các kiểu.
Cô vừa đọc xong phần này thì đến giờ phải đi mua cơm, xách nước, lần này cô đã không còn lạ lẫm, thoăn thoắt đến nhà ăn và phòng đun nước mua cơm và lấy nước, lấy một nửa xô để tắm rửa rồi ngồi đọc tiếp.
Sau khi trời tối, cô liền cất cuốn sách về chỗ cũ và đợi Vương Thế Vĩ về phòng.
Một lúc lâu sau cô mới nghe thấy bên ngoài có tiếng nói chuyện, cô nhận ngay ra tiếng anh giữa mấy người đó. Lần đầu tiên cô phát hiện ra tiếng anh cũng hay hơn tiếng người khác. Cô hồi hộp lắm, tim đập thình thịch, tưởng tượng ra cảnh anh vừa mở cửa nhìn thấy cô, chắc chắn lại cuống lên bắt cô làm “chuyện nghiêm túc”, ngay cả cảnh anh chốt cửa thế nào, vứt chiếc áo đang vắt trên vai xuống ra sao, sà tới ôm cô thế nào, cởi quần áo cô ra sao... cô đều tưởng tượng ra hết.
Cửa phòng bị đẩy ra, anh đứng bên khung cửa, ngoác miệng nhìn cô, cười. “Anh biết là em đến mà.”
“Sao anh lại biết?”
“Phòng bật đèn.”
Cô bật cười, nói: “Biết thế này thì em đã tắt đèn đi, trốn trong bóng tối đợi anh.”
“Tại sao?”
“Hù anh một trận thôi.”
“Hơ hơ, hù làm gì nhỉ?” Anh không sà tới mà chỉ buông chiếc áo đang vắt trên vai xuống ghế. “Đi, sang nhà anh Lý ăn cơm.”
“Sang nhà anh Lý ăn cơm hả?”
“Ừ, vợ anh ấy nấu xong rồi.”
Cô tưởng tượng ra cảnh Tiểu Triệu một tay bế con, một tay xào nấu thức ăn mà thấy nao lòng. “Chị ấy nấu cả cơm cho mình nữa hả?”
“Chắc chắn là nấu rồi.”
“Chị ấy biết hôm nay em đến à?”
“Tiểu Triệu không biết hôm nay em đến, nhưng biết anh sang nhà họ ăn cơm.”
“Sao chị ấy lại biết?”
“Tối nào anh chẳng ăn cơm nhà họ.”
“Sao tối nào anh cũng sang nhà họ ăn cơm?”
“Mùa này trời tối muộn, bọn anh đá bóng xong quay về thì nhà ăn đóng cửa rồi.”
Cô cảm thấy rất áy náy. “Người ta trông con đã vất vả rồi mà còn phải nấu cơm cho các anh...”
“Phụ nữ thì phải làm các việc đó chứ!”
Câu nói này nghe rất chối tai, chắc chắn nét mặt cô không hề dễ coi.
Anh đã phát hiện ra, liền giải thích: “Ý anh không phải nói em, mà là nói vợ anh Lý. Đi thôi, mọi người đang đợi mình đấy.”
Cô không muốn sang nhà người khác ăn cơm, chỉ muốn ăn cùng anh. “Em không sang đâu, chị ấy không biết em đến, chắc chắn không nấu suất của em.”
“Không sao đâu, anh và anh Lý uống thêm vài chai bia là no, em đủ cơm ăn mà.”
“Thế... anh đợi em lấy túi sữa mang sang cho con chị ấy, em mua cho em bé.”
“Ừ.”
Cô ra chỗ túi xách lấy gói sữa, anh cũng bám theo, nhìn thấy đồ hộp liền nói: “Mang cả đồ hộp sang luôn.”
Cô cầm hai hộp, anh lại rút ra hai hộp nữa. “Mang thêm đi, uống bia tốn thức ăn lắm, mang ít không đủ ăn.”
“Em mua cả cơm ở nhà ăn rồi.”
“Mang hết sang.”
Hai người phải đi hai chuyến mới mang hết được đống đồ ăn, sữa bột và đồ hộp sang nhà anh Lý. Nói “ăn cơm nhà anh Lý” nhưng thực tế là ăn cơm ngoài hành lang nhà anh Lý, phòng nhà anh Lý chỉ rộng như phòng anh, kê một chiếc giường đôi là hết chỗ đặt bàn ăn, đành phải để chiếc bàn gấp trước cửa, bình thường gập lại dựng ở góc tường, đến lúc ăn cơm lại lấy ra.
Cơm canh đã được bày ra, mấy thầy giáo nhìn có vẻ là người của đội bóng hô hào gọi nhau, mang ghế, đồ ăn nhà mình ra, có người còn bê cả bát cơm đang ăn dở sang nhà thầy Lý tụ tập.
Sáu, bảy người vây quanh một chiếc bàn nhỏ, chỉ có cô là phụ nữ, Tiểu Triệu không vào mâm vì nói đã tranh thủ ăn trong lúc con ngủ rồi.
Đàn ông uống rượu, ăn đồ ăn Tiểu Triệu nấu và cả mấy món đồ hộp, củ cải muối mà cô mang sang, cười nói ồn ào, ngoài chúc rượu, ép rượu, còn bàn luận chuyện bóng đá, đội mình, đội tuyển tỉnh, đội tuyển quốc gia, rồi cả các câu lạc bộ quốc tế.
Dường như anh chìm đắm trong niềm vui tụ tập với bạn bè, hoàn toàn quên mất rằng cô cũng có mặt ở đây.
Dường như cô lại quay về với mấy năm trước, ngồi trong nhà ăn số 3 nhìn anh và người khác ăn cơm. Hồi ấy ngồi cách rất xa. Hiện tại thì ngồi rất gần. Hồi ấy không nghe thấy tiếng anh nói. Hiện tại lại thấy nhức óc vì quá ồn ào. Cô ăn qua loa mấy miếng rồi rời bàn, quyết định quay về phòng anh. Cô liền ra chào mọi người: “Em về trước đây, các anh cứ vui đi nhé!”
Cô về đến phòng nhưng anh không về, cô nghe thấy anh nói với vẻ rất thoải mái: “Không sao, không sao, vợ chồng già cả rồi, cần gì phải về cùng nữa?”