Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 2) - Chương 10 - 11 - 12

TỪ STUNG TRENG ĐẾN SIÊM PĂNG.

Ngày 4/ 1, chúng tôi lại lên đường đánh chiếm Siêm Păng, một thị xã nằm bên bờ sông Mê Kông, trên bản đồ tác chiến thấy dòng sông này từ Lào chảy sang và gặp sông Mê Kông tại thị xã Stung Treng, khi về BTM Sư đoàn nhìn toàn bộ bản đồ Đông Dương, thì mới biết dòng sông này chảy từ miền A Lưới của Việt Nam, qua miền Hạ Lào và về Campuchia... về lại Tây Nguyên Việt Nam.

Trung đoàn 31 f309 đã đánh chiếm thị xã này, sau khi chiếm Von Sai vài ngày trước đó, và chúng tôi có nhiệm vụ bắt liên lạc với e31.

Từ Stung Treng, chúng tôi chia thành hai cánh quân, bộ phận chúng tôi theo đường sông, và một bộ phận theo đường bộ QL13, với đội hình một d của e29 có xe tăng hỗ trợ.

Đi dọc hai bên bờ sông bằng thuyền máy của anh em công binh, dễ dàng nhận ra những Phum của dân bỏ hoang dọc đường, vẫn là những ngôi nhà sàn mái ngói sang trọng, hình ảnh của một thời hoàng kim, một đời sống thanh bình, trước khi tên đao phủ Pốt, đưa cả dân tộc này vào thế giới hoang tàn… Dòng nước chảy khá mạnh, thuyền máy công suất nhỏ nên đi rất chậm, hai khẩu 12.7 luôn hướng về hai bên bờ chuẩn bị chiến đấu. Sóng nước lao xao, như lòng người đang dâng đầy niềm vui dào dạt, nhớ đến dòng sông quê hương chảy từ Đập Đá An Nhơn, qua những cánh đồng trù phú... trước khi chảy về quê tôi và ra biển…

“Tôi vẫn thích cái tên sông La Tinh của dòng sông, bởi sông đã sinh ra bao cánh đồng màu mỡ, cùng với những làng, xóm, thôn trù phú dọc đôi bờ, tạo nên sự sống cho vùng đất An Nhơn, Phù Cát và Phù Mỹ. Không biết từ vùng núi cao của trập trùng cao nguyên Gia Lai, băng qua những cánh rừng đại ngàn, qua những vùng quê, suốt hành trình cần mẫn, nhọc nhằn của mình, sông đã đem lại cuộc sống tươi vui đầm ấm cho bao người… quần tụ bên hai bờ sông ngày càng đông đúc, tháng năm vui cuộc sống cấy cày, chài lưới.”

Ven bờ Mê Kông, có những đoạn trống không có rừng. Dòng sông uốn lượn giữa cánh rừng nguyên sinh bát ngát hút tầm mắt. Những bờ lau sậy phất phơ. Chấp chới những cánh cò trắng. Ríu ran từng đàn chim le le, chim sếu… Chiếc thuyền vẫn ngược dòng trên sông. Cánh quạt xẻ dòng nước làm đôi, màu trắng xóa của nước cuốn theo.

Vùng Đông bắc Campuchia và Tây Nguyên đang vào mùa hoa dã quỳ khoe sắc. Màu hoa dát vàng khắp triền sông, nơi có những Phum làng, những hàng cây ăn trái ven bờ sum suê trái. Trong cái nắng, cái gió và mênh mang rừng già, dòng sông chảy lững lờ êm ả trĩu nặng phù sa…

Dọc đường chúng tôi không gặp một sự kháng cự nào của địch, giữ khoảng cách an toàn, thuyền vẩn chầm chậm lướt tới, xa xa cũng có nghe tiếng pháo của tăng trong đội hình đi dọc đường 13…

Gần ba giờ ngược dòng, chúng tôi gặp anh em 309 cũng dùng thuyền, xuôi dòng để bắt liên lạc với chúng tôi, hai bên gặp nhau… thuyền của các anh đảo một vòng, và nhập vào cùng một đội hình, có thêm anh em, chúng tôi cũng đỡ phải lo, và gần một giờ sau chúng tôi đến thị xã Siêm Păng.

Khi thấy anh em đứng trên bờ đón chúng tôi, ai cũng mừng ra mặt, neo thuyền xong chúng tôi lên bờ và để lại một số anh em cảnh giới...

Một thị xã hoang tàn, đường giao thông hư hại và có lẽ cũng ít sử dụng trong thời của Pốt… hai bên con đường chính vào thị xã, có rất nhiều cây phượng đang kì thay lá, thân cây trơ trọi với những mầm xanh của chồi non…

Cũng đẹp cũng thơ mộng như Stung Treng, và cũng chịu chung số phận là những thành phố chết, nhìn cảnh thành phố không một bóng người, chúng tôi cũng thấy một điều gì khó tả, phía sau ngôi nhà hoang vắng kia là những cánh đồng bằng phẳng bạt ngàn, phía trước là dòng sông, bên kia bờ là những cánh rừng nguyên sinh mọc theo bờ sông, những thân dây leo vươn ra là là mặt nước… chim rừng hót líu lo…

Lực lượng được tỏa ra truy quét các khu vực xung quanh thị xã, nhưng hình như chúng đã rút đi và lùa dân sang bên kia sông.

Dùng phần lương khô bữa trưa xong, chúng tôi chia tay với những người anh em e31 để quay về… tôi chọn phương án đi theo xe không trở về bằng thuyền.

Con đường hư hại nham nhở. Hai bên đường các loại gỗ quý, to cao, ba người vòng tay ôm không xuể. Bụi mù trời. Bụi tung lên theo bánh xe quay, vần vụ, đặc quánh, vì không có gió xua tan giữa tiết trời mùa khô. Khăn tay bịt mặt, hai tay bám chặt thành xe, nhưng người tôi cứ chồm lên thả xuống liên hồi. Xe vẫn chạy với tốc độ rùa bò. Nhiều, rất nhiều đoạn đường, xe hết nghiêng bên này lại nghiêng bên nọ, do cơ man những ổ voi nối tiếp nhau trải dài tưởng chừng bất tận. Bụi chui vào trong xe, nhuộm tóc tai, lông mày, lông mi... mọi người vàng quạch, bất kể các ô cửa kính cabin đều đóng chặt. Không khí trong thùng xe ngột ngạt, khó thở. Những tiếng ho khục khạc vì sặc bụi cứ râm ran. Mệt nhoài vì người ngợm bị hành hạ tra tấn liên tục, tôi cảm thấy các khớp xương đau nhừ, và đầu óc cứ ong ong, váng vất... Rất may là sau khi vượt qua đoạn đường “đau khổ,” với độ dài mấy chục cây số, trước mắt tôi là thị xã Stung Treng,... chấm dứt một ngày rong ruổi qua miền đất chết Siêm Păng.

Mùa khô đầu tiên… Mùa khô nơi vùng Đông bắc Campuchia... Mùa khô của những cánh rừng khộp…

Nắng chói chang gay gắt ngay từ khi mặt trời lên cho đến lúc mặt trời lặn. Không khí nóng hầm hập suốt ngày, bởi trời luôn đứng gió. Những dòng suối không còn nước chảy. Thú rừng, chim muông cũng rời bỏ rừng khộp mà đi... Chỉ cây lá giang vẫn lên xanh giữa mùa khô nắng lửa. Chỉ những cây bồ ngót rừng, lên xanh cho bữa canh bộ đội…

TỪ STUNG TRENG ĐẾN SAMBOK – KRATIE

Nếu ai hỏi quốc lộ nào trên thế giới có những ổ voi to nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: đó là Quốc lộ 13 từ Stung Treng đi Kratie, với chiều dài trên dưới 150 km, đường xấu đến nỗi xe thiết giáp M113 cũng không thể chịu nổi.

Đội hình rời Stung Treng khoảng bảy giờ sáng sau bữa cơm nóng…

Khi qua ngã ba QL13 và 19 khoảng hơn 10 km, thì chúng tôi bước vào địa giới của tỉnh Kratie, trên bản đồ ghi là Sambok (có lẽ là một huyện của tỉnh)… lại một lần nữa đi qua những nơi, mà cách đây vài ngày chúng tôi còn phải tranh thủ chạy – thở để vào Stung Treng (không thì QK7 cắm cờ, QK5 không hoàn thành nhiệm vụ…) nơi này anh Siêu nện một trái cối 60 thằng tài xế Pốt vĩnh viễn ra đi... nơi đây thằng Pốt chạy xuống bờ sông, núp dưới những lùm sậy bị chúng tôi chơi hai quả M79… nồi cơm đi vào lịch sử với ba tầng khác nhau.

Tôi ngồi trên chiếc M113 thứ tư của đội hình, ôm tấm bản đồ của toàn vùng… nhớ lại con đường 19 từ Đức Cơ đỏ quạnh, với những trận đánh để đời không thể nào quên… những anh em đã ngã xuống… những cung đường phải vượt qua trong đêm tối… mặc cho chiếc xe M113 đang chao qua đảo… anh xạ thủ súng máy nghiêng ngửa theo xe, miệng lúc nào cũng phát âm tiếng Đan Mạch rất là chuẩn.

Con đường nằm giữa hai hàng cây… bụi mù và hoang tàn không thể tưởng tượng được, chắc có lẽ khi người Pháp làm con đường này, cũng không thể nào hình dung ra nó tàn tệ đến như vậy.

Phumi Prek Preah, là Phum đầu tiên chúng tôi tiếp cận, sau hơn một giờ ngồi trên xe tập vũ điệu gồ ghề… khi cách Phum chừng 200 m trinh sát chúng tôi nhảy xuống xe, vào Phum này để xác định có dân ở hay không… không có gì… ngoài cảnh vắng lặng đến ghê người…những ngôi nhà cũng khá đẹp hầu như không có ai ở trong nhiều năm hoang phế…lá cây rụng phủ đầy lối đi một lớp dày…chỉ có hàng cây vú sữa là còn xanh tươi với trái trĩu cành, anh em bộ binh cũng nhảy xuống, và đảo quanh xem tình hình, nhũng Phum làng sao đẹp thế với những rừng cây tươi mát mà hoang vắng đến lạ, hình như Pốt chỉ có phá đi, tiêu hủy đi, chứ không thấy xây dựng cái gì, ngay cả các cột mốc cây số cũng bị phá.

Phum Sre Sray cũng không có gì khác, cũng con đường hư nát chạy qua Phum, có nhiều con đường mòn nhỏ cắt ngang, một con nai chà (nai già) thình lình giật mình bỏ chạy vào rừng, nhưng cũng không kịp so với sơ tốc đầu đạn của một loạt AK của một anh lính BB nào đó, nó ngã xuống và các nhà giải phẩu học lại có điều kiện thực tập… Hoang vắng điêu tàn…

Sre Sbov một Phum kéo dài theo hai bên đường chừng hơn cây số, có lẽ nơi đây là trung tâm của khu vực này, có bóng dáng người dân ở, những ngôi nhà sàn mái ngói, bên trong có giường chiếu, bàn ghế hẳn hoi, nông cụ vứt bừa bãi cùng với đạn của các loại súng, có hai chiếc xe tải còn mới đậu ngay sát bìa rừng, trên xe chở đầy cá khô và những thứ khác. Trong một căn nhà sàn sang trọng bậc nhất có treo tấm hình của Pốt phóng to (có lẽ là nhà của Lục Thum hay Ăngka gì đó) chén sứ Trung Quốc, đũa ngà, quốc phục màu đen của Pốt vứt vương vãi trên sàn.

Tranh thủ có gạo sẵn và nồi niêu, chúng tôi dừng đội hình và nấu cơm trưa, anh nuôi nhanh chóng nổi lửa, các đơn vị triển khai cảnh giới phía sau bìa rừng, không cho phép ai đi lung tung sợ phải vấp mìn của địch.

Thịt con nai được quấn trong những bó lá Lốt, nướng lên thơm phức, lính ta bỏ hết bát sắt và ăn bằng chén sứ Trung Quốc (loại nhỏ có bốn chữ xung quanh: Có ngày ăn bốc).

Lâu lắm rồi anh nuôi mới được phục vụ anh em bữa cơm ngon lành giữa đường hành quân.

Ăn cơm xong đội hình tiếp tục lên đường…

Lúc này chúng tôi bắt đầu cẩn thận, vì chuẩn bị bắt liên lạc với anh em QK7, càng về cuối đường 13 đường càng xấu, với những cuộc dừng bất ngờ để sửa xe, những chàng lính thiết giáp mồ hôi nhễ nhại với những tấm lưng trần…

Dòng sông Mê Kông hiện ra bên phải đường: Phum Sandal...

Nằm cạnh bờ sông có bãi cát rộng, có những ngôi nhà còn mang hơi người, đây có thể cũng là Phum có đông dân ở vì những giàn bí, cây ăn trái rất nhiều, có dấu chân heo bò trâu nhưng chẳng thấy con nào. Lòng sông nơi đây hẹp và nước chảy xiết hơn có lẽ do lòng sông cạn. Nhìn sang bên kia sông loáng thoáng những ngôi nhà sàn, rừng cây bao phủ quanh Phum.

Đi dọc theo QL13 dọc bờ sông cảnh vật có mang một chút gì đó của cuộc sống, hai bên đường lác đác có nhà dân, đường vẫn xấu tệ, hai bên đường cây rừng thưa thớt hơn tạo ra những khoảng trời mênh mông nắng chói chang.

Hơn hai giờ chiều chúng tôi gặp anh em QK7, một đơn vị của Sư 5 với lực lượng khoảng một C cách Phum Sambok chừng hơn cây số, anh em ra đón chúng tôi cũng là bộ đội nhập ngũ 1977, 1978 là dân thành phố, Tây Ninh, Sông Bé... mới từ bên nhà sang, quần áo giày dép còn mới, nhìn có vẻ chưa đánh trận gì nhiều.

Đội hình dừng lại chừng nửa giờ, trao đổi nhiệm vụ, và được biết f5 chuẩn bị vượt sông Mê Kông trong vài ngày nữa, nhìn anh em mới sang, chúng tôi liên tưởng đến quê nhà, với một chặng đường không xa lắm theo QL 13, chúng tôi sẽ về Tây Ninh và đặt chân lên đất mẹ…

Đội hình quay trở lại, đêm đó chúng tôi nghỉ lại Phum Sandal, đến Stung Treng vào chiều hôm sau, để chuẩn bị vượt sông Mê Kông, tiếp tục cuộc hành trình Biên giới Tây nam từ Đức Cơ đến chùa Prết Vi Hia.

VƯỢT SÔNG MÊ KÔNG

(Bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch)

Sáng ngày 7/ 1, khi chúng tôi xuống đến đoạn vượt sông, đã thấy phà ghép bằng xà lan đã chuẩn bị sẵn, toàn bộ trinh sát f đi chuyến đầu tiên cùng với d1 e95.

Phà từ từ rời bến nhè nhẹ lướt nước sang sông… Mê Kông nước đục phù sa…

Bỏ lại sau lưng cố đô thanh bình và êm ả, đến giữa dòng sông, Mê Kông không còn cái vẻ hiền hòa thơ mộng như lúc ban đầu. Dòng chảy đã trở nên hung dữ bởi những xoáy nước lúc ẩn lúc hiện. Đứng phía sau sà lan nhìn lại bờ đông Mê Kông, tôi có cảm tưởng một sự ngăn cách giữa chúng tôi và đất mẹ Việt Nam, dù rằng lòng sông khoảng chừng cây số, tất cả đều nhìn bờ đông với mọi tâm trạng khác nhau.

Bầu trời trong xanh, con phà cắt ngang và xuôi theo dòng nước, bờ đông lùi dần... chỉ còn thấy thấp thoáng anh em của e95 trên bờ... bờ tây dần hiện rõ.

Sau khoảng gấn nửa giờ... phà cập bến... chúng tôi lên bờ… bờ sông còn mang mùi tử khí, vì đêm 3/ 1, đêm đầu tiên ta chiếm thành phố hoang tàn này, địch cũng còn tấn công sang ta bằng 12.7… đường đạn bay ban đêm đỏ rực trời, xé tan bầu trời yên tĩnh, chúng ta đã phản lại bằng mọi thứ hỏa lực hiện có, pháo 37 li đường đạn như kẻ chỉ... đường thẳng vạch trong không gian... có lẽ một đơn vị đặc công nào đó, đã tấn công đêm trước, làm bàn đạp cho chúng tôi vượt sông. Những cây dừa bị đạn pháo cắt cụt ngọn, máu, thịt còn vương vãi khắp dãy chiến hào dọc bờ sông, bông băng nhuộm đỏ màu máu, vứt tung tóe bên đường, những căn nhà ngói đẹp đẽ bị đạn pháo làm đổ sập, và gần như đất ở đây đã trở thành bụi… hoang tàn và chết chóc.

Đội hình trải dài dọc sông chờ đội hình…

Khi toàn bộ d1 e95 sang bờ tây, chúng tôi đi cùng với một nhóm bộ đội bạn, tuổi cũng còn rất trẻ như chúng tôi, và có một số cán bộ ta làm công tác dân vận, địch vận đi kèm, họ nói với nhau bằng tiếng Khơ-me, tiến vào Phum đầu tiên của bờ tây.

Tại đây lần đấu tiên, chúng tôi gặp dân Campuchia, những con người cùng cực đang đứng bên bờ vực của sự diệt chủng, những thân hình ốm nhách, mặt mày xanh như tàu lá có lẽ vì đói, bệnh tật và một phần sợ Con tóp Việt Nam, họ tập trung ngay giữa Phum thành từng nhóm vài chục người. Cán bộ dân vận ta và các chiến sĩ của bạn, làm công tác tuyên truyền… những đôi mắt ngơ ngác đầy sợ hãi. Chúng ta lọc theo độ tuổi là đàn ông dưới năm mươi tuổi, các cụ già, phụ nữ và con nít để tuyên truyền, chúng tôi đứng cạnh họ và anh em BB canh gác vòng ngoài.

Khoảng gần trưa, ta phá kho thóc cứu đói cho dân, kho thóc là những dãy nhà tôn dài vài chục mét, tất cả cửa đều đóng kín. Tôi dùng báng súng đánh bật cánh cửa, và lúa từ trong ào ra ngập cả chân, dân chúng lấy mọi thứ có thể đựng lúa được, xúc lấy xúc để như chưa bao giờ được xúc lúa. Tản ra mấy ngôi nhà xung quanh, họ tìm cách giã lúa lấy gạo nấu cơm, lúc này nhìn mặt ai cũng rạng rỡ. Người dân vùng này nhà nào cũng có cối giã gạo, nhưng khác với cối của ta. Họ chôn cái cối xuống đất, phía trên có một cây đòn to và dài chừng hai mét, một người đứng cuối dậm xuống cây đòn, nâng cao đầu đòn, thả cho đầu đòn rớt xuống miệng cối. Họ nhanh chóng sàng gạo và kiếm cách nấu cơm, qua các cán bộ dân vận, chúng tôi được biết là do chúng ta đánh nhanh quá, chúng bỏ chạy và không lùa dân đi theo được, thế nhưng cũng có một số dân không hiểu vì lí do gì, cũng bị chúng bắn chết phía trong của Phum khoảng vài chục người. Dân họ không dám mở kho lúa vì sợ Pốt trở lại, mặc dù họ đã nhịn đói hơn hai ngày rồi.

Không có gì để ăn, phụ nữ tỏa ra xung quanh kiếm rau và các thứ có thể ăn được, bộ đội bạn cho vài người trung niên xuống lại bờ sông kéo lưới, và kiếm thêm được ít cá, họ chỉ ăn nướng và xin muối bộ đội ta.

Đang khi chúng ta ăn cơm, có một số phụ nữ có con nhỏ đến xin thức ăn bộ đội ta, anh em ta cũng nhường cho họ, và chỉ ăn cơm với bột canh pha nước sôi.

Khu vực này thuộc Phum Thala, nằm trong huyện Se San của tỉnh Stung Treng. Sau nhiều năm tháng sống ở chùa Preah Vihear, mỗi lần về Stung Treng tôi đều ở bên bờ tây vì không khí nơi đây trầm lắng, yên tĩnh không náo nhiệt như phía bên bờ đông. Phụ nữ vùng này khá là xinh, họ có nước da trắng trẻo, đôi mắt đượm buồn mang vẻ quyến rũ kì lạ, giọng nói của họ nghe cũng thanh thoát nhẹ nhàng, nếu so với các khu vực khác của miền Đông bắc, chỉ có điều vẻ đẹp mặn mà quyến rũ ấy, đã bị che khuất bởi những nỗi buồn vời vợi trong hoang mang và sợ hãi, của một thời như Trịnh Công Sơn đã viết “một rừng xương khô… một núi đầy mồ.”

Ôi! Những vẻ đẹp mặn mòi, như những miền đất trồng hoa quả, được phù sa bồi đắp ven sông Mê Kông.

Chúng tôi lại nhanh chóng lên đường, giao lại vị trí cho đơn vị e29, và hành quân theo đường 126 về thị trấn Chhep, một thị trấn nhỏ nằm trên QL 12 từ thị xã Congpong Thom kéo dài đến một Phum Sralau nằm ngay dưới chân thác của dòng Mê Kông từ nước bạn Lào chảy qua, dọc đường nơi đây có vẻ tĩnh mịch và hoang vắng, hai bên toàn là rừng Khộp, đường thì quá xấu, càng xa dòng Mê Kông, sự hoang tàn càng lộ rõ.

Trên đường đi có một tên Pốt, vác khẩu B40 đang nấp sau một cành cây chuẩn bị bắn vào chiếc xe DOG hậu cần, thì bị TMT e95 phát hiện ông chụp nhanh khầu B40 của một anh lính và tiêu diệt tên này.

Đêm ấy chúng tôi nghỉ cách bờ sông Mê Kông chừng 15 km, đêm đầu tiên của bờ tây Mê Kông với nhiều nỗi mong nhớ trăn trở...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3